Con Gái Gian Thần

Chương 17: Trong nghề ra tay




THẾ LÀ KHÔNG CÓ HỢP LÝ!

Cái gọi là thế gia, tức là luôn có vẻ khiến người thường làm thế nào cũng không đoán được phương thức hành vi, thấm vào từng hành động nhỏ nhất trong cuộc sống sinh hoạt. Ví dụ như, đến nhà người ta làm khách, phải ra chào chủ nhân một chút, hoặc muốn bái phỏng khi chủ nhà đang có việc thì càng phải bày tỏ thành ý trên địa bàn nhà người ta, tránh trông như mình đang lẻn vào.

Cố Nại nghĩ như vậy.

Ông chú của cậu, Cố Ích Thuần, đang ở nhờ nhà Trịnh gia, nếu muốn đến bái kiến ông, phải chào hỏi chủ Trịnh gia, Trịnh Tĩnh Nghiệp. Trịnh Tĩnh Nghiệp cáo ốm, không phải bệnh gì nặng, nhiều người đoán, đây lại là quỷ kế của ông, giả bệnh trốn ở nhà để bày kế hãm hại trung lương. Nếu ông bệnh thật, thì cậu chàng Cố Nại đến làm khách càng phải đến thăm hỏi bệnh tình Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Vấn đề là, bây giờ Trịnh Tĩnh Nghiệp không có ở nhà!

Trịnh tướng đưa thầy giáo của mình vào triều, sau khi khiến trong cung chướng khí mù mịt, liền giả bệnh xin nghỉ, chạy đi câu cá!

Đỗ thị một bên để cháu trai tiếp đãi Cố Nại, một bên cho người đi tìm Trịnh Tĩnh Nghiệp. Còn Vu Minh Lãng và vị Nhã cô nương thì ở trước mặt bà, chờ người của Vu gia đến thì giao nhận tận tay, tránh giữa đường sinh biến.

Bà sắp xếp vậy, thế là Cố Nại ở lại chỗ Cố Ích Thuần hồi lâu. Trịnh Đức Hưng hơi ngại, cố tìm đề tài hỏi Cố Nại, nửa vì muốn phân tán sự chú ý của cậu ta, nửa cũng vì khá tôn trọng thế gia. Tổ tông Cố gia chia làm năm nhánh, Cố Ích Thuần và Cố Nại đều không phải ở tông chính, nhưng cũng là một trong năm nhánh gốc, Trịnh Đức Hưng có ý làm thân với Cố Nại.

“Cố huynh một đường đến đây, không biết có gặp khó khăn gì chăng?”

Cố Nại mỉm cười: “Đường khá bằng phẳng, nhưng vì tự vào Hi Sơn, nên hơi quanh co.”

Chỗ của Cố Ích Thuần mang phong cách cổ, trong phòng quá nửa đều là những thứ lùn lùn thấp thấp, ghế cũng thế. Bấy giờ cả ba đang ngồi xổm, Cố Ích Thuần nhìn cháu trai, thở dài một hơi trong lòng, đoán được tại sao tên nhóc này đến đây.

Vốn dĩ, ông luôn trốn tránh không về nhà, vì ngại thanh danh ông càng lúc càng lớn, trong nhà đã thỏa hiệp, còn ra điều kiện: nếu trở về, sẽ không ép ông cưới người không thích. Có đánh chết Cố Ích Thuần vẫn không chịu, trong nhà đành đưa cháu đến trước mặt. Ông không chịu nhận thêm học trò thì thôi, cũng không chịu quay về dạy dỗ cho đời sau gia tộc, không làm gì khác hơn đành dùng cách này, méo mó có còn hơn không.

Sau khi Cố Ích Thuần vào kinh liền gửi thư trả lời về cho nhà. Dù không thích sự trói buộc của họ, nhưng từ đáy lòng ông vẫn còn tồn tại ý thức gia tộc. Cố Ích Thuần cảm nhận sâu sắc được không khí quỷ dị trong kinh, sợ người trong nhà không cẩn thận sẽ bị cuốn vào, gây nên hậu quả không thể chấp nhận, còn ghi chú rất rõ: Trong nhà chú ý cẩn thận, đừng làm gì, tình hình có vẻ không đúng.

Gia tộc cũng hơi cảm nhận được điều này. Ai ngờ hai tháng sau, trong nhà lại gửi cậu cháu trai này tới. Cố Nại mang bức thư còn nguyên niêm phong, không chừng ngoài hỏi thăm sức khỏe ông, còn hỏi về thế cục, có lẽ trong nhà đang định hành động gì đó.

Trong triều xảy ra nhiều chuyện, dù không muốn tham dự, nhưng léng phéng ở gần, chẳng chóng thì chầy cũng bị ảnh hưởng, tham dự, ngoài ra cũng vì mạo hiểm đầu tư chính trị. Cố Ích Thuần cố gắng tìm con đường an toàn cho gia tộc mình, thêm nữa, nhiều chuyện trên triều, dẫu là Tể tướng như Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng chẳng thể biết có nguy hiểm hay không nữa là? Ông là thế gia, thất bại thì có gia tộc che chở, vuốt mặt nể mũi, không chết quá khó coi, còn như Trịnh Tĩnh Nghiệp, chuyện gì cũng tự gánh lấy, rất không an toàn!

Cố Nại và Trịnh Đức Hưng ở cạnh hứng chí xã giao với nhau.

***

Cố Ích Thuần nhìn hai đứa nhóc đang muốn làm người lớn gửi lời hỏi thăm lẫn nhau, xúc động đến trợn tròn mắt, sau đó liếc mắt nhìn quanh. Tròng mắt mở to, hả? Cái quái gì thế?!

Trịnh Tĩnh Nghiệp mặc áo chẽn, chân đi giày bện sợi gai, ống quần xắn đến gối, cứ vậy mà đường hoàng bước tới.

Cố Ích Thuần bĩu môi: “Đệ đi làm gì thế?”

“Câu cá, thấy trời đã gần trưa, nhưng chỉ được năm con, thấy không đủ để mọi người cùng ăn, đành bước xuống mò.”

Cố Ích Thuần cười to, đập chiếc quạt vào chiếu trải ở dưới, hình như khi câu cá Trịnh Tĩnh Nghiệp có đội mũ, nên bây giờ gỡ ra tóc hơi rối, cũng không vuốt lại. Cố Nại và Trịnh Đức Hưng đứng dậy, cung kính chắp tay.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đến gần, đánh giá Cố Nại. Chỉ thấy cậu nhóc này mặt mũi sáng sủa, vẫn còn là thiếu niên nên người hơi gầy, nhưng không lùn, vẫn đứng ngay. Lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp về nhà có nghe trong nhà có hai người tới, chuyện của Vu Minh Lãng thật ra cũng chẳng phải chuyện gì to tát, chỉ lo có người nhân cơ hội sinh sự mà thôi. Trước mắt thì thấy hơi phiền toái rồi.

Trịnh Tĩnh Nghiệp dám cược, cậu nhóc mười bốn tuổi trước mặt, chính chắn hơn Vu Minh Lãng đã tròn mười tám đang ôm gái khóc lóc nhiều.

“Đây là tiểu lang quân đấy à?” Giọng điệu của Trịnh Tĩnh Nghiệp mang chút hài hước.

Cố Ích Thuần gật đầu: “Thất lang, chào gia chủ đi.”

Cố Nại bước tới hành lễ, tự giới thiệu, cúi người song song với mặt đất, tự gọi là vãn sinh. Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Không cần giữ lễ.” Nháy mắt, Trịnh Đức Hưng đằng sau bước tới đỡ dậy Cố Nại.

Cố Nại ngẩng đầu, nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp, trong mắt lóe lên tia kinh ngạc. Không ngờ trông vị gian thần trong truyền thuyết phong độ đến vậy! Chẳng những không có mắt xếch, mày dựng, mũi tẹt, mà hoàn toàn tương phản, nhìn người vô cùng thanh cao, nếu muốn giả dạng thành danh sĩ thế gia thì chắc chắn không có vấn đề.

Lại nhìn cử chỉ của Trịnh Tĩnh Nghiệp, người mặc vải thô mà chẳng hề có vẻ cục súc thô kệch, như thể ông đang mặc bộ y phục của Tể tướng vậy. Trong lúc nói chuyện khiến người ta như có cảm giác như cây đón gió xuân (ý nói được soi sáng, được cao nhân chỉ dạy): “Thất lang tới có chuyện gì thế? Nếu không ngại ở thì ở thêm vài ngày, vừa đúng hôm nay được ăn cá chép này, tươi lắm.” Tựa như chuyện xuống sông bắt cá cũng phong nhã giống gom tuyết nấu rượu vậy. Không đúng, hình như ông có thể tự mình bắt cá đãi khách, trở thành một câu chuyện mọi người tụng ca.

Những danh sĩ đích thực sẽ tự nổi danh.

Chuyện này thật vô lí!

Cố Nại đến đây vì có trọng trách phải làm. Sự biến đổi quyền lợi liên tục trong kinh khiến thế gia trở nên khá nhạy cảm, cũng như hoàng thất, chẳng phải cũng mưu cầu quyền lợi đó sao. Thế gia từ đâu mà ra? Còn tưởng là đời đời cùng quân tử thừa hưởng chắc? Nếu tổ tiên không có vài người làm quan lớn, thì làm sao chòi vào cái danh thế gia cho được?

Tương tự vậy, thế gia cũng không phải bền chắc như thép, tuy rằng cùng chung sức để bảo toàn cái gọi là địa vị thế gia, nhưng tới bây giờ vẫn chẳng hề thiếu chuyện tranh giành quyền lợi. Vẫn là chuyện ở triều trước, thế gia Cốc thị đoạt ngai Hoàng hậu từ trong tay Quý thị, chèn ép họ Quý suốt mười năm, sau khi Quý thị nắm quyền thì xét nét gắt gao Thụy hào (danh hiệu sau khi chết của vua, quan) của gia chủ Cốc thị, khiến Cốc thị phải tiếc nuối suốt một trăm hai mươi năm. Đây chỉ là nói mâu thuẫn bên ngoài sơ sơ thế thôi, sâu vào trong, các nhà tranh giành đoạt vị cũng không ít.

Trong triều có sự biến động kì lạ, Cố Ích Thuần bảo cả nhà không được lộn xộn. Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn là muốn vào thành nhìn tận mắt. Đương nhiên nhà họ Cố có kẻ làm quan, nhiều là đằng khác, người trong tộc chiếm đa số, từ các chi cũng không ít, bên ngoài càng lắm, nhưng đều là những kẻ lõi đời, đã trưởng thành, dễ khiến người khác chú ý.

Thế nên mới phái Cố Nại, nhỏ tuổi, có lí do chính đáng (đến hầu hạ chăm sóc ông chú); hai là cũng vì tuy Cố Nại còn nhỏ tuổi, nhưng đã có chủ kiến; sau cùng, tùy vào tình hình, sẽ trao đổi mưu đồ với cậu sau. Cho dù không phải làm quan, nhưng với cái lí lịch danh sĩ của Cố Ích Thuần, đúng là nước cờ tốt nhất.

Hồi đầu khi Cố Ích Thuần thân thiết với Trịnh Tĩnh Nghiệp, trong nhà có vẻ không thích, còn bây giờ, có tin tức nào chính xác bằng việc dò hỏi từ trong nhà của Tể tướng đương triều đâu? Ấy là trong khi Hoàng đế đang thích chạy qua chỗ Quý phi kia kìa.

Cố Nại đã chuẩn bị tâm lí để đánh một trận thật máu, nào xoi mói, bị kẻ khác dùng ánh mắt hâm mộ ghen tị hận thù đánh giá, bị tì nữ vây quanh, bị tướng phủ lấy thế ép người… Trường hợp nào cậu cũng đều đã chuẩn bị cách đối phó riêng.

Ngoại trừ Trịnh Tĩnh Nghiệp đi bắt cá nên việc chào hỏi bị chậm trễ, thì Trịnh phủ đãi khách rất theo quy củ, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng rất nhẹ nhàng, ôn hòa.

Nháy mắt, sự đào tạo qua nhiều năm của thế gia vẫn còn, Cố Nại một lòng chuyên tâm trả lời câu hỏi của Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Nói không được bao lâu, đã đến giờ cơm.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đứng dậy: “Ta và Tư Huyền là cùng học một thầy mà ra, Thất lang đến đây, cứ coi là nhà mình,” rồi kêu người dọn cơm, “Báo với phu nhân, ta dùng cơm cùng Cố huynh ở đây.” Giữ Trịnh Đức Hưng và Cố Nại cùng ăn, để Đỗ thị ăn chung với những người còn lại.

Sắp xếp thế cũng có nguyên nhân, Trịnh Tĩnh Nghiệp biết Đỗ thị đã gọi người Vu gia tới nhận Vu Minh Lãng, tính đường đi, chắc cũng phải đến chiều. Quá nửa là Đỗ thị sẽ cùng ăn cơm với Vu Minh Lãng, nếu mang cả hai ông cháu Cố gia đến ăn cùng sẽ không thích hợp, chủ yếu vì đề phòng Cố Nại.

Ăn cơm xong, đến giờ nghỉ trưa, để cháu trai Cố thị ở lại chỗ Cố Ích Thuần chuyện trò, hẳn người của Vu gia đã đến, Trịnh Tĩnh Nghiệp đi xử lí việc này.

Dự tính rất chính xác, mọi việc cũng coi như suôn sẻ.

Trong bữa cơm Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ giới thiệu: “Khi còn bé nhà nghèo, trên đời chỉ cần món gì ăn được, ta đều lấy lấp bụng. Bắt cá cũng chỉ là tài mọn mà thôi.”

Cố Ích Thuần nói: “Còn có câu cá, bắt rắn, bắn chim nữa, đệ không bỏ qua gì cả.”

Cố Nại cảm thấy tim mình vừa bị trúng một mũi tên, chỉ cần ở chung với người này thêm thời gian nữa, cậu sẽ cho rằng người nhà mình đã hiểu lầm Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Sau khi ăn cơm xong, Cố Nại lơ mơ xin ông chú cáo lui, vào căn phòng được phân dành riêng cho mình, nằm ra giường, chỉ cảm thấy trong đầu rối tung rối mù.

Thế là không hợp lí! Gian thần nhà ai mà lại như thế này!

***

Bạn nhỏ Cố Nại, bạn nói đúng!

Dù gian thần ở trong nhà, cũng có lúc không phải ở nhà, vào nhà chính, Trịnh Tĩnh Nghiệp liền đổi thành áo dài, chân đi guốc mộc, thong thả bước vào phòng khách.

Đỗ thị không ngủ trưa, tự mình trông Vu Minh Lãng. Bên ngoài ve sầu kêu râm ran, Đỗ thị nhắm mắt dưỡng thần, Vu Minh Lãng nằm trong lòng bàn tay bà rất bất an, hai cô gái đứng sau anh ra cũng lấm tấm mồ hôi trên trán.

Tì nữ của Nhã cô nương tên là Tiểu Hoàn, thấy chủ nhân nhà mình lung lay sắp đổ, nhưng vì lo ngại uy phong tướng phủ nên không dám lỗ mãng, chỉ dám đưa tay chọt chọt Vu Minh Lãng. Vu Minh Lãng quay đầu, nhìn người yêu chịu khổ như vậy, trong lòng đau xót, nắm tay tình nhân, mở miệng cầu xin.

Đỗ thị lạnh lùng nhìn anh ta, ngược lại vị Nhã cô nương lập tức nói: “Thiếp không sao.”

Vu Minh Lãng còn muốn mở miệng, thì Trịnh Tĩnh Nghiệp đến.

Trong Trịnh gia ngoại trừ Trịnh Tú, Trịnh Kỳ, Trịnh Sâm đi làm chưa về, Trịnh Uyển đến tường thuật mọi chuyện, ba chị em dâu ở bên Đỗ thị, Trịnh Diễm ngồi trên sạp với mẹ, còn lại đều ngồi ở dưới. Giữa trưa mùa hạ, ai cũng buồn ngủ, nghe Trịnh Tĩnh Nghiệp đến, đều lên tinh thần, chỉ cần giải quyết xong chuyện này là có thể ngủ rồi.

Trịnh Diễm trượt từ trên sạp xuống, nhường chỗ cho Trịnh Tĩnh Nghiệp. Nhóm con cháu chào thưa xong, ngoan ngoãn đứng trật tự ngay ngắn.

Trịnh Tĩnh Nghiệp hỏi Vu Minh Lãng: “Cháu muốn gì?”

Vu Minh Lãng cảm thấy lòng bàn tay run rẩy, cố lấy dũng khí trả lời: “Cháu muốn kết hôn với cô ấy.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp hỏi ba câu: “Làm sao cưới?”, “Lấy gì cưới?”, “Cưới rồi lấy gì nuôi?”

Vu Minh Lãng cứng họng, lí nhí nói: “Cháu… trong nhà… luôn là…”

Đỗ thị ngứa tay, Trịnh Diễm cảm thấy ngứa mồm.

Vu Minh Lãng không bị đánh cũng chẳng bị mắng, mẹ anh ta đã đến.

Vợ của Vu Nguyên Tề, Khương thị đã tự đến cửa nhận người, vừa lơi là không để ý thì thằng con đã chạy tới cửa Trịnh gia, điều này khiến Khương thị vô cùng tức giận. Vu Minh Lãng chạy đến Trịnh gia làm gì, Khương thị có thể đoán được ngay: Muốn nhờ Trịnh gia làm chỗ dựa.

Muốn ép cha ép mẹ à? Điếc không sợ súng!

Con cháu Trịnh gia đã từng gặp Khương thị, Trịnh Diễm liền mở miệng gọi “Mợ”. Khương thị một đầu mồ hôi đi vào, miễn cưỡng cười gượng gạo: “A Diễm thật biết lễ nghĩa.” Hung hăng liếc nhìn thằng con trai, nói với Đỗ thị: “Để thằng súc sinh này chạy lung tung, muội không có mặt mũi nào gặp tỷ nữa.”

Đỗ thị bảo: “Giải quyết việc này rồi nói sau, huyên náo ồn ào không thể tưởng được.”

Vu Minh Lãng liều mạng, không thể không kiên trì, đại khái là biết ở đây có người ngoài, mẹ mình không quá hung bạo. Khương thị hung hăng quát: “Tao nuôi mày mười tám năm, không bằng tiện phụ kia bợ đỡ vài ngày!” Sau đó kể khổ với vợ chồng Trịnh Tĩnh Nghiệp, “Người đến, thì ta đành nhận, nhưng không thể làm vợ! Không thì thông gia của ta sẽ ra sao?!”

Khương thị xuất thân nông dân, qua rèn luyện, lời nói cử chỉ cũng nho nhã được chút ít, nhưng lần này tức giận đến nỗi lộ nguyên hình: “Vốn là dâu nhà người, mày lại cưới về,” sau đó chỉ tay vào Nhã cô nương. “Không phải nó làm thiếp cho mày, mà là mày làm lẽ cho nó!”

Phụt!

Trịnh Diễm buồn cười nhưng không dám cười, đành cúi đầu, hai vai không nhịn được phát rung.

Trịnh Tĩnh Nghiệp tằng hắng một cái, nói với Vu Minh Lãng: “Vừa rồi ta hỏi, cháu vẫn còn chưa trả lời! Cháu lấy gì mà cưới? Lấy gì để nuôi?”

Khương thị gật đầu thật mạnh: “Đúng thế! Mày nói đi, lấy cái gì hả?”

Vu Minh Lãng vốn tưởng đem người về nhà thì mọi sự đều thành, nhưng bây giờ trợn tròn mắt. Trong lòng vừa sợ hãi, nhưng không nỡ bỏ mỹ nhân như hoa tựa ngọc kia, đành kiềm chế nỗi xấu hổ trong lòng, hi vọng có thể gây xúc động. Giải trình với Trịnh Tĩnh Nghiệp, đây là cùng chung hoạn nạn, không thể để cô ấy chịu khổ. Bọn họ thật lòng, không thể chia lìa.

Vu Minh Lãng cho rằng, Trịnh Tĩnh Nghiệp toàn tâm toàn ý đối xử tốt với vợ mình như thế, có thể hiểu cho.

Trịnh Tĩnh Nghiệp chưa trả lời, Khương thị đã muốn đi tới bộp cho anh ta một phát, Nhã cô nương muốn nhào ra che chở cho người yêu, ba cô con dâu Trịnh gia cũng đi lên can ngăn.

Trịnh Tĩnh Nghiệp lạnh lùng nhìn trò nháo trước mặt, cuối cùng mở miệng nói: “Cho cháu hai còn đường: Một, nghe lời mẹ; hai, ta đưa cô gái đã bỏ nhà kia về nguyên quán.” Đối với một Thừa tướng mà nói, chuyện này như lật trang giấy, rất dễ làm.

Thật sự rất dễ!

Vu Minh Lãng nhảy dựng lên: “Tướng công không thể lấy thế ép người như thế được!”

“Muốn kết hôn cũng được, cháu tự đến nha môn sửa hộ tịch. Ta không giúp, cha cháu cũng không giúp, muốn chuyển hộ tịch cho đứa con gái đã bỏ trốn khỏi nhà này thế nào, tùy cháu! Cháu không phải không thích lấy ép người sao? Vậy đối xử bình đẳng, đừng dựa thế ép người khác.”

Nhớ cho kĩ, nếu không chuyển được, thì cô ta cũng không được xem là vợ cháu. Chỉ là không mai mối, tằng tịu với nhau mà thôi.

Vu Minh Lãng: “…”

Trong nháy mắt, trong phòng yên tĩnh cực kì.

***

Một hàng ba người Vu Minh Lãng được người Khương thị kéo theo vây lại đưa lên xe, Khương thị quay đầu cảm tạ vợ chồng Trịnh thị. Đỗ thị chưa nói gì, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã lên tiếng: “Yêu thiếp bỏ vợ, không phải đạo lí xây dựng gia đình. Đừng để tụi nó có con! Phế đích lập thứ, tự chịu diệt vong!”

Khương thị nghiêm mặt dạ thưa.

Khương thị cảm thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp đối xử với con mình vậy thật tàn nhẫn, nghe nhắc nhở xong, lại nhớ tới một chuyện xưa. Bà là vợ cả, tính tình hung dữ, nhưng Vu Nguyên Tề thành đạt! Tướng lĩnh bên ngoài, hành quân không thể mang theo người nhà, nhưng nếu đóng giữ hơi lâu thì sẽ có tâm riêng, Vu Nguyên Tề từng rất sủng ái một tì nữ, sinh cho ông ta một trai một gái, còn mang về, đối xử rất tốt, sau đó là cảnh gà bay chó sủa trong nhà.

Một phụ nữ có chồng luống tuổi đương nhiên sẽ không bằng một tiểu kiều tu (e thẹn, để chỉ chung, không phải tên riêng) đáng yêu, gần như là bị hạ bệ.

Nhưng phụ nữ luống tuổi thì cũng có chỗ dựa.

Vợ chồng Trịnh thị đến Vu gia, Đỗ thị chỉ mắng một trận, còn Trịnh Tĩnh Nghiệp phát huy phong cách trước sau như một của mình, hạ lệnh: cái tiểu kiều tu kia, mỗi ngày giặt quần áo của Vu Nguyên Tề, của cô ta và con, cơm ăn, áo mặc của cả bốn toàn bộ do cô ta làm ra – không đưa tiền chi tiêu, chỉ cho hai mẫu đất trồng rau.

Vu Nguyên Tề rất giận, Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Để xem cứ làm như vậy trong mười năm, cô ta có còn mười ngón tay thuôn dài như cành xuân thế không. Ta cược cô ta không thể chống đỡ trong vòng mười năm đâu – không nhiều phụ nữ có thể làm được như vậy! Còn đệ xa nhà mười cái xuân, đệ muội đã làm được. Đánh cuộc không?”

Khương thị rất căm hận tiểu kiều tu. Nghĩ, nhỡ mà thằng con này cùng tiểu yêu tinh kia có lòi cái gì đó ra, chưa nói tới chuyện không cưới được vợ hiền, nếu yêu thương con vợ lẽ, thì khác gì tát vào mặt bà.

Luôn miệng không ngớt: “Muội về sẽ xử lí nó.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp khoát tay, ông vốn không muốn quản chuyện nhỏ nhặt thế này, nhưng vì đây có liên quan tới Vu Nguyên Tề. Đối với Trịnh Tĩnh Nghiệp, đối thủ mê muội là cho ông cơ hội xuống tay, còn đồng đội u mê, là phá hỏng chuyện lớn của mình. Vu Minh Lãng không tính? Thế chẳng phải Viên Mạn Đạo cũng bị con mình làm liên lụy sao? Viên Thủ Thành ra tay vì việc nghĩa, còn Vu Minh Lãng thì đã làm chuyện gì?

Người của Vu gia vừa rời đi, Trịnh Tĩnh Nghiệp liền trầm mặt lên lớp con cháu một bài chính trị: “Thế gia nhiều lề thói cổ lỗ khiến người phiền chán, chỉ có một cái nên tiếp thu. Không đi đường ngay, quỷ mị sẽ tranh thủ sơ hở, ăn uống ra sao, mặc quần áo thế nào, lễ nghi, yên thân gởi thận ra sao, phải đi vào con đường đúng đắn!” Cuối cùng quát hỏi, “Đều nghe rõ cả chưa?”

Trịnh Diễm mắt trợn tròn trong bụng, trong quyển sách chép tay nàng tịch thu của Trịnh Đức Hưng cũng có vài chuyện về tài tử giai nhân ngày xưa, bài giảng này cũng đúng lúc lắm. Ánh mắt của Trịnh Tĩnh Nghiệp nhìn chăm chăm vào Trịnh Diễm, đối với con gái, Trịnh Tĩnh Nghiệp càng ưu sầu không ngớt, không thể dõi theo con gái cả đời, nhỡ may chịu thiệt thì biết làm sao? Nhỡ may bị thằng ranh thối nào đó lừa gạt chạy mất thì sao bây giờ? Đúng là Vu Minh Lãng đã giúp ổng tỉnh ra, nhờ vào điều này, Trịnh Tĩnh Nghiệp định sẽ ra tay thu dọn tàn cuộc, không để Vu Minh Lãng chết quá khó coi.

Trịnh Diễm cảm thấy tình hình không thích hợp, phát hiện Trịnh Tĩnh Nghiệp đang nhìn mình, gật đầu thật mạnh nói: “Lắm vợ thì mắng (nhau), nhiều con sẽ ganh (nhau). Vì con cái, người mẹ sẽ trở nên mạnh mẽ, cả chuyện phóng hỏa giết người đều làm được. Thị thiếp cảm thấy nếu không có trai trưởng thì con mình sẽ được thừa kể sản nghiệp, hạ độc hãm hại chẳng từ nan…” Trong tiểu thuyết đều viết vậy, lịch sử cũng từng có chuyện như thế, thành công có Câu Dặc phu nhân, có Vũ Huệ phi giết kẻ thứ ba – Thái tử Đường Minh Tông không phải con đẻ Hoàng hậu, trong sách sử thời đại này đều ghi lại, “Tiền triều có Quý tần…”

Trịnh Tĩnh Nghiệp đau đầu nhìn con gái, con bé này, con hiểu sai rồi! Tuy nói rất có đạo lý, trên đời cũng không phải chưa xảy ra chuyện vì chút lợi ích bản thân mà tranh giành, cấu kết với người ngoài làm hỏng gia nghiệp tổ tông, rất nhiều là đằng khác! Nhớ năm xưa, vì muốn thoát khỏi bản tông, Trịnh Tĩnh Nghiệp chỉ đem mấy mẫu đất cằn của mình làm mồi nhử, đã khiến mấy chú các bác trong tông chính lục đục nội bộ rồi, chẳng nói chi xa.

Trong gia quy phải có quy định con đích – thứ! Mà không đúng, làm sao con bé lại biết chuyện nhà ngày trước?

Trịnh Diễm chỉ muốn trở về ngủ trưa mà thôi, cực kì chân thành!

Ba chi em dâu Phương thị há miệng thật to, cô em chồng này, thật chỉ có thể nói… Cố tiên sinh dạy giỏi thật!

Đỗ thị đỡ trán: “Được rồi! Về phòng nghỉ cả đi, không ai được phép truyền chuyện hôm nay ra ngoài!”

***

Bởi chuyện này, Trịnh Tĩnh Nghiệp dừng phép nghỉ trước thời hạn, Vu Nguyên Tề vừa được phái ra ngoài lãnh binh, ông không thể để Vu gia xảy ra chuyện gì không may. Dụ dỗ con gái nhà người ta, chuyện có thể lớn có thể nhỏ, trong mắt đàn ông, thì chẳng tính là chi. Nhưng trong mắt chính khách, thì có thể viết văn được đấy.

Như Miêu phi và Hoàng đế cũng ‘vô tình gặp nhau góc đường, yêu đương tự do, sau cùng dụ dỗ đưa vào cung‘ vậy, chuyện này với Hoàng đế thì rất dễ giải quyết, miệng của Trịnh Tĩnh Nghiệp có thể nói chết thành sống, chuẩn bị chu đáo nói với Hoàng thượng. Thậm chí về phần Hoàng thượng rất cao hứng, còn định cấp cho cái ấm phong ‘Đồng đạo trung nhân’ (người cùng lí tưởng).

Trịnh Tĩnh Nghiệp day trán cười nói: “Nó còn trẻ, sợ chẳng có chỗ dùng được, đợi Vu Nguyên Tề chiến thắng trở về, để cha nó dạy dỗ lại – sau dạy làm quan cũng không muộn.” Với phẩm chất như Vu Minh Lãng, làm sao có thể đưa đến trước mặt Hoàng thượng?

Hoàng đế không lưu tâm: “Vậy để chờ chút đi.”

Cái ‘chờ chút’ này không quá hai ngày sau, có tin đồn đến tai hoàng đế: Vu Minh Lãng không phải là người chung lí tưởng với ngài, hắn ta muốn đưa cô gái bỏ nhà chạy trốn kia lên làm vợ cả!

Hoàng đế nổi giận! Dù thế nào ngài cũng không thể đáp ứng chuyện này, bằng không nội bộ có mà nổi lửa!

Trịnh Tĩnh Nghiệp đang liều mạng trong trận đánh làm suy yếu thế lực thế gia, khiến địa vị Thái tử lung lay; Thái tử muốn xoa dịu, che chở cho tùy tùng của mình, không chịu ngồi yên chờ chết, đương nhiên sẽ xảy ra xung đột với Tể tướng. Mà Vu Nguyên Tề là một những lão thành cách mạng của Trịnh đảng, con ông ta xảy ra chuyện không hay, khiến mọi người đều cảm thấy rất vui. Cho dù không phải đối thủ, biết được hành vi của Vu Minh Lãng, cũng sẽ bịt mũi đi qua, huống chi bây giờ đang lo tìm nhược điểm?

Dụ dỗ con gái người ta là tình yêu, nhưng đưa làm vợ cả là chuyện kinh khủng. Trịnh Tĩnh Nghiệp giải quyết Viên Thủ Thành mùng một, thì đừng trách kẻ khác nhè vào chuyện của Vu Minh Lãng ngày mười lăm.

Làm quan hơn ba mươi năm, Trịnh Tĩnh Nghiệp đang nắm giữ mọi thứ trong tay, rút cuộc cũng thấy được sức phá hoại của tên ‘đồng bọn’ như heo này.

***

Lời tác giả:

Về chuyện như của Vu Minh Lãng, được kể rất nhiều ở thời Đường, các cô gái bỏ trốn theo trai không thể trở thành vợ chính thức của người ta, đều là vợ bé bao nuôi bên ngoài. Như bài thơ thứ mười bốn ‘Tỉnh để dẫn ngân bình’ (Kéo bình bạc dưới đáy giếng) trong tập thơ của Bạch Cư Dị cũng vậy.

Xuyên không về xã hội cũ, muốn bỏ trốn cưới nhau, nếu bị phát hiện, trong nhà sẽ không bao giờ đồng ý, trừ khi bậc trưởng bối đều chết cả.

Lời người biên tập:

Cô gái trong bài thơ ‘Tỉnh để dẫn ngân bình’ vốn là con gái nhà đàng hoàng, chỉ vì theo người yêu bỏ trốn từ đó mất đi tư cách làm vợ. (Dăm, sáu năm theo về, thiếp ở. Chuyện thiếp đâu ưng dạ bề trên. Hôn nhân nghi lễ chẳng toàn, Làm sao phụng dưỡng lo toan nghiệp nhà.)

Hầu hạ nhà chồng năm sáu năm cũng không được nhà chồng công nhận, nàng không có tư cách tham dự gia tộc tế tự, nàng sinh con trai bị coi là thứ tử, hầu như không có quyền thừa kế gần như không có, con trai không thể coi nàng làm mẹ, chính nàng cũng không được coi là vợ mà chỉ là thiếp, địa vị là nửa chủ nửa nô.

Có thể một số bạn không hiểu lắm về nội dung chương này; vốn dĩ, chế độ hôn nhân từ xưa là “Nhất phu nhất thê đa thiếp”, tức là một người chỉ có thể có duy nhất một vợ vào cùng một thời điểm, nếu cưới hai vợ thì cũng sẽ bị phạt. Trừ vợ ra thì tất cả những người còn lại đều là thiếp.

Một người đàn ông có vợ mà xiêu lòng một cô gái thì xã hội chẳng đánh giá gì anh ta cả, nếu đủ sức (về địa vị, quyền thế, tiền tài …) thì lấy cô đó về làm thiếp thoải mái, còn nếu không đủ sức thì tiếp tục ngưỡng mộ cũng chẳng ai nói gì. Miễn là anh ta không làm gì ảnh hưởng đến địa vị của vợ là được.

Ví dụ có một ông chồng có một vợ một thiếp, ông ấy có thể yêu thiếp như thế nào cũng sẽ không ai quản miễn là không được cho thiếp vượt quyền của vợ, quản lý các việc trong nhà, dạy dỗ con cái, xử lý các mối quan hệ, quản lý tỳ thiếp … là quyền của vợ và trên luật pháp thì tất cả các con của ông chồng đều là con của vợ, chứ thiếp không được coi là mẹ của con cái mình sinh ra. Nếu ông chồng dám để thiếp vượt quyền hoặc vô lễ với vợ thì tông tộc có quyền xử trí ông chồng đó, nếu ông đó là quan thì có thể cũng sẽ bị xét vào “vô đức” mà bãi quan.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.