Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi

Chương 25




Trong phim Forest Gump có câu: “Life is like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get.” Đời người giống như một hộp sô cô la, bạn chẳng bao giờ biết được mình sẽ ăn phải vị gì.

Trong phim thường có nhiều danh ngôn kinh điển, hòng dạy bảo chúng ta nên nhìn cuộc đời với ánh mắt rộng mở hơn, mong đợi trở thành châm ngôn của chúng ta.

Nhưng chúng ta ngoài mặt tán dương những câu ấy thạt rung động tâm can, ý nghĩa sâu sắc, mà lại chỉ có thể thực sự ôm chặt lấy cuộc đời của mình bằng một cách thức duy nhất: đổi cuộc đời thành thành phỉnh chơi bài, vui vẻ đẩy về phía Thượng đế.

Trái tim chúng ta có thể bén nhọn như sắt thép, lại vẫn duy trì sự mềm dẻo chấp nhận hạ cánh bất ngờ trong mọi trường hợp.

Cuối năm 1999, kẻ đọc cực nhiều sách tạp nham là tôi đây, đã suôn sẻ đỗ kỳ thi viết vào làm nghiên cứu sinh khoa Xã hội của Đại học Thanh Hoa.

Đến vòng thi vấn đáp, phải có một “tác phẩm liên quan đến ngành Xã hội học” để các giáo sư bình phẩm, nhưng trước đó tôi học ngành Quản lý, chứ không phải Xã hội học, vì vậy đã gặp khó khăn lúc chuẩn bị tác phẩm để thi vấn đáp.

Làm sao giờ? Tôi nghĩ đi nghĩ lại, nếu viết bừa một bài luận tầm tầm xoàng xĩnh cho quá, thì thà viết thứ gì đấy thú vị còn hơn. Đúng thế, các giáo sư trong khoa Xã hội học chẳng phải đều rất thông minh, rất dí dỏm hay sao?

Vậy là tôi viết thiên tiểu thuyết đầu tiên trong đời mình… sáu chương đầu của Quả bom sợ hãi, lấy tiếng là mang nhiều ý nghĩa xã hội, để nộp thay bài luận học thuật. Nội dung tiểu thuyết này kể về một sinh viên đại học, một sớm tỉnh dậy chợt phát giác ra mọi âm thanh, ngôn ngữ, văn tự… mọi ký hiệu tượng trưng ở xung quanh mình đều mất đi ý nghĩa vốn có, văn tự biến thành những con sâu vặn vẹo, âm thanh hóa thành những tạp âm không theo quy tắc. Trong sự hoảng sợ vô cùng vô tận, người sinh viên này đã xác nhận lại khả năng quy thuộc của những ký hiệu ấy. Đấy là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kinh dị theo phong cách của Ito Junji.

Tôi càng viết càng thấy tâm đắc, không thể tự thoát ra được, còn chú thích vào phần tư liệu rằng đây là một series các câu chuyện mang ý thức xã hội, gọi là bệnh sợ hãi thành thị, thậm chí viết cả tên tiểu thuyết dự kiến sáng tác trong sáu tháng, cùng kế hoạch xuất bản trong ba năm tới.

Đến ngày thi viết, các vị giáo sư chẳng hiểu sao, người nào cũng nhìn tôi tủm tỉm cười trộm. Không biết họ cảm nhận được sự hài hước trong tiểu thuyết Quả bom sợ hãi hay hôm ấy trên người có mấy con bọ chét nữa.

“Kha Cảnh Đằng, mấy trang tiểu thuyết em nộp cho chúng tôi là nghiêm túc chứ?” Một vị giáo sư trầm ngâm nhìn tôi.

“Cực hay đó thầy! Mặc dù còn chưa viết xong, nhưng đã có thể nhìn thấy tiềm chất ý nghĩa xã hội trong đó rồi, em phát hiện ra thực hành môn xã hội học trong việc sáng tác tiểu thuyết thật sự rất là hay…” Tôi thao thao bất tuyệt giải thích.

“Gượm đã, ở đây em liệt kê ra rất nhiều kế hoạch xuất bản, có phải trước đây đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này rồi không?” Vị giáo sư béo chất vấn.

“Không ạ. Nhưng châm ngôn của đời em là: If you risk nothing then you risk anything. Nếu bạn không mạo hiểm gì, tức là bạn đang mạo hiểm tất cả.” Tôi cực kỳ tự tin giơ ngón tay cái lên.

“Vì thế nên?” Giáo sư ghếch chân lên.

“Em cảm thấy chỉ cần em không từ bỏ lý tưởng sáng tác tiểu thuyết, kế hoạch xuất bản sớm muộn gì cũng thực thi được thôi.” Tôi cười cười.

Vậy là, tôi trượt.

Dù bao nhiêu năm qua đi, tôi cũng không quên được câu châm ngôn ấy.

Trong điện thoại.

“Thế là, cậu phải đi nghĩa vụ quân sự à?” Thẩm Giai Nghi nói.

“Không, tớ có việc quan trọng hơn, nhất định phải hoàn thành trước đã.” Tôi sắt son thề với lòng mình.

“Việc gì thế?” Cô ngạc nhiên hỏi.

“Có thể sẽ trở thành một việc rất hay ho trong đời tớ.” Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, vừa mới đăng tiểu thuyết chưa hoàn thành lên mạng.

Tôi quyết định hoãn tốt nghiệp một năm.

Sau khi vì Lý Tiểu Hoa mà học khối Tự nhiên, lại vì Thẩm Giai Nghi mà học khoa Quản lý Đại học Giao thông, năm thi lại nghiên cứu sinh ấy, cuộc đời tôi lại một lần nữa thoát ra khỏi quỹ đạo.

Lần này, không ai bảo tôi nên làm như thế nào, mà là một tiếng gọi nội tại cực kỳ mãnh liệt.

Tôi trả cái giá trong mơ hai nghìn đồng mỗi tháng gồm cả điện nước cho phụ huynh học sinh mà tôi dạy kèm, để thuê một căn nhà cũ ba tầng. Chủ nhân của căn nhà là một phụ nữ xuất gia thường xuyên vân du bốn biển, tôi thuê lại cũng coi như trông nhà giúp bà thôi.

Trong căn phòng thuê với giá siêu rẻ này, một kẻ đã bắt đầu yêu viết tiểu thuyết, không chỉ hoàn thành mười vạn chữ của Quả bom sợ hãi dở dang ngày nào, còn viết một mạch mấy truyện dài như Khu rừng dương v*t, Cái bóng, Tủ lạnh, mãi đến khi kỳ thi nghiên cứu sinh sang năm sắp ập đến, tôi mới vội vàng ôm sách vở lên gặm như phát rồ, song đêm xuống vẫn không nhịn được mà bắt đầu len lén viết tiểu thuyết trường thiên Dị mộng.

Khoảnh khắc Dị mộng hoàn thành, nước mắt tôi tuôn trào như nước vỡ bờ. Tôi biết, trên một phương diện ý nghĩa nào đó, tôi đã xác nhận mối “liên kết” giữa mình và công việc sáng tác tiểu thuyết, đã hoàn thành nó bằng tình cảm và chữ nghĩa.

Từ đây, tôi và tiểu thuyết, có một mối ràng buộc quan trọng không gì sánh nổi.

Bằng việc sáng tác tiểu thuyết, tôi có thể đem phân tích tỉ mỉ rất nhiều điều mình muốn biểu đạt, tổ hợp lại dưới lăng kính chữ nghĩa, rồi đăng công khai trên mạng, qua đó “liên kết” với nhiều người hơn trên trái đất này.

Đó là ham muốn mà tôi không thể nào kiềm chế nổi.

Rốt cuộc, tôi cũng có được mộng tưởng chân chính của mình: trở thành vua kể chuyện.

Cuống rốn truyền chất dinh dưỡng giữa người sáng tác và câu chuyện, là rất nhiều rất nhiều sự bổ khuyết của chính tôi. Một đoạn ngắn, hay cả tác phẩm hoàn chỉnh; một cách tự giác, hay vô ý thức; để phô diễn hay là vì sứ mệnh.

Tôi đem tình cảm với Thẩm Giai Nghi, từng chút từng chút viết vào những tiểu thuyết kiểu như Nguyệt lão, rồi lại đem tên của rất nhiều bạn bè thân cho vào trong các câu chuyện, là để lưu giữ kỷ niệm. Và tôi biết, rồi một ngày kia, tôi sẽ đưa tuổi trẻ của đám bạn bè chúng tôi và Thẩm Giai Nghi vào một bộ tiểu thuyết quan trọng nhất.

Thiên tiểu thuyết này không còn là tiểu thuyết nữa, mà là một bản ghi chép chân thực đọc hay hay. Như các bạn thấy đấy.

Có người nói, muốn biết cuộc đời một người tốt lành hay không, thì phải xem giác ngộ của người ấy khi trút hơi thở cuối cùng, dường như kết cục mới là tất thảy, mọi điều trong quá khứ đều không tính đến vậy. Liên tưởng đến việc sáng tác tiểu thuyết, ở một mức độ nào đó, tôi đồng tình với cách nói này: kết cục rung động lòng người có thể gắn cho câu chuyện đôi cánh mềm mại mà vững chắc, đưa hàng vạn trái tim cùng bay cao ở bước ngoặt cuối cùng.

Tôi có thói quen dựa vào khả năng hiểu rõ kết cục của câu chuyên để suy diễn một cái kết có sức hút, cũng như các nhân tố cần phải có, rồi cả việc sắp xếp tiết tấu cho từng phân đoạn của câu chuyện… tỉ như ai cần nói câu gì để làm dẫn ý cho đoạn sau, ai làm việc gì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của nhân vật chính… vân vân.

Nhưng bản ghi chép lại tuổi trẻ này, chính vì hy vọng có thể tràn đầy sự chân thực, đâm ra thiếu mất kết cục, khiến tôi không có cách nào nhìn thấy câu chuyện “nên hít thở như thế nào”, thành thử lần lữa mãi không thể triển khai.

Đã sáu năm từ khi bắt đầu sáng tác tiểu thuyết.

Đám bạn quen nhau từ hồi cấp II, giờ đã láo nháo với nhau được gần mười sáu năm rồi.

Đời người vô thường, người bạn gái mà A Hòa, tình địch đáng kính nhất của tôi, yêu sâu sắc suốt bảy năm ròng đã bất hạnh qua đời vì tại nạn giao thông. A Hòa từ đó không yêu người nào khác nữa, sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, cậu ta trở thành đại diện nghiệp vụ khu Công viên Khoa học Công nghệ miền Trung, trong tay nắm hàng vạn đơn đặt hàng.

Kẻ luôn bị tôi hãm hại là Liêu Anh Hoằng, trước khi vào quân đội đã thi đậu kỳ thi đặc biệt trở thành người quản lý thư viện, tháng sau sẽ xuất ngũ. Sau vụ ù nhầm ấy, cậu ta tiếp tục bôn ba chìm nổi trên con đường tình ái, nhưng thủy chung vẫn không từ bỏ việc tìm kiếm “người ấy” của đời mình.

Tạ Mạnh Học và cô bạn gái ăn chay tiếp tục phát triển bền chặt, về sau trở thành bác sĩ nha khoa, vì hồi trước tôi thường hay hãm hại cậu ta, nên tôi tuyệt đối không đến phòng khám của cậu ta nhổ răng. Tôi là tôi chẳng muốn nghe những câu vớ vẩn kiểu như: “Gì cơ? Cậu muốn tiêm thuốc tê hả? Đàn ông đàn ang cần gì cái thứ ấy chứ?”

Đứa học tiếng Anh siêu lởm là Hứa Bác Thuần lại chơi trò đại mạo hiểm, tự mình hại mình, quyết ý sang Mỹ học thạc sĩ Công nghệ Thông tin. Trước ngày Hức Bác Thuần lên đường, chúng tôi mua một chai rượu vang năm 1990, tượng trưng cho một đám anh em quen nhau vào năm 1990, cả bọn uống rất đã đời.

Dương Trạch Vu mãi đến phút cuối cùng mới tuyên bố thì ra cậu ta cũng từng tỏ tình với Thẩm Giai Nghi, sang năm cậu ra sẽ sang Mỹ học tiến sĩ, đập tay đổi chỗ cho Hứa Bác Thuần sắp trở về Đài Loan.

Người luôn bẽn lẽn nhất trong cách thể hiện tình yêu với Thẩm Giai Nghi là Đỗ Tín Hiền, đã đến Nam Cảng làm kỹ sư lập trình, cậu này thi đỗ nghiên cứu sinh, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tìm được việc làm đều không mời cơm ai bữa nào, hy vọng cậu ta đọc được tiểu thuyết này có thể nghiêm túc tự kiểm điểm.

Lão Tào chuyên bắt lỗi tôi, làm việc một năm rồi đi học thạc sĩ ở đại học Thanh Hoa. Hứa Chí Chương đã chuyển nhà, cái sân kỳ diệu nơi cả bọn hẹn hò đánh bóng sau giờ tan học từ đây chỉ còn tồn tại trong hồi ức. Tay quái đản Trương Gia Huấn rốt cuộc cũng có bạn gái, và từ bỏ việc quấy nhiễu Thẩm Giai Nghi. Lý Phong Danh sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với tôi đã chia tay với cô gái ở Tín Nguyện Hành năm đó, chuẩn bị kế thừa sự nghiệp gia đình. Lại Ngạn Tường hai mươi bảy năm liền chưa từng quay tay lần nào, vẫn khăng khăng ý nguyện không quay tay, dạo gần đây đang luyện tập ảo thuật để làm quen với con gái. (Đừng ngốc thế chứ!)

Mọi người đều cất cánh bay cao rồi.

Mấy tháng trước, Thẩm Giai Nghi đang làm giáo viên tiểu học gọi điện cho tôi.

“Nhà văn Kha, gần đây sống thế nào?” Giọng cô, lâu lắm rồi không được nghe.

“Siêu thảm, Chó Xù chia tay với tớ rồi. Sao? Cậu muốn tớ theo đuổi lại lần nữa à?” Tôi biếng nhác nói.

Cô thoáng ngẩn ra, rồi lập tức cười phá lên khanh khách.

“Lần này sợ là không được mất rồi.” Cô nhỏ nhẹ nói.

“Nếu lại để lỡ mất tớ, lần sau là…” Tôi không nói hết, đưa tay lên móc mũi.

“Tháng Sáu.” Cô tiếp lời.

“?”

“Tháng Sau, tớ sắp lấy chồng rồi.” Cô tuyên bố.

Tôi mỉm cười.

Thật sự muốn, ôm chặt cô một cái.

Sau đó, cho gã chú rể mà tôi không quen biết kia một phát chọc dũng mãnh vào mông đít.

“Chú rể… chắc là hơn cậu nhiều tuổi lắm phải không?” Tôi đoán.

“Ừm, sao cậu biết!” Thẩm Giai Nghi kinh ngạc.

“Tớ nghĩ cậu không chịu nổi mấy thằng con trai trẻ con nữa rồi.” Tôi cười lớn.

Cô cũng cười cười phản bác, tôi lại sôi nổi châm chích lại. Tôi của bảy năm về trước, căn bản không thể tưởng tượng ra cảnh tượng này.

Chú rể hơn Thâm Giai Nghi tám tuổi, là một người đàn ông trung niên thành công trong sự nghiệp điển hình. Thẩm Giai Nghi trước nay luôn chín chắn hơn các cô gái cùng tuổi nhiều, xem chừng mối này là thích hợp nhất.

Người con gái tôi yêu dấu, cũng sắp vươn đôi cánh lên rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.