[Đoản Văn Đam Mỹ] Các Thể Loại Siêu Dễ Thương!!!!

Chương 19: Chương 19: Nam Nhân Ngư: Hải Ngư (2)🌻




Kể từ ngày đó, tôi sống tại nhà anh ta cùng với bà cụ. Người trong làng nghe anh ta kể lại, ai cũng cười rộ lên nói tôi giống như nhân ngư vậy, đi từ ngoài biển vào trong đất liền giúp đỡ người dân. Trông giống gì nữa, tôi chính xác là nhân ngư mà, bất quá trước khi tôi cũng từng là người như họ, nhưng tôi bất hạnh hơn bọn họ: rằng tôi chẳng bao giờ có được một nụ cười thoải mái như thế.

Luận Bách ngày ngày cùng các ngư dân trong làng ra biển đánh bắt cá, xong lại mang những lưới cá đầy ắp ấy ra các chợ đầu mối lân cận. Còn bà cụ hằng ngày bán cá, mực, bạch tuộc tươi, công việc tuy có phần vất vả không mấy suиɠ sướиɠ như trong thành phố, nhưng nụ cười lúc nào cũng trên môi những người dân sống ở đây. Tôi đã bao lần tự hỏi, phép màu kì diệu nào giúp họ có thể sống lạc quan như thế. Phải chi, ngày trước tôi được sinh ra trong một gia đình gần biển, ngày ngày đánh bắt cá, cuộc sống thà vất vả nhưng đầm ấm thì hay biết mấy. Ít ra tôi chẳng phải mỗi ngày nghe những lời nói cay độc đau đến độ xé nát cả tâm can. Nhưng có lẽ, giờ những ước nguyện đó chỉ là ảo tưởng của một mình tôi. Tôi sớm đã chết, thân xác thật sự đã chìm xuống lòng biển kia rồi, đây chẳng qua là thân xác cùng danh phận tạm bợ mà thôi.

Tôi ngồi trên ghế gỗ, ngẩng đầu nhìn một vị khách đang lựa chọn cá tươi. Trông thấy tôi nhìn, người kia mỉm cười.

"Cậu có thể giúp tôi, cá này bán bao nhiêu một ký?"

Tôi không biết giá của nó, tôi cũng không lên tiếng trả lời, đứng dậy nhờ bác bên cạnh qua giúp.

"À, cá này đó hả cô, ba mươi ngàn một ký, cô thông cảm, thằng bé nó không nói được."

"Được."

Người khách kia mỉm cười thông cảm cho tôi.

"Cậu cân giúp tôi hai ký, chọn cá nào tươi nhé."

Tôi gật đầu, tay linh hoạt lấy bọc nilon rồi chọn cá thật tươi và nhiều thịt cho người khác, xong lại xoay người đặt lên bàn cân, xoay đồng hồ ra ngoài cho khách kiểm chứng là đủ hai ký. Lấy thêm một cái bọc khác, tôi cho túi cá vào rồi nhận một trăm ngàn từ người khách kia. Kéo tủ lấy tiền thối lại, tôi theo thói quen cúi đầu cảm ơn. Khách cười.

"Ngoan ghê, cảm ơn cậu."

Lấy tiền xong vị khách cũng bỏ đi, bác trai thấy vậy cũng cười hề hề. "Con biết chọn cá lắm nha, giỏi giỏi!"

Tôi gật đầu.

"Bất ngờ nha, Hải Ngư cũng biết bán cá cơ đấy."

Tôi đã sớm quen thuộc giọng nói kia, Luận Bách cười lớn rồi xoa đầu tôi, tôi im lặng quay lưng đi chỗ khác. Luận Bách thấy vậy cũng chỉ nghiêng đầu cười.

"Ngoại, lại đi nhặt vỏ sò nữa hả, để Hải Ngư ở nhà một mình em ấy sợ nãy giờ đó."

Tôi tự hỏi lòng mình rằng tôi sợ khi ở một mình ư? Không hề. Tôi đã sớm quen với việc cô độc rồi, thứ tôi sợ nhất chính là người khác đối xử với tôi quá tốt, cho tôi quá nhiều tình yêu thương, nó khiến tôi không kịp thời thích ứng được. Có lẽ, cũng bởi quen việc một mình nên tôi không muốn lên tiếng. Lên tiếng rồi cũng chẳng ai lắng nghe mà còn cho rằng tôi là một kẻ vô duyên.

Tôi vào nhà, nhường ghế lại cho Luận Bách bán cá. Đi vào trong, tôi nhìn một mớ vỏ sò nằm ngổi ngang trên bàn. Bên cạnh còn có chiếc vòng bằng vỏ sỏ xâu dở nửa chừng. Tôi đưa tay chạm đến, lay lay vỏ sò. Tôi ở đây có lẽ quá lâu rồi, chắc tôi nên rời bỏ chỗ này thôi, nhiêu đây là quá đủ rồi. Nếu tôi càng ở lâu, mọi người sẽ càng chán ghét tôi hơn mà thôi, được, tôi sẽ tìm cách rời khỏi nơi đây ngày hôm nay, sau đó thành người cá bơi ra biển khơi và sống tiếp những ngày tháng cô độc. Bà cụ từ bên trong bước ra, thấy tôi có ý định xâu vỏ sò liền ngăn cản.

"Ấy đừng, coi chừng bị cứa da, để bà làm cho, con ra ngoài chơi với Luận Bách đi."

Quả nhiên, không ai thích tôi đụng chạm vào đồ của họ.

Bà cụ mỉm cười. "Không phải bà không cho con đụng, nếu không cẩn thận con sẽ bị trầy, đây là công việc của bà, bà quen tay nên không sao."

Tôi gật đầu, tôi biết, những người không thích tôi chạm vào đồ họ, luôn tìm đủ lý do để xoa dịu lòng tôi. Tôi quyết định rời khỏi đây là đúng mà.

"Ừm... bà nghĩ, con nhặt vỏ sò giúp bà được không? Bà già rồi, nhặt vỏ sò cũng rất khó khăn."

Tôi gật đầu, nếu là người cá, thì tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm vỏ sò đẹp và lấp lánh hơn. Thôi kệ, tôi sẽ giúp bà lần cuối xem như lời cảm ơn bà mấy ngày qua đã cho tôi ăn nhờ ở đậu.

Tôi cúi đầu chào rồi đi ra ngoài, tiến thẳng đến bãi biển. Nhìn sóng biển dạt dào, đánh từng đợt vào bãi đá, tôi hít một hơi thật sâu, không khí biển thật thích, nó khiến lòng tôi yên bình hơn. Tôi cởi dép, rồi đi về phía biển, ngã tự do xuống mặt nước, thật mát lạnh, như một luồng khí kì diệu thâm nhập vào cơ thể mang theo luồng sinh khí mới. Tôi nhắm mắt, để mặc sóng biển từng đợt ập vào mặt tôi. Tôi liền nghĩ, biến thành người cá và trở về biển ngay thôi. Nghĩ vậy, tôi xoay người định rời đi.

Thình lình có một cánh tay chụp áo tôi kéo ngược lại. Bị bất ngờ kéo ra khỏi mặt nước, tôi hoảng hốt ho vài tiếng.

"Ôi trời, Hải Ngư có biết như vậy là nguy hiểm lắm không? Làm anh giật mình."

Tại sao anh ta lại xuất hiện ngay lúc này chứ. Tôi định về biển mà.

Nhìn thấy áo mỏng bị thấm nước nay càng mỏng hơn, đến độ dính cả vào da, thậm chí làn da trắng xanh của tôi cũng ẩn ẩn hiện hiện trước mặt anh. Luận Bách ho vài tiếng, đỏ mặt quay chỗ khác. Do anh có làn da ngăm, nên có đỏ mặt hay không tôi cũng không thấy được, anh đáp.

"Sao lại ngã xuống mặt nước như vậy, nếu anh không thấy là em có thể bị ngạt chết rồi."

Không phải tôi bị ngạt chết, căn bản là tôi đã chết rồi.

Anh kéo tôi lên bãi đá ngồi, để mặc gió biển ùa vào xuyên thấu vào từng lỗ chân lông, Luận Bách quay sang nhìn tôi chằm chằm, đôi lúc cũng liếc mắt nhìn xuống ngực tôi.

"Em thích biển đúng không?"

Tôi gật đầu.

"Anh cũng rất thích biển. Anh thấy thật hạnh phúc khi sinh ra là người vùng biển."

Tôi gật đầu.

Tôi cũng muốn được như anh, nhưng tôi không có phần tốt như anh.

"Thực ra từ lúc lúc sinh ra, anh cũng chẳng thấy mặt ba mẹ mình. Ba anh là ngư dân, trong một lần đánh cá sóng biển làm lật thuyền và ông mất tích từ đó. Ngay lúc đó mẹ anh đang mang thai, sau khi sinh anh ra bà cũng qua đời theo ba. Anh ở với ngoại đến bây giờ."

Anh kể chuyện về quá khứ của anh, tôi chỉ biết gật đầu. Tôi không biết giữa tôi và anh, ai mới thật sự là người có phúc. Anh sinh ra ba mẹ qua đời, còn tôi thì sinh ra đã bị ba mẹ vứt bỏ, ngày ngày nghe những câu chửi mắng đắng cay. Đi học bị bạn bè cô lập, thậm chí bày trò chơi xấu tôi. Ra xã hội thì không có tiếng nói, muốn lên tiếng nói một câu thì bị người ta ghét bỏ và quay lưng. Ngày đó, tôi lao ra biển tự trầm mình xuống nước, ba mẹ tôi cũng chẳng đoái hoài, cũng chẳng thương tiếc đi tìm xác tôi, tôi thật đáng thương.

"Hải Ngư, em có tin người cá xuất hiện không?"

Lòng tôi bắt đầu bồn chồn khi anh bất ngờ lên tiếng hỏi. Lòng bàn tay tôi đổ mồ hôi, gió biển bỗng lùa vào khiến tôi lạnh đến rùng mình. Người cá, tại sao mỗi khi anh nhắc đến hai từ này làm lòng tôi không yên. Không lẽ anh biết tôi là người cá, đang từng bước dò xét để tôi khai thật thân phận mình sao?

Tôi im lặng, không lắc đầu cũng chẳng gật đầu, đó là lựa chọn duy nhất của tôi khi đang trong tình cảnh này.

"Lúc nhỏ, anh có một lần ra biển nghịch nước, do ham chơi nên vô ý trượt chân rồi bị sóng biển cuốn ra xa. Trong lúc mơ màng, anh nhìn thấy một người cá bơi đến cứu anh lên bờ."

Tôi có thể tưởng tượng tình cảnh lúc đó, một người cá có mái tóc vàng óng ánh cùng cái đuôi màu lam thật đẹp bơi đến, với tay cứu lấy một cậu bé đang dần chìm xuống biền.

"Vì thế anh tin người cá là có thật, cả làng đều tin là người có thật. Thật ra, ngư dân ra đánh cá, mang về những lưới cá đầy ắp chẳng phải do thần biển giúp đỡ gì cả, là do người cá giúp đỡ ngư dân có một cuộc sống ấm no."

Tôi không biết có phải người cá gọi từng đàn cá vào lưới giúp đỡ ngư dân hay không. Tôi chưa bao giờ làm chuyện ấy cả.

"Hải Ngư, nhìn xem, biển rất đẹp đúng không?"

Tôi ngẩng đầu lên nhìn, ừ, biển rất đẹp, rất yên bình, cho nên tôi mới thích biển.

***

Tối đó, tôi không tài nào chợp mắt được, cứ nhớ về cảnh biển lúc buổi sáng khiến lòng tôi rạo rực. Tôi thèm được ra biển, được ngắm biển.

Tôi lén xuống giường, cũng chẳng thèm mang dép mà chân trần đi ra biển. Đêm xuống, thủy triều đã rút, xa xa ánh trăng như nằm trên biển, khẽ nhấp nhô theo từng đợt sóng huyền ảo. Tôi quay đầu nhìn xung quanh, xác định không có ai mới bạo gan đi thẳng ra phía xa hai chân chạm vào nước biển tôi mới yên lòng, tìm một tảng đá gần đấy và ngồi xuống, hai chân tôi khép lại, vảy xuất hiện cùng một cái đuôi thật dài màu lam, do ánh trăng chiếu xuống lớp vảy làm chúng lấp lánh như những vì tinh tú trên cao. Mái tóc trắng thật dài bay trong gió, tôi lại phe phẩy cái đuôi trong nước, được trở lại làm người ta thật thoải mái.

Tôi ngã người xuống nước, bơi lượn vài vòng đùa nghịch với sóng biển. Có lẽ, chỉ có biển mới là người bạn thân thiết của tôi. Biển luôn lắng nghe những lời tâm sự thầm kín trong tôi, biển luôn tìm cách trả lời cho tôi bằng những đợt sóng cao. Nhìn biển, nhìn người bạn thân thiết làm tôi yên ổn và có niềm tin một chút. Tôi lại ngẩng đầu, đây là lúc tôi phải rời bỏ cái làng này, trở về biển thôi. Biển đang chờ tôi. Tôi soạt tay, định bơi ra xa thì có tiếng gọi tôi.

"Hải Ngư!!"

Tại sao những lúc tôi muốn rời khỏi chỗ này thì lại có người gọi tôi chứ. Tôi giật mình theo thói quen quay đầu lại, là anh.

"Em... là người cá?"

Anh nhìn chằm chằm vào đuôi màu lam đang ẩn đang hiện trong làn nước, rồi nhìn mái tóc trắng dài của tôi. Xong rồi, nếu bị con người phát hiện, tôi sẽ trở thành bộ dạng nào đây? Bị đem làm trò cười thiên hạ, hay bị người khác soi mói trong phòng thí nghiệm? Hay bị đem đến những khu bảo tàng cho người khác chiêm ngưỡng rồi chỉ trỏ?

Tôi không nên nghĩ nhiều như vậy, tôi chỉ cần bơi thật nhanh thoát khỏi đây, chắc chắc anh sẽ không bắt được tôi.

Thấy tôi xoay người có ý định bơi đi, anh lao ra biển, chụp lấy tay tôi rồi ngã vào người tôi. Anh hoảng hốt, luống cuống như sợ tôi biến mất.

"Đợi đã, đừng đi, Hải Ngư!"

Anh ngắt thành hai từ, ba lần chỉ vỏn vẹn sáu từ cũng đủ làm tôi dừng lại. Thấy tôi không có ý định bỏ đi, anh thở ra nhẹ nhàng, nhưng tay vẫn nắm chặt lấy tay tôi. Cổ tay tôi quá nhỏ, quá mỏng. Tôi rất gầy, gầy đến độ mỏng manh một cơn gió mạnh cũng đủ thổi bay tôi.

"Hải Ngư, quả nhiên em là người cá."

Tôi không gật đầu. Anh nói tiếp.

"Lúc sáng thấy em ụp mặt xuống nước anh đã ngờ ngợ, người thường không có khả năng nín thở lâu như vậy khi dưới nước. Hồi nãy anh ngồi dậy uống nước, thấy em đi ra biển nên vội đi theo, sợ có chuyện gì."

Anh nói thật nhiều, tôi cũng không có hành động gì, chỉ nhìn cổ tay mình bị nắm đến đỏ. Anh cũng phát hiện, không có ý định buông mà chỉ nói.

"Hải Ngư, đừng sợ. Anh không có ý định bắt em cho các nhà thí nghiệm hay bán em cho gánh xiếc đâu, đừng bỏ đi, nhé?"

Tôi gật đầu, anh mới miễn cưỡng buông tay. Nhìn cổ tay mình in cả dấu đỏ chót, tôi vuốt vuốt vài cái, thanh niên lớn lên ở biển có sức lực phi thường thật.

Anh gọi tôi lên bờ ngồi cạnh, ngồi trên cát, để mặc gió đêm phả từng đợt vào mặt đến lạnh cả da. Anh nhìn tôi, mỉm cười.

"Anh đã nói là người cá có thật mà."

Anh thật trẻ con, chỉ vì lý do đó mà đắc ý. Có phải thân xác anh phát triển quá sớm đúng không? Căn bản anh nhỏ tuổi hơn tôi, đúng không?

Anh nhìn chằm chằm vào đuôi cá, dường như có ý định sờ thử, tôi xoay người, đưa cái đuôi phía anh. Anh bất ngờ, nhìn tôi.

"Em..."

Tôi đưa tay nắm lấy tay anh đặt lên đuôi tôi thay câu trả lời. Anh mỉm cười, xoa nhẹ cái đuôi mát lạnh.

"Mềm mại thật, tuy có vảy nhưng không cứng, sờ như da thật đấy, thích thật."

Anh thích thú xoa mãi cái đuôi tôi. Tôi cũng để yên cho anh sờ, cũng chẳng mất mát gì.

"Em yên tâm, anh sẽ không nói bí mật này cho ai nghe đâu."

Anh chủ động mở lời, tôi cũng gật đầu một cái.

Kế hoạch tôi trở về biển một lần nữa bất thành, tôi lại tiếp tục sống những ngày tháng yên ổn ở làng chài. Đêm xuống, tôi cùng anh ra biển. Anh đơn thuần ngồi cạnh tôi, ngắm cái đuôi rồi kể chuyện cho tôi nghe. Mặc dù tôi không lên tiếng, nhưng anh vẫn vui vẻ kể những chuyện trên trời dưới biển. Đây là lần đầu tiên có người chủ động ngồi cạnh tôi như thế này.

Hôm nay, tôi lấy lý do ra biển tìm vỏ sò cho bà cụ, tay xách theo một cuốn tập cùng một cây bút chì, tôi tìm tảng đá rồi giở tập, phác thảo một bức tranh như muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp nhất của biển bằng tranh tôi vẽ chứ không phải đơn thuần là những bức ảnh chụp bằng máy. Tôi thầm nghĩ, mình cũng muốn lưu lại những hình ảnh khác. Các chàng thanh niên í ới gọi nhau thay phiên kéo từng lưới cá, bác ngư dân cười hề hề, phì phèo điếu thuốc nhìn trai tráng trong làng làm việc. Cô bán hàng tôm, hàng cá đang ngả giá cả với khách vãng lai. Bọn trẻ chạy khắp nơi trong chợ, thi thoảng phá phách dãy mực đang phơi dưới nắng mặt trời. Nắng gắt hắt vào ổ cửa sổ, len lỏi vào từng sợi vải mang một mùi hương quen thuộc của nắng ấm. Xa xa, tiếng sóng biển rì rào cũng hàng dừa khẽ đong đưa trông thật yên bình. Cảnh tượng đó, thật đơn giản nhưng cũng thật đẹp, như một bức tranh sống do thiên nhiên ban tặng vậy. Tôi chạy vào chợ, tìm một nơi có mái hiên rồi nguệch ngoạc phác lên từng đường nét. Gần bờ biển, Luận Bách cũng những ngư dân khác đang thay phiên nhau chất cả vào xe, chốc chốc ngoái đầu nhìn tôi. Một lúc sau, anh ấy đi đến.

"Hải Ngư, em đang làm gì đấy?"

Tôi chìa cuốn tập ra cho anh nhìn. Anh lật vài trang, tuy chỉ phác thảo nguệch ngoạc, Luận Bách xoa đầu tôi.

"Vẽ đẹp lắm, nhưng vẽ vào tập ô li uổng lắm."

Tôi nhìn tay anh, có rất nhiều vết chai sạn do lam lũ làm việc. Anh cười thật tươi, một nụ cười tỏa nắng, thật đẹp. Tôi liếc mắt, nhìn chằm chằm bộ màu nước của bọn nhỏ đang vẽ nghịch chỗ băng ghế. Anh cũng nhìn theo, mỉm cười.

Chắc em là sinh viên mỹ thuật đúng không? Anh hỏi tôi, tôi không trả lời, thực sự không phải. Không, nói chính xác thì tôi đã nghỉ học từ lâu lắm rồi. Tôi bị vu oan là ăn cắp trong lớp, rồi bị giám thị gửi thư mời phụ huynh, tôi không nói cho ba mẹ nghe, liền sau đó nghỉ học. Ngày ngày vẫn xách cặp đi học đều, nhưng nơi tôi đến không phải trường học mà là biển. Rồi có một ngày, mẹ tôi bị mất tiền, bà liền đổ thừa là do tôi ăn cắp, chửi tôi rồi đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi tự hỏi, liệu có phải tôi là con ruột của họ. Tôi thấy nhiều đứa con khác cực kỳ hạnh phúc, ba mẹ cưng chiều, lại cho đi học thêm, học vẽ, học nhảy, học võ đủ thứ, trông ganh tỵ làm sao.

Ban ngày tôi phụ giúp bà và anh bán cá, đêm xuống tôi cùng anh ra biển nghịch nước, thỉnh thoảng anh cũng vuốt tóc tôi, chỉnh sửa kiểu tóc của tôi.

***

Có một ngày, sau khi giao cá tươi cho các chợ đầu mối, Luận Bách nhìn xung quanh chợ rồi đi đến, hỏi một cô bán hàng gần đó.

"Chị ơi cho em hỏi thăm, gần đây có shop họa cụ nào không?"

"Shop họa cụ hả? Đi thẳng rồi rẽ trái thấy một cái hẻm, có một shop ở trỏng đó." Cô bán hàng cười tươi, thoải mái chỉ đường cho Luận Bách.

"Cảm ơn chị." Luận Bách cười rồi khởi động xe.

Như mọi ngày, tôi vẫn ôm khư khư quyển tập cùng cây bút chì. Luận Bách từ xa đi lại, gõ nhẹ đầu tôi.

"Lại vẽ nữa hả?"

Tôi gật đầu, anh nói tiếp. "Đừng vẽ vào tập nữa, cho em này."

Anh đưa ra một mớ đồ, hai mắt sáng hẳn lên khi thấy một quyển sketch book, giấy chuyên dùng cho màu nước, cọ cùng một hộp màu nước. Tôi mừng rỡ, ôm chúng rồi chạy đến chỗ cái chòi có cái bàn gỗ, tôi đặt chúng lên bàn, chạy đi tìm đồ đựng nước, khăn rồi chạy lại chỗ Luận Bách. Anh im lặng nhìn tôi hí hoáy vẽ, lần này có màu nước, tôi tha hồ phóng bút rồi, chẳng cần qua phác thảo, tôi trực tiếp nhúng cọ rồi quệt vài đường, anh cũng chăm chú nhìn vào tranh.

Tôi vẽ biển, xa xa có vài chú cá heo vui đùa với nhau, ở chỗ tảng đá có một người cá mái tóc trắng dài, đuôi cá màu lam đang nghịch dưới nước. Anh ghé mặt vào, nói nhỏ.

"Em đang vẽ em đó hả Hải Ngư, thiếu anh rồi, phải vẽ anh ở cạnh nữa mới đúng.

Tôi dùng cọ quệt màu rồi vẽ lên mặt anh một đường dài. Luận Bách giật mình lấy tay lau màu, vô tình quệt nó thành một mảng lớn. Anh xuýt xoa, làm nũng.

"Oi, mặt anh có phải giấy đâu sao vẽ lên nó chứ."

Khóe miệng tôi không tự chủ hơi cong lên, anh mở to hai mắt nhìn. Cười rồi, anh đã thấy tôi cười, đây là lần đầu tiên anh thấy tôi cười đấy. Khóe miệng anh cũng cong, nhẹ nhàng nâng cằm tôi lên đối diện với mặt anh.

"Cuối cùng em cũng cười, đáng yêu thật."

Tôi mở to hai mắt nhìn chằm chằm khuôn mặt có làn da ngăm ngăm phóng đại trong mắt. Anh đang hôn tôi, không phải một nụ hôn phớt qua.

Môi anh rời môi tôi một lúc, anh mỉm cười.

"Cảm thấy thế nào? Em có thấy kinh tởm không?"

Kinh tởm? Tôi không hề thấy như vậy. Tôi liền lắc đầu.

Anh chỉ cười. Tôi biết, anh yêu tôi, và hình như tôi cũng phải lòng anh ấy mất rồi.

"Thằng quỷ, ở giữa chợ mà dám hôn hít vậy đó hả, về nhà mà hôn nha mậy."

Một bác đánh cá gần đấy cười ha ha nói lớn, Luận Bách có chút ngạc nhiên, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại điềm tĩnh, trả đũa.

"Bác kỳ hà, người ta mới tỏ tình phải tranh thủ chứ, với lại ở chốn đông người tỏ tình mới dễ thành công, phải hông bác?"

Tôi im lặng nhìn anh cười sáng lạn, bác đánh cá cười tiếp.

"Mày tỏ tình hồi nào sao tao không thấy vậy? Hải Ngư, đừng vì vài món đồ của nó mà đồng ý lời tỏ tình của nó nhá."

"Ớ, tại sao?!"

Luận Bách mở to mắt hoảng hốt rồi quay sang nhìn tôi. Tôi giả bộ không nghe thấy, chú tâm vẽ vời một lúc. Tôi thật ngưỡng mộ anh, một ngư dân hiền lành, chất phác lại tốt bụng. Ngoại anh cũng vậy, không, là người dân ở làng biển này như thế, hiền lành tốt tính.

"Huýt, mấy đứa, có muốn học vẽ không? Anh Hải Ngư vẽ đẹp lắm nhá!"

Bọn trẻ nghe vậy liền chạy lại chỗ tôi xem, xuýt xoa ganh tỵ với tranh màu nước của tôi. Tôi tự hỏi, từ khi nào tôi có ý định dạy vẽ bọn nhỏ vậy, anh từ khi nào có quyền quyết định đó vậy?!

21/8/2021

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.