Dòng Máu

Chương 2




BERLIN

Thứ 2, ngày 7 tháng Chín, 10 giờ sáng

Anna Roffe Gassner biết rằng mình không thể hét lên lần nữa nếu không muốn Walther quay lại và giết chết mình. Bà nằm co ro trong phòng ngủ, người run lên không kiềm chế được, và chờ chết. Câu chuyện bắt đầu từ cảnh thần tiên lãng mạn đã chấm dứt trong sự ghê rợn khủng khiếp, ghê rợn đến khó nói thành lời. Bà đã mất rất nhiều thời gian mới đương đầu được với sự thật. Người mà bà lấy làm chồng là một tên sát nhân cuồng loạn.

Anna Roffe chưa hề biết yêu ai trước khi cô gặp Walther Gassner, kể cả cha, mẹ và bản thân cô. Anna vốn yếu ớt bệnh hoạn và thường xuyên phải chịu đau đớn do các cơn choáng váng ngất xỉu. Cô cũng không nhớ nổi quãng thời gian ra khỏi bệnh viện hay các nữ y tá hoặc các chuyên gia bay đến từ các miền đất xa xôi. Bởi vì cha cô là Anton Roffe, thuộc tập đoàn Roffe và các con, nên những chuyên gia y khoa hàng đầu đã đến bên giường bệnh của Anna ở Berlin. Nhưng họ đã khám, đã kiểm tra và đã ra đi mà không biết gì hơn những gì họ đã biết. Họ không thể chẩn đoán được căn bệnh của cô.

Anna không thể đến trường như những đứa trẻ khác và càng ngày cô càng trở thành ít nói, tự tạo cho mình một thế giới riêng, đầy những mộng tưởng kỳ diệu, nơi mà không một ai được phép bước vào.

Cô tự vẽ ra bức tranh cuộc đời mình bởi vì những màu sắc của thực tại quá gay gắt khiến cô không sao chấp nhận nổi. Khi Anna lên mười tám, những cơn choáng váng, ngất xỉu đột nhiên biến mất một cách khó hiểu như khi chúng xuất hiện. Nhưng chúng cũng kịp phá hỏng cuộc đời cô. Ở vào lứa tuổi mà phần đông các cô gái đã đính ước hoặc kết hôn thì Anna vẫn chưa hề biết đến một nụ hôn của các chàng trai.

Cô cố tự khẳng định rằng mình chẳng hề quan tâm.

Cô bằng lòng sống cuộc sống mơ mộng của mình, xa lánh mọi việc và mọi người. Năm cô hai mươi lăm tuổi có nhiều người ngỏ lời cầu hôn cô, bởi vì Anna là cô gái có món hồi môn vô cùng lớn và lại là người của một trong những dòng họ danh giá nhất thế giới.

Rất nhiều người muốn được chung hưởng tài sản của cô. Cô đã nhận được lời cầu hôn của một bá tước Thuy Điển, một nhà thơ Italia và năm, sáu hoàng thân từ các quốc gia khác nhau. Nhưng Anna từ chối tất cả.

Anton Roffe đã rên lên trong lễ sinh nhật lần thứ ba mươi của cô. "Rồi tôi sẽ chết mà chẳng có đứa cháu ngoại nào mất".

Trong ngày sinh lần thứ ba nhăm, Anna đến Kitzbuhel ở Áo và cô đã gặp Walther Gassner, huấn luyện viên trượt tuyết, trẻ hơn cô mười ba tuổi.

Lần đầu tiên trông thấy Walther, Anna như mụ mẫm cả người đi. Anh ta đang trượt xuống đường dốc đua Hahnekamm và đó là cảnh tượng đẹp nhất mà cô đã từng thấy. Cô đi đến gần cuối đường trượt để nhìn anh ta rõ ràng hơn.

Trông anh ta như một thiên thần trẻ trung và Anna cảm thấy việc nhìn anh ta cũng đủ khiến cho cô cảm thấy vô cùng thoả mãn. Và anh ta chợt thấy ánh mắt của cô đang nhìn mình.

- Cô không trượt tuyết sao, thưa cô?

Cô lắc đầu cảm thấy không còn tin vào giọng nói của mình nữa và anh ta mỉm cười.

- Vậy cho phép tôi mời cô dùng bữa trưa.

Anna chạy vụt đi trong sự sợ hãi, như một nữ học sinh vậy. Kể từ đó, Walther Gassner ra sức theo đuổi cô Anna Roffe đâu phải khờ dại gì. Cô thừa biết mình không đẹp mà cũng chẳng tài giỏi, cô chỉ là một phụ nữ bình thường, ngoài sự nổi tiếng của dòng họ ra thì chẳng còn gì để dâng hiến cho một người đàn ông. Nhưng Anna cũng biết rằng bên trong vẻ ngoài tầm thường đó cô vẫn là một cô gái nhạy cảm, tràn ngập tình yêu, thơ và nhạc.

Có lẽ vì Anna không đẹp nên cô luôn tỏ ra sùng kính cái đẹp. Cô thường đến các viện bảo tàng lớn và bỏ ra hàng giờ để chiêm ngưỡng các bức tranh và các pho tượng.

Khi cô trông thấy Walther Gassner, cô có cảm giác như tất cả các vị thần đã bừng tỉnh vì cô.

Walther Gassner đến gặp Anna ngay ngày hôm sau khi cô đang ngồi ăn sáng trên sân thượng của khách sạn Tenerhof. Trông anh ta đúng là giống một thiên thần trẻ tuổi. Anh ta nhìn nghiêng trông rất cân đối, nét mặt thanh nhã, nhạy cảm, sinh động. Khuôn mặt anh ta rám nắng và hàm răng trắng tinh đều đặn. Anh ta có mái tóc vàng hoe và cặp mắt xám đen.

Anna có thể cảm nhận được cử động của các bắp thịt trên cánh tay và đùi anh ta đằng sau bộ quần áo trượt tuyết và cô cảm thấy bị kích thích dữ dội. Cô giấu đôi bàn tay vào vạt áo để anh ta không trông thấy sự rung động của cô.

- Tôi đã đi tìm cô trên các đường trượt suốt buổi chiều hôm qua, - Walther lên tiếng. Còn Anna không thể nói được gì. - Nếu cô chưa biết trượt tuyết, tôi sẽ chỉ bảo cho cô. - Anh ta mỉm cười và nói thêm, - Không cần thù lao.

Anh ta đưa cô đến Hausberg, dốc trượt dễ nhất để học bài học đầu tiên. Cả hai đều lập tức nhận ra rằng Anna không hề có khiếu trượt tuyết. Cô liên tục mất thăng bằng và bị ngã, nhưng cô vẫn cố gắng tập tiếp vì cô sợ Walther sẽ tỏ ra coi thường nếu cô bỏ cuộc. Rốt cuộc, sau khi đỡ cô dậy lần thứ mười, anh ta dịu dàng nói:

- Có lẽ cô thích hợp với những việc khác hơn là việc nầy.

- Việc gì? - Anna khổ sở hỏi.

- Tôi sẽ cho cô biết vào bữa ăn tối nay.

Họ đã cùng nhau ăn bữa tối hôm đó và bữa sáng hôm sau, rồi lại bữa trưa và bữa tối. Walther đã bỏ rơi các khách hàng khác. Anh ta đưa Anna vào làng thay vì dạy cô trượt tuyết, dẫn cô đến sòng bạc ở Der Goldene Greif, đi mua sắm, đi xe trượt, đi tản bộ hoặc ngồi nói chuyện hàng giờ trên sân thượng của khách sạn. Đối với Anna, đây quả thực là quãng thời gian tuyệt diệu.

Năm ngày sau khi họ gặp nhau, Walther cầm lấy bàn tay cô và nói:

- Anna, em yêu, anh muốn kết hôn cùng em.

Anh ta đã làm hỏng mọi chuyện. Anh ta lôi cô ra khỏi thế giới thần tiên tuyệt diệu và đưa cô trở về với hiện thực phũ phàng về con người cô. Một chiến lợi phẩm chẳng có gì hấp dẫn và đã ba mươi lăm tuổi tuy vẫn còn trinh trắng dành cho kẻ đào mỏ.

Cô cố bỏ đi nhưng Walther đã ngăn lại.

- Chúng ta yêu nhau, Anna. Em không thể tránh né điều đó.

Cô lắng nghe anh ta nói dối, nghe những gì anh ta nói "Từ trước đến giờ anh chưa hề yêu bất cứ một ai", và cô cố làm cho anh ta cảm thấy thoải mái vì thực ra cô cũng rất muốn tin anh ta. Cô đưa anh ta về phòng mình, họ ngồi xuống nói chuyện và khi Walther kể cho Anna nghe câu chuyện của anh ta, bỗng nhiên cô bắt đầu tin tưởng với một niềm tin kỳ lạ rằng đó cũng là câu chuyện đời mình.

Cũng như cô, Walther chưa hề biết yêu ai. Anh ta bị mọi người xa lánh vì đã có mặt trên đời với tư cách là một đứa con hoang, giống như Anna bị xa lánh bởi bệnh tật của mình. Cũng như cô, Walther tha thiết được dâng hiến tình yêu của mình. Anh ta sống trong cô nhi viện và đến năm mười ba tuổi, khi vẻ đẹp khác thường xuất hiện, đám đàn bà trong đó bắt đầu lợi dụng anh, đưa anh về phòng họ hàng đêm, lên giường cùng anh và chỉ bảo cho anh cách đem lại cho họ nhiều lạc thú. Và bù lại, họ thưởng cho anh đồ ăn, những miếng thịt ngon, những món tráng miệng. Anh ta nhận được mọi thứ, ngoại trừ tình yêu.

Khi Walther đủ tuổi rời khỏi cô nhi viện, anh nhận thấy cuộc đời bên ngoài cũng không có gì khác. Đàn bà muốn lợi dụng vẻ đẹp của anh ta, coi anh ta như món đồ trang sức, nhưng sự việc chỉ dừng lại đến thế.

Họ tặng anh ta tiền bạc, quần áo, vàng bạc đủ loại nhưng chưa bao giờ là chính bản thân họ.

Anna nhận ra Walther chính là người bạn đời của mình, một người giống hệt với mình. Họ kín đáo tổ chức lễ thành hôn ở toà thị chính thành phố.

Anna cứ tưởng rằng bố cô sẽ vui mừng khôn xiết. Nhưng không, ông đã nổi cơn điên khi biết chuyện nầy.

- Sao mày ngốc thế hả con, - Anton Roffe quát vào mặt cô. Mày muốn lấy một thằng đào mỏ chẳng ra gì. Bố đã kiểm tra nó kỹ lưỡng rồi. Cả đời nó chỉ bám váy đàn bà, nhưng cũng chưa kiếm được con nào ngu đến mức chịu lấy nó cả.

- Thôi đi, - Anna thổn thức, - Bố chẳng hiểu gì về anh ấy cả.

Nhưng Anton Roffe biết chắc rằng mình hiểu rất rõ về Walther Gassner. Ông cho mời chàng rể đến văn phòng của mình.

Anh ta nhìn quanh căn phòng có lớp ván lót tường mầu sẫm và treo đầy tranh cổ với vẻ hài lòng rồi nói:

- Con thích chỗ nầy.

- Đúng. Tôi chắc rằng nó đẹp hơn hẳn cô nhi viện.

Walther ranh mãnh nhìn ông, ánh mắt đột nhiên trở nên đề phòng.

- Bố nói gì cơ ạ?

Anton trả lời:

- Bỏ cái giọng ỡm ờ đó đi. Anh đã phạm phải một sai lầm. Con gái tôi không có tiền đâu.

Cặp mắt xám của Walther dường như hoá đá.

- Bố định nói gì đấy ạ?

- Tôi chẳng định nói gì với anh cả. Tôi đang nói thẳng ra đây. Anh sẽ chẳng lấy được gì của Anna đâu, vì nó vốn cũng chẳng có gì cả. Nếu anh tìm hiểu tường tận hơn thì nhất định anh sẽ biết rằng Roffe và các con có tổ chức rất chặt chẽ. Điều đó có nghĩa là không có cổ phần bán ra ngoài. Chúng tôi sống rất thoải mái nhưng chỉ đến thế thôi. Không có tài sản nào được phép bị thất thoát cả.

Ông lục túi, lôi ra một phong bì và ném nó lên bàn, trước mặt Walther.

- Đây là phần đền bù cho những khó nhọc của anh. Tôi cũng hy vọng rằng anh sẽ rời khỏi Berlin lúc sáu giờ. Tôi không muốn Anna nghe thấy tin tức gì của anh nữa.

Walther điềm tĩnh trả lời.

- Chẳng lẽ bố không nghĩ rằng con lấy Anna đơn giản là vì con yêu cô ấy?

- Không. - Anton chua chát trả lời. - Thế anh đã từng nghĩ thế sao?

Walther nhìn ông một lát.

- Để xem con đáng giá bao nhiêu.

Anh ta xé phong bì và đếm tiền. Ngước mắt nhìn lên Anton Roffe, anh ta nói:

- Thế mà con cứ tự cho là mình đáng giá hơn hai mươi nghìn mác nhiều.

- Đó là tất cả những gì anh có. Như thế là đã may mắn lắm rồi đấy.

- Vâng. - Walther nói. - Nếu bố muốn biết sự thật, con nghĩ là con đã rất may mắn. Cám ơn bố.

Anh ta lạnh nhạt bỏ phong bì vào túi và bước ra cửa.

Anton Roffe thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Ông vừa trải qua cảm giác tội lỗi và ghê tởm về việc mình đã làm nhưng ông biết rằng đây là giải pháp duy nhất. Anna sẽ đau khổ khi bị chú rể bỏ rơi, nhưng như thế còn tốt hơn là để chuyện đó xảy ra sau nầy. Ông sẽ cố tạo cơ hội cho cô gặp gỡ những người đàn ông đầy đủ tư cách và phù hợp với lứa tuổi của cô, ít nhất cũng là những người biết tôn trọng cô nếu như không yêu cô. Một người quan tâm đến bản thân cô chứ không phải là danh tiếng hay tiền bạc của gia đình cô. Người mà không bị mua chuộc bằng hai mươi nghìn mác.

° ° °

Khi Anton Roffe về đến nhà, Anna chạy ra chào đón ông, mắt vẫn còn ngấn lệ. Ông ôm chặt cô và nói:

- Anna, con yêu, mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Rồi con sẽ quên anh ta…

Và qua vai cô, Anton nhìn thấy Walther Gassner đứng trên ngưỡng cửa. Anna giơ cao ngón tay, nói:

- Bố hãy xem món quà của Walther cho con. Chắc đây là chiếc nhẫn đẹp nhất mà bố từng thấy phải không? Nó trị giá đến hai mươi nghìn mác.

Cuối cùng thì bố mẹ Anna cũng phải chấp nhận Walther Gassner. Để làm quà cưới, họ đã mua tặng đôi vợ chồng một toà nhà có vườn xinh đẹp ở Wannsee với đồ đạc kiểu Pháp, trang trí bằng nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ, đi văng và những chiếc ghế êm ái, bàn làm việc kiểu Roentgen đặt trong thư viện và nhiều tủ sách dựng dọc theo tường. Tầng hầm được trang bị nhiều đồ đạc thuộc thế kỷ mười tám mua từ Đan Mạch và Thuy Điển.

- Như thế là quá nhiều rồi, - Walther nói với Anna. - Anh không muốn lấy thêm bất cứ thứ gì từ bố mẹ em hoặc từ em nữa. Anh muốn tự mình mua cho em những thứ tuyệt đẹp khác, em yêu. - Anh ta cười to và nói, - nhưng anh lại không có tiền.

- Dĩ nhiên là anh có. - Anna trả lời. - Cái gì của em cũng là của anh.

Walther mỉm cười với cô và nói:

- Thế à?

Với sự khẩn khoản của Anna, vì Walther có vẻ miễn cưỡng khi nói chuyện tiền bạc, cô giải thích cho anh ta nghe về tình trạng tài chính của mình. Cô có một khoản tiền uỷ thác đủ giúp cô sống thoải mái trọn đời, còn phần lớn tài sản của cô là những cổ phần trong tập đoàn Roffe và các con. Các cổ phần nầy sẽ không được bán ra ngoài nếu không có sự đồng ý của hội đồng quản trị.

- Số cổ phần của em trị giá bao nhiêu? - Walther hỏi.

Anna nói với anh ta, Walther hầu như không tin nổi vào tai mình. Anh ta bảo cô nhắc lại tổng số.

- Vâng. Anh họ Sam của em sẽ không cho ai bán ra cả. Anh ấy nắm giữ những cổ phần có tính quyết định. Một ngày…

Walther bày tỏ sự quan tâm của mình với công việc kinh doanh của gia đình vợ. Nhưng Anton Roffe phản đối quyết liệt.

- Một tay trượt tuyết vô công rỗi nghề có thể làm gì cho Roffe và các con? - ông hỏi.

Nhưng cuối cùng thì ông cũng phải nhượng bộ con gái và Walther được vào làm ở bộ phận hành chính của tập đoàn. Anh ta càng ngày càng tỏ ra xuất sắc trong công việc và thăng tiến nhanh chóng. Hai năm sau đó, khi bố của Anna qua đời, Walther Gassner đã trở thành thành viên của hội đồng quản trị. Anna rất tự hào về chồng mình. Anh ta quả là người chồng và người tình tuyệt vời. Anh ta thường tặng cô hoa và những món quà nhỏ, anh ta luôn tỏ ra thích thú khi được ở nhà cùng cô vào những buổi tối, khi chỉ có hai người bên nhau. Hạnh phúc của Anna dường như quá lớn so với sự tưởng tượng của cô. "Tạ ơn Chúa kính yêu", cô thường tự nhủ như vậy.

Anna học nấu ăn để cô có thể làm cho Walther những món ăn mà anh ta ưa thích. Cô biết làm món Choucroute, một lớp dưa bắp cải giòn và khoai tây nghiền nát như kem phủ lên trên với một miếng sườn hun khói, thêm một khúc xúc xích Frankfork và một khúc xúc xích Nuremberg. Cô nấu món thịt bê bằng bia và gia giảm bằng thìa là Ai Cập, rồi dọn ra với một quả táo nướng đã được bỏ vỏ và hột, bên trong nhồi đầy quả airelle màu đỏ.

"Em là đầu bếp cừ nhất thế giới, em yêu" Walther sẽ nói vậy và mặt Anna sẽ đỏ bừng vì kiêu hãnh.

Ba năm sau ngày cưới, Anna có mang.

Cơn đau kéo dài trong tám tháng đầu tiên, nhưng Anna vẫn sung sướng chịu đựng. Chỉ có một việc khiến cô phải bận tâm.

Nó bắt đầu vào một ngày, sau bữa ăn trưa. Cô vừa ngồi mơ màng vừa đan cho Walther một chiếc áo len thì nghe thấy giọng nói của anh ta:

- Lạy Chúa, Anna, em làm gì mà ngồi trong bóng tối vậy?

Hoàng hôn đã buông xuống và cô nhìn chiếc áo len chưa hề đụng tới trên lòng. Ngày đã trôi qua từ lúc nào? Tâm trí của cô đang trôi về đâu? Sau đó, Anna đã nhiều lần trải qua tình trạng tương tự như vậy và cô bắt đầu tự hỏi liệu có phải việc rơi vào cõi hư vô nầy một điềm báo hiệu cô sắp chết. Cô không nghĩ rằng mình sợ chết, nhưng cô không thể chịu được ý nghĩ phải xa Walther.

Bốn tuần trước ngày em bé ra đời, Anna lại sa vào chốn hư vô và bị trượt trên bậc thang rồi ngã xuống.

Cô tỉnh dậy trong bệnh viện.

Walther đang ngồi bên giường, nắm chặt lấy tay cô.

- Em làm anh lo sợ quá.

Trong cơn hoảng hốt bất ngờ, cô chợt nghĩ "Con mình! Mình không hề cảm thấy nó". Ruột gan cô thắt lại.

- Con em đâu? - Cô hỏi.

Walther ôm chặt lấy cô.

Ông bác sĩ nói:

- Bà đã sinh đôi, bà Gassner.

Anna quay sang Walther, cặp mắt anh ta đẫm lệ.

- Một trai một gái, em yêu.

Cô thấy mình chết ngất vì sung sướng. Cô bỗng khát khao được ôm các con vào lòng. Cô phải nhìn thấy chúng, sờ chúng, ôm ấp chúng.

- Chúng ta sẽ nói về chuyện đó khi nào bà thấy khoẻ hơn, - Ông bác sĩ nói. - Cho đến khi bà khoẻ hơn.

Mọi người tin rằng Anna sẽ bình phục nhanh chóng, nhưng cô lại trở nên sợ hãi. Có cái gì đó đang xảy ra với cô mà cô không thể hiểu nổi. Walther đến, cầm tay cô và chào tạm biệt, còn cô thì ngạc nhiên nhìn anh ta và nói, "Nhưng anh mới ở đây…". Sau đó cô nhìn đồng hồ và thấy rằng đã ba, bốn tiếng đồng hồ trôi qua. Cô không biết thời gian đã trôi đi đâu.

Cô cũng lờ mờ nhận ra rằng họ cỏ mang hai đứa con đến cho cô vào ban đêm và cô đã nhanh chóng thấy buồn ngủ. Cô không thể nhớ rõ ràng, và cô đâm ra ngại hỏi han. Cũng không làm sao cả. Cô sẽ có chúng khi Walther đưa cô về nhà.

Rồi cái ngày tuyệt vời đó cũng đến. Anna xuất viện trên một chiếc xe đẩy, dù cô nhất định bảo rằng mình đã đủ sức để tự bước đi. Quả thật là cô cảm thấy mình còn rất yếu, nhưng cô đã quá hồi hộp được trông thấy các con nên không còn việc gì là quan trọng với cô nữa. Walther đẩy cô vào nhà rồi đưa thẳng cô lên buồng ngủ của họ.

- Không, không! - Cô nói. - Cho em đến phòng các con.

- Đây là lúc em cần nghỉ ngơi, em yêu. Em vẫn còn yếu…

Cô không nghe anh ta nói gì nữa. Cô vùng khỏi tay anh ta và chạy sang phòng bọn trẻ.

Anna phải mất một lúc mới điều chỉnh được mắt do căn phòng chìm trong bóng tối vì các rèm cửa đều đã buông xuống. Lòng cô tràn ngập hồi hộp nên cô càng cảm thấy choáng váng. Cô chỉ lo mình sẽ ngất xỉu.

Walther đi vào sau cô, anh ta đang nói, đang cố giải thích điều gì đó nhưng chẳng còn gì quan trọng nữa.

Vì các con cô ở đó. Chúng đang ngủ trong nôi và Anna nhẹ nhàng bước tới, cố gắng không quấy rầy chúng. Cô đứng đó, chăm chú ngắm nhìn các con. Chúng là những đứa trẻ đẹp nhất mà cô từng thấy. Ngay lúc nầy đây, cô đã thấy đứa con trai có gương mặt đẹp trai và mái tóc hoe của bố. Còn con gái giống hệt một con búp bê với mái tóc vàng mượt như nhung và khuôn mặt nhỏ xinh hình tam giác.

Anna quay sang Walther, giọng nghẹn ngào:

- Chúng đẹp quá! Em… thật hạnh phúc quá.

- Nào, Anna - Walther thì thầm. Anh ta choàng tay qua người Anna và ghì chặt lấy cô, một sự ham muốn mãnh liệt dâng lên trong người. Anna bắt đầu cảm thấy khao khát. Đã lâu rồi họ không làm tình với nhau. Walther nói đúng. Cô còn nhiều thời gian để lo cho bọn trẻ.

Cô đặt tên cho con trai là Peter còn con gái là Brigitta. Chúng là hai điều kỳ diệu tuyệt vời mà cô và Walther đã tạo nên, và Anna thường ở lỳ hàng giờ trong phòng hai con để nô đùa với chúng, chuyện trò với chúng. Mặc dù chúng còn chưa hiểu được cô, nhưng cô cũng biết rằng chúng cảm nhận được tình yêu của cô. Đôi khi, trong lúc nô đùa, cô quay lại và thấy Walther đứng ở ngưỡng cửa, vừa từ nhiệm sở về nhà và Anna nhận ra một ngày đã qua.

- Đến đây với mẹ con em đi, - Cô thường nói. - Chúng em đang nô đùa vui lắm. - Em chưa chuẩn bị bữa tối phải không? - Walther hỏi, và cô chợt cảm thấy có lỗi. Cô định bụng sẽ để ý đến chồng nhiều hơn, bớt chăm lo các con, nhưng rồi sự việc đó lại tái hiện vào ngày hôm sau. Hai đứa bé cứ như những cục nam châm hút chặt lấy cô. Anna vẫn còn yêu Walther rất nhiều và cô cố che giấu mặc cảm tội lỗi bằng cách tự nhủ rằng các con cũng là một phần của anh ta. Đêm nào cũng vậy, khi Walther vừa ngủ say là cô rời khỏi giường và chạy sang phòng bọn trẻ, mải mê ngắm nghía chúng cho đến khi ánh sáng ban ngày lọt vào phòng. Rồi cô lại vội vã quay trở lại giường trước khi Walther kịp thức giấc.

Một lần, giữa đêm khuya, Walther bước vào phòng nuôi trẻ và bắt gặp cô.

- Em đang làm gì ở đây vậy? - Anh ta hỏi.

- Không, anh yêu. Em chỉ…

- Về giường ngủ đi!

Đó là lần đầu tiên anh ta nói với cô như vậy.

Vào bữa điểm tâm, Walther nói:

- Anh nghĩ chúng ta nên đi nghỉ mát một chuyến. Đi xa sẽ tốt cho chúng ta.

- Nhưng, Walther, các con còn quá bé, làm sao đi được?

- Anh chỉ nói là hai chúng ta thôi.

- Em không thể rời chúng được. - Cô lắc đầu

Anh ta cầm tay cô và nói:

- Anh muốn em tạm quên các con đi.

- Quên các con ư? - Giọng nàng sửng sốt.

Anh ta nhìn vào cặp mắt cô và nói:

- Anna, hãy nhớ xem chúng ta đã vui vẻ bao nhiêu trước khi em có mang? Lúc đó hạnh phúc biết bao? Thật tuyệt diệu khi chúng ta được ở bên nhau, chỉ có hai chúng ta, không có ai khác xen vào.

Bấy giờ thì cô đã hiểu. Walther ghen ngay với cả các con của mình.

Thời gian cứ vùn vụt trôi qua. Giờ đây thì Walther không bao giờ chịu đến gần bọn trẻ. Anna đã mua rất nhiều món quà tuyệt vời mừng sinh nhật chúng.

Walther thì luôn cố gắng thu xếp để vắng nhà vì lý do công việc. Anna không thể cứ tiếp tục lừa dối bản thân mãi. Sự thật là Walther không hề thích bọn trẻ chút nào. Anna cảm thấy đây có thể là lỗi của cô, bởi vì cô quá quan tâm đến chúng. Bị ám ảnh là cụm từ mà Walther hay dùng. Anh ta đã đề nghị cô đi khám bác sĩ, và cô đã đi để làm vui lòng anh ta. Những bác sĩ là một gã khờ. Nhưng Anna để mặc cho tâm trí buông trôi, chẳng thèm nghe từ khi ông ta bắt đầu nói chuyện cho đến khi cô nghe thấy.

- Hết giờ rồi, bà Gassner. Chúng ta sẽ gặp lại vào tuần tới chứ?

- Dĩ nhiên.

Nhưng cô chẳng bao giờ quay lại cả.

Anna cảm thấy vấn đề chính vẫn là cả Walther và cô. Nếu lỗi của cô là quá yêu thương các con thì lỗi của Walther lại là không hết lòng yêu thương chúng.

Anna cố tìm cách không đề cập đến các con trước mặt Walther, nhưng cô gần như không thể chờ cho tới lúc anh ta đi làm mới có thể vội vàng chạy vào phòng nuôi trẻ để gần gũi chúng. Hai đứa đã qua sinh nhật thứ ba và Anna có thể thấy chúng thật giống người lớn. Peter trông cao hơn so với tuổi, thân hình rắn chắc khoẻ mạnh như bố nó vậy. Anna thường ôm nó vào lòng và lẩm bẩm:

- Nầy Peter, con sẽ đối xử với các cô gái đáng thương ra sao đây? Hãy dịu dàng với họ, con yêu của mẹ. Họ sẽ không có cơ hội.

Peter mỉm cười bẽn lẽn và ôm chặt lấy mẹ.

Rồi Anna quay sang Brigitta. Cô bé ngày càng xinh đẹp hơn. Nó không giống cả Anna và Peter. Brigitta có mái tóc vàng óng ả và làn da mịn màng như làm bằng sứ vậy. Tính khí Peter nóng nảy như bố và điều đó làm Anna đôi khi phải đánh nhẹ vào mông nó, còn Brigitta thì trái lại, có tính khí như của một thiên thần. Những khi Walther vắng nhà, Anna thường nghe nhạc hoặc đọc truyện cho các con nghe. Cuốn sách mà chúng thích nhất là 10 truyện cổ tích. Chúng thường năn nỉ Anna đọc đi đọc lại cho chúng nghe những câu chuyện ma quái, yêu tinh, phù thuỷ và mỗi đêm, Anna thường đặt chúng vào giường, hát bài hát ru:

Ngủ đi con, ngủ đi

Bố đang chăn cừu…

Anna đã cầu nguyện, mong rằng thời gian sẽ làm dịu bớt đi thái độ của Walther, rằng anh ta sẽ thay đổi. Nhưng không, anh ta đã thay đổi theo chiều hướng còn tồi tệ hơn. Anh ta căm ghét các con. Lúc đầu Anna tự bảo rằng như thế là Walther muốn cô dành tất cả tình yêu cho anh ta, rằng anh ta không muốn chia sẻ tình yêu đó cho ai. Nhưng rồi cô dần nhận ra chuyện đó chẳng liên quan gì đến tình yêu của mình. Anh ta ghét cả cô nữa. Bố cô đã nói đúng. Walther cưới cô chỉ vì tiền. Hai đứa con là nỗi lo ngại của anh ta. Anh ta muốn tống khứ chúng đi. Càng ngày anh ta càng nói nhiều đến chuyện bán cổ phần.

- Sam không có quyền ngăn chặn chúng ta! Chúng ta có thể lấy tất cả tiền và đi thật xa. Chỉ hai chúng ta thôi.

Cô nhìn anh ta:

- Thế còn các con?

Cặp mắt anh ta trở nên háo hức.

- Không. Hãy nghe anh nói đây. Vì lợi ích của đôi ta, phải tống khứ chúng đi. Vậy thôi.

Đến lúc đó thì Anna đã nhận ra rằng anh ta bị điên. Và cô vô cùng hoảng sợ. Walther đã đuổi hết tất cả gia nhân trong nhà, ngoại trừ một người đàn bà đến quét dọn mỗi tuần một lần. Anna và bọn trẻ ở nhà một mình với anh ta, nằm đưới sự khống chế của anh ta. Anh ta cần được giúp đỡ. Có lẽ cũng còn chưa quá muộn để cứu anh ta. Vào thế kỷ mười lăm, những người điên bị bắt và nhốt trọn đời trên những nhà thuyền Narrenschiffe, tàu giam người điên, nhưng ngày nay, với nền y học tiến bộ, cô cảm thấy người ta có thể làm được điều gì đó để giúp Walther.

° ° °

Giờ đây, vào ngày nầy của tháng chín, Anna ngồi co ro trên sàn phòng ngủ mà Walther đã khoá ngoài đợi ông ta trở về. Bà biết bà phải làm gì. Vì lợi ích của ông ta, cũng như của bà và các con. Anna loạng choạng đứng lên và đi về phía điện thoại. Bà lưỡng lự một lát rồi cầm máy lên và quay số 110, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát.

Một giọng nói xa lạ vang lên trong tai bà:

- A lô, đây là phòng cấp cứu sở cảnh sát. Tôi có thể giúp gì cho bà?

- Xin ông làm ơn! - Giọng bà nghẹn ngào. - Tôi…

Một bàn tay chợt từ đâu thò ra giật lấy ống nghe của bà và quật mạnh lên giá.

Anna lùi lại.

- Ôi, em van anh, - Bà thổn thức, - đừng đánh em.

Walther tiến lại phía bà, cặp mắt sáng rực, giọng nói dịu dàng đến mức không thể tin nổi.

- Em yêu, anh sẽ không làm em đau đâu. Anh yêu em mà, bộ em không biết thế sao? - ông ta chạm vào người bà và bà cảm thấy sởn cả gai ốc. - Và chúng ta cũng không muốn cảnh sát tới đây, phải không nào? - Bà lắc đầu lia lịa, không cất nên lời vì quá sợ hãi. - Chính bọn trẻ gây ra chuyện nầy, Anna. Chúng ta sẽ tống khứ chúng đi. Anh…

Chuông cửa bỗng reo vang dưới lầu. Walther lưỡng lự đứng yên tại chỗ. Tiếng chuông lại vang lên.

- Ở lại đây - ông ta ra lệnh. - Anh sẽ quay lên ngay.

Anna đờ người ra nhìn ông ta bước ra ngoài phòng ngủ. Walther dập cửa đánh sầm và bà nghe rõ tiếng khoá lách cách bên ngoài.

- Anh sẽ quay lên ngay.

Walther Gassner vội vã chạy xuống nhà, đi ra mở cửa. Một người đàn ông trong bộ đồng phục bưu điện màu xám đứng đó, trong tay cầm một phong bì dán kín.

- Tôi có bức điện tối khẩn gửi cho ông bà Walther Gassner.

- Vâng. - Walther trả lời. - Anh cứ đưa cho tôi.

- Ông ta đóng cửa lại, nhìn chiếc phong bì trong tay và mở nó ra xem. Rất từ từ, ông ta đọc từng chữ trong bức điện.

VÔ CÙNG ĐAU ĐỚN BÁO TIN CHO ÔNG BIẾT, SAM ROFFE ĐÃ CHẾT TRONG VỤ TAI NẠN LEO NÚI.

YÊU CẦU ÔNG CÓ MẶT Ở ZURICH VÀO CHIỀU THỨ SÁU ĐỂ THAM DỰ PHIÊN HỌP KHẨN CẤP CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ.

Bức điện được ký tên "Rhys Williams!"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.