Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 7: Ngự Biển Thượng





Múa bút nghiêng vai họa mấy dòng
Nắn na nắn nót một đường cong
Xướng trăng chói rọi nhành lan tím
Lập lòe bướm lượn thế là xong
Một ông lão râu tóc bạc trắng đang đứng xuôi tay trong sân sau của Hắc Viện học xá.  Ông nhìn chăm chăm hai cánh cửa đang đóng im ỉm, thi thoảng buông tiếng thở dài thườn thượt.  Mình ông vận trường bào kép Định Thanh, bên ngoài khoác một áo ngắn cộc tay màu nâu, ở lưng phấp phới một dải dây lưng nâu.  
Nhạc Tam Nguyên đi tới đi lui trên hành lang phía bên phải cánh cửa, hai tay đấm vào nhau vẻ nôn nóng.
- Đã mấy ngày rồi, sao chẳng có chút tin tức là sao?
Nhạc Tam Nguyên liên tục lẩm bẩm.
Chừng như cũng sốt ruột, ông lão quay qua Nhạc Tam Nguyên cằn nhằn:
- Tam Nguyên à, cháu đứng yên một chút có được không?  Ông chóng hết cả mặt rồi đây!
- Nhưng mà cháu...!- Nhạc Tam Nguyên chưa nói hết câu, buồn bực đấm mạnh một cái vào tường.
- Ông biết chứ!  Ông cũng đang cồn cào hết cả ruột gan khác gì cháu đâu.  Nếu mọi người có mệnh hệ gì, hội chúng ta...!Ài, thôi không nói nữa! - Ông lão thở dài đánh thượt một cái.
Đã mươi ngày nay, từ khi Giang Nam Thất Hiệp đi hành thích Khang Hi ở Quan Âm tự, hai người họ không đêm nào ngủ được tròn giấc, cứ hễ đặt lưng nằm xuống thiếp đi nửa canh giờ là lại giật mình ngồi bật dậy, ra ngoài cửa này ngóng đợi.
Nhạc Tam Nguyên ngồi phịch xuống bậc tam cấp dẫn từ hành lang xuống sân, sầu não nói:
- Cháu thấy mình thật vô dụng, tổng đà chủ và các vị đương gia đang cơn gian nguy, sinh tử chưa rõ.  Còn cháu chỉ biết ngồi đây bất lực chờ đợi!
Ông lão nghe vậy cười khổ, tiến đến vỗ nhẹ lên vai chàng ta:
- Đừng coi nhẹ bản thân như vậy chứ, không tham gia hành động lần này thì còn lần khác.  Tam Nguyên còn trẻ tuổi, tương lai ắt còn nhiều cơ hội ra sức cho hội.  Như ông đây...
Ông lão thoáng trầm mặc, nói tiếp:
- Nắm xương già này chả biết có sống được tới ngày nhìn chúng ta hoàn thành đại nghiệp phục quốc hay không?
Nhạc Tam Nguyên giật mình, biết mình vô tình khơi lên tâm sự của ông lão bèn nói lảng đi:
- Ông lại cả nghĩ rồi.  Hay là ông đi nghỉ chút đi.  Có tuổi rồi, đêm nào cũng thức như vầy hại sức khỏe lắm.  Để mình cháu chờ cửa được rồi.
- À được lắm, ông chỉ an ủi mà Tam Nguyên tưởng thật, lại chê ta già hả?  Có tin trong mười chiêu Bàn Tính Gia này gõ bàn tính u đầu cháu không? - Ông lão bật cười mắng.
- Hậu sinh nào dám, ai chẳng biết Bàn Tính Gia xuất quỷ nhập thần chuyên trị đám giang hồ đại đạo, khiến chúng nghe tên là khiếp vía chứ!
Ông lão lắc đầu cười:
- Tam Nguyên học ai không học, lại đi học bản lĩnh mồm mép của thằng nhóc Hiểu Lạc.  Thật là sư huynh nào sư đệ đó mà!
Hai ông cháu đều cười xòa khiến không khí nặng nề vơi bớt phần nào.  Tuy Nhạc Tam Nguyên có pha trò đôi chút nhưng quả thực chàng ta không hề nói quá.  Vốn ông lão này tên họ Trần Tôn, năm nay đã gần thất thập lục tuần, râu tóc bạc phơ cả rồi song năm xưa cũng là một hiệp khách cao thủ từng tung hoành ngang dọc ở Giang Nam.  Nhờ thứ vũ khí độc đáo là một bộ bàn tính bằng sắt, ông được đồng đạo giang hồ khâm phục tặng cho ngoại hiệu Bàn Tính Gia.  Sau này vì cảm phục đức độ của Mã Lương phu tử, ông mới xin theo bảo vệ kiêm luôn việc sổ sách.
Cũng phải nhắc lại rằng, đó là khi Mã Lương phu tử cùng hai người bạn tâm giao Tần Nhị, Lâm Vĩ cùng nhất trí đứng ra mở một ngôi trường dạy học miễn phí cho những trẻ em nghèo khó nhưng ham học, đặt tên là Hắc Viện.  Sau này, khi biết thật ra ba người họ còn cùng với Cửu Nạn và Giác Viễn liên kết lập ra một hội kín chống lại triều đình nhà Thanh từ thời Hoàng Thái Cực, Trần Tôn vui mừng thấy đúng với lý tưởng phản Thanh phục Minh luôn nung nấu trong lòng liền trở thành một thành viên tích cực trong hội từ ngày đó.
Những năm đầu triều đại Hoàng Thái Cực, bang hội phục Minh có thanh thế rất lớn.  Ngoài hai tổng đà chính, một nằm ở phía Nam tức Hắc Viện của tỉnh Hàng Châu một ở Tây Bắc Hồi Cương có tên “đồn Bạch Nhật,” hội còn xây dựng được vô số các phân đà nằm rải rác khắp các miền đại giang Nam Bắc.  Sau này tới triều Thuận Trị thì bị trấn áp dữ dội, hội phải lui vào hoạt động âm thầm và kín đáo hơn.

Song thời kỳ khó khăn nhất của hội là vào năm thứ mười lăm đời Thuận Trị.  Cùng một năm, bốn vị lãnh tụ Tần Nhị, Lâm Vĩ, Giác Viễn và Mã Lương lần lượt qua đời.  Đặc biệt sự ra đi của Mã Lương tưởng đâu khiến Hắc Viện học xá phải giải tán rồi nhưng đám học sinh cho rằng đạo lý từ xưa tới nay "cha truyền con nối, sư phụ mất thì trò lên thay" bèn nhất loạt bầu người học trò tâm đắc của Mã Lương lúc bấy giờ làm viện trưởng.
Tần Thiên Văn, tức Cửu Dương khi đó nghĩ mình tuổi tác còn trẻ, vả lại tài cán chẳng được bao nhiêu bèn từ chối mãi.  Cuối cùng chẳng biết kẻ nào nghĩ ra một ý, lại thêm sự nài nỉ thuyết phục của học sinh, Cửu Dương đành đứng ra thử giảng vài ba buổi.  Ngỡ chẳng ai nghe, nào ngờ cách giảng bài mới mẻ của chàng ta không những khiến học đường càng lúc càng đông mà học trò nơi khác nghe danh cũng đến đăng ký theo học.
Bấy giờ cổng trước cổng sau Hắc Viện đều đóng im ỉm, đã qua canh ba một khắc nên bên ngoài tối đen như mực.  Trong trường chỉ còn chút ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn lồng treo rải rác trên hành lang.  Hai ông cháu ngồi lặng lẽ, thầm nghĩ đêm nay lại một phen chờ đợi vô ích rồi thì đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa.  Hai tiếng nhanh, cách quãng lại một tiếng chậm vang lên khe khẽ song không khác nào tiếng sấm bên tai họ.  Đấy chính là ám hiệu các thành viên Thiên Địa hội quy ước với nhau.
Cạch một tiếng, ông lão nhanh tay rút then cài cửa.  Nhạc Tam Nguyên cũng mừng như bắt được vàng, vội tiến đến.
- Cảm tạ ông Trời!  Viện trưởng, cuối cùng ngài cũng bình an trở về!
Trần Tôn vui mừng thốt lên khi thấy Cửu Dương lảo đảo lách vào từ màn đêm.
Có thể nói ở miền Nam, Hắc Viện là học đường nổi bật nhất.  Trường được xây cất khá bề thế và khang trang trên mảnh đất hình chữ nhật, tất cả diện tích khoảng ba mẫu.  Xung quanh trường được bao bọc bởi một bức tường đá vôi cao hai thước hơn.  Hắc Viện có hai cổng ra vào, một cổng chính nằm phía Tây gọi là Tây Quan và cổng hậu phía Đông gọi là Đông Hải.  Cửu Dương đi vào từ cổng Đông Hải.
Trần Tôn liếc qua thấy đầu và cổ Cửu Dương lấm lem đất cát, trên lưng còn cõng thêm một người đang ngất lịm, nằm nghẹo cổ sang bên thì trong lòng hồi hộp.  Trời tối mà ông lão tuổi già mắt kém, nheo mắt mãi vẫn không rõ là ai đành hỏi:
- Viện trưởng, là ai bị thương vậy?
- Dạ là tam ca - Cửu Dương đáp bằng giọng mệt nhọc.
Phía sau, Nhạc Tam Nguyên định chốt cửa lại thì Trần Tôn vội cản:
- Gượm đã!
Đoạn ông lão ghé mắt nhìn quanh quất một hồi ngoài cổng Đông Hải song nào thấy còn ai ngoài đó nữa.

Ánh mắt lo âu nhìn theo bộ y phục tả tơi của Cửu Dương, ông không khỏi sợ hãi nhủ thầm: “Trời ạ, chỉ có hai người trở về thôi sao?”
Vừa nghĩ đã cảm thấy không rét mà run, Trần Tôn chốt cửa cẩn thận rồi vội vã chạy theo Cửu Dương hỏi:
- Viện trưởng...!còn tổng đà chủ và mấy vị đương gia đâu?
- Dạ, cháu cũng đang lo lắm đây.  Nhưng chuyện rất dài, tóm lại lần này kế hoạch của chúng ta đã thất bại rồi!
Cửu Dương thở hổn hển, vừa trả lời vừa bước nhanh trên khoảng sân rộng, đi xuyên qua hai dãy nhà ký túc xá.  
Nhạc Tam Nguyên nói:
- Học trò đi tìm sư nương.
Cửu Dương thở phào, nét mặt mừng rỡ, chàng gật đầu.  Nhạc Tam Nguyên chạy vào dãy nhà hướng Bắc.
Hai dãy nhà ký túc xá được cất song song ở mặt sau Hắc Viện, mái đều lợp bằng ngói đồng ngói ống.  Nam Phong tư thất và Bắc Phong tư thất là tên của hai dãy nhà này.  Đó là tập hợp những căn phòng rộng rãi lại có hành lang thoáng mát trước cửa với lan can bằng chấn song gỗ nối liền nhau.  Ngoài ra nhà bếp, kho chứa thuốc, nhà chứa củi và nhà vệ sinh cũng đều có đủ.
Lúc này đã quá canh ba từ lâu, là lúc đám học sinh đương say giấc nồng.  Tất cả đèn phòng đều tắt ngấm, ngoài tiếng chân của Trần Tôn và Cửu Dương trong sân, và tiếng chân Nhạc Tam Nguyên trong Bắc Phong tư thất thì tứ bề lặng ngắt như tờ.
Trần Tôn thấy Cửu Dương bước có phần loạng choạng như sắp ngã xuống, nói:
- Để lão nô cõng tam gia giúp ngài!
Cửu Dương không nỡ để ông lão cõng Tôn Hứa Khải còn chàng đi đứng nhẹ nhàng thanh thản, hơn nữa chàng còn gắng được, nói:
- Tam ca bị một vết thương nơi tâm mạch, nếu di chuyển chẳng may vỡ ra cháu chỉ e lành ít dữ nhiều!
- Vâng, lão hiểu!

Trần Tôn đáp, dùng ánh mắt ấm áp nhìn Cửu Dương, lời vừa rồi của Cửu Dương khiến ông vừa cảm thấy có lý vừa cảm thấy vui, Cửu Dương không bao giờ khiến ông cảm thấy vô dụng vì năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi.
Bốn bàn chân không ngừng bước đi như chạy, vậy mà hồi sau mới tới được chỗ giếng nước Tụ Nguyệt.
Đây là một cái giếng có dạng hình thoi, đường kính miệng giếng ước độ xấp xỉ hai thước.  Chiều sâu từ miệng giếng đến đáy giếng là mười lăm thước.  Chung quanh ba mặt giếng được trồng một hàng rào hoa giấy cao gấp đôi thành giếng.  Mặt còn lại dĩ nhiên để trống nhằm thuận tiện cho việc lấy nước.  Bên trong hàng rào hoa giấy người ta lại lát một con đường nhỏ bằng gạch nung vòng quanh giếng.  Theo quan niệm của người xưa, họ cho rằng giếng hình thoi tượng trưng cho mặt đất, khi tinh hoa trời mây chiếu vào nước sẽ mang đến điều may mắn.  Bởi thế mục đích của việc đào giếng này ngoài cung cấp nước sinh hoạt còn để tạo phúc từ phong thủy.
Về phần cái tên Tụ Nguyệt là do chính Mã Lương đặt, với mong muốn các học sinh của Hắc Viện học xá cũng như giếng này hấp thu nguyên khí tinh hoa từ mặt trăng, đất trời và vũ trụ, đem ánh sáng tri thức tiếp thu được đó trau dồi trí tuệ và phẩm chất để trở thành những kỳ tài giúp đỡ đất nước.
Lúc này Cửu Dương cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, bước chân chàng nặng như đeo chì, đi mãi mà cảm giác đoạn đường đến Tâm Thiền thư viện như cứ dài thêm ra, thật đúng y câu càng gấp càng thấy lâu, quan tâm tất loạn.
Giếng Tụ Nguyệt vừa khéo là giao điểm giữa mặt trước và mặt sau Hắc Viện.  Mặt trước dĩ nhiên dùng làm học đường, bao gồm hai dãy giảng đường và Tâm Thiền thư viện.  Hai dãy này lại chia thành giảng đường phía Nam và giảng đường phía Bắc, mỗi dãy ba mươi gian, mỗi gian có thể chứa năm mươi học sinh.  Tâm Thiền thư viện được xây ngay chính giữa hai giảng đường này.  Rất nhiều bộ sách nổi tiếng thời bấy giờ gồm cả chính bản và lưu bản đều được tập hợp lưu giữ ở biểu tượng văn hóa tôn nghiêm này.
Cửu Dương đi mãi rốt cuộc cũng thấy tấm bảng đề bốn chữ Tâm Thiền thư viện hiện ra trước mắt chàng.  Trần Tôn bèn lật đật chạy lên trước đẩy cửa.  
Cửu Dương nói cảm ơn Trần Tôn, cõng Tôn Hứa Khải trên lưng đi tới cuối thư viện, nơi có một cái tủ thờ, trên đặt bài vị ba anh em Lưu, Quan, Trương.  Chiều cao phải hơn Cửu Dương khoảng gần một cái đầu.
Trần Tôn lại chen lên trước, nhanh nhẹn mở cửa tủ, kéo cái kệ sách ra, bên trong liền xuất hiện bậc thang để đi xuống một địa đạo.
Hai người cẩn thận đi xuống địa đạo.  Hết bậc thang liền bước vào một căn phòng rộng có treo vài cây đuốc chỉ đủ để soi sáng hai lối đi sâu hun hút ngay trước mặt.  Cửu Dương đã quá quen thuộc nên lập tức rẽ sang lối bên phải.  Sau khi bước vào căn phòng đầu tiên nằm bên phải chàng cẩn thận đặt thân thể xụi lơ mềm oặt của Tôn Hứa Khải lên chiếc giường trong góc phòng.
Giữa phòng có một bộ bàn ghế, trên bàn có bình trà và dăm cái tách.  Trong khi Cửu Dương đắp chăn cho Tôn Hứa Khải, Trần Tôn rót trà ra tách.
Cửu Dương đắp tấm chăn lên mình Tôn Hứa Khải xong, sắc mặt chàng chợt tái đi.  Cả người vẫn lấm lem vấy máu, chàng cố gắng bước tới bộ bàn ghế, lảo đảo vịn tay ghế mà không xong bỗng trượt tay ngồi phệt xuống đất.
Trần Tôn bước đến đỡ lấy Cửu Dương đứng dậy ngồi vào ghế.  Ông lão ân cần bưng cái tách trà vừa mới rót xong đặt xuống bàn trước mặt Cửu Dương.  
Cửu Dương hít sâu một hơi để điều khí dưỡng thần, sau đó nói cám ơn ông lão rồi nâng tách trà lên uống một ngụm.  Ông lão đánh mắt về hướng Tôn Hứa Khải đang nằm bất tỉnh trên giường.
Cửu Dương đặt tách trà xuống nói:
- Tam ca bị trúng độc không đơn giản, cháu đã gắng hết sức dùng nội công nhưng chỉ ép được một ít máu độc ra ngoài.  
Trần Tôn đặt tay lên trán Cửu Dương.
Có thể nói, nhìn bề ngoài Hắc Viện chẳng khác gì những trường học bình thường khác nhưng bên trong chỉ những thành viên cốt cán mới biết nơi này ẩn chứa cả một tá bí mật.
Chẳng hạn như ngay bên dưới Tâm Thiền thư viện có xây một địa đạo, nơi những thành viên của Thiên Địa hội sử dụng như hệ thống phòng thủ trong lòng đất, được các thành viên bắt đầu đào vào cuối thời điểm trị vì của Hoàng Thái Cực và mãi cho đến cuối đời của hoàng đế Thuận Trị mới chính thức hoàn tất.
Họ chọn Hàng Châu vì qua khảo sát khu vực này được gọi là đất thép, tức loại đất sét hòa với đá ong nên có độ bền cao và rắn chắc.  Bởi vì địa đạo không chỉ đơn giản là địa điểm bí mật để thành viên họp mặt bàn thảo kế hoạch mà còn là nơi ẩn trú của các đương gia và một số thành viên Thiên Địa hội tại Giang Nam mỗi khi nguy cấp.  Ngoài ra, hệ thống này cũng là nơi lưu trữ binh khí, gạo, vàng bạc và lương khô cướp được trước khi đem đi phân phát cho những bá tánh nghèo khổ.  Căn cứ bí mật này đã được sử dụng trong một thời gian dài chống phá triều đình nhà Thanh.
Lại nói đến Nhạc Tam Nguyên, chàng đang dẫn bốn người đi trên sân hướng tới thư viện.  Nhạc Tam Nguyên đi đầu, theo sau chàng là thằng bé Hiểu Lạc và cô gái áo hồng.
Theo sau nữa là hai người đàn ông giống nhau như hai giọt nước.  Hai người này là con trai của học giả Lữ Lưu Lương.  Mấy năm trước, nhờ được Cửu Nạn thuyết phục, Lữ Lưu Lương đã đưa toàn bộ Lữ gia cùng tham gia phong trào phản Thanh phục Minh.
Hai anh em lần lượt tên Lữ Nghị Trung và Lữ Nghị Chánh, là một đôi huynh đệ song sinh, năm nay tròn hai mươi hai tuổi.  Thoạt nhìn dáng dấp hai người này hết sức thư sinh, lại thêm hình dung sáng sủa, gò má cao, cái mũi thanh tú và nhất là môi đỏ hồng như con gái, khiến không ít người lần đầu gặp họ chợt nảy sinh suy đoán linh tinh.
Chẳng hạn như lần đầu tiên thằng nhóc Hiểu Lạc thấy họ ở Tây hồ gần Hắc Viện học xá, khi đó, cặp Lữ huynh đệ đang ngồi chơi cờ vây trên một chiếc ghe bên dưới gầm cầu Tây Lâm.  Thực là non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình hòa quyện cùng một cặp nam tử như ngọc.  Ấy vậy mà Hiểu Lạc nó cứ níu tay cô gái áo hồng cười hí hí.
Chỗ Hiểu Lạc và hồng y nữ tử đứng cách cầu Tây Lâm mươi thước ngay dưới hàng liễu, sau khi cô gái áo hồng ngó qua cũng cười nói:
- Ầy!  Tuy họ… mình hạc xương mai là vậy nhưng bản lãnh không vừa đâu.  Nghe nói không ít kẻ chỉ xem mặt mà bắt hình dong, lỡ xem thường họ đã phải ôm hận khóc ròng đấy.  Ngoài giờ dạy học họ thích du ngoạn khắp nơi hành hiệp trượng nghĩa.  Hơn nữa lại coi tiền tài vật chất như là mây khói nên rất hợp tâm ý khách giang hồ, được tặng ngoại hiệu Vô Thường Song Hiệp đó biết chưa!
Hiểu Lạc lộ vẻ ngạc nhiên, song vừa nghe hết câu nó liền ngoác miệng cười ha ha:
- Danh hiệu thật là kêu!  Rốt cuộc vẫn là một cặp… không bình thường sư nương ơi!

Cô gái áo hồng cũng bật cười, song cốc đầu Hiểu Lạc một cái răn:
- Là con nít thì không được nói bóng gió xúc phạm bừa bãi các bậc tiền bối rõ chưa?
Hiểu Lạc bĩu môi không phục, nó lia mắt “quýnh giá” hai người kia từ đầu tới chân, không khỏi thầm so sánh với Cửu Dương.  Nhìn tới nhìn lui nó vẫn cho ra kết luận: "Rõ là ngữ trói gà không chặt," thế là trề môi hỏi vặn:
- Sư nương có biết tí xíu võ công nào đâu, làm sao biết họ đánh đấm giỏi thế nào?
Cô gái áo hồng nghe vậy ngớ người ra một lúc rồi đáp:
- Thật ra thì… ta cũng chưa được thấy họ so đấu với ai bao giờ.  Nhưng nghe nói họ là đệ tử của Giác Tĩnh đại sư, sư đệ Võ Thánh.  Từ khi Giác Tĩnh đại sư viên tịch, trong giang hồ không còn ai được chân truyền công phu Mai Hoa Kim Lạc Tọa như họ nữa.  Vả lại võ công của hai người họ rất khá, lại thêm từ nhỏ không bao giờ rời nhau, cứ như bóng với hình nên phối hợp càng thêm ăn ý.  Ở Hàng Châu này nổi tiếng là cặp hiệp đạo trứ danh đấy!
Hiểu Lạc lại thấy hai người một bận áo đen một áo trắng, buột miệng kêu:
- Người gì mà da dẻ trắng bệch như con gái, y một đôi quỷ đòi mạng!
Cô gái áo hồng cười khúc khích:
- Ủa, đúng là có lời đồn huynh đệ họ thề không lấy vợ, mơ ước trở thành một cặp du hiệp oai danh lừng lẫy.  Nên có kẻ ghen ghét gọi họ là “Hắc Bạch… Bất Thường” thật.
- Đó đó thấy chưa! – Hiểu Lạc được thể khoái chí – Đâu phải chỉ mình con bảo họ bất thường!
Hi hi ha ha một hồi, nó bỗng ớ người:
- Ủa, nói nãy giờ mà con vẫn chưa biết ai là anh, ai là em đó sư nương!
Cô gái áo hồng mỉm cười giải thích:
- Người anh tên Lữ Nghị Trung chuyên mặc hắc y, còn người em tên Lữ Nghị Chánh lại thích mặc bạch y.
Nàng lại kể với Hiểu Lạc rằng cặp Lữ huynh đệ này từng học chung với Cửu Dương nhưng Cửu Dương chơi thân với Nghị Chánh hơn vì tánh tình Nghị Chánh hợp với Cửu Dương hơn.
Hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, cứ có dịp không đi cùng anh trai là Nghị Chánh xáp vô Cửu Dương ngay.  Hai người hay túm tụm nói chuyện trên trời dưới đất không thiếu thứ gì.  Những khi chép bài xong không có chuyện chi làm, buồn chán quá họ bèn trốn Mã Lương, bá vai bá cổ đi mua rượu rồi học theo mấy vị lãng tử giang hồ ngửa cổ tu ừng ực.  Đi chán mỏi chân lại ngồi nấp trên cành cây bên hồ chén chú chén anh, mắt đong đưa ngắm nữ nhân qua lại, đời thế là vui ngay.
Lại nói thực ra anh em họ Lữ cũng không hề hay biết sự kiện hành thích này.  Chẳng qua hôm trước cả hai tình cờ ngang qua chợ đông bỗng thấy một đám đông xúm đen xúm đỏ quanh bảng cáo thị.  Vốn tính hiếu sự họ bèn dừng lại đọc.  Chỉ thấy trên tờ giấy lù lù mấy chữ rất to, nào là “Giang Nam Thất Phỉ hoành hành ngang ngược, độc ác vô đạo," rồi thì "cả gan phạm thượng hành thích hoàng đế nhưng bất thành…”  Còn bên dưới là lệnh truy nã phản tặc.
Hai anh em đọc mà trợn mắt há mồm, sững sờ hồi lâu trước tin tức kinh người này.  Rốt cuộc Nghị Chánh phản ứng trước, bực tức siết chặt nắm đấm vừa nghiến răng trèo trẹo vừa lầm rầm trong miệng:
- Thật là tức quá!  Bao nhiêu người võ công trác tuyệt vậy mà cũng không giết được hoàng đế!
Nghị Trung đứng sát bên Nghị Chánh nghe vậy giật đánh thót bèn e hèm một tiếng.  Nghị Chánh vẫn tỉnh bơ chắt lưỡi than thở:
- Chậc chậc!  Quanh năm suốt tháng hoàng đế trốn trong Cấm thành như con rùa rúc trong mai, chỉ có dịp này mới rời kinh lên chùa cầu siêu cho cha hắn.  Biết vậy nên bảy vị đương gia cùng với tổng đà chủ mới đích thân ra tay vậy mà...!một cơ hội tốt như vậy, thật là tiếc quá đi thôi!
Nghị Trung toát mồ hôi lạnh, mắt liếc chung quanh một vòng.  Cũng may hai anh em họ vẫn đứng phía ngoài vòng người đang tò mò xem cáo thị.  Hơn nữa ai cũng đương mải mê bàn tán, tiếng ồn ào đã át đi phần nào.  Bực mình Nghị Trung thúc chỏ vào eo đệ đệ một cái rõ đau rồi hất đầu ra hiệu bảo Nghị Chánh đi về, tránh bị binh lính trong chợ nghe được câu nói đại nghịch bất đạo vừa rồi.
Tối nay Lữ Nghị Trung và Lữ Nghị Chánh cũng như Nhạc Tam Nguyên và Trần Tôn không ngủ được, cả hai nằm trên giường trong một căn phòng của dãy Bắc Phong tư thất nhìn trần nhà, chợt nghe tiếng chân bên ngoài hành lang liền ra xem.  Hai anh em Lữ gia thấy Nhạc Tam Nguyên, Hiểu Lạc, cô gái áo hồng đang đi trên hành lang.  Lữ Nghị Trung và Lữ Nghị Chánh liền gia nhập ba người.  
Nhóm Nhạc Tam Nguyên, Hiểu Lạc, cô gái áo hồng, Lữ Nghị Trung và Lữ Nghị Chánh ra khỏi dãy nhà Bắc Phong tư thất, đi đến giếng Tụ Nguyệt thì nghe tiếng chân phía sau lưng họ.  Chân mấy người không hề chậm lại, nhưng mấy cái đầu khẽ quay lại, thấy một cô gái vận y phục màu tím thẫm đang đưa tay vẫy gọi.  Tử y nữ tử có dung mạo tuyệt thế như thiên tiên trên trời, làm người ta phải chú ý ngay từ lần đầu gặp gỡ.  Tóc nàng dài óng ả thả ngang lưng, toàn thân toát ra vẻ vừa phong trần vừa mỹ lệ.
Cô gái áo tím nói:
- Mấy người đi coi náo nhiệt mà không tìm đến phòng ta cho ta hay ư?  Cũng may bổn cô nương có Thuận Phong Nhĩ nên có thể nghe được âm thanh từ xa.  
Hiểu Lạc nói:
- Chào Lâm sư cô.
Cô gái áo hồng nói:
- Chào tỉ.
Lâm cô nương chạy lên bá cổ Hiểu Lạc và cô gái áo hồng nói:
- Đi, ba người chúng ta đi xem đầu của Mãn Châu hoàng đế coi có khác đầu người bình thường không?

Nhạc Tam Nguyên và anh em họ Lữ lé mắt nhìn nhau.  Một mỹ nhân như hoa như ngọc mà thốt lời rùng rợn cứ tỉnh như không.  Không ai bảo ai, ba chàng bất giác nhích xa ra khỏi cô nương họ Lâm một bước.
Đám người đi xuống địa đạo, vào phòng thấy Cửu Dương và Trần Tôn ngồi bên bàn trà.  
- A!  Sư phụ!
Hiểu Lạc vừa thấy Cửu Dương liền reo lên vui sướng, nhảy bổ lại gần nó mới la lên oai oái:
- Trời ơi, sao sư phụ máu me lấm lem thế này, người có làm sao không?
Thế rồi cuống quít lăng xăng kiểm tra khắp người Cửu Dương.
- Không sao, chẳng phải ta vẫn đủ hai tay hai chân đây ư! - Cửu Dương xoa đầu Hiểu Lạc cười nói.
Cô gái áo hồng cũng trông thấy Cửu Dương, chợt nhớ bức thư hôm bữa chàng bảo Nhạc Tam Nguyên trao cho nàng, gương mặt trắng mịn liền đỏ như gấc, nàng cụp mắt xuống tránh tia nhìn của Cửu Dương, đi thẳng đến giường để xem thương thế Tôn Hứa Khải ra sao.
Cô gái họ Lâm cùng Lữ Nghị Trung, Lữ Nghị Chánh đứng quanh Cửu Dương.  
Cửu Dương ảo não nhìn ba người nói:
- Cũng tại huynh đây bất tài, cảm thấy thật xấu hổ.
- Thất ca – Lâm cô nương an ủi Cửu Dương - Huynh đừng tự trách bản thân.  Muội cũng có biết phong phanh vài tin, lần xuất cung này tên nhóc hoàng đế mang theo tới ba vạn binh mã chứ đâu có ít, hơn nữa toàn là binh lính tinh nhuệ của quân đoàn Chính Bạch kỳ cả.  Nghe đâu có tên thống lĩnh thị vệ vỗ ngực kêu rằng dù cả ngàn thích khách đến liều mạng cũng đừng hòng tiến được quá mười thước.
Lữ Nghị Chánh và Lữ Nghị Trung đặt tay lên vai Cửu Dương.  Cô gái họ Lâm nói tiếp:  
- Nhưng nhìn xem, hội chúng ta vẻn vẹn chỉ tám người, chẳng phải đã khiến bọn chúng một phen thất kinh hồn vía đó sao?
Cửu Dương nghe mấy câu an ủi này, cố nặn một nụ cười cảm khái.
- Viện trưởng à – Trần Tôn nói – Lâm tiểu thư nói đúng đó.  Hoàng thiên bất phụ hảo nhân tâm, chúng tôi tin tưởng sớm muộn gì cũng đến ngày "thiên địa phục Minh, nhật nguyệt trùng quang!”
Trần Tôn nói xong e Cửu Dương vẫn còn tự trách bản thân chàng vì không hoàn thành chuyến hành thích tân hoàng bèn tìm cách lảng chuyện.
- Lâm tiểu thư – Trần Tôn nhìn cô gái áo tím, khẽ nhíu mày nói bằng giọng trách cứ - Mấy ngày nay tiểu thư đi đâu vậy?  Không thấy tiểu thư trong học xá, hại cái thân già này của lão hủ chạy ngược chạy xuôi tìm cực quá!
Lâm tiểu thư là ái nữ duy nhất của Lâm Vĩ, tên Tố Đình.  
Lâm Tố Đình biết Trần Tôn đang mắng khéo bản tính hiếu sự của nàng, hẳn ông lão lại sợ nàng chạy ra ngoài gây chuyện đây.  Nàng bèn sà tới, vừa như đứa cháu làm nũng trưởng bối trong nhà vừa cười cười trấn an:
- Có chi đâu Trần thúc, cháu chỉ là đi đây đi đó dạo chơi chút chút thôi mà!
Bộ dạng đó làm Trần Tôn chỉ biết lắc đầu cười khổ.
Lâm Tố Đình trở về bên Cửu Dương nói:
- Nữ thần y ở đây, tam ca sẽ không sao đâu.  Thất ca, huynh hãy đi tắm rửa thay đồ rồi ngủ một giấc đi, nhìn huynh tàn tạ thế này.  
Cửu Dương cũng muốn tắm rửa thay đồ, nhất là ngủ một giấc thật lâu như lời của Lâm Tố Đình nhưng chàng vừa trải qua một trận chiến sinh tử, lại vừa phải bôn ba chạy trốn tận từ Sơn Tây về Giang Nam, Cửu Dương đuối quá rồi.  Chàng đứng dậy không nổi, chỉ đủ sức để gật đầu với Lâm Tố Đình.
Hơn nữa Cửu Dương còn muốn ở lại với cô gái áo hồng thêm một hồi.  Sau phen thập tử nhất sinh tưởng như vĩnh viễn không còn được thấy nàng, giờ gặp lại nữ thần y, trong lòng chàng kích động vô cùng, chàng gật đầu với Lâm Tố Đình rồi nhìn nữ thần y không rời.
Thực ra "nữ thần y" không phải tên thật của cô gái áo hồng mà cũng chẳng ai biết tên nàng là gì.  Bởi năm đó khi còn là đứa trẻ sơ sinh mới một ngày tuổi thì nàng đã được danh y Bảo Chi Lâm nhặt ở chùa Phật Sơn mang về nuôi rồi.  Nói đến Bảo Chi Lâm, cả vùng Giang Nam không ai không biết tiếng bà là một lương y đức độ, từng nguyện cả đời hành y cứu dân nghèo.  Hơn nữa để tiện việc chữa bệnh, bà còn gom góp tài sản mở được rất nhiều tiệm thuốc rải rác khắp nơi nhưng tiệm thuốc chính vẫn là ở Phật Sơn, Sơn Đông.
Dù bận rộn là thế song việc chăm bẵm nữ thần y vẫn do bà tự tay làm lấy tất cả.  Nghe kể rằng lúc còn ẵm ngửa, cứ hễ được đặt cạnh Bảo Chi Lâm khi bà đang làm thuốc là cô bé không hề quấy khóc một tiếng, chỉ giương đôi mắt đen láy chăm chú quan sát.  Mã Lương phu tử mấy dịp ghé qua, thấy thế cho là điềm lạ bèn âu yếm gọi cô bé là "nữ thần y bé nhỏ."  Danh xưng "nữ thần y" quen thuộc từ ngày đó.
Quả nhiên càng lớn cô bé càng lộ rõ thiên phú về y học.  Đến năm sáu tuổi, Bảo Chi Lâm chính thức nhận nữ thần y làm đệ tử chân truyền, đích thân tự mình chỉ dạy.  Nàng nổi tiếng thông minh, không những vậy chỉ cần nhìn qua bất cứ nội dung nào liên quan đến y thuật là nhớ ngay.  Người ta đồn khi vừa thạo mặt chữ, chỉ mất hơn ba canh giờ nữ thần y đã đọc thuộc toàn bộ những ghi chép tâm đắc về y thuật của thầy!
Thậm chí trong quá trình học tập, để giúp nữ thần y nắm chắc kỹ thuật.  Bảo Chi Lâm còn tự bẻ cổ tay, lại đem xương chân, xương đùi trực tiếp đánh gãy, sau đó để cho nữ thần y tự mình thực hành nối xương.  Dưới sự chỉ bảo hết lòng và nghiêm khắc như thế, tay nghề nữ thần y ngày càng vững chắc, chẳng mấy chốc được người Phật Sơn xưng tụng là kỳ tài mới về y thuật.
Mấy năm trước triều đình nghe nói ở Sơn Đông có một thầy thuốc y thuật rất cao minh.  Sau khi tìm hiểu lai lịch bèn tuyên triệu Bảo Chi Lâm vào cung chữa bệnh cho Đổng Ngạc phi nhưng bà từ chối.  Triều đình tức giận xuống chiếu bức tử, trong đêm khuya hành quyết cả nhà họ Bảo, chỉ một mình nữ thần y khi đó đi lấy thuốc ở Thiên Sơn nên may mắn sống sót.
Từ đó nữ thần y tiếp nối tâm nguyện của sư phụ, đem y thuật ra giúp đời.  Thấm thoắt đã mấy năm, đến giờ trong Thiên Địa hội ai cũng ví nàng như Hoa Đà tái thế, thậm chí cho rằng tài trị bệnh của nàng đã nổi trội hơn sư phụ rồi..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.