Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 4: Bà ascher




Thanh tra Glen, một người đàn ông cao lớn, tóc vàng và nụ cười dễ mến, đón chúng tôi ở Andover.

Để ngắn gọn có lẽ tôi xin giới thiệu qua những thông tin cơ bản của vụ án.

Vụ án do cảnh sát Dover phát hiện vào lúc 1 giờ sáng ngày 22. Khi đi tuần, anh kiểm tra khóa của cửa hàng và thấy nó không đóng, anh bước vào. Thoạt đầu anh tưởng cửa hàng không có người; tuy nhiên, khi rọi đèn pin lên quầy, anh thấy xác bà cụ già nằm co ro. Khi bác sĩ pháp y đến hiện trường thì phát hiện ra cụ bà bị đánh mạnh vào sau đầu, có lẽ lúc bà đang với tay lấy gói thuốc lá trên kệ hàng đằng sau quầy. Án mạng hẳn đã xảy ra khoảng bảy đến chín tiếng đồng hồ trước.

Viên thanh tra giải thích: “Nhưng chúng tôi đã biết thêm nhiều thông tin hơn thế. Chúng tôi tìm được một người đàn ông vào cửa hàng mua thuốc lá lúc 5 giờ 30. Và người đàn ông thứ hai vào mua lúc khoảng 6 giờ 5 và thấy cửa hàng không có ai. Như vậy khoảng thời gian là từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 5. Cho tới bây giờ tôi chưa tìm ra được ai đã nhìn thấy ông Ascher quanh quẩn gần đó nhưng, tất nhiên, bây giờ vẫn còn sớm mà. Lúc 9 giờ tối hôm đó ông ấy ở quán Three Crowns nhậu khá lâu rồi. Khi chúng ta tóm được ông ấy thì sẽ bắt giữ để điều tra ngay”.

Poirot hỏi: “Ông ấy không phải là một nhân vật dễ chịu đúng không, thanh tra?”

“Hơi khó ưa”.

“Ông ấy không sống chung với vợ à?”

“Không, họ đã ly thân mấy năm rồi. Ascher là người Đức. Ông ta từng làm bồi bàn nhưng sa đà vào rượu chè nên dần dần bị mất việc. Vợ ông làm nghề giúp việc được một thời gian. Công việc cuối cùng bà làm là nấu bếp và trông nom nhà cửa cho một cụ bà tên là Rose. Bà cho chồng tiêu vào cả khoản tiền bà kiếm được nhưng ông luôn say xỉn, đi loanh quanh rồi gây chuyện ở những nơi bà làm việc. Thế nên bà xin làm cho cụ Rose ở Grange. Nơi đó cách Andover chừng ba dặm, vùng thôn quê hẻo lánh. Ông ta không dễ tới kiếm bà ở đó. Khi cụ Rose qua đời, cụ để lại cho bà Ascher một ít của cải nên bà đã mở cửa hàng bán báo và thuốc lá này. Cửa hàng khá nhỏ và chỉ bán vài loại thuốc lá rẻ tiền, dăm ba tờ báo và một số đồ lặt vặt khác. Bà kiếm chỉ đủ sống thôi. Ông Ascher hay tới gây gỗ với bà nên bà phải cho ông ta một ít tiền để đuổi ông đi. Thường thì mỗi tuần bà cho ông chừng 15 đồng shilling”.

“Thế họ có con cái gì không?” Poirot hỏi.

“Không. Chỉ có một cô cháu gái. Cô ấy làm việc gần Overton. Cô gái này rất tốt tính và đứng đắn”.

“Và anh nói ông Ascher này hay dọa bà vợ lắm đúng không?”

“Đúng thế. Ông ấy rất đáng sợ khi có chút rượu vào. Ông chửi rủa và dọa đánh vỡ đầu bà nữa. Bà Ascher thật khốn khổ”.

“Bà ấy bao nhiêu tuổi rồi?”

“Gần 60. Bà làm việc chăm chỉ và được người ta kính trọng”.

Poirot nghiêm nghị nói: “Theo anh, có khả năng ông Ascher là kẻ gây ra án mạng không, thanh tra?”

Viên thanh tra đằng hắng vẻ thận trọng.

“Vẫn còn quá sớm không thể kết luận được, ông Poirot ạ, nhưng tôi muốn nghe ông Franz Ascher tường thuật tối qua ông ấy đã làm gì. Nếu ông ta có thể giải thích hợp lý thì không sao, còn nếu không thì...”

Viên thanh tra bỏ lửng câu nói đầy ẩn ý.

“Cửa hàng không mất gì chứ?”

“Không. Tiền trong hộc vẫn còn nguyên. Không có dấu hiệu của một vụ cướp”.

“Anh nghi ngờ ông Ascher đến cửa hàng lúc đang say rồi chửi rủa bà vợ và đánh chết bà?”

“Nhiều khả năng đó lắm. Nhưng nói thật tôi muốn xem lại lá thư kỳ quặc mà ông nhận được, thưa ông. Tôi đồ rằng có thể lá thư này do ông Ascher gửi”.

Poirot trao lá thư, thanh tra Glen đọc và nhíu mày. Cuối cùng Glen nói: “Giọng văn nghe không giống ông Ascher. Tôi không tin ông Ascher dùng cụm từ cảnh sát Anh ‘của chúng ta’ trừ phi ông ta muốn tỏ ra xảo quyệt và tôi không tin ông ấy có khả năng đó. Ngoài ra, ông ta chỉ là gã thân tàn ma dại. Tay ông ta run rẩy thế thì làm sao đánh ra được những dòng chữ rõ ràng như vầy. Giấy và mực đều là loại tốt nửa. Điều kỳ quặc là lá thư nhắc đến ngày 21. Có thể đây là một sự trùng hợp”.

“Ừ, có thể lắm chứ”.

“Nhưng tôi không thích sự trùng hợp này, ông Poirot ạ. Nó xảy ra đúng lúc quá”.

Thanh tra Glen im lặng một vài phút, nếp nhăn hiện rõ trên trán.

“A B C. Ai có thể là tên A B C khốn kiếp đó chứ? Chúng ta phải đợi xem Mary Drower (cô cháu gái) có thể giúp được gì không. Vụ án kỳ quặc thật. Nhưng đối với bức thư này tôi đặt cược vào Franz Ascher cho chắc”.

“Anh có biết gì về quá khứ của bà Ascher không?”

“Bà ấy là người Hampshire. Hồi còn con gái bà làm việc ở Luân Đôn rồi gặp và cưới ông Ascher ở đó. Thời chiến tranh cuộc sống của họ chắc cũng gặp nhiều khó khăn. Thật ra, bà bỏ ông ta năm 1922 để được yên thân. Lúc đó họ vẫn ở Luân Đôn. Bà về đây sống để tránh mặt ông nhưng ông ta lần ra được chỗ bà ở và theo xuống tận đây để quấy rầy và đòi tiền bà...”

Một viên cảnh sát bước vào.

“Gì vậy Briggs?”

“Ông Ascher, thưa sếp. Chúng tôi vừa mới đưa ông ta đến”.

“Tốt. Đưa ông ta vào đây. Ông ta đã ở đâu?”

“Ông ta núp trong một toa trên đường ray tránh tàu”.

“Thế à? Đưa ông ấy vào đây”.

Franz Ascher đúng là lão già nhìn có vẻ khắc khổ và khó ưa. Ông ta khóc lóc, khúm núm rồi quát tháo ầm ĩ. Đôi mắt lờ đờ của ông ta hết liếc người này đến người khác.

“Các ông cần gì ở tôi? Tôi chẳng làm gì cả. Còn gì nhục nhã và xấu hổ bằng việc các ông bắt tôi đến đây! Mấy ông là đồ tồi! Sao các ông dám làm thế?” Rồi thái độ của ông ta đột ngột thay đổi. “Không, không, ý tôi không phải vậy. Các ông sẽ không hại một ông già đáng thương, không ác với ông ta chứ. Ai cũng đối xử tệ bạc với Franz già đáng thương này. Tội nghiệp già Franz này quá”.

Ông Ascher bật khóc.

Thanh tra Glen nói: “Đủ rồi đấy, ông Ascher. Bình tĩnh nào. Tôi đã buộc tội ông gì đâu. Và ông cũng không bị ép khai gì cả nếu ông không muốn. Mặt khác, nếu ông không dính dáng gì đến vụ giết vợ ông...”

Ascher gào lên cắt ngang câu nói của viên thanh tra. “Tôi không giết bà ấy! Tôi không giết bà ấy! Tất cả đều là dối trá. Bọn người Anh các người là đồ tồi, ai cũng muốn hại tôi. Tôi không bao giờ giết bà ấy. Không bao giờ”.

“Ông hay dọa bà ấy cơ mà, ông Ascher”.

“Đâu có, đâu có đâu. Ông không hiểu thôi. Đó chỉ là những lời nói đùa giữa tôi và Alice. Bà ấy biết thế mà”.

“Nói đùa hay quá nhỉ! Thế thì tối qua ông ở đâu, hả ông Ascher?”

“Vâng, vâng, để tôi kể hết với các ông. Tôi không hề đến gần Alice. Tôi đi gặp mấy người bạn thân. Chúng tôi ở quán Seven Stars rồi chúng tôi qua quán Red Dog...”

Ascher hấp tấp nói, từ ngữ lộn tùng phèo cả lên.

“Dick Willows đã ở với tôi, cả Curdie, Geogre, Platt và nhiều ông bạn khác nữa. Tôi nhắc lại tôi không hề đến gần Alice. Chúa ơi, thật đấy”.

Ông ta lên giọng thành như hét. Viên thanh tra gật đầu ra hiệu cho cấp dưới.

“Cho ông ta lui. Nhưng giữ lại để điều tra nhé”.

Khi lão già run rẩy và khó ưa với kiểu ăn nói ác ý đó bị đưa đi, viên thanh tra nói: “Tôi không biết phải nghĩ sao nữa. Nếu không có lá thư đó thì tôi đã khép ông ta vào tội giết người”.

“Những người đàn ông mà ông ta nhắc đến thì sao?”

“Một đám vớ vẩn, không ai trong bọn họ dám khai man. Tôi tin ông già đã ở với họ suốt buổi tối hôm đó. Còn phụ thuộc rất nhiều vào việc có ai nhìn thấy ông ta đến gần cửa hàng từ 5 giờ 30 đến 6 giờ không”.

Poirot lắc đầu vẻ nghĩ ngợi.

“Anh chắc là cửa hàng không bị mất gì chứ?”

Viên thanh tra nhún vai.

“Không chắc lắm. Có thể bị mất một vài gói thuốc lá - nhưng người ta đâu thể giết người chỉ vì nhiêu đó”.

“Ý tôi là, không có cái gì để lại trong cửa hàng? Không có điều gì kỳ lạ hay bất thường ở đó sao?”

“Có một quyển thông tin đường sắt”, viên thanh tra đáp.

“Quyển thông tin đường sắt à?”

“Đúng thế. Nó được mở ra và đặt úp mặt xuống quầy. Có thể ai đó đã xem các chuyến tàu rời ga từ Andover. Có thể là bà cụ hoặc cũng có thể một người khách nào đó”.

“Bà cụ có bán những thứ như thế ở cửa hàng không?”

Viên thanh tra lắc đầu.

“Bà cụ bán bảng giờ tàu loại nhỏ còn cái này là loại lớn - loại mà cửa hàng Smith hoặc tiệm sách lớn hay bán ấy”.

Mắt Poirot bỗng sáng lên. Ông chồm người về phía trước.

Mắt của viên thanh tra cũng sáng lên.

“Anh nói một quyển thông tin đường sắt à. Loại Bradshaw hay loại A B C?”

Thanh tra Glen la lên: “Trời ơi, là loại A B C”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.