Đợi Tới Khi Ve Xanh Rơi Rụng

Chương 43




Thứ Bảy sáng bảnh mắt Trần Phổ đã nhận được điện thoại của anh cả Trần Đồng gọi anh về nhà ăn cơm. Bình thường cả nhà đều bận rộn, hiếm khi rảnh rỗi như hôm nay nên tụ tập ăn uống.

Gần tới trưa, Trần Phổ lái xe về nhà. Nhà anh ở một khu biệt thự trong trung tâm thành phố, vườn hoa rộng hai ha, có bốn người giúp việc, một người phụ trách làm vườn, một người phụ trách nấu cơm, một người phụ trách dọn vệ sinh và người còn lại trông con giúp anh trai anh.

Trần Phổ vừa mở cửa liền nhìn thấy bố mẹ, anh cả anh hai đều ở đó, đang ngồi trên sô pha nói chuyện. Chị dâu đang chơi đồ chơi cùng con trai trên thảm. Chị dâu thứ vừa mới kết hôn, đang cúi đầu tập trung ăn táo.

Trần Phổ đá giày về phía sảnh, đi dép lê của mình vào. Mọi người trong phòng ngừng nói chuyện, nhìn anh.

Trần Phổ nói: “Nhìn con làm gì? Đẹp trai hơn rồi à?”

Mẹ Trần tên Lưu Phương Vân nhanh chân bước ra đón con trai. Năm nay bà đã sáu mươi lăm tuổi, Trần Phổ là con trai út của bà. Bà Lưu Phương Vân trách anh: “Con đẹp trai gì? Đen đi, lại gầy rồi! Cứ nhất quyết làm cảnh sát thôi, chao ôi!”

Trần Phổ cà lơ phất phơ đi vào trong nhà, nằm ườn trên chiếc ghế sô pha đơn, nói: “Cũng do hồi ấy mọi người bày mưu mà? Có trách cũng phải trách chồng mẹ, còn cả hai anh con trai của mẹ nữa.”

Bố Trần đã quen với cái nết lưu manh của con út, dạo này ông đang tập trung dưỡng khí nên thầm nhủ bình tĩnh bình tĩnh, rồi lại tự rót cho mình một tách trà.

Trần Đông chỉ biết cười. Nếu nói từng tuổi này mà bố anh còn cần dưỡng khí thì người đeo kính gọng vàng, mặc chiếc áo polo cổ bẻ thương hiệu nội địa như anh đã qua giai đoạn tâm lý cần dưỡng khí từ lâu rồi, nụ cười điềm tĩnh luôn hiện hữu trên gương mặt anh.

Anh hai Trần Lan không ưa nết em trai, lạnh lùng nói: “Ngồi thẳng dậy, ba mươi tuổi đầu rồi mà không ra thể thống gì cả.”

Trần Phổ nhỏ hơn Trần Đồng mười hai tuổi và nhỏ hơn Trần Lan sáu tuổi. Hồi nhỏ bố mẹ bận rộn, tuy rằng có bà nội và bảo mẫu chăm sóc, nhưng cũng một tay Trần Lan nuôi anh lớn. Cũng có thể nói rằng “rèn” anh lớn. Mặc dù từ nhỏ Trần Phổ đã quậy phá, đi đâu cũng làm giặc con. Nhưng Trần Lan còn thâm hiểm và hung hãn hơn nhiều so với đứa em ba thẳng như ruột ngựa này, anh ấy cũng từng là đại ca trường Trung học Trực thuộc suốt mấy năm, nhưng thành tích của Trần Lan tốt hơn em trai rất nhiều, đánh giỏi học hay. Nên cũng khó mà nói khí chất giang hồ thuở xưa của Trần Phổ có phải do anh hai “rèn” ra, à không, “nuôi” nên.

Từ nhỏ Trần Phổ đã không dám ngang ngược trước mặt Trần Lan nên vội vã ngồi thẳng dậy.

Trần Lan nói với bố mẹ: “Mẹ à, Tiểu Phổ muốn làm cảnh sát thì cứ để nó làm, mẹ đừng than nữa. Có thể làm một nghề suốt bao nhiêu năm như vậy, bất kỳ ai cũng thấy quý giá cả. Nếu không, mẹ còn muốn nó làm gì nữa?”

Trần Phổ sờ mũi, dùng giọng nói mà anh hai không thể nghe thấy chửi một câu “Mẹ kiếp”.

Bà Lưu Phương Vân: “Thôi, mẹ không nói không nói nữa. Cơ mà tuổi mụ của thằng bé cũng đã ba mươi rồi, cũng nên tìm bạn gái đi chứ. Trần Lan “nan giải” là con cũng đã kết hôn rồi, con cũng nên quan tâm đến em mình đi chứ.”

Mẹ nói đến đây, Trần Lan mới nhớ đến vợ mình, anh sang nhìn, không nói nên lời. Trần Lan giơ tay xoa đầu người ngồi cạnh, nói nhỏ: “Em ăn bao nhiêu quả táo rồi? Đừng ăn nữa! Táo lạnh, lát lại than đau bụng!” Nói rồi anh còn bưng đĩa trái cây trước mặt cô lên đưa cho giúp việc: “Mang đi, pha cho cô ấy một ly trà nóng.”

Chị dâu thứ trẻ tuổi cũng không vừa, lẩm bẩm: “Do bình thường anh không cho em ăn đấy. Lạnh lạnh lạnh, lạnh cái đầu anh, em mới hai mươi tám tuổi, sợ gì.”

Trần Phổ ngồi bên cạnh hai người, cười khúc khích.

Trần Lan không nạt vợ mình, chỉ nạt Trần Phổ, anh ấy liếc nhìn anh rồi nói: “Mày cười cái gì? Mày còn có mặt mũi mà cười à? Mẹ nói đúng đấy, mày cũng được di truyền từ bố mẹ, có xấu đâu, sao không thể dẫn bạn gái về nhà cho bố mẹ yên tâm? Do ngu không biết tán gái hay là xấu tính nên chẳng cô nào thèm?”

Lần này Trần Phổ không chịu được nữa, cười lạnh nói: “Anh hai, anh nói thế là thế nào? Chị dâu mà không tốt bụng thì anh còn cưới được vợ ở tuổi 35 à? Giờ là thời đại nào rồi, ở tuổi em còn có khối người chưa có bạn gái. Em bận rộn lắm, ngày nào cũng phải lo chuyện sinh tử, người em tiếp xúc toàn là xác chết và nghi phạm, tìm đâu ra bạn gái? Hơn nữa, yêu đương có gì tốt, còn phải tốn công dỗ dành người ta, em không có kiên nhẫn đến vậy đâu.”

Bà Lưu Phương Vân nghe mà sầm mặt, nói với chồng: “Anh xem anh xem, Trần Lan nói có sai đâu. Tính Tiểu Phổ thế này thì cô nào thích cho nổi?”

Trần Phổ còn nói: “Mẹ à, mẹ đã có một đứa cháu rồi, mấy hồi chị dâu thứ lại sinh thêm một đứa nữa, mẹ có thiếu cháu đâu, cứ giục con làm gì không biết.”

Chị dâu thứ nuốt một quả anh đào, lườm Trần Phổ: Cái thằng này, mày bị giục cưới, kéo chị theo làm gì? Trẻ thế này ma mới muốn sinh con nhé.

Trần Lan hiếm khi mỉm cười, anh rất muốn có con gái.

Sau khi nghỉ hưu, bố Trần đã gặp nhiều tình cảnh bi thảm của bạn bè xung quanh, bị con gái bất hiếu chọc tức thổ huyết, nên ông bình thản khuyên vợ mình: “Thôi em, nhà nào cũng có kinh khó thỉnh mà, ba đứa con nhà mình đứa nào cũng ngoan ngoãn, nó không phá của phá là được rồi.”

Anh cả Trần Đồng luôn im lặng uống trà giờ mới cất lời: “Thôi, mọi người đừng nói nữa. Trần Lan, em có vợ rồi thì bớt đắc ý, bớt thêm dầu vào lửa đi. Chuyện này cứ để Tiểu Phổ tự quyết định.”

Mọi người yên lặng.

Chị dâu cả đang chơi cùng con bên cạnh và chị dâu hai đang xoa bụng tiêu hóa đều cười thầm trong lòng. Gia đình này, bố chồng Trần ngày xưa sát phạt quyết đoán, giờ đã là Bồ Tát sống tu tâm dưỡng tính. Mẹ chồng Lưu Phương Vân hay nói nhưng tốt bụng, anh cả trầm tính, anh hai thông minh. Chỉ có mỗi khi chú út Trần Phổ trở về, trong nhà mới náo nhiệt, trò chuyện rôm rả. Tuy rằng mỗi lần đều mở cuộc họp phê bình chú út, nhưng dù mọi người nói thế nào, Trần Phổ cũng không tức giận. Hơn nữa tuy rằng anh cả, anh hai ngoài mặt thì nghiêm khắc với em trai, chứ trong lòng hai chị dâu biết rõ hai người thật lòng quan tâm đến em trai, hoàn toàn không có chuyện “drama” như anh em nhà giàu đấu đá nhau trong truyền thuyết.

Chung quy cả nhà đều là người thông minh, không làm chuyện ngu dốt thiển cận và tham lam.

Lúc này thức ăn cũng đã được chuẩn bị xong, cả nhà ngồi vào bàn, trò chuyện rôm rả, chơi cùng trẻ con, bầu không khí đầm ấm. Nhưng bố mẹ Trần Phổ chỉ vây quanh cháu, còn anh cả anh hai đều có vợ có chồng, điều này lại một lần nữa cho thấy Trần Phổ là người lẻ loi.

Nhưng Trần Phổ cũng không quan tâm, đang ăn bữa cơm tẻ nhạt, thì Trần Phổ chợt nghĩ: Không biết trưa nay Lý “tàn tật” ăn gì nhỉ? Chắc là đồ ăn ngoài, chân cô ấy vẫn chưa khỏi hẳn, không thể nào lết cái chân què đấy đi hầm canh được.

Trần Phổ vô thức nhìn màn hình điện thoại, tối đen, không một tin nhắn.

Hay mình gửi tin nhắn hỏi thử nhỉ? Trên bàn biết bao nhiêu sơn hào hả vị, mình gói một phần mang về cho cô ấy?

Nghĩ mãi nghĩ mãi anh lại thấy nản, thôi, người ta đâu cần mình mang về? Hữu tình uống nước cũng no! Ai còn nhớ tới người anh như mày nữa?

Một ngọn lửa vô danh bùng lên trong lòng Trần Phổ, không có chỗ trút, anh vừa ăn vừa thở dài thườn thượt.

Nào ngờ Trần Lan ngồi cạnh anh đã nghe thấy, móc mỉa: “Sao? Ai chọc nhãi con này bực à?”

Trần Phổ lườm anh, nhưng không thể nào đáp lại câu hỏi đó. Đồng nghiệp? Trần Lan sẽ hỏi nam hay nữ. Em gái của bạn thân thì càng không thể, chỉ e cả nhà sẽ đào bới sâu hơn.

Trần Phổ chỉ có thể cúi đầu uống trà.

Nhưng Trần Phổ có một thói quen tốt, tuy rằng anh rất bướng, nhưng khi gặp phải vấn đề khó khăn, nút thắt không giải quyết được, anh sẽ không đổ lỗi cho người khác, mà quen thu mình tự tìm nguyên nhân.

Uống một lúc, Trần Phổ bắt đầu tự ngẫm, thầm nghĩ anh không phải là anh ruột của Lý Khinh Diêu, quả thật dạo này anh đã nhập vai quá nhiều, lo lắng quá nhiều rồi. Thôi thì coi như anh đang đền đáp tình nghĩa anh em của Lý Cẩn Thành.

Nghĩ kỹ thì thực người đau lòng nhất trong câu chuyện năm đó có lẽ là Lý Khinh Diêu. Cô bé mới mười bảy, mười tám tuổi, mối tình đầu xuất sắc của cô phải vào tù, chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Sau đó anh trai lại mất tích, hai đòn liên tiếp giáng xuống, cô đã phải chịu áp lực lớn cỡ nào? Nếu là người có sức chịu đựng tâm lý kém, có lẽ đã suy sụp và sa ngã. Nhưng cô vẫn kiên cường, lần đầu tiên thi xếp thứ 220 toàn tỉnh, lần thứ hai thi đỗ trường cảnh sát. Cô thật sự rất giỏi chịu đựng, kiên cường, thậm chí là đáng kính.

Nghĩ đi nghĩ lại, cơn giận của Trần Phổ bỗng tiêu tan, anh tự nhủ, nhưng chuyện của cô ấy và Lạc Hoài Tranh dù sao cũng liên quan gián tiếp đến Lý Cẩn Thành, mình phải tìm cơ hội hỏi cho rõ ràng.

Lúc này mọi người đã ăn cơm xong, chị dâu thứ ham ăn đi đến cạnh sô pha, chỉ vào ba thùng vải chồng lên nhau, biết rõ mà vẫn còn hỏi: “Cái gì đây ạ?”

Bà Lưu Phương Vân nói: “Vải một người bạn ở Quảng Tây gửi đấy, lát nữa mấy đứa mang một hộp về ăn. Anh cả cũng lấy một hộp nhé.”

Trần Phổ nói: “Con cũng lấy một hộp.”

Bà Lưu Phương Vân ngẩn ra: “Con có thích ăn vải đây?” Thế nên bà vốn không tính phần của con trai út, còn một thùng tính giữ lại cho hai vợ chồng bà ăn.

Tuy rằng Trần Phổ không ăn, nhưng anh biết vải thiều rất ngọt, cũng mọng nước. Em gái chắc chắn thích ăn.

Thế là anh thản nhiên nói: “Con lấy cho đồng nghiệp ăn không được ạ? Ở chỗ làm cũng có vài mối quan hệ con cần duy trì mà.”

—Hết chương 43—

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.