Điệu Vũ Bên Lề

Chương 27




Ngày 25 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi cảm thấy thật tuyệt vời! Thật đó. Tôi phải nhớ cảm giác này để dành cho lần tới, lúc tôi lại có một tuần tồi tệ. Bạn có bao giờ làm vậy chưa? Bạn cảm thấy buồn thật buồn, và rồi tự nhiên hết buồn mà không hiểu tại sao. Tôi cứ tự nhủ rằng cứ sau khi thấy tuyệt vời như thế này thì có thể một tuần tệ hại khác lại đến, thế nên tôi nên gom góp càng nhiều chi tiết vui vẻ càng tốt, để khi cái tuần tệ hại ấy đến thật, tôi có thể bíu vào những chi tiết đó để tin rằng tôi sẽ lại vui. Cách này không ích lợi lắm, nhưng tôi nghĩ cứ thử qua cũng rất quan trọng.

Chuyên gia tâm thần điều trị cho tôi là một chú rất tốt. Chú ấy giỏi hơn ông chuyên gia kỳ trước nhiều. Chú ấy hỏi tôi cảm thấy, suy nghĩ và nhớ những gì. Như là lúc tôi còn nhỏ, có một lần nọ tôi xuống phố đi quanh khu nhà. Tôi trần như nhộng, tay cầm một cây dù xanh dương, mặc dù trời không mưa gì cả. Lúc ấy tôi vui vì cảnh đó làm mẹ tôi cười. Mà mẹ thì ít cười lắm. Nên mẹ chụp một bức ảnh. Rồi mấy người hàng xóm phàn nàn.

Một lần khác, tôi xem đoạn quảng cáo cho bộ phim về một người đàn ông bị buộc tội sát nhân, nhưng ông ấy không phạm tội này. Một diễn viên trong bộ phim M*A*S*H đóng vai chính trong phim này. Rất có thể đó là lý do tôi nhớ được. Đoạn quảng cáo nói rằng toàn bộ phim xoay quanh việc nghi phạm cố gắng chứng minh ông ấy vô tội nhưng nhiều khả năng ông ấy vẫn bị tống vào tù. Chuyện ấy làm tôi rất sợ. Sợ thật là sợ. Bị trừng phạt vì một điều gì đó mà ta không làm. Hoặc trở thành một nạn nhân vô tội. Nó là thứ tôi không bao giờ muốn nếm trải.

Tôi không biết những chuyện thế này có đáng kể với bạn không, nhưng lúc khám bệnh, tôi có cảm giác như “đột phá”.

Điều hay nhất ở chú chuyên gia là chú ấy có nhiều tạp chí âm nhạc trong phòng đợi. Một lần đi khám, tôi đọc được bài về ban nhạc Nirvana, một bài tử tế không nhắc bất cứ gì liên quan tới xốt mù tạt mật ong hay rau diếp. Dù vậy, tác giả cứ nhắc suốt về chứng bệnh dạ dày của anh ca sĩ. Kỳ thật.

Như tôi kể với bạn, Sam cùng Patrick thích nhiều bài hát của nhóm nhạc này, nên tôi nghĩ cần đọc bài báo nọ để biết thêm mà chuyện trò với hai người. Cuối bài, tác giả so sánh ca sĩ của nhóm với John Lennon của Beatles. Sau này tôi kể chi tiết ấy với Sam, thế là cô ấy nổi cáu ghê lắm. Cô ấy bảo nếu có so thì so với Jim Morrison còn khả dĩ, nhưng thực sự anh ấy không giống ai hết, là độc nhất vô nhị. Bọn tôi ở quán Big Boy sau sô diễn Rocky Horror, và câu chuyện ấy khơi mào một cuộc thảo luận sôi nổi.

Craig bảo rắc rối xảy ra khi mọi người lúc nào cũng so sánh người này với người kia, chuyện này là người ta bị hạ thấp giá trị, giống như trong khóa học nhiếp ảnh của hắn.

Bob thì bảo mọi chuyện là do các ông bố bà mẹ của bọn tôi không muốn xa rời thời thanh xuân của họ, và họ sẽ đau lòng khi không cảm thấy kết nối được với thế hệ bây giờ.

Patrick bảo vấn đề ở chỗ mọi thứ đều đã hiện hữu rồi, người ta khó mà khai phá được điều gì mới. Không ai có thể thành danh được như ban nhạc Beatles, bởi chính Beatles đã trở thành một cái “phông nền” để so sánh. Họ nổi tiếng đến vậy là vì họ không có ai để mà so sánh cả, nên giới hạn là vô tận.

Sam chêm vào là bây giờ ban nhạc hay ca sĩ này nọ cứ ra hai album là tự so họ với Beatles, rồi từ đó trở đi cá tính âm nhạc của họ nhòa nhạt hẳn.

“Cậu nghĩ sao, Charlie?”

Tôi không nhớ được là nghe hay đọc chuyện này ở đâu. Tôi nói rằng có thể nó nằm trong quyển Bên này thiên đường của F. Scott Fitzgerald. Có một đoạn gần cuối sách, cậu nhân vật chính gặp được một ông già. Hai người cùng đi xem trận bóng mừng cựu sinh viên các trường thuộc Liên đoàn Ivy, họ tranh luận với nhau chuyện này. Ông già là kẻ thành đạt. Còn cuộc đời cậu trai trẻ chỉ có thể diễn tả bằng từ “tan nát”.

Cái chính là họ tranh luận với nhau, cậu trai là người theo chủ nghĩa lý tưởng kiểu đương đại. Cậu nói về “thế hệ không ngừng nghỉ” của tôi, đại loại thế. Rồi cậu nói đại khái, “Thời đại này không phải thời của các anh hùng, bởi không ai để cho sự tích anh hùng xuất hiện.” Bối cảnh trong sách là những năm 1920, thật tuyệt, bởi đoạn đối thoại như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trong quán Big Boy. Rất có thể thời ông bà chúng ta đã nói chuyện như thế. Và rất có thể chuyện ấy lặp lại với bọn tôi ở thời điểm hiện tại.

Thế nên tôi nghĩ báo chí gắng đẩy anh ca sĩ thành người hùng, nhưng sau lại có ai đó bới móc được chuyện gì khiến hình tượng anh ta xấu đi. Không hiểu sao phải làm thế nhỉ, anh ta chỉ là người viết ra nhiều ca khúc được đông đảo người nghe ưa thích, như vậy chẳng phải đã đủ lắm rồi hay sao. Có thể tôi sai, nhưng mọi người ngồi bên bàn bắt đầu bàn tán về chuyện đó.

Sam đổ lỗi cho truyền hình. Patrick trách chính phủ. Craig thì phê phán các “tập đoàn truyền thông.” Bob thì bỏ đi vệ sinh.

Tôi không biết nói chuyện kiểu này gọi là gì, và hẳn là nói suông thế không đạt được gì hết, nhưng thật hay khi ngồi cùng nhau mà bàn luận vai trò của chúng ta trong mọi chuyện. Như lúc thầy Bill dặn tôi hãy cố “nhập cuộc.” Tôi có đi dự buổi dạ vũ mừng cựu sinh viên như từng kể với bạn, nhưng nói chuyện thế này thì vui hơn. Nhất là khi nghĩ rằng mọi người trên khắp thế giới từng có những cuộc trò chuyện ở những nơi giống như quán Big Boy.

Tôi định chia sẻ cho mọi người cùng bàn ý nghĩ ấy, nhưng họ đang hào hứng chê bai nên thôi không làm họ mất hứng. Vậy là tôi chỉ ngồi lùi ra sau một chút, ngắm Sam ngồi cạnh bên Craig, cố kiềm nỗi chạnh lòng. Phải nói rằng tôi làm chuyện ấy không giỏi lắm. Nhưng một lúc sau, khi Craig đang nói gì đó, Sam quay sang cười với tôi. Một nụ cười như trong phim quay chậm, thế là tôi thấy mọi việc ổn cả.

Tôi kể chuyện này cho chuyên gia tâm thần nghe, nhưng chú ấy bảo bây giờ kết luận ngay thì còn quá sớm.

Tôi không biết nữa. Tôi vừa có một ngày tuyệt vời. Mong rằng bạn cũng như thế.

Thương mến,

Charlie

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.