Đại Tình Hiệp

Chương 3: Gan hiệp sĩ, dạ anh hùng




Tư Đồ Ngọc gượng cười, nói :

- Tuy chuyện là thế nhưng Thuần Vu tiền bối đã lìa bỏ cõi trần.

Tiêu Lộng Ngọc mỉm cười cướp lời :

- Tư Đồ huynh hà tất phải lo lắng. Bổn cô nương biết rằng trừ việc có giấy chứng nhận và có chữ ký của Đăng Lâu Tửu Khách Thuần Vu Sán ra còn có một con đường tắt có thể tham dự Thiên Trì hội.

Tư Đồ Ngọc gật đầu, nói :

- Tại hạ cũng biết đó là cần phải có ba vị tuyệt đại cao thủ khảo nghiệm, phải vượt qua ba cửa ải.

Tiêu Lộng Ngọc mỉm cười, hỏi :

- Tư Đồ huynh tự nhận công lực còn kém, không dám vượt qua ba cửa ải đó à?

Tư Đồ Ngọc cau may, cười nói :

- Công lực còn kém đó là điều trở ngại lớn nhất, nhưng trừ phi tại hạ không thể tìm được ra một đường lối nào khác, tại hạ không thích ngông cuồng, chạm trán với các vị tiền bối để mang tội thất lễ.

Tiêu Lộng Ngọc nghe chàng nói như vậy, ra chiều suy nghĩ nhiều lắm.

Tư Đồ Ngọc vội hỏi :

- Tiêu cô nương nghĩ ngợi gì đó?

Tiêu Lộng Ngọc đáp :

- Bổn cô nương đang nghĩ có nên làm giả chữ ký của Thuần Vu tiền bối để cấp cho Tư Đồ huynh một giấy chứng nhận không?

Tư Đồ Ngọc đăm đăm nhìn vào ngôi mộ mới đắp đầy vẻ thê lương ảm đảm của Thuần Vu Sán mà đau khổ nói :

- Nếu Tiêu cô nương mà có thể giúp tại hạ được một giấy chứng nhận đầy đủ chữ ký của Thuần Vu tiền bối thì cô nương chính là Cửu Thiên Tiên Nữ của tại hạ vậy.

Tiêu Lộng Ngọc lắc đầu, nói :

- Bổn cô nương không đùa giỡn Tư Đồ huynh đâu, quả thật bổn cô nương có biện pháp.

Tư Đồ Ngọc ngạc nhiên hết sức, chàng chỉ tay về phía ngôi mộ, nói :

- Tiêu cô nương, cô nương đùa rỡn rồi. Cứ theo như lời cô nương nói thì Thuần Vu tiền bối có thể giả chết để lánh mặt kẻ thù, chứ không phải là...

Tiêu Lộng Ngọc cắt ngang lời nói của Tư Đồ Ngọc, nghiêm mặt nói :

- Bổn cô nương không hề đùa rỡn Tư Đồ huynh, Thuần Vu tiền bối không phải là lánh mặt kẻ thù, trái lại đã gặp kẻ thù ở trong đường hẹp nên mới bị mưu hại mà chết thảm.

Tư Đồ Ngọc thấy nàng nói có đầu đuôi, hợp lý, dĩ nhiên là phải tin ngay. Chàng cau mày hỏi :

- Tiêu cô nương có biết Thuần Vu tiền bối đã bị ai sát hại không?

Tiêu Lộng Ngọc gật đầu, đáp :

- Biết! Người đã giết Thuần Vu tiền bối là Nghi Sơn tam ác.

Tư Đồ Ngọc biết rằng Nghi Sơn tam ác đó là cao thủ đệ nhất trong phái Hắc đạo ở sáu tỉnh phía Bắc, liền cau mày, nói :

- Nghi Sơn tam ác tuy đều là những kẻ độc ác có tiếng, nhưng công lực vị tất đã hơn Thuần Vu tiền bối là người có địa vị cao trong Thiên Trì kỳ hội.

Tiêu Lộng Ngọc thở dài, nói :

- Tư Đồ huynh nói không sai, nhưng Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt, một trong Tam ác là tay mưu lược ghê gớm. Y đã mở hơn ba chục tửu lầu trên con đường từ Thái Sơn đến Nghi Sơn Tam Ác trang.

Tư Đồ Ngọc lấy làm lạ lùng, hỏi :

- Mở những quán rượu thì có gì là mưu lược?

Tiêu Lộng Ngọc cười nói :

- Sao không là mưu lược? Thuần Vu tiền bối thích rượu còn hơn mạng sống của mình. Lần trước khi đi ngang Nghi Sơn phó hội, dọc đường gặp quán rượu là vào uống, mà mỗi lần uống là say túy lúy, thì những tửu lầu của Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt có khác gì những quán rượu thường đâu, ngay cả chủ nhân quán rượu cũng là người địa phương chất phác. Vì vậy mà Thuần Vu tiền bối mới không nghi hoặc, tận hứng nghiêng chén, uống cho thật phỉ trí. Đến khi tới Nghi Sơn, thì Thuần Vu tiền bối đã say khướt, nghe tiếng chân người rầm rập bước tới thì ông ta đã quay ra ngủ, đánh một giấc Nam Kha.

Tư Đồ Ngọc nghe nói, gai ốc trên mình nổi cả lên, nghiến răng nói :

- Tên Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt thật quá lợi hại.

Nói tới đây, chàng đột nhiên chắp tay vai chào Tiêu Lộng Ngọc một cái, định tung mình lên ngựa.

Tiêu Lộng Ngọc liền hỏi :

- Tư Đồ huynh đi đâu mà vội vàng thế?

Tư Đồ Ngọc ánh mắt loang loáng, hào khí hiện rõ trên nét mặt, dõng dạc nói :

- Tiểu đệ không biết việc này thì thôi, chứ đã được Tiêu cô nương cho biết thì tại hạ không thể nào làm ngơ cho được. Tại hạ muốn một ngựa một kiếm chạy đến Nghi Sơn giết cho hết lũ Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt mang thủ cấp về đây để làm lễ trước mộ Thuần Vu tiền bối, lam cho tiền bối được mát lòng hả dạ ở dưới Cửu Tuyền.

Tiêu Lộng Ngọc gật đầu lia lịa, miệng nở ra nụ cười thật tươi ánh mắt dào dạt cảm tình nói :

- Thật đúng là một vị hào kiệt, bổn cô nương ở trước mộ phần này đợi chờ Tư Đồ huynh ba ngày. Nếu như huynh có thể đem được đầu của Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt về đây thì bổn cô nương bảo đảm sẽ kiếm cho huynh một giấy chứng nhận có chữ ký của Thuần Vu tiền bối để huynh tham dự Thiên Trì kỳ hội.

Tư Đồ Ngọc không hiểu nàng làm thế nào mà lại có được chữ ký của Thuần Vu Sán, liền ngạc nhiên hỏi :

- Tiêu cô nương...

Tiêu Lộng Ngọc xua tay, cười nói :

- Thôi đi đi, bất tất phải nghi ngờ, cũng không cần phải hỏi thêm gì nữa. Bổn cô nương đã tin là huynh có gan hiệp sĩ, dạ anh hùng thì huynh cũng nên tin là bổn cô nương đây trí tuệ vô biên.

Nàng đã nói như vậy rồi dĩ nhiên Tư Đồ Ngọc không tiện hỏi han thêm. Chàng chắp tay vái chào, tung mình lên ngựa.

Con Mặc Hoa Lưu phóng đi vun vút. Chỉ trong chớp mắt cả người lẫn ngựa đều mất dạng.

Tiêu Lộng Ngọc nhìn theo giây lâu rồi mỉm cười. Nghĩ bụng: “Thật là một trang hiệp sĩ tuấn tú, nhưng phải chăng cũng còn đôi phần lỗ mãng”.

Nghĩ đoạn, nàng xoay mình vái về phía mộ một cái, rồi thoăn thoắt chạy về một hướng.

Nghi Sơn Tam Ác trang là một cái tên mà không những người ở Sơn Đông quen tiếng, mà khắp cả sáu tỉnh phía Bắc trong phái Hắc đạo ai ai cũng biết.

Tam ác là tiếng gọi chung của ba người uống máu ăn thề với nhau.

Người thứ nhất là Truy Hồn Tẩu Tống Minh.

Người thứ hai là Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ.

Còn người thứ ba là Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt.

Một tay tuyệt đại cao thủ sáng suốt như Đăng Lâu Tửu Khách Thuần Vu Sán mà khi đi dự hội Nghi Sơn lại bị chết dưới tay Ngô Hồng Liệt. Cho nên trong số Nghi Sơn tam ác, tên tuổi của Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt là nổi nhất.

Bọn Tam ác đang rượu chè cười nói với nhau, chiêu đãi các vị bằng hữu thì đột nhiên thủ hạ chạy vào trên tay cầm một tấm danh thiếp dâng lên Ngô Hồng Liệt mà bẩm rằng :

- Khải bẩm Tam trang chủ, có người đưa thiếp xin gặp.

Ngô Hồng Liệt tiếp lấy danh thiếp nhìn qua, chỉ thấy trên danh thiếp viết có bốn chữ “Tư Đồ Ngọc bái” nét chữ như rồng bay phượng múa bèn quay sang nói với Truy Hồn Tẩu Tống Minh rằng :

- Đại ca có biết Tư Đồ Ngọc là nhân vật như thế nào không?

Tống Minh hơi cau mày nghĩ ngợi, rồi đáp :

- Tên này chưa từng nghe nói tới bao giờ, nhưng hắn dám tới Tam Ác trang thì nếu không phải là người đồng lõa ắt là cường cừu. Vậy nhị đệ hãy tiếp hắn một phen để khỏi bị chê là thất lễ.

Ngô Hồng Liệt gật đầu, vừa định đứng dậy thì Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ ngồi bên đã ỏn ẻn nói :

- Nhị ca hãy để tiểu muội thay thế đi gặp y trước. Nhị ca ở đây chờ tiểu muội.

Ngô Hồng Liệt cười nói :

- Thật là mệt tam muội.

Điền Cổ Lệ mỉm cười, quay lại chào Mông Sơn Miêu thị song hùng với Mạc Tà đảo Phi Long trại chủ rồi đứng dậy đi ra bên ngoài.

Vị Nữ Táng Môn này về tuổi tác thì chỉ mới độ hăm bốn, hăm nhăm, nhưng về võ nghệ thì nàng đầy mình nội gia công lực.

Hơn nữa, nàng mặt đẹp như hoa, dạ độc như rắn rết, còn sự dâm đãng thì khỏi nói, ai cũng có thể làm chồng được, sớm Tần tối Sở nên mới có được cái biệt hiệu khó nghe là Nữ Táng Môn.

Giờ đây thay thế Ngô Hồng Liệt ra tiếp khách, mặt mày nàng hớn hở.

Vừa ra tới cổng, nàng đã thấy mắt hoa lên.

Thì ra ở ngoài cửa Tam Ác trang có một chàng tuấn khách áo xanh, tay dắt ngựa ô.

Chưa nói tới người, hãy nói tới ngựa trước. Ngựa đó là con Long Câu khó kiếm trên đời, nhưng ngựa và người cùng đứng bên nhau, khiến cho Điền Cổ Lệ chớp hoài cặp mắt, khóe thu ba rào rạt.

Nàng không còn lòng dạ nào chú ý tới ngựa nữa. Đương nhiên Tư Đồ Ngọc quá đẹp trai, quá anh hùng. Ngày trước ở Nam Man Tử cốc, trước Vô Danh động, chàng đã được Mạnh Băng Tâm khen là một trang mỹ nam tử, đẹp không kém gì Lương Thiên Kỳ lúc thiếu thời. Rồi cả đến Tiêu Lộng Ngọc vừa nhìn thấy chàng đã thốt lời khen là người đẹp như ngọc.

Điền Cổ Lệ tuy đã đưa mắt tống tình, nhưng Tư Đồ Ngọc không coi Nữ Táng Môn vào đâu cả.

Chàng lạnh lùng chắp tai vái chào Điền Cổ Lệ, dõng dạc nói :

- Cô nương đây phải chăng là Nữ Táng Môn Điền tam đương gia, danh tiếng lẫy lừng khắp một giải đất Lỗ này.

Điền Cổ Lệ nghe đối phương nói mấy câu không khỏi cau mày. Nàng cau mày không phải vì ghét câu khen “Danh tiếng lẫy lừng khắp mọi giải đất Lỗ” mà cũng không phải vì ghét cách xưng hô “Điền tam dương gia” mà chỉ vì ba tiếng “Nữ Táng Môn”.

Tâm lý con người thật là kỳ quái dị thường. Điền Cổ Lệ bình thời rất thích cái ngoại hiệu “Nữ Táng Môn” không chút xấu hổ gì cả, nhưng nay cái ngoại hiệu đó do chính miệng Tư Đồ Ngọc nói ra lại khiến nàng không vui.

Nhưng Điền Cổ Lệ chỉ hơi khó chịu một chút thôi chứ không lâu. Nàng lại mỉm cười nói với Tư Đồ Ngọc rằng :

- Tư Đồ huynh khách sáo quá. Chẳng qua nhị ca tôi đang bận tiếp khách nên không thể ra tiếp đón Tư Đồ huynh được, mới sai tiểu muội Điền Cổ Lệ ra thay thế.

Nói tới đây, nàng lại đưa mắt nhìn con Mặc Hoa Lưu. Đột nhiên nàng thất kinh “À” lên một tiếng, hỏi Tư Đồ Ngọc rằng :

- Tư Đồ huynh, con ngựa của huynh cưỡi khỏe và đẹp quá, nhưng sao trông giống con Mặc Hoa Lưu của Ẩn Hiền trang chủ của Thạch Vô Tranh quá.

Tư Đồ Ngọc thầm cảm phục nhỡn lực của đối phương, chàng gật đầu đáp :

- Con mắt của Điền tam đương gia thật là tinh tế. Vâng, đúng. Con ngựa của tại hạ cưỡi là con Mặc Hoa Lưu mà cũng đúng là do Ẩn Hiền trang Thạch trang chủ cho mượn.

Điền Cổ Lệ bực bội trong lòng. Nàng đã dùng tiếng Tư Đồ huynh rất lịch sự để xưng hô với đối phương nhưng đối phương thì lại dùng danh từ ngày nay rất khó nghe là Điền tam đương gia để xưng hô với mình. Nàng tức giận nói :

- Tư Đồ huynh, huynh đưa con ngựa đó cho lâu la chúng tôi giữ được chứ? Tôi xin bảo đảm là không mất một cọng lông ngựa, huynh chịu chứ?

Tư Đồ Ngọc lắc đầu, cười nói :

- Tại hạ không dám làm phiền bọn lâu la của Điền tam đương gia. Tại hạ dừng lại ở quý trang không lâu, tại hạ chỉ định mượn một món vật của Thiết Toán Tú Tài Ngô đương gia. Mượn được rồi thì tại hạ sẽ đi liền.

Nói xong, chàng quấn cương ngựa lại, rồi khẽ khoát tay, con Mặc Hoa Lưu tựa như thông hiểu ý người, liền chạy tuốt vào khu rừng phía trước mặt.

Điền Cổ Lệ né tránh nhường bước cho khách đi, một mặt theo Tư Đồ Ngọc đi vào trong đại sảnh, một mặt cười duyên, hỏi :

- Tư Đồ huynh, huynh định mượn vật gì đó? Tiểu muội Điền Cổ Lệ cũng có thể thay mặt mà đáp ứng điều mong cầu cua huynh. Hà tất phải cần đến Ngô nhị ca.

Tư Đồ Ngọc trợn ngược đôi lông mày kiếm lên, mỉm cười đáp :

- Không được. Món vật này giá trị rất cao, cần phải tự mình Ngô nhị đương gia cho mượn mới được, không ai có thể thay Ngô nhị đương gia mà cho mượn được.

Điền Cổ Lệ nhíu mày, cười nói :

- Tiểu muội Điền Cổ Lệ không tin là với thân phận của tiểu muội hiện nay lại không thể thay mặt Ngô nhị ca mà cho huynh mượn món đồ vật ấy, vậy Tư Đồ huynh cứ nói ra.

Tư Đồ Ngọc ánh mắt sáng quắc, cao giọng đáp :

- Tại hạ tới đây đặc biệt là hỏi thăm Thiết Toán Tú Tài Ngô nhị đương gia để mượn đương gia...

Lúc bấy giờ nhân hai người đã bước vào tới đại sảnh. Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt nghe Tư Đồ Ngọc nói như vậy liền đứng phắt dậy, vòng tay cười nói :

- Tại hạ là Ngô Hồng Liệt, Tư Đồ bằng hữu định mượn món vật gì của tại hạ?

Tư Đồ Ngọc thản nhiên sang sảng giọng nói :

- Ta muốn mượn cái đầu của Ngô nhị đương gia.

Lời chàng vừa dứt trong đại sảnh trở nên im phăng phắc.

Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt không thể nào tưởng tượng ra được rằng mình vừa mở miệng cười hỏi có một câu, lại phải nghe một câu đáp quái dị đến như vậy.

Truy Hồn Tẩu Tống Minh vuốt râu nghĩ ngợi, tự hỏi không hiểu Tư Đồ Ngọc là ai mà lại to gan lớn mật đến như thế. Chàng là ai mà lại dám khinh người đến như vậy? Chàng dựa vào thế lực nào, võ công tới đâu, lai lịch ra làm sao?

Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ đâm ra thất vọng thầm rằng “Chàng thiếu niên tuấn tú kia tại sao lại là kẻ thù địch của ta. Trời già thật cắc cớ chốc nữa đây, mình phải xử trí ra sao”.

Khách khứa ở trong đại sảnh như Mông Sơn Miêu thị song hùng, và Thiết Tý Phi Long Lư Minh càng kinh ngạc hơn, đều nghĩ bụng: “Con người danh vang bốn biển là Đăng Lâu Tửu Khách Thuần Vu Sán mà còn bị hại dưới cây Thiết Toán bàn lợi hại vô song của Thiết Toán Tú Tài, thì tên Tư Đồ Ngọc này lại sao lại dám một mình xông vào miệng cọp”.

Cả chủ lẫn khách tất cả sáu người ai ai cũng theo đuổi một ý nghĩ riêng, cho nên trong đại sảnh không khí đâm ra yên lặng như tờ, đến con ruồi bay cũng nghe thấy tiếng.

Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt là người thâm trầm trấn tĩnh nhất trong bọn. Y ha hả cười lớn để phá tan bầu không khí nặng nề, rồi quay sang vái chào Tư Đồ Ngọc bằng một giọng ôn tồn nói :

- Tư Đồ bằng hữu thật là người có đảm lượng, Ngô Hồng Liệt này cảm phục vô cùng. Vậy xin mời bằng hữu ngồi chơi để Ngô Hồng Liệt này được dâng ba chén rượu. Sau chúng ta hãy nói chuyện.

Đối phương ăn nói nhã nhặn, Tư Đồ Ngọc không tiện ép buộc đối phương phải giao chiến ngay, nên chàng liền gật đầu, ngang nhiên ngồi xuống bàn rượu.

Ngô Hồng Liệt cầm bình rượu lên miệng cười toe toét, tiến đến rót rượu cho Tư Đồ Ngọc.

Tư Đồ Ngọc ngầm đoán là đối phương có thể lợi dụng cơ hội này để thử thách công lực của mình, liền đứng thẳng người dậy, hai tay đưa chén ra chờ đợi.

Quả nhiên chàng đoán không sai. Rượu chưa ra khỏi bình chàng đã cảm thấy một luồng ám kình vô hình mạnh mẽ đè xuống.

Tư Đồ Ngọc khẽ nhếch mép cười, co tay phải về, như thế đang từ hai tay cầm chén chàng chỉ còn lại có một tay cầm mà thôi.

Làm như vậy, chàng cũng có hơi thất lễ với đối phương nhưng hiện tại Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt đã ngầm vận ám kình có ý để thử sức thì chàng không thể dùng cả hai tay cầm chén để cho đối phương chiếm mất thế thượng phong.

Ngô Hồng Liệt thích thú, từ từ đổ rượu xuống chén của Tư Đồ Ngọc. Y chắc mẩm là phen này thể nào đối phương cũng phải run tay khổ sở có thể đánh rơi chén rượu xuống đất. Nhưng thật trái lại với điều y tưởng tượng. Nét mặt Tư Đồ Ngọc vẫn thản nhiên, tay chàng không run chút nào cả. Trái lại miệng chàng còn mỉm cười.

Thiết Toán Tú Tài là người xảo quyệt, y biết nội lực chân khí của đối phương cao thâm hơn mình nhiều.

Cho nên đến chén thứ hai, chén thứ ba y không thử sức nữa. Y cười toe toét, vui vẻ rót rượu cho đối phương.

Tư Đồ Ngọc trợn ngược lông mày lại giơ tay trái như cũ để cầm lấy chén. Chàng muốn dù trong một chớp mắt cũng không nên thất lễ với đối phương, vì đó là luật lệ của giang hồ.

Ba chén rượu rót xong, người đứng đầu Nghi Sơn tam ác là Truy Hồn Tẩu Tống Minh đưa mắt nhìn Tư Đồ Ngọc, mỉm cười nói :

- Tư Đồ bằng hữu, mấy lời vừa rồi của bằng hữu bảo rằng mượn cái đầu của Ngô nhị đệ tôi, ấy là nói chơi?

Tư Đồ Ngọc thản nhiên mạnh bạo đáp :

- Tại hạ từ xa tới đây cho nên không có chuyện đùa bỡn. Những lời mà tại hạ đã nói đều là những câu đứng đắn cả.

Tống Minh sầm nét mặt, trầm giọng nói :

- Tư Đồ Ngọc, chúng ta là những kẻ chưa bao giờ quen biết nhau, không oán, không thù, tại sao các hạ tới đây để gây hấn làm gì? Các hạ hãy cho tôi biết lai lịch và tông phái của các hạ.

Tư Đồ Ngọc lắc đầu, nói :

- Lai lịch và tông phái của tại hạ, hiện thời tại hạ không thể nói ra được. Nhưng tại hạ có thể nói nguyên nhân tại sao tại hạ tới đây để mượn cái đầu của Ngô nhị đương gia cho chư vị được hay.

Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ không tiện làm thinh mãi, đành phải mở miệng nói :

- Các hạ hãy nói đi? Chúng tôi cần biết lý do của các hạ.

Tư Đồ Ngọc cười nói :

- Lý do của tôi thật là hết sức đơn giản. Tại hạ định mượn cái đầu của Ngô Nhị đương gia để làm đồ tế.

Điền Cổ Lệ nói :

- Các hạ tế ai?

Tư Đồ Ngọc đứng phắt dậy, nghiêm nét mặt, sang sảng giọng nói :

- Tại hạ từ Thái Sơn tới đây định mượn cái đầu ở trên cổ Ngô nhị đương gia để đem về tế trước mộ phần của Đăng Lâu Tửu Khách Thuần Vu Sán.

Ngô Hồng Liệt “À” lên một tiếng, cười nhạt nói :

- Thì ra các hạ định báo thù cho Thuần Vu lão quỷ?

Tư Đồ Ngọc gật đầu, đáp :

- Chính thế!

Tống Minh cau mày, xen lời nói :

- Các hạ là gì của Thuần Vu Sán? Là bạn hay là người thân?

Tư Đồ Ngọc thản nhiên đáp :

- Không phải bạn mà cũng không phải là người thân.

Điền Cổ Lệ thở ra nhẹ nhõm, cười khanh khách nói :

- Đã không phải là bạn mà lại cũng không phải là người thân thì các hạ hà tất phải gây sự để mua họa vào thân.

Tư Đồ Ngọc trừng mắt, sang sảng giọng nói :

- Các nhân vật võ lâm trong lúc động thủ phát chiêu thì hai bên khó lòng mà tránh khỏi có sự tổn thương. Nếu ai cũng câu nệ thì máu của người võ lâm đổ ra không biết là bao nhiêu...

Nói tới đây, chàng dừng lại giây lâu, đưa mắt liếc một vòng khắp sảnh đường rồi nói tiếp :

- Nhưng Thuần Vu tiền bối ngày trước gặp nạn, trong cái chết của tiền bối có điều oan khuất. Tư Đồ Ngọc này là người nghĩa hiệp cho nên không thể không tới Nghi Sơn để đòi Ngô nhị đương gia thi hành công đạo.

Ngô Hồng Liệt mặt biến sắc, đăm đăm nhìn Tư Đồ Ngọc, chậm rãi nói :

- Thuần Vu Sán oan khuất ở chỗ nào mà các hạ đòi tôi phải thi hành công đạo?

Tư Đồ Ngọc xẵng giọng hỏi :

- Thuần Vu tiền bối bị chết trong trường hợp nào, các hạ có biết không?

Điền Cổ Lệ cười duyên đỡ lời cho Ngô Hồng Liệt :

- À, lão già ấy là kẻ tự phụ háo thắng, dám một mình xông vào Nghi Sơn để cuối cùng bị chết dưới binh khí Thiết Toán bàn của Ngô nhị ca, chết vì chiêu “Tam Giao Tam Bái, Bách Tử Tề Phi”.

Ngô Hồng Liệt thấy Điền Cổ Lệ mang chiêu thuật ngụy dị của mình tiết lộ ra ngoài, tức thì đưa mắt lườm nhìn Điền Cổ Lệ một cái.

Điền Cổ Lệ thấy mình lỡ lời, mặt mày bẽn lẽn, cúi đầu làm thinh. Tư Đồ Ngọc lắc đầu nói :

- Điền tam đương gia, lời cô nói không đúng. Thuần Vu tiền bối không phải chết vì cây Thiết Toán bàn của Ngô nhị đương gia đâu.

Điền Cổ Lệ ngạc nhiên, ngửng đầu nhìn Tư Đồ Ngọc, nói :

- Người trên giang hồ ai lại không biết chuyện đó, mà chỉ có các hạ lại tự bịa chuyện.

Tư Đồ Ngọc cười nhạt, nói :

- Chỉ cần xét cái ngoại hiệu Đăng Lâu Tửu Khách của Thuần Vu tiền bối là tại hạ có thể biết nguyên do cái chết của tiền bối rồi.

Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt thấy việc làm ám muội của mình là việc xếp đặt của mình cực kỳ cơ mật, trừ Truy Hồn Tẩu Tống Minh và Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ ra thì không có ai khác được biết nay nghe Tư Đồ Ngọc nói, trong lòng Thiết Toán Tú Tài không khỏi kinh hãi. Ngô Hồng Liệt cau mày, lạnh lùng hỏi :

- Lời Tư Đồ bằng hữu nói ám chỉ gì?

Tư Đồ Ngọc sang sảng giọng nói :

- Suốt một con đường từ Thái Sơn dẫn tới đây, hơn ba mươi tửu lâu mới được mở ra. Những tửu lâu đó của ai? Chắc Ngô nhị đương gia phải biết chứ? Thuần Vu tiền bối là người thích rượu còn hơn mạng sống của mình, cho nên gặp quán là vào, gặp rượu là uống, uống cho đến say mèm, đến lúc tới được Nghi Sơn Tam Ác trang thì cả một thân thế anh hùng, danh tiếng lẫy lừng trong thiên hạ, với một công lực ghê gớm đã không thể nào chống lại được tửu lực, cho nên mới...

Ngô Hồng Liệt nghe nói tới đây, đập bàn quát :

- Tư Đồ Ngọc, chẳng lẽ các hạ lại cho là tôi bày ra cái kế ấy hay sao?

Tư Đồ Ngọc cười nói :

- Tại hạ không có chứng cớ gì xác thực, không dám nói thẳng ra như vậy, nhưng hơn ba mươi tửu lâu mới mở kia thì sau cái chết của Thuần Vu tiền bối đã theo nhau mà đóng cửa hết. Điều này là sự thật.

Ngô Hồng Liệt tuy bị Tư Đồ Ngọc soi mói mưu gian của mình, nhưng trước mặt mọi người, dại gì mà mình thừa nhận? Y liền cười nhạt, quắc mắt nói :

- Tư Đồ bằng hữu, tục ngữ có câu: “Nói có sách mách có chứng”. Các hạ đã không có chứng cớ gì mà chỉ bằng vào mấy lời nói suông chẳng lẽ lại tưởng...

Tư Đồ Ngọc đột nhiên phá ra cười sằng sặc, khiến tất cả mọi người trong sảnh đường phải sửng sốt, không hiểu chàng định hành động gì?

Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ bực bội cau mày hỏi :

- Tư Đồ huynh, huynh cười gì vậy?

Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt thấy đã gần tới lúc hai bên phải giao chiến mà Điền Cổ Lệ vẫn gọi đối phương là Tư Đồ huynh thì tức bực lắm. Y đưa mắt nhìn cô em gái dâm đãng một cái.

Tư Đồ Ngọc không thèm để ý tới lòng tốt của Điền Cổ Lệ. Chàng vẫn ngạo nghễ, sang sảng giọng nói :

- Tại hạ cười là cười Ngô nhị đương gia quá khinh dể người đời. Nếu tại hạ có bằng cớ hẳn hoi thì Ngô nhị đương gia nghĩ sao?

Ngô Hồng Liệt cười nhạt, nói :

- Ngươi có vẻ tự phụ lắm thì phải. Ở đời đừng nên kiêu ngạo như thế. Chẳng lẽ ngươi lại không có lỗi gì hay sao? Ngươi hoàn toàn lắm hử?

Tư Đồ Ngọc lắc đầu, đáp :

- Tại hạ không cho mình là con người hoàn toàn, tại hạ cũng không giỏi giang gì nhưng tại hạ dám xông vào nơi hang hùm nọc rắn là Nghi Sơn Tam Ác trang này.

Trong sảnh đường, Mạc Tà đảo Phi Long trại chủ và Thiết Tý Phi Long Lư Minh, hai người bổn tính cuồng bạo, vốn cho mình là cao thủ võ lâm, hơn nữa lại có mối giao tình rất thắm thiết với Ngô Hồng Liệt cho nên không thể nào nhịn được, bèn cười nham hiểm, xen lời :

- Tư Đồ bằng hữu đã khinh thường thiên hạ như vậy thì Lư Minh này trước hết xin được lãnh giáo võ công của bằng hữu.

Tư Đồ Ngọc vốn biết rằng nói suông cũng chẳng ích gì, cẩn phải đánh nhau cho nên chàng liền gật đầu, cười nói :

- Được Tư Đồ Ngọc này một mình một kiếm, một mình xông vào Nghi Sơn, rất may lại gặp được nhân vật lục lâm ở sáu tính miền Bắc là Lư trại chủ thật là hân hạnh. Hân hạnh!

Lời chàng nói thật là rõ ràng, cử động lại càng nhanh nhẹn sảng khoái. Vừa nói, chàng vừa đứng dậy đi ra khỏi sảnh đường.

Truy Hồn Tẩu Tống Minh và Thiết Toan Tú Tài Ngô Hồng Liệt thấy vậy, trong lòng cũng hơi mừng rỡ, bởi vì cái việc mà người trong võ lâm tối kỵ nhất là lúc động thủ không biết đối phương thâm hiểm như thế nào? Nay Thiết Tý Phi Long Lư Minh đã lên tiếng khiêu khích trước thì đứng ngoài trận có thể quan sát được võ học và chiêu số của Tư Đồ Ngọc để liệu xem công lực của chàng cao siêu tới mức độ nào?

Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ là người tò mò nhất. Nàng muốn xem chàng thanh niên tuấn tú kia có bản lãnh gì mà dám cuồng ngạo xông vào Nghi Sơn để đối đầu với Tam ác.

Quần hào đều lần lượt đứng dậy, lần lượt đi ra ngoài sân.

Thiết Toán Tú Tài Ngô Hồng Liệt cũng kéo Truy Hồn Tẩu Tống Minh.

Tống Minh hiểu ý, đi chậm lại hai bước, quay lại nói nhỏ với Ngô Hồng Liệt rằng :

- Nhị đệ định tính sao?

Ngô Hồng Liệt nhíu đôi lông mày, lặng lẽ đáp :

- Kẻ kia tới đây không có ý tốt, vậy ta phải đề phòng kỹ, đại ca hãy sẵn sàng cây Truy Hồn bút để chờ xem động tĩnh?

Tống Minh gật đầu, lấy trong ống tay áo ra một bút sắt dài chừng một thước bẩy tấc, đầu bút to độ bảy tấc, cán bút màu đỏ và thô như một cành cây. Đó là cây Truy Hồn bút, Tống Minh đưa cây Truy Hồn bút cho Ngô Hồng Liệt.

Thì ra cây Truy Hồn bút ấy vốn là thứ binh khí khiến cho Truy Hồn Tẩu thành danh trên giang hồ, cho nên đó là một thứ khí giới lợi hại vô song.

Ngoài việc có thể dùng cây bút ấy mà tấn công địch, nó còn chuyên dùng để phá khí công của Đạo gia, có thể đánh vào huyệt đạo nhưng ngoài ra nó còn ba chỗ diệu dụng khác nữa.

Diệu dụng thứ nhất là chỗ đầu bút bằng sắt dài ba tấc kia có thể nhân lúc địch thủ không đề phòng mà phi ra để đả thương địch thủ.

Diệu dụng thứ hai là sau khi đầu bút được phóng ra thì phần còn lại tức thời mở ra bốn phía phun ra một thứ Vô hình độc phấn, khiến cho đối phương dù có tài nghệ cao siêu đủ sức tránh khỏi đầu bút cũng phải bị thứ vô hình độc phấn bắn trúng mà mê nam bất bỉnh.

Diệu dụng thứ ba là trong lòng quản bút có giấu mấy chục cây độc trâm đề phòng khi đầu bút và độc phấn không thể nào hại được đối phương thì độc trâm sẽ được phóng ra để hại các tay tuyệt đại cao thủ.

Tống Minh bổn thân võ công đã không phải là tầm thường, huống hồ nay lại có thứ binh khí cực kỳ lợi hại và âm độc như thế nên mới trở thành nhân vật danh tiếng lẫy lừng trong đám lục lâm ở sáu tỉnh miền Bắc và mới được ngôi thủ lãnh của Nghi Sơn Tam Ác trang.

Ngô Hồng Liệt tiếp lấy cây Truy Hồn bút xong, đem giấu vào trong bụng, tự lấy làm yên dạ lắm, bởi vì nếu như công lực của Tư Đồ Ngọc có đến mức xuất quỷ nhập thần thì y cũng đã nắm chắc chín mươi chín phần trăm phần thắng trong tay.

Y đã có cách giết kẻ địch dễ dàng trong chớp mắt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.