Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 83: 83: Sữa Đậu Nành Và Bánh Bã Đậu





Trải qua một đêm, băng vụn trên sông đã đông cứng lại.

Có thể vẫn còn những đoạn sông chưa hoàn toàn cứng, nhưng cũng đã bị tuyết dày bao phủ.
Đứng ở bờ sông, nước sông chảy xiết lúc trước giờ đã trở thành một cánh đồng tuyết trắng tĩnh lặng.
Lớp băng ở lòng sông có thể không đủ cứng, nhưng lớp băng ở gần bờ thì lại kiên cố như đá.
Hà Điền và Dịch Huyền mang theo dụng cụ đục băng, trời vừa sáng đã đi đến bên cạnh bờ sông.
Sau khi dùng cào gỗ đẩy hết tuyết trên mặt băng đi, có thể thấy được bên dưới lớp băng trong vắt không chỉ có nước chảy chầm chậm mà còn có cả những chú cá mập mạp bơi lội qua lại.
Bởi vì năm nay đã dự trữ đủ thịt, Hà Điền không có kế hoạch đục hai lỗ băng nữa, chỉ một là đủ rồi.
Nhưng, đối với một "em bé" hiếu kỳ như Dịch Huyền, một lỗ băng thì sao có thể đủ cho được?
Vì vậy, hai người họ mỗi người tự mình đục một lỗ.
Đối với việc đục lỗ băng, Hà Điền là người rất thành thạo, cô làm nhanh hơn Dịch Huyền rất nhiều, sau khi đục lỗ băng xong, cô đứng bên cạnh Dịch Huyền chỉ vài câu, rồi xách một xô nước để Gạo vác về nhà trước.
Sau khi về nhà, Hà Điền không đổ hết nước trong xô vào vại nước lớn mà giữ lại một nửa.

Sau đó, cô lấy một hộp gỗ có lỗ nhỏ trên nắp, cho cá nhỏ trong vại nước nhỏ vào hộp gỗ, rồi đặt vào nửa xô nước còn lại đó, xách quay lại sông.
Hộp gỗ được cột bằng dây thừng ở một đầu, nhẹ nhàng thả vào lỗ băng, cá nhỏ trong hộp có thể sống sót cả một mùa đông trong đó.
Chúng là mồi dùng để câu cá.
Cá tuyết sông là loài cá chỉ ăn thức ăn còn sống.

Nếu như không dùng lưới đánh cá mà muốn bắt được nó, vậy thì phải chuẩn bị trước mồi sống.
Đầu kia của sợi dây cột hộp gỗ treo một vòng tre tròn, đường kính khoảng mười cm, dày và có xỏ lỗ.

Sau khi thả hộp gỗ xuống, Hà Điền đặt chiếc vòng tre trên mặt băng phẳng, sau đó cô đứng dậy, dùng một chân giẫm lên sợi dây, nhấc xô nước lên rồi từ từ đổ nước lên chiếc vòng tre đó, chẳng mấy chốc vòng tre đã đông cứng lại trên mặt băng.

Sau khi đổ thêm vài lần, vòng tre đông cứng dưới lớp băng dày, hộp gỗ được cố định chắc chắn, khi muốn dùng mồi thì kéo dây nhấc lên, không lo hộp bị trôi đi.
Hà Điền cũng mang theo mấy cọc tre có độ dài không đồng đều, cô đặt một chiếc cọc tre dài khoảng một mét ngang qua lỗ băng, đổ nước lên và cố định nó trên mặt băng, sau đó cắm một chiếc cọc tre dài vào trong lỗ băng đó.

Sau khi thử độ sâu của nước, cô tháo đôi bao tay lông hươu dày ra, cột một đoạn dây câu vào đầu cọc tre.
Nhiệt độ lúc này có lẽ đang dưới âm hai mươi độ, mặc dù vẫn đeo chiếc bao tay năm ngón làm bằng da sóc nhưng ngón tay của cô nhanh chóng bị đông lạnh tê cứng, lại không linh hoạt, nên trên móc câu đã được cô móc cá sẵn từ trước.
Hà Điền gọi Dịch Huyền: "Anh lại đây nhìn cách em câu cá này!"
Dịch Huyền đặt chiếc xẻng giống bậc thang xoắn ốc dùng để đào lỗ băng xuống, thở ra khói trắng chạy đến: "Có gì khác với câu cá lúc bình thường hả?"
Hà Điền giậm chân một cái: "Lúc này ai mà muốn ngồi đây câu cá chứ? Giúp em kéo dây lên."
Dịch Huyền kéo sợi dây cột trên hộp gỗ lên, Hà Điền ngồi xổm bên lỗ băng, vừa kéo hộp lên, cô nhanh chóng mở nắp hộp ra, nhanh tay lẹ mắt bắt một con cá rồi treo nó lên móc.


Chiếc hộp lại bị đóng lại và thả xuống nước, dây câu nối với cọc tre cũng được thả xuống lỗ băng.
Hà Điền thổi vài hơi vào ngón tay, lại nhanh chóng đeo bao tay vào.
Do độ rộng của lỗ băng nhỏ hơn chiều dài của cọc tre nên cọc tre bị dư ra một đoạn trên lỗ băng.
Hà Điền nhấc cọc tre lên một chút, dùng dây thừng cột một nút chéo cố định nó vào cọc ngang trên lỗ băng.
"Được rồi, đợi một đêm, ngày mai sẽ có cá!" Cô nắm chặt tay, đi xem lỗ băng do Dịch Huyền đào.
Cuối cùng, đợi khi đã tạo được lỗ băng rồi, Dịch Huyền hoan hô một tiếng, dùng dây thừng cột vào xô, thả xuống múc một xô nước, cũng đổ đầy xô nước của Hà Điền, mỗi tay xách một xô đi lên sườn núi.
Vừa nãy khi anh còn đang đục lỗ băng thì Lúa Mì vẫn luôn tò mò dõi theo mấy con cá đang bơi phía dưới lớp băng kia.
Đây là lần đầu tiên nó nhìn thấy băng.

Năm ngoái nó được sinh ra cũng trong mùa đông, nhưng lúc đó nó còn bé xíu nên không được phép chạy vào địa phận có băng và tuyết.
Khi Dịch Huyền đặt chiếc xô lên xe trượt, trên bề mặt xô nước đã đông thành một lớp băng.

Lúc Gạo kéo chiếc xe trượt đi, tảng băng lơ lửng lúc ẩn lúc hiện trong xô.

Đây cũng là một cảnh tượng mới lạ đối với Lúa Mì.
Dịch Huyền thấy Lúa Mì nhìn chằm chằm vào ván đá trong xô, vì vậy anh đã nắm lấy ván đá và ném nó ra ngoài như một đĩa ném, xua Lúa Mì đuổi theo chụp.
Lúa Mì chạy vụt theo, nhảy nhảy trong tuyết, cố gắng nhặt ván đá lên, nhưng không thành công, vì vậy nó rầu rĩ chạy về.
Dịch Huyền bật cười.
Hà Điền thấy vậy, liền lấy một ván đá khác đưa cho Lúa Mì, Lúa Mì vui vẻ ngậm lấy, nhập một cái, ván đá vỡ thành nhiều mảnh, Lúa Mì lại ngẩn ra, nó rụt rè nhìn Hà Điền.
Dịch Huyền ôm bụng cười ha ha.
Hà Điền đành phải quỳ xuống vỗ đầu Lúa Mì để an ủi nó.
Về đến nhà, Hà Điền lấy một chiếc chum đất trong kho gốm ra, dùng một nắm tuyết để cọ rửa.
Không uổng công làm bếp sưởi và mắc rèm bông, vịt đẻ rất nhiều trứng, hầu như ngày nào cũng có năm sáu trứng cả.

Chỉ trong vài ngày, chúng đã đẻ được một giỏ trứng đầy.
Mặc dù trứng rất ngon nhưng không phải ngày nào cũng có thể ăn được.
Hà Điền cho một chén muối nhỏ vào trong chum, hòa với nước ấm, khuấy đều, sau đó cho mười lăm quả trứng vào, chuẩn bị ngâm một chum trứng vịt muối khác.
Chỉ cần bọc một túi lưới bằng dây rơm vào chum trứng vịt, là đã có thể dễ dàng chuyển ra và cho vào hầm.
Hà Điền đem hai con chồn và một con thỏ rừng mà hôm qua đã cất trong hầm vào nhà, đặt hai chậu tuyết rồi ngồi trước bếp lửa để lột và làm sạch lông chồn.
Năm nay có Lúa Mì, thịt chồn sẽ không bị vứt đi một cách lãng phí nữa.


Khi chuẩn bị đất sét để làm gốm, Hà Điền đã nghĩ đến việc Lúa Mì sẽ ăn gì vào mùa đông.

Cô trộn cỏ khô, lông vũ và bùn lại với nhau, làm một cái lò ba chân cho Lúa Mì, còn tìm cái xô sắt nhỏ từng dùng để nấu đồ ăn cho Lúa ra nữa.
Lúc tìm được cái xô sắt nhỏ từ trong kho ra rồi, Hà Điền thở dài, nhẹ nhàng vuốt ve chỗ lõm trên xô sắt.

Khi Lúa còn là một chú chó con, nó rất thích đuổi theo và nghịch chiếc xô sắt này, xem như là một món đồ chơi.
Chỉ trong nháy mắt, bà và Lúa đã mất hơn hai năm rồi.
Hà Điền mang chiếc xô nhỏ vào nhà, dạy Dịch Huyền làm thức ăn cho Lúa Mì.

Thịt chồn lột ra cắt thành từng miếng nhỏ rồi cho vào xô sắt cùng với cà rốt và khoai tây, thêm nước vừa ngập thịt là được.
Dịch Huyền đặt cái bếp bằng đất sét ở bên kia hiên cửa, thêm củi vào để nhóm lửa, đặt xô sắt nhỏ lên rồi nấu từ từ.

Đây là thức ăn chính của Lúa Mì trong mùa đông năm nay.

Khi Hà Điền đang lột da chồn, Dịch Huyền cũng ngồi trước một chậu tuyết, học cách lột da thỏ.

Lần này anh làm rất tốt, cuối cùng cũng lột được toàn bộ da thỏ.

Sau đó, anh mổ bụng thỏ ra, làm sạch nội tạng, chia thịt thỏ đã làm sạch thành hai phần, một phần thì cắt nhỏ, cho cà rốt và khoai tây vào nồi đất cùng với muối và nước tương để ướp một lúc, rồi đổ một chút nước vào hầm với lửa nhỏ, phần còn lại thì cất vào hầm trước.
Sau khi Dịch Huyền làm xong hết thảy, anh khá hài lòng, nhìn Hà Điền, ​​tằng hắng hai tiếng, Hà Điền khẽ cười, nhanh chóng khen ngợi anh: "Không tệ nha.

Em nghĩ món thịt thỏ này sẽ rất ngon.

Nhưng mà sao anh lại nấu giống với đồ ăn của Lúa Mì quá vậy?"
Dịch Huyền nói năng hùng hồn đầy lý lẽ: "Nấu vậy mới cân bằng dinh dưỡng.

Chúng ta cũng không thể ăn kém hơn Lúa Mì được, đúng không?"
Mùa đông này, họ không phải vật lộn với cơm ăn áo mặc, nghĩa là họ có nhiều thời gian rảnh, và cũng có nghĩa, họ có thể chuẩn bị trước cho cả năm sau.
Ngay trước mùa đông, Dịch Huyền đã thảo luận với Hà Điền về việc đặt một vài chậu cây ở trong nhà.


Tất nhiên là những cây này không thể cung cấp được bao nhiêu thức ăn, nhưng mà cũng thử nghiệm xem chúng có thể phát triển như thế nào khi nhiệt độ trong nhà về cơ bản không đổi ở 20 độ và ánh sáng mặt trời cũng không đủ.

Đây là bước chuẩn bị cho việc trồng cây trong nhà kính quy mô lớn vào năm tới.
Vì vậy, Hà Điền và Dịch Huyền đã làm hai rương gỗ có cửa nhỏ ở phía dưới, làm "chậu hoa" để trồng cây.
Họ trồng cây lấy củ, là khoai tây và cà rốt.
Cánh cửa nhỏ mở ra để họ có thể quan sát thân rễ đã phát triển như thế nào, khi củ đã lớn cũng rất dễ lấy, không cần phải nắm thân và lá rồi nhổ lên như khoai tây trồng dưới đất.

Củ khoai tây trên rễ có lớn có nhỏ, lớn thì có thể lặc ra ăn, nhưng củ nhỏ thì muốn trồng lại cũng không phải dễ dàng gì.
Hà Điền thấy ý tưởng trồng khoai tây trong rương gỗ có cửa mở là một ý tưởng rất hay, trong vườn ươm trong nhà kính cũng nên trồng theo cách này.
Cả hai cũng đã bàn với nhau, nếu cà chua hoặc các loại rau khác trong vườn ươm phát triển tốt thì sẽ chuyển một số cây đưa vào nhà.
Sau khi nhà kính bằng gạch băng được xây dựng, cây trồng trong vườn ươm phát triển tốt hơn mong đợi, Dịch Huyền thấy vậy thì quyết định chuyển thêm một cây ớt vào.
Những rương gỗ và chậu hoa đã sớm được chuyển vào nhà, đặt cạnh bậu cửa sổ, chứa đầy khoảng 70% đất.

Hai người lấy giỏ và da thỏ, đào cây mình cần đặt vào giỏ, rồi phủ da thỏ lên, chạy về nhà cẩn thận trồng vào.
Sau khi trồng và dọn dẹp xong, Dịch Huyền nhìn những chiếc lá xanh mướt của cây, hỏi Hà Điền: ​​"Chúng ta có nên ủ một chút giá không?"
Bây giờ thì anh đã biết rằng, giá mà mình thường ăn là giá đậu xanh.
Hà Điền lắc đầu: "Thôi.

Xung quanh đây không có người nào trồng đậu xanh cả.

Lần này chỉ đổi được một túi đậu xanh nhỏ, em muốn giữ lại làm hạt giống.

Không phải anh nói muốn ăn chè đậu xanh sao?"
Không có đậu xanh, nhưng đậu nành thì lại có rất nhiều.
Họ muốn trồng nhiều đậu nành một chút, chờ dưa hấu chín sẽ làm tương đậu nành dưa hấu, nhưng kết quả dưa hấu chỉ được có mấy quả, không đủ ăn nữa thì lấy đâu ra mà làm tương dưa hấu.

Năm nay đậu nành được mùa, dù có xay ra rang với muối để cho Gạo, vịt và thỏ ăn cả một mùa đông cũng không hết, huống chi cũng không thể ngày nào cũng ăn thứ này được.
Vừa rồi có tuyết lớn, nhà nghỉ săn bắn gần nhà chắc là chưa có con mồi mới, bên kia sông tạm thời không đi được, cho nên hai người dứt khoát ở nhà chế biến đồ ăn.
Dù sao đậu nành cũng nhiều như vậy, trước tiên làm một ít sữa đậu nành cái đã.
Món này hồi năm ngoái lúc làm giá họ đã nói đến nhiều rồi, nhưng vẫn chưa có cơ hội làm, lúc đầu còn chưa đủ đậu nành, sau đó có đậu nành mới thì lại là lúc có đủ thứ đồ ngon, nên không ai nghĩ đến việc ăn nó nữa cả.
Dịch Huyền mang chiếc cối xay nhỏ bằng đá từ trong kho dụng cụ ra.

Chiếc cối xay nhỏ vận hành bằng tay này được Hà Điền dùng để xay hạt kê và đậu nành.

Đặt cối xay vào một cái chậu lớn, đổ vào một ít đậu nành đã ngâm qua đêm, thêm nước, rồi từ từ xoay đĩa cối xay, rất nhanh sau đó đã có nước đậu nành trắng chảy xuống.
Sau khi xay một lúc, Hà Điền cảm thấy mặc dù cối xay đá vừa thêm nước vào vừa xay như thế này cũng ổn đó, nhưng nó không hiệu quả bằng khi dùng máy xay thủ công.
Vì vậy, cô đi lấy máy xay bằng tay ra, thêm hai chén đậu nành đã ngâm vào, thêm nước rồi so tay đôi với Dịch Huyền.


Chỉ chốc lát sau, tất cả đậu trong máy xay đều đã nát.
Hà Điền đặt rây tre lên một cái tô lớn, đổ chất lỏng trong máy xay gồm cả bã và nước vào đó, rây bỏ bã đậu, còn lại trong tô là nước đậu nành màu trắng sữa.
Thấy phương pháp này hay, Dịch Huyền liền dứt khoát dùng máy xay để xay, sau đó cho bã đậu đã lọc vào cối đá để Hà Điền xay lại, cuối cùng, những bã đậu đã xay lại đó được đổ vào một cái rây có phủ một miếng gạc, lọc lấy nước.
Đây là lần đầu tiên hai người xay sữa đậu nành, chỉ ngâm một chậu đậu nhỏ, nhưng sữa đậu nành xay ra càng lúc càng nhiều, đầu tiên là đựng trong một cái tô lớn, sau đó đổi sang một cái chậu, cuối cùng là một cái nồi lớn.
Hà Điền nhìn nồi sữa đậu nành lớn này, thật sự có chút phát sầu, nhiều như vậy uống đến khi nào mới xong đây?
Cô lắc đầu thở dài, nhóm lửa lên nấu sữa đậu nành trước đã rồi tính sau.
Nấu một lúc, đậu nành sôi lên, Hà Điền giảm nhỏ lửa, hỏi Dịch Huyền: "Món này nấu sao?"
Làm sao anh biết được.
Trong lúc chờ sữa đậu nành nguội, Hà Điền thấy bề mặt sữa đậu nành đặc lại thành một lớp ván, cô lấy một đôi đũa tre dài vớt nó lên, không ngờ lại gắp lên được một cách nguyên vẹn.
Hà Điền còn đang kinh ngạc, Dịch Huyền phấn khích la lên: "Đây là sữa đông lại thành ván đậu! Nhanh vớt lên! Thứ này ăn ngon lắm."
Hà Điền rất vui vì họ đã vô tình làm được một món ăn mới, nhưng cũng hơi lo lắng: "Anh có chắc không đó?" Anh thậm chí còn không biết cách làm sữa đậu nành nữa là.

Em có thể thật sự tin tưởng anh không đây?
"Lo gì! Vớt ra trước đã rồi tính sau." Dịch Huyền chạy đi lấy một cái nia tre nhỏ đặt ở bên mép nồi, Hà Điền nhẹ nhàng đặt lớp "da đậu" trên nia tre rồi trải ra.

Nước đậu trên đó chảy ra sau đó nhỏ lại vào nồi.
Nếu có thể trùng hợp làm được một lần, vậy thì không có lý do gì không thể làm được lần thứ hai.
Hà Điền nghĩ về các bước trước đó, thảo luận với Dịch Huyền một lần nữa, lại đun sôi sữa đậu nành trên lửa nhỏ, rồi hạ nhiệt độ xuống.

Quả nhiên, chẳng mấy chốc mà trên bề mặt của sữa đậu nành đã có một lớp váng đậu dày.
Sau thành công này, hai người đã tự tin hơn rất nhiều, làm đúng theo các bước trước đó, vớt được hai miếng váng đậu nữa.

Thế nhưng sau khi nấu tiếp, sữa đậu nành chỉ còn lại một lớp váng mỏng, khi đũa chạm vào thì bị rách ngay, không vớt lên được nữa.
"Đây là do chất béo trong sữa đậu nành không đủ." Hà Điền rất vui, chỉ cần biết cách làm, sau này cô có thể làm bao nhiêu tùy thích.

Cô lại hỏi: "Váng đậu này ăn như thế nào?"
Dịch Huyền thuận miệng nói vài cách: "Nó được dùng để làm bánh hấp, xem như da bánh, có thể cho vào nồi lẩu, buộc thành nút rồi ninh với thịt, hoặc gói với nhân thịt, hấp lên, sau đó cắt thành lát đem chiên, à à, đúng rồi, nó cũng có thể được nấu với đường phèn bạch quả làm chè và cho vào trà hạnh nhân nữa...!"
Sữa đậu nành nấu xong, nhân lúc còn nóng thêm vào một muỗng đường nhỏ, uống vào ấm nóng, thơm nồng ngọt lành.
Với số bã đậu còn dư lại, đem cho gia súc ăn thì Hà Điền cảm thấy tiếc lắm, nên cô đã thêm vào một chén bột nhỏ, một ít muối và bột tiêu, cộng với hai quả trứng vịt và một ít mỡ heo, nhào thành bột rồi vo thành miếng nhỏ cỡ lòng bàn tay.

Những chiếc bánh nhỏ này được chiên trong chảo trên lửa nhỏ, bánh vừa chín tới, giòn và rất thơm.
Dịch Huyền cẩn thận nếm thử, hài lòng "Hừm" một tiếng, sau đó nói: "Nếu cho thêm một ít thịt băm vào thì sẽ ngon hơn đó."
Vì vậy, với nửa con thỏ còn lại, anh lấy thịt và băm nhỏ toàn bộ thành thịt băm, lần này anh không dùng bột mì mà dùng cà rốt và khoai tây nghiền, thêm gia vị vào nhào với phần bã đậu còn lại thành những viên tròn.

Một bữa ăn chiên giòn với cháo ngũ cốc và bắp cải muối là một bữa tối "cân bằng dinh dưỡng" khác mà anh rất ưa thích..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.