Cô Gái Trên Cây Sa Kê

Chương 2-3: Cảm giác của người đang yêu(3)




Nào ngờ Quang Huệ cũng có tình yêu mới. Anh ta là nha sĩ, làm nha sĩ ở một phòng khám tư nhân.

“Cậu đã cùng bạn trai làm chuyện đó chưa?” Địch Chi không chút e dè tra hỏi tôi và Quang Huệ.

“Cậu chỉ luôn quan tâm vấn đề này.” Tôi mắng Địch Chi.

“Đúng đó! Cậu không biết xấu hổ sao?” Quang Huệ cũng mắng cô ấy.

“Các cậu đừng có ngây thơ như vậy hoài được không? Sớm muộn gì các cậu cũng làm chuyện đó với một người đàn ông thôi.” Địch Chi lười biếng nói, “Đó thực sự là một chuyện tuyệt vời!”

“Nào! Tớ cụng ly với hai cô nàng trinh nữ các cậu!” Địch Chi nâng chén.

Sự cởi mở và khát vọng của Địch Chi đối với tình dục có lẽ là từ khi sinh ra đã có.

“Cậu có hứng thú làm bán thời gian không?” Địch Chi hỏi tôi.

“Làm việc gì?”

“Làm hiệu đính cho một tờ tạp chí, lương hàng tháng một nghìn đồng.”

“Được đấy! Tớ ghét dạy thêm.”

Tờ tạp chí kia xuất bản nguyệt san hương vị cuộc sống. Làm hiệu đính chỉ có tôi và một cậu con trai khác. Mỗi ngày đều bỏ ra mấy tiếng đồ hồ căng mắt ra nhìn bản thảo và bảo in ấn, đôi mắt vô cùng mệt mỏi rã rời. Một nghìn đồng mỗi tháng cũng không dễ kiếm.

Nhưng tôi có một mục tiêu. Chiếc kèn harmonica của Lâm Phương Văn đã rất cũ kỹ rồi, nhãn hiệu Nhạc Phong cũng không phải đồ tốt. Tôi muốn tặng anh một cái mới.

Tôi để dành ba tháng tiền lương làm thêm, buổi trưa chỉ gặm một ổ bánh mì.

Kèn harmonica của hãng Hồ Điệp Nhật Bản là hàng tốt nhất thời bấy giờ, có giá ba nghìn hai trăm đồng. Tôi chưa bao giờ mua món quà mắc như vậy cho người khác. Trong cửa hàng bán nhạc cụ, tôi cẩn thận kiểm tra chiếc kèn harmonica một lần rồi lại thêm lần nữa, người bán hàng cũng chê tôi xoi mói nhiều.

Chiếc kèn harmonica đặt trong một chiếc hộp gỗ nhỏ xinh, vô cùng tinh xảo. Tôi dùng giấy hoa gói nó lại, thắt bên trên chiếc hộp một chiếc nơ bướm màu vàng. Rồi tôi lặng lẽ đặt trên giường Lâm Phương Văn, lấy chiếc kèn harmonica cũ kỹ hiệu Nhạc Phong đi. Khi Lâm Phương Văn trở lại phòng, thấy chiếc kèn harmonica tôi tặng, anh nhất định sẽ rất cảm động.

Ba tiếng sau, anh đến khuôn viên trường tìm tôi. Lúc đó tôi đang đứng trước tủ để đồ. Tôi tưởng anh sẽ kìm lòng không đậu mà ôm tôi vào lòng, nhưng bộ dạng của anh rất dọa người.

“Kèn harmonica của anh đâu?” Anh nổi giận đùng đùng hỏi tôi.

“Kèn harmonica gì cơ?” Tôi có chút khó hiểu.

“Cái kèn harmonica hiệu Nhạc Phong của anh.”

“Em tặng một chiếc harmonica mới cho anh, anh không thấy sao?”

“Là em lấy kèn harmonica của anh?” Dáng vẻ của anh càng thêm hung dữ.

“Chiếc kèn kia quá cũ, cho nên em…”

“Trả chiếc kèn của anh lại cho anh.” Ánh mắt của anh quá đáng sợ. Tôi mở ngăn tủ để đồ, lấy chiếc kèn harmonica cũ ra, đặt bộp lên tay anh. Nước mắt của tôi cũng đã tuôn ra. Tại sao yêu một người lại đau lòng như vậy? Kèn harmonica có bí mật quan trọng gì hơn tình yêu sao?

“Trả lại cho anh, trả hết cho anh đó!” Tôi vừa khóc vừa nói, “Em dùng ba tháng lương mua cho anh một chiếc kèn harmonica, anh chẳng cảm kích chút nào!”

“Em không cần phải làm như thế.” Anh lại có thể nói với giọng điệu bình thản như vậy, giống như nói với một người bạn bình thường.

Chúng tôi trừng mắt nhìn nhau. Tất cả mọi người đều tận mắt chứng kiến tôi là người thua cuộc trong mối tình này. Tôi còn có thể ở lại đây sao?

Tôi ở nhà ngẩn người hai ngày, làm gì cũng không vui lên được. Điều buồn cười nhất là,  trong lúc căm hận anh chàng đó nhưng tôi vẫn sốt ruột mong ngóng anh ta gọi điện thoại cho tôi. Điện thoại không reo chuông, tôi bỗng thấy mình như một con ngốc. Anh ta đã làm gì cho tôi? Chẳng qua viết một bài hát, lấy cái mũ xuống mà thôi. Tôi lại trở nên hèn mọn như vậy. Vào buổi tối, tôi bật radio. Nó vẫn phát những bài hát tình ca, còn có bài hát Lâm Phương Văn tặng tôi.

“Nói với anh, anh và em liệu có tương lai hay không?

Đoạn cuối của thời gian, phải chăng cất giấu suy nghĩ của em…”

Từ từ, tôi phát hiện tiếng nhạc không phải đến từ radio, mà đến từ ngoài cửa sổ. Tôi tới trước cửa sổ, không dám tin Lâm Phương Văn đang ở dưới lầu thổi nhạc bằng chiếc kèn tôi đã tặng anh. Thấy cảnh này trên phim hay trong tiểu thuyết, tôi nhất định sẽ cười khẩy dè bĩu. Tôi cho rằng cách đó quá cũ mèm rồi, nếu như người yêu của tôi làm như thế, tôi nhất định sẽ đuổi đánh anh ta. Thế nhưng tôi khi đó hoàn toàn không có ý định đánh đuổi anh.

Tôi tắt toàn bộ đèn trong phòng, tôi không thể xuống dưới. Anh ta coi tôi là gì chứ? Mặc sức nhường nhịn anh ta sao, cũng để mặc anh ta lừa mình sao? Sau đó, anh thổi một bài hát tôi không biết, mang theo tâm tư đau thương lưỡng lự, giống như đôi tình nhân sắp sửa biệt ly. Kết thúc khúc nhạc, tôi không nghe thấy tiếng kèn harmonica nữa. Tôi nhào đến bên cửa sổ, không còn nhìn thấy anh.

Tôi chạy xuống dưới lầu, muốn tìm kiếm anh, nhưng không thấy bóng hình anh ở đâu. Anh là một người như thế đó, thích làm người khác thất vọng. Quay đầu lại, anh lại ở phía sau tôi.

“Sao anh còn chưa đi?” Tôi làm mặt lạnh hỏi anh.

“Đèn bàn của em còn chưa tắt.” Anh nói.

Đúng vậy, tôi cố ý để lại một ngọn đèn bàn.

“Giận anh sao?” Lâm Phương Văn hỏi tôi.

Tôi cố gắng gật mạnh đầu.

“Thật sự giận anh lắm sao?” Anh rất chán nản.

Tôi gật đầu khom mình đến chín mươi độ.

“Kèn harmonica là của ba anh để lại cho anh. Là món đồ duy nhất ông để lại cho anh.”

“Ba anh không còn sao?” Tôi sửng sốt.

“Ông là một thủy thủ hay u sầu, mỗi khi cô đơn ông lại đứng trên boong tàu thổi kèn harmonica. Mỗi năm, ông chỉ về nhà hai ba lần, đối với anh và chị anh mà nói, ông giống như một người xa lạ. Năm 1980, con thuyền ông làm việc trên đó đã gặp bão và chìm ở biển Panama, không một thuyền viên nào sống sót. Cảnh sát phát hiện trong khoang thuyền một chiếc kèn harmonica. Chiếc kèn harmonica để ở trong đống quần áo và vật dụng hằng ngày, vậy mà không bị chút sứt mẻ. Họ đã gửi chiếc kèn harmonica về đây. Đây là một chiếc kèn harmonica kỳ lạ, dính mùi tanh, gặp cảnh chìm thuyền, bề ngoài cũ kỹ, nhưng âm sắc vẫn hoàn hảo như cũ.”

“Mẹ anh đâu?”

“Anh đã lâu rồi chưa nói chuyện cùng bà. Bà là một người phụ nữ xinh đẹp thông minh, lấy ba anh có lẽ là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời này của bà. Sau khi ba mất, bà quay lại nghề cũ, kinh doanh một nhà hàng nhỏ.”

Tôi chưa từng nghĩ tới Lâm Phương Văn sống trong thế giới khác.

“Còn giận anh sao?” Anh lại hỏi tôi.

Tôi cố sức gật đầu. Anh tóm được tôi, tôi cười với anh.

Ba tháng lương đầu tiên đã dùng mua kèn harmonica cho Lâm Phương Văn. Tháng lương thứ tư, tôi đồng ý mời Địch Chi và Quang Huệ đi ăn.

“Hóa ra anh ta có vợ rồi.” Địch Chi cười khổ, “Tớ chạm mặt anh ta trên đường, anh ta nắm tay một bà cô mang cái bụng lớn đi mua đồ trẻ con.”

“Kỹ thuật viên phòng ghi âm kia á?”

“Đàn ông đều như thế hết. Người tốt giống Đặng Sơ Phát đã sớm chết sạch!” Địch Chi than ngắn thở dài.

Địch Chi lấy một gói thuốc Dunhill trong túi xách tay. Cô nàng châm một điếu thuốc, động tác cũng không quá thuần thục, nhưng hình ảnh quá đau lòng. Sự đau thương đó đã từng xuất hiện trên mặt cô. Cô đã hai lần gặp phải đàn ông không tốt.

“Học hút thuốc khi nào vậy?” Tôi hỏi Địch Chi.

“Mới học mấy ngày trước thôi. Một người không có việc gì làm, hút thuốc lá thì thời gian sẽ trôi nhanh hơn một chút.”

“Không nên hút thuốc.”

“Vận may của cậu tốt hơn tớ, cậu quen người đàn ông tốt.”

“Lâm Phương Văn tốt hay xấu, tớ còn không biết.”

“Anh ta có lên giường với cậu không?”

“Không có.”

“Đó chính là đàn ông tốt.”

Địch Chi nói vậy là ám chỉ cô đã có quan hệ với tên kỹ thuật viên kia. Hai người quen nhau mới chỉ ba tuần.

“Các cậu biết đấy, khi phụ nữ mang thai không thể làm chuyện đó.” Địch Chi nhả ra một  vòng khói lơ lửng.

Tôi và Quang Huệ im lặng không nói gì.

“Trình Vận, có thể mời tớ uống rượu chứ?” Địch Chi hỏi tôi.

“Đương nhiên là được!”

Tôi gọi một ly rượu vang trắng.

“Có phải tớ rất ngu đần không? Luôn luôn bị đàn ông lừa đảo.”

“Cậu không ngu, cậu chỉ là quá khao khát được dỗ dành.” Tôi chỉnh lại.

“Tớ, cậu, cả cậu cần đàn ông.” Địch Chi lại gọi thêm một ly rượu vang trắng.

“Đừng uống nữa!” Tôi ngăn cản bạn mình.

“Tớ tự trả tiền!”

“Cậu biết ý tớ không phải vậy mà!”

“Cậu muốn uống, tớ uống cùng cậu!” Quang Huệ cầm ly rượu vang trong tay Địch Chi cạn sạch. Kỳ lạ, sao cô ấy lại hùa theo Địch Chi uống rượu?

“Chúng mình đến đảo Nam Nha đi!” Địch Chi nói.

“Bây giờ đi đảo Nam Nha? Đến đó làm gì?” Tôi ngạc nhiên.

“Đi tìm Đặng Sơ Phát!” Địch Chi xem đồng hồ, “Bây giờ còn thuyền.”

Chúng tôi ngồi chuyến tàu cuối cùng đến đảo Nam Nha. Đến trước căn nhà đá của Đặng Sơ Phát, gõ cửa. Đặng Sơ Phát thấy ba chúng tôi, rất là bất ngờ.

“Đặng Sơ Phát, chúng em đến thăm anh!” Địch Chi ngã vào lòng anh ta.

“Bạn ấy uống say rồi.” Tôi giải thích.

Đặng Sơ Phát dẫn chúng tôi vào căn nhà đá. Căn nhà này chỉ có một mình anh ở. Anh gầy hơn trước đây rất nhiều.

Anh cầm chiếc khăn ấm lau mặt cho Địch Chi.

Địch Chi dang hai tay vòng qua cổ Đặng Sơ Phát, dịu dàng nói với anh: “Em muốn vào phòng ngủ của anh.”

Đặng Sơ Phát không còn cách nào khác, bế bạn ấy lên. Hai người họ lại lần nữa ở bên nhau sao?

Quang Huệ hỏi tôi: “Cậu hận ai nhất?”

“Tạm thời không có.”

“Tớ có! Tớ hận nhất Lão Văn Khang. Ông ta lừa tớ! Từ khi tớ quen Tôn Duy Đống, mới biết thế nào là tình yêu. Lão Văn Khang là tên bịp bợm vô liêm sỉ. Tớ muốn gọi điện thoại chửi ông ta!”

Lão Văn Khang nhận điện thoại.

“Này, Lão Văn Khang phải không?” Quang Huệ hỏi.

“Tôi là Thẩm Quang Huệ. Ông là cái tên chết tiệt tuyệt tử tuyệt tôn! Ông chừng nào mới chết đi? Người như ông chết càng sớm càng tốt.”

Lão Văn Khang có lẽ bị dọa sợ, lập tức ngắt máy. Tôi và Quang Huệ ngã lên giường cười lớn.

“Không phải cậu đã nói sau khi tốt nghiệp ông ta đã gửi tin nhắn thoại cho cậu ư?”

“Tớ gạt cậu thôi. Ông ta không đi tìm tớ, tớ chỉ là không thể tiếp nhận chuyện mình bị lừa. Tớ đã từng cho rằng đó là một tình yêu siêu phàm thoát tục.” Quang Huệ mang theo nỗi đau chìm vào giấc ngủ.

Đêm trên đảo nhỏ, âm thanh duy nhất là tiếng ếch nhái trong bụi cỏ. Tôi rất nhớ người đàn ông của tôi, lấy điện thoại gọi cho anh.

“Em đang ở đâu? Anh không tìm thấy em.” Anh lo lắng hỏi tôi.

“Em đang ở đảo Nam Nha. Địch Chi uống say rồi, em theo bạn ấy đến tìm Đặng Sơ Phát. Quang Huệ cũng ở đây, bạn ấy ngủ rồi. Phải sáng sớm mai em mới có thể trở về.”

“Anh rất nhớ em.” Anh chưa từng nói những lời này với tôi.

“Chúng ta có tương lai hay không?” Tôi hỏi anh. Cảnh ngộ của Địch Chi làm tôi bi quan với đàn ông.

“Khuya rồi, ngủ đi.” Anh không trả lời tôi.

Sáng hôm sau, Đặng Sơ Phát mua bữa sáng cho chúng tôi. Địch Chi vẫn còn ngủ trên giường của anh.

“Tối qua anh có cùng bạn ấy hay không…” Tôi ngập ngừng hỏi Đặng Sơ Phát.

“Anh không phải loại đàn ông đó.” Anh bày tỏ, “Địch Chi đã không còn yêu anh nữa. Mặc dù tối hôm qua cô ấy nhất định sẽ không cự tuyệt anh, nhưng anh không muốn làm như vậy.”

Sau khi Địch Chi tỉnh dậy, Đặng Sơ Phát tiễn chúng tôi đến bến tàu, về lại Hồng Kông. Lâm Phương Văn lại chờ tôi ở bến tàu. Anh dùng hành động để chứng minh tương lai của chúng tôi.

Nếu như trên đời có rất nhiều loại hạnh phúc, thì đây là một trong những điều hạnh phúc nhất.

“Sao anh lại ở đây?” Tôi hỏi anh.

“Em nói sáng hôm nay sẽ về.”

“Thật sự khiến người ta cảm động quá à!” Địch Chi trêu chọc anh.

Quang Huệ cũng xen vào chọc anh, cùng Địch Chi kẻ tung người hứng:

“Thật khiến người ta ghen tị hết sức!”

Đây chính là lần gặp mặt đầu tiên của ba người họ.

Địch Chi và Quang Huệ đi trước, tôi cùng Lâm Phương Văn tay trong tay đi bộ ở Trung Hoàn[5].

[5] Trung Hoàn: trung tâm chính trị và kinh tế ở Hồng Kông.

“Tại sao hôm qua anh nói câu đó với em?” Tôi tò mò hỏi anh.

“Câu nào cơ?”

“Anh rất nhớ em.” Tôi nhắc lại.

Anh im lặng, tôi đột nhiên cảm thấy sự im lặng của anh không tầm thường chút nào.

“Có phải đêm qua anh nhớ tới một người khác, cho nên mới nói rất nhớ em với em không?”

Anh nhìn tôi chằm chằm, tôi biết cảm giác của tôi là đúng. Tôi không hiểu đàn ông, hiểu biết về tình yêu cũng rất nông cạn. Nhưng tôi có cảm giác của người đang yêu, sẽ không sai.

“Anh đưa em đến một nơi.” Anh đề nghị thay cho câu trả lời.

Tôi đi bên cạnh anh, im lặng không lên tiếng. Anh ở bến tàu đợi tôi, là anh áy náy, chứ không phải làm tôi hạnh phúc. Nếu như trên đời có rất nhiều loại bất hạnh, thì đây là một trong những điều bất hạnh tức cười.

Hết chương 2.3


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.