Cố Nhân Thán

Chương 1




Trung nguyên đất đai bao la, sản vật trù phú, sớm trở thành nơi an cư tọa lạc, song cũng là miếng mồi ngon mà bao tộc man di thèm khát. Đất đai nơi đây sớm đã tanh mùi máu, nhưng cũng là nơi sản sinh bao thế hệ truyền kì.

Trung nguyên lúc trước vốn bao gồm nhiều khu vực tách biệt được cai trị bởi các tộc trưởng. Trong số các vị tộc trưởng, người có uy danh nhất là Mạc Sinh- tộc trưởng khu phía Đông Bắc trung nguyên, đứng ra thương hiệp, thống nhất các khu vực thành một. Qua nhiều lần lĩnh quân chinh phạt, lập ra triều Mạc. Quốc thổ thống nhất, lấy quốc hiệu là Mạc quốc, kinh đô ở Hà Nam- Châu kinh, chia đất đai thành 24 châu. Triều đình gồm hai bên văn võ, hằng năm đều tổ chức các cuộc thi tuyển nhân thủ đảm đương các chức vụ. Mạc quốc tồn tại được gần 30 năm thì nội loạn, thiên hạ phân tranh. Trải qua các triều: Hán, Minh... Quốc thổ vẫn không được an bình. Hơn 20 năm trước, sau khi lập bản minh ước thuần phục của các bộ tộc, Vũ Minh - Cháu ngoại của Thái sư tiền triều, lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Vũ. Đổi quốc hiệu thành Vũ quốc, kinh đô vẫn ở Hà Nam - Nam kinh. Hoàng đế mến mộ người tài, lấy đức trị quốc nên được lòng dân.

Trời trong vắt, cao xanh. Gió thổi nhè nhẹ mang theo hương đất sau cơn mưa ngày hôm qua. Cố Mộng Chiêu ngồi dựa vào một gò đất cao, một tay chống cằm, một tay dụi dụi mắt. Hai mắt vẫn dán chặt vào mảnh ruộng phía trước. Nơi đây là Lạc gia thôn. Sở dĩ gọi là Lạc gia thôn vì thôn dân ở đây đa phần đều là người đồng tộc Lạc thị. Duy chỉ có vài nhà khác họ, chẳng hạn như nhà nàng. Nàng nhớ rõ nhà mình trước kia không phải nơi này mà là một trấn nhỏ khá gần Nguyệt thành. Sau đó bởi vì gặp nạn châu chấu, bị địa chủ bốc lột đến đường cùng nên người trong trấn đều bỏ đi tha hương. Vì giữa đường cứu được ba đứa bé là con cháu trong Lạc gia thôn nên nhà nàng được cất nhắc cho ở lại đây.

Cố gia nàng hai năm trước dù nghèo nhưng chưa đến mức bán con cái để đổi gạo bởi trong nhà còn có nội công, phụ thân và lục, thất thúc gánh vác. Nhưng trời cao có lẽ chưa lấy làm đủ, chẳng những cướp đi sinh ý của thôn nàng mà còn cướp đi cả nội công và phụ thân của nàng. Lục thúc vốn có bệnh trong người vì lao lực quá mức nên cũng bỏ các nàng theo nội công. Hiện giờ nhà nàng chỉ còn thất thúc, nàng, đệ đệ và một con hắc cẩu cùng hai sào ruộng. Thất thúc có tật ở chân không tiện đi lại, đệ đệ lại còn nhỏ nên nàng trở thành bà chủ ở nhà.

Lúa nhà nàng sắp sửa gặt nên ngày ngày nàng đều phải ra đây canh chừng lũ chim chóc quấy phá. Tuy trong nhà chẳng còn như xưa nhưng nàng chưa bao giờ từ bỏ. Phụ thân lúc trước từng học qua cái chữ, ông thường nói với nàng: Cố Mộng Chiêu con gái của ta là đứa trẻ ngoan ngoãn nhất nên cho dù gặp khó khăn gì cũng đừng nản chí, có biết không? Đúng vậy, nàng là đứa trẻ ngoan nhất, biết vâng lời nhất nên nàng phải làm đúng theo ý phụ thân, không được từ bỏ. Nhìn mảnh ruộng óng ánh vàng, nàng đang suy nghĩ nên làm gì với số lúa này. Tốt nhất là về thương lượng với thất thúc, nấu cơm trưa, bắt hai con cá rọng trong thùng qua nhà Thẩm đại nương học may vá, buổi chiều tiếp tục ra ngoài này canh chừng. Tối đến chạy về nấu cơm, giặt đồ, may nốt mấy chiếc vớ để kịp giao cho người ta.

Nàng cảm thấy mình thật bận rộn, tuyệt không được lười biếng.Mỗi lần có lũ chim đáp xuống, nàng liền đứng dậy hoa tay múa chân dọa chúng bay đi mất. Ngửa đầu lên nhìn sắc trời, hẳn đã đến buổi trưa. Thân hình nho nhỏ lật đật đứng dậy phủi đất, đi về nhà.

Đường ở thôn đều nhỏ hẹp, hai bên là cây cối um tùm. Cạnh thôn là một con sông không rõ tên rất rộng song lại không nhiều cá. Thật kì quái! Lạc gia thôn không có núi non nhưng dựa lưng vào mấy cái gò đất cao. Nàng đi trên đường, thỉnh thoảng chào hỏi mấy đại thẩm đại thúc trong thôn, khách khí một chút:

- A, tiểu Chiêu nhà họ Cố đây mà. Con vừa đi đâu đấy?

- Lạc Nha đại thúc trưa hảo. Con vừa đi canh ruộng về.

- Thật là ngoan nha. Thôi con mau về nhà nấu cơm đi, thúc cũng về nhà đây.

- Vâng, vậy con đi trước ạ.

Nàng vẫy vẫy tay với Lạc Nha đại thúc rồi chạy chậm về nhà. Lạc Nha đại thúc là trưởng tử của thôn trưởng, vừa mới thành thân năm ngoái. Người rất hiền hòa dễ gần, nàng rất quý thúc ấy.

Xa xa thấy một căn nhà lá nhỏ, bao quanh là hàng rào bằng cây sơ sài. Nhìn đến cửa rào mở toang, chân mày nàng bất giác châu lại. A Điển lại ham chơi không trông nhà đây mà. Vừa bước chân vào nhà đã có một bóng đen vồ đến. Mộng Chiêu nhanh nhẹn nhích qua một bên, tiếp tục đi vào trong buồng. Thế nhưng không thấy thất thúc. Dạo gần đây chân bỗng trở nặng nên thất thúc phải nghỉ làm ở vựa lúa trong huyện, về nhà tịnh dưỡng. Có lẽ thất thúc chỉ đi quanh thôn dãn gân cốt thôi.

Nàng cũng không mấy trăn trở. Thân thủ xoắn tay áo chuẩn bị cơm trưa. Hôm qua may mắn bắt được hai con cá rô to, nàng định đem chúng qua nhờ Thẩm đại nương dạy kĩ thuật may sao cho thật đẹp. Nghĩ đến nhà đã rất lâu chưa được ăn thịt, lại nhìn đến hai con cá rô trong thùng. Mặc dù rất tiếc nhưng nàng cũng phải cắn răng không thể đụng đến chúng. Bên người ta đòi lấy hàng có thêu uyên ương gì đó, nương nàng mất sớm, bà nội lại bệnh yếu nên nàng phải tự học may. May hay thêu mấy cành nhài, lá trúc thì nàng miễn cưỡng có thể, còn thêu uyên ương thì nàng hoàn toàn mù tịt. Trong thôn lại chỉ có mình Thẩm đại nương biết thêu nên có không ít nhà đến nhờ vả. Nàng không thể chỉ dựa vào lòng thương xót của mọi người mà được ưu tiên, tình cảm và việc giúp đỡ là hai cái gì đó mong manh lắm. Vẫn là có quà trả công ổn thỏa hơn.

Sau một hồi loay hoay trong bếp, vừa bưng đồ ăn lên bàn đã bắt gặp bóng dáng nhỏ bé lẻn vào nhà. Nàng làm bộ như không thấy, tiếp tục dọn bát đũa. Lát sau, quả nhiên một chiếc ghế cạnh bàn đã có người ngồi. Chẳng những thế còn nhe hàm răng thưa lưa cười khúc khích với nàng: - Tỷ tỷ trưa hảo, hôm nay tỷ thật đẹp ướt át nha.

Bàn tay đang lau bàn của Mộng Chiêu giơ lên gõ vào đầu tiểu tử vừa hé miệng kia, hắng giọng: - Đừng có mà xua nịnh với tỷ. Hôm nay lại đi đâu chơi uống mật ong rồi đây. Vả lại tỷ tỷ của đệ vốn đã xinh đẹp rồi, không cần phải nói ra đâu.

Đệ với tiểu Thạch đi ra bờ sông xem cha nương hắn bắt cá. Nha nha, tỷ luôn bảo tỷ xinh đẹp, vậy đệ có đẹp không, có xinh không? Tiểu nam hài mắt chớp chớp, trong lúc nói chuyện lại còn thở phì phò. Có vẻ như sáng nay hắn đã chơi rất mệt.

Mộng Chiêu nhìn đệ đệ mới hơn năm tuổi - Cố Cao Điển, thở hì hục như thế vội rót cho đệ đệ bát nước. Giọng nói cũng bất giác mềm đi: - Đẹp. Đệ đệ của tỷ đương nhiên là xinh đẹp rồi. Chơi vui lắm sao?

A Điển nhận bát nước uống ừng ực, miệng cũng đã vểnh lên đến tận tai: Chơi vui! Tỷ không biết đâu. Cha nương tiểu Thạch bắt được một con cá đen rất to, còn to hơn cánh tay của đệ nữa. Vừa nói hắn vừa giơ cánh tay ra quơ quơ, quả thật rất háo hức.

Cánh tay nhỏ gầy tong teo như que củi làm Mộng Chiêu xót xa. Đệ đệ lúc chạy nạn bị nhiễm phong hàn trị không dứt, sức khỏe yếu hơn mấy đứa trẻ đồng lứa nhiều. Lại thêm thói kén ăn nên chỉ còn da bọc xương. Nàng xoa mái tóc xơ cứng của đệ đệ, động tác nhẹ nhàng đầy yêu thương: Chơi vui là tốt rồi. Nếu có ai ăn hiếp đệ, phải nói cho tỷ tỷ nghe, biết không?

A Điển lại cười khúc khích. Tỷ tỷ hắn lúc nào cũng sợ hắn bị bắt nạt, mỗi ngày đều có mỗi một câu đó: Tỷ yên tâm, đệ khỏe như thế này, ai ăn hiếp đệ được chứ?

Ai đụng đến A Điển của thúc sao? . Không gian bỗng chốc tối sầm, hóa ra là có người đứng chắn ở cửa vào. Vừa nâng giọng vừa đi như bay đến bàn ăn dù đôi chân bị tật.

Hai tỷ đệ bị giật mình, khi nhìn đến người đang đi vào nhà thì không khỏi mím môi. Biểu cảm lúc này của hai người quả thật giống nhau như đúc. Vẫn là A Điển mở miệng giải thích: A... Không phải. Không có ai bắt nạt con cả thất thúc.

Qua mấy bước sải dài, người vừa mở miệng chất vấn đã đứng cạnh bàn. Ánh sáng chiếu vào hắn làm hai tỷ đệ nheo mắt. Người đến dáng người cao ráo, gương mặt hốc hác xanh xao, mồ hôi lấm tấm nhỏ giọt xuống đất. Y phục vải bố rộng thùng thình. Người này không ai khác là thất thúc của các nàng- Cố Trường Thanh, năm nay đã mười tám tuổi. Hắn nheo nheo con mắt, hỏi lại: Thật không?

Thật ạ. Lần này là Mộng Chiêu đáp lời. Thúc đi rửa tay rồi vào ăn cơm, không thì con với A Điển ăn hết đó.

Cố Trường Thanh nhìn A Điển, lại nhìn Mộng Chiêu, xác định hai người không có vẻ gì dấu diếm thì mới quay người đi rửa tay. Hắn thật lo lắng. Trước khi đại ca qua đời đã dặn dò hắn chăm sóc tốt cho hai đứa con của huynh ấy. Vậy mà bây giờ người được chiếu cố lại là hắn. Tất cả là tại cái chân vô dụng này. Nếu không phải bị tật thì hắn đã có thể ngày ngày đi khuân vác, trong nhà không sợ không có gạo ăn rồi. Lúc hắn quay lại thì hai tỷ đệ chúng đã ngồi vào bàn đung đưa chân.

A Điển thật không có uống mật ong sao? Mộng Chiêu vừa nghịch ngón tay bị tróc da sần sùi của mình vừa tiếp tục trêu ghẹo đệ đệ.

Thật thật, tỷ tỷ quả thật xinh đẹp ướt át mà. A Điển gãi đầu, hắn không biết tỷ tỷ hôm nay bị làm sao mà cứ hỏi hắn chuyện này mãi. Cứ lấy lòng trước cái đã.

Cố Trường Thanh mặt đầy hắc tuyến ngồi xuống ghế cạnh A Điển. Đưa tay gõ đầu hắn. Ai dạy con nói như vậy hả, ai lại bảo xinh đẹp ướt át. Đúng là còn nhỏ đã không đứng đắn. Buổi chiều ở nhà không được đi đâu hết, rõ chưa?

Đứa cháu gái này của hắn năm nay mới mười tuổi, nữ công rất tốt, lại nhanh nhẹn linh hoạt, gương mặt trái xoan thanh tú không mấy nổi bật. Duy chỉ có đôi mắt là rất đặc biệt. Nhưng cũng không thể khen là xinh đẹp ướt át được. Thật không hiểu A Điển học mấy chữ này ở đâu nữa. Xem ra nên phạt hắn một chút rồi.

Đôi mắt to rạo rực bỗng cụp xuống. Thất thúc thật nhẫn tâm, hắn biết chiều nay có hội bắt cá nên phạt mình ở nhà. A Điển hắn đã hẹn với tiểu Thạch chiều nay sẽ đi. Dù trong lòng bất mãn ra sao nhưng tiểu nam hài ngoài mặt không dám nói gì. Chỉ đành im lặng chấp nhận số phận. Mộng Chiêu nhìn đệ đệ buồn bã chỉ mím môi. Qủa thật dạo này A Điển ham chơi hơn, nên dọa hắn một chút cũng tốt. Thôi thôi, hai người đừng trừng mắt nữa, cơm nguội hết rồi.

Dù nàng đã lên tiếng nhưng trận chiến giữa hai thúc cháu vẫn lén lút diễn ra. Nàng cũng chỉ mắt nhắm mắt mở tập trung ăn. Bữa trưa rất đơn giản. Chỉ có chút cháo với dưa. Nhà chỉ còn khoảng hơn hai bát gạo, lần này lúa tốt hơn năm ngoái nên thu hoạch hẳn sẽ được nhiều hơn. Nhưng không biết có cầm cự được đến lúc gặt lúa không. Ánh mắt nàng vô tình nhìn đến chân của thất thúc, lại nhớ đễn lúc hắn bước vào nhà mồ hôi nhễ nhại. Chả lẽ hắn lén đi làm công không cho mình biết? Nàng muốn hỏi trực tiếp nhưng lại nghĩ thúc ấy đang rất mệt nên đành để đến tối sẽ hỏi. Đại phu đã nói chân này của hắn nếu không chịu tịnh dưỡng đàng hoàng có thể bị phế, chân chính trở thành phế nhân. Nếu quả thật như vậy thì nàng phải ép thúc ấy nghỉ việc cho bằng được. Không thể để thúc ấy có chuyện, vì trong nhà còn một nam nhân trưởng thành thì còn có cơ hội vực dậy.

Càng nghĩ Mộng Chiêu càng quyết tâm điều tra rõ chuyện này. Bữa trưa nhanh chóng kết thúc. Nàng tranh thủ thời gian dọn dẹp rồi dặn dò đệ đệ với thất thúc ở nhà rồi cầm hai con cá qua nhà Thẩm đại nương. Dạo này thời tiết rất nóng dễ bị say nắng, nếu đổ bệnh thì không tốt. Đôi giầy cũ màu nâu chạy trên đường giống như đi trên chảo nóng. Trời này cũng quá nóng rồi. Mấy ngày trước nàng có nói với Thẩm đại nương là sẽ qua học may nên giờ nàng qua không tính là đường đột. Cứ nghĩ rằng sẽ qua một hồi chen lấn nhưng không ngờ lại thuận lợi vô cùng. Nàng quên mất hôm nay mấy đại thúc đại bá sẽ đi bắt cá ở con sông cạnh thôn. Tháng bảy trời nắng gắt nhưng lại là tháng có nhiều cá nhất. Chiều nay mấy đại thẩm cũng đi theo phụ giúp nên Thẩm đại nương đặc biệt vắng vẻ. Thẩm đại nương là người nhiệt tình, ngoài tính keo kiệt ra thì là một người tốt. Nàng cũng không dám làm phiền quá lâu, chỉ tầm một canh giờ liền đi về.

Nàng về nhà sắp xếp lại một số thứ, thấy A Điển nằm ngủ trên giường mà lại không thấy thất thúc. Ý nghĩa lúc trưa càng nghĩ càng thấy đúng. Buổi tối nhất định phải hỏi rõ thúc ấy. Tháng này ít muỗi nên không sợ bị muỗi đốt. Mộng Chiêu lấy mấy chiếc vớ chưa làm xong cùng kim chỉ bỏ vào trong rổ, lấy một cái khăn trùm đầu, khép rào rồi đi ra ruộng. Nàng nghĩ vừa trông vừa thêu sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Kiếm thêm chút tiền mua gạo, có lẽ sẽ chịu được đến lúc thu hoạch lúa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.