Đau Thương Đến Chết

Quyển 2 - Chương 51: Vĩ thanh (Hết)




"Có thể tạm giải thích... có lẽ nên khẳng định cách giải thích này: những điều Tư Dao đã trải qua hồi thơ ấu đã cứu sống cô ấy". Chương Vân Côn đang giải thích với Quách Tử Phóng, Lịch Thu, Trương Sinh và Điền Xuyên – họ đã như trút được gánh nặng. "Thôn quái dị vốn có tập quán "thay máu", tức là dùng các côn trùng để hút máu bệnh nhân, họ cho rằng làm thế có thể hút hết các chất độc trong máu. Virút 'Đau thương đến chết này' đã tồn tại lâu dài trong thiên nhiên, các loại trùng bọ là vật trung gian truyền nhiễm. Tôi suy đoán rằng trong cơ thể lũ trùng bọ dùng để "thay máu" ấy luôn mang virút này, với số lượng cực ít. Khi người ta bị những con bọ mang ít virút ấy đốt, thì người sẽ bị nhiễm một số virút, vì thế mà sinh ra kháng thể; có lẽ đã có tác dụng tương tự như vắc-xin phòng chống dịch bệnh. Khi thật sự bị nhiễm virút dịch bệnh từ bên ngoài, kháng thể sẵn có sẽ chống lại sự xâm nhập ngoại lai. Người dân Thôn quái dị thường dùng biện pháp cho bọ đốt để phòng dịch bệnh, chắc là vì họ cũng đã quan sát thấy hiện tượng này. Hồi nhỏ Tư Dao từng bị dân thôn đó thực hiện 'thay máu' – có vẻ như hành hạ con người, nhưng chính cái việc làm bừa thô bạo ấy đã bảo vệ được tính mạng Tư Dao ngày nay ".

"Ý anh là Tư Dao không bị virút hoành hành? Cô ấy đã được chẩn đoán là viêm cơ tim kia mà?"

"Đúng là cô ấy có bị viêm cơ tim, nhưng rõ ràng là không do virút gây ra. Nên coi đó là viêm cơ tim cấp tính, chứ không phải viêm do virút. Nguyên nhân của chứng bệnh thuộc thể này còn chưa rõ mấy, riêng với Tư Dao, có thể là do bị sợ hãi, mệt nhọc kéo dài, nên sức đề kháng giảm sút, rối loạn chức năng tim mạch, rồi dẫn đến cơ tim có phản ứng viêm. Hiện giờ cô ấy tạm thời qua cơn nguy hiểm, nhưng cơ tim bị viêm rất nặng, đã có hiện tượng sốc, ngừng đập, các bác sĩ cấp cứu đã nghĩ cô ấy khó mà qua được, may nhờ tiêm thuốc trợ tim và nhiều đợt xung điện, đã cứu vãn kịp thời".

Tử Phóng nghĩ ngợi, rồi nói : "Nhưng mà.... Thôn quái dị đã có cách 'miễn dịch' thô bạo kiểu ấy, sao dân thôn vẫn bị chết nhỉ?"

"Chỉ dựa vào 'vắc-xin dân dã' thì hệ số rủi ro sẽ rất cao. Chắc gì các con bọ ấy đã mang một ít virút? Và, nếu có mang virút thì chưa chắc đã 'cấy' thành công và cơ thể người; và dù có 'cấy' được, thì mức độ tiếp nhận của từng người sẽ rất khác nhau. Điều này giải thích tại sao bà mẹ Tư Dao cũng được dân quái thôn bắt buộc 'khử độc', đã bị bọ đốt, mà vẫn không được 'cấy thành công', cho nên sau này đã bị Đậu Hoán Chi hại".

Mọi người đều thấy ngậm ngùi. Tử Phóng nói: "Nếu sớm biết thế này, thì nên bảo cô ấy cứ phớt lờ, khỏi phải chịu giày vò oan như vậy!"

Vẻ mặt Vân Côn vẫn nghiêm túc: "Mấy hôm nay tôi và vài nhà khoa học trò chuyện với nhau, mọi người đều thấy hú vía: rất may, Tư Dao và các anh chị đã miệt mài tìm hiểu điều tra, không những đã làm sáng tỏ các sự việc bí ẩn mà còn ngăn chặn được một đại dịch bùng phát. Đậu Hoán Chi đã dùng virút 'Chết đau thương' vài chục năm mới gây bệnh một lần trên quy mô nhỏ ở quê, cải tạo tổng hợp được số lượng lớn virút; y dự định, sau khi theo dõi điều tra số ít nạn nhân kia, nắm được quy luật gây bệnh, thì sẽ phát tán tràn lan vào cộng đồng người, tức là gây ra đại dịch. Loại virút mới này có khả năng tồn tại, sinh sôi thành số lượng lớn trong cơ thể. Ngoài Tư Dao coi như đã sẵn 'vắc-xin' trong người, thì các nạn nhân kia – gồm hai nhóm thanh niên mùa hè năm ngoái đi chơi Tân Thường Cốc, và một thanh niên Thôn quái dị từng vào hang quan tài – đều không ai thoát chết. Trong các nạn nhân, có một nam sinh viên đại học Y Giang Kinh, cô người yêu của cậu ta gần đây cũng đột tử; một nạn nhân – nữ sinh viên khác, người yêu hồi cô ta còn sống là một tiến sĩ – học tại chức, công tác tại bệnh viện trực thuộc số 1, cách đây hai hôm cũng đột tử trong giờ làm việc. Đủ thấy, nếu loại virút này bị phát tán ở một thành phố lớn như Giang Kinh, thì hậu quả sẽ là không thể tưởng tượng nổi".

Trương Sinh hỏi: "Thì ra, vô tình, bọn tôi cũng đã làm 'người tốt việc tốt'. Liệu bao giờ cô ấy sẽ hồi tỉnh?"

Bác sĩ Tạ Tốn ngồi bên cạnh lắc đầu: "Các chỉ số chức năng đều tương đối ổn định, tôi cho rằng trạng thái hôn mê lúc này của cô ấy chỉ là sự tự điều chỉnh của cơ thể mà thôi. Cũng chưa rõ tình trạng sẽ kéo dài bao lâu".

Mọi người lao xao bàn tán. Lịch Thu vẫn nặng trĩu lo âu, bước đến bên giường, đưa tay nhẹ vuốt lên khôn mặt võ vàng của Tư Dao, khẽ nói: "Dao Dao hãy tỉnh lại đi! Rồi về nhà, chị sẽ nấu cho em các món tẩm bổ".

Bất chợt, một hồi chuông điện thoại di động reo vang. Tạ Tốn cau mày: "Ơ kìa, lúc nãy tôi đã dặn các vị, phòng theo dõi bệnh nhân nặng có rất nhiều thiết bị y tế, phải tắt di động kẻo sóng sẽ làm sai lệch các thông số!"

Mọi người ngó nghiêng, xem máy của mình. Thực ra ai cũng rất nghiêm chỉnh chấp hành, máy của họ đều tắt.

Tiếng chuông lại reo, phát ra từ trong cái tủ con ở đầu giường.

Máy của Tư Dao.

Tử Phóng bước đến cầm máy ra, nhìn xem. Hơi ngỡ ngàng.

Anh khẽ đọc: "Dao Dao! Uống nước suối dưới chân vách Niết Bàn, ước một điều, thì nhất định sẽ được thỏa nguyện. Em đoán xem anh đã ước điều gì? Bây giờ thì không quan trọng nữa, vì anh đã được thỏa lòng rồi!"

Đó là tin nhắn gửi từ máy của Chung Lâm Nhuận.

Lịch Thu gỡ cặp kính ra, lau nước mắt giàn giụa.

Mạnh Tư Dao vẫn đang hôn mê trên giường bệnh. Mọi người đều chưa nhận ra một giọt lệ đã từ khóe mắt của cô lăn xuống, đọng lại nơi tóc mai.

Kết Thúc (END)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.