Đại Mạc Thương Lang

Quyển 1 - Chương 45: Điện báo




Anh Đường nói ra những điều này bằng giọng rất đỗi nhẹ nhàng, nhưng tôi và hội Vương Tứ Xuyên vẫn cảm thấy có một luồng sóng lạnh chạy dọc khắp người khiến cho chúng tôi phải sởn gai ốc.

“Hai mươi năm trước, một chiếc máy bay ném bom có biệt hiệu Shinzan đã cất cánh ở độ cao một ngàn hai trăm mét trên dòng sông ngầm này, nó đã vượt qua đập nước dưới lòng đất, lượn vào vùng không trung rộng lớn đằng sau con đập kia, rồi mất hút trong bóng đêm không bờ bến. Chúng tôi không rõ chiếc máy bay đã gặp phải sự cố gì và phi hành đoàn đã nhìn thấy những gì ở dưới đó.”

Những sự việc này vượt quá sức chịu đựng của chúng tôi, bây giờ tôi còn phát hiện trong miền bóng tối mênh mông đó, chẳng ngờ lại truyền đến một tín hiệu điện báo. Thật không thể tưởng tượng nổi!

Ngay sau đó, tôi liền nghĩ ngay đến số lượng lớn hàng hóa vật tư buộc chặt để thả dù chất thành từng đống ở đây, tôi chợt hiểu chỗ vật dụng đó sẽ được chuyển đến nơi nào.

Tất cả sự bố trí trong căn cứ địa này rõ ràng đều được làm để con người có thể nhảy dù xuống khoảng mênh mông dưới lòng đất ấy. Hơn nữa, nếu quân Nhật không thất bại trong chiến tranh thì hoạt động bay này nhất định sẽ được tiến hành rất nhiều lần, cho đến khi toàn bộ số vật dụng trong kho đều được chuyển đi hết mới thôi.

Anh Đường nói: Phát hiện này thực sự khiến mọi người kinh ngạc, cho nên các anh cần kiểm chứng lại. Họ xuống dưới con đập này là để tìm kiếm chiếc ăng ten. Nếu quả thực như thế thì sự việc đã hoàn toàn chuyển sang một chiều hướng khác. Tôi liền hỏi các anh đã tìm được cột ăng ten chưa? Anh Đường lắc đầu ngao ngán nói: “Tạm thời vẫn chưa tìm được”. Bởi họ không thể nào xuống được bên dưới con đập, nên bây giờ họ mới đến chỗ này tiếp tục tìm đường đi xuống bên dưới.

Đi xuống bên dưới, nghĩa là thế nào, thật không thể hiểu nổi.

Hai mươi năm trước, chắc chắn quân Nhật cũng từng gặp phải vấn đề như chúng tôi hiện tại. Chắc chắn lần đầu tiên đối diện với khoảng không hư vô này, họ cũng sẽ tự hỏi: “Rốt cuộc nơi này là nơi nào, bên trong nó có gì, làm cách nào để xuống được dưới đó?”

Việc chúng tôi lâm vào hoàn cảnh này, chứng tỏ quân Nhật đã giải quyết được nghi vấn cuối cùng và phát tín hiệu phản hồi.

Từ lúc này, trong đầu tôi đã có được một khái niệm rất rõ ràng đối với tất cả sự việc đã xảy ra ở nơi này: hai mươi năm trước, quân Nhật đã phát hiện và tiến hành cải tạo phần lớn kiếm trúc ban đầu ở dưới này, đồng thời tiến hành thử nghiệm thành công chuyến bay của chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng Shinzan. Tuy rằng trong quá trình hạ cánh, chiếc máy bay đã gặp nạn và bị phá hủy, nhưng cả quá trình đó chỉ có thể hình dung bằng hai chữ “điên cuồng”.

Thậm chí, tôi có thể đoán ra được rất nhiều các chi tiết cụ thể. Ví dụ như chiếc máy bay Shinzan chắc chắn không phải chiếc máy bay đầu tiên cất cánh bay xuống vực thẳm. Để thử nghiệm tính khả thi, tàn tích của chiếc máy bay chiến đấu cỡ nhỏ mà chúng tôi phát hiện ở dưới nước lúc trước có khả năng là đối tượng thử nghiệm đầu tiên. Nhật Bản là quốc gia có kỹ thuật mẫu hạm hàng không khá phát triển. Trong điều kiện này, cho một chiếc máy bay chiến đấu cỡ nhỏ cất cánh sẽ đơn giản hơn nhiều một chiếc máy bay ném bom cỡ lớn.

Tôi hỏi anh Đường kế hoạch hoạt động tiếp theo, anh ấy liền chỉ ra mấy điều cần chú ý.

Công việc bọn tôi khác với nhóm của anh ấy, bộ đội công trình cần phải hành động cẩn thận, chính xác, nên hội của anh phải đi chứng thực một vài điều, để bản báo cáo cho cấp trên được chính xác một trăm phần trăm. Đây là quy tắc làm việc mà Mao Chủ Tịch đã phê chuẩn vào thời kì đó, bộ đội công trình luôn luôn phải đi trước bộ đội chiến đấu để mở núi lắp đường, gặp sông bắc cầu, bất kì sai sót nào cũng có thể dẫn đến việc bại lộ ý đồ chiến thuật chiến tranh, cho nên bất luận làm việc gì cũng phải cẩn thận tỉ mỉ.

Anh Đường nói với chúng tôi, các anh bắt buộc phải xác định những tín hiệu phát đi từ trong lòng đất này, chỉ khi làm rõ được sự việc thì mới có thể đi đến kết luận, nếu không, bản báo cáo có thể gây cho cấp trên hiểu nhầm tai hại.

Cho nên công việc tìm kiếm cứu nạn sẽ vẫn tiếp tục, chúng tôi hoàn toàn không biết được tình hình bên ngoài con đập như thế nào, kế hoạch quá chi tiết cũng không có tác dụng gì vào lúc này, thôi thì đành phải lấy bất biến ứng vạn biến. Công việc tìm kiếm con đập để cho nhóm bộ đội công trình đảm nhiệm, còn nhóm cán bộ địa chất chúng tôi thì không được đi tản mát, nhiệm vụ của đội khảo sát đến đây là kết thúc.

Tôi nghĩ, nhiệm vụ của đội khảo sát chúng tôi đến đây đúng là đã kết thúc, bên dưới khoảng hư vô này chắc chắn không thể là một hố dầu rộng hàng ngàn hecta được. Những hoạt động của quân Nhật ở đây chắc chắn không liên quan nhiều đến hoạt động khảo sát tài nguyên dầu mỏ. Thực ra, ngay từ lúc bắt đầu bước chân vào dòng sông ngầm dưới lòng đất, nhiệm vụ của chúng tôi đã kết thúc. Anh Đường nói vậy không hề sai, bởi thực sự chúng tôi không thể tham gia vào những công việc tiếp theo. Lúc này, chúng tôi không có đường tiến cũng chẳng còn đường lui.

Mọi người trong đội không ai phản đối gì. Anh Miêu cũng không tỏ thái độ gì, chỉ im lặng uống trà, nghe chúng tôi nói chuyện. Nét mặt anh biểu lộ trạng thái cảm xúc như thể anh thấy những gì chúng tôi đang nói thật nực cười.

Lúc đó tôi cũng không để ý gì, không nghĩ ngợi gì, nhưng không lâu sau, tôi cũng có cảm giác giống như thế.

Tôi đem cảm giác hoang mang vô vọng như lạc xuống địa ngục vào trong giấc mộng. Đúng là trong lúc tinh thần hoảng loạn, kích động như vậy, khó tránh khỏi việc gặp ác mộng. Trong mơ, tôi thấy không gian rộng lớn hư vô đó giống như một cái miệng ngoác rộng, còn tôi đang đứng sát mép ngoài của đỉnh đập, mặc kệ cuồng phong táp vào mặt, tôi chỉ biết trơ mắt nhìn nó ngày càng áp sát đến gần. Bốn bề vách đá xung quanh dần dần bị thứ bóng tối nhìn như không thấy điểm tận cùng đó ăn mòn cho đến khi hoàn toàn biến mất. Tôi lại mơ thấy mình ngồi trong chiếc máy bay, cứ bay một cách vô định vào hư không, không nhìn thấy gì xung quanh mình, bay mãi, bay mãi mà không thể tới đích.

Cảm giác này còn kinh khủng hơn nhiều so với cảm giác lúc trước đó, nhưng tôi vẫn không thể tỉnh lại, cứ thế ngủ gần chục tiếng đồng hồ, mãi tới lúc ăn cơm, Vương Tứ Xuyên mới đánh thức tôi dậy.

Anh Đường đã dẫn người đi, anh Miêu cũng đi nốt. Tôi cũng sớm dự đoán được rằng cho dù chúng tôi không đi, thì chắc chắn anh Miêu cũng sẽ đi theo anh em công trình, bởi anh có vị trí chức vụ khác với chúng tôi, nếu không làm gì có chuyện anh ép được Ái Quốc Vinh cử đội quân tiên phong đến cứu chúng tôi.

Trực giác mách bảo tôi, những sự việc phát sinh ở đây đã vượt quá sự hiểu biết hay phạm vi lý giải của tôi, tôi không muốn phải đau đầu suy nghĩ về bất cứ điều gì nữa.

Tôi vừa ăn vừa nghe Bùi Thanh và Vương Tứ Xuyên kể về những sự kiện xảy ra ở con đập này. Họ đang đoán già đoán non xem bên trong hầm băng rốt cuộc có thứ gì.

Chúng tôi chỉ hiểu mơ hồ về cấu kết của con đập to lớn này, đặc biệt là con đập với công dụng đặc biệt này. Chúng tôi hoàn toàn không hiểu những trang thiết bị được chất đống bên dưới con đập này được dùng để làm gì và đương nhiên cũng không thể phán đoán được tác dụng của chúng.

Bây giờ, điều duy nhất chúng tôi biết rõ ràng là hai bên con đập có buồng lặn nằm dưới nước dùng để vận chuyển vật liệu, bên dưới mực nước của con đập là một cái hầm băng khổng lồ lưu giữ đạn dược và một nhà kho rộng lớn chứa rất nhiều các loại đồ quân dụng khác nhau.

Vương Tứ Xuyên vừa ăn món bột rau nghiền vừa bảo với tôi: “Tôi cảm giác như chỗ chúng ta có lẽ chính là phần đáy của con đập. Bởi nếu chỗ đầu đạn này dùng để phá hủy con đập, thì họ phải bố trí để nó ở phía dưới đáy con đập, chỉ như vậy mới bảo đảm phá hủy được toàn bộ phần kiến trúc phía trên của con đập.”

Nhưng có một điều chúng tôi không thể lý giải nổi là tại sao phải đóng băng số đầu đạn ấy? Chỉ có chất nitroglycerin[1] mới cần làm lạnh, nhưng chất này lại không dùng để làm đạn được, hơn nữa khi đã lên nòng và ở nhiệt độ cao thì đầu đạn sẽ dễ phát nổ hơn nhiều so với khi đạn còn trong vỏ, và lại rất nguy hiểm trong quá trình vận chuyển.

[1] Nitroglycerin: là một chất lỏng không màu, được dùng cho các ứng dụng thuốc nổ và một số ứng dụng khác.

Nói tóm lại, chỉ một thứ duy nhất cần phải bảo vệ dưới nhiệt độ rất lạnh, đó chính là vũ khí hóa sinh.

Chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học của quân Nhật tại Trung Quốc được ghi chép khá nhiều trong các tài liệu lịch sử, thế nhưng đa số người dân Trung Quốc chỉ biết đến đơn vị 731[2] của Nhật.

[2] Đơn vị 731: là một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, đơn vị này đã tiến hành nhiều thí nghiệm nguy hiểm trên cơ thể người trong chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai (1937-1945) và chiến tranh thế giới thứ hai. Đơn vị được công bố rộng rãi là Cục phòng chống dịch bệnh quân đội Quan Đông.

Chỉ một bộ phận rất nhỏ như chúng tôi, những cán bộ địa chất suốt ngày vượt suối băng rừng, tiếp cận với các hang động mới biết được dự án 731 thực ra chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Trong mười mấy năm làm nghề khảo sát địa chất, tôi đã từng thấy rất nhiều phế tích các công trình kiến trúc bê tông của quân Nhật để lại giữa rừng sâu trong thời kì Chiến tranh Trung Nhật. Những kiến trúc này tuy đã bị phá hủy về cơ bản, nhưng kết cấu của nó vẫn còn, công trình nào cũng có nhà tù ngầm bí mật và phòng giải phẫu xác người. Một đồng nghiệp kể với tôi rằng quy mô chiến tranh sinh học ở Trung Quốc không chỉ dừng lại ở vài điểm nhỏ lẻ như thế.

Bề ngoài không giống vũ khí sinh học, chúng không thể tình cờ cùng xuất hiện tại nơi này được, mục đích quân Nhật thăm dò khu vực này rất rõ ràng, chúng không thể vô duyên vô cớ chất đống đầu đạn vũ khí sinh học ở đây được. Rốt cuộc, số vũ khí này dùng để làm gì?

Lúc đó tôi bỗng nghĩ: nếu chẳng may máy bay nén khí ngừng hoạt động thì thế nào? Nhiệt độ nơi này tuy rằng rất thấp, nhưng dần dần lớp băng sẽ tan chảy ra, lúc đó thì những đầu đạn kia sẽ ra sao?

Hiển nhiên không thể dự đoán được những tình huống có thể xảy ra.

Anh Đường mang người đi kiểm tra, khu vực xung quanh kho lạnh chắc không rộng lắm, nên tôi có thể nghe thấy tiếng động của họ, không lâu sau, có người quay trở lại chỗ chúng tôi. Cậu lính này lạnh tới mức nước mũi chảy ra ròng ròng, nom như trẻ con.

Chúng tôi ngồi đợi mãi cũng cảm thấy thật vô vị, Vương Tứ Xuyên đứng ngồi không yên, liền rủ chúng tôi đi ra đó xem sao.

Chúng tôi cuốn chặt áo vào người, đi ra ngoài hầm lạnh, đi về hướng tiếng gọi vọng đến. Đi được hơn chục phút tôi cảm giác như có điều gì bất ổn, nơi này càng ngày càng lạnh, lông mày tôi đông cứng lại, sương băng đọng từng hạt, ban đầu nhiệt độ đâu có thấp đến mức này?

Chân tay chúng tôi run lập cập, cảm giác như đang chống chọi với những cơn gió lạnh của ngày đông giá rét trên đỉnh Đại Hưng An Lĩnh. Đi thêm lát nữa, chúng tôi nhìn thấy lác đác mấy bóng người ở phía trước; đi tới gần hơn thì thấy anh Đường vừa đá chân vừa hò hét điều gì đó. Tiếng động phát ra càng lúc càng to, hình như họ đang đào hố thì phải.

Đây là khu vực trung tâm của hầm lạnh, chúng tôi đi vào sâu thêm, thì lập tức phát hiện họ đang cuốc mặt băng.

Mấy cậu lính đang giơ loại rìu chuyên dụng, gắng sức bổ xuống mặt băng, nhưng xem ra không mấy hiệu quả, mặt băng không lõm xuống sâu được bao nhiêu, trên đất vương vãi rất nhiều vụn băng.

Tôi cảm thấy làm thế rất nguy hiểm, bên dưới là đầu đạn, không hiểu anh Đường làm vậy nhằm mục đích gì, tôi liền tới gần, hỏi xem họ định làm gì, rồi dặn dò đào chỗ này phải cẩn thận.

Anh Đường lạnh tím cả môi, run rẩy chỉ cho tôi xem khối đen mờ mờ to lù lù bên dưới lớp băng, vì phía trên mặt băng bị cuốc nham nhở, từng lớp băng vụn được cào thành đống nên cũng khó nhìn rõ bên dưới là gì, nhưng tôi đoán chắc đó là đầu đạn hoặc địa lôi.

Tôi đi quanh khối đen đó một vòng, chợt phát hiện hình dáng của cái bóng khổng lồ đó giống hệt một cái ghim giấy, phát hiện ấy khiến tôi hít ngược một hơi lạnh. Sự thật vẫn là sự thật, nhìn kĩ lại lần nữa tôi có thể thấy hình dáng của nó giống như hình chữ U.

Tôi nhận thấy hình thù này thực giống một cần ăng ten cỡ lớn.

Tuy rằng rõ ràng nhìn thấy nó tồn tại trước mặt, nhưng lúc đó thực sự tôi vẫn mông lung, không hiểu vì sao người ta lại cho đông lạnh cần ăng ten đó.

Tôi nhìn kĩ lại thì thấy không chỉ có vật này, ngoài bóng ăng ten ra, còn có một cái bóng khác, rất to nhưng mờ hơn nằm bên cạnh. Chắc đó là một loại máy móc nào đó được chôn sâu hơn bên dưới lớp băng. Cái bóng này to gấp ba lần cần ăng ten, hình dạng tròn tròn trông như cái muỗng canh.

“Cái quái gì thế này?”, tôi run rẩy hỏi anh Đường: “Sao ăng ten mà các anh cần tìm lại nằm ngay dưới lớp băng thế này?”

“Đây không phải ăng ten”, anh Đường chỉ vật hình chữ U bên dưới lớp băng giải thích, “Đây là một loại ra-đa có tên gọi Würzburg”[3]

[3] Würzburg: một loại ra-đa của Đức được dùng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

“Cái gì?”, tôi giật mình ngây người ra, một lúc sau mới lẩm bẩm: “Sao nó to thế?”

Anh Đường bảo, lúc này thật khó để giải thích cho tôi hiểu, mặc dù anh rất thông thạo loại máy này, nhưng vấn đề là tôi lại không hiểu lắm về mặt kĩ thuật của nó. Có thể nói một cách đơn giản thế này, ra-đa Würzburg là tên riêng của một loại ra-đa định vị mà Nhật nhập khẩu từ Đức, nó có tác dụng tự động khống chế đèn pha rọi trong công tác phòng không ban đêm. Lúc ở Trung Quốc, quân Nhật không cần kĩ thuật định vị tiên tiến như thế, cho nên số lượng loại ra-đa này không nhiều, chủ yếu chỉ được trang bị cho vùng Mông Cổ và chiến trường Thái Bình Dương. Ban đầu, Trung Quốc cũng định chế tạo một loại thiết bị chống lại loại ra-đa này nhưng không thành công, sau đó loại máy móc này cũng bị đào thải luôn.

Thời điểm đó, loại ra-đa này được xem là loại ra-đa định vị máy bay tân tiến nhất.

Đây là những kiến thức các anh được phổ cập trong lúc ở trạm ra-đa, sau đó một bộ phận của binh đoàn bộ đội công trình được tách ra và hoạt động độc lập chuyên nghiên cứu về ra-đa, số này được gọi là bộ đội ra-đa.

Anh Đường kể, trước đó nhóm anh từng tìm kiếm, nhưng bóng đen dưới lớp băng không lớn như lúc này, nó làm anh giật cả mình. Nghe anh nói, tôi mới thấy đúng là ban đầu bóng đen đó không to như bây giờ, có thể cảm giác to nhỏ đó là do độ rộng của lớp băng xung quanh và độ dày mỏng của lớp băng vòng ngoài tạo thành.

Anh nhận định, chiếc rađa này chắc là ra-đa dẫn đường cho máy bay, quả thực với nhiệm vụ khó khăn đó, đội bay cần được dẫn đường cẩn thận.

Nghe anh giải thích, tôi cũng hiểu được đại khái vấn đề. Vương Tứ Xuyên hỏi: “Vậy anh định đào nó lên làm gì? Lẽ nào chiếc máy có liên quan đến bức điện báo trước đây?”

Anh Đường nói, đừng tập trung vào mỗi vấn đề ấy, nói xong anh rút một sập giấy trong túi ra, trong đó có mấy tấm bản đồ được vẽ bằng bút máy rất nhỏ. Anh tiếp tục giải thích: đội của anh được chia thành mấy nhóm để khảo sát khu vực này, một nhóm do anh Miêu phụ trách, nhóm này có nhiệm vụ tìm kiếm xung quanh nhà kho chứa máy cẩu, chỗ đó đủ rộng để lắp ráp một chiếc máy bay cỡ lớn, nên chắc chắn phải có thang máy lên xuống. Còn nhóm của anh được phân công khảo sát khu vực hầm băng, kết quả là các anh đã tìm thấy khoang thang máy bằng sắt mà chúng tôi đã chui vào, đồng thời nắm được địa hình dưới hầm băng.

Tấm bản đồ vẽ bốn mặt của khu vực hầm băng này do chính tay anh phác thảo, lính chuyên nghiệp ai cũng có khả năng vẽ phác, dù chỉ là vài nét sơ sài, nhưng tôi vẫn có thể đánh giá được năng lực vẽ của anh. Mấy chiếc máy nén khí đặt khắp nơi trong hầm băng đều được anh vẽ cẩn thận trong bản đồ, nhưng điều khiến tôi chú ý là anh phân tích cả những hình thù vũ khí ẩn ngầm bên dưới lớp băng. Anh Đường cầm cái bút máy chỉ vào bản đồ và nói: “Cậu nhìn chỗ đầu đạn này mà xem! Chúng được phân bố khắp bốn phía trong hầm, tạo thành một vòng tròn, số lượng rất nhiều, còn ở chính giữa là máy rađa Wü. Cậu nhìn mấy đường kẻ mờ này và cả mấy đường vẽ thô sơ giống hình cái thang này nữa, tôi đoán chúng chính là đường ray để vận chuyển ra-đa; đồng thời phía trên chỗ để ra-đa lại có bốn điểm mù[4], chỗ này chắc là nơi lắp hai đèn chiếu phục vụ cho việc vận chuyển máy ra-đa.”

[4] Điểm mù: hay khoảng mù thường gặp nhất trên ôtô đi trên đường, nó là hai góc phần tư phía sau do bị giới hạn bởi thân xe hoặc vùng quan sát của gương không đủ lớn.

Tôi gật đầu, anh tiếp tục nói: “Cậu không thấy có vấn đề khác thường ở đây à? Tự nhiên có một hệ thống ra-đa ở giữa đống đầu đạn, điều này có ý nghĩa gì?”. Lúc này, tôi đờ đẫn hết cả người vì lạnh, không thể nghĩ ngợi được gì nữa, Vương Tứ Xuyên run lập cập, trả lời: “Lẽ nào đây là cái bẫy?”

Sau khi Vương Tứ Xuyên thốt ra câu này, tôi lập tức hiểu ngay ý của anh. Song nếu đúng thực như thế thì sự việc đúng là khó giải thích quá.

Không cần giải thích thì ai cũng hiểu, bẫy chính là nơi sắp đặt để hấp dẫn con mồi rơi vào. Vương Tứ Xuyên giải thích tiếp, tình huống này chẳng giống như việc chôn sống anh em binh lính mình sao, làm một mục tiêu giả, bốn bề giăng đầy băng tuyết, rồi dụ chúng ta vào tròng.

Tất cả đầu đạn bị tháo hết phần đuôi của vỏ đạn, chúng đều trong trạng thái dễ bị phát nổ, điều này có vẻ giống như một cái bẫy khá hấp dẫn những con mồi tò mò như chúng tôi; nhưng đặt ra-đa ở đây để làm gì nhỉ? Lẽ nào nó cũng là một dạng “mồi nhử”? Tôi không thể nghĩ ra máy ra-đa để đó rốt cuộc nhằm thu hút cái gì, đây là loại ra-đa hướng dẫn bay, lẽ nào bọn họ lại muốn hướng dẫn máy bay rơi xuống nơi này, phá hủy toàn bộ các công trình đã xây dựng dưới này?

Cách giải thích này có vẻ không hợp logic lắm, không hiểu vì sao bọn quỷ kia lại làm thế?

Nơi đây rất lạnh, chúng tôi không muốn ở lại nữa, anh Đường cũng bảo chúng tôi nên quay về, nếu thực sự muốn giúp đỡ thì có thể đến giúp anh Miêu.

Chúng tôi quay trở về nơi đóng trại, uống mấy ngụm nước nóng xong thì chẳng muốn đi đâu nữa, tôi ngầm dự cảm về những điều chẳng lành sắp xảy ra.

Tôi chợt nghĩ về nguyên nhân vì sao quân Nhật lại để chỗ này tan hoang, lẽ nào nguyên nhân lại đơn giản như những gì chúng tôi vừa suy đoán?

Toàn bộ hệ thống xây dựng dưới này không hề thấy dấu tích tàn phá quân sự, rõ ràng họ đã rút lui trong trật tự, quy củ, vũ khí để lại không bị phá hủy đã đành, thậm chí cả giấy tờ sổ sách cũng không hề bị đốt.

Chúng tôi phát hiện thấy xác phi hành gia trong chiếc Shinzan, máy bay bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng còn những thành viên khác của phi hành đoàn ở đâu? Tại sao người lái máy bay đó lại bị chết mắc kẹt trong máy bay như thế?

Không biết do nhiệt độ ở bên ngoài quá lạnh hay do những suy nghĩ khiến tôi sợ hãi mà người tôi vẫn run lập cập, không thể nào khống chế được.

Cảm giác ấy tới tận lúc này tôi vẫn còn nhớ rất rõ, đó không hẳn là sợ hãi, mà là sự dồn nén của rất nhiều cảm xúc tích tụ lại trong người tôi và bây giờ mới phát tác ra ngoài.

Lúc đó, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ, lẽ nào sau khi chiếc Shinzan hạ cánh, thì toàn bộ khu căn cứ này liền bị phá hủy?

Nghĩ đến đó, sắc mặt tôi tái nhợt, khiến Vương Tứ Xuyên và Bùi Thanh phải quay sang nhìn xem tôi thế nào. Vương Tứ Xuyên nghĩ chắc tôi vẫn còn mệt, liền bảo tôi ngủ đi một lúc, làm bộ đội, sức khỏe phải đặt lên trên hết, không được ép bản thân quá tải.

Nhưng tôi lắc đầu, rồi hỏi lại: “Cậu thử đoán xem, sau khi cất cánh, chiếc máy bay ấy bay khoảng bao lâu thì quay trở lại?”

Vương Tứ Xuyên không hiểu, hỏi tôi nói vậy là ý gì? Tôi trả lời: “Có khả năng đã xảy ra tình huống thế này, sau khi chiếc Shinzan cất cánh bay xuống vực sâu, thì ở đây xảy ra tình huống khẩn cấp, mọi người trong doanh trại buộc phải rời khỏi đây ngay lập tức, đến khi chiếc Shinzan quay trở lại, thì doanh trại đã vắng tanh không còn một ai. Vì trên mặt đất không có bộ hướng dẫn bay, nên chiếc Shinzan buộc phải hạ cánh dựa vào năng lực của phi hành đoàn, và bởi thế chiếc máy bay mới bị phá hủy. Người phi công chết và mắc kẹt trong máy bay, còn những thành viên sống sót trong đội thì chui ra khỏi máy bay, rồi đi đâu không rõ.”

Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu được khả năng tuần tra của loại máy bay Shinzan này, về sau kiểm tra lại, tôi mới biết, nó có thể bay tuần tra từ mười tới mười bốn tiếng với tốc độ tối đa.

Cả pháo đài ở đây rộng lớn thế này, để toàn đội quân rút đi tối thiểu cũng cần tới cả trăm giờ đồng hồ. Giả sử lúc chiếc máy bay quay trở lại, bọn họ có gấp rút rời đi thì cũng không thể nào rút đi hết, cho nên điều dự đoán của tôi có lẽ không thể xảy ra.

Thế nhưng, lúc ấy không ai nghĩ tới tình uống này. Vương Tứ Xuyên nói suy đoán của tôi rất có lý. Bùi Thanh quay sang bảo: “Nơi này không giống đã xảy ra tình huống khẩn cấp, đến máy điện báo cũng không bị lấy đi, giấy in mật mã vẫn còn nguyên, xem ra bọn chúng ra đi còn ung dung hơn cả lúc đầu hàng.”

Những gì đã diễn ra ở đây có vẻ không giống một cuộc rút lui, mà tất cả mọi người trong pháo đài này như thể bỗng nhiên bốc hơi biến mất.

Anh Đường cũng từng nhắc đến điều này, lúc các anh ấy đi qua đây đã phát hiện rất nhiều các văn kiện được tấp đống, phủ vải bạt lên trên, điều đó chứng tỏ quân Nhật không có ý định rút lui hẳn mà vẫn định ngày trở về, dường như họ chỉ chuẩn bị để chuyển giao tạm thời. Thế nhưng, rõ ràng sau khi đã rút đi khỏi đây, họ không thể quay lại nữa.

Nơi này nhất định đã xảy ra chuyện gì đó rất khủng khiếp mà chúng tôi không thể tưởng tượng được. Trong mười mấy tiếng cuối cùng đó, cái pháo đài này chắc chắn đã rơi vào tình trạng mà chúng tôi không thể suy đoán nổi, và tất cả điều đó có lẽ xảy ra sau khi chiếc Shinzan thâm nhập xuống vực sâu.

Tôi càng nghĩ càng thấy mông lung, liền đứng dậy đến bên sa bàn, xem có tìm kiếm được manh mối gì không. Lúc đó, Vương Tứ Xuyên bỗng kêu lên một tiếng, rồi ngẩng đầu nhìn khắp xung quanh. Tôi giật mình, quay lại nhìn cậu ta, phát hiện không phải cậu ta đang tìm kiếm gì, mà là đang lắng nghe, dường như cậu ta đang lắng nghe tiếng gì đó ở một nơi rất xa, tôi để ý nghe theo thì thấy mơ hồ từ một nơi rất xa bỗng nhiên vọng lên tiếng còi cảnh báo kiểu cũ. Trong căn phòng này, hồi còi đó nghe sao rền rĩ, dư âm rất lâu, nhưng lại rất nhẹ, nếu không tập trung nghe thì sẽ bị tiếng quạt thông gió thổi át đi.

Bùi Thanh nhìn đồng hồ, tiếng còi cảnh báo tiếp tục kéo rất lâu, sau đó lại thêm một hồi dài nữa rồi mới dừng hẳn.

Bùi Thanh thở dài một hơi: “Ba phút một hồi dài, đây là tần suất cho loại còi cảnh báo giải tán.”

Tôi cũng thở phào, thầm khấn “Nam mô a di đà Phật”, xem ra trên kia có chuyển biến tốt. Nhưng chưa kịp suy nghĩ xong đã nghe bốn bề xung quanh bức vách tường sắt có tiếng vận hành của một loại máy móc, âm thanh rất lớn, tiếng động ấy lục cục hồi lâu.

Tôi đang cố tưởng tượng xem chuyện gì đang xảy ra thì hai cậu lính từ trong nhà kho đi ra báo cho tôi một tin vui: Con đập đã ngừng xả nước, toàn bộ lượng nước mưa từ trong trận mưa lớn trên thượng lưu đã hoàn toàn đổ cả vào khu vực hồ ngầm sâu nhất, chắc lớp sương mù sẽ tan đi rất nhanh, xuống dưới mực cảnh báo. Chúng tôi có thể nghĩ đến chuyện chuyển lên trên được rồi.

Vương Tứ Xuyên vừa định hỏi: Làm sao các anh biết, thì sự việc lại chuyển sang một tình huống khác, mấy cậu lính cấp dưới của anh Đường từ trong hầm băng bước ra, hai tay khệ nệ khênh một vật gì đó, miệng liên hồi gọi chúng tôi đến giúp.

Vật đó có vẻ rất nặng. Bốn người ra sức khiêng lên cao, nhưng gần như chỉ kéo lê được nó lên mặt đất. Chúng tôi vội vàng chạy đến, thì thấy đó là một tảng băng to bằng cỡ quan tài. Vương Tứ Xuyên gọi tôi tới, rồi mím môi mím lợi cố hết sức mới nâng được nó lên khỏi mặt đất. Tôi và Bùi Thanh liền chạy tới giúp, cậu lính bên cạnh xua tay ý nói không cần, chỉ mình họ làm là đủ rồi, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải chung tay vào mới xử lý được nó.

Bên trong hầm băng, mấy cậu lính lại tiếp tục đào được một tảng băng khác, tôi gọi mọi người tới rồi hì hục lôi nó lên, tôi cảm thấy nó nặng khác thường. Quan sát thật kĩ, chúng tôi nhìn thấy một vật gì đó nằm bên trong tảng băng vừa cạy lên.

Kéo xong hai tảng băng, cả người tôi mỏi rã rời. Tôi hỏi mọi người xem vừa đào được vật gì, mấy cậu lính xoay nghiêng xoay ngửa tảng băng để tôi xem. Quan sát một hồi, tôi giật mình nhận ra, giữa lõi băng đông cứng là một xác chết.

Một cậu lính buông miệng chửi đổng: “Mẹ nó, hóa ra xác bọn Nhật, vừa phát hiện thấy nó chết cứng trong tảng băng.”

Người chết nằm trong tảng băng vòng hai tay ôm ngực, thân hình khô quắt, hai mắt nhắm nghiền, gương mặt nhăn nhúm, méo xệch bên dưới lớp băng dày. Tư thế tử vong này chứng tỏ nạn nhân bị hôn mê trong hầm băng rồi mới chết. Tuy người đó mặc áo khoác, nhưng vẫn có thể thấy vóc dáng khá bé nhỏ, dường như chỉ ở độ tuổi vị thành niên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.