Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 9: Trác Đặc Ba dùng quỷ kế hại võ lâm cao thủ




Kể từ ngày Tâm Đăng mở mắt chào đời đến bây giờ, ngày hôm nay có lẽ là ngày vui nhất đời của chú.

Đó thật là một việc lạ, một trai và một gái lén lút trò chuyện với nhau, rồi có thể đem đến cho họ một niềm vui không thể tả.

Chắc đó có lẽ là Tâm Đăng và Mặc Lâm Na, thảy đều là những người ngây thơ trong trắng, trong lúc nói chuyện, họ không vì một ý niệm tà dâm mà chỉ vì một mối tình cao quý.

Mừng quá, chiều hôm đó, Tâm Đăng ăn không biết ngon, chú cảm thấy tâm tư của mình rộn ràng rối rắm, vì vậy chú cứ lâm râm đọc kinh để trấn tĩnh tâm thần.

Ngồi trên tam cấp của lầu chuông, Tâm Đăng hai tay chống má, nghĩ ngợi miên man trong trí :

- Mặc Lâm Na thật là vui vẻ, lại đẹp, cô ta thật không nên che vuông lụa ngang mặt.

- Lại còn Trì Phật Anh... nàng cũng đẹp không tưởng tượng... lần sau mình gặp cô ấy, mình phải bắt buộc cô ấy gỡ vuông lụa xuống...

Tâm Đăng thẫn thờ, say sưa chìm đắm trong những ý tưởng đẹp như thơ, bất chợt nhớ đến sư phụ dặn mình đi thăm, chú giật mình nhỏm dậy, chạy tọt ra ngoài Bố Đạt La Cung.

Cô Trúc lão nhân vẫn đứng tựa lưng vào gốc cây cổ thụ như ngày thường, Tâm Đăng cung kính bước tới cung kính làm lễ :

- Sư phụ đến sớm!

Cô Trúc không trả lời câu hỏi của Tâm Đăng, lạnh lùng hỏi lại :

- Tâm Đăng, mi đến trễ!

Tâm Đăng gượng cười nói :

- Vì hôm nay trong chùa có việc... nên...

Câu nói chưa dứt thì Cô Trúc đã khoát tay, cắt ngang :

- Thôi... thôi... mi đừng nói nữa... hãy ngồi xuống.

Tâm Đăng thấy sắc mặt của sư phụ vô cùng trịnh trọng, trong lòng sợ hãi, vội ngồi xuống và ông ta nghiêm nghị nói :

- Tâm Đăng, cứ theo việc của mi làm thì ta phai giết chết mi...

Tâm Đăng giật mình, biết sư phụ trách cứ về việc Bệnh Hiệp, chú im lìm không dám trả lời, Cô Trúc tiếp tục nói :

- Mi học nghệ với Bệnh Hiệp bao lâu rồi?

Tâm Đăng run rẩy trả lời :

- Mới mấy tháng....

Cô Trúc lão nhân cười hậm hực :

- Hừ... mới mấy tháng, mi có biết một người mà học võ với nhiều môn phái, là một điều đại kỵ trong võ lâm?

Tâm Đăng thất sắc, trả lời nho nhỏ :

- Đệ tử biết!

Cô Trúc lão nhân lại buông ra một tiếng cười hằn học :

- Mi biết mà còn phạm lỗi, tội thật đáng chết, bây giờ mi hãy kể rõ đầu đuôi cho ta nghe!

Tâm Đăng bất đắc dĩ phải kể lể rõ ngọn nguồn cho Cô Trúc nghe, nào những lúc Bệnh Hiệp vào chùa tha thiết khẩn cầu Tâm Đăng.

Cô Trúc nghe xong, sắc mặt có vẻ dịu lại :

- Mi biết tại sao Bệnh Hiệp lại dốc hết tâm huyết để dạy bảo mi?

Tâm Đăng trả lời :

- Điều này thì đệ tử không rõ!

Cô Trúc ngẫm nghĩ một hồi rồi nói :

- Vậy ông ta có bảo mi hứa với ông ta sẽ làm một việc gì chăng?

Tâm Đăng vẫn giả vờ không rõ trả lời :

- Không! Ông ta chỉ nói mơ hồ rằng học võ sau này sẽ có chỗ dùng.

Cô Trúc nghe nói gật gù bảo :

- Ông ta không nói, thôi thì để ta nói cho rõ.

Tâm Đăng trong dạ mừng thầm vì cái điều mà chú thắc mắc mấy tháng nay, bây giờ sẽ được Cô Trúc lộ rõ chân tướng.

Cô Trúc triền miên quay về dĩ vãng, thong thả kể rằng :

- Võ công của ta vốn thiên hạ vô địch, nhưng mười tám năm về trước ta bị một người Tây Tạng tên là Trác Đặc Ba dùng mưu gạt gẫm.

Hắn tuyên truyền rằng tại vùng đất Tây Tạng có phát hiện một quyển kỳ thư, làm cho các tay cao thủ của Trung Nguyên thảy đều lên đường đến Tây Tạng.

Việc này ta không tin và cũng không cần thiết đến, vì võ công của ta đã cao siêu tột đỉnh.

Nhưng bình sinh ta có những khuyết điểm là hiếu kỳ và đa nghi.

Ta muốn tìm cho ra duyên cớ, để xem bộ mặt thật của câu chuyện này như thế nào.

Tâm Đăng trong lòng mừng rỡ, nghĩ rằng phen này chắc Cô Trúc kể rõ hơn hai người kia, và chú sẽ biết đầu đuôi câu chuyện.

Cô Trúc kể tiếp :

- Đó là quyển Tàm Tang khẩu quyết, tác giả là Tàm Tang Tử. Tàm Tang Tử tuy không phải là người xuất gia đầu Phật nhưng lại là một tín đồ Phật giáo trung thành.

Ba trăm năm về trước ông viết ra quyển sách này, nhưng kể từ khi ông mất đi thì quyển Tàm Tang khẩu quyết không biết thất lạc đến nơi nào.

Lúc ấy có trót một ngàn người trong làng võ, chia nhau ra khắp nẻo đường để tìm kiếm, tạo thành một câu giai thoại “thiên nhân tầm bảo”.

Tâm Đăng nghe đến đây vừa lo sợ, vừa hối hận, không ngờ quyển Tàm Tang khẩu quyết đã vào tay của mình rồi, mà mình không cất cho kỹ để lạc vào tay của Tạng Tháp.

Cô Trúc nghỉ một chập đoạn kể tiếp :

- Nhưng trong một nghìn người đó, không một người nào tìm được, sau này nghe đâu có một Đạt Lai ở Tây Tạng là Gia Mục chép được một bản Tàm Tang khẩu quyết.

Tâm Đăng nghe đến đây, tim đập rộn ràng nghĩ thầm :

- Đúng rồi, chính là quyển sách mà ta đã bắt gặp ở trong lầu chứa sách.

Cô Trúc lại kể :

- Nhưng mà lúc bấy giờ, các tay võ lâm cao thủ, lục soát khắp hết chùa chiền Tây Tạng mà vẫn tìm không ra.

Mãi đến mười tám năm về trước mới nghe Trác Đặc Ba truyền rao tin tức này, vì ban sơ có lời đồn đại Đạt Lai Gia Mục chép được Tàm Tang khẩu quyết vì vậy mà ta mới nửa tin nửa ngờ.

Lúc bấy giờ trên bầu trời ảm đạm có một vầng trăng mờ nhạt và Cô Trúc vẫn tiếp tục kể :

- Trác Đặc Ba là đệ nhất cao thủ của Tây Tạng, đã luyện thành môn võ công Đại Thủ Ấn, đã từng đến Trung Nguyên khiêu chiến và thua dưới tay của Lư Âu, Bệnh Hiệp...

Hắn biết làng võ Trung Nguyên lợi hại, ta nghĩ nếu hắn tìm không thấy Tàm Tang khẩu quyết, thì không đời nào hắn truyền rao như vậy.

Do đó mà ta càng tin chắc rằng Tàm Tang khẩu quyết còn nằm ở Tây Tạng, đồng thời được tin Vạn Giao, Lư Âu, Nam Hải thất kỳ, Thiết Điệp, Khúc Tinh... đều lên đường về Tây Tạng....

Ta sợ những người này phỗng tay trên nên vội vã đuổi theo.

Tâm Đăng thừa lúc Cô Trúc ngưng lời, vội hỏi :

- Sư phụ có từng thấy quyển sách đó chưa?

Cô Trúc nói :

- Mi đừng nóng nảy, hãy nghe ta kể... nào ngờ Trác Đặc Ba là một kẻ gian ngoan xảo quyệt, thủ đoạn cao kỳ.

Tâm Đăng không chịu nổi, vọt miệng hỏi :

- Cao như thế nào?

Cô Trúc trợn mắt quát :

- Mi cứ cắt ngang câu nói của ta.

Ta phải thấm nước bọt để giở từng trang sách, vì vậy mà chúng ta lần lần thấm độc mà không hay...

Tâm Đăng nghe đến đây, kinh tâm táng đởm, Cô Trúc quắc mắt nhìn chú đoạn tiếp tục nói :

- Trong bọn người chúng ta nên kể vợ chồng Bệnh Hiệp trúng độc nhiều nhất, vì Bệnh Hiệp khi chưa tới Tây Tạng thì đã có bệnh sẵn rồi, nếu được quyển Tàm Tang khẩu quyết thì có thể vận dụng công lực trong quyển sách đó mà trị bệnh, vì vậy hai vợ chống ông ta rất lấy làm nóng nảy, lục soát nhiều nhất nên bị trúng độc nặng nhất.

Tâm Đăng như người sực tỉnh cơn mê, chừng ấy chú mới hiểu tại sao Bệnh Hiệp lại gầy gò, ốm yếu như vậy, bất giác chú để rơi hai dòng lệ, chú cắn môi nghĩ thầm :

- Thằng Trác Đặc Ba thật là ác độc, thế nào ta cũng phải báo mối thù này cho Bệnh sư phụ.

Đây là lần thứ nhất, ý tưởng báo thù nảy ra trong trí của Tâm Đăng.

Cô Trúc chưa chú ý đến thái độ của Tâm Đăng nên tiếp tục kể :

- Ta và Lư Âu là hai người phát giác ra chất độc trước tiên, nên vội vàng vận dụng công lực để chống cự lại.

Nhưng chất độc mạnh quá, làm cho chân của ta phải bệnh hoạn như ngày hôm nay.

Cô Trúc tiếp tục nói :

- Lư Âu vận dụng công lực dồn chất độc vào răng của bà ta, nên bây giờ bà ta trở nên móm sọm, không còn cây răng nào, đồng thời phải chịu mù hết cặp mắt, ngoài ra Khúc Tinh thì đau thận rất hiểm nghèo, Vạn Giao điếc tai, Thiết Điệp thì bị thương ở bàn tay, bọn Nam Hải thất kỳ cũng trở thành người tàn tật.

Tội nghiệp nhất là vợ chồng Bệnh Hiệp... Vì trúng độc nặng qúa nên phu nhân là Kiết Văn Dao chết đi! Còn Bệnh Hiệp thì phải lãnh lấy chứng bệnh hiểm nghèo.

Tâm Đăng nghe đến đây, nức nở hỏi :

- Sư phụ bản lãnh cao cường, sao chẳng tìm thằng Trác Đặc Ba mà thanh toán?

Cô Trúc lau dòng lệ thảm nói :

- Mi đừng nóng nảy, ta chưa kể hết kia mà... Sau khi bọn chúng ta trúng độc, tự mình điều trị rồi bèn đi tìm Trác Đặc Ba để thanh toán. Nào ngờ hắn lại bán ra cái tin rằng những chất độc đó do ta gieo rắc ra, và đồng thời tự hủy hoại lấy đôi chân của mình, ngõ hầu đánh lạc hướng hoài nghi của chúng võ lâm cao thủ.

Tâm Đăng nghe tới đây kêu lên một tiếng hãi hùng, Cô Trúc hậm hực nói tiếp :

- Vì bản lĩnh của ta cao, nên lên đường trễ hơn bọn họ nhưng lại đến Tây Tạng sớm hơn họ nửa ngày, thằng Trác Đặc Ba rất thích chơi lông, mọi người đều không ngờ y ta tự hủy hoại đôi chân của mình, ngỡ rằng hắn thật sự trúng độc, còn vết thương trên chân của ta hơi nhẹ, do đó mà bọn họ hoài nghi ta giả vờ bị thương!

Lại nữa, vì địa vị của ta trong làng võ rất cao, nên bọn họ thảy đều có lòng đố kỵ liên kết với nhau mà tấn công ta, mặc dầu ta hết lời giải thích nhưng bọn họ chẳng nghe.

Lúc bấy giờ ta đang chiến đấu tưng bừng với chúng cao thủ, nghe nó nói như vậy vội vàng phi thân ra ngoài vòng chiến, và hỏi nó cách chứng minh như thế nào? Nó trả lời :

- Nếu mi chịu trao lệnh bài của mi ra thì chúng ta sẽ tin mi.

Mọi người đều tán thành ý kiến đó vì miếng lệnh bài này là một món bảo vật, do ta cất giữ mấy mươi năm nay, đồng thời ta có thề với võ lâm giang hồ rằng nếu miếng lệnh bài này mà mất đi hoặc giả lọt vào tay kẻ khác, thì ta sẽ vĩnh viễn ly khai với giới giang hồ, cho dù có mối huyết hải thâm thù đí nữa thì ta cũng chịu bỏ qua.

Cô Trúc nói đến đây, thở một hơi dài não nuột :

- Ta suy đi nghĩ lại, cho dù có đánh chết hết những tay đối thủ thì tiếng tăm của ta cũng vẫn không giữ được tròn, chi bằng ta giao miếng lệnh bài này cho hắn để tỏ lòng trong sạch của mình.

Chúng cao thủ thấy ta chịu hy sinh một cách quá đáng như vậy, thảy đều tiếc rẻ, nhưng bọn họ mừng lắm, vì từ đây về sau trong chỗ giang hồ không còn cái tên Cô Trúc lão nhân nữa.

Trác Đặc Ba lại nói :

- Miếng lệnh bài này, trong vòng hai mươi năm mi có quyền đánh cắp trở lại, nhưng vì mi đã ly khai với chỗ giang hồ, nên chỉ có thể truyền võ nghệ cho một tên đồ đệ, nhờ nó trở lại đánh cắp, bằng không thì mi sẽ vĩnh viễn không còn dính dấp gì tới võ lâm nữa.

Ta nghe qua giận lắm muốn tống cho nó một chưởng đi đời, nhưng vì ta đã trao miếng lệnh bài cho nó, nên phải giữ lời hứa.

Ta nuốt hận rời khỏi Tây Tạng, rồi từ đó về sau xảy ra những chuyện gì ta không biết...

Vì muốn tìm kiếm một người học trò cho vừa ý, ta đã đi gần khắp xứ Trung Nguyên, đều tìm không gặp một người cho hợp lý tưởng.

Trải qua tám năm trời, ta biết bao phen muốn hủy lời ước hẹn, tự mình tìm đến hồ Tuấn Mã.

Nhưng bình sinh ta rất trọng chữ danh dự, việc đến hồ Tuấn Mã thâu hồi lệnh bài, giết cả nhà Trác Đặc Ba dễ như trở bàn tay, nhưng mà danh dự ta sẽ tiêu tan như mây khói.

Vì vậy mà tiếp tục nhẫn nại, đi tìm kiếm một người cho thật hợp với lý tưởng của ta.

Thế là ta lại trở về Tây Tạng, giữa đường gặp Lư Âu, mới biết bọn họ thảy đều trước sau trúng kế của Trác Đặc Ba trao món tín vật của mình và lọt vào tình trạng khó xử như ta.

Trong số võ lâm cao thủ, chỉ Bệnh Hiệp là có quyền tự mình đi lấy món tín vật trở về vì Trác Đặc Ba biết rõ, ông ta bệnh nặng không phải là đối thủ của hắn.

Quả nhiên mấy hôm trước, Bệnh Hiệp ra đi rồi phải thọ trọng thương mà trở về, còn phần Lư Âu và Khúc Tinh, chẳng biết có tìm được học trò hay chăng, thì ta không biết, nhưng ta đã tìm gặp mi...

Hừ... ta thật không ngờ Bệnh Hiệp cũng thích mi, mặc dù nó chưa nói rõ cho mi biết, nhưng mục đích của nó là muốn cho mi đi đến hồ Tuấn Mã lấy món tín vật của nó là chiếc lông Khổng Tước trở về.

Vậy bây giờ còn một khoảng thời gian là hai năm, tới ngày giờ đó mi phải hoàn thành công việc đó cho ta!

Buổi ban sơ ta truyền võ cho mi, mặc dù là do lòng ích kỷ của ta, nhưng mi có thể học võ nghệ do ta truyền dạy, thật là một điều tam sinh hữu hạnh, đối với mi chỉ có lời chứ không có lỗ.

Cô Trúc nói tới đây thờ phào một hơi nhẹ nhõm, dường như lão ta trút hết nỗi u uất trong lòng.

Tâm Đăng nghĩ ngợi nhiều về câu nói cuối cùng của lão, nếu bảo rằng việc dạy võ nghệ là một sự trao đổi, thì chú không biết chú đã lời hay lỗ, chỉ biết rằng những câu nói này làm cho Tâm Đăng khó chịu lắm.

Tâm Đăng từ từ ngẩng đầu lên hỏi :

- Thưa sư phụ, chiếc lông Khổng Tước của Bệnh Hiệp có quan hệ hay không?

Cô Trúc trả lời :

- Nó là một món tín vật của ông ta, cũng giống như miếng lệnh bài của ta vậy, nó đại diện cho danh dự một đời của chúng ta, quan hệ còn hơn sinh mạng của chúng ta nữa.

Tâm Đăng nghĩ thầm :

- Đáng thương cho Bệnh sư phụ! Ta phải để lấy món tín vật này trở về trước khi ông ta chết và đưa ông ta trở về Tứ Xuyên.

Tâm Đăng hỏi :

- Chẳng hiểu Trác Đặc Ba làm cách gì mà lấy hết tín vật của mọi người được?

Cô Trúc lắc đầu nói :

- Ta không biết, vì lúc đó ta đã rời khỏi Tây Tạng....

Tâm Đăng trầm ngâm suy nghĩ, trong lòng chú đang tính toán, một khi chú vào đến hồ Tuấn Mã sẽ lấy lệnh bài trước? Hay lông Khổng Tước trước?

Cô Trúc giương cặp mắt trừng trừng nhìn Tâm Đăng gằn giọng hỏi :

- Ý của mi muốn lấy chiếc lông Khổng Tước trở về cho Bệnh Hiệp phải chăng?

Tâm Đăng bị hỏi trúng tim đen, giật mình ú ớ :

- Tôi... tôi không có ý đó.

Cô Trúc lão nhân mỉm cười :

- Mi là kẻ xuất gia đầu Phật mà lại nói dối... Tâm Đăng, ta không muốn nói nhiều, ta chỉ mong mi nhớ câu nói này: Ta và Bệnh Hiệp đồng cảnh ngộ, mi phải suy nghĩ cho kỹ.

Tâm Đăng im lìm không trả lời, chú nghĩ rằng cả hai người này đối với chú thảy đều có công lao to lớn, mà chú không nên làm cho họ thất vọng.

Vì vậy chú quyết định sẽ lấy cả hai món trở về, nhưng lấy món nào trước thì chú còn đang lừng chừng chưa quyết định.

Tâm Đăng còn đang phân vân vì việc này bỗng nghe Cô Trúc nói :

- Mi trở về đi, không bao lâu nữa ta sẽ gặp mi.

Tâm Đăng lấy làm kinh dị :

- Sao? Sư phụ... lại muốn đi đâu?

Cô Trúc gật gù nói :

- Ta có việc cần kíp phải làm, trong khoảng thời gian ta đi xa, mi phải thường xuyên đi xem Bệnh Hiệp, ông ta rất thích mi... còn nhưng người khác, mi phải tránh xa không nên tiếp xúc.

Cô Trúc nói rồi đứng dậy...

Lúc nầy giờ tình trạng của Tâm Đăng đã nhu nhược hơn trước nhiều, chú thấy quyến luyến Cô Trúc lắm.

Cô Trúc vừa muốn cất bước, bỗng thấy thái độ của Tâm Đăng như vậy, ông ta vội vò đầu chú mà nói :

- Con nghĩ thế nào?

Đây là lần thứ nhất, Cô Trúc nói bằng một giọng dịu dàng đầy tình cảm, Tâm Đăng nức nở nói rằng :

- Thưa, sư phụ... con khó chịu lắm.

Cô Trúc thò tay ra nắm lấy vành tai của Tâm Đăng, nói nhỏ :

- Mi biết mến ta... ta mừng lắm!

Dứt lời trổ thuật phi hành, rời khỏi Tâm Đăng, đi nhanh về phía trước. Tâm Đăng òa lên khóc :

- Sư phụ!

Thật là lạ, đây là lần thứ nhất, Tâm Đăng nghe thấy mình quyến luyến lão già Cô Trúc lắm, có lẽ mối tình cảm này do Bệnh Hiệp truyền nhiễm cho chú, làm cho chú lần lần hiểu rõ tình cảm giữa người và người trên xã hội, đó là một vật quý báu nhất trên đời...

Tâm Đăng mơ màng đứng dưới bóng trăng thanh, để cho gió lạnh thổi khô đi từng dòng nước mắt, đó là :

- Mỗi một người nếu muốn sinh tồn trên xã hội, hoặc muốn chiếm hữu một vật gì, thì người ấy trước hết phải đưa ra một món gì để đánh đổi.

Cảm nghĩ này có chính xác hay không?

Bỗng dường như có tiếng vạc ăn đêm kêu lên giữa khoảng đêm trường tĩnh mịch, làm cho Tâm Đăng giật mình choàng tỉnh, chú nghe thấy thân hình của mình ướt đẫm vì hơi sương.

Mặt trăng vẫn còn lơ lửng giữa lưng trời, vài hạt mưa phùn lấm tấm rơi...

Chú bắt đầu cất bước, tâm tư cực kỳ hỗn loạn, nhiều vấn đề thắc mắc nhảy múa trong trí của chú.

Đêm hôm ấy, người khách dạ hành kỳ bí kia, vẫn theo lệ thường mò đến truyền nghệ cho chàng...

Suốt đêm đó, Tâm Đăng trải qua không biết bao nhiêu cơn ác mộng, có lúc chú nức nở liên hồi, có lúc chú gào lên thảng thốt, làm giật mình rất nhiều đồng đạo ngủ gần chú.

Sáng hôm sau, dùng xong bữa cơm sáng, Tâm Đăng vội vã rời khỏi chùa, nhắm hướng ngôi nhà đá mà chạy như bay.

Đó là một ngôi nhà kiến trúc ở một nơi không lấy gì làm kín đáo lắm, chỉ có một điều lạ là mấy mươi năm nay không có người cư ngụ và cũng không có ai nhắc nhở đến nó.

Thỉnh thoảng có chú tiểu nào hỏi đến thì các vị lão tăng biến sắc, chắp tay nói rằng :

- A di đà Phật! Đừng hỏi tới!... Đừng hỏi tới!...

Rồi lại cau có mắng người đã hỏi, làm cho ai nấy không dám hở môi.

Tâm Đăng cam tâm làm cái việc đại kỵ của Bố Đạt La Cung, mà lần mò đến ngôi ngôi nhà bí mật này.

Vừa đến cửa, chú đã gọi to :

- Bệnh sư phụ! Tôi đến đây này.

Từ bên trong, có tiếng của Bệnh Hiệp trả lời :

- Vào đây, ta đang chờ mi.

Nghe có tiếng nói của Bệnh Hiệp, Tâm Đăng mới yên trí bước vào, chú thấy Bệnh Hiệp đang ngồi dựa ngửa trên một chiếc ghế bằng đá, sắc mặt có chiều tươi tỉnh, chú mừng lắm, vội bước tới nắm tay mà hỏi rằng :

- Bệnh sư phụ! Có khá chút nào không?

Trên gương mặt của Bệnh Hiệp thoáng hiện nét cười tươi, nói rằng :

- Bệnh tình của ta có mòi thuyên giảm.

Bấy giờ, Tâm Đăng mới phát hiện trong ngôi nhà này có hai gian, vật dụng thảy đều đầy đủ, toàn làm bằng đá, trong lòng lấy làm lạ hỏi :

- Thưa sư phụ, ngôi nhà này của ai? Cớ sao các vị hòa thượng không cho hỏi đến? Và không cho ai bén mảng tới?

Bệnh Hiệp cười trả lời :

- Bởi vì họ đều là người xuất gia.

Tâm Đăng càng lấy làm lạ :

- Cớ sao người xuất gia lại không thể đến đây?

Bệnh Hiệp khẽ thở dài :

- Vì ngôi nhà này có dính líu đến một mẩu chuyện não nùng bi đát, kể ra dài dòng lắm.

Tính hiếu kỳ của Tâm Đăng bỗng trỗi dậy :

- Sư phụ kể cho con nghe.

Bệnh Hiệp ngần ngừ :

- Những vị hòa thượng trong Bố Đạt La Cung không bằng lòng kể chuyện cho mi nghe, chỉ vì mẩu chuyện này nhơ nhớp lắm! Nó liên quan đến hai chữ “Dâm” và “Sát”...

Tính hiếu kỳ của Tâm Đăng càng bị kích thích, chú nài nỉ :

- Sư phụ kể cho con nghe, con chẳng nói lại cho người khác biết đâu.

Bệnh Hiệp lại cười :

- Ta chẳng đủ tinh thần để kể cho rõ, chỉ nói sơ quan đại khái!

Tâm Đăng thích chí, vỗ tay reo mừng, Bệnh Hiệp bắt đầu dùng cái giọng khàn khàn của ông ta, để kể lại một mẩu chuyện bi thương trong nhân thế :

- Chủ nhân của ngôi nhà này là một bậc giang hồ hiệp sĩ, trai tài gái sắc, người con trai họ Tiêu.

Bệnh Hiệp vừa nói đến chữ Tiêu thì dường như tâm tình bị xúc động mạnh, ông ngừng lại liếc mắt nhìn Tâm Đăng, Tâm Đăng cũng đang sững sờ kinh dị.

- Người này cùng một họ với con.

Bệnh Hiệp thình lình hỏi :

- Con năm nay mấy tuổi?

Tâm Đăng nở một nụ cười quái dị :

- Con mười tám tuổi, sao?

Bệnh Hiệp lắc đầu, trầm ngâm không nói một lời, nhưng ông đang gào thét trong thâm tâm của ông :

- Phải rồi! Chính nó! Chính là thằng này chứ không ai khác nữa.

Bệnh Hiệp cố dằn cơn xúc động, vội hỏi :

- Tâm Đăng, mi có biết tại sao mi vào Bố Đạt La Cung?

Tâm Đăng bàng hoàng ngơ ngác :

- Có một người đưa tôi vào chùa, người đó họ Lăng....

Bệnh Hiệp nghe nói tới họ Lăng thì mặt mày biến sắc, nói thầm trong lòng :

- “Chính là nó! Lăng Hoài Băng chứ không ai? Chính Lăng Hoài Băng đưa nó vào chùa. Vậy thì câu chuyện này là câu chuyện thuộc về thân thế của nó, ta có nên cho nó biết hay chăng?

Nó nghe xong câu chuyện này chắc xúc động mạnh lắm, vậy ta khoan nói đã... Vậy thì nó càng nên đi giết thằng Trác Đặc Ba, nhưng mà... bây giờ không thể cho nó biết đầu đuôi câu chuyện, bằng không sẽ sinh ra nhiều điều rắc rối”.

Tâm Đăng đang nghe đến chỗ cao hứng, thình lình thấy Bệnh Hiệp ngưng bặt, trong lòng nóng nảy lắm, vội hối thúc :

- Bệnh sư phụ, sao chẳng kể tiếp?

Bệnh Hiệp sợ Tâm Đăng sinh nghi, vội trả lời :

- Không... ta vừa sực nhớ ra một việc, nên hỏi cho biết, bây giờ ta bắt đầu kể chuyện nay... À, mà ta vừa kể đến đâu?

Vừa đem về nuôi trong những ngày gần nay... tính tình của nó tốt lắm, rất tiếc nó không biết võ, bây giờ ta bắt đầu truyền những môn vỡ lòng cho nó.

Khắc Bố thò tay ra bắt tay Tâm Đăng, hỏi rằng :

- Anh có phải là Chính Dung? Tôi thường nghe sư phụ nhắc đến anh.

Nói rồi mỉm cười, thái độ cực kỳ hào hiệp. Bắt tay với Khắc Bố, Tâm Đăng nghe thấy người này có một sức mạnh thật là đáng kể, trong lòng lấy làm vui mừng.

Chú hỏi một câu bằng tiếng Tây Tạng :

- Chắc anh thích kết bạn với tôi?

Khắc Bố nghe Tâm Đăng nói tiếng Tây Tạng thật sành, lấy làm mừng rỡ, cười nói tíu tít :

- Anh cũng biết tiếng Tây Tạng... hay lắm.

Nói rồi hai người đàm đạo với nhau thật là tương đắc.

Tâm Đăng thầm nghĩ :

- Chẳng biết cớ sao Khắc Bố cứ gọi tên tục của mình là Chính Dung?

Thái độ của Tâm Đăng, Bệnh Hiệp đã trông thấy nên vội bảo :

- Hai đứa bay ngồi xuống nghe ta kể chuyện.

Ông ta kể :

- Tâm Đăng, vì mi sắp sửa hoàn tục, cho nên từ đây về sau ta gọi ngay tên tục của mi.

Chú lắc đầu, cắt ngang câu nói :

- Không... Xin sư phụ cứ gọi tôi là Tâm Đăng... tôi không thích cái tên tục của tôi...

Bệnh Hiệp lấy làm kinh dị :

- Sao? Cái tên Chính Dung nghe hay đấy chứ?

Tâm Đăng ngần ngừ trả lời :

- Bởi vì... sau khi hoàn tục... tôi còn phải trở về chùa...

Bệnh Hiệp càng nghe, càng lấy làm lạ, vội hỏi :

- Tại sao mi lại trở về chùa?

Tâm Đăng mơ màng đáp :

- Tôi cũng không biết tại sao? Tôi chỉ... cảm thấy mình thích nơi thanh tĩnh của chùa chiền, thích nghe những tiếng kinh trầm bổng.

Bệnh Hiệp nghe nói, giật mình thở dài ảo não :

- Mỗi một người thảy đều có những nếp sống riêng, ta không thể ép buộc mi được, mi muốn trở về chùa thì cứ về, nhưng mà... sau khi làm xong những công việc cho chúng ta rồi, mi còn một việc quan trọng cần phải thi hành, đó là việc riêng của mi.

Tâm Đăng lấy làm lạ, vội hỏi :

- Thưa sư phụ, tôi còn một việc gì? Đời tư của tôi không còn vấn vít gì với ngoài đời nữa.

Bệnh Hiệp buồn rầu nói :

- Bây giờ ta chưa tiện nói cho mi biết, chỉ có thể cho mi hiểu rằng trên đời này có nhiều việc xảy ra không phải do ta mà là do trời...

Nói dứt câu này thì Bệnh Hiệp nhắm nghiền cặp mắt dưỡng thần, còn Tâm Đăng thì ngẫm nghĩ triết lý trong câu nói của ông ta.

Nhưng mà tư tưởng của chú trong suốt không gợn một chút mây mờ, đối với câu nói mập mờ của Bệnh Hiệp không tài nào nghĩ cho thấu đáo.

Tâm Đăng đang triền miên nghĩ ngợi bỗng nghe Khắc Bố hỏi :

- Chính Dung, thôi đừng về chùa nữa, ở lại dạy võ cho tôi.

Tâm Đăng thấy Khắc Bố đối với mình thật là tương đắc, niềm nở trả lời :

- Chờ ngày hoàn tục hãy hay.

Bệnh Hiệp trợn trừng cặp mắt nói :

- Tâm Đăng, trong vòng mười ngày nữa, thì bệnh của ta sẽ biến chứng, chừng đó có lẽ ta sẽ trở thành một kẻ phế nhân, vì vậy mà ta gọi Khắc Bố đến đây, chừng nào ta lâm trọng bệnh thì có nó bên cạnh chăm nom săn sóc, đồng thời ta lại mong rằng trong mười ngày này ta có thể hoàn toàn truyền hết đường võ Thiên Phong chưởng cho mi.

Tâm Đăng nghe nói, đau lòng lắm, Bệnh Hiệp hối thúc :

- Thôi mi hãy trở về, ngày mai sẽ trở lại, bây giờ ta bắt đầu truyền võ cho Khắc Bố, thằng này có tư chất tốt, rất tiếc gặp ta quá muộn... ta đang sắp bày kế hoạch để làm một việc lạ thường.

Câu nói này vừa thoát ra khỏi cửa miệng của Bệnh Hiệp, cả Khắc Bố và Tâm Đăng đồng thanh hỏi :

- Thưa sư phụ, việc lạ thường gì đó?

Bệnh Hiệp cất cao giọng nói bằng một niềm phấn khởi :

- Ta muốn làm một điều phi thường, trong vòng một năm rưỡi, ta muốn đem tất cả bình sinh sở học của ta truyền cho Khắc Bố.

Tâm Đăng và Khắc Bố thoáng nghe qua, vừa mừng vừa sợ, Tâm Đăng là người đã từng luyện võ, chú nghĩ thầm :

- Thật là một việc khó thi hành! Cô Trúc sư phụ là một bậc kỳ nhân trong thiên hạ phải mất đi mười năm trường mới dạy ta đến mức này, còn Bệnh Hiệp là một người mang trọng bệnh, làm sao trong vòng một năm rưỡi có thể dạy cho xong?

Bệnh Hiệp dường như đọc thấu ý nghĩ của Tâm Đăng, cười rằng :

- Việc này ta có cách... thôi mi về, ngày mai trở lại.

Tâm Đăng đang bàng hoàng, chợt nhớ đến giờ ước hẹn với Mặc Lâm Na, nên vội vàng cáo từ đứng dậy bước ra bên ngoài, Khắc Bố tỏ vẻ quyến luyến lắm.

Rời khỏi ngôi nhà đá, Tâm Đăng không trở về chùa mà đi vòng ra phía sau đến chỗ hẹn hôm qua.

Đến nơi ấy, không thấy hình bóng của Mặc Lâm Na đâu cả, chú nghĩ rằng :

- Chắc nàng bận việc chi, ta hãy chờ thêm chút nữa.

Thế là Tâm Đăng chắp tay sau lưng, đi qua đi lại dưới bóng cây râm mát, đây là lần thứ nhất chú nếm được mùi vị của một người đàn ông đợi chờ phái yếu, trong lòng chú vừa dâng lên một niềm ảo tưởng vừa ngọt ngào, vừa thi vị.

Nguồn cảm giác lâng lâng thật là khó tả, một thứ ấm nóng lạ kỳ tràn lấn tâm tư.

Chú mải mê suy nghĩ :

- Chẳng biết hôm nay nàng có đến hay chăng? Hay là nàng sai hẹn?

Nghĩ đến đây chú lấy làm thất vọng về sự tưởng tượng của chú nhưng chú lại nghĩ :

- Chắc chắn nàng sẽ đến vì nàng đã hẹn với ta kia mà.

Nghĩ đến đây, chú nghe thấy một niềm an ủi vô biên, cúi xuống nhìn xâu chuỗi của Mặc Lâm Na một cách trìu mến, chú mân mê sờ mó nó mà nghĩ :

- Ngày hôm nay ta gặp nàng ta sẽ nói những gì? Hôm qua ta gặp nàng mà không thể thổ lộ hết tâm tình... hôm nay phải nói thật nhiều mới được... ta phải thêu dệt một câu chuyện cổ tích để kể cho nàng nghe.

Chú miên man suy nghĩ, mất rất nhiều thì giờ mà vẫn không thấy hình bóng của Mặc Lâm Na, chú bắt đầu nóng nảy, nhóng cổ nhìn quanh.

Càng nhìn chú càng nôn nóng như một con kiến bò trên chảo nóng, còn đang chắt lưỡi cau mày, chợt thấy bên ngoài mười trượng, thình lình có một chiếc bóng trắng lướt qua, rồi thu hình trong một tàng cây rậm rạp.

Con mắt của Tâm Đăng cực kỳ bén nhạy nhìn phớt qua cũng biết người ấy chính là Mặc Lâm Na, trống ngực chú đánh rầm rầm, vừa giận vừa mừng, chú nghe thấy đôi má của mình nóng bừng....

Chú giả vờ không trông thấy, lấy lại thái độ ung dung nhàn nhã, chú thầm nghĩ :

- Chắc con bé này đang tìm cách trêu chọc ta?

Ý nghĩ của Tâm Đăng chưa dứt thì từ đằng kia đã có một đốm sáng lập loè bay tới.

Bình tĩnh chờ đợi đốm sáng đó đến cách mình chừng ba thước, chú đưa bàn tay lên giả vờ gãi đầu, nhưng sự thật truyền hết nội lực vào lòng bàn tay để hút chặt viên ám khí.

Thì ra đó là một hòn đá nhẵn thín.

Tâm Đăng vẫn giả vờ không biết, buông mắt nhìn ra chỗ xa xăm, dường như một người đang ung dung ngoạn cảnh.

Quả nhiên Mặc Lâm Na lấy làm kinh dị, nàng lấy làm lạ cớ sao viên đá của mình ném đi mà bặt vô âm tín?...

Thế rồi nàng nhặt thêm một hòn nữa, lần này dùng hết tám phần sức mạnh ném về phía Tâm Đăng....

Nàng ranh mãnh nghĩ thầm :

- Phen này... xem mi đối phó ra sao?

Nhưng mà lạ lùng chưa, Tâm Đăng vẫn bình thản như một người vô sự, vẫn đưa mắt nhìn xem phong cảnh ở đằng xa tít tận chân trời, nàng còn thoáng nghe chú đang ngâm nga mấy câu thơ cổ.

Mặc Lâm Na vừa sợ vừa giận, nàng lấy ra thêm năm viên đá nữa, hậm hực nghĩ thầm :

- Mi dám chua ngoa với ta, để ta cho mi một bài học đích đáng.

Rồi nghiến răng dùng hết mười phần sức mạnh, nàng tung ra một thế Thiên Hoa Loạn Tán, ném vù vù năm hòn đá này về phía Tâm Đăng.

Năm viên ám khí này chia ra làm năm ngả chiếu thẳng vào năm đại huyệt của Tâm Đăng.

Ám khí thoát ra khỏi lòng bàn tay rồi, trong lòng nàng mới lấy làm hối hận, nàng e cho Tâm Đăng tránh không thoát mấy viên ám khí ác độc kia.

Kêu lên một tiếng kinh hoàng, nàng nhắm nghiền cặp mắt, nhưng lạ lùng chưa, bên tai nàng vẫn văng vẳng tiếng ngâm nga của Tâm Đăng, mà năm viên ám khí của mình thì như ném vào biển cả, không một tiếng tăm phản ứng.

Mặc Lâm Na mở bừng mắt dậy, thấy Tâm Đăng vẫn còn tới lui nhàn nhã, bộ điệu cực kỳ thư thái, trong lòng lấy làm kinh dị, nghĩ thầm :

- Người này võ nghệ quả thật cao cường, cha ta chưa chắc bằng nó.

Nghĩ vậy, nàng bay ra khỏi tàng cây, kêu lên :

- Tâm Đăng, chắc chờ ta lâu lắm thì phải, ta bận chút việc nên đến trễ.

Tâm Đăng giả vờ mới phát giác ra nàng, mỉm cười nói :

- Chả sao, tôi đang ngoạn cảnh.

Mặc Lâm Na thấy thái độ của chú quá ư bình thản, trong lòng lấy làm kinh dị nghĩ thầm :

- Hay là hắn chẳng biết ta trêu hắn? Hay là có một kẻ nào khác đã bắt lấy ám khí của ta?

Nghĩ đến đây nàng nhớn nhác nhìn quanh, ba bên bốn bề cảnh vật đìu hiu vắng vẻ, không một bóng người, nên trong dạ hồ nghi chẳng dám nói ra.

Nàng trỏ vào rặng cây, cười bảo Tâm Đăng :

- Chúng ta vào trong kia nói chuyện.

Tâm Đăng thoáng nghe qua, giật nẩy mình, nhưng liền lấy lại bình tĩnh, gật đầu trả lời :

- Được, để tôi dẫn đường.

Thế rồi chú bình tĩnh tiến về phía trước, lách mình vào một rặng cây lưa thưa, chọn một chỗ thanh tịnh và sạch sẽ rồi ngồi xuống.

Mặc Lâm Na cứ suy nghĩ về những viên ám khí ban nãy nên trong lòng thắc thỏm không yên.

Tâm Đăng đã đọc được ý nghĩ đó nên trên vành môi thoáng nở một nụ cười ranh mãnh, Lạt Ma thấy vậy đỏ bừng sắc mặt hỏi rằng :

- Những hòn đá của ta...

Tâm Đăng cố nhịn cười :

- Đá gì?..

Mặc Lâm Na vừa thẹn vừa giận :

- Những hòn đá ta ném mi ban nãy! Mi hãy còn giả vờ...

Tâm Đăng thấy thái độ của nàng nửa giận nửa hờn, nửa thương nửa ghét, chú lấy làm đắc ý lắm, cười rằng :

- Ủa! Bảy hòn đá ban nãy do cô nương ném hay sao?... Tôi cứ tưởng do những con chim bay trên trời làm rơi xuống.

Tâm Đăng nói rồi xoè bàn tay hữu ra, Mặc Lâm Na giật mình sửng sốt, vì bảy hòn đá của mình thảy đều nằm gọn trong lòng bàn tay hắn.

Mặc Lâm Na tức tối mắng :

- Mi thật cả gan... dám trêu chọc đến ta... ta sẽ cho mi một bài học đích đáng...

Tâm Đăng bị mắng nghe thấy trong lòng có một cảm giác dị kỳ dâng lên, đây là lần thứ nhất chàng bị một người khác phái mắng yêu một câu đầy tình tứ.

Chú khẩn khoản :

- Xin giao hoàn cho cô nương.

Mặc Lâm Na khoát tay hờn dỗi :

- Ta không biết...

Nói rồi vả vào bàn tay của Tâm Đăng một cái, làm cho bảy hòn đá bắn ra tứ tung, lăn tròn trên mặt cát...

Tâm Đăng nghe thấy trên bàn tay của mình vừa truyền sang một nguồn cảm giác mát rười rượi, mà lại nghe khó chịu như điện giật, chú sững sờ ngây ngất...

Đây là lần thứ nhất, thể xác của chú đụng chạm với người khác phái, thật đem đến cho chú một thứ cảm xúc lạ lùng...

Tâm Đăng rút phắt bàn tay của mình trở về, dùng bàn tay tả nắm bàn tay hữu, dường như muốn bấu víu thêm một chút thứ cảm xúc dị thường đó.

Mặt của chú đỏ bừng, tim đập rộn ràng, mắt đổ hào quang, nhìn Mặc Lâm Na chằm chặp...

Trong lúc đó thì Mặc Lâm Na thẫn thờ suy nghĩ :

- Tại sao hắn nhìn ta? Thật là đáng ghét... Không! Không đáng ghét mà là đáng yêu... ta thích hắn nhìn ta như vậy...

Vuốt lại mái tóc của mình lẩm bẩm :

- Mi nhìn ta một cách đáng ghét!... Dường như muốn ăn thịt ta vậy?

Tâm Đăng bị câu này lôi trở về thực tế, bất giác sượng sùng, vội vàng nghiêm sắc mặt.

Mặc Lâm Na thấy vậy cười lên khúc khích, nàng bảo :

- Mi nhìn ta trân trối làm cho ta quên cả nói chuyện... Ta hỏi mi, võ nghệ của mi cớ sao lại cao như vậy, thầy mi là ai?

Tâm Đăng cười trả lời :

- Thầy ta là một lão già không tên không tuổi, tôi chỉ gọi ông ta bằng sư phụ.

Mặc Lâm Na cười như nắc nẻ :

- Những người võ nghệ cao cường, thảy đều là tính tình kỳ dị, hay giấu tên giấu tuổi, chẳng hạn như cha ta...

Tâm Đăng vội hỏi :

- Cha cô chắc bản lĩnh cao cường lắm? Bây giờ ông ta ở đâu?

Mặc Lâm Na ngần ngừ giây lát mới trả lời :

- Cha ta rày đây mai đó, bây giờ chắc có lẽ ở vùng Tân Cương!... Mi thật ít nói chuyện, chắc có lẽ cứ suốt ngày lo tụng kinh gõ mõ.

Tâm Đăng đỏ bừng sắc mặt, nàng lại nói :

- Ta thường nghe người luyện võ nói, trong chỗ giang hồ đầy rẫy chông gai hầm hố...

Tâm Đăng vội hỏi :

- Chông gai hầm hố như thế nào? Giang hồ nghĩa là sao?

Mặc Lâm Na bực tức :

- Giang hồ nghĩa là... nghĩa là... giang hồ. Thí dụ như Tây Tạng có Lỗ Tạng Giang và hồ Tuấn Mã.

Tâm Đăng bật phì cười vì câu giải thích ngô nghê của nàng.

Hai người lại trò chuyện thêm một chập, bầu không khí bắt đầu tẻ nhạt, bỗng Mặc Lâm Na đề nghị :

- Bây giờ chúng ta thử so với nhau vài hiệp.

Tâm Đăng cả cười :

- Hay lắm! Nhưng chúng ta chỉ so nhau về khinh công và ám khí mà thôi.

Vì chàng nghĩ võ công của chàng trội hơn Mặc Lâm Na nhiều lắm, nếu chường mặt đấu chiến e có điều chi sơ suất.

Nói rồi cúi xuống nhặt lên mười hòn đá, chia cho nàng năm hòn đoạn nghĩ :

- Ta phải giấu nghề, đừng làm cho nàng phải mất mặt.

Mặc Lâm Na biết nghề ném ám khí của mình không bằng Tâm Đăng nhưng mà khinh công tuyệt diệu.

Nàng thấy thân hình của Tâm Đăng vạm vỡ nên quyết chắc mình có thể thắng đối phương trên phương diện này, nên vui vẻ nhận những hòn đá, nàng nói :

- Chúng ta so tài như thế nào?

Tâm Đăng rảo mắt nhìn quanh, chàng trỏ hai tàng cây cổ thụ rườm rà đoạn nói :

- Mỗi người trốn trên một tàng cây, dùng ám khí chọi lẫn nhau, nếu như ai trúng đòn hay sa chân rơi xuống đất thì kể như thua.

Mặc Lâm Na vỗ tay reo lên cười một cách thích thú, nàng chọn một tàng cây to chừng sáu trượng rồi bay vù lên nhanh như chớp.

Vừa nói :

- Ta lên trước!

Dứt lời, thân hình của nàng đổi nhanh một thế Giá Hạc Vân Du, bay vù lên một cành cây gần đó.

Cử động thật là nhẹ nhàng êm ả, không gây một tiếng động nào. Tâm Đăng thấy thân pháp của nàng kỳ diệu như vậy, trong lòng lấy làm thán phục.

Mặc Lâm Na nở một nụ cười tươi như một đóa hoa hàm tiếu, thò tay vẫy Tâm Đăng :

- Tâm Đăng! Lên đi chứ!

Chính vào lúc đó thì từ Bố Đạt La Cung văng vẳng có tiếng chuông chùa ngân nga đưa đến, báo hiệu rằng giờ cơm đã tới.

Nhưng mà Tâm Đăng bất chấp, chú rảo mắt nhìn quanh, thấy cách chỗ Mặc Lâm Na nấp chừng năm trượng có một cây cổ thụ cành là rườm rà, vội cười mà rằng :

- Đừng nóng nảy!

Dứt lời, cố ý dùng một thế rất tầm thường là Bình Địa Bạt Xung bắn vù lên cao bảy trượng, khi rơi xuống cành cây lá rung lên xào xạc...

Mặc Lâm Na thấy điệu bộ vụng về của Tâm Đăng, trong lòng mừng lắm, nghĩ thầm :

- Khinh công của nó khá lắm nhưng vẫn còn kém ta.

Nàng buông ra một tiếng cười đắc ý :

- Mi ném ám khí đi chứ!

Tâm Đăng cả cười trong lòng nghĩ thầm :

- Nàng trúng kế ta rồi!

Nghĩ đoạn, bảo nàng :

- Nhường cho cô ra tay trước, cô ném hai viên rồi tôi sẽ ném sau.

Mặc Lâm Na nghe nói cười thầm, nghĩ rằng Tâm Đăng là “bò con không biết sợ cọp”, nàng nhắc :

- Trên cây không dễ tránh như dưới đất, mi đừng thờ ơ mà thua đó.

Nói đến đây, vùng sực nhớ đến một việc, nàng vội kêu lên :

- Không cho nhà ngươi đứng yên một chỗ, phải xê dịch thân mình, không thì ta không ném...

Tâm Đăng giật mình nghĩ :

- Con nhỏ này muốn cho ta mắc mẹo đây!

Chú trả lời :

- Được, cô cứ ném đi, tôi bắt đầu xê dịch...

Dứt lời, quả thật Tâm Đăng buông mình bay nhảy từ cành cây này sang cành cây khác, bộ điệu vẫn ồ ề cục mịch.

Mặc Lâm Na dùng hai ngón tay kẹp chặt một hòn đá, đôi mắt đen lay láy của nàng dán chặt vào thân hình của Tâm Đăng...

Thừa một dịp Tâm Đăng đang dùng một thế La Hán Độ Hà bay mình sang một cành cây, chính vào lúc bàn chân của chú vừa rời khỏi thân cây, thì Mặc Lâm Na hét lên một tiếng yểu điệu :

- Đỡ...!

Tiếng hét chưa dứt, thì hòn đá trong tay nàng vèo vèo bay tới, chiếu thẳng vào giữa ngực của Tâm Đăng...

Thân hình đang lơ lửng giữa từng không, bị ném bất thần, nhưng Tâm Đăng vẫn một mực bình tĩnh, vung ống tay áo ra phất bay hòn đá.

Mặc Lâm Na trông thấy Tâm Đăng vì đỡ đòn mà lỡ bộ chới với trên một cành cây, chú phải tức tốc dang tay ra mới lấy lại được thăng bằng...

Mặc Lâm Na nào chịu bỏ qua cơ hội, vào lúc Tâm Đăng còn đang loạng choạng thì nàng đã ném liền theo tay một viên đá nữa.

Lần này, nàng ném trước rồi mới hô “Đỡ” sau.

Tâm Đăng rú lên một tiếng kinh hoàng rùn mình xuống tránh, Mặc Lâm Na thấy chú chuệnh choạng trên một cành cây nhỏ bé, múa may quay cuồng nhưng mà lạ chưa, chú không rơi xuống đất mà thân hình lại cứ dán chặt trên cành cây.

Bộ điệu hài hước của Tâm Đăng làm cho Mặc Lâm Na bật phì cười... nàng trỏ Tâm Đăng mà bảo :

- Thôi, đừng đấu nữa, đừng làm trò cười cho thiên hạ.

Tâm Đăng không bằng lòng :

- Tại sao không đấu?...

Mặc Lâm Na thấy Tâm Đăng không chịu thua, cười mà bảo :

- Bộ điệu của mi trông buồn cười quá!

Và bây giờ Tâm Đăng bắt đầu bay nhảy nhưng thân pháp lần lần nhanh nhẹn, Mặc Lâm Na hậm hực tự bảo với mình :

- Mi có dùng hết sức bình sinh đi nữa thì cũng không làm nên trò trống gì.

Lúc bấy giờ Tâm Đăng vừa vượt sang một cành cây, Mặc Lâm Na thừa thế ném một hòn đá vào đùi của Tâm Đăng với một tốc lực nhanh như điện.

Đang ở nửa vời, Tâm Đăng rú lên :

- Sao thế?... Tôi chưa...

Câu nói chưa dứt, Tâm Đăng trổ luôn một đòn Hoành Ba Vi Địa, để cho thân hình của chú nằm vắt ngang một cành cây, và hòn đá của Mặc Lâm Na rơi vào khoảng không một cách trơ trẽn...

Tâm Đăng cười hì hì :

- Tôi đã nhường cô ba lần rồi đó!

Mặc Lâm Na tức giận bồi hồi, vì mỗi một lần Tâm Đăng tránh thoát, dường như là do sự may mắn chứ chẳng phải do tài khôn khéo.

Nàng quyết định dùng hai hòn đá cuối cùng để thủ thắng.

Tâm Đăng mặt mày hớn hở, bắt đầu dùng thuật Lăng Không Mai Bộ, Mặc Lâm Na vẫn chờ đợi cho Tâm Đăng rời khỏi cành cây mới ném ám khí...

Lần này, nàng chờ cho Tâm Đăng cất mình nhảy lên, ném một viên đá bay tới thật mạnh, quả nhiên Tâm Đăng cả sợ, dùng ống tay áo phất bay hòn đá...

Nào ngờ hòn đá đầu tiên của Mặc Lâm Na chỉ dùng để khuấy rối đối phương mà thôi, liền theo đó, nàng ném tiếp theo một viên chiếu vào giữa mặt của chú...

Đó là lối ném Liên Châu Thủ cực kỳ lợi hại, Tâm Đăng rú lên một tiếng :

- Thôi... chết rồi...

Nhưng... một việc bất ngờ lại xảy ra, Tâm Đăng thình lình hé miệng, thổi vù ra một làn hơi thật mạnh làm cho hòn đá bay ngược trở về...

Nhưng vì vậy mà thân hình của Tâm Đăng thoát ly khỏi tàng cây rơi xuống đất...

Mặc Lâm Na mặc dầu kinh sợ cho cái lối thổi bay ám khí của Tâm Đăng, nhưng thấy chú sa chân xuống đất, trong lòng khấp khởi...

Nàng định reo lên một tiếng vui mừng, nào ngờ Tâm Đăng sắp sửa rơi đến mặt đất, thân hình thình lình xoay ngang một cách thần tốc để vớ vào một thân cây rồi lại thoăn thoắt leo lên...

Tâm Đăng hơi thở phì phò, mặt mày nhớn nhác nói :

- Tôi chưa thua... Tôi chưa thua...

Cử chí hài hước này làm cho Mặc Lâm Na tức giận tràn hông kêu lên ầm ĩ.

Tâm Đăng vẫn khư khư :

- Tôi chưa thua.

Mặc Lâm Na bực tức :

- Giờ đến phiên mi.

Nói rồi thân hình của nàng tung tăng bay nhảy khắp các cành cây kẽ lá, tốc độ thật là nhanh, luôn mồm hối thúc :

- Mi ném đi... Mi ném đi...

Tâm Đăng thét lên một tiếng :

- Đỡ...

Rồi một hòn đá bay vù vù vào hậu tâm của Mặc Lâm Na nhanh như chớp.

Mặc Lâm Na không quay đầu trở lại, chỉ rũ hai ống tay áo một cái thật mạnh, để cho thân hình bắn vọt lên năm thước tránh khỏi hòn đá một cách tài tình...

Nàng quay đầu nhìn lại...

Hòn đá của Tâm Đăng đang đi theo chiều thẳng bỗng thình lình biến thành chiều cầu vống để rơi vào khoảng không...

Mặc Lâm Na quay đầu nhìn lại, đắc chí cả cười :

- Sao? Ta có kém mi đâu?

Tâm Đăng cố nhịn cười, trong lòng chú biết, nếu chú thẳng tay, Mặc Lâm Na có chạy đường trời cũng không tránh khỏi...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.