Chuyện Tình Tristan & Iseut

Chương 6




Hai người yêu nhau không đôi cặp nào so sánh nổi. Hai người đúng là của nhau, không rời. Hai người chung vui với nhau tùy thích, những lúc vui cũng như những lúc buồn, hai người có nhau.

Giấu giếm làm gì cuộc tình, trong khi trọn vẹn con người của đôi lứa nói lên tình yêu: trong con mắt, trên vành môi, trong lòng bàn tay, lẫn với giọng nói, bất kỳ giây phút nào cũng tràn đấy những yêu thương. Hai người yêu thương nhau. Cử chỉ, ý tứ la thét lên tình yêu!

Tình yêu bộc lộ đến khi bắt đầu có những con mắt tinh ở ngoài nhận thấy, hai con mắt nhận thấy, nhiều con mắt tiết lộ với nhau những nhận xét đáng ngờ. Mọi người trong đám triều thần bắt đầu lưu ý tới hai người tuổi trẻ dưới bóng bao dung của vua Marc già nua. Nhưng cặp trẻ tuổi thây kệ; nhà vua đâu đã sinh nghi, tuổi trẻ lấn lướt mọi thận trọng, Tristan thấy yêu Iseut và Iseut cũng thấy yêu Tristan. Thây kệ!

Nhắc lại bốn vương tước quyền hành nhất và cũng gian xảo, quay quắt nhất. Bạn đọc còn nhớ bốn vương tước đó chăng? Denoalen, Andret, Guenelon và Gondoin. Cử chỉ, ý tứ đáng ngờ của cặp trẻ tuổi dưới bóng bao dung của vua Marc già nua, làm bọn chúng quyết tâm rình rập, không rời một bước. Mỗi hành vi của hai người mỗi lời nói của hai người, mỗi thay đổi trên nét mặt, mỗi đầu mày cuối mắt khi gặp mặt, thảy đều được bọn chúng ghi nhớ, trao đổi cho nhau.

Một đêm, kẻ hăng hái nhất trong bọn, Andret, theo dõi Tristan nhờ những vết chân trên tuyết, Andret đi theo Tristan tới một vườn cây kế cận với khu phòng ngủ của hoàng hậu. Andret chui qua rào vào vườn, tới bên một khung cửa sổ, rình rập mãi, và sau cùng bắt gặp sự bí mật giữa hai người tuổi trẻ.

Hôm sau, Andret tới trước vua Marc. Andret đã đầy khôn ngoan cho nên tránh làm tổn thương danh dự nhà vua. Andret nói:

“Tâu nhà vua, dư luận đồn đại những tin tức liên quan tới Tristan và hoàng hậu. Nhất định đó là những lời ác tâm bịa đặt. Nhưng lời đồn đại có thể gây thành một dư luận mà hậu quả là mang tiếng xấu xa cho toàn miền Cornouaille đầy kiêu hãnh của nhà vua. Đó chỉ là những lời đồn đại, nhưng nhà vua cũng nên lưu tâm. Lời đồn đại có thể làm lu mờ oai danh của nhà vua. Chính tôi đây cũng được chứng kiến những cảnh Tristan đã tỏ ra quá ư săn sóc tới hoàng hậu, tạo nên thắc mắc. Phải chăng những lời ác tâm đồn đại cũng bởi sự nhiệt thành không phải chỗ đó sinh ra? Xin nhà vua hãy để tâm tới những lời vừa tâu trình.”

Nhà vua có lưu tâm tới chuyện đó, từ sau khi được Andret tâu trình. Nhưng buộc lòng phải lưu tâm mà thôi. Nhà vua tức giận Andret đã làm xáo trộn sự bình yên tâm hồn mà bấy lâu nhà vua sẵn có bên hoàng hậu xinh đẹp và người cháu hiệp sĩ vô địch tận tình phục vụ. Adret thật đáng ghét, đã dám nói những lời hoen ố thanh danh của hoàng hậu. Làm sao nhà vua có thể nghi ngờ được hai con người thân tín nhất đó, thân tín hơn mọi người khác? Đành rằng nhất định không tin, nhưng nghi ngờ là nọc độc. Nọc độc len lỏi đôi chút trong tâm hồn nhà vua.

Một đêm, nằm bên hoàng hậu, nhà vua hỏi:

“Hoàng hậu, nếu ta cần phải đi hành hương một chuyến xa, viếng thăm những đất thánh để cầu bình an, hoàng hậu nghĩ sao? Nhưng ra đi, ta không biết trao phó cho ai trọng trách giữ gìn hoàng hậu và bảo vệ lãnh thổ. Hoàng hậu có ý kiến gì không?”

“Tâu nhà vua, tại sao nhà vua còn phải e ngại một khi đã sẵn có dưới tay cậu cháu trai Tristan? Tristan không xứng đáng được nhà vua tin cậy hay sao?”

Nghe thấy hoàng hậu sốt sắng vội vã hỏi lại như vậy, nhà vua cũng sinh nghi. Tại sao hoàng hậu đã sốt sắng, hoan hỉ nhắc tới Tristan như vậy? Phản chăng những tin tức bấy lâu âm ỉ là đúng sự thật? Nhà vua mất hẳn bình yên trong tâm hồn.

Sáng hôm sau, hoàng hậu đã vội nói với Brangien:

“Em ơi, ta mới hay một tin mừng. Nhà vua sắp đi hành hương nơi xa. Ta sẽ ở lại do người tình Tristan gìn giữ. Chúng ta sẽ vui sướng xiết bao! Vui sướng và tự do, thây kệ ai nói gì cũng chẳng sao.”

Brangien bèn hỏi:

“Hoàng hậu hay tin đó do ai?”

Iseut đáp:

“Chính nhà vua nói cho ta hay như vậy.”

“Tâu hoàng hậu. Hoàng hậu đã không biết cách giả dối. Nhà vua muốn thử lòng hoàng hậu, hoàng hậu đã vô tình để lộ điều đáng che giấu.”

Và Brangien dài dòng trình bày cho hoàng hậu thấy tình ý ẩn giấu của nhà vua. Tại sao nhà vua lại ngỏ ý như vậy? tại có những lời đồn đại bên ngoài về hoàng hậu vè hiệp sĩ Tristan. Hoàng hậu nên thận trọng, nhà vua bao dung đến đâu cũng vẫn có thể bị lung lạc bởi những lời tâu trình hàng ngày của những cận thần. Hoàng hậu và hiệp sĩ Tristan được nhà vua tin cẩn nhất mục, đó chính là nguồn gốc của những tấm lòng ghen ghét, tức tối. Từng giọt nước xúc xiển có thể xuyên thủng một phiến đá tin cậy. Hoàng hậu nên coi chừng và phải khéo léo che giấu bằng những lời lẽ đúng lúc.

Đêm hôm sau, nhà vua thở dài:

“Ta buồn vô hạn nếu phải xa hoàng hậu trong một thời gian. Lòng ta chỉ muốn mãi mãi ở gần hoàng hậu, nhưng chuyến hành hương không thể bỏ được!”

Iseut đã thành thuộc bài học ý tứ của Brangien, bèn nức nở khóc. Nhà vua kinh ngạc hỏi tại sao khóc, hoàng hậu bèn đáp:

“Tâu nhà vua, đêm hôm qua nghe nói nhà vua tính xuất ngoại hành hương và lo lắng không biết trao cho ai ở nhà những trọng trách thiếp đã không nghĩ tới tình riêng, chỉ lưu ý kiến cách giải quyết sự lo lắng tìm kiếm của nhà vua: còn ai thân tình hơn đốn với nhà vua bằng người ruột thịt là hiệp sĩ Tristan nữa? Thần thiếp đã suy tính thay nhà vua, quên đi tình riêng của thần thiếp. Hơn nữa, thần thiếp cũng nghĩ đó mới là dự tính của nhà vua chưa chắc nhà vua đã xuất ngoại thật. Không dè đêm nay nghe nhà vua thở dài, và nói tới nỗi buồn khi xa thần thiếp. Chả hóa ra dự định sắp thành sự thật. Đêm nay thần thiếp thốt khóc, khóc vì buồn. Nhà vua cương cường mà còn thấy buồn thì thần thiếp xa nhà vua, thần thiếp yếu hèn có thể chết vì thương nhớ được. Thần thiếp đã rời bỏ hết cha mẹ, quê nhà để tới đây hầu hạ nhà vua, thần thiếp có ai nương tựa ngoài nhà vua nữa. Cho nên thần thiếp phải khóc, khóc vì lo lắng. Nếu thần thiếp kém thương yêu nhà vua, rất có thể thần thiếp bớt muốn khóc. Nhờ ơn Thượng Đế, thần thiếp thương yêu nhà vua hơn chính thân mình. Thần thiếp phải khóc. Nhà vua có đi xa, xin cho thần thiếp theo cùng, bằng không nhà vua hãy ở lại với thần thiếp.”

Bấy nhiêu lời sốt sắng chưa đủ để nhà vua hết nghi ngờ. Những lời xúc xiển có hiệu lực vô cùng. Nhà vua hỏi:

“Hoàng hậu, ta xuất ngoại đã có Tristan ở lại phục vụ cho hoàng hậu trong mỗi ý muốn.”

“Tâu nhà vua, làm sao thần thiếp có thể tin cậy nơi một người nào khác nhà vua. Phục vụ có thể được nhưng làm sao thần thiếp tin cậy được! Sơ dĩ Tristan không ngớt kiếm cách làm vui lòng thần thiếp vì y biết nhà vua thương yêu thần thiếp, trong khi y là kẻ cựu thù với thần thiếp, y đã giết chết cậu ruột của thần thiếp, y rất sợ thần thiếp trả thù. Nếu Tristan không phải là cháu của nhà vua và được nhà vua tin dùng từ lâu, thần thiếp đã từ chối không bao giờ cho Tristan được gặp mặt.”

Những lời nói của hoàng hậu khiến cho nhà vua hài lòng. Nhà vua đã hết nghi ngờ. Bình yên trong tâm hồn đã tìm lại được. Nhưng nhà vua vừa an tâm, lũ vương tước gian xảo lại khơi dâng lên mối nghi ngờ cũ.

Để thật sự tìm lại được bình yên, nhà vua quyết định cho Tristan ra sống bên ngoài tòa lâu đài. Thế là hai kẻ tình nhân bị xa rời nhau! Nhưng Tristan không dọn đi xa. Cùng với Governal, Tristan kiếm một ngôi nhà ở ngay thị trấn tiếp cận với lâu đài Tintagel. Gần trong gang tấc nhưng Tristan vẫn không nguôi buồn, buồn tưởng đến chết đi được! Nhất định hai người sẽ khô héo nếu không có cô hầu khôn khéo Brangien. Một lần nữa Brangien lại ra sức cứu vãn, đem tia nắng mong đợi tới căn phòng tối tăm, hiu hắt của mỗi kẻ tình nhân lẻ loi.

Bạn đọc hãy nghe mưu thần của Brangien bày ra để chấp nối hai kẻ tình nhân đứt ruột.

Brangien một bữa tới gặp Tristan và nói:

“Hỡi hiệp sĩ không vui, chắc hiệp sĩ còn nhớ khu vườn cây tiếp giáp với phòng hoàng hậu. Hiệp sĩ có còn nhớ con suối nhỏ chảy từ bên ngoài qua khu vườn, rồi lại chảy ra ngoài ở phía bên kia khu vườn, dòng suối đó cũng đi qua ngay bên dưới cửa sổ phòng hoàng hậu. Mỗi khi hiệp sĩ thấy có cơ hội tốt, hiệp sĩ hãy tới gần vườn cây lóc thân cây, lấy những mảnh dăm bào, một mặt hiệp sĩ viết chữ T một mặt hiệp sĩ viết chữ I. Với nhiều mảnh dăm bào như vậy, hiệp sĩ hãy thả xuống dòng suối. Suối chảy qua dưới cửa sổ phòng hoàng hậu, trông thấy những mảnh dăm bào hoàng hậu sẽ biết có hiệp sĩ đang đợi bên suối trong vườn cây, hoàng hậu sẽ tới hội ngộ.”

Nghe bày kế lạ, Tristan trở lại ham sống.

Vườn cây là một khu vực rộng lớn với rất nhiều cây cao, bóng lá um tùm. Trong vườn còn có một cây tùng thật to, thật cao, mọc bên bờ suối, khắp miền Cornouaille không có lấy một cây tùng nào khác so sánh nổi. Dòng suối chảy bên gốc cây cũng to rộng, trong vắt gương nước động.

Tristan tới bên suối, dưới gốc tùng, liệng những mảnh dăm bào đưa tin cho hoàng hậu bên trong tòa lâu đài Tingtagel. Dòng suối men bờ cỏ, chảy qua khu vực có các phòng của hoàng hậu cùng các thị nữ, chiều chiều hoàng hậu đăm đăm đợi dòng suối mang tin của người yêu tới. Không chiều nào, từ sau ngày Brangien tới gặp Tristan mà hoàng hậu không ngóng đợi.

Bên dưới gốc tùng có một khoảng rộng êm ái. Đêm tối hai kẻ tình nhân hội ngộ dưới gốc tùng, trong khi nhà nhà đều đóng cửa qua đêm. Dưới gốc tùng êm ái, hai kẻ tình nhân gặp nhau hàn huyên, trút hết bao nhớ nhung, bao mòn mỏi đợi. và hai kẻ tình nhân có chiều ý nhau tới tận cùng thương nhớ, không ai biết tới chôn thâm u năn cản. và hai kẻ tình nhân mặc sức yêu thương…

Nhưng lũ vương tước gian xảo và quay quắt có những con mắt tinh tường khác người. Từ những ngày u sầu héo hon, Iseut bỗng bước qua những ngày vui tươi trở lại, làm sao sự thay đổi che giấu nỗi những con mắt chờ đợi để phân tích từng chi tiết nhỏ. Iseut trở lại vui tươi không có nghĩa nào khác hai người đã có dịp hội ngộ. Nhưng nhận xét thấy sự thay đổi là một việc, biết rõ nội tình vì đâu mà Iseut hết u sầu và tìm ra bằng chứng hai kẻ tình nhân gặp nhau trở lại là chuyện không dễ dàng. Iseut có thể không cần giấu nét tươi vui tìm thấy. Nhưng có Brangien bên cạnh, và Iseut đã trở nên khôn ngoan hơn trước, làm sao lũ người rình rập sớm khám phá thấy nơi hò hẹn và cung cách hò hẹn trong đêm tối, giữa vườn sâu, ngoài mọi sự nghi ngờ, theo dõi.

Cặp tình nhân trải qua một thời gian tìm lại những vui sướng tưởng chừng không bao giờ còn nữa. Càng trông thấy Iseut tươi vui, như thách thức, lũ vương tước hờn ghen Tristan quyết tâm phải tìm cho ra tung tích những dịp hẹn hò. Nhưng uổng công. Cả Tristan lẫn Iseut đều biết dè chừng nguy cơ bị khám phá, không cách nào giúp đối phương tiến thêm một bước trong những hối hả phá đám.

Nhưng ở Tintagel có một thằng lùn, đã lùn còn thêm lưng gù, con người xâu xí đó hận đời, đã trở nên kẻ thù của hết thảy những người sung sướng. Thằng gù Froncin đi với quỷ sứ và có tài thiên văn, địa lý, bói toán.

Sức người không sao hại nổi cặp tình nhân vui sướng, lũ vương tước ghen ghét bèn tìm tới thần quyền, mượn tay quỷ sứ cho hả giận. Thầy bói Froncin được mời tới, được đưa sẳn một món thù lao rất hậu. Những gì con mắt người thường không nhìn thấu, con mắt quỷ sứ của Froncin nhìn thấy được. Đáp lại món thù lao hậu hỉ đưa trước, Froncin ra sức tìm hiểu những vì sao trên trời, kêu gọi sự giúp của quỷ sứ, hầu khám phá ra nguồn gốc của nét vui tươi trẻ lại trên gương mặt hoàng hậu. Froncin mất nhiều công, lũ vương tước ghen tức mất nhiều thì giờ hồi hộp và chờ đợi. Froncin tìm kiếm, tra hỏi mãi các vì sao để biết cặp tình nhân hò hẹn ở đâu. Biết mình vừa lùn vừa xấu xí, Froncin thù ghét hết thảy những người có hạnh phúc, nhất là những cặp tình nhân, Tristan và Iseut đứng đầu trong nhóm bị thù ghét nhất vì Tristan và Iseut là cặp nhân tình đang nhiều hạnh phúc nhất. Froncin tìm kiếm mãi mới ra nơi hò hẹn của Tristan và Iseut.

Sau khi Froncin đã tiết lộ những điều tìm kiếm được, lũ vương tước ghen ghét đưa Froncin tới trước mặt vua Marc. Marc rất khó chịu phải gặp nhóm người này. Vua Marc đã phải xua đuổi người cháu thân yêu Tristan ra khỏi tòa lâu đài chưa đủ thỏa mãn lũ người ghen ghét đó sao?

Nhưng Froncin nói:

“Tâu nhà vua, nếu nhà vua muốn rõ hết chuyện, ngay đêm nay nhà vua có thể mắt thấy, tai nghe thấy hoàng hậu và Tristan làm bại hoại danh giá của nhà vua đến chừng nào. Nếu những lời nói ra mà có sai, xin nhà vua cứ treo cổ kẻ hèn này làm gương.”

Nhà vua đành nghe theo lời Froncin, bày kế đi săn bắn nơi xa. Đêm đến, nhà vua lén quay về, tới bên khu rừng cây cùng với Froncin đi tới gốc cây tùng. Tên lùn nói với nhà vua:

“Tâu nhà vua, xin nhà vua hãy trèo lên ngọn cây tùng này. Nhà vua hãy mang theo cây cung và ống tên. Chẳng bao lâu nhà vua sẽ thấy Tristan tới đây.”

Nhà vua đành leo lên ngọn cây, ẩn mình trong tán lá.

Nhà vua chờ đợi không lâu.

Tristan leo qua rào vào trong vườn, đến dưới gốc tùng. Đêm đó trăng sáng rỡ. Khi thả những mảnh dăm bào xuống dòng suối, Tristan cúi đầu trên gương nước trong vắt và ngó thấy nhà vua đang núp trên ngọn cây, hình ảnh nhà vua do gương nước trong vắt phản chiếu rõ rành. Phản ứng thứ nhất của Tristan là thôi không thả những mảnh dăm bào xuống dòng suối. Nhưng thấy mảnh đầu tiên đã lỡ thả, đang phăng phăng rẽ nước trôi tới bên cửa sổ phòng hoàng hậu. Hoàng hậu chỉ cần lượm được một mảnh dăm bào cũng đủ vội vã chạy tới, Tristan có ngừng thả cũng vô ích, chẳng bao lâu hoàng hậu sẽ tới đây.

Đón nhận mảnh dăm bào thứ nhất, hoàng hậu Iseut đã vui sướng vội vã chạy tới. Nhưng Tristan nín lặng không chạy ra đón. Hoàng hậu ngạc nhiên, ngó ra chung quanh, quanh quẩn rồi nhó tới gương nước đang chảy trôi và vụt nhận thấy nhà vua đang ngồi trên ngọn cây tùng. Hoàng hậu định thần lại không để lộ một chút hốt hoảng. và cũng không ngẫng đầu lên ngó trên cây. Hoàng hậu phải làm cách nào thông tin cho Tristan đừng lộ diện khi chàng tới. Iseut quyết định lên tiếng trước. Hoàng hậu tiến lại bên gốc cây.

Hỡi bạn đọc, đây là những lời hoàng hậu Iseut nói với Tristan bằng cách gửi lời trong gió. Hoàng hậu nói:

“Hỡi hiệp sĩ Tristan, cơn điên khùng nào xúi bẩy hiệp sĩ cho mời tôi đến đây, vào giờ này? Nhờ ơn Thượng Đế sinh ra khí trời và nước biển, không bao giờ hiệp sĩ nên mời tôi tới làm chi, vì không bao giờ tôi muốn tới gặp hiệp sĩ đâu. Nhà vua nghi rằng tôi thương hiệp sĩ. Xin Thượng Đế phanh thây tôi ra nếu tôi có chút tình bạn nào gửi cho ai. Tôi chỉ biết thương có một người, đó là người đã biết tôi khi còn là trinh nữ. Lũ vương tước gian dối và quay quắt xúc xiểm với nhà vua rằng, tôi với hiệp sĩ thương yêu nhau. Thà rằng tôi nhảy lên đài lửa cho thiêu sống còn hơn yêu một ai khác hơn nhà vua của tôi. Hỡi hiệp sĩ Tristan, mẫu hậu ta và ta đây, trước kia, đã từng hai lần cứu hiệp sĩ khỏi chết. Nếu quả thật hiệp sĩ còn lưu chút tình nhớ ơn xưa, đó không phải là chuyện lạ. Nhưng xin hiệp sĩ đừng bao giờ cho mời tôi tới đây làm gì. Không bao giờ nữa tôi sẽ tới đây. Hôm nay tới đây, tôi có chủ ý một lần nói những lời đó với hiệp sĩ. Tôi nán lại đây như vậy cũng đã quá lâu. Nếu nhà vua hay tin tôi tới đây, nhà vua có thể hạ lệnh chém đầu tôi. Như vậy tội nghiệp cho tôi, hỡi hiệp sĩ Tristan, hiệp sĩ phải hiểu như vậy. Trọn vẹn tình cảm nếu tôi có đối với hiệp sĩ, đó chỉ là tình thân thuộc giữa hiệp sĩ và nhà vua của tôi. Mẫu thân tôi đã dạy tôi phải quý mến những thân thuộc của chồng tôi. Ví tình thương của nhà vua, tôi đã tỏ ra quý mến hiệp sĩ, không dè tôi có thể bị hại vì sự quý mến đó.”

Tristan núp trong bụi, nghe rõ hết những lời của Iseut và thầm cám ơn Thượng Đế đã xui khiến Iseut cũng trông thấy hình ảnh nhà vua phản chiếu trong gương nước. Tristan bèn y theo phương cách Iseut đã bày ra trước. Đợi cho Iseut bắt đầu lui ra xa, Tristan bèn chạy tới gốc cây, cố gắng nói theo:

“Tâu hoàng hậu, xin hoàng hậu phán xét. Tôi đâu được phép tới gần phòng riêng của hoàng hậu: làm sao tôi có thể ngỏ lời cùng hoàng hậu. Đã bao lần tôi nhờ đưa tin mời hoàng hậu tới, mãi bữa nay tôi mới được hoàng hậu hạ gót tới, nhưng tôi chẳng kịp được ngó thấy hoàng hậu ở trước mặt. Xin hoàng hậu hãy nán bước nghe tôi giải tỏ. Hỡi công chúa có nhớ chăng con người hèn mọn của tôi. Tôi chưa có dịp nào giải tỏ với hoàng hậu thì nhà vua đã sinh nghi xua đuổi tôi ra khỏi lâu đài. Lũ vương tước gian dối và quay quắt chắc đã vui sướng lắm. Chúng muốn xua đuổi tôi không được gần cận nhà vua, anh của mẹ tôi. Lũ vương tước không muốn ở gần nhà vua có một người thân thuộc như tôi. Nhưng chắc hoàng hậu không quên tôi là người đã ra sức, không quản công lo đưa công chúa Iseut miền Irlande về trở thành hoàng hậu miền Cornouaille. Tôi đã lo đưa công chúa Iseut thành hoàng hậu, tôi sẳn sàng được treo cổ trên cành cây này hơn là tỏ lộ một chút ham muốn sàm sở đối với hoàng hậu của tôi. Chúng dân miền Cornouaille không ai quên ngày hiệp sĩ Morholt tới Tintagel đòi một trăm con trai một trăm con gái triều cống để làm tôi mọi cho nhà vua miền Irlande, khi đó những vương tước gian xảo và quay quắt có ai nói được một lời, họ nín thinh bỏ mặc chúng dân miền Cornouaille phải lìa bỏ con cái bị đưa đi làm tôi mọi. Riêng tôi, một hiệp sĩ như mọi hiệp sĩ khác, đã đứng lên vì nhà vua, vì chúng dân miền Cornouaille, thách thức hiệp sĩ khổng lồ miền Irlande. Hành động của tôi chín phần thua chỉ có một phần thắng, nhưng tôi quên thân tôi, chỉ biết mối thù đối với miền Irlande phách lối đòi triều cống bằng thách thức thi võ. Nhờ ơn Thượng Đế và nhờ oai danh của nhà vua cậu tôi, tôi đã thắng Morholt, đã giết chết kẻ hằng năm tới thách thức miền Cornouaille cam chịu vì một lũ vương tước gian xảo và quay quắt, chúng đã làm được những gì để phụng sự nhà vua? Nhưng nhà vua vẫn tin dùng họ, những người hằng che mắt nhà vua, xúc xiển sàm báng bên tai nhà vua! Tôi mời hoàng hậu tới đây không có mục đích gì khác, nhờ hoàng hậu nói lại những lời tôi mới nói với nhà vua. Vì riêng tôi, một kẻ bị xua đuổi, tôi muốn nói mà không nói được tới tai nhà vua.”

Nghe Tristan nói như vậy, hoàng hậu Iseut thấu hiểu Tristan đã hiểu vai kịch mà mình muốn Tristan thủ diễn, bèn quay gót trở lại, từ xa nói với Tristan:

“Hỡi hiệp sĩ Tristan, hiệp sĩ nói gì lạ vậy? Nhà vua của tôi ngay thẳng và đôn hậu nhất mực. Nếu hiệp sĩ có ẩn tình gì hãy ráng xin được gặp và trình bày thẳng với nhà vua. Nhà vua oai hùng miền Cornouaille này không đẻ cho ai phải thất vọng. Hiệp sĩ đừng mong tôi ngỏ lời với nhà vua giùm hiệp sĩ. Tôi không muốn chết vì đã quá nhiều lời sàm báng về tôi. Chính bởi có những lời sàm báng cho nên nhà vua mới xua đuổi hiệp sĩ ra khỏi tòa lâu đài. Nếu bây giờ tôi ngỏ lời cùng nhà vua vì hiệp sĩ, chẳng hóa ra tôi mắc quỷ kế của lũ vương tước gian xảo và quay quắt đó sao? Không, tôi sẽ không nói. Tới đây tôi còn sợ có ai trông thấy, rồi nói lời sàm báng. Nếu nhà vua hiểu cho tôi, tôi rất sung sướng. Nhưng bề gì tôi vẫn sợ, tôi nán lại đây đã quá lâu, tôi không dám ở lại nữa đâu.”

Iseut tính chạy đi, Tristan vội giữ lại:

“Tâu hoàng hậu, vì lòng nhân đạo, như Thượng Đế đã vì lòng nhân đạo mà giáng thế, hoàng hậu hãy chỉ vẽ cho tôi. Tôi còn biết than thở với ai ngoài hoàng hậu? Nhà vua giận ghét tôi. Ngựa của tôi, vũ khí của tôi đều bị cầm giữ. Hoàng hậu hãy vui lòng xin lại giùm tôi. Tôi sẽ ra đi, kiếm một nơi nào dung thân.”

“Thôi đi, hiệp sĩ Tristan. Tôi không có cách giúp gì được cho hiệp sĩ đâu. Tôi ở trên đời này chỉ có một mình, hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn của nhà vua.”

Iseut nhất định bỏ đi. Tristan đứng tựa gốc cây than thở:

“Ta sẽ ra đi khổ sở, thảm hại, không ngựa cưỡi, không vũ khí, không có ai bầu bạn ngoài Governal. Hỡi nhà vua thân yêu, cơn giận của nhà vua tai hại cho ta biết chừng nào.”

Ngồi trên cây chứng kiến và nghe thấy hết những lời trao đổi của Tristan và Iseut, vua Marc cảm thấy tội nghiệp:

“Khốn nạn! tên lùn đó đã đánh lừa ta. Nó bảo ta trèo lên cây này để làm nhục ta. Tội dối trá của nó đáng phải chết thiêu. Hỡi Tristan, cháu khỏi phải đi đâu hết. Ngay sáng mai ta sẽ hạ lệnh cho cháu trở về lâu đài, cho cháu được hả dạ.”

Tên lùn xem thiên văn, biết nhà vua đang nổi giận vì hắn. Tên lùn tức giận, phùng mang trợn mép, nhưng phải bỏ trốn qua miền Galles.

Iseut trở về phòng, da mặt còn tái xanh vì hãi sợ. Iseut nói với Brangien:

“Brangien hỡi, không hiểu có ai đã phản bội chúng ta. Ta tới vườn cây, may sao ngó dưới gương nước thấy vua Marc đang ngồi trên ngọn cây tùng. Nhờ Thượng Đế, ta sáng trí nói lên trước, ngăn được Tristan không để lộ một cử chỉ hay lời nói tố cáo hành vi của hai chúng ta. Nhờ ơn Thượng Đế, cả hai chúng ta đều thoát nạn.”

“Tâu hoàng hậu, quả thật có phép lạ. Có bao giờ Thượng Đế phạt những người tốt lành đâu.”

Vua Marc chợt bước vào phòng:

“Hoàng hậu, ta muốn hỏi chuyện hoàng hậu, hoàng hậu nên thẳng thắn trả lời.”

Iseut ngoan ngoãn đáp:

“Tâu nhà vua, có bao giờ thiếp nói dối nhà vua.”

“Hoàng hậu có thường gặp cháu ta chăng?”

Iseut khôn ngoan, vội quỳ dưới chân vua Marc và nói:

“Tâu nhà vua, thiếp đâu dám giấu gì. Thiếp mới gặp hiệp sĩ Tristan trong vườn cây, dưới gốc cây tùng. Thiếp có nói chuyện vời hiệp sĩ Tristan nữa. Thiếp lo sợ hết sức, nếu khi đó nhà vua bắt gặp chắc đã hạ lệnh giết chết thần thiếp, vì nhà vua cho rằng thiếp thương yêu Tristan, lén gặp gỡ Tristan. Sự thật thiếp không có tội. Nhiều lần hiệp sĩ Tristan có nhắn lời mời thần thiếp tới để gặp để nhờ cậy công việc khẩn thiết nhưng thần từ chối, sợ bị hiểu lầm mang tội với nhà vua. Lần này hiệp sĩ Tristan càng tỏ ra quá ư khẩn thiết. Biết rằng nhà vua vẫn giữ tình thương Tristan, thần thiếp đánh bạo tới gặp, rắp tâm nếu quả thật hiệp sĩ Tristan có điều gì oan ức sẽ tâu trình với nhà vua. Thần thiếp tới, gặp được hiệp sĩ Tristan nhờ cậy, lựa lời năn nỉ nhà vua ngó lại oan tình cho hiệp sĩ Tristan. Nếu hiệp sĩ Tristan không là người ruột thịt của nhà vua, thần thiếp đã chẳng dám. Vì tình ruột thịt của nhà vua thiếp mới dám nói. Nếu nhà vua chẳng lượng tình hiểu cho lòng ngay thẳng, thần thiếp cũng đành. Nếu nhà vua nghe lời mấy kẻ điên dại, mấy lẻ xúc xiểm vì ghen tức, thần thiếp chó có tấm lòng để chứng minh. Thượng Đế sẽ vì lòng ngay thẳng của thần thiếp mà phò trợ cho thần thiếp, có ngày nhà vua sẽ soi sáng cho.”

Vua Marc cảm động hôn hoàng hậu, ôm khít trong tay và nói hết sự thật với hoàng hậu. tên lùn Froncin đã coi bói ra sao, nhà vua theo nó tới vườn cây đón đợi, nhà vua trèo lên ngọn cây tùng ngồi nghe hết chuyện của hai người...

Iseut kinh hãi hỏi:

“Nhà vua ngồi trên ngọn cây tùng.”

”Đúng thế, nhờ ơn Thánh Martin, ta cảm động quá thiếu chút nữa đã té xuống đất. Nghe hai người nói chuyện, ta cứ cười thầm trong bụng. Brangien đâu? Hãy chạy đi mau tới nơi hiệp sĩ Tristan đang trú ngụ. và nói cho Tristan biết ta không còn giận y nữa.”

Từ bữa đó, Tristan lại thường có dịp vào phòng Iseut.

Nhà vua chẳng hề quan tâm tới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.