Cuộc Sống Của Cô Nàng Mù Đường

Chương 7: Sợ nhất là hai người mù đường đi với nhau. Một người dám chỉ, một người dám đ




“An Khuê à, có việc làm rất tốt. Nhưng cũng không được quên nhiệm vụ cấp bách hiện tại…”

“Vâng, vâng. Nhiệm vụ cấp bách chính là nhanh nhanh tìm về cho bố mẹ một chàng rể tốt. Mẹ yên tâm, con đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức này rồi ạ.”

Tôi ngoan ngoãn thoại theo câu nói cũ rích của mẹ. Nghe xong bà có vẻ rất hài lòng, nhưng có chỉnh sửa thêm bằng một câu thoại mới:

“Con bé này, là tìm chồng tốt cho con chứ! Mẹ thì chỉ cần một chàng rể tốt, biết kiếm ra tiền để có thể nuôi được con gái của mẹ thôi. Đối với ông bà già này, thỉnh thoảng có nhớ đến về thăm là được.”

“Mẹ à… Con yêu mẹ quá đi mất. Sao con nỡ rời xa mẹ đây!”

Tôi rất nhanh chóng theo mạch cảm xúc của mẹ, diễn tròn vai “con gái hiếu thảo” trong vở diễn “tiễn con về nhà chồng” của đạo diễn Phan Lê Hạnh Tâm.

Vâng, người mẹ hiền lành, tốt bụng của tôi có tên là Phan Lê Hạnh Tâm. Còn người bố tuyệt vời, phúc hậu của tôi có tên là Trần Hữu Công. Thành ra tên hai người ghép lại rất tròn trịa một chữ “Công Tâm”. Ngày xưa, họ nội, họ ngoại và mọi người xung quanh đều thấy: Mẹ rất hợp với bố, bố rất hợp với mẹ, thật sự hai người rất hợp nhau. Chỉ đơn giản vậy thôi, thế là họ “về một nhà, khép đôi mi chung một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ…” Và “sản phẩm” cuối cùng chính là sinh ra một bé gái ngoan ngoãn, hiền lành, được tất cả mọi người chào đón rồi đặt cho cái tên dễ thương - An Khuê. Năm năm sau đó, ngày mẹ hạ sinh em trai tôi, ông nội đã vô cùng xúc động nắm lấy bàn tay run run của ông ngoại nói:

“Thật tốt quá, ông thông gia ơi. Con gái ông bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi.”

Ông ngoại tôi vốn rất yêu quý mẹ, nhìn thấy niềm vui rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu của ông nội tôi mà chỉ biết mắt rưng rưng vì xúc động xen lẫn hạnh phúc. Tôi lúc đó đã là một bé gái năm tuổi xinh xắn, nhìn thấy ông bà, bố mẹ đều rất vui mừng với sự xuất hiện của thành viên mới trong nhà. Tôi không những không ghen tỵ với tình yêu của mọi người dành cho em trai mình, mà còn ngày ngày lặng lẽ đi đến bên nôi của nó dặn đi dặn lại:

“An Huy ơi, lớn lên em phải ngoan ngoãn nhé! Phải biết nghe lời ông bà, nghe lời bố mẹ, nghe lời chị gái biết chưa?”

Bố mẹ vô tình nghe thấy lời dặn của tôi dành cho An Huy, lại nói những ông bố bà mẹ ngày xưa thường rất nhạy cảm. Thấy những biểu hiện bất thường của con cái, họ liền nghĩ là tôi đang ghen tỵ với em trai mình. Nên về sau càng quan tâm đến tôi hơn, dành tình thương cho hai chị em tôi bằng nhau. Tôi cũng không có ý kiến gì, được bố mẹ yêu thương quả thực rất tốt nhé. Nhưng thói quen dặn đi dặn lại em trai câu nói đó thì vẫn không bỏ được. Cho đến khi cả hai chị em đều lớn, tôi thỉnh thoảng vẫn dặn dò nó như thế. An Huy nhà tôi vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, từ bé đến lớn cũng chưa từng cãi lời ông bà, bố mẹ, chị gái nó lần nào. An Huy của hiện tại cũng vẫn như thế, ngoan ngoãn nghe lời nhưng là có kèm theo điều kiện.

Kết luận một câu: Gia đình tôi chính là một gia đình kiểu mẫu đáng mơ ước của bao gia đình khác!



Tối hôm đó, để chúc mừng tôi chấm dứt ba tháng “ăn không ngồi rồi”. Mẹ đại nhân quyết định làm một bữa cơm nho nhỏ, mời cả hàng xóm là nhà bác Phúc tới tham gia cùng. Nhân tiện cảm ơn họ đã “cứu vớt” đứa con gái của mình khỏi cảnh “thất nghiệp đáng sợ” đang hoành hoành ở thành phố này. Nói về khoản nấu ăn thì mẹ tôi là nhất! Ngày xưa mẹ có tốt nghiệp một trường đại học. Sau khi ra trường cũng liền xin được việc làm, vì thời ấy không có mấy người học hết đại học. Nhưng từ sau khi kết hôn, vì bố không muốn nhìn thấy mẹ vất vả bên ngoài nên đề nghị mẹ ở nhà chăm sóc gia đình. “Thế giới bên ngoài cứ để bố lo”. Sau khi nghe mẹ kể lại, chị em tôi thật sự rất ngưỡng mộ bố. Tôi còn quay sang dặn dò em trai mình: “Em nghe gì chưa, ráng mà học theo tấm gương đạo đức của bố.” Nó nghe xong, cũng gật gù đồng ý. Rồi khi chúng tôi lớn hơn, biết tự chăm sóc bản thân. Mẹ bắt đầu vừa học thêm nấu ăn, vừa nhận đồ gia công ở nhà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Đúng bảy giờ tối, bác Phúc và anh Lạc Minh đã ngồi với gia đình tôi cùng ăn bữa tối mà mẹ tôi cất công chuẩn bị từ sớm. Gia đình tôi cũng mới chuyển đến khu phố này được gần chục năm. Sau khi bán đi khu đất mà ông bà nội để lại và chồng thêm một ít tiền tiết kiệm mới mua được căn nhà này. Nghe nói nó là căn nhà cũ của bạn bố, vì muốn chuyển sang nước ngoài định cư nên đã bán gấp cho gia đình chúng tôi với giá khá rẻ. Bố thỉnh thoảng vẫn hay khoe: “Đó là một người bạn tuyệt vời của bố, đến tận bây giờ bố với ông bạn đó vẫn thỉnh thoảng liên lạc dù cách nhau một nửa trái đất”.

“Thật ra An Khuê có bản lĩnh lắm đó, tôi có nghe mấy chủ khảo báo cáo lại. Họ rất hài lòng với biểu hiện của con bé trong buổi phỏng vấn đấy!”

Bác Phúc lên tiếng khen tôi với mọi người khiến tôi vui mừng đến nỗi ngoác miệng ra cười. Nhanh nhảu gắp một miếng “sườn xào chua ngọt” ngon nhất đặt vào trong bát của bác, ánh mắt lấp lánh nói:

“Bác quá khen con rồi ạ. Đây là món sườn mẹ con làm ngon nhất, con mời bác dùng ạ.”

“Được, được. Món nào nhà hàng xóm làm bác cũng thấy ngon hết.”

Bác Phúc vui vẻ bồi thêm một câu khen khiến mẹ đại nhân của tôi cũng không giấu nổi vui mừng ra mặt. Bà liền gắp một miếng đùi gà luộc to tướng đặt vào bát của “con nhà người ta”. Cái màn “giao tiếp trên bàn ăn” này, cũng là do tôi học được từ mẹ. Vậy nên so với tôi, mẹ vẫn là cao tay hơn nhiều:

“Tất cả cũng là nhờ Lạc Minh giúp đỡ. Đây, dùng miếng đùi gà ngon nhất này đi. Gà ta ở dưới quê ngoại của An Khuê gửi lên đó. Không biết những món ăn cô nấu hôm nay có hợp với khẩu vị của con không?”

“Dạ, hợp lắm. Rất lâu rồi con mới được ăn một bữa cơm ngon như vậy đó.”

Tôi khẽ liếc nhìn về phía “con nhà hàng xóm” của mẹ, xem ra anh ta cười rất vui vẻ. Khác xa với bộ dạng đáng ghét vào buổi sáng hôm phỏng vấn, sau khi bỏ đi với chiếc xe đắt tiền và cho tôi hít khói phía sau. Tôi thề là hôm đó đã rất kiềm chế để không tuôn ra một tràng mắng cái người hàng xóm đáng ghét này. Từ nay trở đi chắc chắn sẽ còn phải chạm mặt nhau nhiều lần: Trên đường đi làm, tốt nhất nên tránh xa hoặc dọn đường cho hắn đi qua. Trên công ty, có chạm mặt cũng phải vờ như không quen biết nếu còn muốn sống yên ổn với hội chị em ở chỗ làm. Ở nhà, chính là căn cứ địa của tôi, và giả dụ như có chạm mặt thì cứ học theo mẹ đại nhân đối tốt với hắn một chút. Cả bàn tiệc có mỗi cái đùi gà ngon nhất cũng phải nuốt nước bọt dâng lên cho hắn. Chẳng phải người ta vẫn hay nói “kẻ tức thời là trang tuấn kiệt” hay sao? Tôi cũng chỉ là đang lo xa một chút thôi mà!

Nghĩ gì làm nấy, lại nhận được một cái đá chân của mẹ từ mé bên kia giúp tôi có thêm động lực gắp lấy miếng “phao câu gà” trong đĩa đặt vào bát của vị “ân nhân” kia:

“Nhất phao câu, nhì bầu cánh. Đây, mời anh dùng, ăn gì bổ nấy!”

“…”



Vào một buổi sáng đẹp trời, con đường đi làm mà tôi hàng mong chờ cuối cùng cũng đến. Mặc lại bộ đồ lần trước phỏng vấn để đi làm, trước khi ra khỏi cửa mẹ không quên dặn dò tôi:

“Nghe mẹ nói này, nhất định phải cư xử hòa thuận với mọi người trong công ty, kết thân với đồng nghiệp. Đặc biệt là đông nghiệp nam, tốt nhất là nhanh chóng đưa một chàng rể tốt về ra mắt bố mẹ.”

“…”

Tôi đen mặt, hình như mẹ không lúc nào quên được cái khái niệm “chàng rể tốt” gì gì đó. Kiểu này, xem ra trước khi tôi tìm được bạn trai, chắc chắn mẹ sẽ không buông tha cho cái màng nhĩ của tôi!



Từ hôm đó, tôi đã bắt đầu thử việc ở An Lạc được một tuần. Chỉ còn lại ba tuần hai ngày nữa là có thể kết thúc một tháng thử việc, trực tiếp được vào làm nhân viên chính thức. Không may cho tôi, vị sếp mà tôi phải “cung phụng” lại là anh chàng hàng xóm của chúng tôi, cũng chính là giám đốc bộ phận cung - ứng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, mới tuần đầu đi làm thì thấy công việc cũng không nhiều. Chủ yếu là tìm hiểu và làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp của An Lạc. Vị sếp của tôi cũng không phải quá khó tính, chỉ hơi ít nói một chút thôi. Nhưng đối với tôi đó lại chính là ưu điểm tốt nhất của anh ta, vì mỗi lần sếp lớn mở miệng liền như muốn móc họng người ta ra vậy.

Hôm nay cũng như mọi ngày, tôi đang ngồi chăm chỉ làm việc trong văn phòng của mình từ sáng đến giờ. Sếp của tôi đã đi ra ngoài từ đầu giờ chiều sau khi bỏ lại cho tôi một đống tài liệu về các dự án mới nhất. Dù không có ai giám sát nhưng tôi vẫn hì hục làm việc hăng say, phát huy tinh thần “học tốt, làm tốt” của bố. Nhưng việc này chưa làm xong thì việc khác đã đến tay. Chuông điện thoại để bàn reo lên liên tục khiến tôi không muốn chú ý đến nó cũng không được. Bèn hít lấy một ngụm khí trong lành để lấy lại thanh giọng rồi mới nhấc máy lên nghe:

“Alo, văn phòng trợ lí giám … À, vâng chào sếp ạ. Sếp có điều gì dặn dò?... Dạ, được. Tôi sẽ lập tức mang đến ngay. Sếp đọc địa chỉ đi ạ.”

Sau khi ghi xong địa chỉ, tôi vội tìm sấp tài liệu cho dự án mới nhất mà mình mới vừa hoàn thiện. Nhanh chóng rời khỏi công ty, tìm đến địa chỉ ghi trong tờ giấy.

Trèo lên chiếc xe taxi, tôi đưa ngay tờ giấy ghi sẵn địa chỉ cho chú tài xế. Còn dặn dò thêm là phải đưa tôi đến chính xác địa điểm. Tôi biết tự lượng sức mình mà, nếu như vì bị “mù đường nặng” mà không thể tự đi đâu đó được thì người bạn chỉ đường tốt nhất chính là chú tài xế taxi. Chỉ có điều, phải cắn răng chịu tốn kém một chút. Thế là tôi yên tâm ngồi trên chiếc taxi màu xanh lá, ung dung đi đến chỗ hẹn. Thế quái nào mà đi được một đoạn đường dài rồi thì bỗng chiếc xe không thể nhúc nhích được. Nhìn dãy hàng xe dài dằng dặc phía trước, chú lái xe cũng phải ngán ngẩm lắc đầu, khởi động màn “tâm sự với người lạ”:

“Tình hình tắc đường thế này chắc tôi phải đến nước bỏ nghề lái xe mất thôi!”

Được người lạ bắt chuyện tán gẫu, tôi cũng vui vẻ bồi thêm:

“Vậy bỏ lái xe rồi chú sẽ làm gì?”

“Ôi dào, ở cái thành phố X này thì thiếu gì việc. Chỉ sợ mình không có sức khỏe thôi. Mà này, tôi thấy tắc đường kiểu này chắc phải chắc phải nửa tiếng mới hết, hay là cô xuống xe đi bộ còn nhanh hơn. Chỗ cô cần đến ở ngay phía trước kia kìa, cô cứ đi thẳng khoảng 300m nữa là tới.”

Tôi lại nhìn về hai hàng xe dài phía trước, chiếc xe của chúng tôi thì vẫn đứng yên một chỗ, cứ năm phút mới xê dịch được một tí. Chú lái xe cũng nói rồi chỉ cần đi thẳng khoảng 300m nữa là đến. Ngay đến cả việc đi thẳng mà tôi cũng bị lạc thì quả là khó tin rồi!

Đúng 10 phút sau, cái việc khó tin đấy đã thật sự xảy ra!

Tôi đã đi qua cái ngã tư đông nghịt xe và cứ đi thẳng như thế đến tiếp một cái ngã ba nữa. Đường trong thành phố này cũng quá là diệu kì đi, ngày xưa cả thành phố như vậy cũng chỉ có những con đường chính, vô cùng đơn giản, dễ đi dễ nhớ. Theo sự phát triển của kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng mà “mọc” ra không biết bao nhiêu nhà, đường, quán xá. Đúng lúc đang nghĩ xem phải đi đâu về đâu thì chợt nhận ra mình đã vứt tờ giấy ghi địa chỉ ở chỗ chú lái xe. Chiếc điện thoại cũ rích trong túi bỗng rung, vang lên giai điệu “tứng - tưng - tửng” huyền thoại của hãng nokia. Vài người đi đường còn tò mò quay sang nhìn tôi như kiểu “thời buổi này rồi mà vẫn còn có người chiếc điện thoại này sao?”. Ờ thì, còn có tôi dùng nó đấy! Vừa áp lên tai thì giọng sếp bên kia đã nhảy vào hỏi ngay:

“Cô tới chưa?”

“Đang… Mà quán đó ở đâu vậy sếp?”

“Đường xyz đó.”

“Ờ… Tôi biết rồi.”

Một giờ sau:

“Sao cô lâu quá vậy?”

“Ờm… Đường xyz ở đâu vậy sếp?”

“Mệt cô quá! Ở đâu, tôi qua đón.”

“Tôi ở gần một cái cây… Nó có lá màu xanh … Xung quanh có mấy cái nhà… À, có một con chó nữa! Phiền sếp đại nhân qua đón tôi nhé!”

“Cô về nhà luôn đi!”

“Về nhà đường nào nhỉ? Đường này hơi lạ…”

“…”

Kết thúc hai cuộc gọi, tốn mất 20 giây tiền cước cuối cùng cũng chẳng ra cơm ra cháo gì. Tôi đúng là bất lực rồi, đi cũng không được mà về cũng chẳng xong. Thôi thì cố gắng vừa đi vừa dùng mắt quan sát xung quanh xem có tìm được tấm biển chỉ đường nào không? Vì không để ý, tôi vô tình va phải một “tấm bản đồ sống”. Đó là biệt danh về sau tôi đặt cho cái người đang đứng ở trước mặt tôi, chàng trai trẻ đó cũng đang trố mắt lên nhìn tôi. Chúng tôi thật sự là đều rất ngạc nhiên đấy! Cũng không biết “cái duyên chó má” gì mà lại để tôi gặp lại cái người này ở đây? Lần này, dù hắn có biến thành tro tôi cũng nhận ra bản mặt “đẹp trai lồng lộn” đó. Tôi vẫn nhanh hơn một bước, định thần lại để ngăn chặn cái “màn chỉ đường nhiệt tình” lần thứ ba tái diễn:

“Chào anh, thật là trùng hợp quá... Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Hôm nay tôi không phải đang đi lạc đâu. Anh xem, tôi đang chuẩn bị đi đến đường xyz đó.”

Anh chàng trước mắt tôi giờ mới hết ngạc nhiên, ung dung đút tay vào túi quần nhìn cái màn “nói nhanh, nói dối không vấp của tôi”. Vừa nói tôi còn vừa vung vẩy, chỉ chỉ tay về hướng trước mặt để chắc chắn rằng tôi đang đi đến chính xác đường xyz đó! Người trước mặt nhìn thấy bộ dạng của tôi liền cười đậm hơn, thong thả nói:

“Thế thì em lại đi ngược rồi. Đường xyz phải đi về phía bên kia kìa.”

“Sao anh biết?”

“Vì tôi cũng đang đi đến đường đó. Tiện thể em cũng có thể đi theo nếu sợ đi lạc.”

“Ha ha. Ai nói tôi sợ đi lạc… Nhưng mà có thật là anh đang đi đến đường xyz không?”

“Tôi nói dối em làm gì, tôi cũng bận lắm nên đi trước đây…”

“Á, đợi tôi đi cùng với.”

Nói rồi, chàng trai trẻ lại đi thẳng về phía trước cũng không một lần ngoảnh lại. Nhìn theo dáng vẻ tự tin của hắn ta, cũng có vẻ đáng tin lắm. Tôi vội vàng hét lên rồi cúp đuôi chạy theo ngay sát phía sau. Cho dù lần trước, tôi có từng nói cái gì mà “gặp lại người này thì tránh xa, anh ta đi hướng Đông, tôi liền đi hướng Tây. Nhất nhất không đi chung một hướng.” Nhưng hiện tại tôi quên sạch những gì mình từng nói rồi. Tôi không hề phản bội lại bản thân, chỉ là ngoài chứng bệnh “mù đường” ra, tôi còn được thừa hưởng gen lặn của mẹ đại nhân chứng bệnh “mất trí nhớ tạm thời”.

Chúng tôi, một nam một nữ, kẻ trước người sau đi lòng vòng một hồi cũng đến được đường xyz đó. Tôi âm thầm khâm phục người đàn ông đang đi phía trước, dù mới gặp có ba lần. Anh ta có thể hiên ngang soải bước đi giữa những con đường loằng ngoằng như kiểu quen thân lắm vậy? Nghĩ lại những lần chỉ đường trước đó, anh ta cũng nói vanh vách không vấp một đoạn nào. Rõ ràng là chỉ có những người thuộc lòng đường của cả cái thành phố này mới có thể tự tin chỉ đường nhiệt tình như vậy. Có trách là trách khả năng phân tích và lưu trữ của bộ não tôi quá kém. Từ đó tôi quyết định đặt biệt danh cho anh ta là “tấm bản đồ sống”.

“Tôi vào quán này, em thì sao?”

Cuối cùng chúng tôi cũng dừng ở trước một quán ăn Nhật khá sang trọng, tôi nhìn lên tấm biển quán một lần liền reo lên:

“A, chính xác là nó. Tôi cũng vào quán này. Có người đang đợi tôi ở trong đó.”

“Vậy sao, trùng hợp ghê. Vậy cùng vào đi.”



Bước vào quán, tôi liền nhìn thấy bóng dáng cao to quen thuộc đang đứng lên rồi lại định ngồi xuống. Mắt tôi sáng rực lên, may quá không cần phải nhọc công tìm ở đâu nữa, bèn hét to lên:

“Sếp.”

“Lạc Minh.”

Đồng thanh với giọng hét chói tai của tôi chính là giọng nói mạnh mẽ của người bên cạnh, người mới vừa đi chung với tôi cùng một “đoạn đường gian nan”. Tôi ngạc nhiên quay sang nhìn anh ta, hóa ra chúng tôi lại có hẹn cùng với một người. Vậy người này không lẽ là…?

“Hai người cuối cùng cũng đến rồi. Mà sao thế nào lại đi cùng nhau vậy?”

“À, vô tình gặp ngoài đường. Cũng là nhờ vị này chỉ đường giúp nên tôi mới tới được đây đó ạ.”

Tôi vui vẻ báo cáo với sếp của mình, rồi lại quay về bên trái, cúi người đúng một góc 30 độ thực hiện nghi thức chào hỏi người bên cạnh mình:

“Chào Giám đốc Dương, thật ngại quá! Nãy tôi không biết là anh nên đã có những hành động thất lễ rồi. Cảm ơn anh đã chỉ đường giúp tôi đến được đây.”

“Không có gì, nên giúp mà.”

Trong khi hai chúng tôi đang thực hiện màn chào hỏi xã giao thì sếp của tôi đã lên sẵn tông giọng tra hỏi:

“Này, tôi không nghe nhầm chứ? Anh ta chỉ đường cho cô? Rồi hai người đi chung đến đây luôn?”

“Vâng, có chuyện gì không đúng sao sếp?”

“Thảo nào, vậy tôi hiểu tại sao hai người lại cho tôi ngồi đợi ở đây lâu như vậy rồi. Còn cậu, cái người này tính tình vẫn không thay đổi nhỉ? Rõ ràng có đường thẳng không đi, lại toàn thích đi đường vòng.”

Vị sếp của tôi có vẻ rất tức giận, ngón trỏ của anh hết chỉ vào tôi rồi lại chỉ vào giám đốc Dương. Nhìn thấy cái mặt “cu đơ” của tôi, và điệu cười rạng rỡ của gã bên cạnh đành bất lực dùng tay đập vào trán mình. Trực tiếp dùng một câu kết tội hai chúng tôi:

“Sợ nhất chính là hai người mù đường đi với nhau. Một người dám chỉ, một người dám đi.”

“…”

Về sau tôi mới hiểu, “mù đường’ cũng được chia ra làm hai loại. Một loại như tôi: vừa bước chân ra khỏi nhà là đã có khả năng lạc đường rồi. Còn một loại là như “tấm bản đồ sống”, à không, là như giám đốc Dương đây: có đường thẳng không đi, lại cứ thích đi đường vòng. Kiểu này chẳng phải là “kẻ cắp gặp bà già” hay sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.