Diệp Trình

Chương 17: Chương 17





Người nhà quê thường ngày chả có thú tiêu khiển gì, lúc nhàn rỗi cũng chỉ biết túm năm tụm ba buôn chuyện, gần đây chủ đề họ hay nói tới nhất chính là về Diệp Trình.
"Nè bác đã nghe gì chưa, thằng nhỏ Diệp Trình kia trở về rồi đấy.

Nó về lúc nửa đêm, chẳng nói chẳng rằng đi thẳng về tiểu viện ngủ.

Đúng là đứa nhỏ không cha không mẹ, đi xa về mà đến một ngụm cơm nóng để ăn cũng không có.

Bác nói xem có đáng thương không chứ."
"Nghe nói thím Kim Chi cũng đến tận chiều hôm sau mới biết đấy.

Cũng phải, hai thằng nhỏ về đến nhà liền đóng cửa ngủ, ai mà biết được chứ.

Mà thằng nhóc Diệp Trình dẫn về bác đã thấy chưa? Chính là thằng nhỏ mùa đông năm trước Tiền Hưng Lương dẫn theo về đấy.

Bây giờ Diệp Trình để nó đi theo, không biết sau này định nuôi thế nào nữa.

Nhà Tiền Thủ Vạn lần này khéo lại rước thêm một gánh nặng rồi."
"Cái thằng nhỏ đó xinh lắm nhá, chỉ là cả ngày không chịu nói chuyện.

Bất quá nó biết sửa giày đấy, Diệp Trình cũng biết.

Nghe nói hai đứa nó theo học một vị sư phụ tay nghề khá cao trên thành phố.


Mấy hôm trước hai đứa nó vừa sửa giày cho người ta xong, giày sắp nát bét mà chúng nó cũng sửa được."
"Mấy đôi giày nhà tôi sắp bung gót cả rồi, có khi sáng mai tôi cũng phải mang qua xem thử tay nghề của chúng nó mới được."
Cứ thế hai đứa nhỏ biết sửa giày chắc mấy chốc mà nổi tiếng khắp cả thôn.

Mới đầu mọi người chỉ mang tâm lý tò mò, mang mấy đôi giày sắp vứt đi qua cho tụi nó sửa xem chơi thôi, ai ngờ chúng nó sửa tốt thật.
Bất quá cả Diệp Trình lẫn Lục Minh Viễn đều không biết hồi đầu mọi người trong thôn không tin tưởng tay nghề bọn chúng, nên cố tình mang mấy đôi giày vứt đi tới cho chúng sửa.

Hai đứa còn thật sự tưởng rằng giày dép trong thôn đều cũ nát như thế, sửa một đôi mất bao nhiêu công sức mới xong, không khỏi cảm thán kiếm tiền trong thôn khó hơn hồi đi theo lão Ngô biết bao nhiêu.
Mọi người đều nói cuộc sống dưới nông thôn khổ cực, vất vả, kỳ thực người trong thôn Diệp Trình nhàn lắm.

Vùng quê phía Nam dân cư thưa thớt, ngày mùa mọi người tương đối bận bịu, còn lúc nông nhàn không đan áo thì cũng đánh bài vân vân.

Nhưng mà tất cả mọi người đều có chung một đam mê, ấy chính là buôn chuyện, từ trong nhà đến ngoài ngõ, dù lúc đang bận hay khi rảnh rang, cùng thôn hay khác thôn, vài cái đầu chụm lại là có thể nói chuyện cả buổi được.
Thế nên chuyện về Diệp Trình và Lục Minh Viễn được truyền đi rất nhanh, chẳng mấy chốc mà cả tám thôn trong bán kính mười dặm đều biết đến hai đứa nhóc biết sửa giày này.
Bất quá dù có biết sửa giày đi nữa thì mọi người vẫn không mấy tán đồng với việc Diệp Trình dẫn một thằng nhóc từ thành phố về.

Cho dù có là người lớn đi nữa cũng không phải nói nhận nuôi là nhận nuôi được.

Thậm chí có vài người ăn no rửng mỡ còn lôi chuyện này ra đùa cợt với Tiền Thủ Vạn, kết quả bị Tiền Thủ Vạn mắng cho một trận.
"Nó muốn dẫn về thì mặc kệ nó, nói với ông đây làm cái quái gì? Năm miệng ăn nhà ông ông đã nuôi không nổi rồi, hơi đâu mà nuôi hộ chó mèo nhà người khác nữa chứ? Mấy người rảnh rỗi thích lo chuyện bao đồng thì tự đi mà lo, đừng có lôi ông đây vào!"
Những lúc như vậy, Thái Kim Chi đều không lên tiếng, để mặc Tiền Thủ Vạn muốn mắng sao thì mắng.


Bà cũng không phải chưa từng nghĩ đến chuyện tống thằng nhóc Lục Minh Viễn kia đi, nhưng mà tống đi đâu mới được chứ? Một người sống sờ sờ ra đấy, cũng đâu thể vứt lên núi cho chó sói ăn được.

Nếu thực sự có chỗ gửi đi thì ngày trước họ đã sớm gửi Diệp Trình đi rồi, sao còn để nó sống một mình trong cái tiểu viện rách nát kia chứ?
Người bên ngoài nói thế nào bọn Diệp Trình không biết, nó chỉ biết mấy ngày gần đây Thái Kim Chi rất ít khi sang, nhưng mà bây giờ nó đã trưởng thành hơn một chút rồi, chí ít không đến nỗi ngay đến nồi cơm cũng nấu không được.
Nhân lúc tiết trời còn ấm áp, Diệp Trình kéo Lục Minh Viễn ra đầu nhà đào một luống rau, lại nhờ Thái Kim Chi mua giúp vài giống rau củ, hành tây linh tinh đem trồng.

Tên nhóc Lục Minh Viễn kia căn bản chẳng giúp được gì, ngoại trừ nhổ giúp vài cọng cỏ thì cũng chỉ biết cùng Tiểu Hôi ngồi xổm một bên nhìn xem mà thôi.
Ngược lại Tiền Hưng Lương có đến nhà Diệp Trình một lần, mang theo vài đôi giày cũ nhờ bọn Diệp Trình sửa, sửa xong cầm giày nhìn nhìn một hồi, nói hai đứa có tiền đồ rồi đấy, lão Ngô kia làm người thật không tồi.

Tùy tiện nói thêm vài câu, bác lại bảo chờ Chí Cao Chí Viễn đi học chắc bác lại phải ra ngoài làm công nữa thôi, không đi cũng không được, cứ ở nhà thì chỉ tổ miệng ăn núi lở thôi.
Sau đó Tiền Hưng Lương còn nói với hai đứa là có tay nghề rồi thì đừng ru rú ở nhà mãi, sắm một cái xe đạp chạy vòng vòng mấy thôn lân cận kiếm việc kiếm tiền đi, đừng chỉ dựa dẫm mãi vào nhà cậu Diệp Trình nữa.

Nói xong, bác lại nghĩ nghĩ bảo, thôi vẫn để bác dẫn bọn mi lên trấn trên, chứ hai tên nhóc ngốc bọn mi thì biết cái gì mà đòi mua xe đạp chứ.
Vì thế mà sáng sớm hôm sau, Diệp Trình, Lục Minh Viễn liền theo bác Tiền lên trấn trên.

Bởi vì hai đứa đều còn nhỏ nên chọn kiểu dáng xe đạp dành cho nữ, bánh xe nhỏ hơn nhiều so với xe dành cho nam, lại không có thanh ngang nối giữa đầu xe và yên xe, nên dù có thấp vẫn đi được.
Bọn Diệp Trình lại đến tiệm tạp hóa lần trước mua bao tay, cửa hàng này mặt tiền rất rộng, món đồ gì cũng có bán.

Diệp Trình và Lục Minh Viễn lượn một vòng trong tiệm, trừ chỉ lốp xe ra thì đều mua được đủ cả.

Bà chủ tiệm cũng nói mấy thứ đồ như chỉ lốp xe không có mấy người dùng, nên bà chưa nhập về, các cửa tiệm khác phỏng chừng cũng không có bán.

Bất quá bà chủ rất tốt bụng, bà nghe nói tụi nhỏ muốn dùng chỉ đó để sửa giày thì bảo nếu bọn Diệp Trình cần, lần sau bà vào thành phố nhập hàng sẽ tìm thử, tìm được thì sẽ nhập một ít về.

Tiền Hưng Lương nghe bà nói như vậy vội vàng thay hai đứa nhỏ cảm ơn.
Về đến thôn, Tiền Hưng Lương lại giúp bọn Diệp Trình mang xe đạp về tiểu viện, sau đó quay về nhà.

Mà người trong thôn biết Tiền Hưng Lương dẫn hai đứa nhỏ đi mua xe đạp để sau này tụi nó chạy quanh quanh sửa giày thì nhất thời náo nhiệt lên, không ít người còn chạy tới tận tiểu viện nhà Diệp Trình xem trò vui.
"Diệp Trình, mi có biết đi xe đạp không?" Có người hỏi.
"Không đi, đẩy thôi." Tiền Hưng Lương nói với tụi nó là đẩy xe thôi, bây giờ phần đông người trong thôn đều dùng xe để thồ hàng như vậy, chất hàng phía sau xe, rồi đẩy đi.
"Muốn chất đồ phía sau hả? Thế thì phải làm một cái giá mới được." Trong thôn bọn họ có một thợ mộc họ Trương, nghe vậy đề ra chủ ý.
"Bác không phải thợ mộc à? Đóng cho tụi nó một cái đi." Người bên cạnh vội vàng tiếp lời.
"Để tôi về nhà kiếm nguyên liệu cái đã." Trương thợ mộc cũng không từ chối, vừa nói xong liền đi ra khỏi viện.
"Nè Đại Củng Tử, lần trước nhà chú đóng tủ không phải còn thừa hai tấm gỗ sam hay sao? Mang ra đây mang ra đây." Trong viện lại có người ồn ào.
"Chuyện này mà bác cũng biết?" Đại Củng Tử kia cũng không giận, cười hì hì ra khỏi tiểu viện.
Chỉ chốc lát sau, Trương thợ mộc đem nguyên liệu, dụng cụ tới thì gỗ sam cũng được đưa đến, "Ờ, vẫn nên dùng cái này thì hơn, của tôi là gỗ tùng, hơi nặng."
Trương thợ mộc leng keng loảng xoảng một hồi, mọi người xung quanh cũng đều phụ giúp một tay, chỉ một chốc sau đã đóng xong hai cái thùng gỗ, còn làm cả nắp đậy có chỗ để móc khóa nữa.

Trương thợ mộc ước lượng độ rộng của yên sau, sau đó dùng một cây gỗ rắn chắc cố định hai cái thùng gỗ vào hai bên hông xe.

Tay nghề của Trương thợ mộc quả thực không tồi, chẳng bao lâu sau, hai chiếc thùng vừa đẹp vừa chắc chắn đã làm xong.
"Cái thùng này để mấy đồ nhẹ nhẹ thôi nhé, đồ nặng quá là không chịu được đâu." Thầy Trương một bên thu dọn dụng cụ, một bên nói.
"Hai thằng nhỏ này thì có đồ nặng gì mà sợ chứ? Có nhét cả hai đứa nó vào thùng cũng chả hỏng được." Đại Củng Tử sờ sờ hai cái thùng gỗ, không biết có phải còn luyến tiếc hai tấm gỗ sam nhà mình hay không.
"Diệp Trình này, thầy Trương đóng thùng có được không?"
"Được ạ."
"Thế về sau thầy Trương đến sửa giày mi có lấy tiền không?"
"Không lấy." Diệp Trình nói.
"Thế Đại Củng Tử thì sao, có lấy không?"

"Không lấy." Một tấm gỗ sam loại tốt không biết phải sửa bao nhiêu đôi giày mới đủ bù nữa.
"Thế sau này đại nương đến sửa giày thì sao?"
"Không lấy." Diệp Trình thuận miệng nói luôn.
"Ai u thím Thu Quế, thím cũng tiện nhỉ." Bên cạnh có người cười nói.
"Ha ha ha, tôi làm sao có thể không trả tiền cho Diệp Trình được? Diệp Trình này, vừa nãy đại nương nói đùa với mi thôi, tối nay nhà đại nương nấu chè bí đỏ, lát nữa múc cho mi một bát nha, đừng nghe mấy người đó nói hươu nói vượn."
"Tối nay nhà thím Thu Quế nấu chè bí đỏ này, mọi người có sang không?"
"Sang chứ."
"Phải sang chứ sao không?"
"...." Trong viện nhất thời lại một trận náo nhiệt.
"Diệp Trình, bọn mi định khi nào thì bắt đầu chạy xe?" Ông bác tên Đại Cường hôm bữa hỏi.
"Ngày mai ạ." Diệp Trình đẩy xe đạp đến dưới mái hiên, sau đó đi vào trong tiểu viện ôm đống công cụ ra cho vào trong thùng phía sau xe.

Lục Minh Viễn thì quen nghịch máy khâu giày, cầm cờ lê vặn hai ba phát đã tháo rời được máy khâu ra khỏi giá ba chân.
"Chu choa, hai tên nhóc này làm việc lưu loát phết nhỉ." Mọi người nhìn xem đều cảm thấy mới mẻ, bình thường con nít tầm tuổi này nào đã biết làm gì, có thể giúp rửa rau chuẩn bị củi lửa đã là tốt lắm rồi.
"Sáng mai A Thanh vừa vặn phải về nhà mẹ đẻ, để bác kêu bả dẫn hai đứa lên thôn nhà bả, ha?" A Thanh là vợ Đại Cường, người cũng như tên, bộ dạng khá thanh tú, là một trong những bà vợ tương đối ưa nhìn trong thôn.
"Thập Bát Lĩnh à? Xa phết đấy."
"Vùng đó có nhiều thôn phết, mà nghe nói mọi người hầu hết đều ở lại trong thôn, không hay đi ra ngoài, lại cách khá xa thị trấn, nên chắc sẽ kiếm được khá nhiều việc đấy." Trương thợ mộc hay chạy đi chạy lại làm việc cho người ta, nên rất thông thuộc mấy thôn xóm xung quanh.
"Tôi thấy cũng được đấy, không phải có máy kéo à, mai ngồi máy kéo đến đó rồi cùng A Thanh ở lại đó hai ngày cũng được."
Mọi người lời ra lời vào một hồi đã thay Diệp Trình và Lục Minh Viễn định luôn lịch trình hai ngày sắp tới rồi.

Thái Kim Chi mãi sau mới biết, bất quá bà cũng không có ý kiến gì, đi Thập Bát Lĩnh thì đi Thập Bát Lĩnh, Tiểu Hôi cứ để lại nhà, hai ngày này bà qua cho nó ăn vậy.
- --------------------------------------------------------------------------
Đến trưa lúc nhà A Thanh nấu cơm, Diệp Trình lấy gạo mình mang theo ra, cùng một ít thịt khô, dưa muối, nhờ mẹ A Thanh nấu giúp.

Kết quả lúc ăn cơm lại phát hiện trong cà men nhiều lên hai quả trứng chần nước sôi vàng óng, Diệp Trình thấy được trong lòng càng thêm khó chịu, càng cảm thấy lấy tiền sửa giày của nhà họ là không nên, nhưng mà bây giờ có muốn trả lại cũng không được nữa..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.