Điệu Vũ Bên Lề

Chương 20




Ngày 21 tháng Mười Hai, 1991

Bạn thân mến,

Ôi chao, ôi chao. Tôi có thể vẽ lại cảnh này nếu bạn thích. Bọn tôi ngồi trong nhà của Sam và Patrick, tôi chưa đến đây bao giờ. Ngôi nhà thật lộng lẫy. Sáng bóng. Rồi bọn tôi tặng những món quà cuối cho nhau. Đèn ngoài sân bật sáng, tuyết rơi, như là phép màu hiển hiện. Như thể bọn tôi đang ở nơi nào khác. Một nơi tuyệt vời hơn.

Hôm đó là lần đầu tôi gặp ba mẹ của Sam và Patrick. Họ thật tử tế. Mẹ Sam xinh đẹp và rất biết kể chuyện cười. Sam nói hồi còn trẻ, bác ấy là diễn viên. Ba của Patrick rất cao, có cái bắt tay thật chặt. Bác ấy nấu ăn cũng rất ngon. Các vị phụ huynh thường khiến ta thấy ngại ngần khi gặp, nhưng ba mẹ của Sam và Patrick thì khác. Hai bác nói chuyện rất cởi mở suốt bữa tối, và khi ăn xong thì rời đi để bọn tôi thoải mái tiệc tùng. Thậm chí họ không quay lại ngó chừng bọn tôi gì cả. Không lần nào. Họ hoàn toàn để bọn tôi giả vờ đó là nhà của bọn tôi. Thế là cả bọn quyết định mở tiệc trong phòng bi-a, phòng này không có bàn bi-a nào cả mà chỉ có một tấm thảm rõ to.

Khi tôi tiết lộ rằng tôi là Ông già Noel bí mật của Patrick, mọi người cười phá lên vì họ đã biết từ lâu rồi, chỉ có Patrick cố sức giả vờ ngạc nhiên, cậu ấy tốt bụng thật. Rồi mọi người hỏi món quà cuối của tôi là gì, tôi nói đó là một bài thơ tôi đọc lâu rồi. Ngày xưa Michael chép cho tôi một bản. Tôi đã đọc nó cả ngàn lần bởi tôi không biết ai là tác giả. Không biết nó có được đưa vào cuốn sách hay chương trình học nào không. Không rõ tác giả bao nhiêu tuổi, nhưng tôi muốn biết người đó là ai, muốn biết người đó vẫn ổn.

Thế rồi, mọi người bảo tôi đứng lên đọc bài thơ. Tôi không ngượng chút nào bởi cả bọn đang cố hành xử như người lớn mà, còn uống rượu brandy nữa. Tôi thấy người ấm rực. Giờ tôi hãy còn âm ấm đây, nhưng vẫn ngồi vào viết ngay cho bạn. Rồi tôi đứng lên, trước khi đọc, tôi bảo mọi người ai biết người viết bài thơ này thì nói tôi nghe với.

Khi tôi đọc xong, mọi người đều lặng đi. Lặng đi vì buồn ấy. Nhưng điều hay là đó không phải nỗi buồn khiến tôi thấy tệ hại. Chỉ là thứ cảm giác khiến mọi người quay nhìn nhau để cảm nhận rằng bạn tôi vẫn hiện diện ngay đó. Sam và Patrick nhìn tôi. Tôi nhìn lại hai người. Tôi nghĩ là họ hiểu. Thực ra không phải điều gì cụ thể. Họ chỉ hiểu được thôi. Bạn bè với nhau chỉ mong có vậy.

Patrick bật mặt sau cuốn băng tôi ghi cho cậu ấy, và rót cho mỗi người một ly brandy nữa. Trông dáng bọn tôi uống rượu chắc là hơi ngô ngố, nhưng bọn tôi không cảm thấy thế. Dám chắc với bạn là vậy.

Giữa những bài hát lần lượt ngân nga, Mary Elizabeth đứng lên. Nhưng cô ấy không cầm cái áo vét. Hóa ra cô ấy không phải Ông già Noel bí mật của tôi. Cô ấy là Ông già Noel của Alice, cô nàng này cũng có hình xăm và khuyên rốn. Cô tặng Alice sơn móng tay bóng màu đen mà có lần Alice đứng ngắm nghía. Alice cảm kích lắm. Tôi chỉ ngồi đó, nhìn quanh căn phòng, dõi mắt tìm cái áo vét. Không biết ai đang giữ nó nhỉ.

Tiếp theo là Sam, rồi cô ấy tặng Bob một cái tẩu hút cần sa thủ công của thổ dân châu Mỹ, kể cũng có vẻ hợp với hắn.

Những người khác lần lượt tặng quà. Rồi thêm nhiều cái ôm. Cuối cùng, không còn ai chưa tặng ngoài Patrick. Cậu ấy đứng lên, đi vào bếp.

“Ai ăn khoai tây chiên không nào?”

Ai cũng muốn. Rồi cậu ấy trở ra với ba ống khoai tây Pringles và một cái áo vét. Và cậu ấy bước lại chỗ tôi, bảo rằng mọi tác gia vĩ đại thường lúc nào cũng đóng bộ đồ lớn mà.

Thế là tôi mặc cái áo vét vào, dù thấy không thực sự xứng đáng, bởi trước nay tất cả những gì tôi viết mới chỉ là vài bài luận nộp thầy Bill thôi, nhưng món quà thật là tuyệt, và mọi người cũng vỗ tay. Sam và Patrick đều đồng ý rằng tôi trông bảnh trai. Mary Elizabeth mỉm cười. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên trong đời tôi tự cảm thấy khá “ổn”. Bạn hiểu ý tôi chứ? Giống niềm vui khi nhìn vào gương và tóc tai mình nằm đúng nếp lần đầu tiên trong đời? Tôi nghĩ không nên quan trọng quá mức chuyện cân nặng, cơ bắp, hay tóc tai, nhưng khi tôi trông ổn thì cảm giác cũng tuyệt chứ. Thật sự là tuyệt.

Khoảng thời gian sau đó rất đặc biệt. Vì nhiều bạn sắp cùng gia đình dời đi tận Florida và Indiana, nên bọn tôi tặng quà cho cả những bạn mà bọn tôi không phải Ông già bí mật của họ.

Bob tặng Patrick ba gam rưỡi cần sa, cùng một tấm thiệp Giáng sinh đính kèm. Hắn còn cẩn thận vấn sẵn nữa. Mary Elizabeth tặng hoa tai cho Sam. Alice cũng vậy. Rồi Sam cũng tặng hoa tai cho họ. Tôi nghĩ đó là quà riêng kiểu con gái. Thú thật là tôi hơi buồn bởi ngoài Sam và Patrick, không có ai tặng quà cho tôi cả. Có lẽ tôi không thân với họ lắm, cũng phải thôi. Nhưng tôi buồn một chút.

Rồi đến phiên tôi tặng quà. Tôi tặng Bob một chai nhựa đựng bong bóng xà phòng, vì món ấy có lẽ hợp với tính cách hắn. Chắc tôi nghĩ đúng rồi.

“Quá được,” hắn nói gọn lỏn.

Rồi từ đó tới lúc tàn cuộc, hắn mải mê thổi bong bóng lên trần nhà.

Người nhận kế tiếp là Alice. Tôi tặng cô ấy quyển sách của Anne Rice, bởi cô ấy luôn nhắc về tác giả này. Và cô ấy nhìn tôi như thể không tin được là tôi biết cô ấy thích Anne Rice. Hẳn cô ấy không biết được tôi đã nói nhiều cỡ nào, hoặc tôi lắng nghe được nhiều ra sao. Nhưng dù sao cô ấy cũng cảm ơn tôi. Tiếp nữa là Mary Elizabeth. Tôi tặng cô ấy bốn mươi đô-la kẹp trong một cái thiệp. Trên thiệp đề một câu đơn giản: “Dành để in màu tờ Punk Rocky số tới.”

Cô ấy nhìn tôi là lạ. Rồi tất cả bọn họ đều nhìn tôi là lạ như thế, ngoại trừ Sam và Patrick. Tôi nghĩ họ hơi ngại bởi không có gì tặng tôi. Không nên thế, bởi chuyện đó đâu phải điều quan trọng nhất đâu. Mary Elizabeth chỉ nhoẻn cười, nói cảm ơn, rồi thôi nhìn vào mắt tôi.

Người sau cùng là Sam. Tôi đã loay hoay nghĩ mãi về món quà này từ lâu. Có lẽ từ lần đầu tiên tôi thực sự nhận ra cô ấy. Không phải lần đầu gặp mặt hay lần đầu trông thấy cô ấy, mà là lần đầu tiên tôi nhận ra cô ấy, bạn hiểu ý tôi nhỉ. Có một tấm thiệp đính kèm.

Trong tấm thiệp, tôi kể với Sam món quà tôi tặng cô ấy là quà của dì Helen tặng tôi. Đó là một cái đĩa than 45 vòng cũ có bài “Something” của nhóm Beatles. Ngày xưa, tôi nghe đĩa than ấy luôn và nghĩ ngợi những chuyện sẽ làm khi thành người lớn. Lúc đó tôi đi lại cửa sổ phòng ngủ, nhìn bóng tôi phản chiếu trong kính và cây cối bên ngoài, nghe đi nghe lại bài ấy hàng giờ liền. Rồi tôi tự nhủ sau này gặp ai đẹp như bài hát ấy, tôi sẽ tặng đĩa hát cho người đó. Và người đó không phải chỉ đẹp bề ngoài, mà là đẹp về mọi mặt. Thế nên tôi tặng nó cho Sam.

Sam nhìn tôi dịu dàng. Rồi cô ấy ôm tôi. Tôi nhắm mắt lại vì tôi không muốn biết gì khác ngoài vòng tay của cô ấy. Rồi cô ấy hôn lên má tôi, và thì thầm để khỏi ai nghe thấy.

“Mình yêu cậu.”

Tôi biết rằng cô ấy có ý nói yêu theo kiểu bạn bè, nhưng không sao, bởi đó là lần thứ ba kể từ khi dì Helen mất, có người nói yêu tôi. Hai lần kia là mẹ tôi nói.

Sau đó, thật khó tin, Sam cũng chuẩn bị cho tôi một món quà. Thành thật mà nói, tôi tưởng câu “mình yêu cậu” là quà rồi. Nhưng cô ấy có quà cho tôi thật. Và lần đầu tiên, một điều tốt đẹp như thế khiến tôi mỉm cười chứ không khóc. Tôi đoán Sam và Patrick đã cùng đến hiệu đồ cũ bởi quà của hai người là một bộ. Cô ấy dẫn tôi vào phòng cô ấy, đẩy tôi tới trước tủ com-mốt, trên có phủ cái vỏ gối nhiều màu đẹp đẽ. Cô ấy nhấc vỏ gối lên, và tôi đứng đó, trên người là bộ vét cũ, nhìn một cái máy đánh chữ cũ đã thay cuộn giấy mới. Trong khe giấy ló lên một đoạn giấy trắng.

Trên đó, Sam gõ, “Thi thoảng hãy viết về tôi nhé.” Rồi tôi đứng ngay trong phòng ngủ của cô ấy, gõ lại.

“Nhất định.”

Tôi thấy thật vui bởi vì đó là hai chữ đầu tiên tôi đánh bằng cái máy đánh chữ cũ mà Sam tặng tôi. Hai đứa tôi chỉ ngồi yên lặng một lát, rồi cô ấy mỉm cười. Rồi tôi lại chỗ cái máy đánh chữ, và gõ.

“Mình cũng yêu cậu.”

Sam nhìn mảnh giấy, rồi nhìn tôi.

“Charlie à, cậu từng hôn cô gái nào chưa?”

Tôi lắc đầu, chưa.

Im lặng.

“Hồi còn nhỏ thì sao?”

Tôi lại lắc đầu. Cô ấy trông buồn trĩu.

Cô ấy kể tôi nghe lần đầu tiên cô bị hôn. Là một ông bạn của ba Sam. Lúc đó cô ấy mới bảy tuổi. Cô ấy không kể chuyện này với ai ngoại trừ Mary Elizabeth, và sau đó là Patrick, hồi năm ngoái. Rồi cô ấy bắt đầu khóc. Rồi cô ấy nói một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên, không bao giờ.

“Hẳn cậu biết là tôi thích Craig. Tôi cũng từng bảo cậu đừng nghĩ về tôi theo hướng ấy. Tôi biết chúng ta không thể ở bên nhau như một đôi. Nhưng tôi muốn quên tất cả những điều đó đi trong một phút. Được không?’

“Được.”

“Tôi muốn chắc chắn rằng người đầu tiên cậu hôn là một người yêu cậu. Được chứ?”

“Được.” Giờ thì cô ấy khóc dữ hơn nữa. Và tôi cũng khóc, bởi khi nghe một điều như vậy, tôi không thể kềm lòng được.

“Tôi chỉ muốn chắc chắn như thế thôi. Được chứ?”

“Được.”

Rồi cô ấy hôn tôi. Đó là nụ hôn mà tôi không thể nào kể thành lời với bạn bè được. Nó là nụ hôn khiến tôi cảm thấy mình chưa bao giờ hạnh phúc đến vậy trong cả cuộc đời này.

Ngày xưa trên giấy vàng

Kẻ hàng màu xanh lá

nó viết một bài thơ

Lấy tựa đề là “Cún”

Tên của chú chó con

Và chuyện là như thế.

Thầy giáo cho điểm A

Kèm sao vàng lấp lánh

Mẹ tự hào đem treo

bài thơ lên cửa bếp,

còn kể dì nó nghe

vần thơ đầu ngờ nghệch.

Cùng năm, Cha Tracy

dẫn đi chơi vườn thú.

Bọn nhỏ ngồi trên xe

nghêu ngao vô tư lự.

Rồi em gái ra đời

hãy còn chưa mọc tóc.

móng chân bé tí teo.

Ba mẹ hôn nhau nhiều

và cô gái nhà bên

vừa gửi sang cho nó

tấm thiệp Valentine

cùng một hàng chữ X.

Nó ngây người, mờ mịt

như thế nghĩa là sao?

Thuở ấy, nó nhớ là

những ngày tháng ước ao

khi tối tối vào giường

Ba luôn luôn bên cạnh.

Ngày xưa trên giấy trắng

có dòng kẻ xanh dương

nó viết một bài thơ

với tựa đề “Thu tới”

bởi khi ấy đang mùa

và chuyện là như thế.

Thầy giáo cho điểm A

bảo viết cho rành mạch.

Mẹ lần này không treo

bài thơ lên cửa bếp

cánh cửa vừa mới sơn

chắc không treo thì hơn.

Nghe nói Cha Tracy

giờ hay hút xì-gà,

tàn thuốc vẩy lung tung

trên ghế nhà thờ gỗ.

Và thi thoảng tàn tro

để lại vài cái lỗ.

Và đó cũng là năm

Em gái cần đeo kính

Với tròng kính thật dày

có gọng đen đến hay.

Cô hàng xóm, năm nay

không hiểu sao phì cười

khi nó rủ: bạn ơi,

đi xem ông già Tuyết.

Rồi nó được kể nghe

sao ba mẹ hôn nhiều.

Ba không dỗ ngủ đêm

Cũng hết lời êm dịu,

mặc nó khóc trong mơ.

Một chút gì… đã vỡ.

Ngày xưa trên mảnh giấy,

vừa xé khỏi vở ghi

nó viết một bài thơ

“Ngây thơ: là gì vậy?”

bởi vì đó là về

cô gái ngày xưa ấy.

Và chuyện là như thế.

Giáo sư cho điểm A

Kèm cái nhìn khó hiểu

Mẹ không bao giờ treo

Bài thơ lên cửa bếp

Bởi nó chẳng cho xem

Bài thơ nào nữa hết.

Và đó cũng là năm

Cha Tracy đã chết.

Còn nó thì nhãng quên

kinh tin kính tông đồ.

Đã chết hẳn ngây thơ

ngay hiên sau nhà nó.

Vai chính là cô em

Ngày nào còn bé nhỏ.

Ba mẹ không còn hôn

hay thậm chí chuyện trò.

Và cô gái nhà bên

vẽ vời ôi son phấn.

Nó ho sụ khi hôn

Nhưng biết làm sao khác

Người ta, khi lớn rồi

Chắc cứ vậy làm thôi.

Rạng sáng lúc 3 giờ

nó tự dỗ cơn mơ

ba vẫn đang ngủ ngáy.

Thế là, trên mặt giấy

của cái túi giấy nâu

Nó gắng viết một bài,

thêm một bài thơ nữa.

Là “Tuyệt đối hư vô”.

Bởi thực sự

Chuyện vốn là như thế.

Rồi nó tự cho mình

Một điểm A lặng thinh

với vết cứa lạnh băng

trên cổ tay tội tình.

Và nó treo bài thơ

Ngay cửa vào nhà tắm

bởi nó đã không còn

lần được ra cửa bếp.

Đó là bài thơ tôi đọc cho Patrick. Không ai biết tác giả, nhưng Bob nói rằng hắn từng nghe qua, nghe đồn đó là thư tuyệt mệnh của một đứa nào đó. Tôi thực sự mong không phải như vậy, bởi nếu thế thật, tôi không biết có còn thích được đoạn kết đó hay không.

Thương mến,

Charlie

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.