Đoàn Tàu Trong Sương Mù

Chương 2




“Tháng 7 năm 2017, một cô gái trẻ đi du lịch tự túc đến Nhật Bản rồi mất tích ở hồ Akan [1]. Một tháng sau đó, thi thể cô được tìm thấy, cảnh sát xác nhận nguyên nhân cái chết là tự sát. Cô gái chỉ để lại một lời trăn trối: sống 27 năm, không cố thêm được nữa.”

[1] Hồ Akan (阿寒湖) nằm trong Vườn Quốc gia Akan-Mashu thuộc thành phố Kushiro, nơi được coi là một trong 3 địa điểm hàng đầu thế giới về hoàng hôn trên biển.

Điện thoại Văn Tuyết vẫn lưu mẩu tin này.

Bẵng đến hai năm sau, khi cô quyết định đặt chân lên chuyến tàu quốc tế đến Moscow.

Thật ra cô và cô gái kia không quen không biết, chỉ có thể lượm lặt chút thông tin vụn vặt từ báo đài và Weibo người trong cuộc, cộng với trí tưởng tượng để phác thảo nên bức tranh toàn cảnh mơ hồ.

Cứ như trông thấy bản thân mình tận cùng nơi tăm tối.

Có một số chuyện, Văn Tuyết suy nghĩ vô cùng thấu đáo.

Tử vong là lẽ tự nhiên, hoặc vì cơ thể suy tàn, hoặc do tâm lý tuyệt vọng.

Cô vốn không phải thành phần nổi trội giữa hàng trăm hàng ngàn sinh linh, lúc sống chẳng có cảm giác tồn tại, khi chết đi hoạ hoằn chỉ rước lấy tiếng khóc của gia đình bạn bè và dăm ba tiếng thở dài từ hàng xóm láng giềng, qua một thời gian rồi họ cũng sẽ quên mà thôi.

Thế giới có bảy tỷ người, thiếu đi một người là cô cũng chẳng sao.

Văn Tuyết vốn định lặng lẽ chết đi, không chuốc thêm phiền toái cho bất kỳ người nào, nhưng cô vẫn ấp ủ một ước nguyện duy nhất, ấy là chấp niệm đã bén rễ trong lòng cô từ tấm bé – cô muốn ngắm cực quang.

Xe lửa dần lăn bánh khỏi đô thị sầm uất, cảnh sắc ngoài cửa sổ dần hiện rõ, nơi nơi lố nhố nhà gỗ thấp bé, màu xám xịt phủ lấy đất trời, khung cảnh ít nhiều lộ vẻ đìu hiu.

Văn Tuyết nằm sấp trên giường nhỏ nhìn ra ngoài, nghĩ ngợi không biết có nên lấy máy ảnh ghi lại khoảnh khắc này không thì chợt nghe Phương Hàn Tẫn hỏi: “Muốn ngắm cực quang sao không đến Bắc Âu hay Canada?”

“Không có tiền.” Văn Tuyết cười ngượng, “Ngân sách chỉ đúng một vạn, phượt một chuyến đến Bắc Âu ít nhất cũng mất hai ba vạn nhỉ?”

Phương Hàn Tẫn cau mày, “Vậy nên cậu mới đi chuyến tàu này à?”

Chuyến này chẳng những ngốn một đống thời gian mà vé cũng chát, giá vé giường cứng rẻ nhất cũng hơn ba ngàn. Trong mùa ít khách du lịch thế này thì chỉ từng ấy đã có thể mua được vé máy bay khứ hồi từ Nga.

Văn Tuyết cười nhạt, không đáp.

Cô muốn cuộc hành trình cuối đời chậm hơn dẫu chỉ là đôi chút để có thể nhìn ngắm thế giới được lâu thêm một phút.

Đang lúc hai người trò chuyện, cậu bé con rúc trong lòng Phương Hàn Tẫn há miệng ngáp dài.

Phương Hàn Tẫn cụp mắt nhìn cậu bé, dịu giọng hỏi: “Buồn ngủ chưa? Có muốn lên đó ngủ không?”

Cậu bé gật đầu, chống người ngồi dậy từ trong ngực anh, chậm rãi xuống giường.

Giờ Văn Tuyết mới để ý thấy tỷ lệ đầu và cơ thể của thằng bé hơi kỳ lạ. Đầu quá to, gần như không nhìn thấy cổ đâu, dáng người thấp bé, tứ chi ngắn bất thường.

Thằng bé vụng về trèo lên thang, phải nhờ Phương Tẫn Hàng đỡ sau lưng mới có thể bò lên giường.

Văn Tuyết nhìn chăm chú vào bóng lưng hai anh em nhà nọ, đột nhiên lòng dâng lên cảm giác lạ thường.

Cậu bé rất nhanh đã vào giấc, không lâu sau trên giường đã truyền đến tiếng hít thở đều đều.

Phương Hàn Tẫn đứng đầu giường, lặng yên ngắm nhìn gương mặt say ngủ của cậu bé, thật lâu sau mới ngồi cạnh cửa.

Văn Tuyết khom lưng lấy bình đun nước nóng chuyên dụng cho tàu hoả dưới gầm bàn.

“Muốn đi đun nước cùng không?”

Phương Hàn Tẫn nhìn cô, gật đầu đồng ý.

Hai người một trước một sau bước ra khỏi phòng.

Hành lang kéo dài về hai đầu, gió từ cuối toa tràn vào thổi tung bức rèm lụa trắng, ngoài cửa sổ, khung cảnh xám đen như bức tranh thuỷ mặc.

Cạnh bếp đun nước nóng là khoang hút thuốc. Văn Tuyết cúi xuống rót nước đầy bình, lúc đứng dậy, cô thấy Phương Hàn Tẫn dựa vào cửa xe, đầu ngón tay lấp lóe tia lửa.

Trong làn khói lượn lờ, chiếc bóng nghiêng nghiêng gầy gò của anh được lồng thêm vẻ ưu tư như có như không.

Anh đưa mắt nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ đến xuất thần, một lát sau mới quay đầu nhìn Văn Tuyết.

“Cậu về trước đi, tôi hút thuốc lát.”

“Không vội.”

Văn Tuyết vào khoang dành cho người hút thuốc, trong nháy một mùi nồng nặc phả vào mặt, xâm nhập khoang mũi, thấm đẫm tâm can.

Nửa như nghẹt thở, nửa còn lại là mê say.

Trong không gian chật hẹp, Văn Tuyết tựa vào vách xe nhìn Phương Hàn Tẫn. Hai người cách nhau chưa đến nửa thước.

Im lặng một lát, cô mới cẩn thận gợi chuyện: “Em trai cậu…”

Ánh mắt lo lắng của cô đã đoán được đáp án, giọng Phương Hàn Tẫn bình bình: “Đúng vậy, hội chứng Down, hay còn gọi là hội chứng ba nhiễm sắc thể 21 [1], cậu từng nghe nói chưa?”

[1] Ba nhiễm sắc thể 21 (trisomy 21): Trong khoảng 95% các trường hợp, hội chứng Down là do trong tất cả các tế bào lại có ba nhiễm sắc thế 21, thay vì hai như bình thường. Điều này là do sự phân chia tế bào bất thường suốt quá trình phát triển của tế bào t*ng trùng hoặc tế bào trứng.

Văn Tuyết thầm thở than.

Thảo nào mắt thằng bé lớn bất thường, mí mắt sưng húp, đường nét khuôn mặt kỳ lạ, tầm vóc thấp bé, phản ứng chậm chạp. Mọi đặc điểm trên đều phù hợp với trẻ mắc hội chứng Down.

“Thằng bé là em ruột cậu à?”

Văn Tuyết vừa hỏi xong đã cảm thấy không ổn, vội vàng bổ sung: “Hồi cấp ba chưa từng nghe cậu nhắc tới.”

“Năm tôi học năm nhất đại học thằng bé mới được sinh ra.” Phương Hàn Tẫn chậm rãi rít thuốc.

Văn Tuyết lặng thinh.

Cô và Phương Hàn Tẫn cùng lắm chỉ là bạn cùng trường, quan hệ nhạt như nước lã. Từ sau buổi họp lớp không mấy vui vẻ từ kỳ nghỉ đông năm nhất đại học, hai người cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Những chuyện phát sinh sau đó dĩ nhiên cô chẳng hề hay biết.

Cô cố lục lọi hết vốn hiểu biết của mình về hội chứng Down, “Tôi nghe nói giờ phụ nữ mang thai phải khám sàng lọc cơ mà, sao lại không phát hiện được vấn đề của em ấy?”

“Bệnh này gắn bó mật thiết với tuổi của phụ nữ mang thai, lúc mẹ tôi có em cũng đã ngoài bốn mươi. Lúc ấy khám tổng quát rồi, bác sĩ nói tỷ lệ mắc bệnh là 30%…” Phương Hàn Tẫn thoáng ngừng, khẽ nhếch môi cười chua xót, “Nhưng có thể làm gì khác được.”

Bỗng có người đi lướt qua hành lang, hai người đồng thời im bặt, quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.

Thật lâu sau, Văn Tuyết nhẹ giọng mở lời: “Em trai cậu tên gì?”

“Phương Xuân Sinh.”

“Tên hay thật đấy.” Văn Tuyết nhìn sang Phương Hàn Tẫn, ánh mắt hiện tia cười dịu dàng, “Tạo vật vô tình khước hữu tình, mỗi vu hàn tẫn giác xuân sinh [3]. Bố mẹ cậu cũng biết lựa tên nhỉ.”

[3] Thơ của Trương Duy Bình (1780 – 13/10/1859): Tạo vật tuy vô tình nhưng vẫn hàm chứa tình cảm, đợi tới tận cùng cái lạnh để mang lại mùa xuân.

Phương Hàn Tẫn cúi đầu, không nhìn rõ biểu cảm của anh. Khói giữa các ngón tay dần cháy hết, tàn tro rơi sột soạt.

Chủ đề này khá nặng nề, Văn Tuyết nhận ra tâm trạng anh không tốt bèn hiểu rõ không gặng hỏi nữa.

Sau khi an tĩnh lại, tiếng ầm ầm nơi đường ray trở nên vô cùng rõ ràng, từng chút khảm vào đầu cô.

Tựa như chạm phải một công tắc nào đó, chuyện xưa bụi bặm phủ mờ, vô số hồi ức ùa đến –

Thời cấp ba, hình như Phương Hàn Tẫn làm gì cũng dễ như trở bàn tay.

Văn Tuyết nhớ rõ kỳ thi đại học năm đó, đề thi tự luận nổi tiếng lắt léo, đâu đâu cũng nghe tiếng than dậy trời dậy đất. Cô tuyệt vọng gục đầu xuống bàn, hốc mắt ửng hồng.

Cô cố ghìm lại dòng nước mắt, thế nhưng vừa ngước lên đã thấy Phương Hàn Tĩnh bước chân nhẹ nhàng khỏi phòng thi, lấy cặp sách trong tủ đồ, bình tĩnh lột vỏ chuối ăn.

Nước mắt Văn Tuyết tức khắc không kìm nổi nữa.

Kết quả thi đại học đã chứng minh, Phương Hàn Tẫn ung dung thế kia cũng không phải giả vờ. Năm ấy, đa số bạn học trong lớp đều phát huy thất thường, chỉ có mình anh vẫn như mọi lần, thuận lợi thi đậu và một trường đại học có tiếng ở Bắc Kinh.

Hoàn cảnh gia đình anh khá giả, bố làm nên ăn ra, anh lại là con trai duy nhất trong nhà, từ nhỏ đã được chiều chuộng, sống trong an nhàn sung sướng.

Quan trọng nhất là ngoại hình của anh rất bắt mắt, đồng phục trường phổ thông Vân Trung quê mùa là thế nhưng khoác lên người anh trông chẳng khác nam chính phim thanh xuân vườn trường.

Anh rất dễ nhận được lòng yêu mến và ngưỡng mộ từ mọi người. Mỗi tiết thể dục buổi sáng, chẳng biết có bao nhiêu ánh mắt của nữ sinh tìm kiếm bóng dáng thon dài cao ngất kia giữa đám đông.

Văn Tuyết cũng từng thích anh.

Chỉ là đã từng, cũng chỉ vỏn vẹn một từ “thích”.

Kỳ nghỉ hè sau thi đại học, Văn Tuyết theo chân cô mình đến xưởng dệt làm việc, phụ trách lắp khoá kéo quần jeans. Trong lúc chờ máy móc trên dây chuyền lắp ráp vận hành, cô đột nhiên hiểu ra –

Đấng tạo hoá luôn thiên vị. Một số người miệt mài đạp gót chỉ để lao đến vạch đích, nhưng có vài người sinh ra đã ở ngay đích.

Vừa chào đời đã được ban cho trí tuệ thông minh, phẩm chất tâm lý vững vàng, gia thế vượt trội và vẻ ngoài điển trai – Liệu cuộc đời Phương Tẫn Hàn còn gì không vừa lòng nữa đây?

Anh chính là con hạc trong câu “hạc giữa bầy gà”, sải chân từ từ tiến lên nhẹ nhàng ung dung.

Còn bao kẻ khác, kể cả chính Văn Tuyết đây, dù bị đánh đến hộc máu gà, vùng vẫy quẫy đạp đôi chân ngắn cũn cỡn cũng chỉ có nước vỗ cánh phành phạch đuổi theo sau.

Cô và anh, chung quy là người thuộc về hai thế giới. Tự cô hiểu được chuyện đó, nên đã sớm cắt đứt những tơ tưởng về anh.

Khoảng thời gian thầm mến ngây ngô ấy cứ ngày càng phai nhạt trong miền ký ức, cuối cùng biến mất không thấy tăm hơi.
Văn Tuyết ép mình đừng nghĩ nữa, lạnh lùng nói với đối phương: “Tôi về trước đây.”

Phương Hàn Tẫn gật đầu, nhìn theo hướng cô rời đi.

Hành lang sâu hun hút, ánh sáng yếu ớt xuyên qua lớp kính mù sương, bóng lưng cô như hoà trong tranh sáng tranh tối.

“Văn Tuyết.” Anh đột ngột gọi tên cô.

Văn Tuyết dừng bước, quay đầu nhìn anh với vẻ ngờ vực: “Sao thế?”

“…Không có gì.” Phương Hàn Tẫn gạt nhẹ tàn thuốc, “Cậu thay đổi nhiều lắm.”

Văn Tuyết nghiêng đầu ngắm anh thật kỹ.

Đường nét trưởng thành, xương chân mày thẳng tắp, quai hàm góc cạnh, nét nào ra nét đấy, da tối màu hơn so với thời niên thiếu…

Đẹp trai thì vẫn đẹp trai, chỉ là có chỗ nào đó không giống với trước kia.

Nhìn anh thật mờ nhạt giữa biển người.

Văn Tuyết chợt ý thực được một chuyện, là ánh sáng trên người anh, chẳng thấy đâu nữa.

Thứ ánh sáng này không phải vì tình yêu thuở thiếu nữ mà nhìn tình nhân trong mắt hoá tây thi, cũng không phải bị bộ lọc hồi ức đánh bóng.

Nó thật sự hiện hữu, trong những nụ cười tươi trẻ của thiếu niên, trong ánh mắt nghiêm túc học tập, lúc nộp hồ sơ vào trường đại học, hoặc trong khoảnh khắc anh khom người kéo cô đứng dậy mặc tiếng cười nhạo xung quanh.

Văn Tuyết mím môi, nụ cười vẫn dịu dàng, chỉ là đáy mắt hiện tia thương cảm không dễ nhận ra.

“Cậu cũng thay đổi rồi.” Cô nói.

Phương Hàn Tẫn ngước mắt, mang theo ý tìm tòi, cười hỏi: “Tốt hay là xấu hơn?”

Văn Tuyết nhún vai, nói mơ hồ: “Không nói rõ được. Tóm lại là không giống với những gì tôi từng tưởng tượng.”

Cô cứ ngỡ anh sẽ tiếp tục sống một cuộc đời huy hoàng rực rỡ.

Nhưng nhìn thấy dáng vẻ thành thục của anh, đầu mày khóe mắt lơ đãng lộ vẻ cô đơn khiến cô khó có thể tin được rằng người đàn ông sa sút trước mặt này lại là thiếu niên sáng rỡ cô hằng nhớ tới.

Phương Hàn Tẫn châm thêm điếu thuốc rít một hơi thật sâu, quay đầu nhìn ngoài cửa sổ, ánh mắt dần xa xăm.

“Vậy tức là tệ hơn nhỉ.”

Văn Tuyết nhìn anh, xoay người bước vào vùng sáng loang lổ.

Viên ngọc trai ẩn dưới bụi mờ thời gian đã được mài thành đá cuội giữa năm tháng. Anh cứng rắn hơn, cũng ảm đạm hơn.

Văn Tuyết trở về phòng, nhắm mắt nằm trên giường lăn qua lộn lại hồi lâu vẫn không ngủ được.

Tim đập nhanh quá.

Từ lúc nhận ra Phương Hàn Tẫn, tâm trạng cô không có lấy một giây bình tĩnh.

Có lẽ lò sưởi hơi của toa tàu đã được kích hoạt, nhiệt độ trong phòng dần tăng lên, hai nhịp thở đều đặn từ giường trên. Gã cà-ri ngáy to không chút kiềm chế, còn hô hấp của cậu bé nọ lại nông và ngắn.

Văn Tuyết xoay người nhìn giường đối diện. Từ góc này có thể thấy nửa người cậu bé ấy.

Dường như em ngủ không ngon, chân cứ giật liên tục, thỉnh thoảng rên vài tiếng giống như nói mê.

Bên tai chợt có tiếng ầm ầm vang lên, tiếp đó cả phòng rơi vào màn đêm đen nhánh, tựa như ai đó đã đưa tay tắt đèn.

Tuy cửa sổ đóng kín mít nhưng vẫn có gió lạnh lùa vào qua khe cửa, cuốn theo làn hơi ẩm ướt của đường hầm.

Tiếng hít thở của cậu bé càng thêm dồn dập, trong ánh sáng u ám, Văn Tuyết trông thấy thân thể bé nhỏ kia nằm trên giường bất an, cựa quậy liên tục.

Vài giây sau, tiếng ồn biết mất, ánh sáng lần nữa quay về. Xe lửa vừa ra khỏi đường hầm.

Nhưng Văn Tuyết biết bây giờ họ đang đi xuyên núi, có thể sắp tới đường hầm tiếp theo.

Quả nhiên nửa phút sau, một màn đen che trời rợp đất lại kéo đến lấp đi ánh sáng.

Cậu bé bị đánh thức hoàn toàn, thằng bé cuộn mình trong chăn, phát ra tiếng nức nở đứt quãng giống con thú non bị dọa sợ.

Chờ ánh sáng quay lại, Văn Tuyết đứng dậy, nhẹ nhàng đẩy bọc chăn, nhỏ giọng gọi: “Em gì ơi? Phương Xuân Sinh ơi…”
Chợt sáng chợt tối, Phương Hàn Tẫn phản ứng lại, vội vàng dập tắt điếu thuốc quay về phòng.

Hình ảnh ngay sau khi mở cửa khiến anh không khỏi sửng sốt.

Phương Xuân Sinh ngồi ngay ngắn trên giường, dáng vẻ ngoan ngoãn giống học sinh đang nghe giảng, Văn Tuyết đứng trước cậu bé, hai tay đặt bên tai cậu, giọng nói nhu hoà chậm rãi: “Nhắm mắt lại, há miệng ra. Ba, hai…”

Theo tiếng “một” cuối cùng, tiếng nổ lần nữa vang lên, thế giới lại chìm vào bóng tối, màng nhĩ truyền đến cảm giác căng đau quen thuộc.

Đây là đường hầm dài nhất. Hành khách trên tàu âm thầm chịu đựng trong bóng tối.

Khi ánh sáng lần nữa rọi vào mắt, rốt cuộc Phương Hàn Tẫn cũng thở phào một hơi, phảng phất như thấy được một cuộc đời mới.

“Cảm ơn cậu.” Anh tới cạnh Văn Tuyết, đưa tay kéo cánh tay nhỏ nhắn của Phương Xuân Sinh tựa như an ủi.

Văn Tuyết cười với anh, về lại giường mình, lên tiếng giải thích: “Tôi thấy em ấy nhích tới nhích lui trên giường, đoán chừng em ấy bị ù tai nên mới dạy em ấy cách đó.”

“Thực ra em ấy rất dễ bị ù tai nên phản ứng cũng mạnh hơn người thường nên không thể đi máy bay. Tôi không ngờ rằng đi tàu cũng vậy.” Phương Hàn Tẫn có chút tự trách.

Ù tai không phải vấn đề với người lớn, cứ đợi một lát là hết. Nhưng màng nhĩ trẻ con non nớt, ù tai mang đến cảm giác khó chịu hơn hẳn, nhất là những đứa bé thân thể khiếm khuyết như Phương Xuân Sinh.

Văn Tuyết động viên anh: “Thật ra cũng không có gì đáng ngại đâu, chờ tàu đi qua vùng núi này là được mà.”

Sau khi dỗ Phương Xuân Sinh xong, Phương Hân Tẫn về lại giường. Bắt gặp ánh mắt của Văn Tuyết, thản nhiên hỏi: “Có vẻ cậu rất có kinh nghiệm chăm sóc con nít nhỉ?”

“Dĩ nhiên rồi.” Văn Tuyết cười mỉm chi, “Tôi là giáo viên mà.”

“Không phải cậu bảo dạy học ở trường cấp hai à?”

“Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc ở trường bồi dưỡng trí tuệ nửa năm. Cậu từng nghe thấy nơi này chưa? Là nơi dành dạy dỗ trẻ em bị khiếm khuyết về thể chất lẫn trí tuệ ấy.”

Phương Hàn Tẫn nhớ lại cảnh tượng ban nãy, chân thành khen ngợi: “Rất phù hợp với cậu. Sau đó thì sao? Vì sao cậu không tiếp tục dạy ở đó?”

Văn Tuyết buông thõng tay, cười khổ: “Bố mẹ khuyên bỏ. Họ chê công việc ấy không có tương lai, nói vài lời không dễ nghe, buộc tôi phải thi vào trường cấp hai ở quê nhà.”

Cụm từ “khuyên bỏ” này dường như không đủ chính xác.

Lúc trước phụ huynh nhà họ Văn vì ép cô từ chức mà dở đủ trò, thậm chí còn tới tận phòng học một khóc hai nháo, thiếu điều tạo thành bóng ma tâm lý cho mấy em học sinh ở đó.

Văn Tuyết chỉ đành phải từ chức, ngoan ngoãn cuốn gói về quê cùng bố mẹ.

Phương Hàn Tẫn gật đầu, trong lòng mơ hồ có chút thất vọng. Cô biết rõ anh hỏi điều gì, nhưng vẫn cố ý lảng tránh.

“Còn cậu thì sao?” Văn Tuyết nghiêng sang, trong mắt có ý thăm dò.

Phương Hàn Tẫn dời mắt, thật lâu mới trả lời: “Sau khi tốt nghiệp tôi ở lại Bắc Kinh làm ít việc, miễn cưỡng sống qua ngày.”

Trả lời lấy lệ, giọng điệu tự giễu.

Tính cách này ngược lại không mấy thay đổi, cử chỉ lễ phép, lời nói khách sáo kèm cảm giác xa cách lạnh lùng. Dường như lúc nào nói chuyện với anh cũng có một tấm chắn vô hình, không ai có thể chạm vào suy nghĩ chân chính trong anh.

Văn Tuyết tự làm mình bẽ mặt, không hỏi thêm gì nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.