Diệc Thứ và Kha Tuyết

Chương 4




Cũng là người học khoa học, khi thấy ánh trăng, cậu ta sẽ nghĩ tới hiện tượng thủy triều do mặt trăng tạo thành chứ không phải tình yêu tròn khuyết của thời niên thiếu.

Cậu ta đã quen với việc cố gắng làm cho quá trình suy nghĩ suy luận thật logic, cố tránh dùng cảm giác để phán đoán.

Vì vậy cảm giác của cậu ta luôn được bao phủ bởi một chiếc áo khoác lý tính, một khi bỏ tấm áo khoác đó ra, những cảm giác đó sẽ hiện ra lồ lộ trước đôi mắt nhạy bén của Kha Tuyết.

Cho nên đối với người dựa vào cảm giác để vẽ tranh như Kha Tuyết, Diệc Thứ là model tốt nhất.

Thế nhưng, sao Diệc Thứ phải cởi bỏ chiếc áo khoác lý tính?

Ừm, vì cậu ta định viết tiểu thuyết.

Vậy vì sao cậu ta lại định viết tiểu thuyết?

Có thể có rất nhiều lý do, ví dụ như thu hút các cô gái, không hiểu sao lại được người ta bảo có thiên phú, muốn kiếm thêm ít tiền, vân vân.

Rốt cuộc lý do nào thì hợp lý hơn?

Không khéo Diệc Thứ cũng giống tôi, đi viết tiểu thuyết vì ba loại lý do như vậy.

Sau khi chỉnh sửa lại đoạn đối thoại giữa Diệc Thứ và Kha Tuyết một chút, tôi quyết định tạm thời ngừng công việc.

Bước ra khỏi phòng đi lấy cốc nước, lại thấy Đại Đông đang xem ti vi trong phòng khách.

"Này." Đại Đông gọi tôi lại, chỉ vào ti vi hỏi: "Câu slogan này ra sao?"

Tôi nhìn sang ti vi, biết đó là slogan quảng cáo cà phê Biedermeier —— "Uống Biedermeier rồi, bạn sẽ khó lòng uống loại cà phê khác."

"Ừm..." Tôi uống một ngụm nước. "Cũng hơi là quai quái."

"Quai quái ở đâu? Tớ thấy câu slogan này không tồi mà."

"Câu này có thể khiến người ta hiểu thành sau khi uống cà phê Biedermeier, thấy quá khó uống, từ đó về sau tuyệt vọng với cà phê, vì vậy rất khó uống loại cà phê khác."

"Có mà cách nghĩ của cậu quá kỳ quái ấy." Đại Đông nói.

"Câu này rõ ràng có thiếu sót mà, cũng như một số người sau khi thất tình rất khó nói lại chuyện tình yêu, đó là bởi vết thương do tình cảm quá sâu đậm, khiến người ta khó nói tới chuyện tình yêu tiếp theo được."

"Câu slogan đó đâu phải ý này, ý nó là "tằng kinh thương hải nan vi thủy"."

"Tớ lại thấy ý nó là: một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng."

"Người tiêu thụ bình thường chẳng ai nghĩ như cậu đâu."

"Nhất định sẽ có người học khoa học giống tớ, khi chân lý và slogan quảng cáo nảy sinh xung đột, luôn đứng ở bên phía chân lý."

"Tớ không muốn cãi nhau với cậu nữa. Gần đây mới nhận một hợp đồng quảng cáo cà phê, cậu rảnh thì nghĩ giúp tớ đi."

"Được rồi. Nếu tớ nghĩ ra cậu phải giảm cho tớ vài ngày tiền nhà nhé. Dạo này tớ nghèo quá."

Tôi ngồi xuống, đặt chén trà lên chiếc bàn phía trước ghế sô pha.

"Đúng rồi, cậu viết tiểu thuyết tới đâu rồi?" Đại Đông hỏi.

"Cậu muốn xem không?"

"Ừ." Đại Đông gật đầu.

Tôi về phòng in phần tiểu thuyết đã viết ra, đếm đi đếm lại cũng chỉ được khoảng ba mươi lăm trang, không khéo bị Đại Đông cười cho.

Vì vậy bèn tăng kích cỡ chữ và khoảng cách giữa các dòng rồi lại in lại, biến nó thành khoảng năm mươi trang.

Tính cách tôi là nếu muốn khiến người khác cảm thấy mình rất lợi hại, sẽ cố ra vẻ.

Bước ra khỏi phòng, đưa cho Đại Đông. Cậu ta chỉ nhìn một cái đã hỏi:

"Diệc Thứ và Kha Tuyết? Cái tên thật kỳ cục."

"Đấy là tớ cố ý."

Tính cách tôi là nếu không muốn người khác biết mình không giỏi đặt tên, cũng sẽ ra vẻ.

"Sao không đặt là: kẻ si tình và mỹ nữ?"

"Cậu đừng lừa tớ, đó là tên của phim A."

"Hóa ra cậu cũng xem rồi." Đại Đông cười ha hả.

"Đúng vậy, đấy là bộ phim rất nổi tiếng trong seri kẻ si tình trên tàu điện." Tôi cũng cười vài tiếng.

Đột nhiên cảm thấy không đúng, vì vậy ngưng cười, nói: "Này! Đừng lôi tên tiểu thuyết của tớ ra đùa, mau đọc đi."

"Đừng gấp." Đại Đông không nói gì nữa, tập trung đọc.

Theo tiếng "loẹt xoẹt" khi lật trang giấy của Đại Đông, trái tim tôi cũng co rút từng cơn.

Đại Đông đọc rất nhanh, chẳng mấy chốc đã xem hết, sau đó đặt tập bản thảo lên bàn.

"Thế nào?"

Tôi rất căng thẳng, giống như lúc gọi điện thoại hỏi bạn bè đang đi xem danh sách xem mình có đỗ không.

"Ừm... Trong văn của cậu xuất hiện rất nhiều "bởi vì" và "thế nên"."

Đại Đông cười nói: "Chắc là do trước đây cậu viết nhiều báo cáo nghiên cứu quá."

"Cái này thì tớ chịu. Bởi vì có nhiều "bởi vì" thế nên chúng ta không thể không "thế nên"."

"Nhưng cũng đâu thể chuyện gì cũng dùng bởi vì thế nên được."

"Nhưng tớ vẫn cảm thấy câu văn phải thật rõ ràng logic, có nguyên nhân mới có kết quả chứ."

"Viết tiểu thuyết thì đầu óc phải mềm mại một chút, không cần cố giải thích quá nhiều thứ. Nếu trong tiểu thuyết mọi nguyên nhân kết quả lớn nhỏ gì đều phải giải thích thật rõ ràng, độc giả sẽ cho rằng mình đang đọc kinh Phật."

"Không được." Tôi lắc đầu. "Tớ là người học khoa học, khi chân lý và viết tiểu thuyết nảy sinh xung đột, tớ luôn đứng về phía chân lý."

"Cậu đang cãi cùn rồi."

Không phải tôi đang cãi cùn, chỉ là cố ra vẻ thôi.

"Bởi vì" tôi còn chưa thông thạo lắm về cách sử dụng câu chữ, "thế nên" trong tiểu thuyết mới xuất hiện quá nhiều bởi vì thế nên.

"Bởi vì" không muốn để Đại Đông nghĩ rằng mình không đủ năng lực, "thế nên" tôi sẽ không thẳng thắn thừa nhận điểm này.

Cái này có thể là "bởi vì" hồi bé tôi không được dạy dỗ tốt, "thế nên" mới ra vẻ trong mọi chuyện.

Tính cách tôi là nếu phát hiện tính cách mình có khiếm khuyết, đều sẽ cho rằng đó là vấn đề từ hồi bé.

"Còn nữa, một số so sánh viết của cậu cũng thật quai quái." Đại Đông cầm bản thảo lên, lật nhanh sang vài tờ: "Cảm giác tựa như thấy cô gái mặc bikini giữa bãi biển mùa đông."

"Là sao?"

"Bãi biển mùa đông rất lạnh, nếu có cô gái mặc bikini tam giác, cậu không thấy quai quái à?"

"Cái này có gì mà kêu quai quái?" Tôi lại ra vẻ. "Đang trên bãi biển mùa đông lạnh lẽo, tâm tình lại suy sụp, đột nhiên một cô gái mặc bikini đi tới, cậu không cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn à?"

"Hả?" Vẻ mặt Đại Đông đầu tiên là kinh ngạc, sau đó mỉm cười: "He he, cậu nói cũng không sai."

"He he." Tôi rất đắc ý.

"Tới giờ thì không tệ lắm." Đại Đông nói: "Nhất là nhân vật chủ quán cà phê rất sinh động."

"Thật chứ?" Tôi rất cao hứng. "Vậy để tớ tả anh ta nhiều thêm."

"Đừng quên mất trục chính của bộ tiểu thuyết, các bộ phận chi nhánh phải khống chế thật tốt, đừng để cho nhân vật phụ lấn át nhân vật chính."

"Tớ sẽ chú ý."

"Cứ như vậy đã." Đại Đông vươn vai duỗi eo: "Tớ về phòng làm cho kịp tiến độ đây."

"Tớ cũng về phòng viết tiếp đây."

Khi hai người đi ngang qua nhau sau ghế sô pha để về phòng. Đại Đông quay đầu lại bảo:

"Cậu còn phải đi làm, cứ ngồi viết thế không mệt à?"

"Không sao đâu, tớ là chuyên gia trời sinh mà."

"Đừng ra vẻ nữa. Ngày mai với ngày kia được nghỉ, cậu nghỉ ngơi hai ngày đã, đừng có nóng ruột."

"Toàn thân tớ đầy tràn sức lực, không cần nghỉ ngơi đâu."

Tính cách tôi là nếu người khác bảo mình ra vẻ, tôi sẽ càng ra vẻ.

Thật ra viết tiểu thuyết thế này rất tổn hao tâm sức, dễ thấy mệt mỏi.

Vốn định dùng hai ngày nghỉ để xem phim hay gọi bạn bè ra ngoài chơi.

Nhưng đã trót nói vậy trước mặt Đại Đông nên đành phải đóng cửa sáng tác tiếp.

Ngoại trừ lúc ăn cơm có ra ngoài, thời gian còn lại đều đợi trong phòng.

Cho dù ra ngoài cũng chỉ tới cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn nhanh được hâm nóng mang về ăn.

Mỗi khi thấy không chống đỡ nổi nữa muốn trốn ra ngoài chơi, lại thấy Đại Đông đang làm nhanh bản thảo trong phòng, tôi đành bỏ qua suy nghĩ đó, đành trở lại trước máy tính.

Trong diễn biến của tiểu thuyết Diệc Thứ và Kha Tuyết, tôi cũng để Diệc Thứ là người hay ra vẻ.

Bởi thế Diệc Thứ tuy không có đủ lý do để viết tiểu thuyết nhưng lại có lực lượng khiến anh ta không thể không viết.

Về phần nhân vật chủ quán cà phê, mỗi khi tả về anh ta tôi luôn liên tưởng tới cao thủ võ công.

Thậm chí còn lỡ tay viết thành: anh ta đứng trong quầy bar dùng nội lực đun cà phê, ép hương cà phê lan tỏa ra xung quanh.

Sau phát hiện ra, lập tức xóa đi, dẫu sao cũng là tiểu thuyết tình yêu, tự nhiên lại xuất hiện tình tiết võ hiệp, quá kỳ cục.

Cũng như chúng ta không cách nào tưởng tượng nổi trong tiểu thuyết kiếm hiệp, khi anh hùng hào kiệt khắp nơi đang tranh đoạt chức võ lâm minh chủ thì đột nhiên có người ngoài hành tinh tới quấy rối.

Cảm giác này này hoàn toàn khác "cô gái mặc bikini giữa bãi biển mùa đông", cô gái mặc bikini có thể khiến độc giả tinh thần phấn chấn, người ngoài hành tinh thì làm độc giả phát điên.

Tôi cũng phát hiện lúc mình tập trung viết tiểu thuyết khác hẳn với lúc mình tập trung trong giờ làm.

Khi đi làm, suy nghĩ như tìm kho báu trong bản đồ, có đầu mối, có những tuyến đường, có cả công cụ.

Bạn chỉ việc tính toán theo công thức, suy luận, phán đoán rồi tìm ra đáp án hợp lý hoặc chính xác nhất.

Đáp án thường chỉ bị giấu kín chứ không phải không tồn tại.

Suy nghĩ có thể lạc đường hay không tìm được phương hướng, nhưng cuối cùng vẫn là trên đường đi tới.

Nhưng suy nghĩ khi viết tiểu thuyết lại không có bản đồ kho báu, thậm chí còn chẳng có kho báu.

Nói cách khác, đáp án không phải là bị giấu kín, mà là vốn không tồn tại.

Vì vậy suy nghĩ rất lâm vào trạng thái thiền, hoàn toàn không chịu khống chế.

Một giây trước còn trong sa mạc tìm ốc đảo, ngay giây sau có thể đã thành chui vào biển rộng trốn cá mập.

Vất vả lắm mới thu lại tâm trí chuẩn bị rời sa mạc hay biển rộng thì suy nghĩ lại như bị trói chân, cho rằng một khi nhảy ra sẽ lại bị một ngoại lực khó hiểu nào đó kéo về.

Trong lúc suy nghĩ đang trôi nổi, tôi thường nhớ lại những quãng thời gian trong ký ức.

Trong đầu đôi khi hiện lên những tình tiết trong các bộ phim từng xem, có khi như nghe thấy tiếng nhạc quen thuộc, có lúc lại như khi đi dạo ven biển cùng mối tình đầu ở quê hương, ngửi thấy mùi biển thoang thoảng trong không khí.

Tôi không cách nào nhận ra nổi, đây là khung cảnh trong ký ức được tôi đưa vào trong tiểu thuyết, hay là tiểu thuyết mang tôi trở lại trong ký ức, khiến tôi sống lại một lần nữa trong cuốn tiểu thuyết này?

Hai ngày đó tôi cũng định ra quán cà phê đó ngồi, uống một cốc cà phê để thay đổi tâm tình.

Nhưng thứ nhất là lười ra ngoài; thứ hai là thấy nên tiết kiệm tiền thì hơn, thế nên mới không đi.

May mà còn những lý do sinh hoạt trong cuộc sống hiện thật nhắc tôi đây là cuộc sống đơn giản thực tế chứ không phải sống trong thế giới tiểu thuyết do bản thân mình tạo nên.

Thứ hai tới, tôi lại đi làm, cách suy nghĩ cũng thay đổi.

Tối hôm qua viết tới tận ba giờ sáng, lúc ra khỏi giường ngáp ngắn ngáp dài, bước đi như đang đánh Túy Quyền.

Nhân lúc rảnh rỗi ngồi trong xe điện ngầm, nhắm mắt lại nghỉ ngơi.

Lúc mở mắt ra, dường như thấy được thứ gì đó trong ánh mắt trống không của nhiều người.

Bọn họ tuy vẫn là hộp nhưng không phải là những chiếc hộp kín mít, tôi dường như ngửi thấy mùi bên trong.

Bước vào cửa công ty lại vừa hay tiếp xúc với ánh mắt của cô Tào.

"Sớm vậy." Cô nói.

Tôi lại không nói nên lời, dẫu sao cũng đã lâu rồi cô ấy không bắt chuyện với tôi.

"Nghỉ ngơi hai ngày, chắc anh cũng ra ngoài vui chơi một chút nhỉ."

"Tôi..."

"Anh giỏi thật, hôm nào cũng xuất hiện vào đúng tám giờ."

"Cái này..."

Tính cách tôi là nếu có cô gái xinh đẹp nào chủ động bắt chuyện, sẽ nói không nên lời.

Trên đường tới bàn làm việc, tôi cảm thấy như đang say rượu.

"Chào buổi sáng." Một cô gái trong công ty bắt chuyện với tôi.

"Chào buổi sáng. Thời tiết hôm nay thật đẹp." Tôi nói.

"Nghỉ ngơi hai ngày, chắc anh cũng ra ngoài vui chơi một chút nhỉ."

"Đùa gì thế? Làm gì có thời thời gian để đi chơi, hơn nữa cũng đâu có tiền ra ngoài chơi. Nên nói là: Lay ta gió nhẹ làm chi được, Bóng người trăng sáng vẫn soi thôi."

(DG: Nguyên gốc: Thanh phong tuy tế nan xuy ngã, minh nguyệt hà thường bất chiếu nhân. Hai câu này trên lấy chữ Thanh, dưới lấy chữ Minh đứng đầu ý nói hoài vọng nhà Minh, bất phục nhà Thanh. Trong bối cảnh này lại có ý lực bất tòng tâm.)

"Anh giỏi thật, hôm nào cũng xuất hiện vào đúng tám giờ."

"Đi làm đúng giờ là chân lý, thấy lương công ty bèo bọt mà định lười biếng là chuyện thường tình của con người. Tôi là người học khoa học, khi chân lý và nhân tình nảy sinh mâu thuẫn, luôn đứng về phía chân lý."

Tính cách tôi là nếu có cô gái không xinh đẹp nào chủ động bắt chuyện với tôi, sẽ bắt đầu kể lể dài dòng.

Ngồi vào vị trí, mở máy tính. Nhân lúc rảnh khi máy tính đang khởi động, xoa xoa huyệt đạo quanh đôi mắt, chuẩn bị xốc lại tinh thần và điều chỉnh cảm xúc làm việc

Nhìn những thứ trong máy tính, cảm thấy thật xa lạ, chẳng khác nào chuyện từng thấy từ tám trăm năm trước.

Có lẽ vì hai hôm trước tôi mải du ngoạn trong thế giới giả tưởng của mình, còn bây giờ lại trở về thế giới hiện thực.

Điện thoại đột nhiên vang lên khiến tôi giật nảy mình.

"Cậu qua đây." Giọng tổng giám đốc vang lên trong điện thoại.

"Vâng." Tôi đáp.

Tâm tình tôi hơi thấp thỏm, vì chuyện lần trước đến hội trường thành phố tham gia hội nghị thay ông ấy.

Liệu có phải ông ấy vì chuyện này mà bị đặt biệt danh đao phủ môi trường hay sát thủ sinh thái, nên tìm tôi tính sổ không?

"Cậu xem tập hồ sơ này xem, xem có nhận được không?" Tổng giám đốc đưa một tập hồ sơ mời thầu cho tôi.

"Vâng." Tôi thầm than nguy hiểm quá, sau đó mở tập hồ sơ, lật qua phần nội dung và yêu cầu trong các hạng mục công việc. "Hạng mục công việc thứ tư rất khó làm, còn cái thứ sáu chúng ta không làm được."

"Thật không?" Tổng giám đốc suy tư.

Ngoài cửa vang lên tiếng gõ nho nhỏ, cô Tào bước vào.

"Đây là bản fax vừa nhận được." Cô ấy gật đầu với tôi rồi đặt bản fax lên bàn.

"Ừ." Tổng giám đốc ngẩng đầu lên nhìn cô ấy rồi lại chuyển mắt về tập hồ sơ mời thầu. "Cái này..."

Cô Tào đang chuẩn bị ra ngoài nghe vậy cho rằng tổng giám đốc còn định căn dặn điều gì, bèn ngừng chân.

"Chúng ta thật sự không nhận hồ sơ này được?" Tổng giám đốc nhìn tôi.

"Chưa chắc." Liếc sang cô Tào một cái, tôi nói.

Tính cách tôi là nếu bên cạnh có cô gái xinh đẹp không chủ động nói chuyện với mình, sẽ bắt đầu ra vẻ.

"Hả?" Tổng giám đốc hỏi lại với vẻ khó hiểu: "Chẳng phải cậu bảo hạng mục công việc thứ tư rất khó làm hay sao?"

"Đúng là rất khó." Tôi trả lời với sắc mặt nghiêm túc: "Nhưng tôi chắc chắn sẽ cố hết sức."

"Còn hạng mục công việc thứ sáu không phải không làm được à?"

"Đúng là không làm được." Tôi nói rất dõng dạc: "Bởi vì dẫu sao việc cũng do người."

"Tốt lắm." Tổng giám đốc cười. "Cậu đúng là tuổi trẻ tài cao, rất có triển vọng."

Nói thêm chút nữa đi.

Cô Tào cũng mỉm cười, bảo tôi: "Cố gắng lên."

Tôi cảm thấy nhiệt huyết sôi trào.

Cô Tào đi rồi, tổng giám đốc nói: "Vậy chuyện này tôi giao cho cậu."

"Giao... giao cho em?" Máu trong người tôi lập tức đóng băng.

"Đúng vậy. Cậu đã tự tin như thế đương nhiên phải giao cho cậu phụ trách rồi."

"Cái này..." Tôi lúng túng nói: "Lòng tin với bốc đồng là hai chuyện khác nhau."

"Cái gì?"

"Vừa rồi em bốc đồng quá." Tôi nhỏ giọng trả lời: "Hồ sơ này chúng ta không thể làm được."

"Cậu nói cái gì?" Giọng giám đốc bắt đầu to dần, bắt đầu giống một con chim đang kích động.

"Thanh niên trẻ tuổi dễ nổi cơn bốc đồng, cái này chắc sếp cũng hiểu mà."

"Tôi không hiểu!" Giám đốc vỗ cánh đứng bật dậy, quăng tập hồ sơ ra trước mặt tôi. "Tóm lại trong vòng một tuần cậu phải viết xong đề xuất thực hiện cho tôi."

Lớn chuyện rồi.

Trên đường về bàn làm việc tôi không ngừng đấm vào đầu mình, thầm nghĩ đúng là hồng nhan họa thủy.

Tính cách tôi là nếu vì chuyện ra vẻ mà tạo thành bi kịch, sẽ cảm thấy đây là do người khác hại mình.

Lúc đi qua máy photocopy, cô Tào đang sao chép tài liệu nói với tôi: "Giám đốc Chu giao hồ sơ cho anh rồi?"

"Đúng vậy."

"Anh thật lợi hại."

"Đâu có." Tôi mỉm cười.

Tính cách tôi là nếu người khen tôi lợi hại là mỹ nữ, tôi sẽ mỉm cười đáp lại.

Trở lại chỗ ngồi, lấy tập hồ sơ mời thầu ra, mới xem qua vài tờ đầu đã phải thở dài.

Mình ra vẻ làm gì cơ chứ? Đã không làm được lại cứ thích thể hiện làm gì.

Cầm bút lên, viết trong hồ sơ: ngu ngốc, đáng đời, bị phạt đúng tội, tự làm tự chịu...

Mắng tới cạn cả từ xong bèn lẳng lặng nhìn chằm chằm vào các hạng mục công tác trong tập hồ sơ, bắt đầu đờ người ra.

"Ồ." Cô Lý bước qua cạnh bàn tôi. "Tập hồ sơ này rất khó làm đấy."

"Ừ." Tôi gật đầu.

"Có điều chắc cậu vẫn sẽ làm được thôi."

"Đương nhiên rồi, không thành vấn đề."

Nhìn cô Lý, trong lòng tôi lại buồn phiền.

Tính cách tôi là nếu ngay cả trước mặt cô gái không xinh đep cũng ra vẻ, sẽ cảm thấy buồn phiền.

"Cùng ăn trưa nhé." Cô Lý bảo: "Tiểu Lương với Lễ Yên cũng định đi."

Vốn lúc nghe thấy "Tiểu Lương" tôi hơi nhíu mày, nhưng sau khi nghe thấy tên cô Tào, tôi lập tức đứng dậy nói: "Được."

Khó khăn lắm mới có dịp đi ăn cùng cô Tào, tôi nhất định phải nắm chắc cơ hội, biểu hiện bản thân.

Ra khỏi tòa nhà, Tiểu Lương đề nghị đi ăn rau hữu cơ gì đó, tôi bảo: "Sao lại định ăn chay?"

"Ăn chay tốt mà." Tiểu Lương đáp: "Hơn nữa rau hữu cơ không bị ô nhiễm, không bị phun thuốc."

"Loài khỉ yêu sạch sẽ, sống trong rừng chắc chắn sẽ rất khổ cực." Tôi nói.

Ba người bọn họ cùng dừng bước, nhìn tôi.

"Là sao?" Tiểu Lương hỏi.

"Con khỉ leo trèo cả ngày trong rừng rậm, rất dễ dính bẩn. Nếu con khỉ đó lại thích sạch sẽ vậy chẳng phải sẽ rất đau khổ à?" Tôi nói: "Khỉ quen ở bẩn với thích bẩn mới hạnh phúc được."

"Cái này thì liên quan gì tới rau hữu cơ?" Cô Lý hỏi.

"Giờ hầu hết các loại rau đều bị phun thuốc, hơn nữa trong thực vật cũng có thành phần hóa học. Nếu cô không chịu ăn thức ăn có chứa chất hóa học, không những không có sức đề kháng hơn nữa còn rất khó tìm thức ăn."

"Hóa ra là thế." Tiểu Lương bảo tôi: "Thế nên anh không phải con khỉ thích sạch sẽ."

"Đương nhiên rồi." Tôi đáp. "Tôi dơ bẩn quen rồi, đang chuẩn bị bước lên mức thích ở bẩn."

"Thế nhưng tôi là con khỉ thích thạch sẽ." Cô Tào nói. "Hơn nữa tôi luôn ăn chay."

Đến phiên tôi dừng chân, toàn thân như đông cứng.

"Bọn tôi đi ăn chay, đi cùng hay không tùy anh, không ép đâu." Tiểu Lương cười nói, ánh mắt giảo hoạt.

Chết tiệt, tôi lại bị chơi rồi.

Sao tôi lại mơ màng đến thế cơ chứ? Ngay cả chuyện cơ bản nhất là cô Tào thích ăn chay mà cũng không biết.

Đáng ghét, da đầu lại tê cứng vì bối rối rồi.

Có điều vậy vừa khéo, có thể cứng đầu theo đuôi được.

Bước vào cửa hàng có tấm biển quảng cáo không phun thuốc, chúng tôi tìm chỗ tự ngồi xuống.

Tôi và cô Lý ngồi một bên, Tiểu Lương với cô Tào ngồi đối diện.

"Lễ Yên." Tiểu Lương cầm bát của cô ấy lên. "Để em xới cơm cho chị nhé."

"Cám ơn." Cô Tào mỉm cười.

Đáng ghét, không ngờ lại bị giành trước, hơn nữa Lễ Yên là để nhà ngươi gọi à?

Đang lúc hối hận không thôi, cô Lý cầm bát đưa tới trước mặt tôi.

"Sao thế?" Tôi quay sang hỏi cô ấy.

"Xới cơm giúp tôi." Cô Lý bảo: "Ngay cả chút lễ phép cơ bản nhất cũng biết."

"Bát nhỏ thế đủ cho cô ăn không? Có cần tôi gọi người đổi cái bát khác lớn hơn không?" Tôi hỏi.

"Cậu muốn chết à!" Cô Lý cười vỗ lên vai tôi một cái.

Từng món thức ăn được bưng lên, nhưng tôi cảm thấy hương vị các món chẳng khác nhau nhiều lắm, vì vậy ăn cũng chẳng thấy ngon.

Gắp một cọng gì đó dài dài lên, rớt hai lần liên tiếp, bèn bỏ luôn đũa xuống, lấy tay cầm lên ăn.

"Đúng là con khỉ không ưa sạch sẽ." Tiểu Lương cười nói: "Sao lại dùng tay?"

"Dùng tay thì liên quan gì tới không ưa sạch sẽ?" Tôi hỏi. "Những món ăn này trước khi nấu nướng rồi bưng lên không biết đã bị người trong nhà bếp dùng tay chạm vào bao nhiêu lần rồi nữa, cô cũng biết mà."

"Cái này khác chứ."

"Khác ở chỗ nào? Cậu cứ khăng khăng không chịu hiểu. Người Ấn Độ đã sớm nhận ra điểm này cho nên mới dùng tay ăn cơm. Chính vì họ giác ngộ sớm như vậy nên đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới xuất hiện ở Ấn Độ."

Tôi nói xong, ba người bọn họ lại ngây người một lúc.

"Cứ dùng đũa thì hơn." Một lát sau, cô Tào bảo tôi.

"Đúng vậy!" Tiểu Lương lập tức tiếp lời. "Ấn Độ có Thích Ca Mâu Nhi, chúng ta có Khổng Tử cơ mà! Chẳng lẽ Khổng Tử thua Thích Ca Mâu Ni à? Huống chi chiếc đũa là tinh hoa nước nhà!"

Nói linh ta linh tinh. Có điều tôi vẫn nghe lời cô Tào, lại cầm đũa lên.

Nói lên cũng thật khiến người ta nản chí, tôi hay mơ màng, dễ bối rối, thích ra vẻ, nhưng lại không mặt dày được như Tiểu Lương.

Tính cách tôi là nếu lúc ăn cơm thấy khó chịu, sẽ cúi đầu hùng hục ăn, nghe không nói một lời.

"Nghe nói giám đốc Chu giao cho anh một vụ rất khó?" Tiểu Lương hỏi tôi.

"Khó hay không là do người mà." Tôi nhìn cậu ta, trong lòng bắt đầu phòng bị. "Cũng như chó khó mà khống chế được sói, nhưng cọp lại dễ dàng làm được."

"Vậy à, thế thì chúc mừng anh."

"Chúc mừng? Có gì đáng để chúc mừng à?" Tôi nói: "Có phải cậu định từ chức không?"

Cô Lý ho khan một tiếng như bị mắc nghẹn, nhìn tôi như cười mà chẳng phải cười.

"Tuần trước giám đốc Chu có bảo..." Tiểu Lương nói tiếp. "Ai nhận loại hồ sơ này sẽ có thêm tiền thưởng."

"Thế thì..."

"Thế nên bữa ăn hôm nay..." Tiểu Lương không nói hết lời, chỉ cười gian xảo.

"Thì sao?"

"Không sao." Tiểu Lương nhún vai. "Dẫu sao kiếm tiền cũng chẳng dễ dàng gì."

"Hôm nay để tôi mời." Tôi nói.

Tính cách tôi là cho dù biết đối phương đang dùng phép kích tướng, tôi vẫn ra vẻ.

"Thế này thì ngại quá." Tiểu Lương lại miệng thơn thớt bụng một bồ dao găm.

"Mọi người cùng là đồng nghiệp, coi như thay cậu chi tiền bữa chia tay.”

"Vậy anh phải thất vọng rồi." Tiểu Lương cười ha hả: "Tôi còn ở lại công ty lâu lắm đấy."

"Cậu cứ đợi đấy, giám đốc chắc gì đã giữ..."

Nói chưa hết câu, cô Lý đã kéo tay áo tôi lại, ý bảo tôi đừng nói nữa.

Tính toán tiền nong xong, trên người tôi chỉ còn hơn một trăm đồng.

Trên đường về công ty, càng nghĩ càng khó chịu, lúc qua đường thậm chí còn định vượt đèn đỏ.

Trở lại bàn làm việc, thấy hồ sơ mời thầu, hai chân mềm nhũn ra, ngồi phịch xuống ghế.

Một lát sau, nghĩ thầm phải tỉnh táo lại, phải hóa đau thương thành lực lượng.

Vì vậy bỏ cả buổi chiều ngồi trong công ty tìm tư liệu, viết đề xuất thực hiện.

Vươn người vặn lưng, đang định thở nỗi phiền muộn trong ngực ra thì nghe cô Tào nói:

"Đã sắp năm giờ rồi, sao anh còn không về?"

Tôi giật mình, đứng bật dậy, ngẩng đầu lên nhìn cô ấy.

"Tôi tới để nói mình phải về đây." Cô ấy mỉm cười: "Với cả, cám ơn anh đã mời cơm."

"Đừng... đừng khách sáo." Tôi vẫn trả lời ấp a ấp úng.

"Vậy mai gặp lại nhé." Cô vẫy vẫy tay. "Bye bye."

Ngay cả động tác vẫy tay của tôi cũng hơi cứng nhắc, cứ như tay phải đắp thành thạch cao.

Hơn nữa hai chữ bye bye cũng vì căng thẳng quá mà chẳng rời được khỏi mồm.

Một lúc sau, cô Lý đi tới hỏi: "Năm giờ rồi đấy, sao anh còn chưa về?"

"Đây là ngày đầu tiên cô quen tôi à? Chẳng lẽ cô không biết tôi luôn nỗ lực không ngừng, hết mình vì công việc à?"

"Tôi tới để nói mình phải về đây. Với cả, cám ơn anh đã mời cơm."

"Sao lại khách khí thế? Một chút cơm thôi mà, đừng để trong lòng, hiểu chưa?"

"Vậy mai gặp lại nhé. Bye bye."

"Bye bye." Tôi ra sức vẫy tay: "Lúc rảnh nhớ qua chơi nhé!"

Làm thêm một chút để kết thúc công việc, sau đó thu dọn hồ sơ mời thầu, cho vào trong cặp tài liệu, chuẩn bị ra về.

Lúc ra cao ốc của công ty đã năm giờ rưỡi.

Đi tới cách quán cà phê mười mét, lại dừng bước.

Hôm nay có nên vào uống cà phê không?

Tôi nghĩ chắc là không.

Tay phải giơ cao cặp tài liệu lên che khuất mặt, bước chân chậm rãi, cúi đầu tiếp tục đi.

Tuy không muốn uống cà phê nhưng lại rất muốn biết cô gái học nghệ thuật kia có ở đó không?

Vì thế ánh mắt tôi len lén liếc xuống dưới.

Khi tôi liếc thấy một bờ eo thẳng tắp, không khỏi ngừng bước.

Từ từ di chuyển cặp tài liệu, theo đó thấy được bộ ngực, vai, cổ, nửa trái khuôn mặt...

Đúng rồi, là cô gái học nghệ thuật kia.

Cô ấy đang cúi đầu vẽ tranh.

Tôi nghỉ chân nửa phút, quyết định kiềm chế ý muốn xem xem cô vẽ thứ gì, tiếp tục bước về phía trước.

Mới đi được vài bước lại va phải một người.

"Xin lỗi." Tôi nói.

Ngẩng đầu lên nhìn, không ngờ lại là chủ quán cà phê.

"Sao lại không vào?" Chủ quán hỏi.

"Hôm nay tôi có việc." Tôi hơi ngại, vội vàng bỏ cặp tài liệu đang giơ cao xuống.

Nhưng đột nhiên nghĩ lại, sao tôi lại phải thấy ngại chứ? Mình có thiếu tiền người ta đâu.

"Vào đi."

"Xin lỗi, hôm nay tôi có việc thật."

"Nếu là vì chuyện lần trước, vậy tôi xin lỗi."

"Lần trước có chuyện gì?"

"Chuyện tôi bảo cậu là trai tân ấy."

"Này."

"Thật ra tôi đã nói sai."

"Không sao, biết sai là được rồi."

"Thực ra không chàng trai nào là trai tân cả, có người trao đêm đầu tiên cho tay trái, có người lại trao cho tay phải."

"Này."

"Vào đi."

"No."

"Sao lại nói tiếng Anh?"

"Tôi nghĩ anh không hiểu tiếng Trung."

Tôi và chủ quán cà phê đứng ngay trước cửa quán, như hai đại cao thủ võ lâm giằng co trước trận đấu.

Cao thủ thường không dễ xuất chiêu, chúng tôi đều chờ đối phương ra tay trước.

"Tôi hiểu rồi." Một lát sau, rốt cuộc anh ta cũng ra tay.

"Anh hiểu gì?" Tôi dùng thế thủ, cẩn thận tiếp chiêu.

"Trên người cậu chắc chắn không có tiền." Anh ta bay lên không trung xuất cước.

"Tôi có tiền!" Tôi lại ra vẻ, chiêu thức đã loạn.

"Nếu không thì cậu là người nhỏ mọn." Anh ta lại đổi sang tấn công hạ bàn.

"Tôi rất phóng khoáng đấy!" Tôi không kịp thu chiêu, chân đã lảo đảo.

"Vậy sao không dám vào?" Chủ quán biến quyền thành chưởng, khí tụ đan điền, công thẳng tới tử huyệt trước ngực tôi.

"Ai bảo tôi không dám." Tôi chỉ thấy trước ngực dâng lên cảm giác buồn bực, bật ngay khỏi miệng. "Tôi vào đây!"

"Vậy đa tạ." Anh ta chắp tay hành lễ.

"..."

Sau khi anh ta vào trong quán rồi tôi vẫn ngây ngẩn ở đó, điều hòa lại nội tức.

Cách đó một khung cửa sổ, cô gái học nghệ thuật đang cười ha hả ngoắc tay với tôi.

Tôi đẩy cửa quán ra, đi thẳng tới chỗ đối diện cô ấy, ngồi xuống.

"Hai hôm trước sao anh không tới?" Cô ấy hỏi.

"Vì không phải đi làm nên tôi lười ra ngoài."

"Ừm." Cô ấy lại hỏi: "Anh làm việc ở gần đây?"

"Ừ, đi bộ không đến mười phút." Tôi nhìn bức vẽ trước mặt cô, hỏi: "Vừa nãy cô vẽ gì vậy?"

Cô vội vàng rút bản vẽ lại: "Hai hôm nay vẽ không được đẹp, không thể để người khác xem được."

Tôi thấy cô ấy hơi ngại nên chỉ mỉm cười, không hỏi tiếp nữa.

Chủ quán đưa cốc nước tới, tôi cũng tiện đó gọi một cốc cà phê.

"Cô tới đây hàng ngày làm gì?"

"Khung cảnh nơi đây rất đẹp."

"Khung cảnh?" Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. "Trước trạm xe điện ngầm thì có khung cảnh gì?"

"Rất nhiều người qua lại, tôi có thể trải nghiệm cuộc sống ở đây."

"Cuộc sống?" Tôi hỏi lại với vẻ khó hiểu. "Ở nhà cũng có thể trải nghiệm cuộc sống cơ mà."

"Cái đó không giống." Cô ấy mỉm cười: "Nếu nghệ thuật gia ngồi cả ngày ở nhà rất có khả năng sẽ chỉ sống trong thế giới nghệ thuật hư cấu của bản thân, có thể một ngày nào đó sẽ phát điên."

"Thật không?" Tôi lại nhìn ra ngoài cửa sổ: "Nhưng ngồi đây chỉ thấy được người thôi mà."

"Người là tác phẩm nghệ thuật phức tạp nhất mà ông trời sáng tạo ra đấy." Cô ấy mỉm cười lè lưỡi nói. "Tuy có rất nhiều thiếu sót."

"Đúng rồi, cuộc sống của anh sao?"

"Ừm." Tôi suy nghĩ một lát. "Cuộc sống của tôi rất đơn giản, chỉ có làm việc và nghỉ ngơi thôi."

"Lúc nghỉ anh làm gì?"

"Tôi viết tiểu thuyết."

Lời vừa nói xong, tôi lại thấy ngạc nhiên.

Vì ngoại trừ Đại Đông, đây là lần đầu tiên tôi kể với người ngoài mình viết tiểu thuyết.

"Ừm. Vậy cũng hay."

Cô gật đầu, nâng cốc cà phê lên, uống một ngụm.

"Hình như cô không ngạc nhiên thì phải."

"Sao tôi lại phải ngạc nhiên?" Đôi môi cô rời cốc cà phê, nhìn tôi với vẻ hiếu kỳ.

"Tôi là người học khoa học mà lại đi viết tiểu thuyết, không lạ sao?"

"Nếu người học pháp luật đều có thể làm tổng thống..." Cô đặt cốc cà phê xuống, mỉm cười. "Vậy sao người học khoa học không thể viết tiểu thuyết được?"

"Nói hay lắm." Tôi giơ ngón tay cái lên.

Xem ra lý do viết tiểu thuyết luôn làm khó tôi thật ra có đáp án rất đơn giản.

Cô lại chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau mới như đột nhiên nhớ ra điều gì, quay đầu sang nói: "Xin lỗi." Cô lè lưỡi. "Tôi cứ hay quen thế."

"Không sao. Dù gì thì bên ngoài cũng nhiều anh chàng đẹp trai mà."

"Ha ha, tôi đâu có nhìn mấy chàng đẹp trai." Cô vươn ngón trỏ ra chỉ về phía đối diện bên đường. "Anh nhìn kìa, xe tôi luôn đậu ở đó."

Theo hướng ngón tay cô chỉ, tôi thấy chiếc xe màu đỏ mà mình đã từng gặp.

"Chỗ đó đâu cho đỗ xe."

"Tôi biết là không được đỗ ở đó." Cô mỉm cuời thần bí. "Thế nên lúc thường tôi hay nhìn ra ngoài cửa sổ, để ý xem có cảnh sát xuất hiện không."

"Hóa ra lần trước cô vội vàng chạy ra là vì thấy cảnh sát." Tôi đột nhiên hiểu ra.

"Ừ." Cô ấy lại mỉm cười. "Tôi vừa quan sát mọi người lại vừa để ý cảnh sát, như vậy trong lúc đang chìm đắm trong thế giới nghệ thuật mỹ lệ vẫn không quên trong cuộc sống hiện thực vẫn còn hóa đơn tiền phạt tàn khốc."

Chủ quán bưng cốc cà phê tới đặt trước mặt tôi, cũng liếc nhìn tôi một cái.

Tôi cúi đầu xuống nhìn, lớp bọt màu trắng nổi bên trên lớp cà phê, tạo thành một hình vẽ ngón tay.

Thật kỳ lạ, nhìn trái phải một hồi, quả thực rất giống ngón tay.

Chủ quán giơ bàn tay ra, giơ ngón giữa ra cốc cà phê như đang so ngón tay giữa với bức hình trong cốc.

"Trông giống lắm." Nói xong, anh ta lập tức bỏ đi.

Đáng ghét, không ngờ tên này lại dùng kem vẽ thành hình ngón giữa.

"Cà phê do chủ quán pha ngon đấy chứ?" Cô ấy hỏi.

"Ừ. Chỉ có điều người lại hơi quai quái."

"Thật không?" Cô ấy chỉ cười chứ không nhận xét gì. "Có điều anh ấy không thu tiền của tôi."

"Thật à?" Tôi ngạc nhiên.

"Tôi dùng những bức tranh vẽ ở đây để đổi lấy cà phê."

"Vậy à?" Tôi lấy bức vẽ vạn tiễn xuyên tâm từ trong cặp tài liệu ra, mỉm cười hỏi cô ấy: "Không biết bức tranh này của tôi đổi được mấy cốc cà phê?"

Chủ quán đột nhiên xuất hiện bên cạnh, mở hộp đường bên cạnh bàn ra, múc đường cho vào cốc cà phê của tôi.

"Chỉ đổi được mấy viên đường." Chủ quán nói.

Đang lúc tôi định phản đối, chủ quán lại quay sao bảo cô ấy: "Cà phê của cô hết rồi."

"Hả." Cô bật thốt lên. "Tiếc quá, tôi còn định uống thêm một cốc."

"Vậy cô nên bắt đầu vẽ luôn đi."

"Cô ấy không trả tiền được à?" Tôi hỏi một câu xen vào.

"Không được." Chủ quán đáp: "Cô ấy không được dùng tiền để uống cà phê, chỉ có thể dùng tranh."

"Đâu ra cái lý đó."

"Nếu anh muốn thì trả tiền giúp cho cô ấy cũng được, có điều anh đâu phải người hào phóng."

"Ai bảo tôi không phải?" Tôi lại ra vẻ. "Tôi sẽ trả thay cô ấy!"

"Cám ơn." Cô ấy nhìn tôi, mỉm cười.

Ánh mắt này thật quen thuộc, đường như mỗi lần định vẽ thứ gì cô ấy lại dùng ánh mắt như vậy.

Chẳng lẽ cô ấy lại nhìn ra điều gì ở tôi? Có phải nhận ra tôi là người hay ra vẻ không.

Đột nhiên, tôi thầm giật mình, trên người chỉ còn có một trăm đồng, không đủ để trả tiền uống cà phê cho hai người.

"Cô đợi chút." Tôi đứng dậy. "Tôi ra ngoài một lát."

Đang chuẩn bị kéo cửa quán vào để đi ra thì giọng chủ quán vang lên từ phía sau: "Cậu chỉ có bốn phút."

"Cái gì?" Tôi quay lại.

"Từ lúc xay đến lúc pha xong cà phê hết bốn phút. Nếu cậu không về trước khi pha xong tôi sẽ tự uống hết cốc cà phê này."

"Anh đang đùa cái trò gì thế."

"Bắt đầu." Chủ quán quay người lại xay hạt cà phê.

Tôi lao ra khỏi quán.

Dừng lại trước vằn đèn đỏ, còn mười hai giây nữa đèn xanh mới sáng.

Đèn xanh rốt cuộc cũng sáng.

Tôi lao nhanh về phía trước, xông thẳng tới con đường đối diện, lao qua một cái thùng rác, lại chạy thêm bảy tám bước.

Rồi lướt qua chiếc xe màu đỏ của cô ấy, chui vào một cao ốc. Chạy qua trước năm cửa hàng, đi tới chỗ máy rút tiền tự động.

Thở hổn hển một hơi, móc ví da ra, rút thẻ ATM, bỏ vào trong máy, nhập mã, nhận hai ngàn đồng.

Chờ máy rút tiền tự động đếm xong, cầm tiền lên, nhận lại thẻ ATM, cho lại vào trong ví da.

Rồi lại nhanh chóng chạy lại theo hướng ngược với hồi nãy.

"Bao lâu rồi." Đẩy cửa quán ra, tôi vừa thở hồng hộc vừa hỏi.

"Ba phút bốn mươi sáu giây." Chủ quán đáp.

Tôi thở phào một hơi, trở lại vị trí, ngồi xuống.

"Anh cũng đỗ xe sai nơi quy định à?" Cô mỉm cười, lấy một tờ giấy ăn trên bàn ra đưa cho tôi.

"Tôi..." Tôi nói không nên lời, nhận lấy tờ giấy, bắt đầu lau mồ hôi.

"Tôi bắt đầu vẽ đây." Nói xong, cô cầm bút lên, mở tập giấy ra.

Động tác lau mồ hôi của tôi ngưng bặt.

Đột nhiên bầu không khí ngập tràn cảm giác yên tĩnh, thậm chí tôi không dám thở mạnh.

Ánh mắt vốn đang chăm chú nhìn cô cũng từ từ rụt lại, chuyển ra ngoài cửa sổ, sợ làm phiền cô ấy.

Liếc mắt thấy chủ quán khẽ đặt cốc cà phê lên bàn nên nhanh chóng quay đầu lại, giơ ngón tay lên môi ra hiệu "suỵt".

Không ngờ chủ quán cũng ra hiệu như tôi.

Lúc anh ta quay người đi về quầy bar, bước chân nhẹ nhàng trầm ổn, xem ra khinh công cũng không tồi.

"Vẽ xong rồi." Cô nâng cốc cà phê lên, uống một ngụm, sắc mặt chuyển dần từ vẻ kinh ngạc sang đắc ý.

"Lúc Quan Vũ vừa rời Mao Lư, rượu còn ấm đã chém xong Hoa Hùng, tôi vẽ xong cốc cà phê vẫn còn nóng."

"Cái này là đoạn miêu tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhưng thật ra là cha của Tôn Quyền —— Tôn Kiên giết Hoa Hùng."

"Thế à." Cô mở to hai mắt, chớp chớp vài lần. "Vậy có làm giảm sự lợi hại của tôi xuống không?"

"Không đâu." Tôi mỉm cười. "Cô vẫn rất lợi hại."

"Cám ơn." Cô mỉm cười vui vẻ, xoay ngược bức tranh, đẩy nhẹ tới trước mặt tôi.

Tôi thấy một chiếc thuyền, bên cạnh thuyền có một chú cá heo đang lè lưỡi ra, có vẻ như đang dốc hết sức để bơi.

"Sao cá heo lại phải lè lưỡi."

"Vì quá mệt."

"Mệt?"

"Cá heo thích chơi trò bơi vòng quanh thuyền nhưng lại gặp phải một con thuyền rất lớn hoặc một con thuyền chạy rất nhanh, như vậy nếu cá heo vẫn kiên quyết bơi vòng quanh thuyền không phải sẽ rất mệt à?"

"Thế thì chủ đề của bức họa này là gì?"

"Ra vẻ."

Quả nhiên, lại bị cô ấy nhìn thấu rồi.

"Bức tranh này có thể đổi được chín cốc." Chủ quán đột nhiên xuất hiện cạnh chúng tôi.

"Vậy tám cốc nhé." Cô nói.

"Hả?" Chủ quán nhướn mày, có vẻ rất ngạc nhiên, không ngờ cô ấy lại không mặc cả.

"Vì chỉ có thể là số chẵn." Cô mỉm cười chỉ vào tôi rồi nói: "Vậy tôi mới chia đôi với chú cá heo thích ra vẻ này được chứ."

Chủ quán nhìn chúng tôi rồi nói: "Được."

"Người học khoa học..." Cô thu dọn đồ đạc. "Tôi phải đi đây."

"Ừ."

"Sau đừng ra vẻ nữa đó, cứ thế sẽ mệt lắm đấy." Cô thu dọn xong xuôi bèn đứng dậy.

"Được."

"Vậy ngày mai..." Cô kéo dài âm cuối. "...gặp lại sau nhé?"

"Cái này..."

"Anh quên chuyện người học khoa học phải có khí phách à?"

"Được." Tôi vỗ ngực. "Mai gặp lại."

"Anh lại ra vẻ rồi." Cô vẫy vẫy tay nói. "Bye bye."

Lúc cô kéo cửa đi ra, tiếng chuông cửa leng keng nghe thật vui tai, hoàn toàn không chút chói tai thường ngày.

Cô ấy vừa đi khỏi, tôi lập tức đứng dậy ra quầy bar tính tiền.

"Sau cậu nhớ đến đây thường xuyên nhé." Chủ quán nói.

"Vì sao?"

"Có cậu ở đây cô ấy mới vẽ tốt được."

"Thật không?" Tôi suy nghĩ một lát. "Anh giảm giá cho tôi một chút, tôi sẽ thường xuyên tới."

"Được." Anh ta trả lời ngay, không cần nghĩ ngợi gì.

"Thật hay giả thế?" Tôi hỏi lại với vẻ khó hiểu.

"Nếu cậu có thể khiến cô ấy vui vẻ, tôi tình nguyện pha cà phê cho cậu cả đời."

Sau khi nói xong, chủ quán bèn quay người rửa cốc chén.

Lúc tôi mở cửa quán, tiếng chuông cửa vang lên lại chất chứa sự hoang mang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.