Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 4: Chênh lệch múi giờ




“Trái tim phụ nữ là một mê cung những điều tế nhị thách thức tâm hồn thô kệch của người đàn ông đang rình rập. Nếu bạn thực sự muốn chiếm hữu một phụ nữ, trước tiên cần phải nghĩ giống như nàng và việc đầu tiên cần làm là chinh phục tâm hồn nàng”..

Carlos RUIZ ZAFON

Trong lúc đó, tại Paris...

- Takumi, tôi có việc này nhờ cậu.

Đồng hồ treo tường trong tiệm vừa điểm 11 giờ. Ngồi vắt vẻo trên ghế thang, tóc búi lại ghim bằng một que ghim hoa, hai bàn tay trầy xước, Madeline vừa treo xong một bó nhựa ruồi to tướng.

- Sẵn sàng, thưa cô chủ, anh chàng học việc đáp.

- Đừng gọi tôi là “cô chủ” nữa đi! Cô vừa bước xuống thang vừa càu nhàu.

- Nhất trí, Madeline ạ, anh chàng người châu Á chữa lại, đỏ mặt tía tai.

Gọi cô chủ bằng tên riêng thế này tạo ra một cảm giác thân mật khiến anh chàng thấy không thoải mái.

- Nhờ cậu ra bưu điện gửi giúp tôi gói hàng này, cô giải thích, rồi chìa ra một phong bì nhỏ bằng giấy không thấm nước trong đó có chiếc điện thoại di động của Jonathan.

- Được thôi, thưa... ờ, Madeline.

- Địa chỉ này ở Mỹ đó, cô dặn dò rồi đưa cho anh chàng phụ việc tờ 20 euro.

Takumi đọc địa chỉ ghi trên phong bì:

Jonathan LEMPEREUR

French Touch

1606 phố Stockton

San Francisco, CA 94133

USA

- Jonathan... Như tên bếp trưởng ấy nhỉ? anh chàng vừa cưỡi lên chiếc xe đạp điện thường dùng để giao hàng vừa hỏi.

- Cậu biết người này sao? Cô chủ tiệm hoa ngạc nhiên bước hẳn xuống vỉa hè để trò chuyện tiếp.

- Cả thế giới này biết anh ta ấy chứ, anh chàng đáp ngay mà không nhận ra sự vụng về trong nhận xét của mình.

- Có nghĩa tôi là đứa đại ngốc chứ gì? Madeline đùa.

- Không, ờ... hoàn toàn không phải vậy, tôi..., anh chàng học việc ấp úng.

Giờ thì mặt Takumi đã đỏ bừng như hoa mười giờ. Trán anh chàng lấm tấm mồ hôi, mắt thì nhìn dán xuống đất.

- Được rồi, cậu để hôm khác hẵng tiến hành vụ mổ bụng tự sát nhé, cô giễu thêm. Trong khi chờ đợi hãy nói tôi biết gã kia là ai nào.

Anh chàng người Nhật nuốt nước bọt đánh ực.

- Cách đây vài năm, Jonathan Lempereur sở hữu nhà hàng nổi tiếng nhất New York. Bố mẹ tôi đã đãi tôi một bữa ở đó nhân dịp tốt nghiệp cử nhân. Đó là một địa chỉ huyền thoại: muốn đặt bàn phải đăng ký danh sách chờ trước cả năm trời, hương vị các món ăn thì độc đáo, không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác.

- Tôi không nghĩ là cùng một người đâu, cô nói, tay chỉ vào phong bì. Địa chỉ anh ta cho tôi cũng là một nhà hàng, nhưng có vẻ là loại quán ăn xập xệ chứ không phải nhà hàng năm sao.

Takumi cất phong bì vào ba lô rồi nhấn pêđan mà không tìm hiểu thêm.

- Hẹn lát nữa.

Madeline vẫy tay chào tạm biệt rồi trở vào tiệm.

Câu chuyện do anh chàng học việc kể đã kích thích trí tò mò của cô nhưng cô vẫn cố gắng làm việc tiếp như thể không có chuyện gì xảy ra. Từ lúc mở cửa tới giờ, tiệm vẫn chưa ngớt khách. Cũng giống như dịp lễ thánh Valentine, Giáng sinh đánh thức những xúc cảm: tình yêu, lòng hận thù, nỗi cô đơn, sự sầu muộn. Chỉ trong sáng này, cô đã gặp trong tiệm hoa của mình một loạt nhân vật độc đáo chẳng ai kém ai: một kẻ chuyên quyến rũ già đời gửi mười hai bó hoa cho mười hai người tình ở mười hai thành phố khác nhau, một phụ nữ trung niên tự gửi cho mình một bó hoa lan để giữ thể diện trước các đồng nghiệp, một cô gái người Mỹ khóc lóc sụt sùi muốn gửi cho bạn trai người Paris một bó hoa héo úa thay cho lời tuyên bố chia tay. Chủ tiệm bánh trong khu phố thì đặt hàng một chậu xương rồng Mexico to đùng với những cái gai vừa dài vừa nhọn để gửi tặng bà mẹ vợ yêu quý...

Madeline thừa hưởng từ bố mình niềm đam mê với nghệ thuật trồng hoa. Được sự hứng thú này dẫn dắt, thoạt tiên cô rèn mình theo phương pháp tự học trước khi theo học các khóa của Piverdière, trường đào tạo nghề trồng hoa nổi tiếng thuộc Angers. Cô tự hào vì theo đuổi một nghề góp mặt trong tất cả các sự kiện trọng đại của cuộc đời một con người. Chào đời, rửa tội, cuộc hẹn đầu tiên, đám cưới, giảng hòa, thăng tiến sự nghiệp, về hưu, an táng: hoa luôn đồng hành với người từ lúc nằm nôi cho tới lúc xuống mồ.

Người phụ nữ trẻ bắt tay vào thực hiện một tác phẩm mới, nhưng chỉ sau năm phút đã phải bỏ dở giữa chừng. Cô không thể gạt ra khỏi đầu câu chuyện Takumi vừa kể.

Cô ra đằng sau quầy và bật máy vi tính của tiệm. Khi gõ cụm “Jonathan Lempereur” trên Google, cô nhận được hơn sáu trăm nghìn kết quả! Cô truy cập vào Wikipedia. Hệ thống bách khoa toàn thư trực tuyết có một trang dài về người đầu bếp, bài viết được minh họa bằng một tấm ảnh chụp, không thể nghi ngờ gì nữa, đúng là ảnh của người đàn ông mà hôm qua cô đã gặp ở sân bay, ngay cả khi trên bức ảnh này Jonathan trông trẻ và sexy hơn. Bối rối, Madeline đeo cặp kính cận vào rồi vừa cắn bút chì vừa bắt đầu đọc những gì hiển thị trên màn hình máy tính:

Jonathan Lempereur, sinh ngày 4 tháng Chín năm 1970, là một đầu bếp kiêm doanh nhân người Pháp đã tạo dựng phần lớn sự nghiệp của mình tại Mỹ.

Quá trình học nghề

Vốn là người gốc Gascogne, anh xuất thân trong một gia đình chủ nhà hàng hạng thường và từ nhỏ đã làm việc tại nhà hàng của bố mình, quán La Chevalière, quảng trường Libération tại Auch. Năm mười sáu tuổi, anh bắt đầu học việc và thu thập được vô số kinh nghiệm: phụ bếp nhà hàng Ducasse, Robuchon và Lenôtre sau đó trở thành trợ tá đắc lực của bếp trưởng nổi tiếng người Provence Jacques Laroux trong nhà hàng La Bastide tại Saint-Paul-de-Vence.

Tài năng bộc lộ

Vị sư phụ tài năng đột ngột tự tử đẩy Lempereur lên vị trí số một của nhà hàng La Bastide. Trái với mọi dự đoán, anh đã lèo lái nhà hàng trụ hạng thành công và ở tuổi hai mươi lăm, trở thành bếp trưởng trẻ nhất người Pháp đứng đầu một nhà hàng được Cẩm nang Michelin xếp loại ba sao.

Vậy nên khách sạn Cap-d’Antibes lừng danh đã đánh tiếng mời anh về để vực dậy nhà hàng La Trattoria của họ. Chưa đầy một năm ngày khai trương, nhà hàng khách sạn này cũng được xếp loại ba sao, biến Jonathan Lempereur thành một trong bốn đầu bếp duy nhất tích lũy được sáu sao trong cuốn cẩm nang nổi tiếng này.

Chính thức thành danh

Năm 2001, anh gặp Francesca, con gái doanh nhân người Mỹ Frank DeLillo, ghé qua khách sạn Cap trong kỳ nghỉ trăng mật cùng chủ ngân hàng Mark Chadwich. Cô gái sắp thừa kế một gia tài lớn và chàng bếp trưởng tuổi trẻ tài cao đã trúng phải tiếng sét ái tình, khiến chưa đầy một tuần sau đám cưới, Francesca quyết định tiến hành thủ tục ly dị, chấp nhận sống trong mối bất hòa với gia đình trong khi khách sạn danh tiếng vùng Côte d’Azur sa thải bếp trưởng của mình để giữ gìn danh tiếng.

Cặp đôi mới chuyển tới sống tại New York rồi kết hôn. Với sự giúp đỡ của vợ, Jonathan Lempereur mở nhà hàng của riêng mình mang tên Thống Soái nằm tại tầng thượng của tòa nhà Rockefeller Center.

Đối với Lempereur, đó là khởi đầu một thời kỳ đặc biệt sáng tạo. Vừa thí nghiệm những công nghệ mới vừa bảo tồn những hương vị đặc trưng của ẩm thực Địa Trung Hải, anh trở thành một trong những người truyền bá “ẩm thực phân tử” và ngay lập tức gặt hái thành công. Chỉ trong vài tháng, anh trở thành con cưng của các ngôi sao, các chính khách và các chuyên gia phê bình ẩm thực. Vừa tròn ba mươi lăm tuổi, anh đã được một hội đồng giám khảo quốc tế gồm bốn trăm nhà báo viết thời luận bầu là đầu bếp tài ba nhất thế giới, họ ca ngợi “căn bếp sáng ngời” của anh và biệt tài tặng cho các thực khách “một chuyến du hành vị giác kỳ diệu”. Vào thời đó, mỗi năm nhà hàng của anh nhận được hàng chục nghìn yêu cầu đặt chỗ đến từ khắp nơi trên thế giới và thường xuyên phải đợi hơn một năm trời mới có bàn.

Biểu tượng truyền thông

Song song với sự nghiệp đầu bếp, Jonathan Lempereur còn trở nên nổi tiếng bởi tần suất xuất hiện trên truyền hình dày đặc, đặc biệt là chương trình Một giờ với Jonathan trên BBC America rồi Những bí mật của bếp trưởng trên Fox thu hút hàng triệu khán giả truyền hình mỗi tuần và đã được phát hành dưới dạng sách và DVD.

Năm 2006, được sự ủng hộ của Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ New York, Lempereur bắt đầu cuộc vận động chống lại thực đơn áp dụng trong các căng tin nhà trường của thành phố. Các cuộc gặp gỡ của anh với học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên rốt cuộc đã đưa đến kết quả là việc áp dụng thực đơn cân bằng hơn trong các trường học.

Với nụ cười quyến rũ, chiếc áo khoác da và âm sắc Pháp lôi cuốn của mình, bếp trưởng trẻ tuổi đã trở thành biểu tượng của ẩm thực hiện đại và lọt vào danh sách những nhân vật có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time. Tờ tuần san còn nhân dịp này đặt cho anh biệt danh “Tom Cruise của giới ẩm thực”.

- Cô có bán những đồ trang trí này không?

- Gì kia?

Madeline ngẩng lên khỏi màn hình máy tính. Mải mê theo dõi diễn biến cuộc đời của Lempereur, cô không nhận ra một vị khách nữ vừa bước vào tiệm.

- Mấy món đồ trang trí này, cô bán luôn chứ? người phụ nữ hỏi lại, tay chỉ các tầng giá bằng gỗ vân nhạt màu trưng bày các đồ phụ kiện: nhiệt kế cổ, đồng hồ cúc cu cổ, lồng chim, gương ố, đèn bão và nến thơm.

- Ơ... không ạ, bà thứ lỗi, chúng là một phần của cửa hàng này, Madeline nói dối, chỉ mong khách hàng đi khỏi để tập trung theo dõi tiếp tiểu sử của Jonathan.

Doanh nhân: xây dựng tập đoàn Thống Soái

Dựa trên danh tiếng mới hình thành đó, Lempereur đã cùng vợ mình sáng lập ra tập đoàn Thống Soái được ủy thác quản lý thương hiệu mang tên anh dưới dạng các sản phẩm phái sinh. Vậy là cặp vợ chồng bắt đầu mở hết cơ sở này đến cơ sở khác: quán rượu, quán bia, bar chuyên phục vụ rượu vang, khách sạn hạng sang... Đế chế nhà hàng của họ trải rộng khắp thế giới, từ Las Vegas tới Miami qua cả Bắc Kinh, Luân Đôn và Dubai. Năm 2008, tập đoàn Thống Soái có trong tay hơn hai nghìn nhân công tại hơn mười lăm quốc gia và doanh số đạt tới vài chục triệu đô.

Những khó khăn tài chính và rút lui khỏi thế giới ẩm thực

Trong khi khách hàng tiếp tục đổ về nhà hàng của anh tại New York, đầu bếp người Pháp lại là đích ngắm của những cuộc tấn công ngày càng dữ dội. Chính những nhà phê bình mới cách đây vài năm còn ca ngợi khả năng sáng tạo và tài năng của anh giờ lại quay ra trách anh đã phân tán hoạt động và trở thành “một cỗ máy kiếm tiền đơn thuần”.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động trong tập đoàn khổng lồ của anh còn xa mới đạt tới ngưỡng sinh lời. Tập đoàn Thống Soái ngập trong nợ nần và đứng bên bờ vực phá sản vào tháng Mười hai năm 2009. Vài tuần sau, sau khi chia tay vợ, Jonathan Lempereur tuyên bố bỏ cuộc vì “mệt mỏi với những lời phê phán”, “cạn kiệt cảm hứng” và “vỡ mộng với thế giới ẩm thực”. Ở tuổi ba mươi chín, buộc phải nhượng lại quyền khai thác thương hiệu của mình, Lempereur rút hẳn khỏi các hoạt động kinh doanh sau khi ghi dấu ấn trong thế giới ẩm thực hiện đại.

Đọc đến cuối phần tiểu dẫn, Madeline được biết vị bếp trưởng đã từng xuất bản một cuốn sách năm 2005, Tự thú của một đầu bếp đang yêu. Tìm kiếm thêm nữa với hai ba lần kích chuột, cô tìm ra trang web của quán French Touch tại San Francisco là nơi Jonathan đang quản lý. Rõ ràng là trang web không được cập nhật thường xuyên. Trong đó chỉ xuất hiện vài thực đơn giá 24 đô làm thí dụ: xúp hành, dổi đen nấu táo, bánh kem quả vả. Không có gì ngộ hơn đối với một người cách đây vài năm đã từng đứng đầu nhà hàng danh tiếng nhất thế giới.

Làm sao anh ta lại ra nông nỗi ấy? Cô tự hỏi trong lúc tản bộ giữa đám thông và lan. Cô đến góc trong cùng của tiệm hoa nơi được bài trí như một khu vườn, rồi thẫn thờ ngồi xuống chiếc xích đu treo trên một cành cây lớn gắn lên trần.

Điện thoại trong tiệm đổ chuông kéo cô ra khỏi dòng suy tưởng.

Cô đứng bật dậy để ra nhấc máy. Là Takumi.

- Cậu vẫn ở bưu điện hả?

- Không thưa..., à Madeline. Vì đang có đình công nên bưu điện đóng cửa hết rồi.

- Được, trên đường về cậu nhớ ghé qua hiệu sách mua cho tôi cuốn này nhé. Cậu có gì để ghi lại không? Tên sách đây: Tự thú của một đầu bếp đang yêu của...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.