Lâm Phương Văn chọn một ghế trống, ngay trước mặt tôi. Anh ta đặt chai cola còn một nửa lên bàn, sau đó lấy ra một cuốn sách xem có vẻ rất thích thú. Cái đó vốn không phải là sách, mà là truyện tranh, là “Long Hổ Môn.” Sinh viên đại học năm nhất khoa Trung văn, sách đọc hằng ngày là “Long Hổ Môn”.
“Nếu muốn xem ‘Long Hổ Môn’, sao bạn không ngồi phía sau chứ?” Tôi nói với anh ta.
Anh ta quay đầu lại, rộng lượng khai sáng cho tôi.
“Phía trước tương đối mát mẻ.” Anh ta nói.
“À! Hóa ra là vậy.”
Tôi ghét nhất những người cố ý lừa gạt.
Người giống như anh ta, nhất định nội trong ba tháng sẽ dụ dỗ một cô gái. Cô gái ngốc nghếch ngây thơ đó sẽ giúp anh ta dọn dẹp phòng, còn anh ta ngồi mát ăn bát vàng. Sau đó, trước khi rời trường đại học, anh ta sẽ vứt bỏ cô gái. Trong phòng anh ta ngoại trừ một đống “Long Hổ Môn” ra, hẳn là còn có rất nhiều tạp chí khiêu dâm và một bộ mạt chược.
Ngày hôm sau, Lâm Phương Văn lại chọn ngồi ở hàng ghế đầu. Anh ta lấy ra từ ba lô một quyển “Hoa hoa công tử”.
Lâm Phương Văn đọc sách thật sự rất đa dạng. Đầu tiên là xem “Long Hổ Môn”, sau đó là “Hoa hoa công tử”, thậm chí cả mã kinh[1]. Ngẫu nhiên, anh ta sẽ nghiêm túc xem “Hào Ngoại”[2]. Nói chung, chưa từng thấy anh ta đọc sách cần phải đọc trên lớp.
[1] Mã kinh: là danh từ ghép phức tạp xuất hiện ở Hồng Kông, công dụng chủ yếu của nó là cung cấp tin tức đua ngựa, bao gồm trạng thái ngựa, vị trí xuất phát trong trận đấu, thông tin kỵ sỹ, tỷ số cá cược, cùng một số lời khuyên được cung cấp bởi các tay đua ngựa và các nhà bình luận khác v.v.
[2] Hào Ngoại: là tạp chí ra đời năm 1976 ở Hồng Kông, là nguyệt san dẫn đầu trào lưu thành thị đứng vững qua một phần tư thế kỷ.
Có mấy bạn nam qua lại với anh ta. Họ nói anh ta đến từ một ngôi trường không ai biết đến ở Du Ma Địa[3]. Anh ta có thể đậu Đại học Hồng Kông, thật sự là bất ngờ.
[3] Du Ma Địa: ở phía nam bán đảo Cửu Long của Hồng Kông, hành chính thuộc về khu Du Tiêm Vượng, có lịch sử lâu đời, nổi tiếng nhiều chùa chiền phố cổ.
Lâm Phương Văn chưa từng lấy chiếc mũ lưỡi trai của anh ta xuống. Bất luận ở chỗ nào trong trường đụng phải anh ta, anh ta đều đội chiếc mũ kia. Cho dù nhiệt độ có ba mươi độ đi nữa, anh ta vẫn không lấy mũ xuống. Tôi nghĩ, nếu không phải trán anh ta có một cái lỗ, thì đó là căn bản không có tóc.
Một ngày kia, khi lên lớp giờ thơ mới, anh ta lại mang một đôi giày xăng -đan, để lộ ra mười đầu ngón chân. Anh ta gác chân lên xem “Chị em”. “Chị em” là quyển tôi mới xem có các tiệm làm đẹp trên đó. Sao anh ta lại xem một cuốn sổ tay sức khỏe phụ nữ? Lẽ nào anh ta có vấn đề về phụ khoa sao?
Ngày đó tôi không để tâm vì sao hắn lại xem “Chị em”, tôi chỉ chú ý ngón chân của anh ta. Tôi cảm thấy ngón chân là bộ phận thần bí nhất trên cơ thể con người. Trừ những lúc ở nhà hoặc đi bơi ra, tôi ra ngoài nhất định sẽ không để ai thấy ngón chân của tôi. Ngón chân giống như chốn riêng tư vậy, để người khác nhìn thấy luôn rất không tự nhiên.
Mười ngón chân của Lâm Phương Văn rất sạch sẽ, không quá dài cũng không quá ngắn, cũng không tính là quá xòe ra. Hiếm thấy nhất là ngón chân thứ hai của anh ta ngắn hơn ngón chân cái, hẳn là sẽ không phải là một người nghèo. Nhìn mười ngón chân của anh ta, tôi có cảm giác như đang xem trộm.
Sau khi tan học, Lâm Phương Văn đến trước mặt tôi, hỏi: “Sao cô cứ luôn nhìn ngón chân của tôi?”
Anh ta làm tôi giật mình hoảng sợ. Tôi không ngờ anh ta biết tôi một mực nhìn ngón chân anh ta.
“Ai nhìn ngón chân của anh!” Tôi làm như không có chuyện gì, bỏ đi lướt qua vai anh ta.
Tôi cảm nhận được anh ta ở phía sau nhìn chằm chằm theo tôi. Đó là lần đầu tiên, tôi có cảm giác tim đập nhanh hơn với một người đàn ông. Nhưng tôi không tìm được bất cứ lý do gì tôi sẽ thích anh ta. Nếu tim có đập nhanh hơn một chút, đó là do bị anh ta vạch trần tôi đã nhìn trộm anh ta, bởi vậy nên tôi cảm thấy xấu hổ.
Trong một tiết học khác của buổi chiều ngày hôm đó, trên chân Lâm Phương Văn đổi sang một đôi giày cột dây. Anh ta ngồi phía trước tôi, quay đầu lại nói với tôi:
“Tôi cố ý đi một đôi giày bít đầu, không cho cô nhìn ngón chân của tôi.”
Dứt lời, anh ta đắc chí dạt dào lật xem cuốn “Long Hổ Môn” mới xuất bản. Vào giây phút đó, tôi chỉ muốn vùng lên đập anh ta mấy phát, đập anh ta thân không còn mảnh giáp.
Buổi tối, tôi đi ăn cùng Địch Chi. Cô ấy cầm chiếc đĩa mới nhất của Lâm Chính Bình đưa cho tôi, bên trong có bài “Nhân gian”. Địch Chi nói, Lâm Chính Bình đã một tuần rồi không đến tìm cô ấy. Tôi không biết phải nói gì, nhìn bạn mình đau buồn rời khỏi. Nếu đàn ông đã muốn đi, sao có thể giữ lại được đây?
Tôi nghe bài “Nhân gian” trong ổ chăn của mình:
“Có bao nhiêu bài hát,
Anh suốt đời này có thể hát lên vì em.
Từ ngày gặp được em, những năm tháng tuổi trẻ đó…
Cần có cơn mưa, xóa đi những dấu chân lạc lối,
Cần có tuyết trắng, lau đi những mờ nhạt trên khuôn mặt đó…”
Tôi ngủ trong tiếng hát.
Một buổi sáng mấy tuần sau, ông trời bỗng nhiên cho cơn mưa tầm tã. Tôi đứng trên đường đã bốn mươi lăm phút, vẫn không có cách nào chặn được một chiếc taxi dừng lại. Cuối cùng cũng có một chiếc taxi dừng trước mặt tôi. Người trên xe gọi tôi chính là Lâm Phương Văn. Tôi đã ướt sũng toàn thân, không muốn gây khó dễ với bản thân mình nữa.
“Cảm ơn anh.”
Anh ta không để ý đến tôi. Chiếc mũ lưỡi trai kia kéo xuống rất thấp, khuôn mặt rất mơ hồ. Trên radio vừa hay phát bài hát “Nhân gian”:
“Có bao nhiêu bài hát,
Anh suốt đời này có thể hát lên vì em.
Từ ngày gặp được em, những năm tháng tuổi trẻ đó…
Cần có cơn mưa, xóa đi những dấu chân lạc lối,
Cần có tuyết trắng, lau đi những mờ nhạt trên khuôn mặt đó…”
Cơ thể tôi khẽ đong đưa theo lời ca.
“Cô rất thích bài hát này sao?” Lâm Phương Văn hỏi tôi.
Tôi gật đầu. Anh ta trầm mặc không nói. Chúng tôi cùng nghe bài hát.
Bài hát này, luôn khiến mỗi người bỗng dưng xúc động, ngay cả Lâm Phương Văn hay xem “Long Hổ Môn” và “Hoa hoa công tử” cũng không ngoại lệ.
Taxi đến Đại học Hồng Kông, tôi lục tìm ví để trả tiền, nhưng Lâm Phương Văn nói với tôi: “Không cần cô trả tiền đâu!”
Anh ta cứ như vậy thanh toán tiền taxi, hoàn toàn không thèm trưng cầu ý kiến của tôi.
“Này!” anh ta gọi tôi.
“Chuyện gì?”
Anh ta cởi áo khoác ra ném cho tôi:
“Cô cầm áo đi.”
“Không cần.” Tôi nói.
“Áo của cô ướt hết rồi.” Anh ta lại nói.
“Tôi không sợ lạnh.” Tôi đáp lại.
“Tôi không biết cô có lạnh hay không, nhưng cô bây giờ giống như mặc đồ xuyên thấu vậy.”
Tôi nhìn mình, mới phát hiện chiếc áo thun trắng trên người đã ướt đẫm, nó bám dính vào người. Toàn bộ áo trong hiện lên rất rõ. Tôi cầm chiếc áo khoác của Lâm Phương Văn che trước ngực, xấu hổ không dám nhìn anh ta.
Tiết học tiếp theo, Lâm Phương Văn không xuất hiện. Chiếc áo thun của tôi đã khô. Tôi cầm áo khoác đến ký túc xá trả lại cho anh ta.
Anh ta không ở trong ký túc xá, cửa phòng cũng không đóng. Tôi đẩy cửa đi vào, còn tưởng mình đi vào một tiệm sách cũ. Toàn bộ phòng hắn đều là sách, nửa chiếc giường cũng bị sách chiếm cứ. Trong phòng không có một lượng lớn “Long Hổ Môn”, “Hoa hoa công tử” hay “Chị em”. Mà có “Chiến tranh và hòa bình”, cũng có “Trăm năm cô đơn”, hóa ra anh ta cũng xem những loại sách này. Mặt bàn rất ngổn ngang. Tôi lật xem thử một vài trang giấy trên bàn, trên một tờ giấy trong số đó có lời bài hát “Nhân gian”.
“Có bao nhiêu bài hát, anh suốt đời này có thể hát lên vì em?
Từ ngày gặp được em, những năm tháng tuổi trẻ đó…”
Anh ta lại buồn chán chép lại bài hát như thế.
Cho dù chép lời bài hát, cũng không thể nào chép luôn cả nhạc phổ chứ? Người viết lời “Nhân gian” là Lâm Phóng. Lâm Phương Văn, chữ Phương cùng chữ Văn không phải là chữ “Phóng” sao?[4] Lẽ nào Lâm Phương Văn là Lâm Phóng?
[4] Chữ Phóng: 放 được ghép từ chữ Phương - 方 và chữ Văn - 文.
Cái người thích gặm “Long Hổ Môn” này mà có thể viết ra ca từ cảm động thế sao? “Nhân gian” không phải là bài hát hay nhất tôi từng nghe, nhưng là bài hát có thể làm tôi cảm động nhất.
Tôi thấy trên giường có chiếc kèn harmonica tên Nhạc Phong có hơi cũ kỹ, là công cụ viết lời sao?
“Cô ở đây làm gì?” Anh ta đột nhiên xông vào, làm tôi giật mình.
“Tôi đem áo khoác trả lại cho anh.”
“Ờ.”
Anh ta không để ý đến tôi, đem mấy bộ quần áo vừa được giặt sạch treo trong phòng.
“Lời bài hát ‘Nhân gian’ là do anh viết sao?”
“Không ngờ chứ gì?”
“Là anh? Là anh thật sao?”
“Dáng vẻ của cô rất ngạc nhiên, có phải thấy tôi như thế này, không giống người sẽ viết ra những ca từ như vậy không?”
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa từng nghĩ, quãng thời gian qua, bài hát cùng tôi đi vào giấc mộng mỗi đêm lại là do anh ta viết. Một người viết lời bài hát mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ trong lòng, lại là người tôi biết.
Tôi có phần không biết phải làm sao. Lẽ ra tôi nên đi khỏi, nhưng không tự chủ được vẫn ở lại, hi vọng anh ta sẽ nói gì đó với tôi. Lâm Phương Văn không nói chuyện với tôi, mà dịu dàng ôm chặt tôi. Tôi lại không phản kháng, tôi dường như đã quen anh ta từ lâu.
Tài hoa khiến phụ nữ lóa mắt. Không phải cánh tay anh hòa tan tôi, mà là ca từ của anh, là tài hoa của anh làm tôi đánh mắt sự dè dặt.
Từ khi lọt lòng cho đến nay, đây là lần đầu tiên tôi ôm một người đàn ông không cùng dòng máu. Hơi ấm của anh bao bọc tôi, tôi dùng cả hai tay ôm chặt anh, giống như tìm được một nơi dựa vào. Anh dùng hai tay nâng mặt tôi lên, ịn môi anh lên môi tôi. Tôi nhắm mắt lại, không dám nhìn anh. Hôm đó là ngày 3 tháng 11 năm 1986.
Tôi và Lâm Phương Văn vẫn ôm chặt nhau, không ai muốn buông tay trước. Chúng tôi giống như một đôi tình nhân bị chia cắt nhiều năm, vậy mà cuối cùng lại có thể ôm nhau, cho dù thế nào cũng không muốn rời xa nhau nữa. Tôi nhìn chiếc đồng hồ nhỏ trên bàn học. Thời gian nhẹ nhàng nhịp từng bước ca tụng tình yêu. Chúng tôi đã ôm nhau một tiếng.
“Tôi muốn uống nước.” Tôi lên tiếng.
Anh buông tôi ra, rót cho tôi một ly nước. Chúng tôi đã ôm nhau một tiếng, anh nhất định vẫn không lấy chiếc mũ trên đầu xuống.
“Sao anh luôn luôn đội mũ?” Tôi tò mò.
“Chưa từng nghĩ tại sao.”
Vào giây phút đó, tôi là cô gái mà vừa rồi đã cùng anh ta ôm nhau một tiếng. Tôi hỏi anh ta một câu, anh ta lại trả lời tôi một cách không trách nhiệm như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ, không phải là anh ta cảm thấy tôi nhiều chuyện đấy chứ? Cô gái vừa dâng lên nụ hôn đầu, có lẽ phải duy trì sự im lặng.
Lúc anh ta hôn tôi, tôi liền biết đây không phải lần đầu anh ta hôn. Anh ta hôn rất thành thạo.
“Lời bài hát có thật là do anh viết?”
“Nếu không phải do tôi viết, phải chăng vừa rồi em sẽ không để tôi ôm, đúng không?”
Tôi không biết phải trả lời anh ta thế nào.
“Em là người quá tính toán rồi.”
Tôi cảm thấy rất phẫn nộ, có phải anh ta đang đùa giỡn tôi? Bởi vì tôi đã từng phê bình anh ta khi lên lớp xem truyện “Long Hổ Môn”. Anh ta cố tình muốn hôn tôi, sau đó khoe khoang với người khác, chứng minh tôi chẳng qua chỉ là một cô gái dễ bị lừa. Nếu đó là sự thật, tôi đã thấy rồi, tôi còn ở lại làm gì nữa?
Tôi lao ra hành lang, chạy khỏi tòa nhà ký túc xá. Tôi liền bắt một chiếc taxi, trên xe lại phát bài hát kia:
“Cần có cơn mưa, xóa đi những dấu chân lạc lối,
Cần có tuyết trắng, lau đi những mờ nhạt trên khuôn mặt đó…”
Sao lại là bài hát đó? Nó là gông xiềng của tôi.
Tôi và Địch Chi gặp nhau ở thanh bar. Đối với chuyện tôi cuối cùng cũng ôm hôn với một người đàn ông, cô nàng có vẻ rất sung sướng, tung tăng. Có lẽ cô nàng nghĩ, sau này chúng tôi có thể có nhiều chuyện để tâm sự cùng nhau.
“Muốn điều tra không khó, tớ hỏi nhà sản xuất âm nhạc sẽ biết ngay. Nếu như anh ta không phải Lâm Phóng, cậu sẽ không thích anh ta sao?”
Hết chương 2.1