Dấu Chấm Câu

Chương 13: Chương 13





Bấy giờ Kỷ Viêm mới có thời gian quan sát phòng ngủ của Đường Duy, phong cách trang trí cũng không khác mấy với phòng khách.

Diện tích phòng không lớn, chỉ kê một tủ quần áo, một chiếc giường, hai tủ đầu giường và cửa sổ lồi*.

Nhưng tổng thể căn phòng mang đến cảm giác ấm cúng, là nơi thích hợp để tĩnh tâm.

Chỉ có điều cậu út chưa từng thấy phòng ngủ nào nhỏ như thế, và cũng chưa từng thấy phòng ngủ nào không có phòng vệ sinh.
[1] Cửa sổ lồi (Bay window): cửa sổ nhô ra/ lồi ra ngoài.
Kỷ Viêm nhìn khung ảnh trên tủ đầu giường.

Đó là một bức chân dung gia đình còn đầy đủ hơn lần trước hắn nhìn thấy.

Bối cảnh vẫn là bức tường dài và những cây táo tàu sai quả.

Đứa trẻ đứng giữa hẳn là Đường Duy.

Bác sĩ Đường cười xán lạn, hoàn toàn không thể nhìn ra khi lớn lên thì trở thành một người lãnh đạm và hững hờ.
Đường Duy thấy Kỷ Viêm nhìn chằm chằm vào bức ảnh bèn lấy nó đặt giữa hai người.

Anh chỉ vào người đàn ông ở ngoài cùng bên trái: "Đây là bố anh, bên cạnh là mẹ anh." Kỷ Viêm gật đầu, không chỉ vì hắn đã xem bức ảnh lần trước mà còn vì Đường Duy rất giống với người trong ảnh.

Anh chỉ vào hai người ở giữa, "Đây là ông bà của anh.

Khi còn bé thì anh ở quê, bố mẹ bận quá."
Kỷ Viêm nhịn, nhưng vẫn nhịn không nổi: "Ông bà anh còn không?"
Đường Duy lắc đầu, đoạn mỉm cười: "Sau khi bố mẹ anh mất thì ông bà cũng lần lượt qua đời.

Anh chôn cất cả nhà chung một nơi, coi như cũng đoàn tụ ở dưới."
Tim Kỷ Viêm như bị ai bóp chặt.

Đau, rất đau.

Hắn không tưởng tưởng nổi Đường Duy mới tí tuổi đã trải qua cảm giác đau khổ thế nào khi phải đưa tiễn từng người thân nhất của mình.

Kỷ Viêm vùi đầu trong ngực Đường Duy, ôm rịt lấy eo anh.

Hắn hỏi, giọng rầu rầu: "Bác sĩ Đường, hồi đó sao anh vượt qua được?"
Đôi mắt Đường Duy thoáng xa xăm, như thể đang hồi tưởng lại khoảng thời gian đó.

Một lúc sau, anh cười: "Anh cũng không biết.

Nói thật, khoảng thời gian ấy anh chết lặng rồi."
Đêm đó, Đường Duy đã kể cho Kỷ Viêm nghe một câu chuyện —— Đó là câu chuyện của bố mẹ Đường Duy, là một điều thật lãng mạn với họ nhưng thật tàn nhẫn với anh.
Bố mẹ của Đường Duy là thanh mai trúc mã*.


Vì nhà nghèo, mẹ anh suýt bị bán cho những kẻ ngu ngốc ở các thôn lân cận cốt có tiền cho em trai ăn học.

Ông bà của Đường Duy tốt bụng, thương xót cho cô gái hiền thảo phải chịu cảnh thê lương.

Vì thế họ đã thương lượng với ông bà ngoại của Đường Duy mua mẹ anh, bảo rằng rước về nhà làm con dâu nuôi từ bé.

Thời đó "con dâu nuôi từ bé" thực chất là cái cớ, chủ yếu người ta mua con nhà nghèo về làm người giúp việc.

Nhưng ông bà nội chưa bao giờ đối xử tệ với mẹ anh.

Thay vào đó coi mẹ anh như con cháu trong nhà: cho mẹ ăn học, cho mẹ đọc sách; còn mấy việc nặng nhọc thì giao hẳn cho đứa con trai ruột.
[2] Thanh mai trúc mã (青梅竹马): chỉ những cặp đôi thân thiết từ thuở thiếu thời.
Khi mua về, Bố Đường và Mẹ Đường đã đến tuổi hiểu chuyện.

Hiển nhiên trong nhà không ai xem Mẹ Đường như con dâu nuôi từ bé.

Mẹ từng nói với Đường Duy, dù sau này bà có kết hôn với người khác đi chăng nữa thì ước chừng hai vợ chồng già vừa cười sang sảng vừa chuẩn bị của hồi môn.

Nhưng Mẹ Đường không phải sói mắt trắng*, hơn nữa giữa bố và mẹ dường như đã ngầm chấp nhận cái danh "con dâu nuôi từ bé" từ lâu.
[3] Sói mắt trắng (bạch nhãn lang): là từ có nguồn gốc ở Trung Quốc, chỉ người vong ơn bội nghĩa, tâm địa tàn bạo.

Sói vốn dĩ đã hung ác, sói mắt trắng còn hung ác hơn cả.
Bố của Đường Duy là một người có óc hài hước và chu đáo.

Ngày nào ông cũng thích dỗ ngọt mẹ, việc dơ việc nặng đều giành hết.

Hễ ai hỏi ông vì sao lại tốt với Mẹ Đường thì ông cười bảo —— "Đây là vợ tui, đàn ông không thương vợ thì không phải đàn ông tốt." Người ta cười nhạo ông, nhưng ông mặc kệ.

Vợ mình mà mình không chiều thì để thằng khác nó chiều à?!
Hai người lớn lên cùng nhau, thanh mai trúc mã nảy sinh tình cảm âu cũng là chuyện đương nhiên.

Thuở đi học, cả hai là cặp đôi mẫu mực.

Họ động viên và giúp đỡ lẫn nhau, ngay cả giáo viên cũng không làm khó dễ.

Suy cho cùng, miễn là không ảnh hưởng đến học tập thì nhà trường lười quản lý, mà có quản cũng chẳng quản được.
Hai người kết hôn sau tốt nghiệp, qua một năm Đường Duy ra đời.

Anh chưa từng thấy hai người cãi nhau, mẹ anh thì dịu dàng ân cần, bố anh thì yêu thương nuông chiều.

Vài năm sau, cả hai cùng Nam tiến làm ăn, gửi anh cho ông bà chăm sóc.

Tuổi thơ của Đường Duy không giống như những đứa trẻ bị bỏ rơi khác, trái lại còn rất hạnh phúc.


Bởi ông bà thường nói với anh rằng —— "Bố mẹ thương Duy Duy lắm.

Hai người chịu cực chịu khó chỉ vì muốn cho con cuộc sống tốt hơn." Khi đó Đường Duy không biết thế nào là cuộc sống tốt nhưng anh biết yêu là gì, vì ông bà rất yêu anh.

Hơn nữa, chỉ cần bố mẹ có cơ hội thì nhất định quay về thăm anh.

Đường Duy đã nhiều lần chứng kiến bố mẹ đi đi về về, anh xót lắm.

Chẳng qua mẹ xoa đầu anh, cười bảo —— "Bố mẹ lâu ngày không gặp con và ông bà thì rất nhớ.

Cảm giác nhớ nhung nó còn dằn vặt hơn sự mệt mỏi về thể xác, Duy Duy à."
Bố của Đường Duy là một người kinh doanh giỏi, sau vài năm thì việc làm ăn phát đạt.

Hai người đưa ông bà và Đường Duy lên thành phố, một gia đình năm người sống hạnh phúc ngày này qua tháng nọ.

Bức ảnh đó là ảnh chụp chung cả gia đình bên hàng cây táo tàu trước khi rời đi.
Tuổi thơ của Đường Duy là một khuôn mẫu khiến tất cả bạn nhỏ phải ghen tị.

Gia đình anh không mâu thuẫn và cãi vã.

Bố mẹ thương yêu lẫn nhau, người nhà đều tôn trọng anh, hạnh phúc đến mức không gì bằng.
Nhưng, trời cao không bao giờ mải quan tâm đến một người.

Năm Đường Duy mười một tuổi, bố anh bị tai nạn giao thông.
Khi ấy mọi người mới biết, hoá ra cả nhà có gen di truyền bệnh tim.

Mẹ Đường đã hao hết tiền của cốt kéo dài sự sống cho bố, nhưng cuối cùng chỉ có thể cầm cự trong ba tháng.

Trước khi đi, bố đã nói với anh —— "Duy Duy, con nhớ chăm sóc mẹ.

Vì chuyện từ nhỏ nên mẹ con là người rất tự ti, bố đã dùng ngần ấy năm để yêu thương nuông chiều mới có được tính cách vui vẻ như hôm nay.

Con cũng nhớ chăm sóc ông bà.

Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thì đau lắm, con à." Đường Duy khóc lóc đồng ý, nhìn bố từ từ nhắm mắt.
Ba tháng ngày đêm túc trực bên giường bệnh khiến mẹ anh rộc người đi trông thấy, sức khoẻ mẹ cũng ngày một sa sút.

Và cuối cùng nhung nhớ thành bệnh, mẹ ra đi trong vòng một năm sau đó.

Đường Duy lại ghé đến bên giường nghe mẹ dặn dò —— "Duy Duy ngoan của mẹ.

Con nhớ chăm sóc ông bà thật tốt.


Ông bà đã lớn tuổi, không chịu nổi hết người này tới người khác.

Mẹ nhớ bố lắm, mẹ muốn tìm bố.

Con đừng đau lòng, mẹ chỉ đoàn tụ với bố thôi."Đường Duy khóc lóc đồng ý, nhìn mẹ từ từ nhắm mắt.
Hai ông bà tuổi cao, chưa tới một năm đã trải qua hai lần người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, và rồi cũng lần lượt qua đời.

Đường Duy chỉ biết đứng trước giường bệnh, vừa rơi nước mắt vừa nghe di ngôn của người này hết người khác.

Anh chưa kịp trưởng thành, cũng chưa kịp hoàn thành bất kỳ lời căn dặn nào mà từng người một đã bỏ anh ở lại.
Đường Duy thấp giọng: "Lúc đó anh tự hỏi, có phải họ bỏ rơi anh vì anh đã thất hứa với họ không."
"Không phải, Bác sĩ Đường là người tốt nhất mà em từng gặp." Kỷ Viêm cọ mặt vào eo Đường Duy.
Theo hắn, người nhà Đường Duy rất ích kỷ.

Bố anh là chuyện ngoài ý muốn, không có cách nào.

Nhưng mẹ và ông bà đều rời bỏ anh vì đau thương quá độ.

Hắn nghĩ, chết là chuyện dễ dàng nhất trên đời.

Người chết thì hết, người ở lại thế nào thì chẳng màng.

Họ chưa bao giờ nghĩ đến Đường Duy vẫn còn là một đứa trẻ, cũng chưa từng nghĩ sẽ vì Đường Duy mà kiên cường một lần.

Trong khoảng thời gian anh cần bạn đồng hành nhất mà không ai trong số họ lựa chọn ở lại.

Từng người rời đi, bỏ lại một mình Đường Duy gánh chịu đau khổ.
Đường Duy của hắn, rốt cuộc nội tâm phải kiên cường cỡ nào, khả năng tự chữa lành phải mạnh đến nhường nào chứ? Để rồi sau tất cả, anh vẫn sống lạc quan và còn trưởng thành thành một chàng trai dịu dàng, ôn hoà và khiêm tốn như bây giờ.

Nghĩ đến đây, Kỷ Viêm thấy lòng mình đau như cắt.

Đó là nỗi đau xót và buồn thương không thể diễn tả thành lời.

Nó tựa như bị kiến ăn vào tim, day dứt khôn nguôi.
Đường Duy cười khẽ.
Kỷ Viêm nói, giọng buồn thiu: "Bác sĩ Đường ơi, sau này anh có em rồi.

Anh không một mình đâu."
Kỷ Viêm úp mặt vào eo Đường Duy, trong tầm mắt chỉ có cơ bụng thon chắc, không thể nhìn thấy vẻ mặt anh.

Chẳng biết Đường Duy đang nghĩ gì mà hồi lâu sau Kỷ Viêm không nghe thấy anh trả lời.

Hắn toan ngẩng đầu lên, bỗng nghe thấy anh nói: "Được."
Đêm càng ngày càng tối, hai người thủ thỉ một hồi rồi nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, Kỷ Viêm thức dậy thì không thấy người chung gối đâu cả.

Hắn chạm vào nơi bên cạnh, hoá ra đã lạnh rồi.
Kỷ Viêm kéo rèm cửa, vươn vai đón nắng sớm.

Hắn đến phòng bếp muốn rót ly nước, nhưng sự chú ý va phải tờ giấy ghi chú của Bác sĩ Đường trên tủ lạnh.


Nét chữ thanh thoát mà cứng cáp, anh viết: Ngủ nhiều chút.

Bữa sáng ở lò vi sóng, hâm nóng trong ba phút là ăn được rồi.

Vừa tỉnh dậy, em đừng uống nước đá ngay.
Kỷ Viêm mỉm cười, Bác sĩ Đường cẩn thận thật đấy.

Mới ở nhà anh một ngày mà đã phát hiện thói quen thích uống nước đá vào mỗi sáng của hắn.

Sợ hắn không biết hâm nóng, nên anh còn nói rõ phải dùng lò vi sóng làm nóng trong bao nhiêu phút.
Kỷ Viêm hâm nóng bữa sáng, nhấc điện thoại bắt đầu ghẹo Bác sĩ Đường.
【Bác sĩ Đường, anh bận hả?】
Bên kia trả lời rất nhanh:【Không, em dậy rồi à?】
Kỷ Viêm nheo mắt, đánh chữ:【Bác sĩ Đường, sao sáng nay anh không gọi em.

Anh có biết không, sáng nay em dậy không thấy anh, em còn tưởng mình mộng xuân đó】
【...】
【Bác sĩ Đường, xem như em đã lấy thân phận rồi đúng không】
【Ừm.】
Kỷ Viêm nhìn chữ "Ừm" mà cười híp mắt, Bác sĩ Đường nhà hắn thú vị thật đó.

Làm sao trên đời này có người thấy anh tẻ nhạt chứ? Rõ ràng anh đáng yêu kinh khủng, gửi một chữ "Ừm" mà còn không quên dấu chấm câu.
Kỷ Viêm vốn muốn hẹn Đường Duy ăn trưa, chợt nhận được một cuộc gọi từ Kỷ Lê Chu.
"Kỷ Viêm, trưa nay về nhà ăn cơm."
"Chuyện gì?"
"Em tốt nghiệp rồi, tới công ty thôi." Kỷ Lê Chu cúp máy.
Đây là cách hai người ở chung, luôn đi thẳng vào chủ đề chính.

Tính cách của Kỷ Lê Chu là thế, rất nhiều người quen thân với gia đình họ Kỷ đều phải thay phiên giải thích hai người là anh em ruột cùng cha cùng mẹ, bởi tính cách cả hai khác nhau một trời một vực.
Lịch sử làm giàu của nhà họ Kỷ bắt đầu từ thế hệ ông nội Kỷ Viêm.

Phải nói rằng tầm nhìn đầu tư của dòng họ Kỷ là tốt nhất, cả hai thế hệ đều đón đầu trào lưu của thời đại mới.

Ban đầu ông nội phục vụ trong quân đội, sau đó bị thương trên chiến trường nên giải ngũ.

Trong những năm đầu thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người ta hay nói ngành công nghiệp trẻ hoá đất nước.

Ông nội Kỷ bắt đầu kinh doanh thép vào thời điểm đó, cũng từ ấy nhà họ Kỷ dần dần phất lên.
Ở đời thứ hai, Bố Kỷ đã lấy những khoản tiền này lao vào làn sóng bất động sản và thương mại điện tử.

Từ đó, gia đình họ Kỷ đã hoàn toàn đứng vững trong giới thượng lưu.
Đến đời thứ ba là thế hệ của Kỷ Viêm.

Công ty đã trở thành tập đoàn phủ sóng cả nước, hiển nhiên đầu tư nở rộ ở khắp các lĩnh vực.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Kỷ Viêm đã ý thức về trách nhiệm thừa kế cơ nghiệp gia tộc của hắn và anh hai.

Bây giờ đã đến lúc hắn phải trở về phụng dưỡng bố mẹ, hơn nữa thừa kế gia nghiệp thì có gì đâu phải từ chối.
Ăn sáng xong, hắn nhắn cho Đường Duy một tiếng rồi phóng xe về nhà..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.