Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 125: Bánh bột củ sen lạnh và củ sen chiên




Đợi Tát Sa phụ Dịch Huyền và Hà Điền làm nhà kính và khu chăn nuôi xong thì sẽ mang đồ gốm mình làm xuống núi về nhà.

Như Dịch Huyền đã nói lúc đầu, để học hỏi thêm nhiều thứ, anh ấy ước gì được ở lại thêm vài ngày nữa.

Nhà kính mà Hà Điền và Dịch Huyền xây dựng đúng là giống như Tát Sa đã hình dung ban đầu. Để đón nhiều ánh sáng nhất có thể, nó chỉ có một nửa là tường, sử dụng những viên gạch đất nện ghép lại với nhau.

Khi bắt đầu làm những viên gạch đầu tiên, Hà Điền đã làm nhiều loại khác nhau. Phần lớn được thêm cỏ khô và một ít rơm lúa mạch mà Tát Sa mang đến, một số thì thêm cỏ khô và lông vũ.

Phơi những loại gạch này xong, họ tiến hành thử nghiệm khả năng chống cháy và cách nhiệt, sau khi so sánh kết quả thử nghiệm, họ tiếp tục làm gạch, thêm một lượng rơm lúa mạch và lông vũ vào đất sét nhão.

Mặc dù nhà kính là dự án lớn nhất trong tất cả các dự án xây dựng hiện tại của nhà Hà Điền, nhưng vì có anh em nhà họ Phổ đến giúp đỡ nên rất nhanh đã được làm xong.

Nửa trên của bức tường của nhà kính được làm bằng vải dầu màu trắng. Loại vải dầu trắng này Tát Sa cũng đã thấy ở chợ mùa xuân, do một nhà sản xuất nhái lại, có lẽ là vì muốn mở rộng thị trường, những sản phẩm này rẻ hơn nhiều so với loại vải dầu được làm ra từ nhà máy tồn tại hơn hàng chục năm. Loại mà Hà Điền mua là loại rẻ nhất, và tất nhiên, cũng là loại mỏng nhất.

Tấm vải dầu có hình vuông, được gấp lại làm tư, loại dày nhất và đắt nhất thì giá gấp đôi so với tấm vải dầu này.

Nhưng loại vải dầu này cũng rất bền.

Khâu hai lớp vải dầu lại với nhau, khâu các hình vuông năm mươi x năm mươi cm ở giữa, chừa một khoảng trống rộng khoảng ba ngón tay ở bốn cạnh của mỗi hình vuông, sau đó dồn một ít lông vũ vào. Số lông này có màu hơi nhạt, chủ yếu là phần lông ở bụng của ngỗng và vịt hoang.

Khoảng trống giữa các ô vuông là dành cho khung gỗ trong vách đất, sau khi làm vải dầu xong, hai người đứng trên thang cầm tấm vải dầu, đặt khoảng trống giữa tấm vải lên khung gỗ vuông và kéo từ từ xuống, bức tường này liền đã xong. Sau đó, đóng đinh ba khung gỗ song song ở cả hai bên để cố định.

Phần mái của nhà kính cũng làm như vậy.

Để thuận tiện cho việc dọn tuyết, phần mái của nhà kính cũng được làm dốc, nhưng có một điều đặc biệt là mái nhà được chia làm bốn tấm. Tời được cố định vào vách trong, mái đối diện với tời sẽ được kéo lên giống như nhịp cầu treo, khi nghiêng lên trên, tuyết phủ vẫn chưa bị đóng thành băng sẽ dễ dàng tuột xuống đất.

Nhìn từ bên trong nhà kính, cơ chế này rõ ràng hơn, có những sợi dây gai cỡ bằng ngón tay trên khung hình tam giác của mái nhà bốn tấm và cả bánh xe kim loại không biết đã được tháo ra từ một loại máy móc nào đó.

Đến lúc này, Tát Sa hoàn toàn phục Dịch Huyền luôn rồi. Làm như vậy có khác nào là đang đắp chăn lông cho mái nhà kính đâu kia chứ? Lần trước Tát Sa đến đây, anh ấy hỏi Hà Điền cái túi treo dưới gốc cây dùng để phơi gì, Hà Điền nói đó là lông tơ và lông vũ, lông tơ mềm sát với da của chim nhất, nhét vào trong chăn mền hoặc quần áo, vừa nhẹ vừa ấm, lông vũ lớn hơn thì dùng làm vật liệu khác.

Lúc này, đều được đem ra hết.

Nhưng anh ấy vẫn hỏi: “Sao ngoài mái hiên nhà hai người không có bánh xe kim loại?”

Dịch Huyền lập tức mím môi: “Vốn đã lắp rồi, nhưng bánh xe kim loại không đủ, vì vậy tôi phải tháo nó xuống lắp vào đây.”

Hà Điền vội nói: “Bánh xe kim loại lắp trên sân thượng mà gặp trời mưa gió thì không tốt cho lắm. Mình làm loại tre và gỗ lại thấy tốt hơn. Đúng không anh?” Cô cười ngọt ngào với Dịch Huyền. Vẻ mặt của Dịch Huyền lật còn nhanh hơn lật bánh tráng. Bộ mặt vốn lầm lầm lì lì (góc nhìn của Tát Sa), thoáng một cái liền trở nên ấm áp và tràn đầy tình cảm (vẫn là góc nhìn của Tát Sa).

Chậc. Khoe khoang sắc đẹp quá rồi đó, khó trách có thể lừa một cô gái lương thiện và có năng lực như Hà Điền đi theo mình phá của!

Bên trong nhà kính còn được dựng một bức tường thấp, chia không gian thành một phần lớn và một phần nhỏ, phần nhỏ hơn cách xa ngôi nhà được Hà Điền và Dịch Huyền chuẩn bị cho gia súc trong nhà. Tát Sa đoán là có thể họ sẽ thêm một chút chi tiết, chẳng hạn như sử dụng hàng rào gỗ hoặc hàng rào tre để ngăn cách các loài động vật với nhau, sau đó làm cửa nhỏ này nọ, nói không chừng còn chừa ra một chỗ để chất cỏ và thức ăn cho gia súc. Hừm… tốt hơn hết là nên đặt ở hai bên khu chăn nuôi để giữ ấm hơn… Tát Sa suy ngẫm một lúc, chợt nhận ra mình lại đang lo xa chuyện nhà người ta.

Thật sự không cần anh ấy phải lo lắng về điều này. Hà Điền và Dịch Huyền đã suy tính kỹ lưỡng kể cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Sau khi làm tường thấp xong, bên trên sẽ dùng tre và dây rơm để làm hàng rào, đảm bảo rằng gà và vịt sẽ không bay đến khu vực trồng cây.

Ngoại trừ khu vực vách ngăn, bức tường thấp bằng đất trong nhà kính này cũng hấp thụ ánh sáng mặt trời vào ban ngày và từ từ tỏa nhiệt vào ban đêm. Cây trồng và vật nuôi trong nhà kính cũng nhờ vậy mà ấm hơn.

Về khu vực trồng cây cũng được chia thành nhiều phần, khu vườn ươm không phải toàn là vuông vắn như nhà kính nhỏ, các khối vuông đều tập trung ở hai bên nhà kính, các khối gần cửa sổ phòng tắm thì được tạo thành nhiều hình bán nguyệt và hình bầu dục. Cũng có những cái cong một cách ngẫu nhiên, và đường đi trong vườn ươm được phủ bởi một lớp vỏ cây khô và sỏi đập nhỏ, uốn lượn theo hình dạng của vườn ươm.

Ở đầu nước chảy ra từ nhà tắm, một cái hồ đá lớn bằng bê tông bazan được đặt vào, một nửa chôn xuống đất và một nửa lộ bên trên, cái hồ này được tạo ra một cách có chủ ý, nếu không tận mắt chứng kiến thì Tát Sa sẽ nghĩ cái hồ đó được đục từ đá tự nhiên. Nó nặng gần bằng một phiến đá tự nhiên, anh ấy và anh em nhà họ Phổ phải đẩy hết cỡ, bốn người dùng dây thừng rơm và thanh gỗ để khiêng, tốn rất nhiều công sức mới chuyển được.

Hồ nước tạm thời để trống, nhưng có thể tưởng tượng được rằng sắp tới họ sẽ trồng cây thủy sinh, nuôi thêm vài con cá, và có thể dùng nước trong hồ để tưới cây.

Nghĩ đến đây, Tát Sa nhìn vào căn nhà kính vẫn còn đang trống không, tưởng tượng đến cảnh tượng sau này vườn ươm hai bên nhà kính sẽ được trồng rau, và những chỗ trống không đều ở giữa vườn ươm có lẽ sẽ được trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Ừm, lại chuyển hai vại nước vào, trồng hoa sen, trong hồ…

Anh ấy không khỏi có chút ghen tị với Hà Điền và Dịch Huyền: “Hai người thật biết cách sống.”

Có thể không thích hợp khi nói “biết cách sống”, mà nên nói là “biết hưởng thụ cuộc sống”.

Điều khiến Tát Sa ngạc nhiên nhất là Hà Điền và Dịch Huyền đã làm hai bức tường bằng đất nện và đặt chúng trong ngôi nhà mới của họ.

Loại phương pháp sử dụng này thật sự chưa từng thấy qua.

Hà Điền và Dịch Huyền giải thích rằng đất nện là vật liệu có chất lượng nhiệt cao và có thể điều chỉnh độ ẩm trong nhà. Các đường ray được lắp trên trần nhà và hai bức tường có thể di chuyển được, chúng được đẩy vào giữa phòng vào ban ngày để trở thành một đường thẳng, chia căn nhà thành hai, ánh nắng xuyên qua cửa sổ sẽ chiếu trực tiếp lên nó, ban đêm hai bức tường được đẩy thành hình chữ L để ngăn thành phòng ngủ nhỏ ấm áp, tường đất lại từ từ tỏa ra lượng nhiệt hấp thụ lúc ban ngày, không phải là càng ấm hơn sao?

Đến mùa hè cũng có thể gấp hai vách lại đẩy về hai góc phòng, vừa thông thoáng vừa mát mẻ, tường đất còn điều tiết được độ ẩm, dù trời mưa, không sưởi ấm sàn nhà cũng không có cảm giác ẩm ướt.

Sau khi nghe xong, Tát Sa cảm thấy cũng có lý. Hơn nữa tường đất sợ nhất chính là nước, tiếp đó là sợ cỏ mọc, đặt ở trong nhà thì giải quyết được vấn đề này.

Vì vậy, anh ấy đã cùng Hà Điền và Dịch Huyền làm “bức tường đất di động”.

Nói là hai bức tường có thể di chuyển được, nhưng chúng thực chất là mười hai tấm tường có thể di chuyển, mỗi tấm dày năm sáu centimet, được bao quanh bởi một khung gỗ làm bằng cây tuyết tùng được đánh bóng nhẵn, các khung gỗ được lắp vào ròng rọc và được lắp trên trần nhà. Nó chạy rất êm, cho nên ngay cả khi đẩy nhiều tấm tường đất vào nhau, cũng không cảm thấy nặng nề.

Hơn nữa, sau khi đến nhà của Hà Điền và Dịch Huyền, Tát Sa mới biết được rằng, tường đất nện cũng có thể làm đẹp đến vậy.

Sau khi thử nghiệm, họ đã chèn mấy viên sỏi nhiều màu sắc để trang trí vào tường đất, đường nét của các viên sỏi trên mỗi tấm tường đều khác nhau, khi ghép chúng lại với nhau có thể thấy hai vòng cung uốn lượn nhiều màu sắc.

Hai vạch màu này vừa tầm mắt nhìn, đường nét uyển chuyển, khiến cảm giác nặng nề của mảng tường đen xám đất biến mất. Những viên sỏi màu này đều là thủy tinh núi lửa mà cả hai cùng nhặt về.

Đặc biệt khi ánh nắng chiếu trực tiếp vào tường, những viên đá màu trong mờ tỏa ra điểm sáng rất lộng lẫy, hắt lên sàn nhà và đồ đạc.

Ngoài ra, họ còn làm một chân đế hoa văn hình lá cao ba mươi bốn centimet ở phía dưới tấm tường để làm cho tường đẹp hơn.

Bức tường đất bây giờ được gấp lại đặt ở góc nhà. Lúc này thứ họ dùng là một bức tường di động được làm bằng tre và giấy hoa.

Thứ này càng thanh nhã hơn. Kích thước của mỗi tấm tường giấy hoa bằng tre giống như tường đất di động nhưng mỏng hơn rất nhiều, khung tre chỉ dày một đốt ngón tay, vừa bằng với kích thước của trục bánh đà, tường được hai dải tre mỏng chia thành ba tấm ô vuông, các ô vuông ở hai đầu cao ba mươi bốn mươi cm, ở giữa là những ô vuông cao hơn, nói là tường có thể di chuyển nhưng lại trông giống bức bình phong hơn, giấy thì được làm thủ công, màu trắng ngà, bên trên có ép lá trúc và cánh hoa rải rác, thanh nhã tươi mát.

Dịch Huyền nói nó được dùng để che nắng, nhưng Tát Sa cảm thấy nó giống như một vật trang trí hơn.

Ánh mặt trời chiếu lên trên tường giấy, bóng lá trúc trên giấy chiếu xuống mặt đất, mờ ảo, rất đẹp.

Tát Sa biết rất có thể không có dịp dùng đến những kỹ thuật này, nhưng anh ấy vẫn ghi những chi tiết này vào sổ tay của mình.

Anh ấy biết giấy được tạo ra như thế nào, vì Hà Điền đã cho anh ấy một cuốn sổ cô làm, nhưng anh ấy vẫn muốn xem quy trình làm giấy.

Nhưng đáng tiếc là Hà Điền nói năm nay không làm giấy nữa. Nếu muốn học thì năm sau lại đến.

Khi rời đi, Hà Điền đưa cho anh ấy một chiếc hộp gỗ nhỏ và nhờ anh ấy chuyển nó cho Tam Tam.

Trong hộp gỗ là tơ năm nay thu được và một bức thư.

Ngoài ra, Hà Điền còn nhờ Tát Sa mang cho Tam Tam và Tam Bảo một ống tre đựng bột củ sen và một hũ mật ong.

Tát Sa chưa từng thấy hoa sen bao giờ, và dĩ nhiên anh ấy cũng không biết bột củ sen là gì, khi mở ống ra chỉ cảm nhận được mùi thơm, bột trong ống rất mịn, không trắng lắm.

Anh ấy cho rằng đó là thứ bột mà con gái dùng để bôi lên mặt, chợt nghe Hà Điền nói: “Cách ăn tôi cũng đã ghi lại trong sổ tay rồi.”

Sau khi nghe Dịch Huyền giải thích, Tát Sa không muốn rời đi nữa: “Hai người dẫn tôi đi đào củ sen đi! Sau đó dạy tôi cách làm bột củ sen nữa! Năm nay nhà tôi gặt lúa, sẽ dùng hai túi gạo đổi với hai người.” Túi mà người miền núi nói là bao gai to, một túi gạo khoảng hai mươi lăm ký.

Dịch Huyền nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng có thể giao dịch nên dẫn Tát Sa đến một cái ao gần đó đào hai sọt củ sen về, một sọt để anh ấy chia cho nhà Tam Tam, sọt còn lại làm thành bột củ sen cho anh ấy xem.

Đào củ sen và làm bột củ sen mất cả một ngày.

Tất nhiên, không thể thiếu việc dạy Tát Sa cách ăn và trồng củ sen.

Số củ sen còn lại, Hà Điền băm nhỏ trộn với nhân thịt, nhúng qua một lớp trứng, lăn qua bột mì, rồi lại nhúng qua một lớp trứng nữa, lăn vào vụn bánh mì, sau đó cho vào chảo chiên. Ăn giòn đến nỗi Tát Sa gần như muốn cắn luôn lưỡi của mình.

Mẻ bột củ sen mới vẫn còn chưa khô nên Hà Điền dùng đến số bột củ sen mà họ đã làm trước đó.

Ngoài cách pha với nước sôi, Hà Điền còn làm một số món bánh củ sen.

Cách làm bánh củ sen cũng rất đơn giản, tráng khuôn bằng mỡ, khuấy đều bột củ sen với nước ấm, thêm chút bột thạch hoặc gelatin đã đun chảy, đổ vào khuôn, cho lên xửng hấp, hấp hai mươi phút, lấy ra để nguội. Sau khi tháo khuôn, có thể cắt thành các hình dạng tùy thích.

Nếu muốn đặc biệt hơn thì cũng có rất nhiều cách.

Vì bột củ sen sau khi nấu sẽ trong mờ nên khi khuấy đều với nước có thể cho thêm cánh hoa hồng hoặc hoa quả thái hạt lựu vào.

Theo Dịch Huyền, mùi thơm ngọt của hoa quế rất hợp với bột củ sen. Hoa quế và đường phèn ngào thành đường hoa quế ngọt thơm, rưới lên bánh củ sen, hương vị thanh tao, ngọt hậu, đọng lại lâu.

Nhưng vì mùa đông năm ngoái đến quá đột ngột nên Hà Điền không đưa Dịch Huyền đi xem loài cây có thể là “Hoa quế” được, cho đến nay họ vẫn chưa hái được hoa quế, nên lúc làm bánh ngọt vẫn dùng hoa hồng.

Màu sắc của những cánh hồng khô vẫn đẹp được điểm thêm vào bên trong bánh củ sen trong mờ không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của món ăn mà còn lẫn cả hương thơm thanh tao nữa.

Cuối cùng, Tát Sa mang theo một hộp bánh củ sen lạnh và một hộp bánh củ sen cánh hoa hồng, mãn nguyện rời đi.

Anh ấy xuôi theo dòng nước, đến con sông dài đầy lá và hoa sen, dừng thuyền lại, đào một số củ sen cùng với bùn theo phương pháp của Dịch Huyền dạy, rồi lại hái một vài đài sen già, định trồng thử ở mảnh ruộng cằn cỗi nhất nhà mình. Anh ấy suy nghĩ một chút, hái thêm một ít hoa sen sắp nở, tặng cho Tam Tam.

Nhà Tát Sa có bốn anh trai, anh cả lớn hơn anh ấy mười bốn tuổi. Dưới sự dẫn dắt của ba mình, nhiều năm không ngừng khai khẩn, trong nhà có mấy sào ruộng lớn, lúa gạo cũng không thiếu, tất cả anh em trong nhà đều hy vọng Tát Sa có thể học thêm nghề thủ công này, vậy thì sau khi ba mẹ qua đời, Tát Sa sẽ không tranh giành ruộng đất trong nhà với họ.

Anh em nhà họ Phổ đương nhiên không có mặt dày như Tát Sa, dám chủ động đòi ăn, nói cái gì mà: “Cho tôi một hộp bánh ngọt nữa.”, nhưng lúc ra về họ cũng rất vui vẻ.

Vì thành tích tốt của họ trong giai đoạn này, Dịch Huyền và Hà Điền quyết định năm nay sẽ đưa một trong số họ đi bắt cá hồi. Người còn lại ở nhà, mỗi ngày đến một lần để chăm sóc gia súc, rau củ, cá đánh bắt được sẽ chia đều cho hai bên.

Tiễn hai anh em nhà họ Phổ và Tát Sa đi, việc xây nhà về cơ bản đã hoàn thành, Hà Điền và Dịch Huyền cuối cùng cũng có thể nghỉ ngơi một chút. Tiếp theo, họ sẽ đi bắt cá hồi.

Tối hôm đó, hai người ăn tối xong, cùng nhau ngớ ngẩn ngồi chen chúc trong bồn tắm uống rượu gạo, nhìn qua cửa sổ nhà tắm nhìn ra nhà kính trống không không có trồng trọt gì, đồng thanh nói: “Anh (em) rất thích nhà của chúng ta.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.