Cô Gái Trong Nắng

Chương 6




Mao bảo xuống nhà lấy báo buổi sáng rồi biến mất luôn.

Mao vốn tùy hứng nên ban đầu tôi tưởng nàng mải nói chuyện với ai đó mà quên việc cần làm. Nhưng một tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không thấy nàng về. Thấy lo, tôi đi xuống tầng một thì thấy báo sáng vẫn còn trong thùng thư còn nàng thì không thấy đâu. Tôi chạy ra tìm ở con đường phía trước chung cư và bãi đỗ xe phía Nam nhưng cũng không thấy.

Đúng lúc ấy, gia đình Hiraiwa từ bệnh viện trở về. Tôi vồn vã chào hỏi dăm ba câu rồi hỏi ngay chị vợ có trông thấy Mao không, lập tức chị làm mặt hồ nghi.

“Không, tôi không biết.”

Thấy chị vợ co người lại vì sợ, tôi càng sốt ruột hơn.

“Mao bảo xuống lấy báo rồi không thấy về nữa. Cô ấy vẫn mặc quần áo ở nhà, không cầm theo ví nên em nghĩ cô ấy không đi xa đâu. Chị có nghe thấy cô ấy nói gì không?”

Có lẽ bộ dạng mếu máo trình bày hoàn cảnh của tôi trông đáng sợ quá nên Shu-kun vội nấp vào sau lưng mẹ.

“Shu-kun ơi, chị bị cảm ý, em có biết chị ấy đâu không?”

Đáp thay cho cậu con trai đang sợ sệt lắm đầu, ông bố lên tiếng:

“Cậu Okuda, cậu làm ơn thôi đi được không? Mao là người yêu hay là ai của cậu thế? Làm sao chúng tôi biết được.”

Ông bố đừng chắn trước mặt tôi, tuyên bố như trên rồi vội vàng đưa vợ con vào thang máy. Tôi thẫn thờ nhìn theo họ rồi chợt nhớ ra “chuyện đùa” của Mao tối qua.

Tớ phải ra đi, vì đã đến lúc. Tớ cần xóa sạch mọi thứ. Tất cả những gì liên quan đến tớ.

Tôi vội quay lên căn hộ và thấy mọi thứ không có gì thay đổi. Tạp chí thời trang, sách nấu ăn trên giá sách ở phòng kiểu Nhật, quần áo trong tủ, ga màu hồng trên chiếc giường đôi, tất cả vẫn còn nguyên.

Mao chỉ đùa thôi, làm gì có chuyện xóa được kí ức và đồ vật. Anh chị Hiraiwa cư xử lạnh lùng thế chẳng qua là do vẫn sốc từ vụ việc hôm qua.

Tôi nhấc điện thoại để gọi tới nhà bố mẹ Mao. Người nghe máy là mẹ Mao.

“Mẹ à. Con Kousuke đây.”

“…Ai vậy?”

Một giọng lạnh lùng, khô cứng đáp.

“Con, Kousuke đây mà.”

“Kousuke nào cơ? Nhà tôi chẳng có con trai hay con gái nào hết đâu.” Ở đầu dây bên kia, giọng mẹ Mao vang lên gay gắt. “Cậu là bọn lừa đảo chuyển tiền phải không? Nhà tôi là đấy đấy. Chồng tôi là cảnh sát đấy. Đừng hòng giở trò đó với tôi.”

“Không phải đâu ạ…”

Đầu bên kia dập máy.

Nhà tôi chẳng có con trai hay con gái nào hết đâu.

Câu nói lạnh lùng ấy cứ văng vẳng bên tai tối.

Mặt trời đã ngả về phía Tây nhưng Mao vẫn chưa về.

Nàng có cầm theo điện thoại nên tôi đã thử gọi vào máy nàng rất nhiều lần. Nhưng chỉ có giọng ghi âm của cô nhân viên tổng đài đáp lại.

“Số điện thoại của quý khách vừa gọi hiện không còn sử dụng. Đề nghị quý khách kiểm tra…”

“Vớ vẩn. Vớ vẩn.” Vừa lầm bầm tôi vừa đi lại trong căn hộ 2DK[1].

[1] Căn hộ gồm 1 phòng khách, 1 bếp và 2 phòng ngủ.

Đến tối, tôi tới cảnh sát để nộp đơn tìm người nhà.

Tôi chưa chợp mắt được lúc nào thì đã sang thứ Hai.

Tôi đã nghĩ đến việc nghỉ làm ở nhà đợi Mao. Nhưng có việc phải giải quyết nên tôi đành đến công ty.

Tôi nôn nóng mong giờ chào cờ hết thật nhanh để gọi điện tới Lara Aurore. Sau khi được nối máy với trưởng phòng Kajio, tôi chào hỏi theo đúng thông lệ rồi vào ngay chủ đề chính.

“Xin hỏi có Watarai ở đó không ạ?”

“Hả? Watari à?”

Giọng nói thoáng chút bối rối.

“Không, Watarai. Là họ cũ.”

“Nhân viên trong phòng Quan hệ công chúng à?” Một khoảng lặng khó chịu. “Ở chỗ tôi không có ai tên thế…”

Câu trả lới đúng như đã lường trước lại khiến tôi choáng váng, Có vẻ như Mao đã thẳng tay xóa hết dấu vết cả ở nơi làm việc từng là mơ ước của nàng từ thời cấp III.

Tôi cố làm mặt bình thản để quay lại với công việc nhưng sự bồn chồn và lo lắng cứ ngày một tăng thêm. Nghĩ có thể Mao đã quay về nên cứ rảnh là tôi lại gọi điện về nhà nhưng chưa lần nào thấy Mao nghe máy. Lo nàng bị lạnh vì lúc đi chỉ mặc mỗi áo có mũ và quần bò, tôi liên tục ngó ra ngoài cửa sổ nhìn mây. Mặc dù người đang rất mệt vì thiếu ngủ nhưng tôi chẳng có tâm trí nào nghĩ tới chuyện tranh thủ chợp mắt trong giờ làm.

Buổi chiều, tôi cố làm mặt tươi tỉnh rồi mon men lại gần cấp trên.

“Anh Tanaka, em hỏi anh chuyện này được không?”

“Ừ?”

Anh Tanaka ngả người ra sau khiến chiếc ghế kêu cót két.

“Về công ty Lara Aurore.”

“Sao cơ? Đừng nói với tôi cậu lại muốn quay lại vị trí phụ trách đấy.”

“Không ạ, em chỉ muốn hỏi là công ty bên ấy có ai tên Watarai không nhỉ?”

“Watarai? Tôi chưa nghe thấy bao giờ.”

Quả nhiên, một câu trả lời giống hệt trưởng phòng Kajio và anh Hirawai. Trống ngực tôi đập dồn dập.

Anh Tanaka vừa hỏi tôi “muốn quay lại à”, điều này đồng nghĩa với việc tôi từng phụ trách Lara Aurore. Lý do tôi không được phụ trách nữa hẳn nhiên là do cưới Mao rồi nhưng cụ thể là thế nào.

“Sao em không phụ trách công ty đó nữa nhỉ?”

Tôi làm bộ thờ ơ nhưng nah Tanaka lại chớp mắt liên tục.

“Okada này, lẽ nào cậu là người bí mật chơi thuốc vào cuối tuần?”

“Không ạ.”

Nhìn tôi nghiêng đầu tỏ vẻ không hiểu, anh Tanaka thở dài thườn thượt.

“Trưởng phòng quyết định loại cậu ra khỏi vị trí phụ trách vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa cậu – người nhiệt tình thái quá với Lara Aurore – và phòng Truyền thông. Cậu quên rồi hả? Xét về mặt nào đó thì cậu cũng đáng gờm phết đấy.”

Bị Tanaka chọc vào người, tôi cười lấp liếm: “Tất nhiên là em nhớ.”

Thế là rõ. Tất cả mọi người đều quên Mao. Mà không. Người có tên là Okuda Mao đó ngay từ đầu đã không tồn tại trên thế giới này. Cấp trên, đối tác, hàng xóm, thậm chí cả bố mẹ nuôi của nàng giờ đã trở thành cư dân của thế giới không có nàng.

Nước mắt bỗng chảy ra từ đôi mắt đang cười của tôi.

“Em xin phép.”

Cố nén giọng run run, tôi chào rồi lao vội ra hành lang. Tôi cứ cúi gầm mặt xuống, chạy thẳng đến nhà vệ sinh, lao ngay vào phòng rồi lấy khăn mùi soa ra che miệng để ngăn tiếng khóc khỏi bật ra.

Đang giờ làm việc. Không phải lúc để khóc.

Tôi đã cố tự nhủ như vậy nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn không ngừng. Kết cục là cả ngày hôm đó tôi hầu như chẳng làm được việc gì.

Tưởng trở về nhà sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhưng không.

Căn hộ 2DK tràn ngập đồ vật Mao đã sử dụng. Giày bệt, bốt. Cốc uống cà phê. Đũa. Bát nhỏ. Đồ tẩy trang trong phòng tắm. Trong tủ quần áo, những bộ đồ lót Lara Aurore mà Mao ưa thích được xếp gọn ghẽ.

Chủ nhân của những vật dụng cho đến ngày hôm qua vẫn được sử dụng như lẽ tự nhiên ấy giờ không còn ở đây nữa. Phải đối mặt với thực tế khó lòng chấp nhận này, suýt nữa tôi đã hét toáng lên.

Tôi nằm vật ra giường vùi mặt vào gối của Mao. Lẫn giữa mùi hương nhân tạo của dầu gội đầu và dầu dưỡng tóc, tôi vẫn tìm ra mùi cơ thể nàng. Hít thứ mùi khiến tim đập rộn ràng như không khí sau cơn mưa xong, một nỗi buồn tê tái đến điên dại lại ùa tới.

Tôi muốn đến chỗ Mao.

Tôi đã nghĩ thế. Nếu không có Mao thì làm việc, mua sắm, ăn, ngủ, khóc, cười còn ý nghĩa gì nữa đâu.

Tôi ra khỏi giường, đi loanh quanh trong nhà mong tìm được manh mối nào đó về nàng. Mắt tôi dừng lại ở chiêc máy tính xách tay để trong phòng kiểu Nhật.

Tôi khởi động máy tính, thầm hy vọng biết đâu nàng để lại lời nhắn nào đó.

Tôi mở vài thư mục nhưng chẳng tìm được thứ gì giống như nhật ký hay thư riêng gửi cho tôi. Trong phần mềm gửi thư điện tử cũng không thấy có lịch sử trao đổi với Yamai hay Kanazawa. Không biết là do bọn họ liên lặc bằng điện thoại hay Mao đã xóa sạch đi.

Đúng lúc tôi bỏ ý định tìm tiếp thì nhìn thấy một thư mục đề “Công việc”. Lẫn trong số các tài liệu cuộc họp, phác thảo công tác báo chí là một tài liệu bảng tính có tiêu đề “Chi tiêu gia đình”. Tôi nhấp chuột vào đo ngay.

Trong bảng tính được chia theo tháng là những con số chi tiết, từ tiền nhà, tiền đi siêu thị, tiền điện nước, tiền điện thoại, cho đến tiền thay pin đồng hồ đeo tay.

Tôi không hề biết Mao lập bảng chi tiêu này. Hàng tháng, tôi chỉ biết đưa nàng một phần tiền lương, còn nàng thì đã quản lý và ghi chép chi tiêu rất cẩn thận. Tôi thấy giận bản thân vì thói nông nổi, vội trách cứ nàng chuyện thắt chặt hầu bao.

Dưới mỗi tháng đều có một cột ghi chú để Mao tự kiểm điểm và ghi lại cảm tưởng của bản thân.

Tháng Mười một: anh Kousuke tặng mình nhẫn cưới. Chiếc nhẫn trông có vẻ đắt, phí phạm quá. Nhưng mình vui lắm. Thật may vì mình đã sống. Cảm ơn Kousuke. Em yêu anh.

Tháng Chín: Tranh thủ ba ngày nghỉ, mình về thăm bố mẹ. Lần nào cũng vậy, mình và Kousuke lại bất đồng ý kiến về chuyện tàu xe, mình muốn đi chuyến Tozai là tuyến rẻ nhất nhưng phải đi vòng, còn Kousuke thì muốn đi tuyến Keisei đắt nhưng nhanh hơn. Cuối cùng thống nhất đi tuyến Sobu – vừa rẻ vừa nhanh. Luôn luôn là như vậy.

Tháng Bảy: Vì Momo mà hôm nay mình đã mua tận ba chai rượu Nhật Bản loại 720ml. Chỉ vì muốn thể hiện sự hiếu khách mà mình đã phô trương quá đà. Bánh kem Momo mang tới rất ngon. Có điều ăn xong một tiếng là mình bị nôn thốc nôn tháo.

Đang buồn nẫu ruột nhưng đọc những lời của Mao, khóe miệng tôi cứ nhếch lên cười.

Tuy nhiên, khi đọc đến cột tháng Sáu và tháng Năm, nụ cười trên mặt tôi tắt ngấm.

Tháng Sáu: Việc giấu tiền mặt bị phát hiện sớm hơn rất nhiều so với tính toán. Mình bị Kousuke giận. Tạm thời lần này mình sẽ gửi lại vào tài khoản. Nhưng gần đến lúc đó thì biết tính sao?

Tháng Năm: Xem opera về rồi đi chợ. Mình cầm chắc cái túi thế mà vẫn bị rơi, khiến trứng trong túi vỡ. Sốc quá, có lẽ không còn lâu nữa.

Tôi quay lại phòng ngủ, quỳ xuống trước bàn phấn, mở ngay ngăn kéo dưới cùng. Tôi nhấc hộp đồ trang sức ra, quả nhiên có một chiếc phong bì đựng tiền mặt bên dưới. Mao lại rút tiền ra sau khi tôi thôi không kiểm tra số tiền gửi chăng? Tôi cầm phong bì lên xem, ngoài tiền mặt, bên trong còn có một bức thư.

“Tài khoản ngân hàng sẽ biến mất cùng với em nên em rút sẵn tiền ra đây. Anh hãy dùng nó để trả tiền nhà và trang trải thêm sinh hoạt phí nhé. Mao”

“Sao em không dẫn anh theo hả Mao?”

Tôi vắt kiệt cổ họng để gọi tên vợ. Cọc tiền trên tay bỗng trở nên nặng nề, lạnh lẽo.

__________

Nếu tính cả thời sinh viên, tôi đã sống một mình trong sáu năm – tức bảy mươi hai tháng.

Nghĩa là tôi đã có nhiều năm trở về căn phòng chưa sáng đèn, một mình ăn tối, một mình đi ngủ. So với quãng thời gian đó thì mười tháng sống cùng Mao chẳng thấm tháp gì. Nghĩa là quãng thời gian không sống một mình đó mới là ngoại lệ và giờ tôi chỉ quay lại cuộc sống cũ mà thôi.

Tôi vừa trải qua một giấc mơ ngọt ngào, thú vị. Nếu nhìn nhận quãng thời gian sống với Mao theo cách đó, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Nhưng tôi vẫn buồn. Buồn không để đâu cho hết.

Đã mười ngày trôi qua kể từ hôm Mao biến mất, cảm giác mất mát không những không giảm đi mà còn tăng thêm.

Phía cảnh sát cũng chẳng có tin tức gì sau hôm tôi nộp đơn nhờ tìm kiếm. Đương nhiên rồi. Bởi ngay từ đầu Mao đã không tồn tại.

Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng nước mắt tôi vẫn tự động trào ra. Tôi thường bị như vậy mỗi khi đợi đèn xanh để băng qua đường, ví như lúc này. Tay tôi tìm kiếm hơi ấm trong vô thức, nhưng mỗi khi nhớ ra chẳng còn nữa bàn tay mà chỉ cần chạm vào sẽ nắm tay tôi lại ấy, tôi thấy buồn vô hạn.

Chẳng có gì lạ nếu người đi đường tò mò nhìn một người đàn ông mặc vest bỗng nhiên rút khăn mùi soa ra lau mắt. Bản thân tôi ngày xưa mỗi khi thấy ai có hành động kỳ quặc như vậy cũng chép miệng bảo: “Tội nghiệp quá.” Hẳn trong số họ cũng có người vừa mất đi người quan trọng trọng đời giống như tôi.

Tôi thay đổi lộ trình đi làm. Nếu trước đây, đến ga Nerima thuộc chuyến Seibu Ikebukuro, tôi đổi sang tuyến Oedo rồi xuống ở ga Tochomae thì bây giờ, tôi đi đến tận ga cuối là Ikebukuro rồi chuyển sang tuyến Yamanote và xuống ở ga Shinjuku. Biết là đi xa hơn nhưng tôi không muốn đi theo lộ trình cũ. Lý do là tôi muốn tìm Mao. Hằng ngày, Mao vẫn đi theo lộ trình này để đến Ebisu. Tôi tìm Mao ở ngã tư trước cửa ga Ikebukuro, trong xe điện tuyến Yamanote. Đương nhiên tôi biết là Mao không ở đó. Nhưng tôi vẫn không thể không tìm.

Lúc nào cũng trong tình trạng này nên tôi không thể tập trung cho công việc được. Thường cuối năm công việc ngập đầu nhưng tôi hoàn toàn đứng ngoài không khí bận rộn ở công ty.

Sau khi Mao biến mất, ngày nào tôi cũng bị anh Tanaka quở trách nhưng đột nhiên hôm qua, trưởng phòng trực tiếp nói với tôi: “Hôm nào mệt cậu cứ nghỉ ở nhà, đừng cố.” Bản thân tôi cũng nhận ra uy tín của mình bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng tự tôi thì chẳng làm được gì. Cơ chế cảm xúc của tôi không hữu dụng tới mức vừa mất vợ mà đã có thể quay lại ngay với công việc bằng cách ấn nút chuyển. Dù vậy, tôi vẫn đi làm, bởi nếu ở nhà, tôi sẽ chỉ nghĩ đến Mao.

Tại căn hộ, những thứ liên quan đến cuộc sống của Mao vẫn còn nguyên như hôm nàng bỏ đi. Đồ trang điểm ở bàn phấn, bàn chải ở bồn rửa mặt, hoa anh thảo đã nở ở ban công. Sống hàng ngày tại đây không thể tránh việc những thứ đó đập vào mắt nên mỗi lần nhìn chúng, tôi lại khóc nấc lên.

Nhưng khổ nhất vẫn là lúc đi ngủ. Chiếc giường đôi chiếm nửa diện tích căn phòng sáu chiếu trở nên quá thừa thãi cho một người.

Chiếc giường là nơi tôi đã chịu đủ thứ phiền phức như tranh cãi với Mao về điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, bị Mao đập cả cánh tay vào mũi khi nàng trở mình, nhưng khi không còn bị làm phiền về những chuyện ấy nữa, tôi lại thấy buồn vô hạn.

Tôi nhớ mọi thứ về Mao. Ánh mắt trầm ngâm như thể đang suy tính chuyện gì. Giọng nói ngọt ngào như rót mật vào tai. Bầu ngực nếu nằm ngửa sẽ gần như phẳng lì. Thói nhõng nhẽo đòi cọ lưng. Cả tính tùy hứng và cố chấp nữa, tất cả tôi đều nhớ.

Có lần tôi đã định vứt hết những thứ liên quan đến Mao vì nghĩ mình sẽ không chịu được cảnh cô độc này thêm. Nhưng cuối cùng tôi chẳng làm nổi.

Tôi đọc bảng thông báo của khu chung cư và biết rằng vụ Shu-kun rơi từ ban công được đổi thành đội cứu hộ kịp thời đến giải cứu trong phút chót. Tôi không rõ Mao làm thế nào nhưng bằng một năng lực bí ẩn, nàng đã làm được như mong muốn.

Hiện tại tôi chưa muốn tìm hiểu thêm về chuyện đó. Bởi tôi được giao một trọng trách quan trọng hơn.

Đó là phải nhớ tới Mao khi tất cả mọi người đều quên nàng. Vì vây, tôi không thể loại bỏ những bằng chứng về việc Mao đã từng sống ở thế giới này. Nếu tôi quên Mao thì chuyện nàng đã từng tồn tại sẽ không còn nữa. Khi đó sẽ là đau buồn thực sự chứ không chỉ là nỗi tiếc thương vì mất mát nữa.

Tôi không biết Mao đi đâu. Mao có thể xóa hết ký ức, bút lục của tất cả mọi người như vậy thì chắc nơi nàng đến sẽ là nơi tôi không bao giờ có hy vọng nhìn thấy.

Bởi vậy đương nhiên có tìm nàng ở chỗ làm cũng chẳng ích gì.

Biết thế nhưng bước chân tôi vẫn cứ tìm đến Lara Aurore. Chỉ vì lí do rất lãng xẹt rằng cuộc họp với khách hàng kết thúc sớm hơn dự định nên thừa thời gian.

Trời lạnh tưởng như sắp có tuyết rơi, ở quảng trường trước lối sang đường dành cho người đi bộ có đặt một cây thông khổng lồ, cả khu vực được trang hoàng đèn giáng sinh rực rỡ. Không biết có phải vì thế không mà trông ai cũng hớn hở.

Điều này với tôi chẳng dễ chịu chút nào. Việc thế giới vẫn ngang nhiên tồn tại dù không có Mao khiến trong tôi trào lên cảm giác thát vọng gần như tức giận.

Tôi bước vội vào tòa nhà như tháo chạy khỏi quảng trường, mỗi lúc một náo nhiệt khi mặt trời dần buông. Tôi mang bộ mặt rầu rĩ bước vào thang máy. Lên đến tầng của công ty Lara Aurore, tôi lại trông thấy một cây thông cao bằng người ở quầy lễ tân.

Sau khi cưới Mao, tôi không còn phục trách Lara Aurore nữa nên gần như mười tháng rồi tôi mới trở lại đây. Tôi vẫn nhớ mặt cô gái ở quầy lễ tân nhưng có khả năng cao là cô ấy đã quên tôi. Tôi bước lại quầy, chìa ra tấm danh thiếp. Lòng đang nặng trĩu nhưng hệt như phản xạ có điều kiện, tôi trưng được ra ngay một bộ mặt cười.

“Chào cô. Tôi ở bên công ty Japan Rail Ad.”

“Ồ, anh Okuda, lâu rồi mới gặp anh.”

Có vẻ như cô ấy vẫn nhớ tôi.

“Vâng, lâu quá rồi. Cô làm ơn nối máy cho tôi với cô Watarai Mao ở phòng Quan hệ công chúng.”

“… Watarai! Xin anh đợi một chút.”

Thoáng vẻ bối rối ẩn sau nụ cười. Tôi giả như không nhận ra sự thay đổi đó, ngồi xuống ghế sofa như lời cô bảo. Cô gái bấm số nội bộ, lấy tay che đầu ống nói.

Thường thì cuộc gọi sẽ kết thúc ngay nhưng hôm nay lại kéo dài lâu. Sảnh chờ bài trí đơn giản với gam trắng chủ đạo có bật nhạc giáng sinh nên tôi không nghe được nội dung cuộc gọi.

Rất tự nhiên, mắt tôi hướng về cánh cửa kính đen tự động phía sau quầy lễ tân. Lúc Mao còn ở đây, không lâu sau khi tôi liên hệ với lễ tân, nàng sẽ bước ra từ cánh cửa dó, lịch sự cúi đầu chào nói: “Xin lỗi đã để cậu phải đợi.”

Kết thúc cuộc gọi, cô lễ tân đặt máy xuống, gọi tôi với vẻ lo lắng.

“Anh Okuda.” Chỉ cần nhìn gương mặt thảng thốt của cô tôi có thể hình dung được câu tiếp theo cô sẽ nói. “Xin lỗi anh, công ty chúng tôi không có ai tên là Watarai cả.”

Tôi chẳng ngạc nhiên cũng chẳng thất vọng. Chỉ nghĩ: “Quả nhiên là thế.” Vậy mà nước mắt cứ trào ra.

“Xin lỗi cô, tôi bị dị ứng. Tôi sẽ quay lại vào dịp khác.”

Cố nén giọng run run và cáo lỗi, tôi quay người bước đi.

“Nếu anh cần, tôi có thể gọi chị Kajio.”

“Không cần đâu, cuối năm nên tôi chỉ định đến chào thôi. Xin lỗi cô, nhờ cô gửi lời chào của tôi tới trưởng phòng Kajio.”

Biết là thất lễ nhưng tôi đành phải từ chối đề nghị của cô lễ tân để lao ra hành lang và chạy vào thang máy.

Tôi đang chờ đợi điều gì đây? Tôi tưởng đến quầy lễ tân của công ty thì Mao sẽ ra gặp tôi ư? Tôi đang ôm ảo tưởng rằng biết đâu cuộc sống đó sẽ quay về ư?

Tôi nghiến răng để ngăn tiếng khóc và bước ra bên ngoài. Dù ngoài trời đang lạnh tê tái nhưng tôi vẫn rút khăn mùi soa ra đắp lên mặt để gải vờ lau mồ hôi. Ánh đèn Giáng sinh nhạt nhòa trước mắt.

Thật ngu ngốc. Tôi đến đây làm gì chứ. Ăn vạ ở công ty chưa đủ hay sao mà còn đến tận chỗ khách hàng nữa, chẳng ra làm sao cả.

Tôi phải chấp nhận thôi.

Mao chẳng có ở đâu hết.

Tôi cố lấy lại bình tĩnh, trở về công ty ở Tây Shinjuku, làm vài báo cáo, kiểm tra email rồi nhanh chóng rời khỏi công ty lúc 6 giờ. Ngày mai và ngày kia đều có lịch liên hoan cuối năm nên có mấy việc phải xử lý luôn trong hôm nay. Nhưng với tâm trạng này, tôi không thể chú tâm vào công việc nổi.

Tuy ông mặt trời từ sáng chẳng ló mặt ra được lần nào nhưng có lẽ cũng gửi được chút nắng xuống trái đất qua tầng mây dày. Chả thế mà khi mặt trời lặn, không khí bỗng trở nên lạnh hơn, từng cơn gió hút qua khe tường giữa hai tòa nhà chỉ chực cướp đi hơi ấm của cơ thể một cách không thương tiếc. Tôi chạy xuống đường hầm như thể bị ai đuổi.

Tôi lặng lẽ đi dọc đường hầm dài hun hút, thê lương với hàng cột xám xịt. Ra tới quảng trường dưới lồng cầu thang[2] , số người bỗng dưng đông hẳn lên. Hầu hết bọn hộ đều là nhân viên ở công ty giống như tôi. Việc mỗi người bọn họ hiển nhiên đều có một gia đình riêng đối với tôi bây giờ lại như một kì tích.

[2] Lồng cầu thang: tương tự như gầm cầu thang, nhưng rộng và cao hơn.

Dòng người hối hả trở về nhà hòa vào đám đông bên ngoài cửa Tây rồi tản mát mỗi người một hướng. Dòng người lộn xộn với những tiếng nói cười không ngớt, tiếng phát thanh, tiếng gót giày làm óc tôi căng như dây đàn.

Tôi phải ngăn những suy nghĩ và cảm xúc này lại, ít nhất là đến lúc qua được cửa soát vé ga Oizumi-gakuen. Nếu không, tôi sẽ phải dùng đến khăn mùi soa trong tình trạng xe điện chặt như nêm.

Đúng lúc tôi lấy vé tháng từ túi áo khoác ra thì thấy có người hoi:

“Xin lỗi anh.”

Giọng nói này tôi đã từng nghe thấy.

Đó là một người đàn ông luống tuổi. Giọng ông rất ôn tồn, thế mà chẳng hiểu sao tôi cứ co rúm người lại.

Vừa nhìn thấy chủ nhân giọng nói, tôi giật nẩy mình, cổ họng bật ra tiếng “A”

Là bố Mao. Bên cạnh là mẹ nàng. Cả hai đều ăn vận rất trang trọng như thể đang đi tới buổi họp lớp.

Tôi định gật đầu chào theo phản xạ thì trong đầu nảy ra một thắc mắc. Lần trước tuy mẹ Mao dập máy điện thoại nhưng biết đâu hai ông bà vẫn nhớ tới anh chàng đã khiến con gái họ bỏ đi là tôi? Nếu vậy chắc là bọn họ vẫn nhớ tới con gái.

Với bộ mặt căng thẳng, ông bố lên tiếng.

“Xin lỗi anh. Chúng tôi muốn đến ga Hatsudai thuộc tuyến Keio thì nên đi lối nào?”

Đây không phải giọng nói với con rể. Đây là giọng nói gặp người lạ trên đường.

“Hatsudai? Dạ…”

Nén lại cơn xúc động, tôi ngước lên nhìn bảng chỉ dẫn được thả từ trần nhà xuống.

Hatsudai đúng là thuộc tuyến Keio nhưng chỉ có tàu Keio-shin nối với tuyến Toei-shinjuku là dừng ở ga Hatsudai. Cửa soát vé tuyến Keio và Keio-shin lại nằm ở hai chỗ khác nhau. Thật ra bên trong cửa Keio vẫn có đường đi sang tuyến Keio-shin nên đi qua cửa nào cũng được nhưng với hai ông bà đã bước sang tuổi lục tuần này, tôi sợ có giải thích họ cũng không hiểu.

“Lối đi trong này hơi phức tạp nên cháu sẽ dẫn hai bác tới cửa soát vé.”

Thấy tôi đề nghị như vậy, hai ông bà trông có vẻ yên tâm hơn. Bà mẹ mỉm cười rạng rỡ.

“Cảm ơn cậu. Được vậy thì còn gì bằng. Tôi đã hỏi nhân viên nhà ga rồi nhưng họ giải tích rắc rối quá.”

“Không có gì đâu ạ. Mời hai bác theo lối này.”

Tôi đi chậm lại để bước cùng hai ông bà giữa đám người hỗn độn dưới đường hầm.

Trong lúc đi, ông bố quay sang hỏi bà mẹ:

“Mấy giờ rồi bà?”

“6 giờ 15 phút. Không biết có kịp không?”

“Tôi đã bảo là đi sớm lên rồi.”

“Không đi sớm hơn được. Lẽ ra mình nên lên tàu nhanh ở ga Ochanomizu mới phải.”

“Hai bác đang vội ạ?”

Thấy tôi hỏi, ông bố cười ngượng nghịu đáp.

“Vâng, chúng tôi muốn đến ga Hatsudai trước 7 giờ. Có kịp không anh?”

“Kịp ạ. Hatsudai cách đây có một ga thôi, đi hai, ba phút là tới.”

“Vậy hả. May quá.”

Lúc đi qua trung tâm thương mại Keio với rất nhiều cửa hàng ăn uống và cửa hàng quần áo nằm san sát nhau, tôi hỏi bâng quơ.

“Hai bác đến Hatsudai là…”

“Vâng, để xem opera.” Mắt bà mẹ long lanh như cô gái mới lớn. “Chúng tôi xem ở chỗ tên là Nhà hát Quốc gia mới. Vở Don Giovanni phải không ông? Của Mozart.”

“Ờ.” Ông bố đáp cụt lủn rồi quay sang nói với tôi như phân bua: “Biết là opera không hợp gì với chúng tôi nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn muốn đi xem một lần cho biết.”

Tôi hít thở, cố gắng ngăn dòng nước mắt chực trào ra.

“Hay lắm bác ạ. Cháu đã xem một lần rồi, nhưng là trích đoạn khác.”

“Anh từng xem rồi à?”

“Vâng. Trước đây, cùng với vợ cháu.”

“Ồ, anh có vợ ư?”

“Vâng. Lúc cưới nhau, bọn cháu bị bố mẹ cô ấy phản đối.”

“Họ đúng là không biết nhìn người.”

Tôi bật cười trước câu nói của ông bố - người đã phản đối bọn tôi.

Gần đến cửa soát vé tuyến Keio-shin, bà mẹ buột miệng nói:

“Không biết cơm của Mao có đủ không nhỉ? Đây là lần đầu tiên để nó ở nhà một mình nên tôi lo lắm.”

“Không sao đâu. Mao trông thế thôi nhưng chững chạc lắm.”

“Hả? Mao ạ…”

Trước câu hỏi vô thức bật ra của tôi, bà mẹ cười đáp.

“Chúng tôi mới nuôi một con mèo. Hai vợ chồng tôi sống với nhau, đến tuổi này rồi bỗng dưng lại thèm có con. Thế là sang xin con mèo của hàng xóm về nuôi.”

“Tên nó là Mao ạ?”

Ông bố gật đầu.

“Không giống tên mèo phải không? Biết vậy nhưng chúng tôi cảm thấy không thể dùng tên khác. Nuôi rồi mới thấy nó đáng yêu như con gái mình vậy. Chúng tôi mới nuôi lần đầu mà thấy như đã thân thuộc từ lâu lắm rồi, đúng là hai ông bà dở hơi nhỉ.”

Nói xong, ông bố rút từ trong ví ra tấm ảnh được ép dẻo. Trong ảnh là con mèo mướp màu nâu nhỏ xíu đang nghịch nghịch ngón tay người.

Mao ơi, đúng là bố mẹ giỏi thật đấy!

Tôi nhủ thầm trong lòng với Mao.

Khi ra đi, Mao đã muốn xóa sạch mọi thứ. Nhưng sự tồn tại của nàng vẫn còn hiện diện bên trong bố mẹ nàng, dù rất mong manh. Chắc chắn đây không phải là do Mao sơ suất. Mao đã từng là con gái của cặp vợ chồng này, dù không cùng huyết thống. Năng lực kỳ diệu của nàng có thể xóa được ký ức của đồng nghiệp, của hàng xóm, nhưng đã bất lực trước tình yêu của bố mẹ nàng.

“Cảm ơn anh. May quá đi mất.”

Mua vé tới ga Hatsudai ở máy bán vé tự động xong, hai ông bà cúi gập đầu cảm ơn tôi.

“Thực sự không mất công gì đâu ạ.” Tôi đã định đi rồi nhưng nghĩ thế nào lại nói thêm: “Lúc về, hai bác có thể đi thẳng từ Hatsudai đến Motoyawata bằng tuyến Toei, nếu hai bác không quen đổi tàu ở Shinjuku thì nên đi theo cách đó. Tuyến đó gần như chắc chắn có chỗ ngồi, lại nhanh và rẻ nữa. Từ Motoyawata, hai bác biết phải lên tuyến Sobu và đổi sang tuyến Noda ở ga Funabashi rồi phải không ạ?”

“Vâng. Anh chu đáo quá, cảm ơn anh.”

Cảm ơn tôi xong, cả hai người từng là bố mẹ vợ tôi cùng ngây người ra.

“Vậy cháu xin phép.”

Cố kiềm chế để không bật cười, tôi – kẻ qua đường lạ mặt tiến về cửa kiểm soát vé tuyến JR.

Rõ ràng là tôi đang ngủ. Rõ ràng tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế may mắn còn trống thì cơn mệt mỏi ập tới khiến tôi chìm ngay vào giấc ngủ khi tàu Yamanote chuyển bánh.

Nếu vậy thì đây là mơ.

Mẹ tôi lúc này đang trẻ hơn mười tuổi, nhíu mày nhìn tôi.

“Kousuke trả nó về thôi.”

Không. Con sẽ nuôi nó.

Cậu em trai rõ ràng mùa xuân tới sẽ tốt nghiệp đại học thế mà giờ lại đang là học sinh cấp I. Đúng là tôi đang mơ rồi.

“Anh ấy đang khóc kìa. Cấp II rồi mà còn khóc.”

Im mồm!

Thấy tôi giơ nắm đấm ra, cậu em vội nấp sau lưng mẹ.

“Tối qua ăn cơm xong lại thấy con ở lỳ trong phòng, mẹ đã ngờ ngợ rồi, hóa ra là chuyện này.” Mẹ tôi thở dài. “Mau thay quần áo đi. Không lại muộn học đấy.”

“Không. Hôm nay con ở nhà.”

Mẹ lại thở dài thườn thượt.

“Đến chịu con. Con cứ đi học đi, mẹ sẽ chăm sóc nó tới khi con về.”

Tôi nghĩ một lát rồi gật đầu.

Tàu bắt đầu giảm tốc. Tôi cố để không ngả sang người bên cạnh. Có tiếng loa thông báo đổi tàu. Sắp đến Ikebukuro rồi. Phải dậy thôi.

Tôi muốn kiểm chứng một chuyện.

Sau khi xuống tàu ở Ikebukuro, thay vì đến cửa soát vé tuyền Seibu Ikebukuro, tôi ra khỏi ga bằng cửa Đông.

Gió lạnh ùa tới con đường trước trung tâm thương mại cạnh ga. Tôi cài cúc áo khoác, băng qua đường, người run cầm cập.

Sau khi đọc bảng hướng dẫn trước cửa hiệu sách lớn, tôi đi bằng thang cuốn lên tầng bán sách ứng dụng.

Hình ảnh Mao cứ chập chờn trong đầu.

Thiếu kiên nhẫn, cả thèm chóng chán. Hay bỏ thừa cơm ở trường. Năng lực trí tuệ thấp đến nỗi bị gán cho biệt danh “đệ nhất bã đậu.” Cảm giác thăng bằng tốt, có thể dễ dàng đứng trên đỉnh mô hình jungle gym.

Lao đi như chạy trong cửa hàng ấm áp và yên tĩnh, tôi tìm được kệ sách về mèo ở khu vực sách động vật.

Vớ được bất cứ quyển nào trong thư viện khổng lồ là tôi lại mở ra xem. Kèm theo vô số ảnh, tranh minh họa đáng yêu là những lời miêu tả rất giống về Mao, không, phải nói là y hệt về Mao.

Sự cẩn trọng trong khi thổi cốc cà phê đã gần nguội. Kiểu tùy hứng thay đổi chỗ hẹn. Kiểu nũng nịu đòi cọ lưng. “Lông mùa hè” rụng với số lượng lớn. Rơi từ tầng ba xuống mà không bị thương. Cuối cùng là vòng đời ngắn ngủi mười ba năm và tập tính bỏ đi khi biết mình sắp chết.

Ra vậy. Mao không bị ngược đãi về thể xác, cũng chẳng phải cô gái có phép thuật gì.

Cửa hàng đang bật lò sưởi mạnh đến nỗi áo khoác của tôi trở nên thừa thãi, vậy mà tôi lại nổi hết cả da gà.

Tôi nhớ lại lần truy hỏi Mao ở quán ăn tại Kamagaya rằng “Nếu còn có bí mật nào muốn tiết lộ thì giờ là lúc đấy.” Lúc đó Mao mỉm cười đầy ẩn ý và nhìn ra chỗ khác.

Mao kia, hóa ra em giấu anh bí mật to lớn thế này cơ à? Em bảo “Làm gì có” là sao.

Tôi áp tay áo khoác lên mặt để che đi nụ cười và nước mắt.

Giả sử Mao có tiết lộ thân phận nàng trước khi biến mất, chưa chắc tôi đã bận tâm. Nhưng sau khi Mao biến mất thật và xóa bỏ không chỉ toàn bộ dấu vết lúc nàng còn sống mà cả kí ức của những người liên quan, tôi buộc phải chấp nhận dù không hiểu tại sao.

Nói đến mới nhớ, tôi đã từng nghe chuyện mèo biến thành người.

Tôi tìm tất cả những quyển sách viết về quan hệ nhân sinh, chúi mũi vào những Chương viết về mèo đến mức quên cả thời gian. Tất cả những truyền thuyết, chuyện dân gian từ cổ chí kim đều thấp thoáng bóng hình Mao trong đó khiến tôi phải liên tục lấy tay áo lau mặt.

Tôi chọn ra ba cuốn ưng ý nhất rồi đem xuống tầng một trả tiền. Ngay khi cho sách vào cặp, tôi nhớ ra còn một nơi nữa cần ghé qua.

Tôi quay lại ga Ikebukuro nhưng không đi về phía cửa soát vé mà bước lên thang cuốn của trung tâm thương mại bên cạnh. Bên trong trung tâm cũng trang hoàng không khí Giáng sinh nhưng tôi không trào lên cảm giác giận dữ như lúc ở Ebisu nữa.

Cửa hàng băng đĩa ở tầng trên đang bật nhạc Giáng sinh với âm lượng khá lớn, Tôi đến góc bày đĩa nhạc phương Tây và tìm giá đĩa “B”. Tôi tìm thấy ngay chiếc đĩa cần tìm.

Đĩa Pet Sounds của The Beach Boys.

Đây là đĩa có bài “Thật tuyệt với phải không” mà Mao muốn tôi nghe.

Bìa đĩa màu xanh lá cây in hình năm chàng trai, người mặc vest, người mặc áo khoác.

Đúng như Mao nói, hình ảnh năm chàng trai giản dị cho dê ăn trong vườn bách thú hay đâu đó tương tự đã phủ nhận định kiến cho rằng The Beach Boys chỉ có nhạc lướt sóng.

Tôi mang chiếc đĩa Mao ca ngợi tới quầy, nôn nóng chờ được tính tiền.

Kết thúc hành trình rẽ ngang rẽ tắt trong tâm trạng phấn khích, tôi lên chuyến Seibu Ikebukuro. Nhìn cảnh đêm trôi bên ngoài cửa sổ, tôi nhớ lại hình ảnh Mao lúc lẩm nhẩm hát bài “Thật tuyệt phải không”.

Những lúc khỏe hoặc vui vẻ, nàng đều hát bài này. Nàng lim dim mắt, hát bằng giọng gió hơi lệch tông. Nếu vui hơn, nàng sẽ hát cả đoạn điệp khúc lẫn đoạn nhạc đệm.

Nàng hát mọi lúc mọi nơi, nhiều đến nỗi tôi nhớ được cả giai điệu. Vì vậy câu nàng nói hôm ở bệnh viện về: “Tớ là kẻ tuyệt đỉnh hạnh phúc.” Chắc chắn là nơi thật lòng của nàng. Chỉ cần thế thôi cũng khiến tôi vui lắm.

Hình như chuyến tàu trước bị trục trặc nên chuyến bán tốc hành xuất phát từ ga Công viên Shakuji phải từ từ quay ngược hành trình. Thế này thật chẳng khác nào trêu ngươi tôi vì tôi chỉ muốn nhanh chóng về nhà để xem lời bài hát.

Về đến ga Oizumi-gakuen thì tôi mất hết kiên nhẫn. Gió trong sân ga lạnh tới mức tôi cảm tưởng như xương mình cũng đông cứng lại, nhưng tôi mặc kệ, ngồi ngay xuống băng ghế chờ. Suýt nữa thì nhảy dựng lên khi mông vừa chạm vào mặt ghế nhựa, tôi ngồi xuống và mở cặp ra.

Tôi lấy ra chiếc đĩa CD, bóc vỏ và mở tập lời bài hát với bàn tay tê cóng. Đến lúc này tôi mới phát hiện ra mình đã mua nhầm đĩa nhập khẩu. Tôi tìm lời dịch tiếng Nhật nhưng không thấy có. Đang hối hận vì mua nhầm thì tôi liếc thấy ngôn từ trong bài hát có vẻ không quá khó hay bóng gió xa xôi gì. Với vốn tiếng Anh còm cõi, tôi vẫn có thể hiểu được nghĩa.

Trong lúc đọc và nhẩm dịch trong đầu từng lời bài hát, một đợt run rẩy không phải vì lạnh chạy khắp người tôi.

Quãng thời gian hạnh phúc bên nhau

Giá như nụ hôn này kéo dài mãi mãi

Thật tuyệt phải không

Những gì chúng ta đã mơ, đã cầu nguyện, đã ao ước, đã hy vọng

Bắt đầu sẽ thành hiện thực

Chẳng có gì mà ta không làm được

Nếu cưới nhau, chúng ta nhất định sẽ hạnh phúc

Thật tuyệt phải không

Tôi không kìm được tiếng khóc. Tay cầm tập lời bài hát, tôi bật ra tiếng thổn thức trước ánh mắt của những người xung quanh. Có lúc tiếng khóc của tôi bị tiếng tàu át đi nhưng chỉ trong vài giây. Trông thấy có người mặc vest khóc nức nở ở sân ga giữa đêm tối, hành khách và nhân viên nhà ga kín đáo đứng nhìn từ xa.

Gió bỗng lạnh hơn.

Chẳng có mấy ai ra đường trong thời tiết này nên đoạn đường từ ga về nhà im ắng đến nghẹt thở.

Nước mũi tôi chảy ròng ròng.

Vừa sịt mũi vừa lau nước mắt, tôi lê bước qua khu phố chợ buồn thê lương rồi rẽ ở góc có cửa hàng bánh trôi nếp đã hạ cửa sắt xuống.

Lúc đi chợ cuối tuần ở đây, Mao cũng lẩm nhẩm hát câu “Nếu cưới nhau, chúng ta nhất định sẽ hạnh phúc.Thật tuyệt phải không” Cả lúc nấu ăn cũng vậy. Cả lúc tưới hoa ở ban công nữa.

Tôi có thể khẳng định một điều. Rằng thời gian sống với nhau tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã rất hạnh phúc.

Ngã tư có Sở thuế hiện ra trước mắt. Chỉ cần rẽ ở góc đó là về đến chung cư. Ở đó có căn hộ của chúng tôi, nơi Mao bị hấp dẫn ngay bởi ánh nắng trong phòng kiểu Nhật.

Một trong những quyển sách tôi vừa mua có một đoạn khiến tôi chú ý.

Rẽ ở ngã tư vắng không một bóng người, tôi ngẩng đầu nhìn tòa chung cư và nhẩm lại đoạn đó trong đầu.

Thành ngữ phương Tây có câu: “Loài Mèo có chín kiếp.” Đây là câu người xưa dùng để so sánh kiếp luân hồi với khả năng sống dai cũng như phục hồi của loài mèo dù bị rơi từ trên cao xuống cũng không chết.

Chín kiếp.

Cô bé lang thang trong đêm tối với bộ dạng như lúc lọt lòng.

Đang nhẩm đi nhẩm lại câu đó trong đầu, chợt tôi dừng lại. Dưới ánh đèn đường mờ ảo, hơi thở tôi phả ra trắng xóa.

“Không biết Mao là kiếp thứ mấy nhỉ?”

“Thứ hai.”

Giọng nói ngọt ngào như rót mật vào tai.

Tôi giật mình ngoảnh lại thì tháy dưới chân mình, một con mèo lông xám đang nước lên nhìn tôi bằng đôi mắt màu hạt dẻ.

“Mao?”

Nhe chiếc răng bé xíu trong cái miệng đỏ lòm, con mèo đáp “mi mi”. Hệt như lần chúng tôi gặp nhau cách đây mười ba năm ở công viên bạch quả.

Có thứ gì lấp lánh lòng thòng dưới cổ nó. Tuy không nhìn rõ nhưng có vẻ thứ bị kéo lê giữa hai chân sau ngắn một mẩu kia là một chiếc nhẫn.

Tôi khịt mũi rồi cất tiếng hỏi con mèo dưới chân.

“Mao, em ăn con Brian đúng không?”

Con mèo ngoảnh đi chỗ khác, tránh cái nhìn của tôi rồi cọ lưng vào cổ chân tôi như để lấy lòng. Có vẻ tôi đã nói đúng.

Có kiếp thứ ba nghĩa là sẽ còn kiếp thứ tư, thứ năm.

Tôi nhớ lại câu Mao đã nói ở công viên bạch quả.

Em sẽ theo Kousuke đến tận lúc Kousuke chết. Bởi tớ bám dai lắm.

“Đúng là dai thật.”

Tôi quỳ xuống, bế con mèo lên. Cảm giác mềm mại và ấm áp từ lòng bàn tay lan ra khắp cơ thể.

Khi tôi cọ má vào cái đầu bé xíu đó, kiếp thứ ba lại khịt mũi kêu: “mi mi.”

Lời bình

Nếu bạn gặp lại người bạn thầm thương trộm nhớ hồi cấp II? Nếu người đó giờ lớn lên bỗng xinh đẹp muôn phần? Và nếu người đó lại hâm mộ bạn? Chắc chắn khi đó bạn không thể không nghĩ đó là người tình định mệnh.

Chuyển vào lớp Kousuke năm lớp Bảy, Mao là một cô bé đáng yêu và thật thà. Nhưng chẳng bao lâu sau, bạn bè phát hiện ra Mao học kém đến nỗi chữ Hán cũng không biết đọc. Không thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh Mao bị bắt nạt, bị gọi là “đệ nhất bã đậu”, một ngày nọ, Kousuke đã lên tiếng bảo vệ Mao. Kể từ đó, cậu bị cả lớp xa lánh, nhưng bù lại, tình bạn giữa hai người trở nên khăng khít hơn và dần dà biến thành tình yêu. Lên đến lớp Tám, đến lượt Kousuke chuyển trường. Tưởng tình bạn của hai người sẽ dừng lại ở đó nhưng rồi họ tình cờ gặp lại nhau khi họ đã đi làm.

Mao giờ đã lột xác trở thành một cô gái cực kỳ sành điệu, thông minh, được nhiều người theo đuổi. Gặp lại nhau, tình bạn của hai người chuyển ngay thành tình yêu và họ bắt đầu tính đến chuyện cưới hỏi nhưng lại vấp phải sự phản đối của bố mẹ Mao. Lý do là Mao mang trong mình một bí mật lớn.

Nếu bạn đang đọc những dòng này, hẳn là bạn là người thích tiểu thuyết diễm tình. Nếu vậy, tôi tin trái tim bạn sẽ rung động mạnh khi thưởng thức chuyện tình của cặp đôi siêu sến như chính Kousuke – người trong cuộc – từng thừa nhận.

Bạn sẽ hòa vào cảm xúc của họ, cùng họ trải nghiệm cảm giác hạnh phúc. Thật ra tôi không phải là người thích tiểu thuyết diễm tình lắm. Nhưng có ba lý do sau khiến tôi thích thú theo dõi câu chuyện này.

Thứ nhất là do tò mò muốn biết bí mật của Mao – cô gái được nhận là con nuôi, không có ký ức thời thơ ấu. Tôi rất muốn biết đã có chuyện gì xảy ra với cô ấy trong quá khứ, đồng thời cũng lo không biết cặp đôi có giữ được hạnh phúc khi bí mật ấy được bật mí không. Chính vì thế mà tôi đã chăm chú theo dõi câu chuyện theo từng trang sách.

Thứ hai, Kousuke và Mao là một cặp cực kỳ cuốn hút. Hẳn nhiên là vì Kousuke tốt bụng, sẵn sàng bảo vệ cô bé bị bắt nạt rồi, nhưng ngay cả Mao vốn nhõng nhẽo vẫn có điểm gì đó khiến ta không thể ghét. Sự thật thà, không toan tính của Mao chắc chắn lấy được lòng các độc giả nữ.

Thứ ba, tôi rất ngưỡng mộ hai con người này, không chỉ bởi họ yêu nhau say đắm mà còn bởi họ thực sự biết nỗ lực để vun đắp một mối quan hệ vững chắc. Nếu câu chuyện chỉ xoay quanh “Anh yêu em/Em yêu anh” bởi cả hai đã coi nhau là người tình định mệnh, tôi nghĩ độc giả sẽ chán ngay. Nhưng cuốn sách không kể về một mối tình xuôi chèo mát mái mà khắc họa cụ thể hình ảnh đôi trai gái vượt qua thử thách, cùng nhau đối mặt với thời gian để thắt chặt hơn nữa sợi dây liên kết.

Ví như lúc hai người bị bố Mao phản đối. Tuy biết chuyện Mao là con nuôi nhưng đây là lần đầu tiên Kousuke nghe về việc Mao không có ký ức nên cậu đã rất sốc. Cậu đứng trước câu hỏi rằng mình có thể yêu mot655 người không biết rõ nguồn gốc bản thân hay không? Nhưng vì tin vào tình cảm của mình, Kousuke đã nói: “Cháu không yêu Mao bởi tên và lý lịch.” Mao là Mao. Tấm lòng trong sáng đó thật sự rất đáng tin cậy.

Gây ấn tượng mạnh nhất chính là đoạn Kousuke phát hiện ra điều đáng ngờ trong hành động của Mao sau khi hai người sống chung. Biết vợ giấu lượng tiền mặt lớn trong ngăn kéo, Kousuke đã tra hỏi khi Mao đi làm về. Ngay cả khi Mao đưa ra lý do có vẻ là thật, Kousuke vẫn không hết nghi ngờ. Hai vợ chồng đi ngủ trong tâm trạng nặng nề, Kousuke xin lỗi Mao vì đã quát vợ, đồng thời bảo:

“Về chuyện tiền bạc, nếu cần em cứ bàn với anh(lược). Nếu em nói trước với anh, anh sẽ bình tĩnh lắng nghe. Anh không bảo em phải giải thích ngay bây giờ, cứ để khi nào cả hai bình tĩnh cũng được.”

Kousuke ơi, cậu cư xử thật người lớn…tôi đang nghĩ thế thì thấy Mao lên tiếng:

“Em xin lỗi vì khiến anh lo lắng(lược). Nhưng em không có ý định dùng tiền vào việc xấu hay ngốc nghếch gì đâu, hãy tin em.”

Một người chồng tin tưởng vợ, không truy hỏi gắt gao dù biết chắc vợ có điều muốn giấu. Một người vợ cố gắng thành thật hết sức có thể dù hoàn cảnh không cho phép nói ra sự thật. Có thể đoạn hội thoại này thật sến nhưng nó đã cho người đọc thấy được hai vợ chồng rất biết nghĩ cho nhau. Họ không chỉ biết có yêu thương, nhung nhớ. Họ được gắn kết bởi tình yêu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Ngay cả lúc đùa nghịch với nhau, họ vẫn tiếp tục trưởng thành. Và trên thực tế, những đoạn hội thoại mùi mẫn trong lúc đùa nghịch ấy ẩn chứa vô số những điềm báo không thể bỏ qua.

Từ nửa sau bắt đầu xuất hiện bóng đen bao trùm lên cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Dù rất lo khi thấy Mao ngày càng thay đổi nhưng Kousuke chẳng thể làm được gì. Dù biết trước kết cục buồn đang chờ đợi phía trước nhưng Kousuke lẫn độc giả vẫn không tránh khỏi bị sốc.

Nhưng sau khi mọi chuyện được sáng tỏ, tôi đã nghĩ lại. Hai người đó có một tình yêu mới trong sáng làm sao. Việc yêu và được yêu đã có sức mạnh nâng đỡ trái tim thế nào. Việc có thể dành tình yêu cho nhau quả là một thứ hạnh phúc kỳ diệu.

Không chỉ tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Thứ khiến trái tim tôi lay động là hình ảnh bố mẹ Mao xuất hiện ở Chương cuối. Hình ảnh ấy đã chứng tỏ tình yêu dành cho đứa con gái không biết từ đâu tới mà họ hết lòng nuôi dạy dù không chung huyết thống là có thật và trải nghiệm đó đã nâng đỡ cặp vợ chồng già rất nhiều. Đến đây thì tôi không cầm được nước mắt.

Đọc lại cuốn sách sau khi biết được toàn bộ câu chuyện, tôi phát hiện ra thêm nhiều điềm báo. Cùng lúc, trái tim tôi như thắt lại khi biết Mao đã rất nỗ lực để gặp lại Kousuke. Mặc dù đã biết trước đoạn kết nhưng tôi vẫn bật khóc khi đọc đến nửa đoạn sau. Càng đọc, tôi càng thấm thía tình yêu của họ. Đúng vậy, quyển sách này rất đáng để bạn đọc lại lần hai.

Tôi sắp sửa tiết lộ bí mật, vì vậy, nếu có thể, bạn hãy đọc đoạn này sau khi kết thúc cuốn sách.

Là bởi, tôi cũng muốn bàn đến chủ đề liệu đây có phải là câu chuyện có hậu hay không.

Chuyện đã có một cái kết đáng yêu nên tôi nghĩ đa số độc giả khi gập lại cuốn sách đều có cảm giác ấm áp. Nhất là với những người yêu quý động vật thì đây quả là một cái kết tuyệt vời. Tôi cũng nằm trong đa số đó. Thậm chí lúc đọc lại cuốn sách để viết lời bình, tôi đã tưởng tượng…nếu chuyện này xảy ra với mình…và rơm rớm nước mắt nhìn con vật nuôi trong nhà. Độc giả nào giống như tôi chắc chắn không nghĩ câu chuyện có một kết thúc tồi.

Thế nhưng. Những người đọc tác phẩm này như một tiểu thuyết tình yêu vương giả, chưa chắc họ đã nghĩ như vậy là tốt. Có người sẽ nghĩ tội nghiệp cho anh chồng vì cuối cùng vẫn mất vợ hoặc lo không biết cậu ta có tái hôn được không.

Nhưng mọi chuyện sẽ ổn. Tôi nghĩ thế.

Tất nhiên, nỗi buồn của Kousuke sẽ không bao giờ chấm dứt. Việc cậu ấy mất vợ là điều không thể thay đổi. Nhưng sau khi biết được bí mật của Mao và nhận ra nàng xuất hiện trong hình hài khác, cậu ấy đã nói:

“Mao, có phải cậu đã ăn con Brian không?”

Đến đây, dù nước mắt đang rơi nhưng tôi không thể nhịn được cười. Và trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy rằng mọi chuyện sẽ ổn. Kousuke không khóc trước hiện thân mới của Mao, cũng không đòi Mao phải trở lại làm người. Kousuke chấp nhận bản chất thật của Mao. Vì vậy tôi nghĩ, ngoài việc sẽ yêu thương chú mèo nhỏ này(nhiều khả năng sẽ là một tình yêu thái quá), cậu ấy sẽ có một bước tiến mới. Tôi tin như thế.

Có thể lúc mới đọc, độc giả sẽ thấy đây là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng sau đó họ sẽ bị cuốn theo những yếu tố bí ẩn, đến khoảng giữa sách thì họ lo sắp có một bi kịch tình yêu nhưng đến cuối sách thì phát hiện ra đây là thể loại truyện kỳ ảo.

Cứ thế, cuốn sách khiến người đọc đi hết từ trạng thái cảm xúc này tới trạng thái cảm xúc khác. Nhưng tôi vẫn thấy mãn nguyện. Tác giả quả là một người kể chuyện tài tình.

Vì vậy, tôi rất tự tin được giới thiệu cuốn sách này với những người không quen với tiểu thuyết diễm tình. Ai đã đọc cuốn sách này hẳn là hiểu tại sao tôi lại làm thế.

Tháng 4 năm 2011

Cây bút tự do

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.