Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 14




Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Cuối cùng thì Điền Trường Quý vẫn nhảy xuống từ đầu tường, có điều trước khi xuống dưới cậu đã ngồi xổm trên đó gần nửa tiếng đồng hồ. Cũng chẳng phải cậu không muốn xuống, mà do đáy quần ống loe đã rách mất tiêu, nên chỉ cần động một tí là quần lót sẽ lộ ra ngay. Cậu không dám nhúc nhích nên chỉ có thể ngồi xổm trên tường trơ mắt ra nhìn.

Vốn dĩ, nếu cậu cứ ngồi chồm hổm trên tường nhà người ta thế này thì chẳng mấy chốc sẽ có chủ nhà ra hỏi. Nhưng hôm nay lại có nhiều người tham gia hôn lễ, khoảng không gian trong sân rõ là không đủ dùng, thế nên đừng nói đầu tường, đến cả nóc nhà cũng có người ngồi xổm kia kìa. Bởi thế cũng chẳng mấy ai để ý đến cậu.

Nếu không phải sau đó Tôn Biền phát hiện Điền Trường Quý vẫn còn ở trên đầu tường không cựa quậy, quá bất thường, kêu anh trai Điền Trường Lễ của cậu sang hỏi, thì phỏng chừng cu cậu còn phải tiếp tục tạo dáng trên tường nữa cho mà xem.

Điền Trường Lễ cởi tay áo cho em trai quấn quanh hông, che cái lỗ thủng lớn toác ra trên đũng quần kia lại, sau đó vừa giũ chiếc áo may ô của mình vừa nói: “Em giỏi quá nhỉ, to đầu như thế mà còn để một đám con nít nó lừa cho, đầu óc em cũng ăn hết với cơm rồi đúng không? Đã bảo là đừng có mặc bộ đồ này rồi mà, có khác gì mấy thằng côn đồ không, chờ em về nhà coi ông nội sẽ trừng trị thế nào.”

Điền Trường Quý nghe thế thì ỉu xìu không dám cãi lại. Từ đầu chí cuối hai anh em cũng không truy cứu chuyện đã chịu thiệt.

Căn bản là ở thời đại này bọn nhỏ trong thôn đều như thế, chơi đùa trêu chọc lẫn nhau, mày phá tao thì tao phá mày. Dám quậy thì dám chịu, ai chơi lớn quá mức bị người ta đè ra đánh cho thì cũng không dám hó hé gì, ai bảo mày quậy quá làm chi.

Bởi thế nên sau khi bị đập cho mấy lần, mấy đứa nhóc cũng biết được giới hạn cũng như địa vị của mình trong đám trẻ con là ở đâu, cũng giống như sư tử con trưởng thành trong quần thể của mình vậy, chơi rồi đánh rồi quậy, tự nhiên cũng từ từ chia ra làm người dẫn đầu, người nghĩ kế, người ra sức làm việc.

Nếu mấy đứa dẫn đầu hoặc nghĩ kế, sau này trưởng thành còn biết nói chuyện, có thể làm việc và chịu đựng, đương nhiên sẽ ngày càng nổi bật hơn trong dòng họ, cứ thế sản sinh ra người có tiếng nói trong thôn từ đời này sang đời khác.

Điền Trường Quý lấy tay đè lên cái áo thắt bên hông, lòng buồn rười rượi bảo: “Chờ xong tiệc cưới dì nhỏ Thục Phân là em sẽ đi ngay, ở nhà đúng thật là vô nghĩa, đặc khu bên kia vẫn tốt hơn nhiều.”

Điền Trường Lễ dắt cậu về nhà thay quần áo, nghe thế mới liếc mắt lên trời nói: “Em không đi được đâu, ông nội giữ lại vé xe của em rồi.”

“Cái gì? Sao lại có thể? Tại sao không cho em đi?”

“Còn vì sao nữa, chẳng phải bởi hôm nay em ăn mặc cái thứ quỷ quái này à. Ông nội bảo em rời nhà còn chưa được nửa năm đã lăn lộn thành thằng quỷ rồi, không dạy dỗ là không được, nên giữ vé xe em luôn. Nói là chờ em học cho khôn ngoan rồi thì lại đi xa.”

Thế này thì đúng là cắt đường chơi luôn, Điền Trường Quý mới nãy đứng trên đầu tường còn thấy rõ mặt ông nội đen sì hết cả ra. Bây giờ mà rơi vào tay ông cụ á, roi ngựa còn không quất cho gãy được ấy?

Nhưng cũng đừng hòng mơ tưởng tới chuyện tự mình rời nhà đi, từ đây đến đặc khu phải vừa đi vừa đổi ô tô, xe lửa. Đoạn đường cũng phải hai, ba ngày mới tới, nếu không có người đi chung thì chỉ cần hơi híp mắt thôi, đến khi tỉnh lại khéo quần cộc cũng có nguy cơ bị ăn trộm kéo mất rồi ấy chứ.

Điền Trường Quý cúi đầu ủ rũ lại không có biện pháp phản kháng, cuối cùng đành phải chán chường trở về nhà.

Giữa trưa hơn mười một giờ, nhóm quan khách nhận lời mời đến tham dự tiệc cưới gần như đã đến đông đủ. Người chủ trì phụ trách quản lý mọi việc sau khi hỏi chủ nhà và đầu bếp mới kêu mấy thằng nhóc trong họ chuyển bàn trong phòng, bắt đầu bày biện ra sân. Đồng thời cũng gân cổ họng hô hào mọi người đang phân tán khắp nơi về bàn chuẩn bị khai tiệc.

Chú chủ trì là người nói lớn, chỉ cần cất giọng lên là nửa thôn cũng nghe thấy. Đám Tôn Biền lúc này đang ngồi ngoài cổng cách sân không xa, đương nhiên là nghe được nhưng không ai di chuyển cả. Cứ thế mà cần nói chuyện thì nói, thích nghe radio thì tiếp tục nghe tiết mục đang phát trong đài.

Mấy cô bé không ai động đậy chẳng phải vì không muốn dùng bữa, mà bởi vì thôn này khi làm tiệc thì thường có một quy tắc bất thành văn, đó chính là đầu tiên phải mời quan khách, họ hàng xa và những người thân nhà ở xa ăn trước. Họ hàng trong nhà và bạn bè thân thích nhà tương đối gần sẽ tự động đợi một lúc mới vào bàn.

Từ ngày xưa, lễ tiết ở đây chính là khách mời nhất định phải được tiếp đãi tốt. Người thân, bà con xa xem như quan khách cũng phải chiêu đãi cho tốt, bạn bè thân thích nhà xa không thể để người ta lần mò đi đường đêm, thế nên lúc dọn bàn tiệc đầu tiên nhất định phải hô lên.

Các quy tắc trên được người chủ trì phụ trách tiếp đãi quan khách nằm lòng, thế nên khi ông vội đi quanh bàn chào hỏi khách khứa cũng sẽ vô cùng tự giác kéo những người này tới bàn trước.

Ông chú hai Tôn Biền theo quy tắc gả con gái định làm mười sáu bàn, giờ nhìn nguyên liệu làm tiệc chắc là đủ, bàn với chén đũa có thiếu một ít, nên chỉ có thể bày một nửa lên trước, còn lại thì đợi chút nữa làm thêm một đợt.

Vì gả con gái út mà nhà mẹ đẻ đúng là chịu bỏ vốn liếng, đồ ăn trên bàn gần như nơi nơi đều thấy thịt. Đối với người nhà nông quanh năm suốt tháng cực nhọc, ăn không được mấy miếng chất béo thì đây là mâm cỗ cực kỳ hiếm có đấy.

Nhóm khách mời vô cùng hài lòng với các món, cho bụng tha hồ thưởng thức. Bàn nào cũng có người thân trong nhà chịu trách nhiệm chiêu đãi khách. Bởi bên nhà trai đã nói là chiều phải qua rước dâu, thế nên mâm cỗ ở đây làm khá sớm, mọi người biết chủ nhà có việc nên cũng không ai nát rượu dính chết lên bàn. Cơ bản còn chưa tới hai giờ chiều thì hai đợt tiệc rượu đã xong hết.

Sau đó ông chú và bà thím hai Tôn Biền đi tiễn từng khách mời phải về trước bởi đường xa. Nhóm chị dâu và các thím trong nhà thì tay chân nhanh nhẹn kéo bàn, rửa sạch bát đũa, hai người Điền Canh Địa và cậu em lấy cây chổi rơm lớn đi quét sạch sân. Sau khi sắp xếp hết mọi thứ xong thì đợi chú rể tới đón cô dâu.

Thấy thời gian rước dâu hai nhà giao hẹn đã gần đến, chị dâu Điền Thục Phân và các chị trong phòng vội vàng đóng gói nữ trang cho cô em. Mấy người anh trai và anh rể thì lôi từng món đồ nội thất hồi môn ra, chuẩn bị chút nữa chất lên xe.

Hiện tại dưới quê đón dâu vẫn không thể gọi được xe ô tô, nhà có của hồi môn nhiều sẽ gọi xe ngựa đến đưa đón cô dâu. Của hồi môn ít thì chú rể và các phù rể sẽ mượn mấy chiếc xe đạp, rước cả cô dâu mang bọc quần áo về nhà.

Đương nhiên nếu trong thôn giàu có hoặc gia đình kết hôn quan hệ tốt với đại đội, dựa vào mối quan hệ này cũng có thể mượn được cái máy kéo về dùng. Ban đầu vốn bên nhà trai hay nhà họ Điền đều có quan hệ hết, đại đội cũng đã đồng ý rồi, nhưng ba hôm trước cái máy kéo của đội bỗng nhiên hỏng mất, tới bây giờ còn chưa sửa được, làm tiêu tùng ý định muốn để Điền Thục Phân ngồi máy kéo đi lấy chồng cho nở mày nở mặt luôn.

Máy kéo đã hư nhưng vẫn phải kết hôn. Bên đàng gái còn đỡ vì nhà ông ngoại Tôn Biền có sẵn xe lừa. Chứ nghe nói nhà trai đã tốn không ít nước bọt để tìm được một cỗ xe ngựa có thời gian chở hàng.

Nhà ông Điền gả con gái, hễ ai trong thôn có thời gian cũng tới, anh cả Điền Thục Phân tự tay cầm dây pháo đứng chờ ở cổng thôn, nhìn thấy xe ngựa tới rước dâu, lập tức lấy đầu lọc thuốc lá đốt pháo nổ.

Đùng đùng, đùng đùng, tiếng động vang lên tia lửa cũng văng tứ tung, pháo bị châm lửa nổ vang dội trên mặt đất, cứ như là con rắn vặn vẹo khắp nơi. Mấy mẩu giấy đỏ tung bay khắp chốn theo làn khói bụi.

Đây được gọi là pháo đón khách, cũng là tin anh cả Điền gửi về cho người trong nhà.

Nghe tiếng pháo nổ phía đầu thôn, mấy đứa thanh niên phụ trách điều tra tình hình ngồi xổm trên nóc nhà tức khắc đứng dậy, lấy tay che mắt rồi quan sát cẩn thận, sau đó chạy tới mái hiên nhà bên, nói vọng xuống đám người đang chờ phía dưới: “Đến rồi, có người tới rước dâu rồi.”

Các chị và chị dâu phụ trách đóng gói nữ trang trong phòng nghe thế lập tức tăng tốc động tác. Đám con gái Tôn Biền cũng từ bên ngoài đi vào trong sân, Tôn Ký đã sớm trở lại chỉ huy đồng bọn đóng kỹ cổng nhà, một đám khỉ gió đứng chặn trước cửa chính chờ chú rể tới rước cô dâu.

Bé em họ nhìn cái đám chặn cửa với điệu bộ như muốn nhảy lên lật ngói nhà kia, không khỏi lắc đầu thở dài: “Ôi, em thiệt là thông cảm cho dượng Thục Phân đó, đụng phải cái đám ranh con chặn cửa thế kia.”

Người lớn trong sân nhìn bọn nó mà người vui vẻ, mấy năm nay đám nhóc này toàn lo phụ trách chặn cửa khi gả cô dâu, tụi khỉ gió ấy thật có bản lĩnh giày vò người tới rước dâu dở khóc dở cười mà không hề tức giận. Giữ chừng mực quá vừa vặn, cũng chẳng biết làm sao mà bọn nó nghĩ ra được.

Qua mấy lần người lớn thấy bọn trẻ chỉ quậy chứ không quá trớn, nên cũng tùy chúng nó, dù sao thì kết hôn cũng cần tạo không khí mà.

Nhất là mấy cậu anh rể từng nếm đủ đau khổ dưới tay đám loắt choắt này, ngồi bên cạnh rung đùi cười cười, dáng vẻ như đang chờ đợi cảnh tượng náo nhiệt lắm đây.

Hết chương 14.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.