Để Hôn Em Lần Nữa

Chương 3




Cô tần ngần mãi mới bỏ điện thoại xuống. Thông báo trúng tuyển vừa nhận lẽ ra phải làm cô nhảy cẫng lên thì lại trôi tuột khỏi đầu như lời giảng của một giáo sư ngành cơm nguội học. Tất cả những gì cô nhớ được bây giờ là một cái tên, của người sắp tới sẽ theo sát cô suốt hai tháng thử việc, và có thể gấp vài lần khoảng thời gian đó nếu cô được ký hợp đồng chính thức. Ngoại trừ một cơn chấn thương sọ não, không gì có thể che mờ cái tên đó trong tâm trí cô. Cái tên của người đã… Trời ơi, cô lại định nghĩ đến điều gì nữa đây? Anh ta thậm chí còn không nhướn nổi một phần tư cái lông mày khi cô bước vào!

Cô chợt hối hận vì mình đã quá tập trung vào một mục tiêu. Lẽ ra cô nên nghe lời bố mẹ xin vào trường tiểu học nơi bác họ cô đang làm hiệu phó chứ không nên nằng nặc đòi tự lập. Lẽ ra cô nên học theo đám bạn rải thảm hồ sơ đi mười mấy hai chục công ty rồi xếp lịch phỏng vấn như ca sĩ chạy show để đa dạng hoá cơ hội nghề nghiệp chứ không nhăm nhăm tìm việc đúng chuyên môn. Lẽ ra cô nên tìm hiểu kỹ hơn về tờ báo quái quỷ ấy, nếu không biết hỏi ông google trên mạng xem nó đứng thứ mấy trên Alexa – giờ cô đã ngộ ra Alexa không phải nhãn hiệu thuốc giảm đau – thì cũng phải biết hỏi bà lao công trong WC rằng sếp-trực-tiếp-giả-định của mình tên họ là gì. Nếu khôn ngoan như vậy, cô đã chả rơi vào tình cảnh sắp đến hạn bố mẹ cắt trợ cấp mà chỉ thấy đúng một chỗ có oan gia gọi đi làm như thế này…

Giờ thì cô không còn phương án nào khác mà chọn với lựa. Sáng thứ Hai tuần sau cô sẽ đối mặt với anh ta. Tốt hơn hết là hãy dành thời gian và chất xám cho những sự lựa chọn khác thiết thực hơn, chẳng hạn như chuyên đề Thời trang công sở hay “Tôi sẽ mặc gì cho ngày làm việc đầu tiên?”. Có lẽ cô nên ăn mặc đứng đắn một chút. Áo Orsay tay lỡ kẻ sọc đen trắng và chân váy màu ghi? Trông hơi tiểu thư quá, cô không muốn đồng nghiệp đánh giá cô là đứa điệu đà (mà trên thực tế có có điệu đà đâu). Hay là áo dài tay Esprit màu trắng với với quần jeans xanh? Không, mặc thế này nhìn cô như nữ sinh trốn học đi làm ấy. Thôi được rồi, có lẽ cô sẽ mặc bộ Mexx này. Áo tay hớt màu vàng có xếp li, thắt lưng bản to màu đen, quần âu đen. Trông lịch sự mà vẫn có vẻ bụi và năng động, rất hợp với nghề báo, ý cô là nghề biên dịch cho báo.

Rồi cái ngày cô vừa mong vừa không mong ấy cũng đến. Tám giờ kém năm, cô thấy cái bóng áo vàng của mình phản chiếu lên cửa kính của toà nhà văn phòng. Trong khi những đôi chân mang giày công sở vội vã đổ dồn về phía thang máy thì cô nhấc từng bước về phía lối thang bộ. Tội nhân áo vàng này chỉ còn cách đoạn đầu đài, nơi tên đao phủ có gương mặt ướp đá đang đợi, vài chục bậc thang nữa thôi.

Thực ra, tên đao phủ có gương mặt ướp đá chưa hề xuất hiện trên tầng sáu của khu văn phòng, nơi đặt toà soạn báo điện tử Quan Sát, bởi lúc tám giờ kém năm, anh chỉ mới tìm được một khoảng trống trong bãi gửi xe gần đó cho lách chiếc X-bike 125 vào. Không kịp mở yên để ngoắc mũ bảo hiểm, anh để nguyên nó trên đầu, gần như giật phắt tờ vé mỏng trên tay người trông xe rồi chạy đi. Chưa đầy 15 giây sau, khi ngón tay chạm được vào cái đích hình tam giác hướng đỉnh lên trên giữa bảng nút gọi thang máy, anh thầm nghĩ, vừa rồi, nếu Usain Bolt có ở vào địa vị mình chắc cũng chỉ guồng chân tít đến thế là cùng!

Nhưng thang máy dường như không quan tâm đến việc ai đã guồng chân như thế nào. Nó vẫn đủng đỉnh hoạt động theo nguyên tắc riêng đã được dân công sở biến thành định lý: luôn chậm khi người ta đang vội. Nó buộc người vừa đóng vai vận động viên điền kinh phải tiếp tục màn leo núi, nói đúng hơn là leo cầu thang. Nó cũng buộc tên đao phủ lẽ ra sẽ chào đón nạn nhân ở đoạn đầu đài trên tầng sáu lại suýt đâm sầm vào cô ở chiếu nghỉ tầng bốn rưỡi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.