Diệp Trình

Chương 39: Chương 39





Hôm sau chủ nhật, tụi Diệp Trình không ra ngoài sửa giày, mà cùng một nhà Tiền Thủ Vạn ở lại trong viện làm trứng bắc thảo, tuy giờ chưa phải mùa, trứng bắc thảo làm ra cũng không dễ bán, nhưng một nhà Tiền Thủ Vạn đã cấp thiết muốn học cách làm lắm rồi.
Lên trấn trên mua ít nguyên liệu, sau đó đun một nồi nước lớn ngâm trứng vịt, trứng bắc thảo đợt trước làm được cũng lấy hết ra, dùng nước ngâm còn lại trộn với đất bùn quét lên, rồi lăn qua một lớp vỏ trấu, bề ngoài trông liền không khác gì trứng bắc thảo mua được trên đường.
Cách làm trứng bắc thảo này quả thực được một nhà Tiền Thủ Vạn xem như chí bảo, chú là nông dân, một chữ bẻ đôi cũng không biết, muốn học gì đó đều khó như lên trời.

Lúc làm trứng bắc thảo, Đại Bàn, Nhị Bàn đều bị chú đuổi ra ngoài chơi, hai thằng con này nhà chú chẳng được như tụi Diệp Trình, từ nhỏ đã không biết suy nghĩ, càng lớn lại càng thấy chênh lệch rõ ràng.
Tiền Thủ Vạn đương nhiên biết đứa nhỏ có cha có mẹ chắc chắn không thể giống đứa nhỏ không cha không mẹ được, nhưng chú cả đời làm nông dân chân đất rồi, nhà chú mấy đời đều không ra được một người văn hay chữ tốt, thế nên ở trong cái thôn này chẳng có địa vị gì đáng kể cả.

Ngày thường mặt mũi chú dữ dằn, trong thôn nhiều người kiêng sợ, nhưng nếu thật xảy ra chuyện trọng đại, những người đó căn bản chẳng coi Tiền Thủ Vạn chú ra gì, có hung thế chứ hung nữa cũng chỉ làm trò cười cho người ta thôi.
Bây giờ chú có muốn học cũng đã muộn, chỉ đành gửi gắm kỳ vọng vào Đại Bàn, Nhị Bàn, hy vọng chúng nó học được nhiều một chút, chí ít cũng đừng lại làm ông nông dân chân đất, tương lai cũng có thể nở mày nở mày với người ta.

Về phần đứa cháu trai Diệp Trình này, vẫn luôn khiến Tiền Thủ Vạn kiêu ngạo, tuy nói em gái gả ra ngoài đã thành người nhà khác, nhưng mấy năm nay, người làm cậu là chú đây cũng đã chu cấp cho tụi nó không ít lương thực, mai này Diệp Trình có tiền đồ, chú cũng sẽ được thơm lây.
Theo thời tiết càng ngày càng lạnh, kỳ thi cuối kỳ cũng đến gần.

Đối với đám Diệp Trình mà nói, thi cuối kỳ chẳng có bao nhiêu áp lực.

Thi xong, tụi nó dự tính sẽ lên thành C, Diệp Bình cũng lèo nhèo đòi lên thị trấn bán trứng muối, chuyện này không thảo luận qua với Thái Kim Chi không được.
"Lên thành C à? Cũng tốt, lên thăm ông Ngô của bọn mi một chuyến, ông ấy già cả rồi, cũng chẳng biết còn sống được mấy năm nữa." Năm đó, sau khi Tiền Hưng Lương bị công an trục xuất về quê, Diệp Trình ở lại thành C thêm một năm, mà trong khoảng thời gian này, Thái Kim Chi với lão Ngô cũng có liên hệ thư từ qua lại, trong lòng bà luôn rất cảm kích ông lão ấy.
"Vâng." Diệp Trình còn muốn tới thăm cả mấy người Cao Kim Hoa nữa.
"Hai đứa mi muốn lên thành C kiếm tiền hở?" La Nguyệt Linh hỏi.
"Vâng ạ, tụi con định tranh thủ nghỉ đông lên xem thử trước, nếu được thì hè sang năm sẽ lên đó làm." Đây vốn là đề nghị của Lục Minh Viễn, gần đây Diệp Trình suy đi tính lại vài lần, cảm thấy làm như vậy cũng được.
"Thế tính toán thế nào rồi? Hai đứa mi cùng đi với nhau, tiền xe cũng không ít đâu đấy." Diệp Trình bây giờ đã lớn lắm rồi, không thể như hồi trước, đi ké người lớn, được giảm một nửa tiền vé nữa.
"Nói cũng đúng, hai đứa tụi mi còn chưa có chứng minh thư nữa, nếu để người ta tra ra được thì sao? Đến một người lớn đi cùng cũng không có." Giờ Thái Kim Chi mới nghĩ đến chuyện này, nghe nói ra ngoài làm công, nếu không đem chứng minh thư theo, bị người tra ra được sẽ gặp rắc rối đấy.

"Thế thì tụi con đem sổ hộ khẩu theo." Diệp Trình ngược lại chưa từng nghĩ đến vấn đề này.
"Mợ nói này, hai đứa mi muốn kiếm tiền thì ở lại thành phố mình kiếm không được hả? Gần hơn nè, vạn nhất có chuyện gì xảy ra, cậu mợ thuê cái xe trong thôn đi một lát là đến.

Chứ thành C xa như thế, cho dù kiếm được chút tiền thật, thì tiền xe đi đi về về cũng tốn không ít, còn dư được bao nhiêu nữa chứ?" La Nguyệt Linh làm người khôn khéo, tính toán cũng nhanh nhẹn, đâu ra đó.
"Nhưng mà mợ ơi, tụi con có quen ai trong thành phố đâu, tiền thuê nhà cũng đắt lắm ấy." Diệp Bình cười hì hì nói.

La Nguyệt Linh không có con gái, ngày thường rất chiều chuộng nhỏ, có món gì ngon, đều trộm để phần cho nhỏ, dần dà, hai người tự nhiên cũng trở nên thân cận.
"Con nhóc mi cũng biết tính toán phết đấy nhỉ." La Nguyệt Linh nghe Diệp Bình nói vậy thì bật cười.
"Thôi, đi cũng được, chủ yếu vẫn là đến thăm ông Ngô của tụi mi, chớp mắt đã qua nhiều năm như thế rồi, cũng nên đi thăm xem thế nào." Thái Kim Chi vẫn là ý tứ đó.
"Aizz, con thì chẳng muốn cho tụi nó đi xa như thế chút nào, lo chết đi được ấy." Đối với một người phụ nữ nông thôn cả đời không xa nhà được mấy lần như La Nguyệt Linh mà nói, thế giới ngoài kia vạn phần nguy hiểm.
"Không sao, tụi con ở nhà ông nội."
Diệp Trình ngược lại không hề sợ hãi việc phải đi xa nhà, cậu sợ nhất chỉ là không còn có nhà để về.

Đến giờ cậu vẫn còn nhớ như in mấy ngày cùng Lục Minh Viễn bỏ nhà đi trốn lúc trước, khi đó mỗi ngày đều phải trốn chui trốn lủi, trời tối tìm tạm một chỗ qua đêm, ngày nào cũng trôi qua trong lo sợ bất an, sợ bị người của đồn công an tới bắt, sợ bị bọn buôn người đem đi bán, cả trời đêm tối đen như mực cũng khiến cậu nhịn không được sợ hãi.
Trong lúc tụi Diệp Trình lên thành C, Thái Kim Chi cũng định dẫn Diệp Bình lên thị trấn.

Kỳ thực, Thái Kim Chi là con gái của một gia đình trên trấn trên, chỉ bởi mấy năm mất mùa quá nghiêm trọng, cha bà mới phải gả bà đến thôn của Diệp Trình.
Sau khi được gả cho ông nội Diệp Trình, bà cũng giúp đỡ nhà mẹ đẻ không ít, mấy năm sau đó anh chị em bà cũng nhờ thế mà không phải chịu cảnh đói rách.

Chẳng qua cha bà mất sớm, mẹ bà tính tình lại yếu đuối, chút gia sản ít ỏi còn sót lại nhanh chóng bị đám anh chị em ăn chia hết, mẹ bà năm ấy một bó tuổi rồi, còn đi bộ hơn mười dặm đường núi tới tận nhà bà, khóc đến một phen nước mắt, một phen nước mũi, sau đó liền ở lại nhà bà cho đến tận cuối đời.
Tình cảm của Thái Kim Chi với mấy người anh chị em vì thế rất đạm mạc, mấy năm đầu gần như không hề lui tới.

Chỉ là hai năm này tuổi tác lớn rồi, không còn nóng nảy như hồi trẻ nữa, cũng dần dần liên hệ lại với bọn họ.


Bà có một người em gái sống trên thị trấn, trước đó hai người đã liên lạc lại với nhau, hai chị em ngồi nói chuyện cả một ngày, rớt không ít nước mắt.

Lần này lên thị trấn, Thái Kim Chi định ở nhờ nhà em gái mấy ngày.
Đàn vịt trong nhà thì nhờ La Nguyệt Linh chăm giúp, cô dứt khoát ngủ luôn tại nhà Diệp Trình, đợi Thái Kim Chi cùng Diệp Bình từ thị trấn về mới trở lại nhà mình.
Tụi Diệp Trình còn chưa thi xong, Diệp Bình đã bắt đầu được nghỉ.

Sáng sớm hôm ấy, Thái Kim Chi gọi một chiếc xe vào thôn, ôm từng rổ từng rổ trứng muối, của cả nhà Diệp Trình lẫn nhà Tiền Thủ Vạn, lên xe.

Bà nói đằng nào cũng mất công đi rồi, phải bán cho bằng hết trứng muối mới không bõ công.
Tụi Diệp Trình vừa thi xong, được chủ nhiệm phát phiếu điểm cái liền lập tức gói ghém đồ đạc, cùng Lục Minh Viễn xuất phát đến thành C.

Kỳ nghỉ đông tính ra cũng chẳng được bao nhiêu ngày, không thể trì hoãn thêm được nữa.
Trước khi đi, Diệp Trình và Lục Minh Viễn có qua chào hỏi La Nguyệt Linh.

Hai đứa đi chỉ mang theo có mấy bộ quần áo để thay, cùng mấy chục quả trứng muối và trứng bắc thảo, để biếu ông Ngô và Cao Kim Hoa.
Con đường cái dẫn từ thôn tụi nó lên trấn trên nay đã được trải nhựa đường, thường xuyên có ô tô các loại qua lại, Diệp Trình cùng Lục Minh Viễn bỏ bốn đồng ngồi xe lên trấn trên, sau đó lại tiếp tục ngồi xe lên thị trấn, rồi từ thị trấn đi vào trong thành phố.

Quá trình mua vé tàu cũng xem như thuận lợi, Diệp Trình vốn còn lo mình chưa trưởng thành, người ta sẽ không chịu bán vé cho, không ngờ người ta đến liếc cũng không thèm liếc hai đứa một cái, chỉ mải đếm tiền, hỏi tụi Diệp Trình muốn đi đâu, sau đó trực tiếp thu tiền, đưa cho tụi nó 2 vé ghế cứng.
Vé tụi nó mua là chuyến hơn mười giờ tối, Diệp Trình, Lục Minh Viễn ngồi trong phòng chờ một lát thì đều đói bụng, liền mua mỗi đứa một bát mì tôm.


Đồ trong nhà ga rất đắt đỏ, một bát mì thịt bò Khang sư phụ tốn những năm đồng, Diệp Trình và Lục Minh Viễn ăn hết mười đồng mà vẫn chẳng thấm vào đâu.

Vất vả lắm mới chờ được đến giờ lên tàu, cũng may thời điểm này người rời thành H không nhiều lắm, tuy nói cuối năm người ra ngoài làm công đều trở về quê nhà, nhưng thành H chẳng phải thành phố lớn gì, người từ nơi khác đến đây làm công không nhiều lắm.
Hai đứa ngủ một đêm trên tàu, sáng sớm hôm sau đã đến thành C.

Trời mới tờ mờ sáng, tụi nó bắt chuyến xe bus đầu tiên đến căn ngõ nhỏ năm nào, tiệm bánh bao đầu ngõ vẫn còn mở, Diệp Trình cùng Lục Minh Viễn đi đến, ông chủ quán đã không còn nhận ra hai đứa nó nữa.
"Muốn mua gì?" Bà chủ dáng người mập mạp thu dọn bát đũa vị khách trước vừa dùng, cười hỏi tụi Diệp Trình.
"Tám cái bánh bao nhân thịt và hai bát canh trứng ạ." Diệp Trình đã đói lả rồi, Lục Minh Viễn thì mặt mày xám ngoét, chẳng biết là vì say xe hay vì đói nữa.
"Được." Bánh bao nhân thịt và canh trứng rất nhanh đã được đưa lên, bánh bao không to như ngày trước, cắn thử một miếng, thịt bên trong cũng không nhiều bằng, bất quá vẫn rất thơm.

Canh trứng thanh đạm, tản ra mùi hành lá cùng dầu vừng, uống mấy ngụm, dạ dày liền ấm trở lại.
"Hai đứa trông lạ lắm, mới tới phỏng?" Lúc này còn quá sớm, chưa có nhiều khách tới tiệm dùng bữa sáng, ông chủ rảnh rang, liền ngồi xuống hỏi chuyện tụi Diệp Trình.
"Không phải, đã nhiều năm không tới thôi ạ." Diệp Trình vừa cắn bánh bao, vừa trả lời.
"Thảo nào nhận không ra, bất quá bác mở cái tiệm này hơn mười năm nay rồi, mấy nhà trong khu này không có nhà nào là bác không biết hết.

Nói thử bác nghe xem là con cháu nhà ai nào?"
"Tiệm sửa giày ạ." Diệp Trình lại uống một ngụm canh, nuốt bánh bao trong miệng xuống.
"Nhà lão Ngô à..." Ông chủ trầm ngâm một lát, cẩn thận đánh giá Diệp Trình và Lục Minh Viễn, "Cháu là....!đứa nhỏ hồi trước ở cùng với Tiền Hưng Lương đúng không?"
"Vâng ạ." Diệp Trình gật gật đầu.
"Thế nó có phải là....?" Ông chủ vẫn còn nhớ rõ mấy năm trước, thằng nhỏ này cả ngày ngồi ở trước tiệm của ông, chờ được ông cho bánh bao ăn.

Năm đó ông vẫn còn khó khăn, có ngày cho được, có ngày không, sau hình như nó được Tiền Hưng Lương đưa về, rồi xảy ra chuyện kia thì đến sống ở nhà lão Ngô một thời gian thì phải.

Khi ấy hai đứa nhóc này như hình với bóng vậy, còn thường đến tiệm của ông mua bánh bao nữa.

Vậy mà chớp mắt đã qua nhiều năm như vậy rồi.

"Cậu ấy là Lục Minh Viễn." Diệp Trình nói.
"Phải, phải, tên là Lục Minh Viễn nhỉ, aizz, nhìn xem này, đã lớn như vậy rồi." Ông chủ tiệm bánh bao cảm xúc có chút kích động, thấy bát canh của Diệp Trình và Lục Minh Viễn đều đã thấy đáy, vội vàng kêu vợ múc thêm cho hai đứa nó một bát, sau đó còn lấy cả quẩy ra cho tụi nó ăn nữa.
"Đến, ăn nhiều một chút, con nít phải ăn nhiều thì mới lớn được." Bà chủ cũng vui mừng, kéo Lục Minh Viễn lại nhìn, còn rớt vài giọt nước mắt.
Bữa sáng này nói thế nào ông bà chủ cũng không chịu thu tiền, "Từ lúc bác mở cái tiệm bánh bao này tới giờ, không biết đã gặp qua bao nhiêu người, thấy qua bao nhiêu chuyện.

Hai đứa không cần phải khách khí với bác, bác cũng chỉ miễn phí cho hai đứa bữa hôm nay thôi, sang ngày mai còn muốn ăn nữa thì phải bỏ tiền đấy.

Mà nè, đồ ăn nhà bác vẫn ngon như hồi trước đúng không?"
"Bánh bao nhỏ đi rồi." Lục Minh Viễn lý luận.
"Hắc, không chỉ nhỏ đi đâu, còn đắt hơn nữa ấy, đúng năm mao một cái, thấp hơn không bán đâu nhé." Ông chủ vẫn rất vui vẻ, "Bất quá cháu vào trong nội thành mới thấy, tiệm này của bác bán giá như thế là tốt lắm rồi đấy, trong thành á, năm mao chỉ mua được bánh lớn hơn bánh bao xửng nhỏ (tiểu lung bao) có tẹo thôi, hai đứa mà muốn ăn no thì ít nhất cũng phải một xửng mới đủ."
Diệp Trình cùng Lục Minh Viễn ngoan ngoãn ngồi đó nghe ông chủ tự biên tự diễn, hồi lâu sau mới khó xử nói, "Tụi cháu muốn qua chỗ ông."
"Đúng đúng, mau qua thăm lão Ngô đi, mấy năm nay ông ấy đều ở có một mình, ngày qua cũng chẳng vui vẻ gì." Nói đến đây, ông chủ đột nhiên lại nhớ Tiền Hưng Lương, nhớ năm đó hai người họ nói chuyện cũng rất hợp, lúc rảnh rỗi không có việc gì đều tụ cùng một chỗ nhậu với nhau, "Bác Tiền của cháu vẫn ổn chứ?"
"Bác ấy đi nơi khác làm công suốt, Tết năm ngoái có về qua nhà, trông vẫn ổn ạ." Đối với câu hỏi có ổn không này, Diệp Trình chẳng biết trả lời thế nào, đủ ăn đủ mặc chắc cũng có thể coi là ổn nhỉ.
Lão Ngô tuổi đã lớn rồi, ngủ không được nhiều, cả đêm lăn qua lộn lại mãi cũng không chợp mắt được bao nhiêu, trời vừa tảng sáng đã tỉnh, đỡ lưng đi xuống dưới nhà mở tiệm, vừa mới dỡ ván cửa ra được một nửa thì đã thấy hai thằng nhóc hơn mười tuổi đi đến.

Trẻ con bây giờ hiếm có đứa nào dậy sớm được như vậy, cũng không biết là con nhà ai nữa.

Lão Ngô không đeo kính lão, nên thấy không được rõ lắm.
Hai đứa nhỏ này đi đến trước tiệm sửa giày thì ngừng lại, lão Ngô thấy tụi nó đeo túi trên lưng, giống như đi học, nhưng không phải hai ngày trước trường học đã được nghỉ rồi à? Con ngõ này mấy ngày nay cũng vì thế mà náo nhiệt hơn không ít đấy, một đám nhóc con vừa chạy vừa hô khắp ngõ mà, có đôi khi phiền quá, lão Ngô còn muốn mắng mấy câu ấy.
Bất quá hai đứa nhỏ này lại rất im lặng, đứng ngoài cửa tiệm của ông đã được một lúc lâu mà vẫn không lên tiếng.

Lão Ngô dỡ hết ván cửa, đeo cặp kính lão vẫn dùng khi sửa giày lên, vừa đeo xong đã nghe có người gọi một tiếng ông.
- -- Ông?
- ------------------------------------------------------------------
Đi một vòng quanh thành phố xa lạ mà quen thuộc này, Diệp Trình cùng Lục Minh Viễn đều cảm thấy có chút mất mát, hồi ức tươi đẹp của tụi nó, không biết từ khi nào đã bị đủ thứ xa lạ thay thế, thành phố cũng biến đổi thành một bộ dạng hoàn toàn khác..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.