Công Tử Có Bệnh

Chương 22: Mộng hồi tiền trần




Chiếc giá y may gần xong, ngày đại hỉ cũng đã cận kề.

Mấy ngày này, ta lờ mờ nhận ra dường như số thị vệ canh gác chung quanh viện của mình tăng lên đáng kể, lại chỉ nghĩ đơn giản rằng, vương phủ sắp có hỉ sự, phụ vương sợ có kẻ quấy rối mà thôi.

Ngày đại hỉ càng đến gần, trong lòng ta lại dâng lên một cảm giác nao nao khó tả. Đêm đến, có một giấc mộng kỳ lạ cứ trở đi trở lại trong mơ của ta.

Ta mơ thấy mình đang ở Tô phủ tại Dương Châu. Nhưng mà, Tô phủ này lại không giống với trí nhớ của ta, khóm hoa nhỏ mà ta trồng đã um tùm tươi tốt, nhánh liễu con con mà ta gieo nay đã rủ bóng bên hồ, những nha hoàn gia đinh trong phủ cũng thật lạ lẫm, chẳng còn ai thân thuộc nữa.

Dường như, đã rất nhiều năm trôi qua rồi.

Ta ngây ngẩn bần thần nhìn cảnh xưa chốn cũ tưởng quen mà hóa ra lại lạ lẫm ấy. Trước mắt ta, mấy tiểu nha hoàn đang hối hả chạy qua chạy lại. Khắp nơi Tô phủ đang giăng đầy lụa đỏ, hình như là sắp có hỉ sự.

Bấy giờ, trời đương đổ tuyết, ta lại chẳng thấy lạnh chút nào.

Lúc này, quản gia đã không còn là Lý quản gia quen thuộc với ta nữa, mà đã thay bằng một nam tử trung niên xa lạ. Ông ta đang tiễn một vị mang hòm thuốc trên tay ra khỏi cổng, có lẽ là đại phu. Vừa đi, ông ta vừa hỏi:

"Đại phu, xin hỏi lão gia nhà chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa?"

Vị đại phu nọ thở dài, đáp:

"Nhiều nhất là ba ngày nữa."

Quản gia nghe vậy, vẻ mặt chùng xuống, cũng thở dài một tiếng, nói:

"Chỉ mong lão gia kịp nhìn thấy tiểu thư xuất giá."

Ta thầm thắc mắc, chẳng rõ tiểu thư kia là ai.

Quản gia đưa vị đại phu nọ ra khỏi phủ rồi, lại men theo hành lang chín khúc quanh co quay về chính viện. Ta vô thức đi theo ông ta, đi mãi, đi mãi, đến một gian phòng nọ.

Ta ngẩn ra. Cho dù có nhắm mắt, ta cũng không thể nhận nhầm được, đây chính là phòng của công tử. Đã từng, ta vô cùng trông mong đến đây. Đã từng, mỗi lần ta đứng trước cánh cửa này, trái tim đều đập rộn ràng loạn nhịp. Đã từng, trong căn phòng này, ta cùng chàng ân ái triền miên, quấn quýt như hình với bóng.

Đương lúc ta đang ngơ ngẩn, bên trong cánh cửa truyền ra một giọng nói khe khẽ:

"Lưu quản gia, hôn lễ của Tích nhi... Khụ khụ... Đã chuẩn bị xong hết chưa?"

Ta sững sờ.

Cho dù giọng nói này đã già nua đi rất nhiều, cho dù câu nói xen lẫn với những tiếng ho khùng khục, ta vẫn dễ dàng  nhận ra, đây là giọng của công tử.

Lẽ nào, đây là công tử kiếp trước lúc về già?

Vậy thì, tiểu thư kia là con gái của công chúa ư?

Nếu là ta của lúc trước, nghĩ đến đây ắt sẽ thầm khó chịu trong lòng. Tất nhiên, không có một nữ tử nào đủ cao thượng để thản nhiên nhìn người mình yêu sinh con cùng một nữ nhân khác. Nhưng bây giờ, ta đã không còn là Thanh Y của lúc trước, nghe vậy chỉ thấy tò mò, chẳng chút buồn phiền nào.

Quản gia nọ cung kính đáp:

"Bẩm lão gia, hôn sự của tiểu thư đã được chuẩn bị chu đáo rồi, chỉ chờ đến ngày đại hỉ bái đường thành thân mà thôi."

Người bên trong nhẹ thở ra một hơi, bảo:

"Được rồi, ngươi lui đi."

Vừa dứt lời, một tràng ho khùng khục lại vang lên.

Vị quản gia nọ đã rời đi, ta vẫn còn đứng ở ngoài cửa. Chẳng biết vì điều gì, ta lại không bỏ đi, cứ lẳng lặng đứng bên ngoài, nghe từng đợt tiếng ho nối tiếp nhau truyền đến.

Cứ thế, đêm nào ta cũng mơ về cái Tô phủ xa lạ đó. Kỳ lạ là, trong mơ, ta chưa từng nhìn thấy công tử, chỉ nghe thấy giọng nói sau cánh cửa gỗ chạm trổ tinh xảo, và nghe những người xung quanh bàn tán về chàng.

Có một nha hoàn nói:

"Tiểu thư thật là tốt số, xuất giá được lão gia cho nhiều của hồi môn như vậy, sau này về nhà chồng cũng không ai dám nắt nạt."

Một nha đầu khác gật gù tán đồng:

"Còn phải nói sao, lão gia nhà chúng ta quả thật là yêu thương tiểu thư."

"Lão gia cũng thật chung tình, phu nhân tạ thế đã mười mấy năm, lại vẫn không chịu cưới thêm kế thê, thành ra chỉ có một mình tiểu thư là con, không thương tiểu thư thì thương ai?"

"Suỵt, đừng nhắc đến phu nhân, để lão gia nghe thấy thì không còn mạng ra phủ đâu."

Ta nghe vậy, bần thần một hồi lâu.

Phu nhân mà bọn họ nói, là tỷ tỷ hay công chúa?

Lẽ nào công tử thật sự mang mệnh khắc thê, tỷ tỷ qua đời, công chúa cũng không còn trên dương thế?

Ta rất muốn nghe nhiều hơn, nhưng lần nào cũng chỉ nghe được mấy câu đã giật mình thức giấc.

Cho đến cái đêm trước ngày đại hỉ, ta đột nhiên mơ thấy một giấc mơ rất khác lạ.

Bấy giờ, ta vẫn thấy mình đang ở Tô phủ. Nhưng mà, ta không còn vô hình vô ảnh, như một người ngoài đứng bên cạnh quan sát nữa. Mọi người ở đây lại có thể trông thấy ta.

Vị quản gia nọ nhìn ta, hỏi:

"Cô là nha hoàn mới đến sao?"

Ta sờ sờ mặt mình. Có lẽ là làm nha hoàn lâu quá, nhìn cốt cách đã toát lên khí chất nô tỳ chăng?

Lưu quản gia thấy ta ngẩn ra, chép miệng một cái, bảo:

"Nhìn thế này chắc cũng không làm được gì. Thôi, cô cứ đến trước gian thờ của phu nhân quét tước sạch sẽ bên ngoài đi. Nhớ rõ, chỉ được quét bên ngoài, không được bước vào trong, có rõ chưa?"

Ta ở Tô phủ lâu vậy, chưa bao giờ biết nơi đây có gian thờ nào cấm người ra vào như thế, cũng hơi tò mò, bèn gật đầu vâng dạ, cầm chổi đi theo hướng ông ta chỉ.

Gian thờ này nằm ngay cạnh phòng của công tử, xung quanh trồng đầy hoa cỏ, còn có một hàng dương liễu rủ bóng xuống mặt hồ, quả thật là bày trí tỉ mỉ. Nhưng tiếc rằng, bây giờ là mùa đông, muôn cây héo tàn, khung cảnh vốn dĩ nên là hoa thơm bướm lượn cũng trở nên tiêu điều quạnh quẽ.

Chẳng biết điều gì thôi thúc, ta quên hết những lời quản gia bảo, vô thức bước đến gần gian thờ nọ. Trên cửa có một ổ khóa to tướng, nhưng khi tay ta vừa chạm vào, ổ khóa lại leng keng rơi xuống đất. Ta chầm chậm đẩy cửa bước vào.

Khác với suy đoán của ta, gian thờ này không hề âm u lạnh lẽo. Dù không có người, bếp sưởi vẫn được đốt lên, vừa bước vào, mùi hương trầm thơm dịu đã vờn quanh bên chóp mũi, khắp nơi được thắp sáng bằng đèn lưu ly và dạ minh châu.

Nói rằng là gian thờ, nhưng lại được bày trí tỉ mỉ chu đáo như dành cho người sống ở.

Ta bất chợt rùng mình một cái. Theo lý, ta nên quay đầu đi ngay khỏi đây. Nhưng lúc này, hai chân ta dường như chẳng còn nghe theo sự điều khiển của mình nữa, cứ tiến thẳng về phía trước, càng lúc càng đến gần bàn thờ.

Cho đến khi, ta có thể nhìn rõ những chữ trên tấm bài vị đặt chễm chệ giữa gian thờ.

Chỉ thấy, trên đó viết mấy chữ: Ái thê Liễu Thanh Y chi linh vị.

Ta giật mình, đánh rơi cây chổi trên tay.

Ngẩng đầu nhìn lên, ta lại chợt trông thấy một bức tranh. Tranh không vẽ phong cảnh, chỉ vẽ người. Ta nhìn về lạc khoản, thấy đề tên công tử. Mà người trong tranh, rõ ràng chính là ta.

Không, nói chính xác hơn, đó là ta của kiếp trước, độ chừng mười bảy, mười tám tuổi, mình khoác chiếc áo màu xanh như màu sông nước Giang Nam, đầu cài cây trâm phỉ thúy công tử tặng nhân ngày sinh thần.

Ta hoảng hốt, chỉ muốn bỏ chạy ngay ra khỏi gian phòng này.

Nhưng ta còn chưa kịp đi, đằng sau đã vang lên tiếng bước chân nặng nề. Sau đó, một giọng nói già nua lạnh lẽo cất lên:

"Hỗn xược, ai cho phép ngươi vào đây?"

Ta giật bắn người, quay đầu nhìn lại.

Xoảng.

Ngọn đèn lưu ly trên tay người ấy rơi xuống đất, vỡ tan tành.

Nhưng thiếu đi một ngọn đèn, cũng chẳng thể ngăn cản ta trông thấy được người đứng trước mặt mình là ai.

Đó là công tử.

Nhưng mà, chẳng phải là công tử ngọc thụ lâm phong năm nào trong ký ức của ta. Ở trước mắt ta là một nam tử trung niên mỏi mệt, mái tóc bạc quá nửa, khuôn mặt đầy dấu vết tang thương của tháng năm, trên mình mặc bộ xiêm y trắng toát tang tóc.

Ta chưa bao giờ tưởng tượng ra, có một ngày, công tử sẽ trở nên tàn tạ như vậy.

Công tử nhìn ta, đôi mắt đục ngầu đã đỏ hoe lên, bàn tay chống gậy cũng run lẩy bẩy. Chàng run run hỏi:

"Y Y... Là... là nàng sao? Nàng đến đón ta đó ư?"

Ta nghĩ, thứ duy nhất không thay đổi, đó chính là bệnh của công tử vẫn nặng như cũ.

Không, phải nói là, ngày càng nặng hơn xưa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.