Đại Ca

Chương 29




Đội trưởng hạ lệnh, nhưng không ai hành động.

Địa phương bé tí chẳng có việc chi, cả ngày toàn bắt trộm cắp, rảnh đến phát mệt, khó lắm mới đụng trúng một vụ lớn, ai có thể đi đều ùa ra như ong vỡ tổ, kết quả là gặp phải tình cảnh kỳ lạ nhất xưa nay.

Cả đoàn trố mắt nhìn đội trưởng, rốt cuộc có một đồng chí trẻ tuổi dũng cảm hỏi: “Đội trưởng, đưa ai đi, ai là người phụ trách chủ yếu?”

Đội trưởng đanh mặt, ưỡn ngực ngẩng đầu trưng ra biểu cảm Kim Cương trợn mắt, hùng hồn nói: “Mẹ kiếp anh mày biết thế đếch nào được?”

Một đám đồng chí tiếp tục trố mắt nhìn nhau, cậu chàng ban nãy nhận được ánh mắt cổ vũ của đồng sự, một lần nữa dũng cảm gặng hỏi từ nội tâm: “Đội trưởng, anh có thể phán đoán được đây là nơi nào và bọn họ đang làm gì không?”

Đội trưởng xanh xám mặt, da mặt giật giật: “Mẹ kiếp anh mày phán đoán thế đếch nào được?”

Đồng chí trẻ tuổi tuyệt vọng vô cùng: “Đội trưởng, vậy anh có thể cho tụi em biết họ là doanh nghiệp bình thường, hay là tổ chức xã hội đen chưa biết tên chứ?”

Sự ức chế trong lòng đội trưởng trào ngược thành sông, đành phải nạt nộ: “Mẹ kiếp anh lấy gì để cho các chú biết?”

Club tư trang hoàng xa hoa này hết sức kỳ lạ, khi họ đi vào đại sảnh tráng lệ, căn cứ vào tư tưởng ghét giàu, đội trưởng theo bản năng ra vẻ hung thần ác sát, giơ thẻ công tác quát tháo bắt người phụ trách ra đây.

Một loạt nhân viên tiếp khách sững sờ nhìn họ, rồi đột nhiên, có một tay dáng vẻ như bảo vệ sắc mặt trắng bệch co cẳng bỏ chạy y như bị động kinh vậy.

Phản ứng đầu tiên của đội trưởng là, tay này chính là hung thủ, liền quát to: “Đứng lại!”

Đội trưởng gương mẫu xông lên trước, những người khác tuy không biết tay này là ai, nhưng không thể tụt lại sau lãnh đạo, vì thế cũng co giò đuổi theo.

Sự tháo chạy và đuổi bắt nhanh chóng gây ra hiệu ứng quần thể, những người vốn còn bình tĩnh đột nhiên cũng không chắc chuyện gì đang xảy ra, liền nhanh chóng chuồn đi theo chiến lược.

Trong chớp mắt, một đoàn bảo vệ cao to đều y hệt con gái nhà lành gặp lưu manh, chạy còn nhanh hơn thỏ.

Chỉ còn một loạt các cô nàng xinh xắn co cụm lại, trông như đau bụng kinh vậy.

Tay chạy trước nhất vừa vặn gặp quản lý đại sảnh đang đi tuần trong hành lang, quản lý xuất thân là một đả thủ cấp cao, thấy dáng vẻ như gặp ma này, cho rằng phải sống mái với nhau, liền rút súng ngắn giắt bên hông – người khác không dễ có đãi ngộ này.

Hắn vừa định quát mắng tay bảo vệ suýt lao vào lòng mình thì tên kia đã la lên như gặp ma: “Cảnh sát! Cả một tốp cảnh sát!”

Quản lý nói: “Không thể nào!”

Mấy người theo gót chạy đến, kêu la như “chó sói đến”: “Chó chết, sao lại có cớm được!”

Quản lý chần chừ vài giây, do dự chốc lát giữa “liều mạng với cớm” và “quyết đoán rút lui”, rốt cuộc quyết đoán rút lui.

Chuyến này truy đuổi liền xảy ra chuyện.

Nguồn căn thì phải trách Triệu Lão Cửu, Triệu Lão Cửu này rất nặng mùi cường đạo, là một kẻ cầm đầu dưới trướng Hồ tứ gia, những chuyện trái pháp luật, chỉ có người khác không nghĩ tới chứ không có việc hắn không dám làm.

Hễ là người đàng hoàng thì hắn đều khinh thường, hắn để ý cơ bản đều có tiền án – nhìn thấy cảnh sát, bản năng lập tức mách rằng đã xảy ra chuyện.

Chạy trốn nhanh hơn chính là khách quý, các vị khách quý hoặc lai lịch bất chính hoặc có máu mặt, đều chỉ vui vẻ đến chơi chứ chẳng ai muốn dính tới cớm, vậy nên ngay lập tức giải tán sạch như cá chạch.

Trong lòng Triệu Lão Cửu có cùng một vấn đề: “Chó chết, sao lại có cớm được?”

Nhưng hắn phải giữ thể diện, không thể nhảy như loi choi. Triệu Lão Cửu lau mồ hôi, hắn không nhận được bất cứ tin tức nào, nghĩ kỹ lại thì dường như cũng không có sơ suất, hắn nghĩ muốn nát đầu cũng chẳng biết cảnh sát rốt cuộc đến làm gì? Chẳng lẽ là nợ tiền điện nước?

Triệu Lão Cửu rỉ tai đàn em: “Sơ tán mọi người trước – nói thừa, đương nhiên là sơ tán quyền thủ, mẹ kiếp đám khách quý toàn là cá chạch, chạy từ lâu rồi chứ còn cần mày nhắc nhở! Trừ nữ phục vụ và những người thân thế trong sạch thì đừng để lại ai… Được rồi, ở đó cũng chỉ còn lại nữ phục vụ thôi. Kêu người chuẩn bị giấy phép kinh doanh, lát nữa không chừng tao phải đi theo họ một chuyến, tao sẽ về nhanh thôi, yên tâm, chắc chắn không sao đâu, mày kêu người dọn dẹp sạch sẽ, đặc biệt là thẻ đánh bạc và ‘thuốc’, cứ bảo trên đài thi đấu toàn là người mẫu mời đến biểu diễn thôi, sau đó lập tức báo cho Hồ tứ gia.”

Tay đàn em ngu người vì biến cố thình lình xảy ra, thấp giọng hỏi: “Thế… nếu lỡ đâu có việc?”

Triệu Lão Cửu trừng mắt nhìn gã: “Câm mẹ mày đi!”

Tay đàn em cũng giống hắn, toát mồ hôi lạnh, không dám lên tiếng, lập tức đi sắp xếp.

Ngụy Khiêm cứ thế bị sơ tán.

Sóng cả gột sạch cát đá, chỉ có sinh vật phù du bé tí teo mới có thể tỉnh bơ chui ra, chẳng ai thèm quan tâm đến.

Ngụy Khiêm rời khỏi sàn hắc quyền, chạy thẳng đến ga xe lửa.

Vừa vào ga thì suýt nữa bị Ngụy Chi Viễn lao đến đụng ngã nhào.

Tam Béo và Tiểu Viễn đã đợi gã ở đây cả một buổi trưa.

Vừa quá trưa một tẹo, Tam Béo đội cái nắng gay gắt đầm đìa mồ hôi đón được Ngụy Chi Viễn, mới gặp đã đỏ mặt tía tai hỏi: “Anh hai mày đâu? Ở đâu rồi? Hả? Địa chỉ thằng ranh nhà mày gửi cho anh là nơi nào? Thằng kia làm gì ở đó?”

Ngụy Chi Viễn: “Đánh hắc quyền ạ.”

Tam Béo gào ầm lên: “Cái gì? Tổ cha tụi bay! Hai thằng ranh con tụi bay có thể để bố sống thêm vài hôm không?!”

Ngụy Chi Viễn nhìn hắn không nói gì.

Tam Béo tiếp tục gào thét: “Bớt ra vẻ tội nghiệp đi, còn không dẫn tao đi nhặt xác cho nó?”

Ngụy Chi Viễn bình tĩnh nói: “Anh hai không cho anh đi tìm ảnh đâu.”

Tam Béo há hốc miệng – cũng phản ứng được rằng liên lạc giữa họ hay báo cảnh sát đều tiến hành trong âm thầm, Ngụy Khiêm muốn để việc này hoàn toàn chỉ là một sự trùng hợp ngu xuẩn, khuấy đục nước thì gã mới chạy được.

Cho nên Tam Béo là một người xa lạ, tuyệt đối không thể xuất hiện trong tầm mắt bất cứ ai, họ không thể dẫn đến dù chỉ một chút xíu hoài nghi, vì nó có thể khiến họ lãnh đủ.

Tam Béo: “Vậy mày nói xem phải đi đâu?”

Ngụy Chi Viễn giơ tay cho Tam Béo xem con rùa nhỏ trên mu bàn tay, Tam Béo lo âu sờ đầu nó nói: “Ôi, đẹp ghê, trông y chang anh hai mày vậy – thằng nhãi này, giờ là lúc nào rồi mà còn vẽ rùa trên tay?”

Ngụy Chi Viễn chỉ mai rùa: “Đây là anh hai em vẽ, anh Tam, anh nhìn kỹ xem, mai rùa là biển báo đường sắt đảo ngược, chúng ta đến nhà ga đi.”

Cứ thế, Tam Béo và Ngụy Chi Viễn đi đến nhà ga, đợi từ giữa trưa nắng chói chang cho tới khi mặt trời sắp lặn, trong lòng hai người một lớn một bé đã sốt ruột muốn bốc khói, trông muốn mòn con mắt, Ngụy Khiêm mới đủng đỉnh đến.

Ngụy Chi Viễn vừa ôm tay gã không buông, vừa rút một quyển sách giắt ở lưng quần, chính là sách toán cũ vẽ đầy thần quy Ngụy Khiêm mang đến, trang bìa đã ướt sũng mồ hôi của thằng bé.

Ngụy Khiêm cầm quyển sách trong tay, không biết nên nói gì cho được.

Tam Béo mới đầu còn kích động hơn Tiểu Viễn, hầu như không kiềm chế được, biến thành thùng tưới cỡ lớn, phun đầy nước miếng vào mặt Ngụy Khiêm.

Tiếc thay, sự dịu dàng của tên mập chết toi này chỉ duy trì được vài phút, cơn kích động vừa qua đi là lập tức trở mặt, cho người ta tự nghiệm thấy đầy đủ thế nào là “mấy tên mập đều giỏi biến hóa”.

Hắn kéo Ngụy Khiêm tới một góc vắng, biến hóa đa dạng, đồng thời dùng hai cách “lấy sự thật ra nói lý lẽ” và “hỏi thăm tổ tiên chửi cha mắng mẹ” quạt Ngụy Khiêm một trận, vai diễn thay đổi tự nhiên khéo léo, chả giống đang chiến đấu một mình tí nào.

Cuối cùng, Tam Béo thao thao bất tuyệt cho ra một kết luận hắn thấy là hợp lý: “Ngụy Khiêm, hôm nay anh phải cho mày biết một phát hiện lớn của giới khoa học – mày chính là một thằng siêu ngu!”

Ngụy Khiêm bị “khoa học” chặt chẽ chứng minh là siêu ngu không thể đối đáp, đành phải bấm bụng nhịn.

Ba người lúc đến đều ngồi ghế cứng, lúc về mua giường nằm hoang phí một phen.

Tiếc thay giường nằm cũng chẳng thoải mái hơn ghế cứng chỗ nào, bởi đồng chí Tam Béo ngáy muốn long trời lở đất, mấy lần xém làm xe lửa lệch khỏi ray, mà cái tên mập chết toi này còn không hề tự biết, ngủ cực sớm dậy cực muộn.

Mấy hành khách bên cạnh coi hắn thành kẻ địch giai cấp, cuối cùng mọi người không hẹn mà cùng nằm úp lên giường, bịt tai vùi đầu vào gối, dùng tư thế y hệt trốn bom để qua thời gian nghỉ ngơi dài đằng đẵng.

Ngụy Khiêm không ngủ được, liền nằm tính toán tiền của trong nhà, chuyến này gã cơ bản không chi tiêu gì, ngược lại còn gửi tiền về, thêm trước kia tích góp được chút đỉnh, giờ đây đã có tổng cộng ba vạn đồng.

Nhà họ bốn người bình quân một tháng năm sáu trăm đồng là có thể sống cực kỳ dư dả, sau một năm, chỉ cần không có chuyện bất ngờ, học phí và sinh hoạt phí cộng lại sẽ không quá sáu ngàn, nếu gã tìm được chỗ làm trong các ngày lễ và kỳ nghỉ, thì còn có thể thêm khoảng một ngàn để nuôi mẹ Mặt Rỗ.

Tạm thời thở phào được rồi.

Ngụy Khiêm đang thầm suy tính kế sinh nhai thì giường trên đột nhiên động nhẹ, sau đó một cái đầu be bé ló ra giữa cảnh tối lửa tắt đèn, treo lơ lửng nhìn ngược xuống gã.

Ngụy Khiêm vô ý ngẩng lên, lập tức giật nảy mình vì đôi mắt sáng rực trên cái đầu kia, bèn quát: “Ngụy Chi Viễn, giả ma cái con khỉ, ngủ đi!”

Ngụy Chi Viễn bị quát mà chẳng buồn chút nào, còn rụt đầu lại giống như rất vui vẻ vậy.

Ngụy Khiêm thu mạch suy nghĩ lại, mấy ngày nay tinh thần vẫn căng thẳng, sức lực hơi thiếu, thế nên sau khi quen với tạp âm, dẫu bên tai là tiếng ngáy o o khiến trời đất hoảng sợ quỷ thần bật khóc, gã cũng dần hơi buồn ngủ, gã đang sắp thiếp đi thì cái đầu ở giường trên lại lén lút chui ra y như phường trộm cắp.

Ngụy Khiêm tức giận nhổm dậy, thò đầu lên giường trên: “Mày ăn no rửng mỡ hả? Tự dưng nhìn tao hoài làm gì?”

Ngụy Chi Viễn lập tức ngoan ngoãn nằm xuống.

Ngụy Khiêm tưởng thằng bé lần đầu ngủ giường nằm thấy mới mẻ, liền thuận tay kéo chăn giúp, giọng dịu hơn: “Không ngủ được thì bịt tai lại, vẫn không ngủ được thì đạp cha mập đó một phát.”

Ngụy Chi Viễn đáp khẽ một tiếng, vẫn nhìn gã chòng chọc.

Ngụy Khiêm bò xuống, bắt chước người khác rúc đầu vào dưới gối nhắm mắt lại.

Một lúc lâu, giữa bóng đêm Ngụy Khiêm bỗng nhiên hiểu rõ, không phải Ngụy Chi Viễn đang quậy, nó cứ thò đầu ra hoài, là muốn xem mình còn ở đây không.

Khiến thằng nhóc này phải sợ hãi rồi, Ngụy Khiêm nghĩ thầm, quả không nên dẫn nó theo.

Hai anh em về đến nhà, đương nhiên bị bà Tống kêu réo và hỏi nọ hỏi kia, Ngụy Chi Viễn giả ngu không lên tiếng, bà Tống liền khạc lửa đạn sang Ngụy Khiêm: “Mày kiếm đâu ra lắm tiền như vậy? Mày đã đi đâu? Làm việc gì xấu rồi đúng không? Mày nói đi!”

Bà lão y như một con nhặng cỡ bự, không ngừng kêu vo ve ngay tai Ngụy Khiêm, gã hết nhịn nổi đành bỏ ra ngoài, gửi hai vạn rưỡi còn lại vào ngân hàng, không cho bà nội biết, tránh để bà già tiếp tục om sòm.

Đi một vòng quay về thấy bà Tống vẫn nghiêm mặt, chẳng mảy may muốn tha cho gã, Ngụy Khiêm rốt cuộc khuất phục, bực bội nói: “Tôi đi bán máu, được chưa!”

Bà Tống líu lưỡi: “Bán… Bán cái gì?”

Thái độ của Ngụy Khiêm càng tồi tệ hơn: “Bán hai cân máu, một quả thận, bà hỏi đủ chưa, để tôi yên một lúc được không?”

Nghe là biết nhảm nhí, song bà Tống không thấy thế, bà lão chưa được học hành một ngày nào, chỉ nghe nói bán máu, nhưng không biết máu người nào phải quả dưa quả táo để mà dùng cân, lại nhìn khuôn mặt nhợt nhạt gầy gò của Ngụy Khiêm, tức khắc liền nghĩ ngợi lung tung mà tin sái cổ.

Ngụy Khiêm vốn muốn để bà già bớt làm phiền mình, đâu ngờ tạo thành hậu quả như vậy.

Bà Tống dùng chất giọng vang khắp làng, khóc y như tuồng, rõ là mở đầu của màn giậm chân đấm ngực toan treo cổ.

Tiểu Bảo và Tiểu Viễn liếc nhìn nhau, sau đó cùng ném ánh mắt bối rối về hướng anh hai, nét mặt anh hai sững ra tới nửa phút, Tiểu Viễn thấy khóe mắt anh hơi giật giật.

Ngụy Khiêm ngồi xổm xuống cạnh bà Tống, cẩn thận thò tay chọc bà lão một cái như chuẩn bị chạm công tắc điện, lại nhanh chóng rụt về, ho khan nói: “Này… Khụ, bà đừng khóc nữa.”

Nước mũi nước mắt chèm nhẹp trên mặt bà Tống: “Tao thật bất lực! Tao chỉ là một bà già nhà quê… Tao chẳng biết cái gì! Tao chỉ giỏi gây phiền phức! Để một đứa trẻ phải đi bán máu bán thận, con người làm được ư? Sao tao còn chưa chết chứ… Tao sống làm gì…”

Ngụy Khiêm tuy không đến mức luống cuống chân tay nhưng cũng vô kế khả thi, gã im lặng nghe bà già khóc bù lu bù loa, cảm thấy dở cười dở mếu, nghĩ bụng may mà chưa bảo mình đi đánh hắc quyền, nếu không chắc bà già này phải sợ chết tươi.

Mà ngoài cảm giác dở cười dở mếu vớ vẩn này, gã lại cảm thấy một chút an ủi lạ lùng.

Câu “để một đứa trẻ phải đi bán máu bán thận” đâm thẳng vào tim gã, từ nhỏ đến lớn, rất ít ai dùng “đứa trẻ” để gọi gã.

Ngụy Khiêm thấy, hai chữ “đứa trẻ” không hề là danh từ trung tính dùng để tả một người trẻ tuổi – gã cho rằng danh từ trung tính nên là “thằng nhãi” – mà cách xưng hô “đứa trẻ” này, dường như thay mặt cho những chăm sóc, khoan dung và cưng chiều đến từ người lớn hoặc là bề trên.

… Đó là những điều gã chưa bao giờ được nhận.

Ngụy Khiêm hơi xấu hổ, chờ bà lão khóc hơi yếu đi, gã mới lấy một cuộn giấy vệ sinh dưới bàn ăn đưa ra: “Ôi đừng khóc nữa, lúc nãy tôi nói đùa, lừa bà thôi.”

Bà Tống thút thít chửi bới: “Thằng ôn dịch! Mày rốt cuộc đã làm gì?”

Ngụy Khiêm nói dối không cần nháp: “Một ông bạn có đường làm ăn, kéo tôi nhập bọn, chuyển ít hàng đến phương Nam, chạy mấy chuyến xe tải…”

Bà Tống: “Đừng bố láo, sao mày không đái một bãi ra mà soi sắc mặt mình xem?”

“Tôi…” Ngụy Khiêm không nhịn được buồn cười, “Bà có biết mỗi ngày bọn tôi phải chạy trên đường bao nhiêu lâu không? Xe tải chạy một ngày mười mấy tiếng, ăn ngủ ngay trên xe, gió lùa nắng chiếu, sắc mặt ai mà đẹp cho nổi? Tôi đâu phải thần tiên!”

Bà Tống vẫn nhìn gã với vẻ nghi ngờ.

“Thật đấy.” Ngụy Khiêm bịa như thật, “Ông Tam cũng đi, không tin bà hỏi ổng xem, bọn tôi chở hàng từ nhà xưởng ở Quảng Đông đến phương Bắc bán lại gấp mấy lần, cho tôi mấy ngàn phí dịch vụ thì bõ bèn gì?”

Dù sao Tam Béo cũng sẽ lấp liếm giúp gã.

Bà Tống lúc này mới nửa tin nửa ngờ, lát sau nói: “Thế… thế mày vén áo lên cho tao xem, người ta nói ai bán thận đều có một lỗ sau lưng.”

Dứt lời liền muốn tự mình cởi áo Ngụy Khiêm.

Ngụy Khiêm nhảy dựng lên, lui một bước dài: “Bà làm gì thế? Nam nữ thụ thụ bất thân! Bà già rồi đừng làm trò mất mặt được không?”

Bà Tống nghe gã càng nói càng mất dạy, thuận tay cuộn một quyển sách đập Ngụy Khiêm túi bụi: “Này thì đặt chuyện, này thì nói láo…”

Bà lão đập một trận rồi rốt cuộc quên luôn chuyện lột đồ Ngụy Khiêm, xem như qua cửa.

Kỳ nghỉ hè qua đi rất nhanh, con bé Tống Tiểu Bảo không nên thân kia lại bắt đầu nhờ cậy khắp nơi làm bài tập như điên, Tam Béo thường xuyên sang lượn một vòng, bà Tống ban ngày đi buôn bán, ba anh em này mỗi đứa chiếm một góc im lặng học hành, giống như căn nhà xưa nay luôn om sòm đã biến thành phòng tự học, tràn ngập bầu không khí học thuật.

Đôi khi Tam Béo ngồi lâu còn cảm thấy rất khó chịu.

Lúc Ngụy Khiêm thay áo thun trắng sạch sẽ, tóc chải gọn gàng, hoàn toàn tập trung, vẻ u ám ở vùng chân mày sẽ tiêu tan hết, trông chẳng khác nào một học sinh trung học bình thường.

Tháng Chín, gã rốt cuộc quay về ngôi trường xa cách hơn ba năm, một lần nữa bắt đầu cuộc sống trung học lắm luật lệ mà chẳng có gì để khen.

Mỗi sáng, đầu tiên gã đạp xe chở bà Tống đến chỗ bán hàng, sau đó vớt một bắp ngô và một quả trứng trong nồi, mang đến trường ăn, một ngày tám tiết bận rộn học xong, gã nhân thời gian cho bữa tối nhanh chóng chạy từ trường đến chở bà Tống về, lại lấy đại chút thức ăn ở nhà rồi chạy về trường tự học.

Có một người lớn chăm sóc gia đình, Ngụy Khiêm dỡ được quá nửa gánh nặng, trong lòng gã rất biết ơn bà nội.

Thật ra Ngụy Khiêm chưa học xong lớp 10, nhưng để tiết kiệm thời gian, gã vào thẳng lớp 11 do cô Lý chủ nhiệm, dù nghỉ hè chăm chỉ học hành nhưng cuộc thi tháng đầu tiên vẫn không lý tưởng, chỉ miễn cưỡng chen vào hàng trung bình yếu.

Nhưng Ngụy Khiêm không cảm thấy có gì đáng lo, chưa đội sổ chứng minh rằng gã vẫn theo kịp, đến cuộc thi giữa kỳ, gã đã từ trung bình yếu nhảy lên khá giỏi.

Gã chuyên tâm học hành như lúc làm bảo kê cho Nhạc ca, hơn nữa thành tích rõ rệt – “khắc khổ” chẳng phải là thức khuya dậy sớm, đọc sách nhiều hơn, làm hơn người khác vài đề sao?

Với Ngụy Khiêm mà nói thì cái sự “khổ” này căn bản chẳng nhằm nhò gì.

Đến khi thi cuối kỳ, Ngụy Khiêm từ khá giỏi hoàn toàn nhảy lên top đầu, thành một học sinh xuất sắc hiền lành kiệm lời lại còn đẹp trai… Mới hơn nửa năm trước, đây còn là một thân phận không thể tưởng tượng.

Tiếc rằng ở nhà gã là người đứng đầu nói một không hai, bà Tống mỗi ngày buôn bán và giúp việc, đi sớm về khuya bận tối mày tối mặt, hai đứa nhãi kia cũng chẳng dám lắm miệng hỏi thành tích của gã, Ngụy Khiêm lại cảm thấy tự nói thì có vẻ khoe khoang quá, làm mất sự uy nghiêm của người chủ gia đình.

Nhưng vụ này thật sự làm gã bứt rứt muốn chết.

Kìm nén mãi đến Tết, bà Tống lì xì cho mấy anh em, làm sủi cảo xong xuôi, trên bàn cơm mới nhớ hỏi Ngụy Khiêm: “Thằng hai, mày học hành sao rồi? Thi được hạng mấy?”

Ngụy Khiêm mất tự nhiên cầm khoản tiền lì xì đầu tiên từ thuở lọt lòng, thuận miệng nói: “Bà lắm chuyện quá.”

Bà Tống vui mừng cười mắng gã: “Thằng oắt con, nói đàng hoàng coi!”

Ngụy Khiêm bèn làm bộ hời hợt trả lời thành tích và xếp hạng, giống như toàn là mấy việc nhỏ nhặt chẳng đáng kể, do bà lão khăng khăng muốn hỏi, mới miễn cưỡng nói một tiếng.

Bà Tống đang đảo sủi cảo trong nồi nước sôi đột nhiên khựng tay lại, một lúc lâu mới dè dặt hỏi: “Thế… đủ để thi vào đại học chứ?”

Học sinh trường trung học trọng điểm chưa bao giờ coi “thi vào đại học” là gì, mục tiêu của họ đều là cố hết sức thi vào “đại học tốt nhất”.

Nhưng bà Tống không hay tiếp xúc với tầng lớp trí thức, học sinh và thành phần trí thức bình thường tới ăn đều được bà hầu hạ y như một giai cấp khác, chưa bao giờ nghĩ nhà mình cũng sẽ có một người… “giai cấp” đó.

Trong đầu bà lão thì “vào đại học” là một giấc mơ hèn mọn mà xa vời.

Ngụy Khiêm hờ hững “ừm” một tiếng.

Bà Tống nội tâm sôi trào, kích động không thể diễn tả, mãi đến rất nhiều ngày sau, Ngụy Khiêm sắp khai trường, đạp xe đi đón bà lão ở chỗ làm theo giờ buổi chiều, còn nghe thấy bà đang khoa tay múa chân khoe với người làm cùng: “Thằng cháu lớn của tôi học ở trung học trọng điểm, giáo viên đều nói về sau thi đại học không có vấn đề gì hết.”

Ngụy Khiêm từ đằng xa nghe thấy thế, lẩm bẩm một câu: “Bà khọm già giỏi dát vàng lên mặt thật, ai là cháu bà?”

Tuy vậy lúc đạp xe đến gã vẫn điềm nhiên nói: “Bà nội, đi thôi.”

Cuối tất cả khó khăn và gánh nặng, đều là năm tháng kiếp này như nước chảy mây bay.

Bạn có thể hai bàn tay trắng, chỉ cần tinh thần vẫn còn đó – Trích từ bài diễn thuyết tốt nghiệp của hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Thượng Hải năm 2013.




Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.