Cô Lâu Quái Kiệt

Chương 14: Bí mật quanh pho Di Đà




Gà đã gáy sáng, vạn vật đều như thức giấc. Ánh triều dương vàng nhạt, từ bên ngoài soi thẳng vào khung cửa sổ của một gian khách sạn nhỏ...

Mùng màn chăn gối trên giường vẫn chưa thu dọn, nhưng người khách trọ đã dậy từ lúc nào rồi.

Người khách ấy đến ngồi trước một chiếc bàn kê sát cửa sổ, trên tay đang cầm một lưỡi đoản đao dài non chín tấc, quan sát rất tỉ mỉ.

Rẻng. Lưỡi đoản đao đã được tuốt ra khỏi võ.

Ồ. Lưỡi đoản đao ấy sao lại chiếu ngời ánh thép, đến hoa cả mắt người nhìn?

Ánh sáng ấy có một màu xanh biếc, chói ngời nơi nơi, trông chẳng khác nào một cành lá non còn dính sương lạnh vào một buổi sáng mùa xuân.

Nếu đưa tay lên búng nhẹ vào lưỡi đao thì liền nghe ngân lên một tiếng kêu trong trẻo như tiếng ngọc tiếng vàng.

Giờ đây, ông khách ấy lại cầm chiếc vỏ cũ kỹ lên xem thật tỉ mỉ, những bông hoa ngoằn ngoèo bên ngoài. Ồ, đấy chẳng phải là bông hoa, mà chính là chữ Việt theo thể cổ tự, nhỏ li ti như những con kiến.

Những dòng chữ ngoằn ngoèo uốn khúc, xem tựa phụng múa rồng bay đó, có lý nào người khách trọ trẻ tuổi ấy có thể xem được hay sao?

Đúng thế. Trong đời này, nhất là trong võ lâm, thì người xem thứ cổ tự này thật hiếm có. Nhưng, người thiếu niên ấy chẳng ai khác hơn chính là người con trai của Bát Đẩu thư sinh, mà cũng chính là người môn đồ kế nghiệp của Bát Chỉ Phi Ma, một bậc kỳ tài hiếm có trong võ lâm ngày nay, văn võ đều song toàn cả, thì thử hỏi chàng không thể xem được những dòng chữ ấy hay sao?

Ngay từ lúc nhỏ, chàng đã có thiên tư đặc biệt, lại được sự giáo dục của gia đình, do đó, trước tiên chàng nhận thức được nét chữ cổ tự kia rất cứng cáp, tài tình. Và sau đó chàng đã lĩnh hội được cả ý nghĩa bên trong dòng chữ ấy.

Thì ra, trong thời vua Hán Minh Đế, có một vị cao tăng tên là Diệm Lôi, võ học hết sức cao tuyệt, trên đời không có ai sánh bằng. Trước khi vị này viên tịch, bèn đem tất cả sở học của mình ghi lại thành một pho sách, rồi lấy loài “Hàm Đàm Bích Ngọc” phong cứng lại. Về sau, ông ta lại dùng thần công tuyệt thế” của mình, lấy lục ngọc đúc thành một pho tượng Di Đà, cất giấu trong núi sâu, để chờ đợi người có cái duyên may mắn.

Chính vì Lục Ngọc Di Đà đã trải qua sức nhào nặn phi thường của ông nên nó còn rắn hơn là sắt đá, không có một thứ vũ khí sắc bén nào chém vỡ nó ra được.

Bởi thế, ông lại lấy những phần tinh túy của loài phỉ thúy và hàn tinh, đúc ra một thứ “thiên cổ thần binh”, chuyên dùng để bổ pho Lục Ngọc Di Đà ấy ra.

Gia Cát Ngọc xem qua hết những dòng chữ trong chiếc vỏ đoản đao, thì mới hiểu rõ được sự tương quan giữa pho Lục Ngọc Di Đà và thanh đoản đao Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ.

Đến khi chàng lật qua bề trái của chiếc võ đoản đao, thì lại càng hoang mang không hiểu ra sao cả. Vì, tại nơi ấy tựa hồ cũng có mấy dòng chữ nhưng đã bị ai đó dùng một thứ nội gia chân lực xóa mất đi, mà chỉ còn lại một góc dưới phía trái mà thôi. Tại nơi ấy còn thấp thoáng độ mười chữ nhỏ :

“... vung chưởng đánh đứt ba sợi tơ, thì tình duyên được dứt khoát, tùy người...”

Nét chữ ấy trông thực bay bướm xinh đẹp, chắc chắn là nét chữ của một cô gái viết ra. Qua dòng chữ ấy, đã thấy chứa đựng rất nhiều tình ý rắc rối. Nhất là mấy chữ “Đánh đứt ba sợi tơ” hoàn toàn đúng như việc đã xảy ra vào đêm vừa qua, vậy chắc chắn nó có tương quan đến cuộc đời của chàng. Gia Cát Ngọc không khỏi trầm ngâm nghĩ ngợi :

- “Có lý đâu vị tiền bối đang gởi thân vào không môn này, lại còn có một đoạn tình sử bi đát hay sao? Những chữ khắc ở phía bên trái vỏ đoản đao hãy còn mới, chứng tỏ vị cao tăng này không muốn người ngoài biết về mẫu chuyện ấy của lão ta. Nhưng, Phi Long thiền sư rõ ràng đến đây là có ý định chiếm đoạt thanh đoản đao. Vậy tại sao ông ta lại được biết về thanh đoản đao này?”

Suy nghĩ đến đây, thì chàng cảm thấy người tăng nhân phái Thiếu Lâm ấy, lòng dạ thự sâu xa khó hiểu, không thể không đề phòng. Vậy, không biết chừng, trước giờ phút quyết định đêm hôm qua, khi chàng vừa vung chưởng giáng xuống sợi tơ thứ ba, thì kẻ đã đánh lén sau lưng chàng, chính là ông ta chăng?

Căn cứ vào những chi tiết vụn vặt để suy đoán tường tận, thì Gia Cát Ngọc bỗng như bừng hiểu ra, pho Lục Ngọc Di Đà bị cướp mất tại Trích Thúy phong, chính là một pho tượng giả. Trái lại, pho tượng trong tay của Phi Long thiền sư, mới là bảo vật di truyền chân chính của Diệm Lôi cao tăng.

Việc này nếu chẳng phải là một chủ trương của Thiên Nhất Thượng Nhân, thì chắc chắn là một kế gian manh của Phi Long thiền sư. Như vậy, rất có thể cái chết của Ngân Tu Tẩu, có nhiều điều bí mật đáng ngờ.

Trong khi chàng còn tập trung đầu óc để nghĩ ngợi, thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa rất lạ. Tiếng gõ cửa ấy cứ hai tiếng nặng thì có một tiếng nhẹ, và đã gõ liên tiếp ba lượt.

Liền đó, lại nghe từ phòng bên cạnh có người hạ giọng hỏi rằng :

- Ai thế?

- Quét cả thiên hạ, gồm thâu bốn biển. Chấp sự số ba mươi chín dưới Ngân Bài lệnh, có việc cần xin ra mắt.

Gia Cát Ngọc vừa nghe hai tiếng Ngân Bài, thì trong lòng không khỏi ngạc nhiên thầm nghĩ :

- “Chả lẽ người này lại có tương quan với Huyết Hải Địa Khuyết hay sao?”

Trong khi đang suy nghĩ, thì chàng lại nghe có tiếng rảo bước vào, kế đó, lại nghe có tiếng cánh cửa kêu kèn kẹt, tựa hồ như người ở phía ngoài đã xô cửa bước vào phòng.

Chẳng mấy chốc sau, lại nghe có một giọng nói cung kính thưa rằng :

- Bức thư của cô nương, có lẽ đã được gởi đi khắp cả võ lâm rồi, vậy xin Lệnh chủ mau đến Lệ Thủy để hội họp, hầu trở về Huyết Hải Địa Khuyết.

Người nói chuyện ấy quả đúng là người có tương quan đến Huyết Hải Địa Khuyết. Xem ra, hai tiếng “cô nương” mà hắn vừa nói, chắc chắn là muốn chỉ cô gái áo trắng thần bí kia. Nhưng, tại sao mười hai cỗ xe ngựa của cô ta, từ Di Thế sơn trang xuất phác ra đi, mà cô ta lại bỗng nhiên hiện diện tại Lệ Thủy được?

Gia Cát Ngọc là một con người rất sáng trí, nên vừa thoáng nghĩ qua là chàng đã bừng hiểu ngay. Chắc chắn trong khi bọn người của cô gái áo trắng sang sông, thì cô ta đã mang những rương sắc kia đáp thuyền đi luôn, là cố ý bỏ mười hai cỗ xe trống ở lại, hầu đánh lạc hướng kẻ địch...

Ngay lúc ấy, có tiếng chân từ trong phòng bên cạnh bước ra khỏi cửa, chắc là người vừa mới vào nói chuyện xong thì lại lui ra.

Hai tiếng Lệnh chủ người ấy vừa nói là ai thế? Tại sao họ lại gởi giấy tờ chi đi khắp võ lâm làm gì?

Gia Cát Ngọc lại băn khoăn tự hỏi trước những nghi vấn khó hiểu, và hối hả thu dọn hành lý, bước ra khỏi phòng theo dõi số người ấy ngay.

Chàng từ trong khách sạn bước ra khỏi cửa, thì đã trông thấy một văn nhân trên dưới bốn mươi tuổi, đang đưa chân bước nghênh ngang đi về hướng đông.

Gia Cát Ngọc bám sát theo sau lưng người văn nhân ấy, nhưng vì không thấy mặt mũi của đối phương, nên chàng không rõ người văn nhân ấy thế nào. Nhưng, chàng vừa nhìn thấy người ấy mặc áo tía thì đã đoán ra được chức vụ của y trong Huyết Hải Địa Khuyết. Chắc chắn y là người không kém hơn Xuyên Tâm Bạch Cốt Trảo. Nhất là về võ công, thì tựa hồ người này còn cao cường hơn Xuyên Tâm Bạch Cốt Trảo nữa là khác.

Người tự xưng là đại vương trong Huyết Hải Địa Khuyết, chẳng rõ là một nhân vật như thế nào, mà lại có thể thu phục được rất nhiều tay cao cường trong giới giang hồ như thế?

Gia Cát Ngọc còn đang cảm thấy khó hiểu, thì bỗng nghe từ trên một gian tửu lầu ở phía trái, có một tiếng kêu rất quen thuộc, rồi lại thấy một bóng người lướt nhanh ra. Chàng đưa mắt nhìn lên thì thấy người ấy không ai khác hơn là Tích Hoa công tử, một nhân vật tỏ ra rất hào hiệp với chàng tại ngọn Trích Thúy phong vừa rồi. Y tươi cười nói với chàng rằng :

- Gia Cát huynh đi thực là nhanh, tiểu đệ đi cả ngày lẫn đêm, thế mà vẫn theo không kịp ông anh. Chẳng hay ông anh có đuổi theo kịp bọn hung thủ cướp mất pho Lục Ngọc Di Đà ấy không?

Gia Cát Ngọc trông thấy lời nói của y có vẻ lo lắng đến mình, nên trong lòng rất thiện cảm với y. Chàng nhớ lại trước đây mình có nhiều chỗ ngờ vực y, thực là không xứng đáng. Bởi thế, chàng bèn tươi cười đáp :

- Xin đa ta sự lo lắng của Đặng huynh, tiểu đệ...

Câu nói chưa dứt, thì bỗng nghe từ phía trên tửu lâu, có một giọng cười nhạt bay xuống, rồi thấy một bóng đen cũng từ trên cao phi thân xẹt thẳng tới.

Người ấy đã sử dụng thuật khinh công giữa thanh thiên bạnh nhựt, không hề tỏ ra kiêng dè chi cả, làm cho Gia Cát Ngọc không khỏi lấy làm lạ. Khi chàng đưa mắt nhìn lên, thì thấy người ấy lại là một lão đạo sĩ có ngoài sáu mươi tuổi. Lão ta sau khi đứng yên trên đất, thì sắc mặt bỗng trở thành lạnh lùng, quát to rằng :

- Có phải thằng bé ngươi, chính là Kim Cô Lâu mà giới giang hồ đã đồn đãi đây chăng?

Gia Cát Ngọc chưa kịp trả lời, thì Tích Hoa công tử đã cất giọng the thé, cười nhạt nói :

- Chủ nhân mới của Kim Cô Lâu, tức Thiên Nhai Du Tử Gia Cát Ngọc, gần đây đã làm khiếp sợ cả hai phe hắc bạch, chỉ cần vung chân múa tay, là cả giang hồ đều phải rung chuyển. Lão già vô dụng ông, sống đến ngần ấy tuổi rồi, mà gặp cao nhân lại không biết.

Gia Cát Ngọc vốn chẳng phải là người ham thích hư danh, nên vừa nghe lời tán tụng quá mức của Tích Hoa công tử, thì chẳng khỏi lấy làm khó chịu. Nhưng, người ta tỏ ra tha thiết với mình như vậy, vẫn không làm thế nào trách móc người ta được.

Thực ra, thì chàng nào có hay, Tích Hoa công tử đang có một lòng dạ sâu độc.

Lời nói của y nghe có vẻ tâng bốc, nhưng thật sự là muốn vạch trần lai lịch của Gia Cát Ngọc cho mọi người được biết.

Quả nhiên, vị đạo sĩ ấy nghe qua, liền cất tiếng cười khanh khách nói :

- Ta tưởng đâu ngươi đã trốn xuống âm ty rồi, nào ngờ đâu ngày hôm nay lại được gặp. Hừ, đúng vào ba khắc giờ Ngọ hôm nay, ngươi hãy đến Sơn Thần miếu ở phía Đông thị trấn này chờ ta xử trị, nếu ngươi dám cãi lời, thì ta sẽ cho người nếm cái mùi rắn rết rút gân cho biết.

Trước khi mở đại hội tại Di Thế sơn trang, Gia Cát Ngọc đã chặt đứt một cánh tay của một đạo sĩ hung ác tại Kim Yết Quan, do đó, giờ đây chính vị đạo sĩ này tìm gặp chàng để thanh toán mối thù ấy. Ông ta không ai khác hơn là Huỳnh Phong, chủ nhân ngôi chùa Kim Yết Quan.

Trong giới giang hồ, Kim Yết Quan cũng khá có tiếng tăm. Nhưng, vì Gia Cát Ngọc mới xuống núi chẳng bao lâu, nên dù nghe lão đạo sĩ ấy hăm sẽ cho rắn rết rút gân, nhưng vẫn chưa biết được lão đạo sĩ đó là người thuộc môn phái nào. Do đó, dù trong lòng lửa giận đang cháy bừng bừng, nhưng ngoài mặt chàng vẫn ung dung nói :

- Nếu có thể nếm được mùi vị rắn rết rút gân, thì đấy quả là một chuyện vui trong đời sống. Gia Cát Ngọc tôi rất sẵn lòng chịu như vậy, nhưng xin đạo trưởng hãy nói rõ đại danh cho biết đã.

Tích Hoa công tử có ý muốn ly gián giữa đôi bên, nên không chờ Hoàng Phong đạo nhân kịp trả lời, y đã cất tiếng to cười ha hả nói :

- Kim Yết Quan Chủ, cũng tức là Hoàng Phong chân nhân này, nghe đâu trước kia ở tại Lãnh Nguyệt Bình, huynh không nghe nói đến hay sao?

Gia Cát Ngọc nghe qua lời nói ấy thì đôi mày lưỡi kiếm không khỏi nhướng cao, sắc mặt hầm hầm giận dữ, nói :

- Hoàng Phong, lời nói ấy có đúng hay không?

Đôi mắt của Hoàng Phong chân nhân, vừa chạm thẳng vào tia mắt của Gia Cát Ngọc, thì không khỏi ớn lạnh cả tâm can. Nhưng dù sao lão ta vẫn là một nhân vật lừng danh trong giới giang hồ, nên sau phút kinh hoàng, liền lấy lại sự bình tĩnh, cất tiếng cười ngạo nghễ nói :

- Ha ha. Con chó nhỏ kia, ngươi nghe thế là đã sợ rồi hay sao?

Câu nói ấy, thật chẳng khác nào đã mặc nhiên thừa nhận lời tố cáo của Tích Hoa công tử. Bởi thế, Gia Cát Ngọc liền quên hẳn đi Ngân Bài lệnh chủ mà chàng đang bám sát để theo dõi, xê dịch ngay thân người, giương thẳng năm ngón tay ra, nhanh như chớp nhắm chụp thẳng vào vai của Hoàng Phong chân nhân.

Hoàng Phong chân nhân hoàn toàn không ngờ đến việc chàng lại ra tay tấn công nhanh nhẹn đến như thế, nên không khỏi kinh hoàng, rùn thấp đôi vai để tránh, rồi vung chưởng quét ngang qua đỡ vào thế công của đối phương.

Gia Cát Ngọc cất tiếng cười nhạt, rồi bàn tay chưa kịp xoay lại, là năm ngón tay chẳng khác nào những con rắn độc, lanh lẹ quay ngược trở về, điểm thẳng vào mạch môn huyệt của Hoàng Phong chân nhân.

Từ thế đánh ra cho đến sự diễn biến, quả đã kỳ diệu không thể tưởng tượng, khiến ai trông thấy cũng phải vỗ tay tán thưởng.

Nhưng, Tích Hoa công tử vừa nhìn thấy vậy, thì trong lòng không khỏi kinh hãi. Riêng Hoàng Phong chân nhân, càng kinh sợ toát mồ hôi lạnh khắp cả người, vội vàng thu chưởng nhảy lui, nhưng đã cảm thấy luồng chỉ phong quét trúng vào da, khiến cả cánh tay tê buốt, ngứa ngáy rất khó chịu vô cùng.

Sắc mặt của Gia Cát Ngọc lạnh như băng giá, chẫm rãi bước tới ba bước, trong khi hai chưởng đang từ từ đưa lên cao...

Thái độ kiêu ngạo trước đây của Hoàng Phong chân nhân, giờ thì đã mất đi tất cả. Lão ta vừa khiếp sợ vừa giận dữ, chưởng trái đưa ra che ngực, tay phải đưa xéo lên, trông có vẻ kiêng dè như đứng trước kẻ đại địch vậy.

Xem ra, chỉ cần đánh nhau thêm một thế võ nữa, là sẽ định đoạt được ngay ai thắng ai bại...

Tích Hoa công tử bỗng cau đôi mày, rồi nhảy nhẹ nhàng đến đứng ngay chính giữa hai người, sắc mặt nghiêm trang nói :

- Xin Gia Cát huynh hãy chậm tay đã.

Gia Cát Ngọc lộ sắc ngạc nhiên nói :

- Đặng huynh...?

Tích Hoa công tử khẽ cười rồi ngắt lời rằng :

- Giết lẻ tẻ làm gì cho số khác phải kinh sợ đề phòng, chi bằng đợi có dịp sẽ túm nguyên cả ổ thì hơn.

Thực ra, thì Tích Hoa công tử đoán biết Hoàng Phong chân nhân đánh tay đôi với Gia Cát Ngọc, thì chắc chắn không làm sao thủ thắng được. Chính vì vậy, nên y mới dùng lời lẽ khôn ngoan ấy để cứu nguy cho Hoàng Phong chân nhân.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của Gia Cát Ngọc, một con người đang truy tìm kẻ thù của sư môn, thì nghe lời nói ấy là hữu lý, mà lại còn sáng suốt nữa. Bởi thế, sau khi nghe qua, chàng liền thu chưởng trở về, rồi cất tiếng cười nhạt, nói :

- Ta nể tình Đặng huynh, tha cho ngươi được sống thêm nửa ngày nữa, vậy ngươi có thể đi kêu đồng bọn đến đây tiếp tay. Vào giờ Ngọ hôm nay, ta sẽ đến Sơn Thần miếu tại phía Đông thị trấn này, để gặp mặt ngươi.

Nói đoạn, chàng liền quay qua Tích Hoa công tử cười nói :

- Tiểu đệ được Đặng huy tương trợ cho bao lần, thực lấy làm cảm kích, nhưng hiềm vì nhiều việc đang bận rộn, không rảnh để hầu chuyện với Đặng huynh. Vậy, nếu Đặng huynh có hứng, thì giờ Ngọ trưa nay đến Sơn Thần miếu gặp mặt nhau được không?

Tích Hoa công tử mỉm cười gian manh nói :

- Gia Cát huynh nếu không chê tôi là người kém tài, mà bằng lòng ngó xuống như vậy, thì tiểu đệ xin tuân lệnh dạy.

Nói dứt lời, hai người chia tay nhau cùng đi. Gia Cát Ngọc liền hối hả nhắm phía ngoại ô đi rút tới. Nào ngờ đâu xảy ra câu chuyện vừa rồi, nên người văn nhân đứng tuổi khi nãy đã bỏ đi mất biệt. Chàng đoán biết dù mình có đuổi theo đi nữa cũng chẳng kịp, và đang định sẽ...

Thốt nhiên, ngay lúc ấy chàng trông thấy về phía rừng núi xa, có một bóng đen bay thoắt ngang. Tuy khoảng cách rất xa, nhưng chàng vẫn có thể nhận ra bóng người ấy rất quen thuộc, trông rất giống Phi Long thiền sư.

Lúc bấy giờ, chàng đã biết vị tăng nhân phái Thiếu Lâm ấy có nhiều hành động rất khả nghi, nên liền nhanh nhẹn chạy rút tới để truy đuổi theo.

Tại vùng núi đồi ấy rừng cây rất dày đặc, bóng mát âm u, mùi hoa rừng không ngớt thoảng qua mũi, gió mát cũng không ngớt thổi nhẹ nhàng. Tại nơi đây dầy hoa dại lá rừng ấy, chàng trông thấy thấp thoáng có một bức tường đổ nát.

Khi Gia Cát Ngọc đến nơi, thì mới biết đây chính là Sơn Thần miếu, một địa điểm mà Hoàng Phong chân nhân đã hẹn với chàng đến đó để giao tranh.

Ngôi miếu ấy đã hoang tàn, chung quanh vắng vẻ không một bóng người, vậy chắc chắn Phi Long thiền sư, cũng dừng chân lại nơi đây chứ chẳng còn đâu nữa.

Chàng đang có ý định tiến thẳng vào ngôi miếu để xem xét qua, thì bỗng nghe từ trong ngôi miếu đổ nát ấy có một tiếng nạt khẽ rằng :

- Tại sao ngươi vô dụng như thế? Đã gặp được tên lão tặc ấy, vậy sao không bắt sống hắn đem về?

Giọng nói đó vừa ngay vừa vang rền, hoàn toàn không giống giọng nói của Phi Long thiền sư. Qua một lúc sau, thì nghe có một giọng nói khác đáp rằng :

- Khải bẩm Lệnh chủ, tên lão tặc ấy thần trí vẫn còn sáng suốt, vậy thuộc hạ nào phải là đối địch nổi với hắn ta?

- Quái lạ thực. Tên lão tặc ấy, đã nhiễm chất độc “Thất Tinh Ảo Hồn Sa” của cô nương, thế mà thần trí làm thế nào khôi phục sự sáng suốt cho được? Chả lẻ chỉ dựa vào Xích Diễm Tàn Chưởng của hắn ấy, lại có thể...

Gia Cát Ngọc vừa nghe mấy tiếng “Thất Tinh Ảo Hồn Sa”, thì không khỏi giật nẩy mình, kịp khi chàng nghe thêm mấy tiếng Xích Diễm Tàn Chưởng nữa, thì không làm sao dằn được sự xúc động. Bởi thế, chàng vung hai cánh tay lên, phi thân lướt thẳng vào trong ngôi miếu.

Miếu Sơn Thần vốn đã rất nhỏ, lại thêm đã nhiều năm không tu sửa, vách đổ cửa xiêu, nên vừa lọt vào khỏi bức tường, thì chàng đã nhìn rõ được bên trong không còn sót một chỗ nào. Chàng thấy tại hành lang đang có một người ngồi, và người ấy không ai khác hơn là người văn nhân đứng tuổi mà chàng theo dõi vừa rồi. Trước mặt của người văn nhân ấy, đang đứng một gã đàn ông mặc áo đen thân hình gầy bé.

Người văn nhân ấy mặt trắng không râu, dáng điệu hết sức lạnh lùng. Tuy người ấy đã nhìn thấy Gia Cát Ngọc phi thân lướt vào, nhưng vẫn bình tĩnh nói chuyện với người áo đen rằng :

- Ngươi hãy truyền lịnh cho Ngân Bài Tam Hiệu và Cửu Hiệu trong vòng bảy hôm, phải bắt cho được Xích Diễm Thần Chưởng mang về nạp.

Người áo đen khẽ cất tiếng vâng lịnh, rồi quay người lui đi.

Gia Cát Ngọc nào chịu để cho hắn rút lui như thế, thân hình chàng chỉ di động nhẹ nhàng, là đã tràn đến trước mặt người ấy rồi. Người ấy lộ sắc giận dữ, gằn giọng quát to rằng :

- Ngươi cản đường cụ đây để làm chi thế?

- Ngươi đã gặp Xích Diễm Tàn Chưởng ở đâu?

- Cụ đây không buồn nói chuyện với một con người sắp chết như ngươi.

Gia Cát Ngọc giận dữ quát to, nói :

- Bọn tặc tử ngu xuẩn, thực là vô lễ.

Nói đoạn, chàng vung tay ra nhắm điểm thẳng vào xương bả vai của đối phương.

Người ấy không hề nghĩ đến, một con người có vẻ mảnh khảnh yếu đuối như thế này, mà lại đánh ra nhanh nhẹn và mãnh liệt đến như thế. Do đó, hắn kêu lên một tiếng kinh hãi, rồi thối lui ra sau liên tiếp ba bước, sắc mặt đầy vẻ khiếp sợ.

Gia Cát Ngọc nào phải muốn đánh nhau với hắn, nên trong khi hai chưởng của chàng vừa chụp được lên bả vai của người ấy, thì bỗng thâu thế võ trở về, giận dữ quát rằng :

- Nếu ngươi không chịu nói, thì chớ mong chi được sống còn rời khỏi nơi đây nữa.

Gã đàn ông đó đưa mắt nhìn về phía người văn nhân mặc áo tía, sắc mặt tái nhợt, trán rướm mồ hôi, tựa như có vẻ e sợ không dám nói thẳng sự thật. Nhưng, khổ nỗi là nếu không nói, thì lại sợ Gia Cát Ngọc xuống tay giết chết đi.

Tâm trạng ấy của hắn lẽ cố nhiên là Gia Cát Ngọc đã nhận ra được, chàng đang định sẽ...

Bỗng, ngay lúc ấy người áo tía cất tiếng cười nhạt nói :

- Các hạ có gan, tại sao không đến đây hỏi tôi?

Thái độ của người áo tía rất kiêu ngạo, giọng nói hết sức lớn lối, xem dưới mắt chẳng hề có ai, vậy thử hỏi Gia Cát Ngọc làm sao chịu được.

Bởi thế, sau khi nghe qua câu nói thì chàng liền nghiêng mặt nhìn về phía người ấy cất tiếng cười nhạt, nói rằng :

- Việc mà ta hỏi ông còn rất nhiều, vậy ông sốt ruột làm gì?

Người văn nhân áo tía tựa hồ lúc bình nhật đã quen tính khoét nạt, nên vừa nghe qua câu nói của Gia Cát Ngọc, thì có vẻ giận dữ, ngửa mặt lên trời cười dài, nói :

- Cái đồ ngang tàn như thế, thực là lần thứ nhất ta mới được gặp. Nầy đại hiệp khách, hãy xưng rõ danh tánh ra cho ta nghe thử để ta xem ngươi là tên nghiệt đồ của con quỷ già nào đã đào tạo ra như thế?

Nghe qua câu nói ấy, Gia Cát Ngọc không còn làm sao đè nén cơn tức giận được nữa, sắc mặt liền thay đổi ngay, cất giọng lạnh lùng nói :

- Ta là chủ nhân mới của dấu hiệu Kim Cô Lâu, cũng tức Thiên Nhai Du Tử, Gia Cát Ngọc đây.

Chàng đã gằn từng tiếng một trong câu nói ấy, giọng lại lạnh lùng như giá băng, vang rền rung chuyển cả mái ngói, cát bụi từ trên nóc nhà tuôn đổ xuống nghe lào xào.

Người văn nhân áo tía ấy không còn giữ được sự bình tĩnh nữa. Y đứng phắt dậy, kinh ngạc hỏi :

- Kim Cô Lâu? Trong giới giang hồ đồn đãi về vị chủ nhân mới của Kim Cô Lâu chính là ngươi đây?

- Đúng thế. Chính là tại hạ.

Người văn nhân áo tía lộ vẻ kinh ngạc một lúc lâu rồi bỗng phá lên cười dài, nói :

- Ha ha. Bát Chỉ Phi Ma tức Càn Khôn Tôn Bá trước đây ta may mắn được gặp một lần, từ đó về sau không lúc nào là không nhớ canh cánh bên lòng. Hôm nay, ta may mắn gặp được ngươi, thực là một dịp tốt để tìm hiểu xem Thiên Ma chỉ, một võ công tuyệt nghệ bấy lâu vang lừng trong võ lâm nó tuyệt đến đâu cho biết?

Liền đó, chiếc áo tía của y bắt đầu rung động, và nhanh nhẹn tràn liên tiếp tới mấy bước, hất hai chưởng lên, thủ thế sẵn sàng tấn công.

Gia Cát Ngọc đưa chân bước ngang, mặt đầy vẻ khinh bạc, hai cánh tay cũng từ từ đưa lên, mười ngón tay giương ra và không ngớt ngo ngoe trước chiều gió lộng, thái độ ngang tàn ai nhìn đến cũng phải kiêng dè, nào có xem đối phương ra chi?

Người văn nhân áo tía trông thấy thế hết sức tức giận, đang định tràn đến tấn công trước, thì bỗng có một tiếng thét dài vọng đến rồi thấy từ ngoài miếu có một ngọn lửa xanh biếc lóe lên, xông thẳng tận mây cao thẳm...

Y trông thấy thế thì sắc mặt liền biến hẳn, buông thõng hai tay, cất giọng lạnh lùng hừ một tiếng rồi nói :

- Bản chức vì đang bận việc gấp, vậy tạm tha chết cho ngươi ngày hôm nay, nếu ngươi không biết sớm ăn năn hối ngộ, thì mặc dù chốn giang hồ bao la, nhưng ngươi sẽ không có đất vung thân đó.

Tức thì, sau tiếng gió rít, một cái bóng màu tía đã bay vút lên nền trời cao, chẳng khác nào một con diều hâu khổng lồ, nhắm bên ngoài ngôi miếu lướt thẳng đi.

Gia Cát Ngọc cất tiếng cười nhạt, khẽ lắc đôi vai, đang định ra tay ngăn lại...

Thì thốt nhiên, bên ngoài ngôi miếu có tiếng hừ như cuồng dại vọng đến rằng :

- Khá khen cho thằng ranh kia. Muốn bỏ đi sao không đi cho sớm, giờ thì còn kịp nữa hay sao?

Nghe qua câu nói đó, chàng bèn dừng chân đứng lại, rồi quay mặt nhìn về phía ấy. Thì ra, ngay trước cửa miếu đã có hai người đứng sững tóc búi cao, mình mặc áo đạo sĩ, đúng là Hoàng Phong chân nhân. Nhưng lúc bấy giờ trong tay ông ta có thêm ngọn “Yết Dị Toản”.

Phía bên trái của lão ta, chính là tên ác ma đầu xỏ ở vùng Lĩnh Nam, mà chàng có gặp ở tại Di Thế sơn trang vừa rồi, tức Hắc Y Diêm La Lãnh Ngạc Thu.

Gia Cát Ngọc biết võ công của Hoàng Phong chân nhân không kém sút hơn Hắc Y Diêm La. Sở dĩ vừa rồi trong cuộc xô xát ở thị trấn, chàng có thể chiếm được phần ưu thế, là chính nhờ chàng xuất kỳ bất ý tấn công kẻ địch. Giờ đây, nếu hai người hợp sức đánh nhau với chàng, thì chắc chắn trong vòng một trăm hiệp, chàng không thể thủ thắng được.

Quả nhiên, Hắc Y Diêm La tựa hồ như có một sự ỷ lại nào, cất tiếng cười khanh khách đầy ngạo nghễ, nói :

- Con chó nhỏ kia. Mối hận tại Di Thế sơn trang, hôm nay ta phải đòi lại đây.

Đôi mắt lão ta chiếu ngời ánh sáng hung tợn, mặt tràn đầy sắc căm thù, vung tay ra sau lưng tuốt xuống một ngọn kim câu dài độ ba thước, nhanh nhẹn vung lên rít gió nghe vèo vèo.

Gia Cát Ngọc chưa kịp nói chi, thì ở bên ngoài lại bất thần có một bóng người phi thân lướt vào. Người ấy không ai khác hơn Tích Hoa công tử.

Khi hắn ta đứng yên trên đất, thì đưa mắt nhìn qua chung quanh, trông thấy Hoàng Phong chân nhân đã dẫn người tiếp tay đến, nhưng lại là một lão già xem chẳng ra chi cả, nên trong lòng lấy làm thất vọng. Tuy nhiên, bản tánh của hắn ta vốn gian manh quen thói, liền xem gió trở cờ, đôi mắt xoay qua một lượt, giả vờ tươi cười nói :

- Gia Cát huynh hãy cứ lo thanh toán lão đạo sĩ vô dụng ấy, còn lão già quèn này thì để tôi đối phó được rồi.

Tiếng nói vừa dứt, thì hắn ta đã vung chưởng đánh ra, phần trên nhắm công vào lòng ngực, và phần dưới đánh vào đơn điền của đối phương. Thế võ của hắn ta trong hư có thực, rất là nguy hiểm, đồng thời lại dùng đến bảy phần mười chân lực.

Hắc Y Diêm La gầm to một tiếng như cuồng dại, nói :

- Con chó nhỏ không có mắt kia. Ba tiếng Lãnh Ngạc Thu rung chuyển cả Ngũ Dương Thần, không ngờ chỉ mấy năm vắng bóng ở vùng Trung Nguyên, thì trong giới giang hồ lại xuất hiện một thằng bé ngông nghênh xấc láo như ngươi.

Cùng một lúc với tiếng quát tháo ấy, lão ta đã nhanh nhẹn tràn tới ba bước, thu ngọn kim câu mà chỉ dùng chưởng quét ra một luồng kình phong ác liệt.

Tích Hoa công tử vừa nghe qua ba tiếng Lãnh Ngạc Thu, thì giật nẩy mình, vội vàng vận dụng chân khí trong đơn điền, sử toàn lực vào thế võ đánh ra.

Trong lớp cao thủ trẻ tuổi, Tích Hoa công tử chính là một nhân vật không phải tầm thường, nhưng nếu đem so với Hắc Y Diêm La, thì thực còn kém sút quá xa.

Bởi thế, sau một tiếng nỗ ầm thực to, hắn ta đã cảm thấy đôi cánh tay tê buốt và mỏi rụng đôi chân lảo đảo, đồng thời bị hất bắn ra sau ngoài tám thước.

Gia Cát Ngọc trông thấy thế liền tràn ngay tới, cất tiếng to nói :

- Đặng huynh hãy lui ra, kẻ sát nhơn thì phải đền mạng, kẻ vay nợ thì phải trả tiền, vậy cả hai mối nợ cũ và mới nơi ông ta, xin nhường cho tiểu đệ thanh toán được rồi.

Câu nói ấy thực đúng nay sự mong mỏi của Tích Hoa công tử, nên hắn ta khẽ xê dịch thân mình, rồi tiếp tục lui ra sau tám thước nữa.

Hoàng Phong chân nhân gầm lên như một tiếng sói tru, nói :

- Thằng ranh kia. Ngày hôm nay vào năm tới, chính là ngay giỗ của ngươi đó.

Vậy, ngươi hãy mau rút binh khí ra đi nào.

Gia Cát Ngọc vừa mới được thanh đoản đao, “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỉ” nên đang muốn có một dịp để thử xem nó sắc bén đến mức nào, nên liền siết chặt trong tay rồi vung lên. Tức thì, sau một tiếng “rẻng” ngân dài trong không gian ánh thép chiếu ngời, thực là một món binh khí hiếm có trên đời, bề ngang rộng không hơn một tấc, nhưng trông sắc bén vô song.

Liền đó, chàng điềm nhiên vung lưỡi đoản đao lên một lần nữa tức thì kình khí cuốn tới như thủy triều đang dâng, ánh thép chói lòa khắp chốn, trong phạm vi mười bước, gió lạnh tung bay tà áo của mọi người, buốt cả da thịt.

Hắc Y Diêm La và Hoàng Phong chân nhân đều lộ sắc kinh ngạc, ngơ ngác nhìn nhau.

Tích Hoa công tử đôi mắt chiếu ngời những tia sáng tham lam, lửa đố kỵ cũng cháy phừng phừng trong lòng, cơ hồ không thể đè nén được.

Gia Cát Ngọc đưa mắt quét qua khắp bốn bên, rồi gằn giọng nói :

- Hắc Y Diêm La Lãnh Ngạc Thu. Ông là người tánh tình hung ác, đáng lý ra ông phải chịu sư trừng phạt nặng nê, nhưng ta nghĩ tình trước đây ông đã bị trừng phạt một lần tại Di Thế sơn trang, nên chỉ cần hôm nay ông hãy hủy đi món binh khí của mình, và không được phép trở lại vùng Trung Nguyên nữa, thì ta sẽ sẵn sàng tha chết cho.

Giọng nói của chàng lạnh lùng như băng giá, sắc mặt nghiêm nghị phi thường, thực xem lão ma đầu khét tiếng một thời kia như chẳng thắm vào đâu cả.

Hắc Y Diêm La ngửa mặt lên trời, cất tiếng cười giận dữ, vang rền như sấm động, rồi nghiến chặt đôi hàm răng, quát rằng :

- Thằng bé miệng còn hôi sữa. Người mà có tài ba bao nhiêu, lại dám lớn lối như vậy? Chiếc kim câu ba thước này của lão phu chả lẻ ngươi cho là nó không bén hay sao?

Tiếng “sao” vừa dứt, thì đã nghe gió rít vèo vèo, đồng thời, bảy đóa hoa vàng chói, liền từ trên cao chụp xuống đầu chàng.

Tích Hoa công tử trông thấy lão ma vung kim câu đánh ra hết sức ác liệt, quả là người có chân tài thực học, nên trong lòng không khỏi thầm khoái trá.

Nào ngờ đâu, Gia Cát Ngọc bỗng “Hừ” lên một tiếng lạnh lùng, rồi vung tay một lượt, tức thì, một vầng ánh sáng màu lục liền cuốn tới, chẳng khác chi một đàn ong vỡ tổ, nhắm ngay bảy đóa hoa vàng bay ập tới.

Ngọn kim câu và lưỡi đoản đao vừa va chạm vào nhau, tức thì, những đóa hoa vàng liền rơi rụng lả tả, trong khi đàn ong màu lục túa ra khắp nơi...

Hắc Y Diêm La hối hả thối lui năm bước, sắc mặt đầy vẻ kinh hãi. Và, ngọn kim câu trong tay lão ta, đã bị chặt đứt đi tám tấc rồi.

Gia Cát Ngọc vẫn điềm nhiên như không trông thấy, xoay nhanh người lại, đưa chân chẫm rãi bước thẳng về hướng Hoàng Phong chân nhân, gằn giọng nói :

- Cuộc đánh nhau ở tại Lãnh Nguyệt Bình, ông đã là người có nhúng tay, vậy tại sao không lo tự xử, còn đứng đó chờ đợi chi nữa?

Hoàng Phong chân nhân vừa kinh hãi, vừa tức giận, giương cổ gầm lên một tiếng to, rồi vung chưởng trái đánh ra liên tiếp ba chưởng, trong khi ngọn “Yết Dị Toản” cũng nhanh như chớp công thẳng tới, nhắm ngay vào năm đại huyệt trước ngực của Gia Cát Ngọc bay đến vèo vèo.

Lão ta đã sợ hãi vì thấy Hắc Y Diêm La đã bị đối phương chế ngự, nên khi vung tay đánh ra, thì sử dụng một lúc cả chưởng lẫn vũ khí, đồng thời, cũng sử dụng ngay đường võ tuyệt học của mình.

Gia Cát Ngọc cất tiếng “hứ” khẽ, rồi lách mình bước ngang, rùn thấp đôi vai, đưa cao chưởng trái xô nhẹ ra phía trước...

Thân hình chàng thực vô cùng nhanh nhẹn, đôi chân hết sức vững vàng, thế xô ra của chàng có một sức mạnh thổi bay cả núi đồi, cuồng phong cuốn tới ồ ạt, khiến đôi vai của Hoàng Phong chân nhân không ngớt chao động, đôi chân không ngớt lảo đảo.

Lão đạo sĩ này là tay đối phó nhiều với kẻ kình địch, kinh nghiệm dồi dào, nên tuy sợ hãi, nhưng trong lòng không hề rối loạn. Lão ta nhanh nhẹn rùn đôi chân xuống đứng vững lại, rồi cố sức giữ cho ngọn “Yết Dị Toản” được vững vàng, điều khiển nó nhắm ngay bàn tọa của đối phương quét tới.

Nhưng, Gia Cát Ngọc hết sức lanh trí, sự thay đổi thế võ ấy của đối phương, đã được chàng xem thấy ngay từ lúc đầu, nên lưỡi đoản đao của chàng cũng liên tiếp lướt nhẹ theo, nhắm chặt thẳng vào năm ngón tay của lão đạo sĩ...

Chớ nói chi là năm ngón tay bằng xương thịt, mà dù cho đó là những ngón tay bằng sắt thép đi nữa, e cũng chẳng làm sao chống đỡ cho nổi lưỡi đoản đao sắc bén của Gia Cát Ngọc.

Bởi thế, xem ra chỉ trong nháy mắt đây, là lưỡi đao sẽ lướt qua và những ngón tay của Hoàng Phong chân nhân sẽ rơi rụng. Do đó, lão ta hết sức kinh hoàng, cơ hồ như hồn đã lìa khỏi xác.

Nào ngờ đâu, trong giờ phút hiểm nguy như chỉ mành treo chuông ấy thì Gia Cát Ngọc bỗng nghe từ phía sau lưng mình có tiếng gió gào sóng động cuốn tới.

Đấy rõ ràng là một luồng kình lực vô cùng mãnh liệt, cuốn tới nhanh như gió hốt, nhắm ngay các huyệt đạo “Linh Khiếu” và “Dương Kiều” của chàng công tới.

Tuy chàng chưa quay mình trở lại, nhưng đã biết tài nghệ của người ấy còn cao cường hơn cả Hắc Y Diêm La, nên không khỏi giật nẩy mình, không còn để ý đến việc tấn công Hoàng Phong chân nhân nữa, mà trái lại, đã nhanh nhẹn xoay nửa thân mình, rồi vung chưởng phản công trả lại luồng kình lực ấy.

Sau khi hai luồng kình lực va chạm thẳng vào nhau, liền gây thành một tiếng sấm nổ rung động cả vùng, cát bụi tung bay mù mịt, đá vụn bắn đi khắp nơi.

Gia Cát Ngọc vì phải đối phó quá bất ngờ, nên bị luồng kình lực ấy hất bắn ra sau ba bước.

Giữa cát bụi mịt mù, Gia Cát Ngọc nhìn thấy đối phương cũng tựa hồ chẳng giành được ưu thế gì qua thế đánh lén ấy. Nhưng thân hình của đối phương sau khi bị đẩy lui, thì liền đứng vững trở lại, rồi thừa cơ hội cát bụi chưa tan, lao mình tới một lần thứ hai nữa.

Gia Cát Ngọc chỉ thấy một cái bóng đen chập chờn, vung tay đánh hết sức nhanh nhẹn, khiến đoản đao “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” rít gió nghe vèo vèo, nhắm ngay đốm sánh xanh kia chém thẳng xuống.

Qua một tiếng “loảng xoảng” tức thì đốm sáng xanh kia bị chém vỡ ra làm đôi, và bóng người nọ đã nhanh như chớp, lao vút tới như một cây cầu bắt ngang sông, nhắm hai đốm xanh đang từ trên rơi rụng xuống đất, giương tay ra chụp lấy...

Cát bụi đã tan, nên Gia Cát Ngọc cũng trông thấy được người ấy là ai. Thì ra, đây chính là Phi Long thiền sư, một tăng nhân mà hành tung rất đáng ngờ vực.

Bởi thế, trong lòng chàng không khỏi thoáng hiện một ý nghĩ, nên nhanh như chớp công thẳng ra liên tiếp ba chưởng.

Phi Long thiền sư cảm thấy kình phong cuốn tới tung bay tà áo, đoán biết đối phương tài nghệ vô cùng cao tuyệt, nếu chẳng sớm lách tránh, thì e nguy hại đến tính mạng ngay. Bởi thế, ông ta liền vận dụng chân khí trong người, ngã ngửa nửa thân trên ra sau, đồng thời, nhanh nhẹn lách ngang ba bước.

Lúc bấy giờ, mọi người hiện diện đã được trông thấy rõ, hai đốm sáng màu xanh kia, chính là pho Lục Ngọc Di Đà mà bấy lâu võ lâm truyền tụng. Nhưng, giờ đây nó được chém bứt ra làm đôi, rớt xuống cách xa nhau ba thước, ngay trước mặt của Gia Cát Ngọc và Phi Long thiền sư.

Hoàng Phong chân nhân và Hắc Y Diêm La liền chiếu ngời tia mắt sáng quắc đầy vẽ tham lam, thèm muốn. Nhưng, hiềm vì kẻ đại địch còn ở ngay trước mặt, nên không dám thò tay cướp lấy.

Tích Hoa công tử tuy là kẻ có tài nghệ kém cỏi nhất so với mọi người chung quanh, nhưng, đôi lòng mắt của hắn ta cũng không ngớt xoay chuyển, thầm nghĩ bao nhiêu mưu kế, hầu chờ đợi thời cơ ra tay cướp đoạt.

Sự im lặng kéo dài một lúc khá lâu, thì Gia Cát Ngọc đưa mắt nhìn thẳng vào Phi Long thiền sư, cất tiếng cười lạnh lùng nói :

- Kẻ đã đánh lén tại hạ tại Kinh Thần tự hồi đêm vừa rồi chắc là đại sư chớ ai nữa?

Chàng cũng biết lời nói có tánh cách phán đoán ấy, không khi nào Phi Long thiền sư lại bằng lòng nhìn nhận, lão điềm nhiên cất tiếng cười ha hả, nói :

- Đấy chính là một tấm lòng vị tha của bần tăng, mong tiểu thí chủ chớ nên hiểu lầm.

Đôi mày lưỡi kiếm của Gia Cát Ngọc liền nhướng cao lên, mặt giận hầm, cất giọng “Hừ” lạnh lùng đầy khinh bạc nói :

- Tại hạ là người hiểu biết kém cỏi, vậy sẵn sàng nghe ý kiến cao siêu của ông giãi bày.

- Thạch Cổ đại sư ở Kinh Thần tự, tuy là người lớn tuổi đứng vào hàng ngũ bá, võ công rung chuyển cả hoàn vũ, nhưng vì thất tình chưa đoạn, lục giới chưa dứt, nên mười năm về trước đã rơi vào lưới tình, nên gây ra chẳng biết bao nhiêu là sóng gió trong giới giang hồ. Nếu tiểu thí chủ có thể chặt đứt hết ba sợi tơ thiên tằm, thì có nghĩa là ái tình của lão ta đã phá vỡ được, về sát giới cũng hoàn toàn được cởi mở, thử hỏi chẳng phải hóa ra làm cho giới giang hồ bấy lâu nay được yên ổn, giờ đây lại nổi phong ba nữa hay sao?

Gia Cát Ngọc đối với mọi hành động qua của Thạch Cổ hòa thượng, đang có nhiều chỗ băn khoăn khó hiểu, nên sau khi nghe lời nói ấy, thì trong lòng bán tính bán nghi, định hỏi cho tường tận, thì bất thần nghe tiếng sấm động ầm ầm, rồi kình phong lại cuốn tới...

Thì ra, Phi Long thiền sư đã thừa lúc chàng đang trầm ngâm nghĩ ngợi, lại bất thần xô ra một chưởng.

Gia Cát Ngọc nhanh nhẹn vung chưởng đỡ thẳng ra, nhưng đã chậm hơn đối phương một bước, thân hình liền bị lảo đảo và bị đẩy lui ra sau liên tiếp bảy thước.

Phi Long thiền sư cất tiếng cười ha hả, rồi nhắm ngay hai đốm xanh đang nằm yên trên đất lao vút tới.

Gia Cát Ngọc biết mình đã mắc lừa, nên dù có muốn tranh đoạt hay ngăn chận đối phương cũng không còn kịp nữa. Pho Lục Ngọc Di Đà kia, xem ra chỉ trong chớp mắt là lại trở về tay của Phi Long thiền sư...

Bỗng nhiên, ngay lúc ấy một ý nghĩ liền lóe lên trong óc chàng. Chàng nhanh nhẹn vận dụng “Cửu Cửu huyền công”, dồn ra hai ngón tay trỏ và giữa, bất thần nhắm thẳng vào hai mảnh Lục Ngọc Di Đà nằm cách xa đấy tám bước quét nhanh tới.

Tức thì, tiếng gió rít nghe vèo vèo, khiến hai mảnh Lục Ngọc Di Đà bay bổng và lướt thẳng về phía Tích Hoa công tử.

Một cơ hội hiếm có, thử hỏi đâu lại khoanh tay đứng nhìn? Bởi thế, Tích Hoa công tử liền thò nhanh đôi chưởng ra...

Nhưng, bỗng một tiếng quát to như sấm nổi lên, rồi tiếp đó Hắc Y Diêm La và Hoàng Phong chân nhân mỗi người nhanh như chớp đánh ra một chưởng.

Tích Hoa công tử buột miệng kêu lên một tiếng “ối chao”, và bị hất bắn ra sau tám thước, rơi đánh phịch trên đất, không còn dậy được nữa.

Hoàng Phong chân nhân phá lên cười ngạo nghễ, rồi di động thân mình nhắm ngoài cửa miếu lao vút đi.

Phi Long thiền sư, Hắc Y Diêm La và Gia Cát Ngọc đồng loạt phi thân đuổi theo, chẳng hề buông tha lão ta.

Tài nghệ của Hoàng Phong chân nhân, chỉ suýt soát với Hắc Y Diêm La mà thôi. Nếu đem so với Phi Long thiền sư, thì hãy còn kém hơn một bậc, trái lại, nếu đem so với Gia Cát Ngọc, thì thực còn thua sút hơn nhiều.

Bởi thế, tuy lão ta nhanh nhẹn bỏ chạy trước, nhưng thử hỏi làm thế nào có thể chạy thoát được thân pháp “Vân Long Cửu Chuyển” có một không hai trên đời này được?

Do đó, lão ta chạy chưa được mười trượng, thì Gia Cát Ngọc đã từ trên cao sa xuống như ngọn Thái Sơn sụp đổ rồi.

Lục Ngọc Di Đà tuy là món bảo vật vô giá của võ lâm, nhưng nếu đem nó so sánh với tính mạng của mình, thì thật khác nhau một trời một vực. Do đó, Hoàng Phong chân nhân, một kẻ đã từng biết qua sức lợi hại của Gia Cát Ngọc, nên hết sức kinh hoàng, vung nhanh cánh tay lên, ném thẳng pho Lục Ngọc Di Đà bay ra xa như điện chớp.

Gia Cát Ngọc nhanh nhẹn sà thân người xuống, tức thì đã chụp được nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà vào lòng bàn tay.

Hắc Y Diêm La và Phi Long thiền sư thấy mình đã chậm hơn một bước, nên không ai bảo ai, đồng loạt vung đôi chưởng lên quét ra hai luồng kình phong cuốn tới ào ào.

Gia Cát Ngọc đã đoán biết trước được trường hợp đó, nên nhanh nhẹn quay phắt người lại, rồi vung chưởng xô mạnh tới tức thì, kình lực cuốn tới như một trận bão táp.

Kể từ ngày chàng xuống núi đến nay, trải qua nhiều trận đánh kinh hồn, nên võ công của chàng vẫn tiến bộ vượt bực. Bởi thế, chưởng lực của chàng vừa quét ra, đã làm cho đôi vai Phi Long thiền sư không ngớt chao động, đồng thời, hất bắn Hắc Y Diêm La ra sau liên tiếp ba bước, mới cố gắng đứng vững lại được.

Lúc bấy giờ ngọn gió mát đang thổi nhẹ nhàng mành liễu đang bay tha thướt, dưới ánh sáng mặt trời, lá tùng xanh um, núi hoang càng thêm vắng vẻ, tiếng ve sầu rả rít nơi nơi...

Hoàng Phong chân nhân biết tình thế trước mắt đã hoàn toàn bất lợi, nên khôn ngoan chuồn đi mất biệt. Trái lại, Hắc Y Diêm La vẫn còn lòng tham, nên đứng ra xa nhìn về phía Gia Cát Ngọc, chờ cơ hội thuận tiện, để ra tranh đoạt một lần nữa.

Trong khi đó, Phi Long thiền sư cũng ngó đăm đăm vào Gia Cát Ngọc, gằn giọng nói :

- Người có lòng nghĩa hiệp, thì nào câu nệ chi đến việc trợ giúp cho kẻ khác. Vậy, vật trong tay của tiểu thí chủ, tại sao lại không trả về cho bần tăng?

Gia Cát Ngọc cười lạnh lùng nói :

- Vật nào chủ ấy, đây chính là vật sở hữu của Phong Lâm song lão. Ông là người giỏi ngón tráo trở, ra tay đổi lấy pho Lục Lục Ngọc Di Đà chân thực trước đây, vậy giờ này ta không thể đoạt lại hay sao?

- Nếu tiểu thí chủ vẫn còn ngoan cố mãi, thì chớ trách bần tăng đây vô lễ đó.

- Lục Ngọc Di Đà đã ở trong tay ta, vậy ông vô lễ phỏng có ích lợi gì?

Vừa nói qua giọng cười cợt, chàng vừa cố ý đưa cao nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà lên cho đối phương trông thấy, sắc mặt đầy vẻ lạnh lùng khinh bạc.

Nào ngờ, tia mắt của chàng vừa nhìn đến nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà ấy, thì không khỏi giật mình buột miệng kêu lên thành tiếng...

Phong Lôi nhị lão thừa cơ hội ấy tràn nhanh tới, vung chưởng lên rồi vận dụng toàn thể chân lực trong người chụp thẳng về phía nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà ấy, và đã chụp vào tay một cách dễ dàng.

Gia Cát Ngọc chẳng những không chống trả lại đối phương, mà trái lại bất thần phá lên cười to ha hả, nói :

- Lão trọc kia. Lão trọc kia. Ông đã tốn bao nhiêu tâm trí, thế mà chỉ cướp lấy được một món đồ giả, vậy thử hỏi chẳng làm cho người ta phải cười rớt cả răng cửa hay sao?

Phong Lôi nhị lão nghe thế không khỏi sửng sốt. Đến khi ông ta đưa nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà lên mắt xem kỹ, thì không khỏi lộ ra sắc kinh dị, ú ớ nói không nên lời.

Giữa lúc Gia Cát Ngọc cất tiếng cười to, thì Phong Lôi nhị lão vung tay ném mạnh một lượt, thế là qua tiếng “loảng xoảng” trong trẻo, nửa mảnh Lục Ngọc Di Đà mà theo lời đồn đại rắn chắc hơn cả sắt thép, lại vỡ tan tành thành từng mảnh vụn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.