Cơn Mưa

Chương 3: Trong mưa




Edit: Fei Yang

Beta: Mốc

✧✧✧✧✧

“Phía trước quẹo sao?”

“…”

“Có quẹo không ạ?”

“…”

Xe đã chạy đến đường quốc lộ rộng rãi, đường xá bị núi rừng thấp bé hai bên cuốn theo.

Tôn Bằng quay đầu, phát hiện người phụ nữ bên cạnh dựa đầu vào cửa sổ, mí mắt khép lại. Cô đang ngủ.

“Này…”

Anh gọi thêm một tiếng. Không có phản ứng gì.

Tốc độ xe chậm lại, anh vừa nhìn đường vừa bật GPS trên điện thoại di động, nhớ lại địa chỉ cô vừa mới nói.

Tiếc rằng là, quên mất rồi.

Nhìn giờ, anh đánh tay lái, tấp vào lề đường từ từ dừng xe lại.

Khoảnh khắc tắt máy, ánh sáng lập lòe màu trắng của đồng hồ đo biến mất trên khuôn mặt cô.

Cô thở rất nhẹ, ngực khẽ nhấp nhô, tóc buộc sau gáy bị đè ép nên có vài sợi tóc bị xõa ra, một ít rơi xuống bờ vai.

Trong bóng tối, anh lẳng lặng nhìn khuôn mặt cô một hồi, đẩy đầu máy điều hòa thổi vào cô sang một bên, mò lấy thuốc lá trên người.

Lúc Trần Nham thức dậy, mơ màng trong chốc lát.

Cô vô thức túm lấy túi xách, chiếc túi để trên đùi tạo thành một lớp mồ hôi mỏng. Cô cúi đầu nhìn nhìn quần áo mình, nhìn ra ngoài cửa sổ, rất nhanh nhớ lại tại sao mình ở trên chiếc xe này.

Ngoài cửa sổ là núi hồ nhỏ cô quen thuộc. Cỏ cây trên núi hiện lên ánh sáng xanh, đong đưa rì rào theo gió.

Cô xác định phương hướng một chút.

Không sai, vẫn là trên đường về nhà.

Nhưng không thấy người trên ghế lái.

Cô mở cửa xe.

Đêm khuya cuối hè, bầu không khí núi rừng lạnh lẽo xuyên qua làn gió hơi hanh, trong nháy mắt bao phủ tới.

Cô hoàn toàn tỉnh táo lại.

Tôn Bằng đang dựa nửa người vào cửa hông sau xe, nhìn đường hút thuốc.

Con đường màu xanh lam bị đèn đường chiếu thành màu vàng xám, xe lui tới rất ít, đèn giao thông ở ngã tư lặng lẽ nhảy theo số giây.

Làn khói tản ra từ đầu ngón tay anh, quanh quẩn bên mặt anh, cuối cùng tan đi mất.

Cảm nhận được động tĩnh, anh đứng thẳng người, quay đầu lại.

Trần Nham đứng bên cửa ghế phụ, khoanh tay nhìn anh.

Cô đã sửa sang lại đầu tóc, cái nhúm xõa ra trên vai không thấy nữa, vẻ mặt mang theo sự mờ mịt đặc thù sau khi thức dậy.

“Cô thức rồi?”

“Ừm.” Trần Nham nhìn anh.

“Cô đang ngủ, tôi muốn bật GPS, mà quên mất địa chỉ rồi.”

Trần Nham cảm thấy hơi xấu hổ, “Xin lỗi anh, làm lỡ thời gian của anh.”

“Không có gì. Đi thôi.” Anh rít hơi thuốc cuối cùng, vứt tàn thuốc.

Xe lại lên đường.

Mỗi khi đến đầu đường Trần Nham sẽ chỉ đường một cái, trừ việc đó ra, suốt quãng đường đều vô cùng im lặng.

Giữa đường, chỗ một cây đèn giao thông, Trần Nham ngửi thấy mùi thuốc lá nhàn nhạt tỏa ra bên cạnh, không kìm được liếc mắt nhìn anh.

Anh luôn nhìn phía trước, mặt không biểu lộ cảm xúc gì.

Xe từ từ chạy vào khu nội thành xưa. Tôn Bằng phát hiện anh từng tới đây, chỉ là không biết chính xác tên đường.

“Đến rồi, ở trong này.” Trần Nham ngồi dậy.

Xe dừng trước đầu hẻm tối om, hai chùm đèn pha sáng choang, bụi bặm lẳng lặng lăn mình trong ánh sáng.

“Có thể vào trong không?”

“Trễ quá rồi, không vào được.”

Hai bên hẻm có không ít cửa tiệm nhỏ, ban đêm, ông chủ trẻ hay đậu xe trước cửa tiệm, buổi sáng lên đường. Sáng sớm không ảnh hưởng xe ra, nhưng buổi tối lại ảnh hưởng xe vào.

Sau khi Trần Nham xuống xe, Tôn Bằng cũng xuống theo.

Anh vòng qua đầu xe, đi tới đầu con hẻm sâu và đen. Hai bên đường có mấy cửa tiệm nhỏ treo tấm biển, đều đã đóng cửa.

Một chiếc xe tải đậu giữa đường, chiếm hai phần ba con đường.

“Bên trong không có đèn đường sao?”

“Có một cái, lúc trước vừa hỏng.”

Anh quay đầu nhìn cô, “Tôi nhìn một chút, cô đi vào đi.”

Trần Nham đi qua khỏi con hẻm, lúc gần đến nhà, cô nghe thấy xa xa truyền đến tiếng động cơ xe ô-tô khởi động, vang lên chói tai trong đêm khuya yên tĩnh.

Chờ đến khi âm thanh ấy biến mất, không biết chó nhà nào bỗng nhiên bị kinh động, cứ sủa ăng ẳng không ngừng, bầu bạn cùng tiếng giày cao gót của cô.

Nơi này là khu nhà lụp xụp tồi tàn cũ nổi tiếng trong thành phố, nhà nhà đều là nhà trệt, không ít người xây nhà hai tầng nhỏ, mở rộng ban công. Mấy năm trước thành phố dự định thẳng tay phá dỡ khu này, tiếc rằng xây dựng trái phép thật sự quá nhiều, dân cư lại quá hỗn tạp, còn chưa bắt đầu làm, thì đã có rất nhiều người nghe phong phanh nửa đêm lén lợp nhà tôn, muốn nhân cơ hội kiếm chác một khoản. Giai đoạn đầu chính phủ đã tính chi phí quy hoạch, nhưng cũng không làm gì thêm nữa.

Đi ra khỏi con hẻm quẹo trái chính là căn nhà cũ của gia đình Trần Nham, của bố cô để lại. Một khoảng đất ở cổng đổ xi măng, một vòng gạch bao quanh, miễn cưỡng tạo thành một cái sân, không làm cổng sân. Ông bà ngoại của cô bình thường trồng ít rau và hoa trong sân giết thời gian.

Khi đi qua phòng khách, cửa phòng mẹ Trần chợt mở ra, không bật đèn.

Bà ló đầu ra, khàn giọng hỏi, “Sao về trễ vậy? Điện thoại cũng không nghe.”

“Hết pin ạ.”

“Tắm rửa rồi mau ngủ đi.”

Trần Nham dạ một tiếng, mẹ Trần đóng cửa lại.

Đây là căn nhà hai phòng rưỡi một phòng khách, phòng của Trần Nham là phòng “rưỡi”.

Tắm xong về phòng, bật máy điều hòa, trong phòng thoang thoảng vị ngọt nức mũi của nhang chống muỗi. Cô nhanh chóng ngủ thiếp đi, nửa đêm thức dậy, mơ mơ màng màng đi vệ sinh.

Nhà vệ sinh sáng đèn, cửa mở, có tiếng nước chảy rất nhỏ.

Thấy một bóng lưng còng xuống, một đôi chân mang dép nhựa màu xanh, Trần Nham chợt tỉnh táo, lặng lẽ về phòng. Chờ rất lâu, cô mới lại đi vệ sinh.

Mẹ của Trần Nham là một nhân viên y tế trong bệnh viện, bố cô lúc còn sống là một thợ xây. Từ lúc cô bắt đầu có trí nhớ, trong nhà luôn rất nghèo, bố mẹ bận bịu mưu sinh, không ai dạy dỗ cô. Năm cô 16 tuổi, bố cô qua đời vì bệnh urê huyết, sự chán nản nghèo túng trong nhà càng để lại ấn tượng sâu sắc cho cô. Lúc đó mẹ con họ chỉ còn lại căn nhà cũ này và một đống nợ vì chữa bệnh cho bố cô.

Khi ấy mẹ cô thường khóc lóc kể lể với bạn bè họ hàng tới thăm hỏi: “Sớm biết không giữ được, thì đã không chữa bệnh cho ông ấy rồi.”

Nếu không nhờ vào tiền cho sinh viên vay của trường, thì Trần Nham có lẽ không thể hoàn thành trọn vẹn được việc học.

Chưa tới hai năm, cậu út không chịu kết hôn của Trần Nham rốt cuộc tìm được đối tượng. Ông bà ngoại vui vẻ dọn ra khỏi căn nhà của mình làm đám cưới cho đứa con trai út này, bắt đầu tới ở chung với con gái.

Tuy hơi chật chội một chút, nhưng có tiền hưu của người già giúp đỡ, áp lực cuộc sống của mẹ con họ ít hơn rất nhiều. Hơn nữa Trần Nham vâng lời hiểu chuyện, học tập xuất sắc nhất, gia đình này dần dần bắt đầu quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Sau khi lên đại học, cô chưa từng xòe tay xin một xu trong nhà, toàn bộ tiền sinh hoạt tự lo liệu. Sau khi tốt nghiệp, cô thuận lợi thi vào đài truyền hình, có một nghề nghiệp ổn định vẻ vang. Mấy năm nay, nợ nần trong nhà cũng coi như trả hết.

Có lẽ vì sinh ra đã ở tầng lớp thấp nhất, Trần Nham cảm thấy cuộc đời cô là một quá trình không ngừng leo lên. Không phải là không khổ, không phải không mệt, nhưng có khổ hơn nữa mệt hơn nữa, thì tất cả đều phát triển theo hướng tốt đẹp, thật sự không phải là không có chút hi vọng.

Một mình phấn đấu nhiều năm dần hình thành nên tính cách hờ hững cô quạnh của cô. Từng có một dạo, cô không quan tâm đến bất kì điều gì, thậm chí cũng hiếm khi ấm áp với người thân.

Lúc còn nhỏ, cô chưa từng được ẵm bồng yêu thương. Khi đi học, chỉ động tác thân mật nho nhỏ của người khác cũng khiến cô mơ hồ không được tự nhiên.

Đến tận sau khi đi làm, cuộc đời cô như bắt đầu lại, tầm mắt mở rộng hơn rất nhiều, người càng rạng rỡ tự tin hơn, về mặt thái độ đối nhân xử thế cũng dần thay đổi, không còn câu nệ, cũng không cứng nhắc như trước nữa.

Nhưng tận sâu trong đáy lòng, từ đầu đến cuối có một dòng sông lạnh lẽo, im lặng dẫn dắt cô, không để cho cô lạc đường trong khu rừng rậm dục vọng này.

Không thể mất phương hướng, bởi vì sau lưng không có đường lui.

Ba ngày sau, Phùng Bối Bối mang đến tin tốt lành cho Trần Nham.

Hợp tác bàn thành công.

Cô ấy gửi một số điện thoại cho Trần Nham để cô liên lạc trực tiếp, là một công ty bất động sản mới lên sàn muốn quay phim tuyên truyền.

Phùng Bối Bối không có kiêng kị, đó chính là công ty của gia đình bạn trai Chu Tư Hồng của cô ấy. Đêm đó Phùng Bối Bối thuận miệng nhắc tới với Chu Tư Hồng, anh ta đồng ý ngay.

Tổng công ty Danh Dương này ở Thượng Hải, công ty mới lên sàn bên này do Chu Tư Hồng vừa mới đánh bóng tên tuổi từ nước ngoài về luyện tập. Tổng công ty sắp kỉ niệm 35 năm, đến lúc đó bọn họ làm chủ hội trường, muốn mở một buổi dạ tiệc, vừa vặn có thể mở màn bằng phim tuyên truyền.

Hạ thu luân chuyển, thành phố như bắt đầu bước vào mùa mưa dai dẳng. Hôm nay từ sáng đã bắt đầu có mưa nhỏ lất phất, buổi chiều mưa rơi lớn dần, đôi lúc còn kèm theo tiếng sấm.

Người của công ty Danh Dương thông báo cho Trần Nham tới bàn chi tiết chuyện hợp tác. Trần Nham vừa lấy tin bên ngoài về, lập tức đón xe vội tới đó.

Phòng làm việc ở lầu hai nơi bán hàng. Chỉ trong nháy mắt bước xuống xe, váy của Trần Nham đã ướt một mảng lớn.

Người gặp cô tên là Trương Vĩnh Sinh, là một lãnh đạo trẻ phụ trách việc lên kế hoạch tuyên truyền, dáng người hơi béo, nụ cười khôn khéo.

Thái độ của anh ta vô cùng thân thiện, toàn bộ quá trình thương lượng có thể nói là ăn nhịp với nhau.

“Phóng viên Trần, phim cô cứ mạnh tay đi, có gì cần cứ nói, chúng tôi sẽ giúp đỡ.”

“Cảm ơn trưởng phòng Trương.”

Trương Vĩnh Sinh cười xua xua tay, “Ngày mai sẽ mang hợp đồng sang, kí hợp đồng sớm một chút bắt đầu làm sớm một chút.”

Trần Nham gật đầu: “Được.”

“Phóng viên Trần tới thế nào.” Anh ta nhìn mưa bên ngoài, bắt đầu lấy điện thoại di động, “Để tôi tìm chiếc xe đưa cô một đoạn.”

“Không cần khách sáo…” Vừa dứt lời, một tiếng sét ngoài cửa sổ, mưa xoay trời chuyển đất đổ xuống ào ào.

Trần Nham không từ chối nữa.

Ở đây vốn đã xa xôi hẻo lánh, cộng thêm mưa lớn thế này, không đón xe được.

Tài xế Trương Vĩnh Sinh tìm hình như không có ở đây, anh ta cúp điện thoại nói với Trần Nham, “Chờ thêm một chút nữa.”

Trần Nham không hề vội, nhấp ngụm trà, nhìn ra cơn dông ngoài cửa sổ.

Một lát sau rốt cuộc liên lạc xe xong, họ cùng xuống lầu.

Dưới lầu chính là đại sảnh bán hàng.

Vài cái bàn kính tròn và ghế mây đặt bên cửa sổ sát đất, một người đàn ông ngồi trên một cái ghế gần cửa, nhìn thấy họ thì đứng lên.

“Tiểu Tôn, đây là phóng viên Trần của đài truyền hình, phiền anh đưa cô ấy một đoạn, hôm nay lão Trương không có ở đây, tôi cũng không tìm được người khác.” Trương Vĩnh Sinh nói rất khách sáo.

Tôn Bằng nhìn anh ta, lại nhìn Trần Nham một cái, “Không sao.”

Trần Nham tạm biệt Trương Vĩnh Sinh, đi theo Tôn Bằng lên xe.

Xe đậu cách cửa mấy bước, vẫn là chiếc Land Rover màu đen kia. Anh không bật ô, đi thẳng tới trong cơn mưa to.

Trần Nham cụp ô lên xe, để cái ô ướt sũng bên chân.

“Cô đi đâu?” Anh hỏi.

Trần Nham nhìn thấy áo phông trên người anh đã ướt gần hết, mái tóc đen và ngắn dính vào nhau trên trán. Anh giơ tay lau nước trên mặt, nhân tiện vuốt tóc, nhúm tóc nhỏ trên trán dựng đứng lên.

“Đài truyền hình.”

Tôn Bằng nhìn cô một cái, xuất phát.

Mưa như trút nước, sấm chớp trên bầu trời, người đi bộ đều tránh mưa ven đường, trên con đường trắng xóa chỉ còn lại xe cộ.

Trong tiếng mưa to xen lẫn tiếng còi nôn nóng.

Trong xe yên lặng, điện thoại di động của Tôn Bằng bỗng vang lên.

Tiếng chuông đó không phải là bài hát nào, mà là tiếng chuông điện thoại reng reng cổ xưa nhất, đơn điệu mà dồn dập.

Trần Nham nhìn về phía anh.

Khi đèn đỏ anh nhận máy, Trần Nham vô thức quay đầu về phía ngoài cửa sổ.

Trên cửa sổ không có giọt mưa, chỉ có màn nước tầng tầng bao phủ từ trên xuống dưới, chảy xuôi róc rách.

Cô chưa bao giờ quen nghe người khác nói chuyện điện thoại, cho dù có lúc không thể không nghe, cô cũng sẽ tự chuyển sự chú ý của mình sang chỗ khác.

Sau khi cúp điện thoại, Tôn Bằng nhìn nhìn cô.

Trần Nham không để ý, một lát sau, anh lại nhìn cô.

Trần Nham nghe thấy giọng nói ban nãy trong điện thoại rất vội vàng, cũng nhìn ra anh có lời muốn nói, chủ động hỏi, “Sao vậy?”

Anh nhìn đường, bắp thịt trên cánh tay cầm tay lái căng ra, “Cô có vội về không? Bây giờ tôi có chuyện gấp…”

“Không phải anh định thả tôi xuống giữa đường đấy chứ?”

“Không phải, nếu cô không vội, thì tôi làm một chuyện trước, rồi lát nữa đưa cô về.”

Trần Nham nhìn dáng vẻ quả thực rất vội của anh, suy nghĩ một chút, “Được.”

Xe rất nhanh đổi hướng, nhanh chóng qua lại trong màn mưa. Gần hai mươi phút sau, mưa nhỏ lại, xe chạy vào một tiểu khu cũ.

Trần Nham ngồi trên xe, nhìn Tôn Bằng chạy vào tòa nhà đối diện. Cô lấy ra một quyển sách trong túi, giết thời gian.

Mười phút sau, Trần Nham nhìn ra ngoài cửa sổ.

Hai phút sau, Trần Nham duỗi chân trên xe, đổi tư thế ngồi.

Ba mươi phút sau, mưa đã tạnh, mây đen tan đi, cây cối ven đường càng thêm sáng rực xanh biếc. Trong lòng Trần Nham hoàn toàn hết kiên nhẫn, lại hơi tức giận. Gắng gượng chờ người khác ba mươi phút, với cô mà nói, những lần như thế này ít đến mức có thể đếm được.

Ngay từ đầu Trần Nham vẫn đang nghĩ, đêm hôm ấy anh ta cũng chờ mình ngủ dậy ở trong xe một khoảng thời gian. Nhưng bây giờ, thật sự mất hết kiên nhẫn. Cô rút chìa khóa, xách túi xuống xe, đi về phía tòa nhà kia.

Chưa đến gần, trong tòa nhà đã truyền ra một tràng gào thét như nổi điên.

Trần Nham dừng bước.

Đầu cầu thang, vài người già đang mặc quần soóc áo may ô, tụm một chỗ nói chuyện phiếm.

“Nổi điên nữa rồi, đúng là phiền phức của nhà đó mà.”

“Yên ổn thế nào được, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện.”

“Thì thế, người bệnh thần kinh ở đây, bé cưng nhà tôi đang ngủ ngon trong nhà, bị dọa sợ muốn chết.”

Trần Nham đi tới, ánh mắt mấy người già nhìn nhìn cô đầy nghi hoặc, im lặng một chút rồi lại nói tiếp.

Cô quẹo vào từ đầu cầu thang u tối, trong không khí có một mùi cũ kỹ.

Cô theo âm thanh kì quái kia lên lầu hai.

Lầu hai có tổng cộng hai hộ gia đình, cửa hộ phía tây mở rộng, một cánh cửa lưới khép hờ không khóa lại.

Từ góc độ ngoài cửa nhìn vào, trong phòng khách nhỏ có một cái bàn xếp và hai cái ghế đẩu, bên tủ lạnh còn có một cái tủ chén màu nâu. Trên bàn có hai chồng thức ăn thừa đầy dầu mỡ, dưới đất rải rác mảnh chén đĩa vỡ.

Phòng khách không có cửa sổ cũng không có ánh sáng, tối om om. Không nhìn thấy căn phòng ở bên trong.

Tiếng kêu khóc kì quặc của người trưởng thành truyền tới từng đợt, khiến người ta run sợ.

Trần Nham thoáng dừng trước cửa, ma xui quỷ khiến đi vào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.