Đêm Nay Nhớ Anh

Chương 1




1.

“Trình Hâm! Mày làm gì đây?” (程歆 Hâm trong hâm mộ).

Khi bạn cùng phòng cuống cuồng chạy tới tìm tôi thì tôi mới thức dậy sau một giấc ngủ ngon hiếm hoi.

“Chuyện gì?”

Tô Tô đưa điện thoại ra trước mặt tôi, mặt kinh hoàng: “Mày tự coi đi.”

Tôi cầm lên xem, một bức ảnh được bình luận sôi nổi trên “bức tường thổ lộ”. Trên tấm bảng đen ở cửa ký túc xá nam viết tình hình kiểm tra ngày hôm qua: Phòng 203 tốt; phòng 207 có mùi lạ…

Nổi bật nhất là: Tống Mạch, giường số 4 phòng 250 nằm trên giường đổi mấy tư thế mà không ‘lên’ nổi.

Bình luận ở dưới đã mấy trăm lớp.

“Tôi cười chết mất hahahahahaha.”

“Lan truyền đi, Tống Mạch không lên nổi ha ha ha.”

“Nhân tài nào đây, tôi muốn biết cô ấy!”

“Mấy người đừng cười nữa, anh Tống còn chưa ngủ, đang nhìn chằm chằm vào điện thoại nãy giờ!”



Tôi nhìn chăm chăm vài giây, từ từ ý thức được, người này hình như là tôi.

Nhưng thực sự thì có lý do.

Tô Tô là trưởng ban vệ sinh của trường, hôm qua là đợt tổng kiểm tra vệ sinh cả trường, khi kiểm tra ký túc xá thì bắt buộc mọi người phải ra khỏi giường. Cô ấy không đủ người kiểm tra nên nhờ tôi kiểm giúp một tầng, kiểm đến phòng 250 thì bên trong còn một người đang trùm chăn ngủ.

Nói thật là tôi cũng phiền vụ kiểm tra giường, sinh viên cần gì làm khó dễ sinh viên, cứ qua loa đại khái là được. Nào ngờ lãnh đạo trường đi theo quan sát, quay phim lại.

Vì vậy tôi đành chọc chọc con nhộng hình người kia: “Bạn ơi, phối hợp xuống giường kiểm tra chút đi.”

Một bàn tay với những khớp xương rõ ràng không kiên nhẫn thò ra phất phất, sau đó nhanh chóng thu lại, trở người.

Tôi: “…”

Tôi nhìn lãnh đạo trường đứng bên cạnh, nở nụ cười: “Bạn ơi, cậu chờ kiểm tra xong thì ngủ tiếp.”

Sau đó ghé sát lại nói nhỏ: “Còn thò tay ra nữa là cậu xong đời.”

Chỉ thấy chăn giật giật. Một cái chân thò ra ngay trước mặt lãnh đạo trường.



Giọng nam sinh lười nhác, càn rỡ: “Muốn ghi biên bản gì thì ghi.”

Cậu ta đã nói thế thì dưới ánh mắt sắc bén của lãnh đạo trường, tôi ghi lại đúng sự thật.

Chẳng qua cách diễn đạt hơi có vấn đề, mập mờ theo nghĩa khác thôi.

+++

Chú thích:

Từ chính xác “Lên” ở đây là 起 Khởi, nó có thể là Danh từ, động từ, danh từ chỉ vị trí, lượng từ, trạng từ, hậu tố… với nhiều nghĩa:

Lên; dậy; rời; rời khỏi; nẩy lên; bung lên; nổi; lên (bọc nước, mục ngứa, rôm sảy); bắt đầu; là giới từ, dùng trước từ chỉ thời gian, nơi chốn, biểu thị thời điểm bắt đầu;…

Ở đây mình dùng chữ Lên để biểu thị sự cố tình chơi xỏ của nữ chính để người ta hiểu lầm ông nam chính là không LÊN nổi (‘thằng em trai’ của ổng).

2.

Đúng ra tôi rất áy náy. Nhưng khi thấy Tống Mạch trả lời: Bạn Trình Hâm, lớp 3 Thú y khóa 22, cậu không cố gắng sao biết tôi không lên nổi.

Phía dưới lại là hàng chục bình luận.

Có mấy người bạn nhắn wechat hỏi tôi, tôi thân thiết với Tống Mạch từ khi nào. Tôi cảm thấy như cả đàn Alpacas phi nước đại qua đầu tôi.

Tốt lắm, “lươn ngắn mà chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”, đều không phải thứ gì tốt đẹp.

Xin lỗi là không có khả năng, cho nhau tổn thương thì được.

Lúc Tống Mạch chặn tôi dưới lầu thì tôi đang chuẩn bị đến phòng y tế. Người trước mặt mặc quần áo ngắn tay bình thường, dáng vẻ như mới tỉnh ngủ, trên đỉnh đầu còn một chỏm tóc dựng lên ngốc nghếch.

Anh ta nhìn tôi từ trên xuống dưới, có lẽ thấy quầng thâm mắt tôi thì cười chế giễu: “Hai quầng thâm mắt này của cô là do lương tâm cắn rứt sao?”

Thật ra quầng thâm mắt là vì tôi mất ngủ kinh niên. Nhưng tối qua tôi ngủ khá ngon.

Tống Mạch hỏi vậy tôi lập tức xù lông phản bác, anh ta là nhân vật nổi tiếng trong trường, không mấy người không biết anh ta. Khi chúng tôi nói chuyện xung quanh dần dần có nhiều người vây xem.

Vì vậy tôi bày vẻ mặt áy náy, ôm chân anh ta: “Xin lỗi anh Tống, nếu tôi cố gắng mà anh có thể lên thì lúc đó tôi thật sự sẽ cố gắng hơn chút nữa, nhưng mà thật sự anh không có dấu hiệu lên mà, không có lên dù chỉ tí xíu!”

Mấy chữ cuối cùng tôi nói năng khí phách, sau đó hướng tới vị trí khó nói của Tống Mạch liếc mắt một cái.

Quần chúng vây xem trợn trừng mắt, giống như vừa “ăn một quả dưa to”. (Tin đồn lớn.)

Mặt Tống Mạch không đổi sắc nhìn tôi: “Cô xác định là muốn làm như vậy?”

Hả?

Tôi còn chưa kịp phản ứng thì Tống Mạch đã khiêng tôi lên, sải bước rời đi.

3.

Sau đó anh ta ném tôi vào ghế sau xe máy điện: “Ngồi yên.”

Dọc đường đi, tôi lo lắng đề phòng đến mức bất tri bất giác… ngủ thiếp đi.

Đúng vậy, rất kỳ quái.

Tôi bị chứng mất ngủ nghiêm trọng, không thể nhớ lần cuối cùng tôi thực sự có được giấc ngủ ngon là khi nào. Thế nhưng bây giờ ngồi ở ghế sau chiếc xe điện xóc nảy, dựa vào lưng Tống Mạch mà ngủ, còn loáng thoáng nằm mơ thấy đang ăn đùi gà to trong căn tin.

20 phút sau, tôi nhìn vết nước miếng sau lưng áo Tống Mạch, rơi vào trầm tư. “Lỗi của tôi.”

Tống Mạch xoa xoa trán, đi vào phòng y tế.

Anh ta dẫn tôi tới phòng y tế làm gì?

Tôi ngơ ngác đi theo.

Bác sĩ trường nhìn thấy chúng tôi thì ngẩn người: “Hai người quen nhau à?”

Tôi và Tống Mạch sửng sốt: “Cái gì?”

Bác sĩ chỉ Tống Mạch nói với tôi: “Cậu ta là người lần trước tôi nói với em, người mắc chứng ngủ rũ*” (Chú thích cuối chương)

Lại chỉ vào tôi: “Cô ấy là người mắc chứng mất ngủ. Hai cô cậu là khách quen của phòng y tế tôi, bệnh tình bổ sung cho nhau rất kỳ diệu. Tôi đã muốn giới thiệu hai người với nhau từ lâu rồi.”

Tống Mạch nhìn tôi, nói với bác sĩ bằng vẻ mặt phức tạp: “Hôm nay tinh thần em rất tốt.”

Bác sĩ kinh ngạc: “Hiếm thấy đấy, có biết nguyên nhân không?”

Tống Mạch: “Điểm khác biệt duy nhất so với trước là hôm qua cô ấy đến ký túc xá của em kiểm tra giường.”

Tống Mạch chỉ vào tôi, tôi đần mặt ra nói: “Thành thật mà nói, tôi mất ngủ đã hơn mười ngày. Hôm qua kiểm tra giường xong thì ngủ quên. Ban nãy ngồi sau xe điện của anh cũng ngủ thiếp đi, khác biệt duy nhất là đều tiếp xúc với anh.”

Nói xong, chúng tôi liếc nhau, cùng im lặng. Hiển nhiên chúng tôi đều ý thức được một vấn đề, có thể bệnh tình của chúng tôi nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng từ trường người khác.

+++

Chú thích:

Chứng ngủ rũ (tên tiếng Anh là Narcolepsy) là một rối loạn giấc ngủ mạn tính, đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá độ vào ban ngày và ngủ gật đột ngột không cưỡng lại được. Những người mắc chứng ngủ rũ thường khó tỉnh táo được trong khoảng thời gian dài bất kể trường hợp nào. Chứng ngủ rũ có thể gây ra nhiều phiền toái nghiêm trọng cho cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Đôi khi chứng ngủ rũ còn đi kèm với mất trương lực cơ đột ngột thời gian ngắn. Nghĩa là mất kiểm soát đột ngột hoạt động của các cơ. Việc này thường được gây ra khi bệnh nhân có một cảm xúc mãnh liệt, thường gặp là khi cười nhiều, khi có một tin xấu hoặc tốt đột ngột.

Chứng ngủ rũ là một bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân và chưa có cách điều trị. Tuy nhiên, việc thực hiện theo tư vấn của bác sĩ và thay đổi tích cực lối sống có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần thêm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên để đối phó với chứng ngủ rũ.

4.

Để xác minh phỏng đoán. Tôi với Tống Mạch hẹn ba ngày không chạm mặt nhau.

Vì thế tôi mất ngủ ba ngày.

Có câu nói, nếu chưa từng nhìn thấy mặt trời thì có thể chịu đựng bóng tối*, sau giấc ngủ ngon ba ngày trước, quả thực bây giờ tôi nghiện Tống Mạch. (Chú thích cuối chương)

Sáng sớm ngày thứ tư, tôi bò khỏi giường với quầng thâm mắt còn nặng hơn gấu trúc. Tô Tô thuận miệng hỏi: “Trình Hâm, mày dậy sớm vậy làm gì?”

“Tìm Tống Mạch ngủ.”

Tô Tô giật mình rơi cả bông phấn: “Cái gì?”

Tôi đã mang giày chạy khỏi cửa phòng.

Chết tiệt, Tống Mạch, mau tới ngủ với tôi đi!!

Hú hú hú.

Tôi chạy 800 mét cũng không nhanh như vậy. Kết quả chạy tới dưới lầu ký túc xá Tống Mạch nhắn tin cho anh ta, nửa ngày không có hồi âm.

Tên khỉ này không phải lại đang ngủ chứ!

Tôi vác cái quầng thâm mắt ngồi xổm trước ký túc xá đợi anh ta với vẻ mặt ai oán. Người đi qua lại đều nhìn tôi, đến khi một anh chàng nghi ngờ cất tiếng A lên.

Tôi ngẩng lên, cậu ta có vẻ hiểu: “Cậu đến tìm Tống Mạch?”

Tôi vội gật đầu.

“Nhưng anh Tống đến phòng y tế rồi.”

“Hả?”

“Sáng nay anh ấy đi xe đạp mà buồn ngủ rã rời, đâm đầu vào bồn hoa trước thư viện, mười phút sau mới có người phát hiện ra.”

“Hôn mê!”

“À không, ngủ.”

[…]

Tôi không hiểu nhưng bị sốc.

Chứng ngủ rũ dễ ngủ vậy sao? Huhu chia tôi ít bệnh được không.

+++

Chú thích:

Trích trong bài thơ HAD I NOT SEEN THE SUN

Had I not seen the sun

I could have borne the shade

But Light a newer Wilderness

My Wilderness has made

Tác giả Emily Elizabeth Dickinson (10 tháng 12 năm 1830 – 15 tháng 5 năm 1886) là một nhà thơ Mỹ. Cùng với Walt Whitman, Emily Dickinson đã trở thành nhà thơ đặc sắc nhất của Mỹ trong thế kỉ 19.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.