Đêm Giao Thừa

Chương 40




Phòng làm việc nay đã khác hẳn ngày xưa. Năm đó trên tường có tranh của mẹ, trên bàn làm việc là khung cảnh gia đình hòa thuận yên ấm. Chung Độ nhớ rõ, trong trận cự cãi giữa hai bố con mười sáu năm trước, Chung Miện đã giơ tay, cái ly đã lướt qua anh đập thẳng vào bức hình.

Bây giờ, phòng làm việc đã không còn sót lại chút vết tích nào của hai mẹ con. Còn người ngồi sau bàn làm việc có thay đổi không? E là không.

Chung Miện ngồi trang nghiêm với phong thái của một vị chủ tịch, lúc thấy Chung Độ vừa vào cũng chỉ nhướng mắt nhìn, nói: “Ngồi đi, chuyện gì?”

Giống cha con gặp mặt ở đâu, rõ ràng giống cấp trên gặp nhân viên hơn. Chung Độ cũng không nói thêm gì thừa thãi, vuốt vạt áo ngồi đối diện ông: “Bố đánh tiếng với truyền thông?”

“Đương nhiên là tôi, trừ tôi ra ai đoái hoài đến anh?” Đôi mày đen rậm trên gương mặt Chung Miện vặn xoắn vào với nhau, giọng vang dội đầy uy lực, hệt như quăng quả tạ nặng nề về phía Chung Độ.

Chung Độ không biểu cảm gì, nghe vậy chỉ gật đầu, bình thản đáp: “Lần sau đừng đoái hoài nữa.”

“Ý anh là gì?” Chung Miện càng chau chặt mày: “Tôi đã muốn để yên, công ty anh lại không giải quyết!”

Chung Độ vẫn bình thản nhìn ông: “Con bảo họ không đụng chạm.”

Lúc này Chung Miện mới săm soi anh thật kỹ càng. Đứa con trai này đã hoàn toàn khác xưa, khí chất điềm tĩnh thản nhiên qua năm tháng, từ tốn ung dung đến từng cử chỉ nhờ từng trải, đã không còn là thằng nhóc ngày xưa.

Chung Miện nhìn Chung Độ bằng ánh mắt soi xét: “Anh như thế thật?”

Chung Độ chợt bật cười: “Bố à, bố không nghĩ chúng ta nói chủ đề này là hơi quá giới hạn sao?”

Nụ cười hờ hững cùng với kiểu nói chuyện nhâng nháo đúng là hỗn hào. Chung Miện có hơi kinh hãi, nhưng nét mặt vẫn lạnh tanh, thậm chí còn bình thản châm thuốc.

Khi khói xộc đến, ông nheo mắt: “Vậy anh muốn nói gì?”

“Nói chuyện để sau.” Chung Độ cũng cầm bao thuốc và bật lửa của ông, chậm rãi châm thuốc, như đắp thành bức tường mịt mù giữa khoảng cách không bao xa của cả hai: “Tình phụ tử bố con ta đã theo làn khói thuốc năm nào biệt tích. Những năm qua bố cũng can thiệp vào cuộc sống con bằng đủ mọi cách, hoặc gần như thế? Hãy buông tha cho nhau đi. Bố đừng can thiệp vào cuộc sống con, đương nhiên con cũng sẽ không lượn lờ trước mặt bố rước bực vào thân, mỗi người một cuộc sống riêng.”

Nói đoạn, anh nhìn Chung Miện vẫn với tư thế ngồi thẳng tắp và như không hề già đi, gảy tàn thuốc, bổ sung: “Đương nhiên, trong tương lai nếu bố bất hạnh cần người cùng dòng máu về trực hệ ký tên trên giấy đồng ý phẫu thuật, con sẽ không từ chối. Ngoài chuyện này ra thì thôi vậy.”

Dứt câu, Chung Miện không hề nổi trận lôi đình, tiếng nói ngày một bình tĩnh: “Anh không cho qua được chuyện trước kia sao?”

Cuối cùng giọng điệu ông cũng có đâu đó bóng dáng của một người cha, tay cầm điếu thuốc của Chung Độ không kiềm chế nổi run một cái. Anh che giấu bằng cách dụi tàn thuốc, tựa như đang thoải mái hỏi: “Còn tùy bố có bỏ qua cho con hay không mới phải chứ?”

Anh so sánh cái mà Chung Miện gọi là quan tâm thành gông xiềng, Chung Miện không giữ được bình tĩnh nữa, trầm giọng quát lên: “Chung Độ! Người nhốt mày trong tầng hầm là mẹ mày! Người vẽ tranh là mẹ mày! Không phải tao!”

Chung Độ mở to mắt nhìn người cha đang phận nộ của mình. Lòng dạ lão cáo già cứ ngày một thâm sâu, mười sáu năm trước còn quăng ném ly, bây giờ đến cả nổi đóa cũng kiềm chế âm lượng, sợ tai vách mạch rừng.

Chung Độ hiểu quá rõ ông, Chung Miện coi trọng mặt mũi còn hơn ông trời. Thế là anh nhìn chằm chằm gương mặt nọ, nhẹ nhàng hỏi: “Vậy bố đã làm gì kia?”

“Đúng! Tao không làm gì cả! Tao mặc mẹ mày nổi điên! Nhưng tao yêu bà ấy, chỉ khi vẽ tranh mới giống con người, tao biết phải sao đây? Mày nói xem tao biết phải làm sao đây?”

Biểu cảm của Chung Miện như đang đau đớn, cứ như thể từng âm tiết thốt ra đẫm máu và nước mặt thật. Chung Độ bỗng thấy nhạt nhẽo.

Anh im lặng một lúc, giọng không kiềm chế được nhuốm cảm xúc: “Bố, giữa chúng ta có nhất thiết phải thế này không? Thật lòng hơn không được ư? Ngày đó bố nhân danh tình yêu hy sinh đứa con ruột thịt, bây giờ lại bấu lấy thứ gọi là tình yêu muốn đứa con đã chết sống lại để tô đậy thứ bình yên giả tạo. Bố nghĩ nó khả thi à?”

Chung Độ nói đến bật cười, lại khó lòng giấu được mỏi mệt và đau thương trong giọng nói: “Đến tận giờ phút này con chưa từng hận ai. Ngày đó con đến gặp bố muốn nhận được câu trả lời, dù cho bố nói tao yêu bà ấy như hôm nay con cũng có thể chấp nhận. Bây giờ con đã không còn mười tám tuổi, đã không cần đáp án từ lâu rồi. Chỉ muốn chắp vá lại đứa trẻ đã chết đi ngày ấy gắng gượng giữ lấy gương mặt rách nát gặp gỡ người khác, đi qua cuộc sống mới mà thôi.”

Chung Miện có lẽ đã xúc động vì lời bộc bạch của Chung Độ trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng lửa giận lần nữa thổi bùng lên vào câu nói sau cuối: “Cuộc sống mới? Cuộc sống mới của mày là chường mặt ra anh anh em em với một thằng đàn ông? Cuộc sống mới của mày là đêm hôm khuya khoắt đi vào bar rồi ngủ lại nhà người ta? Mày để mặt thằng bố mày vào đâu?”

Ông giận dữ, nhưng nơi đáy mắt trầm lặng của Chung Độ chỉ có hững hờ. Sự mệt mỏi biến mất không còn tăm hơi, anh bắt đầu hối hận bản thân ngu xuẩn moi tim móc phổi ra mà trần tình.

Không nên, anh nghĩ. Chung Miện sẽ không màng đâu, từ xưa đến nay thứ ông ta quan tâm là thể diện, không phải con mình.

Chung Miện thật sự như lời ông ta nói, bản thân chỉ là một người đứng xem vô tội và mọi sai lầm đều đổ cho sự im lặng ư? Dĩ nhiên không. Chung Độ hiểu rất rõ vì sao mẹ điên khùng rồ dại tới mức độ ấy mà vẫn ở nhà, không vào bệnh viện tâm thần, cũng hiểu rõ bản thân bị huấn luyện để cư xử với lớp vỏ lịch thiệp lễ độ trước mặt người khác.

Ngày còn nhỏ dại anh đã từng viện đủ cớ cho hành vi của bố, chẳng hạn như huấn luyện là vì tốt cho mình, chẳng hạn như để mẹ ở nhà là vì bố yêu mẹ. Lâu dần chính anh cũng sắp tin mớ lý do ấy, bây giờ nghĩ lại mấy thấy còn mỏng giòn hơn cả giấy dán cửa sổ cũ rích.

Mấy năm rồi thỉnh thoảng Chung Miện muốn diễn cảnh người cha tốt, hối hận bản thân đã im lặng, cường điệu sự vô tội của bản thân, lại không nhắc đến những thứ xấu xa mình làm lấy một lời.

Ông không nhắc, Chung Độ cũng vờ như chúng không tồn tại, hùa theo đóng vai một thằng đần, ép mình quên đi những ký ức kia. Nếu không cớ gì y lại gọi tiếng “Bố”, cớ gì cho rằng mình vẫn còn một mái nhà?

Lúc này, Chung Độ không muốn diễn cảnh yên bình giả tạo nữa, anh cười giễu cợt, khàn giọng lên tiếng: “Ồ xin lỗi, lâu rồi không làm con Chung Miện, quên cả quy tắc của bố đấy.”

Anh đẩy mắt kính ngồi xuống, mắt lăm lăm nhìn Chung Miện, giọng điệu không có bất cứ thứ tình cảm nào: “Sao thế? Thấy mình không nghênh mặt lên được với bạn bè à? Chung Miện hoàn hảo không khuyết điểm, quyền lực trịch thượng bây giờ vợ vào bệnh viện tâm thần, con trai là thằng đồng tính luyến ái, bị người ta thâm thọc sau lưng à? Họ không còn tin đứa trẻ bị ông đắp nặn ra thật sự tồn tại nữa à? Thế thì ngây thơ quá.”

Điệu cười nhếch môi của Chung Độ lúc này rất giống loại con nhà giàu bất cần đời, rốt cuộc Chung Miện nổi đóa đập bàn.

“Rầm” một tiếng, đất rung núi chuyển, đập tan nát cả bộ dạng từ tốn ung dung kia.

Chung Độ không nhíu mày lấy một cái. Anh đứng dậy, chỉ vào mình nhếch môi: “Không sao bố à, ai thích có đứa con như thế cứ để họ đến gặp con đây. Để con truyền lại kinh nghiệm miễn phí, chẳng hạn như làm sao huấn luyện một đứa con nít giữ được nụ cười hoàn hảo.”

Chung Độ chợt cảm giác mình sống mười sáu năm trời mà chẳng có tí tiến bộ nào. Chung Độ 18 tuổi đến gặp ông chưa từng có được tình thân, Chung Độ 34 tuổi ra sức khiến kẻ đạo đức giả từ bỏ chiếc mặt nạ đã đeo cả đời, thậm chí không nhịn được muốn thức tỉnh lương tri của gã cầm thú, đúng là ngu xuẩn.

Anh tin rằng mình không cần phải nói thêm, chí ít Chung Độ 34 tuổi hẳn nên biết thời điểm dừng tổn thất kịp thời.

Anh vuốt áo, vứt lại cho Chung Miện nụ cười mỉa mai, đi đến cửa ra ngoài.

Chung Miện không hổ đã ra vẻ đạo mạo hơn nửa đời người, chỉ trong phút chốc đã trở về vẻ điềm nhiên bình thường. Trong chớp mắt Chung Độ mở cửa, ông bình thản nói: “Anh không muốn biết những bức tranh kia đã đi về đâu à? Nếu anh muốn phá hủy nó tôi có thể mua lại.”

Vậy mà ông ta lại nặn ra được giọng điệu người cha hiền. Chung Độ không thể không ngoái lại nhìn thật kỹ người cha mình chưa từng quen đây.

Chung Miện nhìn thẳng vào anh, không hề trốn trảnh cứ như thản nhiên lắm. Chung Độ lại moi móc từ bên trong đôi phần trêu cợt không dễ phát giác.

Dạ dày chợt nhộn nhạo, anh nhìn Chung Miện cười xùy, ngón tay siết chốt cửa trắng bệch.

“Khỏi, tôi ngại bẩn thỉu.”

Nói xong, anh mạnh tay mở cửa, thong dong bước ra.

Trịnh Bằng đứng chờ ngoài cửa, thấy anh ra lập tức bám theo đến thang máy. Sắc mặt Chung Độ trắng nhợt phát hoảng, Trịnh Bằng định hỏi mà còn chưa kịp mở miệng đã nuốt trở về, tỏ vẻ nghiêm trang khuyên: “Đừng cáu giận bố con, để chú về khuyên nhủ.”

Chung Độ ấn nút thang máy, nghiêng sang lia mắt nhìn Trịnh Bằng, cười: “Chú Trịnh, mấy bức tranh hồi đó bạn chạy thế chắc cũng phải dính líu đến chú ấy nhỉ?”

Mặt mũi Trịnh Bằng tức khắc trở nên khó coi, nụ cười sượng đơ trên gương mặt, trong mắt là sự kinh hoàng không giấu nổi.

Thang máy đến, trong con mắt bối rối như trời sập của Trịnh Bằng, Chung Độ lên tiếng: “Chú đứng đó đi.” Rồi vào thang máy.

Ngày đó, Chung Độ nhỏ dại tưởng rằng, như lời Chung Miện nói, bán tranh là sẽ làm mẹ vui, làm mẹ thấy mình sống có giá trị. Nhưng lý do này chỉ dỗ ngọt được đứa trẻ tám, chín tuổi chứ không phải cậu thiếu niên mười bảy, mười tám.

Vì sao Chung Miện thời đó bỗng nhiên nhảy vào giới bất động sản? Vì sao có khả năng thêu dệt mạng lưới quan hệ khổng lồ trong thời gian ngắn và công ty dần sinh lời, đến độ phất lên như diều gặp gió? Đáp án dễ dàng đến độ không cần dùng não.

Chung Độ mười tám tuổi nghĩ mãi mà chẳng hiểu nổi sẽ điên loạn hỏi bố tại vì sao giữ im lặng, hỏi bố tại vì sao đổi chác nỗi đau của con trai thành tiền. Chung Độ ba mươi tư tuổi sẽ chỉ bình thản chấn vấn Chung Miện một câu: “Bố đã làm gì kia?”

Lúc này, Chung Độ hối hận cực độ về cuộc gặp gỡ hôm nay. Anh không tìm được bình yên mình mong muốn, trái lại để những câu chuyện quá khứ đã đóng bụi kia tranh nhau lao đến cười nhạo mình.

Người sống không sợ mơ hồ không sợ ngu đần, duy chỉ sợ bản thân quá hiểu biết quá tỉnh táo. Hiểu biết và tỉnh táo là căn nguyên của đau khổ.

Nếu không có cuộc gặp gỡ này, anh có thể “quên” chuyện quá khứ ngày xưa. Nhưng giờ đây anh chẳng còn cách nào lừa mình dối người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.