Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông

Quyển 1 - Chương 21




“Làm gì mà lâu thế?” Mạnh Tử Chiêu cau mày tỏ ý bất mãn, “Tôi không thích chờ người khác đâu đấy.”

Cảnh Ninh không nói gì, cô phủ chiếc khăn tay lên thềm đá của bãi tập rồi ngồi xuống, vùi mặt vào đầu gối.

“Sao cậu lại khóc nữa thế?” Mạnh Tử Chiêu bất lực, “Tôi có trêu cậu đâu. Tôi đứng phơi nắng đợi cậu bao lâu, trách có một tí thôi mà, tôi…”

“Im đi, tôi không khóc.” Giọng cô ồm ồm.

Cậu lập tức im lặng, chỉ bĩu môi hừ một tiếng, nhưng không dằn lòng được lại phải lo lắng đưa mắt nhìn cô.

Rõ ràng bọn họ đã hẹn sẽ gặp nhau ở lớp Kinh tế cuối cấp, đây là hoạt động duy nhất mà các học sinh nam và học sinh nữ có thể tham gia cùng nhau. Với môn học này, giáo viên sẽ dành phân nửa thời gian để truyền thụ những kiến thức thương mại đơn giản nhất cho học sinh, nửa thời gian còn lại dành cho học sinh thực hành, địa điểm là ở ngoài sân tập, bọn họ sẽ trao đổi hàng hóa với nhau, trình bày thiết kế và phát minh của mình, rồi tiến hành đàm phán giá cả. Trong bữa tiệc sinh nhật của Cảnh Ninh tại nhà họ Phan, Mạnh Tử Chiêu có lén bảo cô rằng: “Sáng thứ Sáu tiết cuối của bọn mình là tiết Kinh tế, tan lớp xong cậu qua đó sớm một chút, tôi có thứ này tặng cậu hay lắm, nhất định phải tới đấy.”

Cảnh Ninh biết mình tới muộn, phiên chợ nhỏ đã tàn, trên sân chỉ còn chừng chục học sinh, có người đang dọn những chậu cây nhỏ đi, có người thì cất những tờ báo phủ trên thềm đá, vốn cô đã mang mấy món đồ chơi nho nhỏ theo để trao đổi, nhưng lại tới muộn mất rồi.

Vì cô và Phương Kỳ Kỳ nói chuyện trong giờ tiếng Pháp, bị cô giáo phạt đứng, cô giáo bảo giọng Cảnh Ninh lớn hơn Phương Kỳ Kỳ nên chỉ phạt mình cô bé. Cảnh Ninh tủi thân, đứng trong góc lớp bật khóc trước mặt tất cả các bạn học, các bạn cười cô, nhưng cô không thèm quan tâm, cô chỉ muốn trút hết nỗi buồn trong lòng mình ra, cô nhớ tới anh hai thân mang thương tật và anh cả bị mình oán trách vô cớ mà càng thấy buồn bã hơn, cứ thế nước mắt lã chã. Cô giáo rất lúng túng, bèn bảo cô về chỗ, nhưng cô không chịu, cứ bướng bỉnh đứng đó, khóc tới khi tan lớp mới thôi.

Cô giáo là một phụ nữ người Pháp, các học sinh đều gọi cô là “cô Ô”, thật ra cô Ô là người rất hiền lành, chỉ là khi lên lớp lại vô cùng nghiêm khắc. Cô Ô rất thích Cảnh Ninh, vì cô bé đàn dương cầm giỏi, thành tích môn tiếng Pháp cũng rất tốt, nhưng càng như vậy, yêu cầu của cô với Cảnh Ninh lại càng khắt khe. Cô không ngờ nỗi khổ tâm của mình lại khiến cô bé này có phản ứng quá khích tới vậy.

Phương Kỳ Kỳ lén nói cho cô Ô hay: “Bạn ấy đang buồn cô ạ, nhà bạn ấy vừa xảy ra chuyện không may.” Nhưng Phương Kỳ Kỳ không nói rõ sự tình, chỉ bảo anh trai Cảnh Ninh bị thương, rồi khi cô Ô kinh ngạc gặng hỏi, cô bé lại phóng đại thêm, “Anh trai bạn ấy sắp chết rồi, ôi, đúng là bất hạnh! Cảnh Ninh thật đáng thương!”

Cô Ô cảm thấy vô cùng thương xót, bèn bước tới trước mặt cô bé đang khóc thút thít, lau nước mắt cho Cảnh Ninh, ôm cô vào lòng dịu dàng an ủi, còn nắm tay dắt cô bé vào phòng làm việc, rót cho cô bé một ly nước.

“Cô sẽ cầu nguyện cho anh trai em.” Cô Ô dịu dàng nhìn Cảnh Ninh, “Chúa sẽ giúp gia đình em vượt qua bất hạnh.”

“Cảm ơn cô!” Cảnh Ninh ngẩng đầu, nhìn cô Ô bằng đôi mắt lấp lánh, niềm hy vọng dần dấy lên trong lòng cô bé, “Em có thể cầu nguyện cùng cô không ạ?”

“Được chứ.”

Cô Ô nắm tay Cảnh Ninh, bước tới trước bức tranh Chúa Jesus, khẽ cất tiếng: “Em hãy nói cho Chúa nghe những điều tốt đẹp em mong sẽ trở thành hiện thực đi.”

Cảnh Ninh nhắm mắt, cô bé muốn cầu nguyện thật thành khẩn, nhưng lòng dạ lại rối như tơ vò.

“Cậu có tin vào Chúa không?” Cảnh Ninh ngẩng đầu, hỏi cậu bé đứng cạnh mình.

Mạnh Tử Chiêu do dự: “Cũng… tin.”

“Cậu cũng không phải con chiên à?”

Mạnh Tử Chiêu lắc đầu.

Bọn họ đều học trường Công giáo, nhưng lại không phải tín đồ Cơ Đốc. Cảnh Ninh nghĩ chắc lời cầu nguyện ban nãy của mình sẽ không linh, lại đâm ra sầu não.

“Này,” cậu khẽ dùng mũi chân chạm vào giày cô, “sao cậu không hỏi tôi định tặng cậu cái gì?”

“Cái gì?” Cô hỏi qua loa.

Mặt Tử Chiêu thoáng ửng hồng. Thật ra cậu đã làm một cái thuyền gỗ nhỏ, đuôi thuyền chạm rỗng, rồi dùng dây chun buộc mái chèo vào phần trống, chỉ cần nới lỏng dây chun một chút là mái chèo sẽ chuyển động, thuyền có thể đi lại trên mặt nước, hoàn toàn không cần lực tác động. Nhưng dù gì đây cũng chỉ là món đồ trẻ con được chế tác đơn giản, lúc biểu diễn trên lớp học, mái chèo chưa được cố định thì dây chun đã đứt mất rồi.

Làm sao cậu có thể tặng món đồ đó cho cái cô bé kén chọn này được? Vậy nên cậu đã đổi con thuyền gỗ lấy một thứ mà cậu cho rằng còn hay hơn tại phiên chợ.

Trước đó Cảnh Ninh đã nghe được tiếng “chíp chíp” be bé, Mạnh Tử Chiêu đẩy một chiếc giỏ trúc lại gần cô, cô cúi đầu mở giỏ ra, hai mắt sáng long lanh, khóe môi nở nụ cười mỉm.

“Á!”

Bên trong là bốn chú vịt con lông xù, chúng đang mổ giỏ trúc bằng cái mỏ nhỏ xíu, đôi mắt đen như những hạt đậu tí hin, nhưng lớp lông tơ lại bị nhuộm xanh đỏ, vừa hài hước vừa đáng yêu, hệt như một đàn vẹt.

“Đây là vịt trời à?”

Mạnh Tử Chiêu bật cười: “Xì. Đây là chim nhạn, nó biết bay đấy!”

Cảnh Ninh lườm cậu ta, quỳ xuống khẽ nâng một con vịt lên, đặt trong lòng bàn tay, hồi lâu cô mới ngẩng đầu, ánh mắt tràn ngập vẻ chế giễu: “Bảo cậu ngố mà cậu còn cãi. Lông nhuộm đấy! Đây là vịt thường thôi. Mà cậu đã nhìn thấy nhạn chưa đấy? Lông nhạn loang lổ thế này hả?”

“Nhuộm á?” Mạnh Tử Chiêu đón lấy chú vịt con, ngắm nhìn chăm chú một hồi rồi bắt đầu thầm mắng chửi trong lòng, tuy vậy ngoài mặt cậu vẫn vô cùng bình tĩnh, “Khụ khụ, thôi được rồi, coi như lần này cậu thông minh, không bị tôi lừa. Thật ra đây là một loài vịt khá đặc biệt, sau này lớn lên nó sẽ…”

“Có đặc biệt nữa thì cũng vẫn là vịt.” Cô ngắt lời cậu, tiếng chuông báo giờ ăn trưa đã vang lên, cô đứng dậy, “Cậu đúng là chán òm.”

“Không lấy hả?” Cậu ôm chú vịt lên, đôi mắt to sáng lấp lánh nhìn cô.

“Không lấy! Anh hai tôi nuôi hai chú gà chọi, vui hơn mấy con vịt nhiều.” Nhắc đến Cảnh Huyên cô lại ủ dột.

Tử Chiêu toét miệng cười, để lộ hàm răng trắng tinh cùng lúm đồng tiền thấp thoáng bên má, cậu vươn ngón tay khẽ vuốt đầu chú vịt, đắc ý bảo: “Cậu thử ném vịt và gà xuống sông Trường Giang xem con nào cừ hơn? Gà chọi thì có gì mà hay chứ? Có giỏi bằng kiện tướng bơi lội không?”

Cảnh Ninh ngơ ngác, rồi lại bật cười ha hả: “Mạnh Tử Chiêu, cậu đúng là vớ vẩn!”

“Chúng ta chia ra mỗi người giữ hai con, sau này thử thi xem vịt của ai bơi nhanh hơn, hay là tôi và cậu nuôi cùng nhau?”

“Xì, không nuôi. Ai thèm nuôi vịt!”

“Thế nuôi con khác nhé?” Cậu sửa lời rất nhanh.

Cảnh Ninh quay người bỏ đi.

“Này, tôi cho cậu chọn đấy, vẫn không được à?” Cậu cười, hô to, “Nhà tôi bảo muốn hứa hôn cho tôi với cậu đấy! Hôm nào tôi sẽ sang nhà cậu cầu hôn!”

“Biến đi!”

“Thế tôi tới thật nhé! Ha ha, ha ha!”

Cảnh Ninh cắn răng, quay đầu lại, lườm cậu sắc lẹm. Cậu bé bèn nâng giỏ trúc, cười tới mức đầu ngả ra sau: “Dù sao tôi cũng thấy mông cậu rồi.”

Cảnh Ninh giậm chân: “Đồ du côn thối! Tôi sẽ bảo anh cả tôi đánh gãy chân cậu!”

“Anh ấy không còn thời gian lo cho cậu đâu! Anh cậu thay mặt cha đi tham gia Hội nghị Mại bản của Hiệu buôn Phổ Huệ rồi, ai cũng bảo anh ấy sẽ trở thành người nối nghiệp tổng mại bản, lấy đâu ra thời gian mà quan tâm tới cậu?”

“Sao cậu biết?”

“Trên báo viết ấy! Người ta còn bảo tháng sau anh cậu sẽ sang Anh, anh ấy đi rồi tôi mới tới nhà cậu. Ha ha ha!”

“Cậu dám?!”

Mạnh Tử Chiêu tiến lên mấy bước, thì thầm bảo: “Cậu có biết không, nghe bảo thuyền của Hiệu buôn Tây Di Hòa ngừng chuyên chở rồi đấy, hàng hóa nhà cậu toàn do Di Hòa vận chuyển cả, giờ thì chỉ có thể xin gia đình chúng tôi giúp đỡ thôi. Mẹ tôi bảo rồi, hai nhà kết thành một thì có thể phối hợp làm ăn cùng nhau. Sau này chúng ta đính hôn, cậu nghỉ học, tuổi còn hơi nhỏ cũng không sao, về nhà tôi làm con dâu nuôi một khoảng thời gian đã, rồi sau này làm vợ đẻ em bé cho tôi.”

Cậu rung đùi đắc ý, ba hoa chích chòe, chỉ biết ăn nói linh tinh, không biết vì sao mà cứ thấy Cảnh Ninh giận cậu lại vui không tả nổi. Nhưng thật ra sâu trong lòng cậu lại mong cô cũng vui giống mình. Đến chính cậu cũng không hiểu tại sao nữa, có những lúc thậm chí chính cậu còn cảm thấy đầu óc mình có vấn đề.

Đúng là Cảnh Ninh đã nổi trận lôi đình, cô đẩy mạnh Tử Chiêu ra sau, kêu lên: “Mạnh Tử Chiêu, cậu chết đi!”

Bọn họ vốn đang bước trên thềm đá chật hẹp, cơ thể Tử Chiêu nghiêng ngả, nếu vứt giỏ trúc đi, cậu có thể dễ dàng giữ thăng bằng, nhưng trong giỏ là những chú vịt nhỏ hẵng còn rất yếu ớt, cậu bèn ôm chúng vào lòng theo bản năng, cơ thể chới với, lăn lông lốc xuống thềm đá cao chừng nửa mét, lăn thẳng xuống bãi cỏ của sân tập.

Cảnh Ninh sợ tới độ mặt mũi trắng bệch, cô lao xuống, quỳ bên cậu: “Cậu, cậu…”

Cậu bé nằm bất động dưới đất.

“Ối trời ơi! Đau chết mất!” Cậu khẽ nhúc nhích.

Cảnh Ninh run giọng: “Tôi xin lỗi, tôi không muốn làm cậu ngã đâu.”

“Cô bé thối, lật tôi lại đi.”

Cảnh Ninh nâng vai Tử Chiêu, cẩn thận lật cậu lại, vừa trông Tử Chiêu cô bé đã sợ hết hồn. Máu mũi cậu chảy ròng ròng, trán bị va sứt cả da, gương mặt trắng nõn giờ tím bầm dập.

Cậu vẫn còn lo lẩm bẩm: “Hừ hừ hừ… Mưu sát chồng!”

“Vẫn còn ăn nói linh tinh hả!” Hai mắt Cảnh Ninh ầng ậc nước, nhưng cô lại không dám bỏ đi, bèn rút khăn tay lau máu mũi cho cậu. Mấy cô cậu học sinh gần đó nghe tiếng động bèn ngó về hướng này, Cảnh Ninh vội vẫy tay nhờ bọn họ giúp đỡ, cô kêu lên: “Có bạn bị thương rồi!” Đám học sinh lập tức chạy lại.

“Này!” Tử Chiêu kéo vạt áo Cảnh Ninh, cậu đảo mắt, “Nếu cậu đồng ý với tôi một chuyện thì tôi sẽ không kể với thầy cô cậu đẩy tôi ngã.”

“Tôi không làm vợ chồng gì với cậu đâu!” Cảnh Ninh nức nở.

“Chuyện đó để sau hẵng tính.” Tử Chiêu dợm cười, nhưng khóe môi vừa cong lên đã đau tới nỗi phải nhíu mày, cậu bèn hất cằm, ý bảo cô nhìn chiếc giỏ trúc trong lòng mình, “Giúp tôi chăm sóc cho bốn con vịt con này, nếu cậu đồng ý tôi không so đo chuyện hôm nay với cậu nữa.”

“Tôi thích gà con, không thích vịt con!” Cô chỉ đành vươn tay nâng chiếc giỏ lên, nhưng vẫn không kìm được phải tỏ ý chẳng mấy bằng lòng.

Tử Chiêu thổi mấy ngọn cỏ dính bên miệng mình, đảo mắt: “Xì, được lợi mà còn cằn nhằn. Ở cái đất này thì chạy nhanh không bằng bơi giỏi đâu! Cậu đang ở Hán Khẩu đấy!”

Chào mừng tới với Hán Khẩu.

Bạn có thể đứng ở nơi cao nhất, đưa mắt nhìn xuống Hán Khẩu, thưởng thức sự phì nhiêu và bộn bề của mảnh đất này.

Gió lộng thổi chín lá quốc kỳ bay phấp phới. Thành phố đứng sừng sững trong lặng lẽ, đổ chiếc bóng khổng lồ xuống đất, im lặng cắt nuốt những dục vọng phàm trần, mỗi lần hàm răng nó nhai ngấu nghiến, những âm thanh nặng trĩu lại vang lên. Tàu chở đầy thuốc lá, tơ lụa, muối ăn, đường, đồ sứ, nước sông cuồn cuộn chảy về Đông, những chuyến tàu như mạng nhện giăng kín mặt nước, lại như ván cờ cuốn sạch tiền tài của cải.

Hán Khẩu vào mùa hè năm 1925 là một cái lò luyện khổng lồ, nỗi sốt sắng căng thẳng càng lúc càng tăng cao. Cái chết của một người công nhân ở Thượng Hải tên Cố Chính Hồng đã dẫn đến hiệu ứng cánh bướm, hậu quả lan xa tới tận đất Hán Khẩu. Những chuyến tuần hành thị uy diễn ra không ngớt, người ta bắt đầu chặn hàng hóa của Anh, vận động từ chối sử dụng ngoại tệ, những ngân hàng như HSBC, Chartered hay ngân hàng Hoa Kỳ đều phải đối mặt với làn sóng lăng mạ, mà các hiệu buôn Tây có quan hệ mật thiết với nhóm ngân hàng này cũng lâm vào tình cảnh thiếu hụt tiền vốn.

Vào khoảng thời gian này, hiệu buôn vốn Anh Phổ Huệ nằm ở khu vực phồn hoa nhất của Tô giới đã gặp phải một số vấn đề. Tất cả mọi người đều cho rằng những chuyện này là mối phiền phức lớn cho tổng mại bản Phan Thịnh Đường.

Cuối cùng, hai tuần sau khi sự việc kết thúc, tin tức cậu hai nhà họ Phan bị bắt cóc cũng đã bị ký giả của một tờ báo nhỏ phanh phui, trở thành chủ đề nóng được bàn luận khắp đầu đường cuối ngõ. Nghe đồn Phan Thịnh Đường thuê mấy tay vệ sĩ cao to vạm vỡ để đảm bảo an toàn cho mình và người nhà, người nhà họ Phan đi đâu vệ sĩ theo tới đó, xung quanh dinh thự lắp cả súng máy, người ngoài không thể mon men lại gần. Tin sốt dẻo nhất là vụ bắt cóc này đã khiến nhà họ Phan mất một khoản gia tài kếch xù, ảnh hưởng trực tiếp tới địa vị của Phan Thịnh Đường tại hiệu buôn vốn Anh Phổ Huệ. Ngài Chủ tịch Edmund cất công đi từ trụ sở chính tại Thượng Hải đến Hán Khẩu, bốn mại bản cấp cao còn lại cũng lũ lượt đổ về Hán Khẩu, có người biết nội tình đoán rằng, vị trí tổng mại bản chi nhánh Hán Khẩu của Phan Thịnh Đường sắp về tay người khác rồi.

“Từng đồng tôi tiêu đều là tiền của tôi, nhà họ Phan chưa bao giờ đụng vào một phân tiền của hiệu buôn Tây. Dù tôi biết nếu mình mở lời, chắc chắn hiệu buôn sẽ dốc hết lòng giúp đỡ, nhưng tôi không hề làm vậy. Tôi biết chừng mực, biết thế nào là bổn phận.” Phan Thịnh Đường nhìn chằm chằm người đàn ông Anh luống tuổi cao lớn đứng trước cửa sổ.

“Tôi không mấy tán thưởng cách xử lý công việc của ông.” Chủ tịch Edmund nhìn ra ngoài cửa sổ, ông ta nói tiếng Trung Quốc rất giỏi, giọng hơi nhiễm khẩu âm Thượng Hải, “Tôi lấy một ví dụ. Tôi từng ở Hồ Nam một thời gian, đầu bếp là người Hồ Nam, tài nấu bếp rất khá, tôi khá thích món thịt muối ông ấy làm.

Có lần, tôi vào bếp để gửi lời cảm ơn ông ấy, bắt gặp người này lấy một bát dầu còn đang bốc hơi từ trong lồng hấp thịt muối ra, mùi thơm vô cùng hấp dẫn, nhưng trông lại,” Edmund lắc đầu, gương mặt tỏ ý vô cùng ghét bỏ, “rất bẩn, vô cùng bẩn. Tôi hỏi ông ấy dùng bát dầu này làm gì? Ông ấy nói đây là dầu hấp thịt muối, đổ đi thì phí nên định dùng để xào thức ăn. Đương nhiên ông ấy làm vậy vì muốn tiết kiệm rồi.”

Edmund quay người, ngồi xuống chiếc xô pha đối diện Thịnh Đường: “Ông cho tôi ăn món thịt muối ngon nhất, mà chính ông cũng là một người được ăn thịt muối. Tuy vậy, ông lại đem dầu bẩn hấp thịt ra để xào thức ăn cho những người anh em khác. Như vậy ông thấy có ổn không? Lúc nào người Trung Quốc cũng nói hòa khí sinh tài phú, hiệu buôn Tây là một đại gia đình, đến một người nước ngoài như tôi cũng hiểu câu ‘Dưỡng gia bất trị khí’ (*), vậy mà ông lại không hiểu sao?”

(*) Dưỡng gia bất trị khí: Ý chỉ cuộc sống yên bình mới là đáng quý, nếu nuôi dưỡng gia đình thì không được giận dỗi trách móc.

Mắt Thịnh Đường sáng ngời: “Đối xử với người nước ngoài và đối xử với người Trung Quốc là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.”

“Vậy có nghĩa là ông sẽ không phản bội hiệu buôn Tây, nhưng ông sẽ phản bội đồng bào Trung Quốc của mình ư.”

Thịnh Đường lắc đầu: “Không, không thể gọi là phản bội được. Tôi trung thành với hiệu buôn Tây, tôi tin tưởng vào hợp đồng và quy tắc, mà hiệu buôn Tây cũng hết mực tin cậy, theo đuổi hai điều này. Còn giữa người Trung Quốc chúng tôi với nhau, hợp đồng hay quy tắc là những thứ vô cùng tùy tiện, bảo không có là coi như không có luôn, tôi sẽ không đặt một trăm phần trăm niềm tin của mình vào đó. Những người khác cũng giống như tôi thôi.”

Edmund cau mày như đang suy ngẫm.

Thịnh Đường đưa tập giấy in hoa văn vàng trong tay cho Edmund: “Đây là món quà mừng thọ 70 của ngài Edmund mà tôi đã chuẩn bị.”

“Mười tấm da cáo đen, một chiếc ống đựng bút ngà voi, một bình hoa Minh Tuyên Đức…” Edmund bình tĩnh liếc nhìn tập giấy, ông ta nghĩ mấy năm nay mình đã nhận được không ít quà quý từ Phan Thịnh Đường, cũng đã quen từ lâu rồi. Sau tên mỗi món quà đều có đính kèm giới thiệu và ảnh chụp, đến lúc đọc thấy dòng “Bình phong 12 mặt hình chim hoa bằng gỗ tử đàn điểm phỉ thủy bách bảo”, hai mắt Edmund sáng lên, trông rất đỗi bối rối: “Đây là… đây là…”

“Đúng vậy, đây chính là tấm bình phong hiệu buôn Tây Thịnh Xương đã thắng đấu giá vào hơn mười năm trước. Từ đầu năm nay tôi đã ngẫm nghĩ mãi không biết nên chúc mừng đại thọ bảy mươi của ngài thế nào, phải chuẩn bị lễ vật gì, lại chợt nhớ tới vẻ tiếc nuối của ngài khi bỏ lỡ tấm bình phong năm ấy. Vừa khéo tình hình kinh tế của tôi đang dư dả, bèn bán một mảnh đất xây dựng, nhờ cậy hết lời cuối cùng mới mua được tấm bình phong từ hiệu buôn Tây Thịnh Xương. Thứ nhất là muốn chúc thọ ngài Edmund, thứ hai là dùng khoản tiền này để đổi lấy tình cảm của Thịnh Xương. Có thể nói đây chuyện tốt, một mũi tên trúng hai đích.”

Edmund nhìn sâu vào mắt ông ta: “Đổi lấy tình cảm của Thịnh Xương?”

“Theo như giao kèo, tôi được quyền làm đại lý mại bản cho các hiệu buôn Tây khác, Hiệu buôn Thịnh Xương cũng từng ngỏ ý mời tôi tham gia. Nhưng vì dạo gần đây gia đình tôi gặp chuyện rắc rối, tôi đã không còn tài lực để giao tiền bảo đảm cho Thịnh Xương, đành lực bất tòng tâm, mà trộm nghĩ tôi cũng không đủ năng lực làm tổng mại bản cho họ. Nhưng tốt xấu gì họ cũng là hiệu buôn Tây lâu đời hơn trăm năm tuổi, làm kinh doanh mà không dựa vào tình cảm thì còn dựa vào đâu.” Thịnh Đường cười, “Tấm bình phong này được đặt cọc trước một nửa, tháng trước đã tiền trao cháo múc. Bình phong sẽ được đưa ra cho mọi người chiêm ngưỡng đúng vào buổi tiệc sinh nhật của ngài.”

Cuộc vận động Ngũ Tạp đã gây ảnh hưởng lớn tới hiệu buôn Tây có vốn Anh, đây chính là thời điểm đau đầu nhất với họ, Thịnh Xương là hiệu buôn Mỹ, nếu Phan Thịnh Đường đồng ý kiêm nhiệm làm mại bản cho họ thì chỉ có tốt chứ chẳng có xấu. Theo thông lệ, người muốn làm mại bản cho một hiệu buôn Tây phải giao một khoản tiền bảo đảm kếch xù, với mạng lưới quan hệ và tài lực của Phan Thịnh Đường, chẳng lẽ ông ta không tìm nổi một người đứng ra bảo lãnh, không kiếm nổi một khoản tiền bảo đảm sao? Ông ta khéo léo từ chối lời mời của Thịnh Xương cũng là để chứng minh thái độ trung thành với Phổ Huệ, sao Edmund có thể không biết tình cảm này là diễn cho ai xem.

Phan Thịnh Đường nhìn ra ngoài cửa sổ, nói: “Một năm có bao nhiêu khoản tiền ra vào Hán Khẩu này? Một trăm ba mươi hai triệu lượng bạc. Người Pháp, người Mỹ, người Nhật, còn có cả người Anh các ngài, cùng với đám miền Nam Trung Quốc bọn tôi, đều đổ về đây cùng khoản tiền một trăm ba mươi hai triệu lượng bạc này. Mà liệu trên con đường này có bao nhiêu hiệu buôn Tây?

Không thể ít hơn ba trăm hiệu được. Lông lợn, lông cừu, tơ lụa, đậu nành… được chuyển qua tay chúng ta để đi đến mọi miền thế giới. Ai cũng biết việc Phổ Huệ chiếm được một vị trí ở đây có ý nghĩa như thế nào, ai cũng rõ vị trí tổng mại bản của hiệu buôn Phổ Huệ phải gánh chịu bao nhiêu nguy hiểm và áp lực. Chắc ngài Edmund hiểu năng lực và lòng trung thành của tôi hơn ai hết. Chỉ cần tôi còn ngồi trên cái ghế này, chắc chắn tổn thất mà cuộc đình công gây ra cho hiệu buôn Tây sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa.”

Vẻ mặt lạnh lẽo của Edmund cuối cùng cũng đã dao động.

Cùng lúc ấy, bầu không khí lúng túng căng thẳng đang ngập tràn trong một tòa hội quán bên bờ sông của hiệu buôn Phổ Huệ.

Bốn nhà mại bản lớn ngồi trong phòng khách, mỗi người ôm một tâm tư, Cảnh Sâm ân cần phục vụ trà bách cho họ, anh khẽ cúi đầu, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn chung quanh, chẳng khó để phát hiện ra những vằn máu in trên mắt anh.

“Giới mại bản cho hiệu buôn Tây toàn là cha truyền con nối, xem ra cha cậu muốn để cậu nối nghiệp nhỉ? Chắc áp lực cũng lớn lắm.” Một thương nhân trung tuổi gầy gò mỉm cười nhìn anh.

Cảnh Sâm ngại ngùng mỉm cười.

“Từ Ân, cậu ấy còn trẻ, làm sao chịu nổi bị anh trêu cười thế,” nhà mại bản Thiểm Tây Mẫn Bách Xuyên chen lời, quan sát Cảnh Sâm kỹ càng, “cậu đang ốm à? Đừng câu nệ quá, ở đây toàn các chú các bác của cậu cả, không phải khách khí.”

Dường như Cảnh Sâm định nói mấy lời khách sáo, nhưng họng lại thấy ngứa ngáy, bật lên tiếng ho khan, anh vội vã đặt khay trà bánh xuống, gắng sức thốt một chữ: “Xin lỗi!” Rồi vội vã cất bước rời khỏi phòng khách, mọi người nghe tiếng ho khan nặng nề của anh vọng lại.

Thiệu Từ Ân cong môi, xem chừng có ý khinh thường, doanh nhân Tứ Xuyên Hứa Tĩnh Chi ngồi tựa bên cửa sổ nói với người ngồi cạnh: “Anh Tề Phàm, có vẻ cậu chàng này rất lanh lợi đấy.”

Tạ Tề Phàm vuốt ve hoa văn xanh trên tà áo gấm, cười nói: “Sao anh biết?”

Hứa Tĩnh Chi lại chuyển đề tài: “Chẳng lẽ mọi người không có chút ý kiến nào với sự sắp xếp Thịnh Đường dành cho bốn chúng ta sao?”

Thiệu Từ Ân nhấp một ngụm trà, chầm chậm cất lời: “Anh cứ xem anh ta đối xử với Hà Sĩ Văn thế nào đi đã rồi hẵng nói đến chuyện chúng ta.”

“Thừa Châu hám lợi mất khôn, tự làm bậy thì sao sống nổi.” Hứa Tĩnh Chi lạnh nhạt đáp trả.

Thiệu Từ Ân nói: “Người kiếm cơm ở hiệu buôn Tây làm gì có ai không tính toán chi ly. Nước trong thì không có cá, tôi không tin một kẻ không có bất cứ khuyết điểm nào.”

Mẫn Bách Xuyên bảo: “Tĩnh Chi, anh thấy môi hở răng lạnh hả.”

Hứa Tĩnh Chi nói: “Tôi lấy đâu ra sức mà quan tâm tới nỗi đau của kẻ khác. Giờ hiệu buôn của bốn người chúng ta đang chịu tổn thất lớn vì tổng mại bản họ Phan! Mà người ta thì đang ở đâu? Đang bận nịnh hót lão người Anh chứ đâu, còn chẳng buồn nhắn gửi giải thích một câu, lại đem thằng nhóc ốm yếu bệnh tật ra diễn với chúng ta…”

“Bác Hứa, thân là giám đốc của hiệu buôn Anh, theo lý mà nói phải dốc lòng phục vụ ông chủ người Anh chứ.” Cảnh Sâm bước vào, hắng giọng rồi ôn hòa cất lời. Thấy vẻ mặt Hứa Tĩnh Chi thay đổi, anh vội cười: “Đây là trà của bác ạ, cháu mới đun lại đấy.”

Hứa Tĩnh Chi cười: “Vất vả cho cậu quá.”

“Thật ra cha cháu đã có kế hoạch cho công việc tại hiệu buôn của các chú các bác rồi, hôm nay cháu xin thay mặt cha trình bày rõ.” Cảnh Sâm bước tới bên bàn đọc sách, cầm một xấp tài liệu lên, trang bìa phản chiếu gương mặt như làn nước trong của anh.

“Cha nhờ cháu nói lại với bốn bác, đói thì đứng ngược chiều gió, no thì ưỡn bụng mà đi, có Phan Thịnh Đường ở đây, dù vấn đề nan giải hơn thì cũng có cách giải quyết, mong mọi người hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm vài ngày.”

“Vậy khi nào chúng tôi mới có thể gặp mặt lệnh tôn đây?”

“Năm ngày sau, vào tiệc sinh nhật của ngài Edmund ạ.”

Nghe tới đây, đến cả Tạ Tề Phàm trước sau không nói lời nào cũng phải ngẩng đầu, ngạc nhiên hỏi: “Chẳng lẽ giờ họ không ở Hán Khẩu sao?”

“Vâng, cả hai đã tới Thượng Hải rồi.”

Hai mắt Tạ Tề Phàm lóe sáng.

Nhân lúc mọi người lần lượt nhận lấy tài liệu, Cảnh Sâm bước khỏi phòng, dừng lại ngoài sân nhà, ánh mặt trời chiếu rọi, xuyên qua tán ngô đồng, đậu xuống nơi thảm cỏ.

Anh khẽ nhắm mắt, vô số những hình ảnh rõ rệt tới từng đường nét hiện lên trong đầu anh.

Anh nhớ lại cái lần mình bước vào cổng hiệu buôn Tây Phổ Huệ, người gác cổng lịch sự lễ độ mở cánh cửa thủy tinh sáng loáng ra, anh và Phan Thịnh Đường sóng vai bước vào sảnh hiệu buôn rộng lớn, như đang tuyên bố rằng một thời đại mới đang chuẩn bị bắt đầu; anh nhìn tấm thảm tơ hai màu vàng đỏ nối thẳng tới chiếc cầu thang ba mươi bậc bằng gỗ, hành lang hai bên là hai mươi gian phòng làm việc nối tiếp nhau, mỗi phòng thuộc một bộ phận tương ứng; anh nhìn thấy mình vuốt ve hoa văn chạm gỗ đẹp lộng lẫy nơi tay vịn, thưởng thức bức tranh treo trên tường, trên đó có những bức tranh sơn dầu vẽ tổ tiên nhà họ Phan theo từng thời đại, cũng có cả văn kiện thư từ qua lại giữa nhà họ Phan cùng thương đoàn các nước; trên chiếu nghỉ cầu thang có hai chiếc ghế bành sơn đen khảm xà cừ cùng bàn trà gỗ tử đàn, trên bày bản đồ hàng hải da dê được thiết kế rất đỗi tinh xảo, đây chính là quà tặng của Hiệu buôn Tây Di Hòa; lên đến tầng hai, thấy phòng kế toán đã chiếm mất bốn gian làm việc, tiếng bàn tính nghe hệt như một trận mưa rền gió dữ…

Anh thấy bọn họ đang tiến về phía căn phòng làm việc nằm trên tầng ba, vừa bước vào, Thịnh Đường đã xử lý ngay những công việc thường ngày, không còn thời gian trò chuyện với anh, anh ngồi trên xô pha một lúc, điện thoại cứ vang không dứt, Thịnh Đường nói tiếng Bồ Đào Nha, một lát sau lại chuyển sang tiếng Anh. Anh thấy anh nhìn người đàn ông ấy chăm chú mà cõi lòng rối như tơ vò, đó là người đàn ông được xưng là cha anh: nhà họ Phan hành thương suốt trăm năm, ba đời làm mại bản, đây không phải cái danh hão. Đương nhiên ta không thể đánh giá một người là nhà kinh doanh giỏi hay dở dựa trên việc người này nói bao nhiêu thứ tiếng, nhưng chỉ trong vòng bốn ngày, dưới tình cảnh con trai bị bắt cóc, nội bộ hiệu buôn chia tách chống đối, người đàn ông này vẫn có thể bình tĩnh bàn chuyện làm ăn như thường. Người đàn ông ấy khiến kẻ khác phải thực tâm kính nể, nhưng đồng thời cũng sinh lòng sợ hãi ông ta.

“Cháu đang nghĩ gì vậy?” Một giọng nói ôn hòa ngắt đứt dòng hồi tưởng của anh.

Cảnh Sâm nhướng mày: “Chú Tạ, trước kia chú hay nhắc cháu phải cẩn thận.”

Tạ Tề Phàm ngồi xuống trên chiếc ghế dài cạnh đó: “Cháu yên tâm đi, lát nữa ba người kia sẽ lần lượt tới tìm cháu trò chuyện, chú chỉ giành trước một bước thôi. Giờ cháu là cậu thiếu gia quyền to thế mạnh của nhà họ Phan rồi.”

Ánh mắt Cảnh Sâm thoáng đông cứng, anh nở nụ cười nhạt.

Tạ Tề Phàm dịu giọng: “Cháu còn trẻ, nhất định phải thật kiên định vững vàng, chuyện gì nên nói thì cứ nói, không nên thì dù kẻ khác làm cháu giận tới mức muốn giết người, cháu cũng phải ngậm chặt miệng.”

“Chú yên tâm, suốt bao năm nay thứ cháu học thuần thục nhất chính là giả câm giả điếc.”

Tạ Tề Phàm nhìn anh chăm chú, niềm yêu thương hiện lên trong mắt ông: “Phan Thịnh Đường là kẻ tính toán chi ly, với ông ta mà nói mất đi năm trăm nghìn chẳng khác nào bị rút mất nửa phần máu thịt, giờ ông ta đã chịu một cú đòn lớn, cháu cũng nên xả nỗi uất ức ra đi. Có một số chuyện không cần tự ép mình quá đáng, hôm đó chú không trả lời điện báo của cháu cũng là vì ý này.”

“Người nước ngoài vẫn sẽ để ông ta đảm nhiệm chức tổng mại bản, vì mục đích ấy ông ta mới tới Thượng Hải cùng Edmund. Chú Tạ, nếu chúng ta không nhân lúc này để kéo ông ta xuống thì cháu e về sau mọi chuyện sẽ càng khó khăn hơn. Vì đến chính cháu cũng biết ông ta hoàn toàn trung thành với hiệu buôn Tây, chẳng phải người nước ngoài coi trọng nhất điểm này của ông ta sao?”

“Ông ta không bao giờ tin người Trung Quốc, hiệu buôn Tây chính là mục đích tồn tại của ông ta, chẳng qua ông ta chỉ tự trung thành với bản thân mình thôi. Tiểu Xuyên, mục đích của chúng ta là khiến ông ta càng thêm phụ thuộc vào hiệu buôn Tây, phụ thuộc tới độ không thể sống thiếu nó.”

Cặp mắt Cảnh Sâm lóe sáng: “Chú Tạ, đã lâu lắm rồi cháu không nghe người khác gọi cháu bằng cái tên này.”

Cảnh Sâm về nhà rất muộn, đến cả người gác đêm cũng đã ngủ. Anh vẫn chưa có cơm tối bỏ bụng, bèn vào bếp tìm đồ ăn, trong bếp vẫn còn một bà người ở đang đun thuốc cho Cảnh Huyên.

“Giờ cậu cả mới về ạ, cậu có muốn ăn khuya không để tôi làm.”

“Không cần đâu, cháu nghe có tiếng động nên mới qua xem thôi. Thuốc này phải trông cả đêm ạ?”

“Lát nữa thôi là xong, sáng mai cậu hai phải uống rồi.”

“Hôm nay Cảnh Huyên thế nào rồi? Cháu chưa kịp lên thăm thằng bé.”

“Thần sắc cậu ấy khá hơn nhiều rồi, buổi tối còn ăn tận hai bát cơm.”

Niềm vui hiện lên trên gương mặt Cảnh Sâm, bà hầu già cười: “Cậu cả cũng phải giữ sức khỏe đấy.”

“Bữa tối thằng bé ăn gì ạ?”

“Tôi luộc cho cậu ấy quả trứng, làm một bát thịt viên, cậu hai chẳng để thừa lại bao nhiêu.” Trong lúc bà hầu già còn đang nói, Cảnh Sâm đã bước tới bên chiếc bàn dài để đồ ăn thừa, anh bưng bát thịt viên còn dư lại một nửa ra bếp. Bà hầu già sốt sắng, cười bảo: “Ối, cậu muốn ăn gì thì để tôi làm, đừng chạm vào kẻo bẩn tay!”

Cảnh Sâm đã vén tay áo, anh bật bếp, thêm ít nước vào nồi rồi trút cơm nguội xuống. Bà hầu già cười đứng nhìn, thấy trong lúc đợi cơm chín, Cảnh Sâm dùng đũa xắt vụn thịt ra rồi gạt vào nồi, thêm gia vị hành thơm, có vẻ định làm một bát cháo thịt băm.

“Đây là cách nấu ăn ở miền Nam quê cũ của cậu cả nhỉ?”

“Vâng, trước đây mẹ cháu hay làm món này cho cháu ăn, cơm thừa mà nấu khéo thì cũng ngon lắm.” Anh ngẩng đầu cười với bà hầu, “Hồi ở nhà cũ cháu cũng toàn ăn cơm thừa, quen mất rồi.”

Bà hầu già không biết nên nói gì cho phải, nhìn ấm thuốc, bà bảo: “Ôi, sắc xong rồi, cuối cùng cũng được nghỉ. Cậu cả cứ ăn từ từ đi, tôi, tôi…”

Cảnh Sâm cúi đầu khuấy cháo, thờ ơ “vâng” một tiếng, bà hầu già dọn dẹp sơ qua gian bếp rồi vội vã rời đi. Phòng bếp chìm vào tĩnh lặng, chỉ có hương thuốc và mùi cháo thịt vấn vít, Cảnh Sâm đang định múc cháo đã nghe có tiếng bước chân nhẹ nhàng vang lên, anh nghĩ bà hầu già quay lại, đang thấy phiền hà, cau mày quay đầu thì phát hiện hóa ra là Cảnh Ninh, cô mặc váy ngủ, khoác thêm áo choàng ngắn bên ngoài, đang đứng ngoài cửa bếp nhìn anh, dưới ánh đèn, phần tóc mái đen bóng đều tăm tắp, gương mặt bé nhỏ trong suốt như tuyết như trăng.

“Anh cả…” Cô tỏ vẻ trông mong xen lẫn với cầu xin.

Đã mấy ngày rồi họ không nói chuyện với nhau.

Cảnh Sâm thở dài: “Em đói hay thèm ăn?”

Cảnh Ninh nhanh nhẹn tiến lại trước bàn, ngẩng đầu nhòm vào nồi cháo, cười thật đáng yêu xinh xắn: “Vừa đói vừa thèm!”

Không biết vì sao mà ảnh cảm thấy có một nỗi mệt mỏi buồn đau dâng trào trong mình, anh cúi đầu lấy thêm một chiếc bát từ giá, múc cho cô một bát cháo.

“Sao mấy hôm nay anh về muộn thế?” Ánh mắt sáng ngời của cô đuổi theo anh.

“Anh phải đỡ đần cha chuyện của hiệu buôn Tây, có mấy bác từ nơi khác đến thăm Hán Khẩu.”

“Có phải anh chưa ăn cơm tối không?”

“Ừ, anh đói rồi.”

“Em cũng đói, tối nay bác sĩ hội chẩn cho anh hai, mẹ không còn thời gian lo cho em.”

“Em không biết bảo người khác nấu cơm cho à? Tự mình ngốc thì còn trách ai được.”

“Em muốn chờ anh ăn cùng, nhưng lúc nào anh cũng về muộn.” Cô khoác lác.

“Không phải em ghét anh à? Đợi anh làm gì?”

Nỗi thẹn thùng hiện lên trên gương mặt Cảnh Ninh, cô trề môi, cúi đầu không nói gì, nhưng đôi mắt to láu cá lại len lén liếc anh, cuối cùng anh cũng không nén nổi tiếng cười, cô đảo mắt: “Anh cả, em biết anh sẽ không trách em mà.”

“Vậy em thì sao, em còn trách anh không?” Anh vén sợi tóc dính bên môi giúp cô.

Cảnh Ninh lắc đầu: “Hôm đó em buồn quá, em chỉ ước thời gian có thể quay trở lại, nếu em không tổ chức sinh nhật, các anh không tặng quà cho em thì có lẽ anh hai đã chẳng bị bắt cóc.” Giọng cô dần nghẹn ngào, cô vội cúi đầu húp một thìa cháo.

Anh khẽ vỗ vai cô, bảo cô ăn chậm thôi. Ở cái nhà này chỉ có cô và Cảnh Huyên là chịu chia sẻ buồn vui cùng anh, dù có cùng nhau ăn một bát cơm thừa thôi họ cũng sẽ vui vẻ hào hứng, chỉ là việc đời quá phức tạp, tình cảm này còn có thể kéo dài được bao lâu đây…

“Anh cũng ăn đi!” Cô vươn bàn tay bé nhỏ vẫy vẫy trước mặt anh, “Ăn xong em sẽ dắt anh đi xem cái này hay lắm!”

Anh bật cười: “Em lại có món đồ chơi mới gì rồi hả.”

Đêm hơi lạnh, cô bé nắm lấy tay chàng trai, băng qua tầng cây hoa tỏa hương thơm nồng, hệt như tinh linh giữa màn đêm. Anh ngoan ngoãn để mặc cô dẫn đường, nhìn mái tóc buông rủ bồng bềnh của cô, sương mù mềm mại giăng dưới ánh đèn ngọc lan, tiếng đài phun nước róc rách như có như không, anh nghĩ, anh chưa bao giờ lưu luyến đêm đen tới vậy, cũng chưa từng vui vẻ, chưa từng đau đớn tới thế.

Họ bước đến dưới hành lang dài leo đầy hoa hồng, phía Nam có một ngôi đình hóng gió nho nhỏ, dùng cành trúc bện thành hàng rào, anh nghe được tiếng chim chíp mềm mại, trong ánh đèn mờ, anh trông có bốn chú vịt con lông vàng đang khép cánh co lại với nhau thành đám.

“Em đổi được nó ở lớp Kinh tế đấy,” Cảnh Ninh cười hì hì, ngồi xuống lan can, đôi chân bé nhỏ đung đưa, “nghe bảo vịt biết xếp hàng đi theo người, em muốn huấn luyện chúng nó cứ nhìn thấy em là chạy theo.”

Cảnh Sâm bật cười: “Anh thấy nấu canh vịt thì hay hơn đấy.”

“Suỵt!” Cảnh Ninh đưa tay làm dấu, nghiêm túc nói, “Em biết anh đùa, nhưng không được đùa thế trước mặt chúng nó đâu! Chúng nó mà nghe được thì sẽ nghĩ thế nào.”

“Anh nói thật đấy. Canh vịt bổ lắm, thêm cà rốt muối là ăn vào bớt lạnh, đợi đến khi anh đi du học về em giết vịt nấu canh cho anh ăn là vừa.”

“Anh còn nói nữa, anh còn nói nữa hả!” Cô sốt sắng chạy tới trước mặt anh, kiễng chân che miệng anh lại, anh chỉ cảm thấy hai mắt cô sáng ngời, chợt ngẩn ngơ trong chốc lát, định gỡ tay cô ra, nhưng lại cũng không muốn gỡ, cuối cùng chỉ đành khó khăn lùi một bước về phía sau: “Hiếm lắm anh mới có dịp xin ăn em mà em lại tiếc.” Anh nghiêng người, mượn cơ hội thoát khỏi tay cô rồi vừa tiến về phía trước vừa nói, “Đau lòng quá đi mất.”

Cảnh Ninh đuổi theo anh, kéo tay Cảnh Sâm: “Chỉ cần anh không giết chúng nó, sau này về anh muốn ăn gì em cũng làm cho anh ăn, anh cả, em nói thật đấy.”

Cảnh Sâm cúi đầu ngó cô: “Cái kim nắm còn không chắc mà đòi nấu cơm?”

“Em học! Em sẽ học vì anh!”

“Không tin.”

“Em hứa với trời đấy!”

Bước chân anh thoáng khựng lại, anh nhìn gương mặt sốt sắng tới đỏ bừng của cô, khẽ nói: “Nếu về sau em nấu cho anh một bữa cơm, anh…” Rồi giọng nói chợt ngưng bặt, lời tuyên bố vừa trịnh trọng vừa ngây thơ của cô, tình cảm cốt nhục phản chiếu nơi đôi mắt trong veo của cô trong đêm, hệt như một cây kim sắc nhọn đâm thẳng vào cõi lòng. Nghìn lời vạn chữ, đến miệng rồi chỉ sót lại chừng này:

“Anh tin em, Bé Hạt Dẻ.”

Tiếng cây xào xạc nghe tĩnh mịch, hai cái bóng sát bên nhau trong đêm càng lúc càng xa, trăng lưỡi liềm buông xuống thật nhanh. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.