Chuyện Thời Hồn Nhiên

Chương 9




Sau khi tĩnh dưỡng ở nhà gần ba tháng, rốt cuộc vết thương trên chân ba tôi cũng lành. Ông lại bắt đầu chạy đường dài cả ngày lẫn đêm, nhận thêm nhiều việc, còn ôm đồm luôn việc bốc dỡ hàng hóa chỉ để kiếm thêm tiền. Mẹ cũng tìm được công việc bán thời gian ở một xí nghiệp gần nhà, chưa tới 5 giờ sáng đã vác chiếc túi vải cũ sờn ra cửa, về đến nhà đã gần nửa đêm.

Bà nội 70 tuổi nhận nhiệm vụ chăm sóc tôi với em trai. Tôi cũng dần học được cách tự giặt quần áo, tự thắt bím tóc, gặp vấn đề thì tự mình giải quyết, còn giúp chăm sóc em trai, giúp công việc nhà trong khả năng cho phép ở mức nhiều nhất có thể.

Nhìn ba mẹ liều mạng làm việc, lòng tôi rất khó chịu, khi đi học tự nhủ thầm với bản thân là phải tập trung học hành, cải thiện thành tích, để lần sau họp phụ huynh thì ba mẹ còn được tự hào, vui vẻ.

Cho dù làm việc bán mạng như vậy nhưng khi về nhà, trước mặt chúng tôi chưa bao giờ ba phàn nàn mệt mỏi một tiếng nào. Ông thừa hưởng tính cách tốt của bà nội, luôn tích cực lạc quan đối diện với mọi việc, dường như khó khăn đến đâu cũng không thành vấn đề với ông. Trên mặt ông luôn luôn là nụ cười vui tươi hớn hở, còn kể cho tôi với em nghe những chuyện thú vị ông gặp trên đường, về những người ông gặp.

Mẹ tôi thì khác, tâm trạng bà thay đổi, đi làm về có lúc mệt quá không khỏi thở ngắn than dài trong bữa ăn, không biết những ngày thế này bao giờ mới kết thúc. Mỗi lần như vậy, bà nội lại nói nhỏ: “Lị Lị, đừng thở dài, “một tiếng thở dài nghèo ba năm”, vận may đều bị con thở dài mà không còn nữa.”

Nghe vậy, mẹ thực sự rất hiếm khi thở dài, bà sợ nghèo, không muốn lại nghèo như vậy nữa.

Hôm đó lúc chạng vạng tối, trên đường đi học về, Ngưu Thụy đột nhiên gọi tôi: “Lý An Tĩnh!”

“Vụ gì?” Tôi vẫn đang suy nghĩ về đề toán khó trên bảng đen, không thích bị người ta cắt ngang dòng suy nghĩ.

Ngưu Thụy rất hào hứng, có tâm lý như đi xem chuyện vui, cậu ấy vừa kéo tôi vừa chỉ vào chiếc xe cách đó không xa: “Lý An Tĩnh, cậu nhìn xem có phải xe ba cậu không?”

Tôi nhìn theo hướng tay chỉ cậu ấy, nhìn thấy một xe tải chở xi măng đậu ở tiệm tạp hóa đầu thôn, một người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang đang bốc dỡ xi măng xuống xe, ông ấy khiêng một bao xi măng ra ra vào vào, bộ quần áo trên người cũ nát, bẩn thỉu, đã biến thành màu xi măng… gương mặt ông bị che kín mít, không thể nhìn rõ.

“Không phải.” Tôi lắc đầu, tiếp tục suy nghĩ về đề toán kia.

Ngưu Thụy hơi thất vọng, lẩm bẩm: “Nhưng mà tớ thấy rất giống mà, cậu chắc chắn đây không phải là xe ba cậu à?”

Tôi vất vả mới nối lại suy nghĩ lần nữa thì lại bị Ngưu Thụy cắt ngang, mất kiên nhẫn ngẩng đầu lên: “Ai dà, cậu có thấy phiền không? Đã nói không phải là không phải, còn cứ cố hỏi thêm mấy lần!”

Ngưu Thụy le lưỡi, lúc này tôi mới nhìn thấy người công nhân vác xi măng kia tháo khẩu trang, cầm một ca to bằng nhựa uống nước.

Màu sắc và hình dạng ca nước đó rất quen thuộc…

Tôi như ngừng thở, mắt nhìn chăm chăm vào gương mặt người kia, đó thật sự là ba tôi. Sao ông lại ăn mặc thế này, sao ông có thể tự mình bốc vác nhiều xi măng như vậy, cả một chiếc xe tải…

Đau lòng, khổ sở, tự ti, tự trách… những cảm xúc phức tạp ập đến trong lòng tôi, trong lúc nhất thời tôi không biết phải làm sao, lứa tuổi này có lòng phù phiếm hư vinh nhanh chóng điều khiển lời nói và việc làm của tôi, khiến tôi làm ra một hành động mà tôi đã hối hận suốt thời thơ ấu: cúi đầu, vội vã rời đi.

Tôi không dám thừa nhận với Ngưu Thụy đó là xe của ba tôi, người công nhân vác xi măng kia là ba tôi, cũng không dám lên tiếng gọi ba. Tôi cứ thế mà lẩn trốn như một tên tội phạm, chỉ sợ người khác nhìn thấy.

Bài toán trong đầu tôi vẫn chưa giải ra, tôi về đến nhà, ngồi vào bàn làm bài nhưng không viết được chữ nào. Tôi cứ nghĩ mãi về chiếc xe tải chở đầy xi măng, hình ảnh ba ra vào khiêng từng bao xi măng cứ hiện lên trước mắt.

Tôi là một đứa con tồi, lại đi khinh thường ba mình, ông đã dùng mồ hôi, xương máu của mình để kiếm tiền cho tôi ăn học, thế mà tôi lại xem thường ông, cảm thấy ông ăn mặc tồi tàn, cảm thấy công việc của ông làm tôi mất mặt, thậm chí không muốn nhìn nhận ông trước mặt bạn học. Lòng tôi phiền muộn bồn chồn, đứng ngồi không yên. Nhị Lỗi và Vi Vi đến xem TV với tôi, tôi từ chối với lý do chưa làm xong bài tập. Bà xào một nồi bắp thơm ngào ngạt cho tôi, tôi ăn uống cũng không ngon.

Hình bóng ba khiêng xi măng không ngừng hiện ra trước mắt tôi, nhắc nhở tôi về sự ích kỷ và phù phiếm của mình.

Nếu có thể quay ngược thời gian, chắc chắn tôi sẽ tự hào mà nói với Ngưu Thụy: Đó là xe ba tôi, ông rất mạnh mẽ, một mình khiêng nhiều xi măng như thế! Ông chính là anh hùng, là siêu nhân trong lòng tôi.

Nhưng mà không thể, trên đời này không có “nếu”, càng không thể quay ngược thời gian.

Trong bữa cơm chiều, ba về. Ông đã thay bộ quần áo dơ bẩn mặc khi khiêng xi măng, lấy khăn ướt lau mặt, lau tay sạch sẽ, nhưng trên tóc còn ít bụi xi măng vương trên đấy. Ông cười, đi tới ôm em trai, vuốt tóc tôi: “Con gái, hôm nay ở trường học gì nào?”

“Tào Xung cân voi ạ!” Tôi đáp, “Ba biết sao không, Tào Xung thông minh lắm, nghĩ ra cách cân trọng lượng voi bằng cách dùng thuyền đo mực nước đấy.”

Ba cười, mặt đầy cưng chiều: “Chà, Tào Xung có thông minh đến đâu cũng không thông minh bằng con gái ba.”

Tôi cười hi hi, lấy chén múc cho ba một chén canh nóng hổi.

“Ba, hôm nay ba có mệt không, hay để con đấm lưng cho ba?” Tôi bắt đầu nghĩ cách xum xoe lấy lòng.

Ba lắc đầu nhìn tôi: “Không mệt. Sao, hôm nay ở trường con bị cô giáo phê bình à?”

“Ặc… không có đâu, ở trường con biểu hiện rất tốt.”

Nhìn ba vui vẻ, tôi cũng không nhắc lại chuyện xi măng kia, chỉ là ân cần, ngoan ngoãn, nhìn mặt đoán ý hơn bình thường.

Hôm nay mẹ không tăng ca, hiếm khi cả nhà quây quần ăn tối. Ăn được nửa bữa, bà bất ngờ chỉ ra mảnh vườn nhỏ ngoài sân nói: “Mấy đám hoa cỏ đó choán chỗ quá, hay là nhổ đi trồng rau dưa? Có thể tiết kiệm ít tiền mua thức ăn.”

Bà nội đồng tình: “Vừa hay mẹ có hạt giống rau bà nội Tiểu Vũ cho đây, rau diếp, tỏi tây, bí đao, bí đỏ đều có. Hôm sau lại trồng ít mầm cà chua, dưa chuột.”

“Không được!” Tôi thu hết can đảm phản đối.

“Sao lại không được?” Mẹ hỏi.

“Vì con trồng lúa mì trong vườn, Thumbelina sẽ lớn lên, nếu mọi người nhổ hoa thì Thumbelina không có chỗ ngủ.”

Mẹ bật cười: “Con nghĩ gì vậy, làm gì có Thumbelina, đừng bị mấy câu chuyện cổ tích đó lừa chứ.”

Tôi siết chặt ngón tay, khăng khăng rằng vườn hoa trong sân nhà tôi có Thumbelina đang sống, còn vì sao cô ấy chưa xuất hiện thì là do mùa đông sắp đến, thời tiết quá lạnh nên cô ấy còn ngủ say trong nụ hoa.

Bà nội nghe không hiểu Thumbelina là gì, còn tưởng là một cô bé lớn như tôi ngủ trong vườn hoa, liên tục lắc đầu phụ họa với mẹ tôi.

Lúc này ba tôi ho khan một tiếng, đứng về phía tôi: “Trời lạnh không trồng được rau củ gì, vườn hoa cứ giữ lại đấy đi.” Ông nhìn tôi, dùng giọng điệu trẻ con nói thầm với tôi: “Nếu Thumbelina ở bên trong đó thì sau này việc dọn dẹp vườn tược sẽ giao cho con, được chứ?”

“Dạ, không sao, cứ để con lo.”

Một phần vì cảm giác áy náy, một phần vì biết ơn, trước khi ngủ tôi quấn lấy ba đòi kể chuyện. Ông nhìn qua đã rất mệt còn tự biên ra một câu chuyện cổ tích.

Ông kể: “Ngày xưa có một ngọn núi, trên núi có ngôi nhà gỗ nhỏ. Có hai cô gái sống bằng nghề chăn trâu. Một người học hành chăm chỉ, thành tích rất tốt. Một người thì cả ngày chơi bời, ăn uống, lần thi nào cũng không đạt tiêu chuẩn. Sau đó có một hôm, một chiếc trực thăng đáp xuống trước cửa ngôi nhà gỗ trên núi, từ trong trực thăng có một nữ hoàng bước ra, mang cho cô gái học hành chăm chỉ một rương quần áo đẹp, đồ ăn vặt ngon lành, còn đưa cô gái ấy đi làm công chúa.”

“Còn cô gái kia thì sao?” Tôi tò mò hỏi.

Ba nghĩ ngợi rồi nói: “Còn cô gái kia tiếp tục ở trên núi chăn trâu.”

“Sau này cô ấy không xuống núi làm công chúa sao? Không có đồ ăn vặt với quần áo đẹp ạ?”

“Dĩ nhiên là không, thành tích học tập của cô ấy kém như thế, chỉ có thể đi chăn trâu. Vậy đã là tốt rồi, có người ngay cả trâu còn không đủ tư cách để chăn đấy.” Ba ngáp dài, “Được rồi, mau ngủ đi con, ngày mai còn dậy sớm đi học.”

Tôi chui vào chăn, nhắm mắt lại, mơ thấy mình biến thành cô gái chăn trâu trên núi kia, vì học hành quá kém nên phải ở lại trên núi chăn trâu, xúc phân trâu, chăn trâu… mãi đến khi già đi, thành một bà già xấu xí.

Buổi sáng thức dậy, tôi toát mồ hôi lạnh, thậm chí còn ngửi thấy mùi phân trâu.

“Bạn nhỏ, sao hôm nay con đến sớm vậy?” Cô bán đồ ăn sáng ở cổng trường vừa múc sữa đậu nành vừa hỏi tôi, bây giờ chưa đến 6 giờ, trời còn chưa sáng, đương nhiên là trường chưa mở cổng.

Tôi cầm ly sữa đậu nành, nói với vẻ quyết tâm: “Con phải học hành chăm chỉ, lần thi sau phải đứng nhất.” Tôi cũng muốn trở thành công chúa, có nhiều đồ ăn vặt, quần áo đẹp, không muốn cả đời biến thành một bà già chăn trâu, một mình ở trên núi cô độc rất đáng thương.

“Chậc chậc chậc, tuổi còn nhỏ đã biết phải chăm chỉ học hành, có chí đấy. Cô cho con một quả trứng luộc nước trà.”

“Cảm ơn cô.” Tôi cầm hộp sữa đậu nành, trứng luộc, ngồi xuống cạnh cửa trường, lấy sách giáo khoa trong cặp ra, đọc to bài thơ cổ.

Lúc Lâm Lỗi và Vi Vi đến trường, tôi đã học thuộc hai bài thơ cổ, làm một trang toán số. Hai người cằn nhằn sao sáng tôi không chờ họ đến trường, còn nói cô ở cổng trường keo kiệt, sữa đậu nành không múc đầy, khoai tây sợi cũng ít hơn hôm qua.

Tôi nghĩ thầm, không phải vậy, cô hào phóng múc sữa đậu nành cho tôi đến gần tràn, còn tặng tôi một quả trứng luộc nước trà. Xem ra “chim dậy sớm có sâu ăn” là đúng.

*

Chuông vào lớp vang lên, chúng tôi ngồi ngay ngắn, chống tay lên bàn, ngẩng đầu thẳng lưng, ngừng nói chuyện phiếm, nhưng cô chủ nhiệm Bạch Tố Ni lại chưa vào.

Mấy phút sau, trong lớp bắt đầu vang lên tiếng thì thầm khe khẽ, mấy học sinh ngồi cạnh cửa sổ yên lặng vuốt kính nhìn ra ngoài, còn miêu tả cảnh tượng bên ngoài cho mấy bạn ngồi bên trong không thấy, mọi người đoán có phải hôm nay cô bị bệnh không. Nếu cô không lên lớp thì tốt quá.

“Không phải, cô tới rồi.” Có đứa thì thào, cả lớp lập tức im lặng lại, đám học sinh ban nãy đứng lên nhìn cũng nhanh nhẹn ngồi xuống.

Bạch Tố Ni vội vã bước vào, phía sau có một người tùy tùng nhỏ. Người tùy tùng nhỏ kia che chắn kín mít, thời tiết không lạnh mà người đó đội mũ, đeo một cái khẩu trang to, chỉ chừa một khe hở trên mắt.

Bạch Tố Ni ra lệnh với người theo đuôi nhỏ của mình: “Ngưu Thụy, còn làm gì đấy, về chỗ ngồi, chuông vào lớp đã năm phút rồi.”

Hóa ra là Ngưu Thụy, cả lớp xôn xao, ai cũng thắc mắc sao Ngưu Thụy lại quấn mình như thế.

Ngưu Thụy do dự một lát, căng da đầu quay về chỗ mình ngồi. Bạn cùng bàn Trương Gia Vũ tự giác đứng dậy để Ngưu Thụy đi vào chỗ.

Ngưu Thụy thu người ngồi vào chỗ của mình, cúi đầu run rẩy, không biết đang sợ hãi việc gì.

Sau khi tan học, Trương Gia Vũ tốt bụng hỏi: “Bạn cùng bàn, cậu sao vậy?”

Ngưu Thụy hét to, bịt miệng cậu lại: “Đừng nói chuyện với tớ!” Tiếng hét sắc nhọn kia làm lớp học đang ồn ào trở nên yên tĩnh trong nháy mắt, tất cả học sinh đang trong giờ giải lao đều nhìn về phía cô và Trương Gia Vũ.

“Đừng nói chuyện với tớ!” Ngưu Thụy rụt tay lại như bị điện giật, bật dậy khóc lóc chạy ra khỏi lớp học. Cô chạy đến vòi nước, dùng nước lạnh rửa tay, lấy xà phòng bôi hết lớp này đến lớp khác, chà đến đỏ cả tay, nước mắt dính ướt khẩu trang, làm gương mặt cô mơ hồ.

Ngày hôm qua trên đường đi học về, mấy học sinh nam lớp trên nói cho cô một việc cực kỳ đáng sợ.

Họ nói: “Bạn cùng bàn của mày có virus trong người, mày cẩn thận đừng để nó lây bệnh… nhưng có khả năng mày đã bị lây bệnh rồi ha ha ha ha.”

“Virus gì?  Bạn cùng bàn của em rất khỏe mạnh, mấy anh đừng có nói bậy.”

“Không tin thì cứ thử hỏi xem, mẹ của thằng bạn cùng bàn em vì sao mà chết? Bà ấy mắc bệnh gan, bệnh đó dễ lây.” Một học sinh cao lớn có nước da ngăm đen nói nghiêm trang.

Một người khác lùn hơn ở bên cạnh bổ sung: “Ông nội tao là bác sĩ, tao hỏi ông rồi, bệnh gan có lây.”

“Mấy anh tránh ra, còn nói bậy nữa em sẽ đi méc với thầy hiệu trưởng.” Ngưu Thụy kiên cường tránh khỏi mấy người đó. Sau khi về nhà, cô nấu mấy nồi nước sôi, trốn trong nhà tắm tắm rất lâu.

Cô vốn dĩ không muốn tin những lời đó, nhưng ông nội của anh kia là bác sĩ, bác sĩ không nói dối đúng không? Ngưu Thụy sợ hãi không dám đi học, trốn trong vườn hoa ngoài phòng học, đi học mà không muốn vào, sợ ngồi cùng Trương Gia Vũ, sợ bị cậu lây bệnh, sợ chết.

Cô chủ nhiệm phát hiện ra cô, bắt cô vào lớp. Cô chủ nhiệm hỏi tại sao cô không vào lớp, cô không thể nói được lời nào. Bình thường Trương Gia Vũ đối xử với cô khá tốt, cho cô mượn tẩy, bút chì, bút xóa, cô tuy là trẻ con nhưng những điều cơ bản tốt xấu thì rõ ràng hơn cả người lớn.

Cô không muốn nhiều người biết về “bệnh gan” của Trương Gia Vũ, nhưng trên đời này không có bức tường nào kín gió.

Ngưu Thụy rửa tay xong quay về ngồi, cô nằm dài trên bài, cả ngày không nói lời nào với bất kỳ ai. Suốt một tuần như vậy, vào một buổi chiều thanh bình, một nhóm phụ huynh tức giận bao quanh cửa lớp 2/1.

Dẫn đầu là mẹ Vương Viện, đây là một phó giám đốc xí nghiệp có tác phong sấm rền gió cuốn, bà hét to: “Tôi muốn kiện trường các cô, sao lại có thể để trẻ em nhiễm virus viêm gan B học cùng những đứa trẻ bình thường khác? Nhỡ bọn trẻ bị lây bệnh thì sao? Các người có gánh nổi trách nhiệm này không?”

Mấy phụ huynh đi theo Phó giám đốc cũng ồn ào phụ họa: “Đúng vậy, cô giáo với hiệu trưởng không thể thiếu đạo đức đến như vậy, con của nhà người ta không phải là con sao? Có bản lĩnh thì đưa con mình vào lớp học cùng đi.”

“Nếu hôm nay không cho chúng tôi lời giải thích rõ ràng, chúng tôi cứ ở đây không đi.” Vì sự an toàn của con cái mà các bà mẹ rất dễ mất lý trí.

Bạch Tố Ni bị chỉ trích nặng nề, nhẹ giọng thuyết phục: “Các vị phụ huynh, hay là chúng ta đến văn phòng ngồi xuống từ từ nói chuyện được không? Đừng làm ảnh hưởng giờ học bình thường của bọn trẻ.”

Phó giám đốc Tôn không tha: “Còn học hành gì nữa? Cả phòng học toàn virus, yêu cầu chuyển lớp cho con chúng tôi.”

“Đúng đó, chuyển lớp, chúng ta muốn chuyển lớp.”

Mọi người la ó ầm ĩ, tình hình sắp vượt khỏi tầm kiểm soát, học sinh trong các lớp bên cạnh tò mò nhìn ra.

Sự kiên nhẫn của Bạch Tố Ni đến giới hạn, cô vốn không phải là người tốt tính, bị mấy bà mẹ sức chiến đấu vô hạn này gây sức ép đến bên bờ vực sụp đổ, dứt khoát hét to: “Mấy người có thể thôi đi không? Đâu phải là con nít mà ồn ào nhốn nháo cái gì, có việc gì thì từ từ không tốt hơn sao? Ít nhất cũng phải làm gương cho bọn trẻ chứ, bọn chúng đều đang nhìn đấy.”

Tiếng gầm này cuối cùng làm dịu đi mấy vị phụ huynh ồn ào.

Phó giám đốc Tôn dù đanh đá thế nào thì vẫn sẵn sàng lắng nghe.

Rốt cuộc mấy vị phụ huynh đi theo Bạch Tố Ni đến văn phòng, bên ngoài lớp học yên tĩnh nhưng bên trong không còn yên tĩnh nữa.

Mấy học sinh thính tai nghe đại khái được tình hình truyền lại, một truyền mười, mười truyền trăm, nhanh chóng truyền tới tai mọi người. Mọi người giống như tránh bệnh dịch mà tránh xa Trương Gia Vũ. Bàn trước, sau, trái, phải bàn cậu cố tình kéo ra một khoảng rất rộng, tạo thành nửa vòng tròn mà Trương Gia Vũ là trung tâm. Bàn của Trương Gia Vũ biến thành hòn đảo cô độc trong lớp.

Mấy bạn học còn lấy tay áo che miệng, mũi, những người từng tiếp xúc với Trương Gia Vũ xếp hàng vào toilet rửa tay, lấy xà phòng chung thoa thành một lớp mỏng.

“Tớ xin lỗi, thật sự không phải tớ cố ý.” Ngưu Thụy thu dọn cặp sách của mình, khóc xin lỗi Trương Gia Vũ. Vì quá sợ hãi nên một hôm trên đường tan học về, cô đã nói tâm sự của mình với người bạn thân Giải Thần Hoan, còn dặn đi dặn lại cô ấy không được nói với ai. Quay đầu đi Giải Thần Hoan kể với Vương Viện, cũng dặn Vương Viện phải giữ kín chuyện này. Trẻ con thích trao đổi những bí mật để có được sự tin tưởng, tựa như đổi bí mật lấy một người bạn.

Vương Viện lúc ăn cơm không cẩn thận nên lỡ miệng nói ra, bí mật này bị mẹ cô là phó giám đốc Tôn nghe được, kết quả là mẹ cô làm náo động.

Trương Gia Vũ có sự điềm tĩnh mà trẻ con ở lứa tuổi này không có, tựa hồ như cậu hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những lời đồn đãi vớ vẩn đó. Cậu mở một quyển bài tập toán, nghiêm túc giải đề, mà Ngưu Thụy bên cạnh cậu đi rồi không quay lại.

Tôi ngồi ở cuối lớp, nhìn cậu với vẻ thông cảm, càng thêm tò mò về cậu. Cậu ấy thực sự rất khác biệt, bình tĩnh, ôn hòa, như thể không hề bị quấy nhiễu. Nếu là tôi trong hoàn cảnh ấy, có lẽ đã nổ như bom, khóc lóc ầm ĩ về nhà tìm ba mẹ.

“Này! Người mang virus viêm gan B, cậu có thể đừng ngồi trong lớp nữa không? Ảnh hưởng việc học của mọi người.” Một nam sinh đột nhiên nói to.

“Đúng đó, trong không khí có lẽ đầy virus, tất cả chúng ta đều gặp nguy hiểm.” Một bạn học khác lấy áo khoác che đầu, phụ họa.

“Tôi không có virus.” Trương Gia Vũ bình tĩnh nói.

“Cậu nói dối!”

Mấy học sinh lười suy nghĩ cũng ồn ào theo, hy vọng Trương Gia Vũ nhanh chóng rời khỏi lớp.

Tôi không thể chịu đựng được nữa, đứng bật dậy, cầm hộp bút bằng thiếc đập mạnh xuống bàn, hét to: “Câm miệng lại hết cho tôi!”

Một tiếng hét này đủ để cả phòng học yên lặng lại, cậu bạn đang ồn ào kia nhìn tôi không phục: “Lý An Tĩnh, cậu xen miệng vào làm gì, tọc mạch, giọng to như thế hù chết trẻ con đấy!”

Tôi chống nạnh, bắt chước dáng vẻ cô chủ nhiệm: “Các cậu thật quá đáng! Tại sao lại tùy tiện vu khống người khác? Ai chứng minh Trương Gia Vũ có virus?”

Tôi học được từ vu khống này của chị Lâm Lỗi, Lâm Lam, coi như là học đi đôi với hành.

“Mọi người đều nói vậy.”

“Mọi người là ai? Chứng cứ đâu? Mấy người có thể đưa chứng cứ ra không?” Tôi giống như cảnh sát nhí chất vấn đám học sinh ồn ào, không uổng công tôi theo mẹ coi cả bộ phim “Sáu vụ trọng án”.

Bị tôi hỏi vậy, mấy học sinh nam ban nãy còn đang rất phấn khích đều im bặt, họ chỉ là tin đồn vỉa hè, làm gì có bằng chứng.

Tuy nhiên, một người không phục đứng lên, chỉ vào tôi: “Vậy thì lấy gì chứng minh Trương Gia Vũ không có mang virus hả? Chính cậu không sợ lây bệnh sao?”

“Đương nhiên tôi không sợ.”

Vừa nói xong, tôi thu dọn cặp sách, văn phòng phẩm của mình, đi tới bàn Trương Gia Vũ, đặt đồ đạc lên ghế trống của Ngưu Thụy, dũng cảm ngồi xuống dưới cái nhìn chăm chú của cả lớp.

Cả lớp ồ lên, Lâm Lỗi và Vi Vi cũng giật mình, liên tục lắc đầu với tôi.

“Cậu thực sự không sợ sao?” Trương Gia Vũ cũng sững sờ, cậu ấy ngồi cách xa tôi, hỏi nhỏ.

“Tớ không sợ.” Tôi lắc đầu, lấy sách bài tập ra, nói thêm, “Tớ tin cậu.”

“Cảm ơn cậu.” Trương Gia Vũ viết hai chữ cảm ơn lớn lên sách bài tập, vẽ một bông hoa nhỏ màu đỏ bên cạnh, giống hệt như bông hoa bà nội thêu trên cặp tôi.

Trên đường đi học về, tôi tò mò hỏi cậu ấy: “Nghe mọi người nói vậy cậu không tức giận sao? Sao không có phản ứng gì cả?”

Cậu ấy ngước nhìn mây trên trời, bất lực: “Đương nhiên là giận.”

“Nhưng mà tớ không thấy, cậu có vẻ rất bình tĩnh.”

“Vì mình đã quen rồi. Lần đầu tiên xảy ra chuyện thế này mình rất tức giận, thậm chí mình còn khóc nữa, nhưng ba nói khóc không thay đổi được gì cả, nó chỉ khiến bản thân khó chịu hơn, cũng làm người bắt bạt mình đắc ý hơn. Đàn ông con trai phải học được cách kiên cường, không cần quá chú ý đến cái nhìn của người khác, những lời đồn thổi đó cuối cùng sẽ tự chuốc lấy thất bại.”

Trước đây lúc Trương Gia Vũ học lớp 1, vì những nguyên nhân tương tự mà cậu bị cô lập, sau đó còn bị buộc phải chuyển trường.

Những “trải nghiệm thương đau” này tôi nghe qua thực sự như là đang đọc tiểu thuyết, không thể tưởng tượng được trên đời này lại có người xấu như vậu, tại sao lại nhẫn tâm bắt nạt, chèn ép Trương Gia Vũ, nếu lúc đó có tôi thì tốt rồi, nhất định tôi sẽ bảo vệ cậu ấy, không cho bất kỳ ai làm tổn thương cậu ấy.

“Lý An Tĩnh, sao cậu lại trề môi cao thế kia?” Trương Gia Vũ hỏi.

“Cậu thực sự không sao chứ?” Tôi nghiêm túc nhìn cậu ấy.

“Thực sự không sao, mình… mình là ‘nam tử hán đại trượng phu”.

Nhìn cậu ấy cố giả vờ bình thản, tôi thấy hơi đau lòng, xót xa, vỗ nhẹ vai cậu, nói một câu hát quen thuộc: “Đàn ông khóc không phải là tội”*.

Cho dù là đàn ông cũng có mặt yếu đuối, cũng có quyền được khóc, cũng cần có người bảo vệ, cũng có thể không cần kiên cường như vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.