Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 51: Dòng dõi quan hoạn




Tả Quý cầm lấy bầu rượu trên bàn, rót đầy ba chén, hai tay nâng lên lớn tiếng nói: - Mời liệt tổ liệt tông uống rượu. Nói xong chén hơi nghiêng đi, rượu trong chén chảy thành dòng nhỏ trước bàn, lại lùi về hai bước sau bồ đoàn, phẩy vạt áo, hô: - Quỳ. Dẫn đầu thê nhi quỳ xuống.

Ở xã hội hiện đại nghi lễ quỳ đã biến mất từ lâu lắm rồi, còn ở thời này, đại lễ quỳ bái cho dù không gặp hoàng thượng thì trong cuộc sống thường ngày cũng gặp rất nhiều. Tuy Tả Thiếu Dương không có cái thói quen này, nhưng nhập gia tùy tục, giờ y là người Tả gia rồi, tế điệu tổ tiên đương nhiên phải quỳ, cho nên Tả Thiếu Dương cùng mẹ quỳ bái, không có chút chướng ngại nào.

Tả Quý cầm văn bái tế lên, hắng giọng mấy lần, đọc vang vang: - Giao thừa Trinh Quan nguyên niên, ngày đẹp cúng tế, hiếu nam Tả Quý cùng hiền tức Lương thị, hiếu tôn Tả Trung khấu đầu, kính cẩn dâng lên nến hương, tam sinh tửu lễ, trước linh vị của các vị liệt tổ liệt tông, khóc thành văn, ô hô!...

Tiếp theo đó thì Tả Thiếu Dương chỉ nghe thấy tiếng ngâm nga trầm bổng chứ chẳng hiểu được mấy câu.

Có bồ đoàn thì quỳ vẫn không quen, ước chừng quỳ tới gần nửa tiếng, hai chân tê đi rồi mà Tả Quý vẫn cứ ê a say sưa, chẳng hiểu chừng nào mới kết thúc, Tả Thiếu Dương len lén duỗi chân thì bị mẹ ở bên cạnh phát hiện nghiêm khắc trừng mắt, y đành ấm ức quỳ đàng hoàng, lòng thì ác ý suy đoán, chắc chắn là đạo văn của ai đó giống y rồi, thường ngày cha y chỉ ngồi lỳ một đống ở đó, có thấy làm văn làm thơ gì đâu.

Mãi đến khi dần quên đi cái chân tê, dần chuyển sang buồn ngủ thì Tả Quý mới kéo dài giọng hô: -... Ba lần khấu đầu.

Hai mẹ con cung kính dập đầu ba cái.

Tế tổ vậy là xong, Lương thị bê từ trong bếp ra một cái bàn tròn lùn, xếp ba cái ghế, đi tới trước bàn khấn bái xin lễ, lấy bánh bao bánh năm mới xuống đặt ở bàn tròn, lại lấy hai chén rượu, rồi mang ba thứ thịt vào bếp, thái thịt lợn thành sợi, cho vào chảo thêm củ cải, hành hoa, xào lên, mang ra tươi cười nói: - Hai cha con mấy ngày qua vất vả rồi, làm cho cha con ít đồ nhắm rượu.

Lâu lắm rồi Tả Thiếu Dương mới ngửi thấy mùi thịt, cái bụng lập tức reo hò ầm ĩ, cho dù trong đĩa chỉ thấy hành xanh củ cải trắng, thịt chẳng nhìn thấy đâu, vẫn cứ ứa nước miếng đưa đũa ra gắp. Lương thị đánh yêu một cái: - Đợi đã, con mèo tham ăn này, cha con chưa đụng đũa, không có quy củ.

Cái này cứ quên suốt, Tả Thiếu Dương đặt đũa xuống, cười nịnh nọt: - Cha, mời cha ăn cơm.

- Vội cái gì!? Tả Quý liếc y một cái: - Mẹ con còn chưa ngồi, càng lớn càng thiếu quy củ.

- Dạ. Tả Thiếu Dương rất biết phục thiện: - Mẹ, mẹ cũng vất vả rồi, mẹ ngồi ăn đi.

- Cha con ăn trước đi, để nguội không ngon. Lương thị chùi tay vào tạp dề: - Mẹ đi nấu bát canh đã.

- Vậy cha và con đợi, cơm tất niên phải cả nhà cùng ăn.

Tả Quý gật gù: - Ừ, thế còn được, đi thắp cho tổ tiên nén hương đi.

Tả Thiếu Dương đứng dậy tới bàn cúng, quỳ xuống lấy một nén hương, thắp bằng nến, cung kính vài dài: - Liệt tổ liệt tông trên cao, xin các vị năm nay tiếp tục phù hộ cha mẹ phúc thọ an khang, phù hộ Quý Chi Đường khai môn nạp tài, cuộc sống tốt đẹp. Mở y quán hiệu thuốc không thể cầu xin làm ăn phát đạt, quy củ này y đương nhiên hiểu.

Không muốn về bàn cơm luôn, chưa được ăn nhìn chỉ tổ phí nước bọt, Tả Thiếu Dương mang Bi Vàng ra, đặt nó xuống đất, nghịch ngợm ấn đầu nó khấu đầu ba cái, sau đó ôm vào lòng đem nước ép chuẩn bị sẵn cho nó ăn, rồi trêu đùa nó. Tới khi mẹ gọi ăn cơm mới cho Bi Vàng vào lòng, ngồi xuống bàn.

Tả Quý nâng chén lên: - Nào, chúc năm sau vạn sự thuận lợi, uống một chén.

- Vâng. Tả Thiếu Dương sắp uống thì thấy mẹ không có, nói: - Cha, rót cho mẹ một chén đi, cả năm mẹ bận rộn trong ngoài vất vả rồi.

Lương thị nghe nhi tử nói lời này, mũi cay cay, xụt xịt mấy cái: - Mẹ không biết uống rượu.

Tả Thiếu Dương nài nỉ: - Mẹ, năm mới mà, phải uống một chút chứ.

- Con nó có hiếu như vậy, bà uống một chén đi. Tả Quý hài lòng vì biểu hiện của con, nói vào:

- Đúng thế. Tả Thiếu Dương chạy tới bàn, lấy cái chén rỗng tế tổ tới, rót đầy đưa cho mẹ: - Mẹ, trời lạnh uống một chén cho ấm người.

- Ừ. Lương thị vui vẻ nhận lấy chén rượu, cùng con nâng chén mời trượng phu, hai cha con họ uống cạn, bà chỉ nhấp môi một chút.

- Mẹ, sao mẹ không uống cạn, chén đầu là rượu đoàn viên, phải uống cạn vạn sự mới viên mãn.

- Được, vậy mẹ uống cạn. Lương thị chầm chậm uống hết, bà rất ít uống rượu, cho dù rượu không nặng, uống vào nước mắt suýt chảy ra.

Tả Thiếu Dương gắp một miếng củ cải xào thịt đưa tới tận miệng Lương thị: - Mẹ, ăn một miếng áp rượu.

Lương thị mở miệng ra ăn, vừa nhai vừa lau nước mắt.

Tả Quý cười ha hả, trừng mắt với Tả Thiếu Dương: - Thằng bé này, nhìn con làm mẹ khóc này... Rồi, bà rót một chén thong thả uống.

Tả Thiếu Dương gắp mấy miếng rau, nhai thật chậm, đúng là có vị thịt, nói thế nào nhỉ, ngòn ngọt, cái ngọt khác hẳn với cái ngọt của củ cải, y chưa bao giờ cảm thấy vị giác của mình nhạy bén đến thế, bất giác gắp liền mấy miếng, không thấy rằng cha mẹ y chỉ mới ăn một miếng, nhường cả cho y.

Uống thêm vài chén rượu, người nóng bừng bừng, rất dễ chịu, lòng hạnh phúc, đây là nhà mình, cũng nên biết thêm về nó, Tả Thiếu Dương nói: - Cha, cha kể chuyện về gia gia đi.

- Ừm. Tả Quý nâng chén hướng về phía bài vị: - Nói tới gia gia con làm người ta kính phục lẫn tiếc nuối, nhà chúng ta tính ra cũng là dòng dõi thư hương, thế gia quan hoạn, năm xưa thái tổ gia gia con từng làm tới chức Thần Châu công tào. Nhắc tới tổ tiên vinh diệu, mặt Tả Quý như sáng lên: - Con có biết công tào là chức quan gì không?

Tả Thiếu Dương thành thực lắc đầu.

- Công tào là tá quan chủ yếu của thứ sử, chính bát phẩm đấy, do lại bộ triều đình trực tiếp ủy nhiệm! Chậc chậc, ở quê nói tới thái tổ gia gia là nhân vật tiếng tăm lẫy lừng. Vi phụ khi còn nhỏ ở quê rất vẻ vang, nhà ta được mọi người trọng vọng, đi tới đâu người ta cũng chắp tay chào một câu tiểu thiếu gia... Tả Quý nói tới đó dừng lại, mắt nhìn xa xăm như hồi tưởng vinh quang ngày nào:

Tả Thiếu Dương thầm tính, thường có câu thất phẩm huyện lệnh, vậy chính bát phẩm chắc là cán bộ cấp phó huyện, cũng là quan không nhỏ đâu, còn thứ sử mấy phẩm thì y chả rõ, nhưng làm phụ tá cho cán bộ cấp cao còn oai hơn cả huyện lệnh, chẳng trách cha mặt mày phiêu phiêu như thế: - Vậy sau ra sao ạ?

- Ài, Tùy mạt đại loạn, quần hùng trỗi dậy bốn phía, thói đời nhiễu nhương, quan trường càng u tối, thái tổ gia gia không muốn trợ Trụ vi ngược nên từ quan, sau khi về quê rồi lòng vẫn lo cho thiên hạ, song thân cô thế cô không làm gì được nên u uất sinh bệnh mà chết. Gia gia con vất vả đèn sách bao năm, vốn muốn thi kiếm công danh, nhưng chiến loạn liên miên, đâu còn lối ra cho người đọc sách. Văn chương dần xuống giá võ đạo lên ngôi, gia gia đành con phải đồi nghề hành y.

Vậy là gia gia mình nửa đường xuất gia rồi, đáng tiếc, nếu không có chiến loạn, gia gia đỗ công danh, giờ mình là tiểu thiếu gia rồi, có điều chuyện như thế tiếc nuối chẳng ích gì, nhìn lại hàng bài vị ở trên bàn thờ, thấy ai cũng có tên có tự, đầu lóe sáng: - Phải rồi cha, làm sao con chưa có tự?

Tên tuổi của nam tử thành niên xưa chia làm ba bộ phận, họ, tên, tự, đương nhiên còn có một số người học vấn hay công danh, quan lại có cả hiệu. Ví dụ đơn giản nhất là Gia Cát tên Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long. Tự là dùng để cho người ngoài gọi, tuy trải qua nhiều triều đại có thay đổi, ví dụ chỉ người có học mới lấy tự, nhưng nói chung xưng hô bằng tự thể hiện sự tôn trọng, khi bắt đầu theo học được sư phụ đặt, hoặc trưởng thành mới lấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.