Cô Thành Bế

Quyển 1 - Chương 4: Trung cung




Chừng một tháng sau, họa viện đột nhiên nhận được giáo chỉ của hoàng hậu, sai tuyển chọn một tập tranh người vật tả thực của các quan viên và họa học sinh họa viện, trình lên hoàng hậu tại Nhu Nghi Điện. Mặt trời sắp lặn, chúng đãi chiếu và họa học chính không dám chậm trễ, vội vàng lựa lấy những tác phẩm vừa lòng nhất, dự định đưa tới tẩm điện của hoàng hậu.

Hôm ấy vốn chẳng có việc gì, các nội thị khác của họa viện đã về phòng nghỉ ngơi, chỉ còn mình ta nán lại trực, giáo chỉ tới quá đột ngột, thành ra sau hơn một năm nhậm chức ở họa viện, lần đầu tiên ta nhận được nhiệm vụ mang tranh cuộn vào hậu cung, nếu là ngày thường thì hãy còn chưa tới phiên ta làm việc này.

Đây cũng là lần đầu tiên trong mấy năm qua kể từ khi vào cung, ta có cơ hội đi từ ngoài hoàng thành vào trong nội cung nơi đế hậu và tần phi ở. Hàn lâm họa viện nằm bên ngoài Hữu Dịch Môn phía tây nam hoàng thành, dưới sự dẫn đường của nhập nội nội thị truyền chỉ cho điện hoàng hậu, ta bưng tranh cuộn, cất bước từ đó, băng qua Hữu Dịch Môn, Hữu Trường Khánh Môn, Hữu Gia Túc Môn, Hữu Ngân Đài Môn, lần lượt đi qua Môn hạ tỉnh, Xu mật viện, Môn hạ hậu tỉnh, Quốc sử viện, lại qua Hoàng Nghi Môn, vượt cổng Thùy Củng vào cung, vòng qua Thùy Củng Điện và Phúc Ninh Điện, bấy giờ mới đến được nơi ở của hoàng hậu, Nhu Nghi Điện.

Khi đó trời đã xâm xẩm tối, hoàng hậu lại không ở trong điện. Thị nữ Nhu Nghi Điện nói, hoàng hậu đã sang Phúc Ninh Điện gặp quan gia, chẳng biết lúc nào trở về. Ta nhờ nhập nội nội thị mang tranh cuộn vào trong điện, vì phải tận mặt phục lệnh hoàng hậu nên cũng không dám tự tiện rời đi, bèn đứng ngoài điện đợi.

Đợi suốt hai canh giờ, rốt cuộc hoàng hậu cũng trở về. Ta quỳ xuống hành lễ, thấy ta lạ mặt, bà thoáng dừng bước, thị nữ giới thiệu với bà, bà mới nhớ ra, gật đầu, vào điện không bao lâu thì sai người truyền ta vào.

Hoàng hậu Tào thị bận thường phục trung cung quốc triều với ống tay áo dài rộng đỏ thắm, ngồi ngay ngắn trong điện, bên trong ống tay và cổ áo rực rỡ thấp thoáng để lộ viền mép lớp áo đơn bằng vải sa màu đỏ vàng, đường nét lần váy dài đỏ thẫm rủ xuống phẳng phiu mềm mại, không một nếp nhăn dư thừa, tấm gấm khoác nền trắng vân vàng lẳng lặng chất thành nếp gấp dưới mặt đất, tôn lên tư thái trang nhã an hòa của bà.

Một lần nữa hành lễ với bà, nhân lúc đứng thẳng dậy, ta lướt mắt qua mặt bà. Hành vi vượt quá bổn phận này xuất phát từ lòng hiếu kỳ của ta đối với dung nhan vị quốc mẫu, đồng thời cũng cẩn thận khống chế thời gian cho thật ngắn để không bị người khác phát giác.

Bà nước da tựa ngọc, sắc mày nhạt nhòa, khí chất cao nhã, lúc này đang rũ mi như suy tư điều gì, vầng trán cũng ẩn hiện vẻ ưu sầu.

Nội thần trong điện đã hoàn tất việc treo tranh cuộn, hoàng hậu thong dong đứng dậy, chậm rãi dời bước xem xét từng bức. Một lúc lâu sau, xem xong tất thảy rồi, bà không bình luận gì, chỉ xoay người hỏi ta: “Các tác phẩm tả thực xuất sắc nhất của họa viện gần đây đều ở trong này?”

Ta bẩm dạ. Bà lại xem thêm một lúc, như chợt nhớ ra điều gì, bà hỏi: “Trong này có tranh của họa học sinh Thôi Bạch không?”

Ta thưa rằng không, bà liền mỉm cười: “Ta cũng nghĩ là không có. Nghe nói họa kỹ hắn vụng về, không biết tiến thủ, lại ngạo mạn ngông cuồng, thậm chí còn chẳng để quan viên họa viện vào mắt… Vậy cũng lạ quá, người tồi tệ thế chẳng hay đã thi được vào Hàn lâm họa viện như thế nào?”

Ta hơi do dự, nhưng vẫn bẩm đúng thực tế cho bà biết: “Từ khi quốc triều mở họa viện đến nay, không ai là không tôn sùng phong cách hội họa của cha con Hoàng Thuyên, Hoàng Cư Thái, mỗi buổi tranh tài so nghệ đều coi quy cách Hoàng thị là thước đo ưu khuyết. Căn cơ của Thôi Bạch rất tốt, luận về nét vẽ tinh xảo thì tuyệt không làm khó được y, thế nên thi vào họa viện khá thuận lợi. Nhưng tính y bay bổng không màng danh lợi, có vẻ như không tán thưởng phong cách hoa lệ của nhà họ Hoàng cho lắm, ngược lại yêu thích Từ Hi Dã Dật (*) hơn, thường ngày rất thích vẽ vật thực, gặp cảnh hợp ý là ghi lại ngay, có thể sao chép hình thái vật, đâu đó mang phong thái còn sót lại của Từ Hi. Sau khi vào họa viện, vẽ hoa trúc lông vũ không phải lúc nào cũng dùng vẽ phác đắp màu mà còn thường xuyên tham khảo bút pháp không xương của Từ Hi hoặc Từ Sùng Tự, trong một bức họa đồng thời tồn tại cả bút ý phóng khoáng lẫn công phu nghiêm cẩn, điểm màu lại thanh nhã, độc đáo vượt trội, mang cái thú hoang dã riêng. Nhưng khi so tài, phong cách vẽ này không được các quan viên họa viện tán thành nên tác phẩm của Thôi công tử lần nào lần nấy đều bị coi thường, rất khó gặt hái được khen ngợi.”

(*) Một trong hai trường phái hội họa lớn thời Ngũ Đại, lấy họa sĩ Từ Hi làm đại biểu với lối vẽ phóng khoáng hoang dã, mộc mạc tự nhiên, còn được gọi là trường phái Nam Đường, khác với lối vẽ cung đình hoa lệ của phái Tây Thục Hoàng Thuyên.

Hoàng hậu gật đầu, lại hỏi: “Hắn biết rõ phong cách không được ưa chuộng mà vẫn kiên trì vẽ tranh như vậy?”

Ta đáp: “Vâng. Y đã định đoạt việc gì thì sẽ không dễ dàng bị người khác ảnh hưởng mà thay đổi.”

Hoàng hậu cười nhạt: “Cũng là một kẻ gàn bướng. Nhưng hắn thi vào họa viện cũng chẳng dễ dàng gì, liều lĩnh như vậy không sợ bị trục xuất đi sao?”

Trong lòng ta biết hẳn là đã có người nói lời không hay về Thôi Bạch trước mặt hoàng hậu, lưỡng lự không rõ có nên cùng bà bàn đến tâm thái của Thôi Bạch hay không, song, giọng nói điềm đạm của hoàng hậu đã làm ta rất có hảo cảm với bà, vả lại bà vẫn luôn hòa nhã nhìn ta, đợi ta trả lời, điều này cho ta dũng khí thẳng thắn đáp: “Thi vào họa viện là nguyện vọng của phụ thân Thôi công tử, bởi vậy y mới tuân lời mà đi, nhưng hạn chế chỉ học thuần phong cách Hoàng thị trong họa viện lại đi ngược với chí hướng của y… Tính y cũng không hợp với tác phong của họa viện, bị trục xuất cũng không khiến y sợ hãi.”

Hoàng hậu trầm ngâm đôi chốc rồi mệnh lệnh: “Hai ngày nữa mang một số tác phẩm của Thôi Bạch tới đây.”

Ta lập tức lĩnh chỉ, bà lại quan sát ta, hỏi: “Ngươi bao tuổi rồi, cũng từng học vẽ à?”

Ta khom người trả lời: “Thần năm nay mười ba, cũng chưa bao giờ học vẽ ạ, chỉ từng nguệch ngoạc mấy đường dưới sự chỉ bảo của Thôi công từ mà thôi.”

“Ngươi…tên gì?” Bà hỏi tiếp.

“Bẩm, Lương Hoài Cát.” Ta đáp, lần này không giải thích thêm bất cứ điều gì về tên mình nữa.

“Ồ, ta có biết ngươi.” Hoàng hậu hé cười: “Ngươi vốn tên là Lương Nguyên Hanh phải không? Tên bây giờ là do Bình Phủ đổi.”

Bình Phủ là tên tự của Trương tiên sinh chưởng quản Nội Đông Môn. Hoàng hậu gọi thầy như vậy làm ta hơi ngạc nhiên, ngay sau đó vô hình trung lại nảy sinh chút mừng rỡ. Ta coi Trương tiên sinh như thầy như cha, tuy mấy năm nay chúng ta không có nhiều cơ hội gặp mặt, song trước sau ta vẫn ôm niềm cảm kích kính yêu vô tận với thầy. Hoàng hậu nhắc đến chuyện đổi tên cũng gợi cho ta lập tức nhớ ra ân trạch bà từng ban cho, bèn trịnh trọng quỳ xuống, khấu tạ ơn bà cứu mạng năm đó.

Bà hiền hòa kêu ta bình thân, còn thưởng cho ta vài cây bút râu chuột và mực thơm Tân An. Ta cơ hồ được sủng ái mà sinh lo sợ, bởi thứ bà thưởng cho ta không phải là lụa là vải vóc như vẫn thường ban thưởng cho nội thị mà là bút mực thượng đẳng dùng vào việc thư họa.

Bà xem lại đống tranh cuộn kia thêm bận nữa, chọn ra vài bức hỏi ta tác giả, sai người nhất nhất lưu lại rồi bảo ta mang những bức còn lại về. Ta tuân lệnh lui xuống, ra khỏi Nhu Nghi Điện dưới sự dẫn đường của nhập nội nội thị, nhập nội nội thị chỉ đường quay về cho ta rồi đóng cửa trở gót.

Y và ta đều đánh giá cao khả năng nhận đường của ta, ta lại một mực suy nghĩ chuyện vừa rồi, lơ đãng đi hồi lâu mới chợt hoảng hốt phát hiện ra thân đang ở chốn hoàn toàn xa lạ, ta đã bị lạc giữa đêm trong chín lớp cung điện này.

Ta dừng lại, mù mịt nhìn xung quanh, bốn bề lặng ngắt không một tiếng động, không một bóng người, chỉ có hồ nước trước mặt đang gợn lên những vệt sóng sáng loáng dưới ánh trăng, bóng liễu bên bờ đung đưa, phất phơ trong gió như những sợi tơ, nhìn mà lòng ta nổi cơn lạnh lẽo. Ta ngờ ngợ nghĩ đây hẳn là Hậu uyển tây bắc hoàng thành, bèn ngửa đầu nhìn trời, chiếu theo phương vị ngôi sao phân biệt phương hướng, tìm được cửa ra hướng nam, vội vã rảo bước hướng theo phía đó.

Vừa đi tới dưới hàng hiên cửa nam thì chợt thấy bên thân nhoáng lên một cái bóng từ ngoài cửa đi vào, ta cả kinh, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy bóng dáng ấy nhỏ bé xinh xắn, dường như là một cô bé không lớn, chạy về phía Dao Tân Trì ở Hậu uyển trong gió đêm hiu hắt, trên người chỉ mặc một chiếc áo đơn trắng thuần và váy dài cùng màu, mái tóc dài buông xõa tới eo, gặp ánh trăng phát ra ánh lam trầm.

Nàng xách váy chạy băng băng, giữa vạt váy tung bay có thể thấy nàng không đi vớ, ắt là chạy chân trần. Chi tiết này khiến ta ý thức được nàng là người chứ không phải ma quỷ, nỗi sợ hãi ban đầu nhờ thế mà nhòa đi, ta lặng lẽ quay trở lại, nấp trong rừng cây bên hồ, xem xem nàng định làm gì.

Nàng quỳ gối cạnh một tảng đá bên bờ, ba vái chín lạy với ánh trăng. Từ góc nhìn của ta có thể trông ra sườn mặt nàng, chỉ thấy nàng chừng bảy, tám tuổi, dung mạo xinh tươi, ngũ quan đẹp đẽ.

Bái lạy xong, nàng ngửa đầu nhìn trời, chau mày khóc nức, giọt châu trên mặt trong vắt như sương mai: “Cha ốm rồi, Huy Nhu không cách nào giúp cha thoát khỏi đau đớn, nhưng khẩn cầu trời cao rủ lòng thương xót cho Huy Nhu lấy thân thay cha gánh cơn bệnh tật, chịu gấp bội hết thảy đau ốm nơi cha. Chỉ mong thần linh thành toàn cho lời thỉnh cầu của con, nếu có thể giúp cha khỏe mạnh như trước, Huy Nhu dẫu có mất mạng cũng cam lòng…”

Nàng vừa khóc vừa kể lể, lặp đi lặp lại hướng trời bày tỏ quyết tâm nguyện lấy thân thay cha, ta lặng im dõi xem, cũng buồn lây. Tình cảnh này làm ta nhớ lại vài chuyện khi xưa.

Sức khỏe cha ta vốn yếu kém, sau lại mắc thêm bệnh nặng, thường xuyên ngày đêm ho hen, mỗi đêm đi ngủ ta đều có thể nghe thấy tiếng ông ho vọng sang từ cách vách. Khi đó còn nhỏ chưa hiểu chuyện, luôn cảm thấy thứ tạp âm này đáng ghét vô cùng, cứ lần nào bị ồn ào quấy rầy không ngủ yên được là lại mơ hồ nghĩ, nếu có một ngày ông chịu yên lặng thì thật tốt biết bao.

Rốt cuộc cũng có một đêm như vậy, ta cuối cùng cũng không phải nghe tiếng ông ho nữa. Đêm đó ta ngủ rất ngon. Hôm sau tỉnh lại, vừa mở mắt đã trông thấy khuôn mặt đờ đẫn tái nhợt của mẫu thân, bà nhìn ta trân trân, chết lặng nói với ta: “Tiểu Nguyên, cha con đi rồi.”

Thì ra trời sập là như thế, mọi thứ đều thay đổi.

Kể từ đó tới nay, cứ nhớ đến mình khi ấy đã thờ ơ với bệnh tình của phụ thân ra sao là ta lại hối hận khôn cùng, nếu thời gian có thể quay ngược về, ta nhất định cũng sẽ như cô bé trước mặt này, chân trần xin trời, thành tâm cầu khẩn, hi vọng mình có thể lấy thân thay cha.

Ta nghĩ đến thất thần. Trên đầu có chiếc lá bị gió thổi rụng, phất qua mặt ta, ta hơi giật mình, tay run lên, một cuộn tranh rơi xuống đất.

Nghe thấy động tĩnh, cô bé cảnh giác quay đầu lại. Ta nhặt cuộn tranh, hiện thân dưới ánh nhìn lom lom của nàng, mắt đối mắt với nàng, nhất thời đều không cất tiếng nào.

Ta không biết nàng là ai. Phi tần trong cung có truyền thống thu nhận con nhà thanh bạch làm con gái nuôi, cũng có người sai nhập nội nội thị tìm người môi giới mua bé gái bần hàn vào cung làm đầy tớ, huống hồ còn có cung nữ bồi dưỡng từ nhỏ ở Thượng thư nội tỉnh, trong cung có không ít những cô bé cỡ tuổi nàng, ngoài nghe được nàng tên Huy Nhu ra, ta không rõ thân phận của nàng, chỉ cảm thấy không biết phải bắt chuyện với nàng ra sao, dù rằng ta rất muốn nói nàng hay, ta chân thành mong cha nàng sớm ngày khỏi bệnh.

“Ngươi là ai?” Nàng hỏi.

Ta đang định trả lời thì thấy ngoài cửa nam Hậu uyển có người xách đèn lồng đi vào. Huy Nhu trông đến, lập tức xoay người chạy hướng sang một cửa khác, chắc hẳn không muốn người tới phát hiện ra mình.

Nàng chạy đi lại kinh động tới người kia. Đó là một cô gái trẻ tuổi mang dáng vẻ một nội nhân (*), cũng theo sát xách đèn lồng đuổi theo, miệng cao giọng hô: “Ai? Đứng lại!”

(*) Một cách gọi khác của nữ quan trong cung.

Ta được bóng tối dưới tán cây che phủ nên cô gái không để ý tới. Ta xem bóng hình hai người họ biến mất ở đầu đông Hậu uyển rồi mới đi theo hướng sao chỉ, một lần nữa tìm đường về chỗ ở.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.