Chuyện Tình Như Huyền Thoại

Chương 29




Khi Emma thấu dấu bưu điện trên lá thư, dòng kỷ niệm êm đềm bỗng ùa đến tràn ngập tâm trí bà. Dòng kỷ niệm từ xứ Wales. Bà liền biết lá thư là của ai, vì bà nhận ra nét chữ. Bà bèn mở ngay lá thư ra đọc.

27 tháng 5, 1950

Bà Harte thân mến,

Tôi đang ở Rhondda, thăm gia đình tại vùng Valleys. Thật tuyệt vời khi gặp mọi người, và bây giờ tôi đang định đi thăm London. Tôi hy vọng bà có thì giờ để ăn trưa với tôi, hay uống trà cũng được. Tôi sẽ ở tại khách sạn Hyde Park, và định sẽ ở tại đấy cho đến cuối tuần sau.

Glynnis.

Emma bỏ bức thư lại vào phong bì, rồi lấy giấy viết thư của văn phòng, bà viết phúc đáp.

1 tháng 6, 1950

Glynnis thân thương,

Được thư của cô, với tôi là một bất ngờ thú vị. Tôi vui mừng khi nghe tin cô đến vùng bờ biển của chúng tôi, và tuyệt vời biết bao khi được gặp lại cô sau bao năm xa cách. Tôi rất nôn nóng, mong được gặp lại cô. Xin cô vui lòng gọi điện báo cho tôi biết ngay khi cô đến London, và chúng ta sẽ thu xếp để ăn trưa với nhau.

Thân ái,

E.H.

Sau khi gấp lá thư đã viết, Emma cho nó vào phong bì, viết địa chỉ, rồi dán tem. Bà dựng phong thư dựa vào chân cây đèn bàn, nhìn nó một lát, mỉm cười. Gặp lại Glynnis là chuyện rất tuyệt vời. Bà nhớ cô thư ký cũ của mình... nhớ vẻ đẹp của cô, nhớ vẻ hấp dẫn, vẻ duyên dáng, và giọng xứ Wales thanh tao ngọt ngào của cô. Emma tự hỏi bây giờ trông Glynnis ra sao. Cô ta không gởi cho bà hình nào để xem hết.

Đẩy ghế lui, Emma đứng dậy, đi đến cánh cửa sổ rộng nhìn ra cánh đồng hoang. Ngày hôm ấy đẹp rực rỡ, nắng ấm, bầu trời xanh như hoa thủy cự.

Nếu thời tiết cứ như thế này, thì chắc họ sẽ có một mùa hè tuyệt vời. Bà hy vọng như thế. Năm ngoái trời mưa liên miên, bà cảm thấy như bà đang sống giữa cánh rừng mưa.

Emma định năm nay sẽ ở tại Yorkshire nhiều chừng nào hay chừng ấy, mặc dù bà đã nghĩ đến chuyện sẽ đi đến villa Faviola tại miền Nam nước Pháp.

Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt năm năm rồi, nhưng cái biệt thự cần phải sửa sang thêm nhiều. Ngôi nhà đã bị bỏ phế trong thời chiến tranh, lại bị bọn sĩ quan Đức quốc xã chiếm đóng, nên bị hư hại trầm trọng. Năm ngoái, khi bà đến thăm, bà có sửa sang một vài nơi, nhưng nhiều chỗ vẫn còn cần phải sửa sang, chăm sóc.

Có lẽ bà đi sang đấy vào tháng Tám hay tháng Chín. Blackie đã hứa sẽ đi với bà, và bà nghĩ bà cần đến kinh nghiệm và tài chuyên môn của ông trong nghề xây dựng. Bà thường trêu ông, nói rằng ông đang còn máu thợ xây dựng trong người, giống như khi bà mới gặp ông năm mươi năm về trước. Ông thường cười với bà, thích thú khi nghe bà trêu chọc, và cũng như bà, ông nhớ thời hai người mới sống với nhau, lúc ấy cả hai đều nghèo xơ xác và tự hỏi không biết làm sao cho cuộc đời được khấm khá hơn.

Nhìn đồng hồ, Emma thấy chỉ mới mười một giờ. Còn thời gian để bà đi dạo một vòng ngoài đồng hoang. Quay lựng lại với cảnh đẹp trước mặt, bà đi qua căn phòng rộng trên lầu, đến ngồi vào bàn làm việc có từ thời George để đọc cho hết phần thư tín giao dịch. Sau khi đã điện thoại đến cửa hàng ở Leeeds và gọi cô thư ký ở London, bà vội đi vào phòng ngủ để thay đổi giày.

Một lát sau, bà xuống lầu, đi đến nhà bếp. Khi bà mở cửa, Hilda giật mình quay lui, kêu lên:

- Ôi lạy Chúa! Bà làm tôi giật mình, bà Harte. Bà phải cho tôi chuẩn bị đã chứ.

- Tôi xin lỗi, Hilda. Tôi chỉ vào nói cho chị biết tôi đi dạo một vòng. Tôi muốn hít thở không khí trong lành. Tôi định sẽ ăn trưa vào lúc một giờ ba mươi. Như thế chị có thì giờ để chuẩn bị chứ?

- Dạ được, thưa bà. Tôi định chuẩn bị cho bà món cá bơn sao ăn với khoai tây chiên, đậu mùa hè tươi và xúp lơ trong vườn, hấp theo kiểu bà thích, ăn với nước xốt cây mùi tây. Bà thích các món ăn chứ, thưa bà Harte?

- Như thế ngon rồi, Hilda. Và khi tôi về, nếu chị thích thì chúng ta sẽ bàn về bữa ăn tối vào ngày mai. Ông O�Neill về như thường lệ vào thứ Sáu, cho nên tôi muốn chị nấu vài món ông ấy thích. Miss Daisy sẽ đến với ông Amory và bé Paula.

Mặt Hilda tươi cười rạng rỡ.

- Ôi, thưa bà, cô bé rất dễ thương. Mọi người đều biết chúng ta thương nó đấy.

Hilda cười, quay lại với xoong nồi, bình lọ, vừa nghĩ đến bữa ăn tối vào ngày mai.

° ° °

Khi Emma đi ra ngoài cánh đồng hoang thân thương, nơi mà khi bà mới lên mười, bà thường tuyên bố là của bà, bà cảm thấy hân hoan trước cảnh đẹp cô liêu, lạnh lẽo của vùng đất này. Có nhiều người cho rằng cảnh ở đây buồn bã, thê lương, nhưng bà lại thấy ở đây cảnh vật yên tĩnh, thoải mái, và chính nhờ cảnh khắc nghiệt ở đây mà bà có sức mạnh và ý chí. Bà không bao giờ cảm thấy cô đơn ở đây, trái lại bà thấy được thanh bình trong những ngọn đồi thoai thoải, vì đây chính là nơi bà đã chào đời.

Bà leo lên đỉnh đồi, đất ở đây khô cằn, vài đám cỏ khô khan úa héo, nhưng luôn luôn vẫn có màu nâu xám vào thời điểm này trong năm. Vào cuối tháng Tám, hoa thạch thảo sẽ nở rộ, và mặc dù chỉ là loài hoa trên đá tầm thường, nhưng nó cũng phủ lên khắp các ngọn đồi một màu tím rực rỡ, uốn lượn dưới làm gió cuối hè như mặt bể dao động nhẹ.

Cuối cùng bà đến nơi bà thích nhất, ngồi xuống trên tảng đá lớn nằm chèn giữa hai khối đá khổng lồ. Ở trên những cây độc thạch khổng lồ vươn cao, bà thường rất kinh ngạc trong những trụ đá lớn này. Những trụ đá này đã có ở đây hàng triệu năm rồi. Chúng giống như những tác phẩm điêu khắc do bàn tay của người thợ trời tạo nên. Trước mắt bà, cảnh vật trải dài đẹp tuyệt vời rất thân quen với bà, những cánh đồng hoang chạy bao quanh và dưới chân chúng là thung lũng xanh tươi, có dòng sông chảy qua như một dải bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời tháng Sáu rực rỡ.

Bỗng Emma ngửi thấy mùi thơm của đất đồng hoang. Mùi thơm nhắc bà nhớ lại thời thơ ấu, bà nhắm mắt, nhớ đến mẹ bà, người cũng thích những cánh đồng hoang này. Đặc biệt nhất là vùng Đỉnh của thế giới. Ngày nào đấy bà sẽ đến đấy lại... nơi bà đã đến với mẹ nhiều lần, và với Edwin Fairley. Bà đã đến đấy lâu rồi, khi bà còn rất nhỏ, chưa biết gì và phải có người chăm sóc. Bà nghe tiếng ong kêu vù vù khi chúng bay lượn trên không, trên những cây kim tước vàng và hoa nhỏ mọc trên đồng hoang. Khi bà mở mắt nhìn lên, bà thấy chim hồng tước và sơn ca bay lượn dưới ánh mặt trời. Cảnh tượng đẹp lộng lẫy đang mở ra trước mắt bà.

Nhắm mắt lại, bà thả hồn nhớ đến Paul như bao lần bà đến ngồi bên cánh đồng hoang này. Nhưng thực ra, ngày nào bà cũng nhớ đến ông, hoặc khi này hoặc khi khác. Ông luôn luôn ngự trị trong trái tim bà. Bà rất nhớ ông, nhớ tính hài hước tế nhị của ông, nhớ tình yêu và sự thông cảm của ông, nhớ nét duyên dáng và tính quỷ quyệt của ông. Không có người đàn ông nào như ông, và sẽ không bao giờ có. Bà rất nhớ ông, và thỉnh thoảng sự nhớ nhung này làm cho bà không chịu nổi.

Thế nhưng bà rất may mắn trong đời. Bà có những người anh tận tụy với bà, Winston và Frank, và có người bạn thân yêu Blackie O�Neill. Và có con có cháu, đứa cháu mà bây giờ bà thương mến nhất là Paula. Tên cô bé do tên Paul McGill mà ra, bé là cháu ngoại của ông, và có vẻ ngoài rất giống ông. Tóc đen kỳ lạ, mắt màu xanh tím đẹp tuyệt vời.

Bỗng Emma nghĩ đến Robin, con trai của bà. Bà cảm thấy hơi buồn khi nhớ đến mối tình cũ của con bà với Glynnis. Bà phải hết sức cẩn thận để không cho Robin biết có Glynnis đến London. Thế nào anh ta cũng tìm gặp cô ấy.

Nhưng chắc chuyện này chẳng thành vấn đề, Emma tự nhủ. Đã từ lâu, Glynnis nói với bà rằng cô ta không muốn gặp Robin Ainsley nữa. Vì anh ta đối xử với cô rất tệ, ảnh đã làm tan nát trái tim cô. Hừ, trái tim tan nát thì nó lại lành, nhưng rõ ràng Glynnis không quan tâm đến Robin nữa. Cô đã lấy Joe, anh chàng nhà binh Mỹ, là Richard Hughes, anh này nuôi con của Robin như con của mình. Đàn bà còn muốn gì hơn nữa ngoài việc có người chồng tốt, đáng yêu, bằng lòng lấy mình khi mình đã có thai với người khác và thương yêu mình trong cuộc sống hằng ngày? Glynnis cũng là người may mắn.

° ° °

- Blackie, trông anh đẹp quá! - Emma nói, nhìn thẳng vào mặt ông. - Anh thật... tuyệt vời. Từ em dùng để gọi anh hoàn toàn chính xác. Hay có lẽ gọi là đẹp lộng lẫy. Và bộ comple của anh cũng đẹp.

Ông ngẩng đầu lên, cười ha hả. Sau khi cười xong, ông nhìn bà và nói:

- Lúc nào em cũng nịnh người ta được hết, và nếu anh không biết em từ lâu, anh sẽ nói rằng em khen là có ý đồ gì đấy.

- Đừng ngốc. Dĩ nhiên em không có ý đồ gì hết.

- Thì anh vừa nói thế đấy, Emma. Nhưng em đã biết rồi, anh có cái gì là em có cái ấy. Bất cứ cái gì. Em biết anh rất yêu em, Emma.

- Và em cũng yêu anh, Blackie. Lạy Chúa, lâu nay chúng ta là bạn bè. Anh là bạn em suốt đời.

- Phải, từ ngày em còn bé xíu, da bọc xương, nhưng rất đẹp cưng à. Như là bông hoa quý trong đám cỏ dại ở Fairley Hall. - Ông buông tiếng thở dài. - Phải, lâu quá rồi, năm mươi năm rồi. - Ông nhìn bà chăm chú. - Bây giờ anh vẫn thấy em đẹp như xưa, Emma Harte à. Em chưng diện để đi dự tiệc hay sao mà đẹp thế?

Bà cười với ông, nụ cười xuề xòa.

- Không, không đi dự tiệc. Tuy nhiên, khi anh nói anh muốn đến sớm, em nghĩ em nên mặc áo quần cho đàng hoàng, chuẩn bị cho cả ngày luôn.

- Em luôn luôn lịch sự, lúc nào cũng thế, Emma. Anh vừa mới nghe Winston cho biết em sắp tổ chức ăn mừng.

Bà nhìn ông một cách thản nhiên, cặp mắt màu xanh lục nheo nheo.

- Anh trai của em cho anh biết rằng Tổng công ty báo chí Yorkshire đã nắm quyền kiểm soát tờ Yorkshire Morning Gazette. Bây giờ tờ báo ấy là của em, Emma. Cuối cùng em đã thắng Edwin Fariley. Em đã thắng, cưng à.

- Bộ anh không biết em sẽ thắng hay sai, Blackie O�Neill? - Bà hỏi, giọng ngầm có ý thách thức. Bà ngồi thẳng người trên ghế.

- Anh biết chứ. Anh biết em nhòm ngó tờ báo ấy, dù nó đang suy sụp hay hưng thịnh. Vậy nói cho anh biết em làm cách nào đi!

- Em rất kiên nhẫn, và em có đối thủ yếu. Các tờ báo của em thành công nhất ở phía Bắc, chúng ăn đứt tờ Gazette về mặt phát hành, cũng như về mặt này của một số báo khác. Thành thật mà nói, Blackie, tờ Gazette thua lỗ từ những ngày cuối chiến tranh, và em đã đẩy nó vào cảnh ngộ ấy.

- Cố ý hay sao? - Blackie hít một hơi xì gà, nhìn bà với vẻ trầm tư.

- Dĩ nhiên. Và không ân hận. Edwin Fairley không phải là nhà kinh doanh giỏi. Ông ta làm luật sư thì tốt hơn. Theo ý em thì ông ta nên đầu tư vào luật.

- Winston cho anh biết Edwin đã bán đi nhiều cổ phiếu. Rõ ràng đây là hành động điên khùng. Ông ta làm cho vị thế của mình yếu đi, phải không?

Emma gật đầu.

- Ông ta không có quyền trong một thời gian dài. Nhưng ổng vẫn ngồi ghế chủ tịch, và đây là một sai lầm thực sự.

- Tại sao?

- Vì vị trí của ông ta rất mong manh, những cổ đông khác chán ngán ông, nhưng ông không để ý đến họ. Ông nghĩ là ông đúng. Ông không hiểu, và họ không trung thành với ông, họ chỉ quan tâm đến số tiền trong ngân hàng của họ thôi. Em đề nghị trả cho họ một số tiền khổng lồ, tổ chức lại thành phần ban quản lý mới, nhưng chính đồng tiền đã làm việc ấy. Chuyện đương nhiên. Tiền bạc có tiếng nói mà, Blackie. Anh đã dạy cho em điều ấy khi em còn bé.

Ông cười với bà, đứng dậy, đi đến lan can trên hàng hiên, nhìn xuống bãi cỏ kéo dài. Bỗng ông quay đầu lại, gật đầu, nói nhanh:

- Winston nói rằng cuối cùng Edwin bán cổ phiếu của mình cho xí nghiệp Harte.

- Phải. Ông ta không còn cách nào khác.

- Winston gọi đây là sự thành công lớn của em, và anh đồng ý với anh ấy. Nhưng anh ngạc nhiên là em không đi dự họp hội đồng quản trị.

- Tại sao em phải đi? Winston đại diện cho em rồi.

- Đi để chứng kiến sự thất bại của Edwin, Emma.

Cặp mắt màu xanh lục xinh đẹp bỗng trở nên gay gắt và lạnh lùng. Emma ngồi thẳng người trên ghế, ngẩng cao đầu kiêu hãnh, nói bằng một giọng rất lạnh lùng:

- Bốn mươi lăm năm trước đây, em đã nói với Edwin Fairley rằng chừng nào em còn sống, em không muốn gặp lại ông ta nữa, và em giữ lời hứa. Chắc anh không nghĩ là em sẽ nhìn lại mặt ông ta nữa chứ. Không bao giờ, Blackie. Người bạn chân thành của em.

- Anh không nghĩ em sẽ làm thế, - ông nói, nhớ lại bao kỷ niệm xa xưa. Nhớ lại cái thời ông muốn nện cho Edwin Fairley một trận vì đã xử sự không tốt với Emma. Và suốt một thời gian dài, rất nhiều năm, ông ân hận vì ông đã không làm thế. Edwin đáng phải bị ăn đòn.

Emma nói:

- Nhưng chuyện đời dâu bể quá thường tình. Tuy nhiên, Winston nói rằng Edwin không có vẻ hài lòng trong buổi họp. Em nghĩ đây là điều kỳ lạ, em nói với anh ấy rằng chắc có lẽ ảnh thấy nét mặt của Edwin nhẹ nhõm thôi.

- Anh không nghĩ anh ta hài lòng đâu, Emma. Tờ Gazette nằm trong tay của gia đình Fairley ba thế hệ rồi. Bây giờ anh ta mất nó vào tay em.

Bà phì cười.

- Nhẹ nhõm, Blackie à, em đã cất gánh nặng trên vai anh ta. Lần thứ hai.

- Thật vậy, người đẹp, - Blackie dịu dàng đáp, mặt thản nhiên. Bỗng ông nghĩ rằng có lẽ Edwin thực sự được nhẹ nhõm, nhưng không phải vì lý do như Emma đã nghĩ.

- Bà ngoại, bà ngoại, bà ngoại! Cháu đây! - Paula reo lên, cô bé năm tuổi chạy trên hàng hiên đến phía bà, đôi chân nhỏ mập mạp, chiếc áo rộng mùa hè bay phập phồng quanh bé, miệng cười toe toét.

Emma vùng đứng dậy, chạy đến đón đứa cháu ngoại, miệng thốt lên:

- Đừng chạy nhanh, cháu, bà không muốn cháu bị té! - Emma cúi người nắm Paula, ôm ghì lấy cô bé. - Cháu không được chạy nhanh!

Cô bé nhìn bà với vẻ trang trọng, rồi vùng ra, chạy đến Blackie đứng ở cuối hành lang.

- Chào ông cậu Blackie, chào ông!

Blackie cười thoải mái, cúi xuống đưa tay vuốt mái tóc đen uốn cong của cô bé.

- Cháu đẹp quá, cháu à, - ông dịu dàng nói, cặp mắt đen chan chứa tình thương.

- Shane đâu? Shane đâu rồi? - Cô bé hỏi.

- Nó đi học rồi, cháu yêu.

- Ngày mai anh ấy có đến đây chơi không?

- Ông chắc là nó sẽ đến, Paula.

Cô bé vỗ tay.

- Ôi tuyệt!

Khi Emma đi đến phía hai người, Blackie nhìn lên, hơi thở của ông nghẹn lại trong cuống họng. Ngay khi hai người chỉ cách nhau một khoảng ngắn, mà bà vẫn trông có vẻ như khi còn con gái, mái tóc màu vàng hoe lóng lánh dưới ánh mặt trời. Và bây giờ ông thấy bà vẫn đẹp như xưa... như cách đây bao nhiêu năm, khi chàng gặp cô gái bé nhỏ xinh đẹp trên cánh đồng hoang, đầy sương mù, và chàng đi theo nàng đến ngôi nhà tệ hại ấy, ngôi biệt thự Fairley Hall. Tự nhiên ông cảm thấy người run lên.

Khi Emma dừng lại, bà nhìn vào mặt ông, cau mày và nói:

- Blackie, sao trông anh buồn bã thế? Có chuyện gì không ổn à?

- Không, không có gì, người đẹp. Không có gì hết. - Ông nhìn bà và khẽ cười, nghiêng người qua đứa bé, ông hôn lên má Emma. - Nhưng anh muốn em hiểu cho rằng em vẫn là cô gái bé bỏng ngoài cánh đồng hoang. Và em vẫn là cô gái ấy cho đến ngày anh chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.