Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 34: Poirot chốt lại vụ án




Chúng tôi ngồi tập trung cao độ để nghe Poirot đưa ra những giải thích cuối cùng về vụ án.

Ông nói: “Từ trước đến nay tôi đã lo lắng suy nghĩ về nguyên nhân vụ án này. Hôm trước Hastings bảo tôi rằng vụ án đã kết thúc. Tôi đáp vụ án là người gây án! Điều bí ẩn không phải ở những kẻ giết người nói chung, mà là bí ẩn về A B C. Tại sao hắn ta thấy cần phải thực hiện những vụ án mạng này? Tại sao hắn lại chọn tôi làm đối thủ?

Nói rằng hắn ta bị bệnh tâm thần là không chính xác. Lập luận người ta làm chuyện điên rồ chỉ vì người đó bị điên thì thật là hồ đồ và ngu ngốc. Một người điên cũng hành động logic và hợp lý như người tỉnh táo - nếu như ông ta có quan điểm thiên kiến riêng. Ví dụ, nếu một người đàn ông đi ra đường và chỉ mặc độc nhất một tấm khố mà ông ta lại thích ngồi xổm thì hành vi của ông ta đúng là cực kỳ lập dị. Nhưng một khi chúng ta biết người đàn ông đó khăng khăng cho rằng mình là Mahatma Gandhi, thì hành vi đó trở nên vô cùng hợp lý và logic.

Mấu chốt của vụ án này là chúng ta phải tưởng tượng một bộ óc minh mẫn đến độ hắn cho rằng thực hiện bốn vụ án mạng hay nhiều hơn và thông báo trước việc đó bằng thư gửi cho Hercule Poirot là logic và hợp lý.

Ông bạn Hastings đây có thể xác nhận với các anh chị rằng từ lúc tôi nhận được bức thư đầu tiên tôi bồn chồn, lo lắng lắm. Ngay lúc đó tôi cảm thấy bức thư có điều gì rất bất ổn”.

Franklin Clarke lạnh lùng nhận xét: “Ông đã phán đoán đúng rồi mà”.

“Vâng. Nhưng vấn đề là, ngay từ ban đầu, tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Tôi đã để cho cảm giác của tôi - cảm giác rất mạnh về bức thư đó - vẫn chỉ là cảm tưởng thôi. Tôi xem như là một trực giác thông thường. Đối với một bộ óc ổn định và sáng suốt thì không có cái gọi là trực giác - một sự phỏng đoán cảm tính! Đương nhiên người ta có thể đoán - và đã là đoán thì có thể đúng hoặc sai. Nếu đúng, người ta gọi là trực giác. Còn nếu sai thì thường người ta không đề cập tới nó nữa. Nhưng cái người ta thường gọi là trực giác thật ra chỉ là cảm tưởng dựa vào suy luận logic hay kinh nghiệm. Khi một chuyên gia cảm thấy có gì bất ổn ở một bức tranh, một món đồ nội thất hay một chữ ký trên tờ séc, thì cảm giác của anh ta hoàn toàn dựa vào nhiều dấu hiệu và chi tiết nhỏ. Anh ta không cần phải kiểm tra tỉ mỉ - nhờ vào kinh nghiệm của anh ta - kết quả cuối cùng là cảm tưởng đã được xác định rằng có gì đó bất ổn. Nhưng đó không phải là sự phỏng đoán mà là cảm tưởng dựa trên kinh nghiệm.

Ờ, tôi phải thừa nhận rằng mình không đánh giá bức thư đầu tiên đúng mức. Điều đó khiến tôi cực kỳ bứt rứt. Cảnh sát cho đó chỉ là trò đùa. Tôi thì xem đó là chuyện nghiêm túc. Tôi tin rằng có một vụ giết người sẽ xảy ra ở Andover như đã nêu. Và như các anh chị biết đấy, một vụ án mạng đã xảy ra thật.

Lúc đó tôi hiểu rằng chưa có cách nào để biết được kẻ gây án. Cách duy nhất là cố gắng hiểu xem kẻ gây ra vụ đó là người như thế nào.

Tôi có được một vài dấu hiệu. Bức thư - loại tội phạm - người bị giết. Điều mà tôi phải tìm hiểu là: động cơ phạm tội, động cơ gửi lá thư”.

Clarke gợi ý: “Sự quan tâm của công chúng”.

Thora Grey thêm vào: “Chắc hội chứng sợ thua kém là nguyên nhân chính”.

“Đương nhiên đó cũng là thông tin cần để ý. Nhưng sao lại là tôi? Sao lại là Hercule Poirot? Sẽ có nhiều người biết hơn nếu gửi những bức thư đó đến Scotland Yard chứ. Và thậm chí sẽ được lan truyền rộng hơn nữa nếu gửi cho một tòa soạn báo. Báo sẽ không in bức thư đầu tiên nhưng khi vụ án thứ hai diễn ra, A B C sẽ được báo chí giúp chuyển tải đến nhiều người liền. Vậy thì sao hắn chọn Hercule Poirot? Phải chăng là vì lý do cá nhân? Trong thư có thể thấy rõ có chút khuynh hướng bài ngoại nhưng chưa đủ mạnh để giải thích vấn đề thật thỏa đáng.

Sau đó bức thư thứ hai đến và rồi xảy ra vụ giết Betty Barnard ở Bexhill. Bây giờ có vẻ tôi biết rõ ràng hơn (những điều tôi nghi ngờ) rằng các vụ án được tiến hành theo bảng chữ cái nhưng trong khi mọi người đã kết luận như vậy sự việc đó vẫn để lại trong đầu tôi câu hỏi chính. Tại sao A B C cần phải thực hiện những vụ giết người này?”

Megan Barnard cựa quậy trong ghế ngồi.

Cô nói: “Chẳng phải hành động đó được gọi là... khát máu sao ạ?”

Poirot quay sang cô gái.

“Cô có lý, cô gái ạ. Đúng là như thế. Thèm muốn giết người. Nhưng điều đó không khớp với những dữ kiện của vụ án lắm. Một kẻ cuồng sát thích giết người, thường mong muốn giết càng nhiều người càng tốt. Đó là một thèm muốn lặp đi lặp lại. Kẻ giết người loại đó thì tốt nhất là hắn giấu nhẹm những dấu vết của mình - chứ không phải rêu rao cho người ta biết. Khi chúng ta xem xét bốn nạn nhân hắn chọn hoặc đúng ra là ba trong bốn vụ (vì tôi hầu như chẳng biết gì về ông Downes hay ông Earlsfield cả), chúng ta nhận ra nếu kẻ sát nhân muốn, hắn có thể giết nạn nhân mà không để lại bất kỳ nghi ngờ gì. Franz Ascher, Donald Fraser hay Megan Barnard và cả ông Clarke nữa - đây là những người mà cảnh sát sẽ tình nghi đầu tiên nếu họ không lấy được bằng chứng trực tiếp. Người ta sẽ không nghĩ đến một kẻ cuồng sát giấu mặt đâu! Vậy thì vì sao tên sát nhân lại cần phải gây chú ý về phía mình? Sao lại phải để lại ở mỗi thi thể một quyển thông tin đường sắt A B C? Có phải hành động đó là do bị ép buộc? Liệu có khả năng có một hội chứng nào đó liên quan đến quyển thông tin đường sắt?

Tại thời điểm này, tôi thấy khó mà xâm nhập vào trí óc của tên sát nhân được. Chắc chắn không phải là vì lòng hào hiệp đúng không? Hay hắn sợ người vô tội bị quy trách nhiệm gây ra vụ án đó?

Mặc dù tôi không thể trả lời câu hỏi chính của mình, những thứ mà tôi linh cảm được giúp tôi biết nhiều hơn về tên sát nhân”.

Fraser hỏi: “Cụ thể là gì ạ?”

“Đầu tiên là hắn có một đầu óc tư duy theo hệ thống biểu bảng. Đối với hắn chuyện các vụ án xếp theo bảng chữ cái rất quan trọng. Tuy vậy, hắn chẳng đặc biệt quan tâm gì đến loại nạn nhân cả - bà Ascher, Betty Barnard, ngài Carmichael Clarke, tất cả họ đều cực kỳ khác nhau. Nạn nhân không hề được phân theo giới tính, tuổi tác và điều đó khiến tôi rất tò mò. Nếu người ta giết người không cần phân biệt giới tính hay tuổi tác thì thường là hắn muốn loại bỏ những ai cản trở hắn hay làm hắn khó chịu. Tuy nhiên, giết người theo thứ tự bảng chữ cái lại bác bỏ suy đoán đó ở vụ án này. Những kẻ giết người loại khác thường chọn một loại nạn nhân nhất định nào đó - thường thường là người khác giới. Hành động bừa bãi của A B C khiến tôi thấy mâu thuẫn với việc hắn chọn nạn nhân theo bảng chữ cái.

Thế nên tôi dám đưa ra một suy luận nho nhỏ. Đó là sự lựa chọn của A B C khiến tôi nghĩ đến một anh chàng yêu thích đường sắt. Thường thì đây là đam mê của đàn ông nhiều hơn đàn bà. Bé trai thường thích tàu lửa hơn các bé gái. Ngoài ra, nó có thể là dấu hiệu của một bộ óc chưa trưởng thành. Mô-típ mang tính ‘con trai’ vẫn chiếm ưu thế.

Cái chết của Betty Barnard và cách gây án cũng cung cấp cho tôi những dấu hiệu khác. Kiểu chết của cô ấy đặc biệt gợi lên nhiều nghi vấn. (Xin lỗi anh Fraser) Nghi vấn đầu tiên, cô ta bị thắt cổ bằng chính dây thắt lưng của mình - thế nên hẳn cô ấy bị một người mà cô thân thiết hoặc có quan hệ tình cảm giết. Khi tôi biết một vài đặc điểm về tính cách của cô ta thì trong đầu tôi xuất hiện một hình ảnh.

Betty Barnard thích được tán tỉnh. Cô ấy thích những anh chàng điển trai chú ý đến mình. Thế nên để thuyết phục được cô đi chơi với hắn, A B C hẳn phải là người có chút hấp dẫn - sự hấp dẫn của người khác giới! Nói như kiểu người Anh các anh chị thì anh ta phải có khả năng ‘ve vãn’. Anh ta phải có khả năng nhanh chóng làm quen! Tôi tưởng tượng cảnh trên biển như sau: người đàn ông khen cô gái có chiếc thắt lưng đẹp. Cô gái cởi nó ra rồi anh ta quấn nó quanh cổ cô gái như đang trêu đùa, rồi có lẽ anh ta nói: ‘Anh thắt cổ em nhé’. Hoàn toàn với vẻ đùa cợt thôi. Cô gái cười khúc khích rồi anh ta siết chặt...”

Donald Fraser đứng bật dậy. Anh ta nổi giận đùng đùng.

“Trời ơi, ông Poirot”.

Poirot đưa tay ra dấu.

“Chừng đó thôi. Tôi không nói thêm nữa đâu. Xong rồi. Chúng ta chuyển qua vụ án tiếp theo, vụ ngài Carmichael Clarke. Ở vụ này tên sát nhân trở lại với phương pháp đầu tiên - đánh vào đầu. Vẫn là theo chuỗi thứ tự bảng chữ cái nhưng có một yếu tố khiến tôi hơi lo lắng. Để cho chắc chắn lẽ ra tên sát nhân phải chọn các thị trấn theo một chuỗi nhất định nào đó chứ.

Nếu Andover là tên thứ 155 trong chuỗi các tên bắt đầu bằng chữ A, vậy thì vụ án B cũng phải là ở thứ 155 chứ hay nó là thứ 156 còn C là là 157. Nhưng ở đây các thị trấn cũng được chọn theo kiểu tùy tiện”.

“Chẳng phải ông suy diễn vấn đề hơi quá sao, Poirot?” tôi gợi ý. “Chính ông cũng thường ngăn nắp, gọn gàng đấy. Nó gần như trở thành bệnh của ông rồi còn gì nữa”.

“Không, đó không phải là bệnh! Ông suy nghĩ gì kỳ quá! Nhưng tôi phải thừa nhận tôi suy diễn vấn đề đó hơi quá. Bỏ qua nhé phần này nhé!

Vụ Churston chẳng giúp ích gì thêm cho việc điều tra của tôi cả. Chúng ta không gặp may vì bức thư thông báo vụ đó đi lạc thế nên chúng ta không có sự chuẩn bị nào.

Nhưng ngay khi vụ D được thông báo, một hệ thống bảo vệ dữ dội đã được lập ra. Hẳn A B C không còn hy vọng thoát tội nữa.

Ngoài ra, vào lúc này, tôi đã có trong tay những manh mối về vụ mấy cái bít tất đó. Rõ ràng sự hiện diện của một người bán bít tất tại hiện trường của mỗi vụ án hoặc gần đó không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên được. Do đó, người bán bít tất chắc chắn là kẻ sát nhân. Tôi cho rằng, miêu tả của cô Grey về hắn không tương ứng với hình ảnh người đàn ông siết cổ Betty Barnard mà tôi hình dung ra.

Tôi sẽ nói nhanh qua những phần tiếp theo. Vụ giết người thứ tư diễn ra - vụ giết người đàn ông tên George Earlsfield - có vẻ như là nhầm lẫn với người tên Downes. Hai người này có cùng cỡ người và cùng ngồi gần hắn ta trong rạp chiếu phim.

Và giờ đây rốt cuộc tình huống đã đảo ngược. Mọi thứ đang chống lại A B C thay vì đứng về phía hắn. Hắn bị nhận diện - truy lùng - và cuối cùng là bị bắt.

Theo cách nói của Hastings thì vụ án đã kết thúc!

Đối với công chúng thì đúng là vậy. Người đàn ông bị bắt vào tù và cuối cùng chắc chắn sẽ bị giải đến Broadmoor. Thế là không còn vụ giết người nào nữa. Sân khấu hạ màn! Kết thúc! An nghỉ ngàn thu.

Nhưng đối với tôi thì chưa! Tôi chẳng biết gì, chẳng biết gì cả! Chẳng biết tại sao hay vì nguyên cớ gì.

Và có một điều bực mình nhỏ. Ông Cust đó có chứng cứ ngoại phạm vào cái đêm vụ án ở Bexhill xảy ra”.

Franklin Clarke nói: “Ngay từ đầu tôi đã thấy rất lo lắng”.

“Vâng. Tôi lo lắng lắm. Cái chứng cứ ngoại phạm đó nghe có vẻ rất thật. Nhưng nó không thể là sự thật ngoại trừ... và giờ đây chúng ta lại đi đến hai suy đoán rất thú vị.

Thưa các anh chị, giả sử thế này, Cust thực hiện ba vụ là A, C, và D mà không gây ra vụ B thì sao”.

“Ông Poirot. Không thể nào...”

Poirot đưa mắt ra hiệu cho Megan Barnard yên lặng.

“Im lặng nào, cô gái. Tôi ủng hộ sự thật! Tôi đang cố gắng xử lý những lời nói dối đây. Giả sử A B C không thực hiện vụ thứ hai. Nên nhớ vụ án xảy ra vào sáng sớm ngày 25 - đó là ngày ông ta đến gây án. Giả sử ai đó đã hót tay trên của ông ta thì sao? Trong trường hợp đó ông ta phải làm gì? Thực hiện vụ giết người thứ hai, hay trốn luôn và chấp nhận vụ đầu tiên là do quỷ thần ra tay?”

Megan nói: “Ông Poirot ơi! Ông suy nghĩ hoang đường quá! Tất cả các vụ án hẳn phải do cùng một người gây ra chứ ạ!”

Ông không để ý gì đến cô gái và tiếp tục:

“Giả thiết đó cũng góp phần giải thích một dữ kiện - sự mâu thuẫn giữa tính cách của Alexander Bonaparte Cust (người này không thể ve vãn một cô gái nào) và tính cách của người giết Betty Barnard. Hồi trước, người ta có kể mấy vụ về nghi phạm giết người lợi dụng những vụ án do người khác gây ra. Ví dụ, không phải tất cả các vụ án của Jack Đào Mỏ đều do hắn ta ra tay. Cho đến bây giờ mọi thứ điều diễn ra suôn sẻ.

Nhưng rồi tôi lại phải đương đầu với một khó khăn khác.

Cho tới thời điểm xảy ra vụ giết cô Barnard, không có bằng chứng nào về các vụ án mạng A B C được đưa ra công chúng cả. Vụ Andover không có ai để ý nhiều. Chi tiết quyển thông tin đường sắt đang mở đặt cạnh nạn nhân cũng không được báo chí nhắc đến. Thế nên, có thể kết luận rằng bất kỳ kẻ nào giết Betty Barnard thì hẳn đã có những chứng cứ mà chỉ có một số người biết - tôi, cảnh sát, một vài người bà con và hàng xóm của bà Ascher.

Điều tra theo con đường đó dường như đã đưa tôi tới ngõ cụt”.

Những khuôn mặt đang nhìn ông cũng nghệch ra. Trống rỗng và bối rối.

Donald Fraser nói vẻ trầm ngâm:

“Suy cho cùng, cảnh sát cũng chỉ là con người thôi. Và họ là những anh chàng bảnh trai...”

Anh ta ngừng nói và nhìn Poirot vẻ dò hỏi.

Poirot khẽ lắc đầu.

“Không... còn đơn giản hơn thế nữa. Tôi từng nói là có cách suy đoán thứ hai mà.

Giả sử Cust không phải là người giết Betty Barnard? Giả sử ai khác giết cô ấy thì sao. Vậy liệu kẻ đó có phải là người gây ra các vụ kia không?”

Clarke kêu lên: “Nhưng nghe chẳng hợp lý chút nào!”

“Không ư? Lúc ấy tôi làm điều mà đáng lẽ tôi phải làm đầu tiên. Tôi xem xét các bức thư tôi nhận được theo quan điểm hoàn toàn khác. Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy chúng có gì đó bất ổn cũng giống như các chuyên gia về tranh sẽ biết ngay nếu một bức tranh có vấn đề...

Tôi đã cho rằng, mà không dừng lại để nghĩ ngợi, điều khiến những bức thư có vấn đề là vì chúng được viết bởi một kẻ điên!

Bây giờ tôi xem xét lại và lần này tôi đưa ra một kết luận hoàn toàn khác. Điều khiến những bức thư có vấn đề là vì chúng do một người đàn ông tỉnh táo viết!”

Tôi la lên: “Cái gì?”

“Mais si! [1] Chúng có vấn đề như một bức tranh có vấn đề - bởi vì chúng là đồ giả! Những bức thư đó được giả là những bức thư do một người điên viết - một kẻ cuồng sát hoang tưởng viết, nhưng trên thực tế không phải như thế”.

Franklin Clarke lặp lại: “Vô lý quá”.

“Vậy mà đúng thế đấy! Chúng ta phải suy luận và nghiền ngẫm chứ. Mục đích viết những bức thư đó là gì? Là để người ta chú ý đến người viết, đến kẻ giết người! Nói cho đúng lúc đầu điều đó có vẻ không hợp lý. Nhưng rồi tôi thấy một tia sáng lóe lên. Lá thư đó là để tập trung vào một vài kẻ giết người - một nhóm sát nhân... Chẳng phải đại thi hào Shakespeare của các ông đã từng nói ‘Chúng ta không thể chỉ mới thấy vài cái cây mà gọi đó là rừng được’.”

Tôi không chỉnh sửa trí nhớ văn chương của Poirot. Tôi đang cố hiểu xem ông muốn nói gì. Một tia sáng chập chờn lóe lên trong đầu tôi. Ông nói tiếp:

“Khi nào chúng ta ít để ý cây kim nhất? Đó là lúc nó được cắm trên cái gối cắm kim đấy! Khi nào chúng ta ít để ý một vụ giết người riêng lẻ? Đó là khi nó nằm trong một loạt các vụ giết người liên quan với nhau.

Tôi phải đương đầu với một tên giết người thông minh và giỏi xoay xở - một con bạc liều lĩnh, táo bạo mà thận trọng. Không phải là Cust rồi! Ông ta không thể thực hiện những vụ giết người này được! Không, tôi phải đối đầu với một loại người rất khác - một người đàn ông có tính khí giống con nít (bằng chứng là bức thư như của một cậu học trò viết và quyển thông tin đường sắt), một người đàn ông có sức hấp dẫn đối với phụ nữ, một người đàn ông nhẫn tâm coi thường mạng sống của người khác, một người đàn ông nổi bật lên ở một trong các vụ án!

Ví dụ khi một người đàn ông hay đàn bà bị giết, cảnh sát sẽ hỏi những câu hỏi gì? Thời cơ. Mọi người ở đâu vào thời gian vụ án diễn ra? Động cơ. Ai được lợi từ cái chết của nạn nhân? Nếu động cơ và thời cơ khá rõ ràng, kẻ tình nghi giết người phải làm gì? Làm giả chứng cứ ngoại phạm - nghĩa là bằng cách nào đó hắn làm giả mạo thời điểm? Nhưng làm như thế thì hơi mạo hiểm. Thế nên tên giết người này nghĩ đến một cách đề phòng thật là khó tin. Hắn tạo ra một tên cuồng sát!

Bây giờ tôi chỉ phải xem xét lại nhiều vụ án khác nhau và tìm ra kẻ tình nghi. Vụ án Andover? Người dễ bị nghi ngờ nhất là Franz Ascher nhưng tôi không tin ông Ascher có thể nghĩ ra và tiến hành một kế hoạch tỉ mỉ đến thế hay lên phương án trước cho một vụ giết người. Còn vụ Bexhill? Donald Fraser có thể là kẻ giết người. Anh ta có trí thông minh và có khả năng và suy nghĩ rất khoa học. Nhưng động cơ giết người mình yêu của anh ta chỉ có thể là sự ghen tuông và sự ghen tuông thì thường không dẫn đến hành động lập mưu tính kế. Ngoài ra tôi biết anh ta đi nghỉ vào đầu tháng 8, điều đó có nghĩa là anh ta không liên quan gì đến vụ án Churston. Tiếp theo là vụ Churston và ngay lập tức chúng ta có bằng chứng đáng tin cậy hơn.

Ngài Carmichael Clarke là một người cực kỳ giàu có. Ai sẽ thừa hưởng tiền của ông? Người vợ sắp chết của ông có quyền thừa hưởng trọn đời và tiếp đến là người em Franklin”.

Poirot từ từ quay đầu lại nhìn vào mắt của Franklin Clarke.

“Bây giờ thì tôi hoàn toàn chắc chắn. Người đàn ông mà bấy lâu tôi suy nghĩ trong đầu và người đàn ông mà tôi quen biết bằng xương bằng thịt chỉ là một. A B C và Franklin Clarke là một! Tính cách mạo hiểm và táo bạo, cuộc sống phiêu bạt giang hồ, và sự thiên vị nước Anh được thể hiện đôi nét qua việc anh ta thích chế nhạo người nước ngoài. Có phong thái dễ gần và cuốn hút nên việc chọn một cô gái trong quán ăn đối với anh ta quá dễ dàng. Đầu óc suy nghĩ kiểu bảng biểu và cẩn thận - một ngày nọ anh ta làm một cái danh sách ở đây, đánh dấu trước mấy đầu mục A B C - và cuối cùng là suy nghĩ trẻ con - điều này phu nhân Clarke có lần nhắc đến và điều này cũng thể hiện trong cách anh ta chọn tiểu thuyết - Tôi chắc chắn rằng trong thư viện nhà anh ta có quyển sách The Railway Children của tác giả E. Nesbit. Trong đầu tôi đã xác định chắc chắn, A B C, người viết những bức thư đó và người gây án là Franklin Clarke”.

Clarke bỗng phá lên cười.

“Thật là tài tình! Thế ông bạn Cust bị bắt tận tay của chúng ta thì sao? Vết máu trên áo ông ta thì sao? Và con dao ông ta giấu ở chỗ trọ nữa? Ông ta có thể chối tội...”

Poirot cắt lời.

“Anh nhầm hoàn toàn, ông ta đã nhận tội rồi”.

“Gì cơ?” Clarke trông rất bối rối.

Poirot nhẹ nhàng nói: “Ồ vâng, ngay khi tôi nói chuyện với ông ta tôi đã nhận ra Cust tin rằng chính mình là kẻ có tội”.

“Dù thế ông Poirot vẫn chưa hài lòng sao?” Clarke nói.

“Không. Vì ngay khi gặp ông ta tôi đã biết ông ta không thể nào phạm tội được! Ông ta không đủ dũng khí cũng không có gan và tài trí để lên kế hoạch! Suốt cuộc điều tra tôi đã để ý thấy có hai tính cách tồn tại song song trong con người của kẻ sát nhân. Vụ này có hai kiểu người tham gia: kẻ sát nhân đích thực thì quỷ quyệt, giỏi xoay xở và liều lĩnh còn kẻ giả mạo thì ngu ngốc, hay do dự, và dễ bị ảnh hưởng.

Dễ bị ảnh hưởng - chính cụm từ này bao hàm sự bí ẩn của ông Cust! Anh Clarke ạ, anh chưa có đủ công cụ để lập mưu thực hiện một loạt vụ án nhằm làm người ta đừng chú ý đến một vụ án. Anh cũng cần có người thế thân.

Tôi nghĩ trong đầu anh lóe lên ý tưởng đó sau khi anh tình cờ gặp con người kỳ quặc có cái tên nghe rất kiêu này ở một quán cà phê trong thành phố. Vào thời điểm đó trong đầu anh đang suy tính nhiều phương án khác nhau để giết anh trai”.

“Thế ư? Vì sao chứ?”

“Bởi vì anh thật sự lo sợ cho tương lai của mình. Anh Clarke ạ, tôi không biết anh có để ý không nhưng anh đã vô tình tiếp tay cho tôi khi anh đưa cho tôi xem bức thư anh trai anh viết cho anh. Trong bức thư đó, ông ấy nói rất rõ tình cảm và lòng yêu mến của ông đối với cô Thora Grey. Sự quan tâm của ông ấy có thể chỉ như tình cha con hay ông ấy cố nghĩ như thế. Dù sao đi nữa, điều đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì khi chị dâu của anh qua đời, trong lúc cô đơn, ông ấy có thể quay sang cô gái xinh đẹp để tìm nguồn cảm thông và an ủi. Và kết thúc có thể là ông ấy sẽ cưới cô ta, điều đó hay xảy ra với những người đàn ông lớn tuổi lắm. Càng biết về cô Grey thì nỗi lo sợ của anh càng lớn. Tôi nghĩ anh là một người rất đa nghi. Anh đánh giá, đúng hay sai cũng mặc, rằng cô Grey là loại phụ nữ trẻ ‘bất chấp tất cả để có được danh vọng’. Anh chắc chắn cô ấy sẽ chộp lấy cơ hội để trở thành phu nhân Clarke. Anh trai anh vẫn còn rất khỏe và cường tráng. Họ có thể sẽ có con và thế là cơ hội thừa hướng gia tài của ông anh tan thành mây khói.

Tôi nghĩ bấy lâu nay từ trong sâu thẳm lòng mình anh thấy thất vọng với chính bản thân. Anh là hòn cuội lăn nên tích cóp được rất ít của cải. Thế nên anh đem lòng ghen tị với sự giàu có của anh trai.

Tôi nhắc lại ý lúc nãy, anh có rất nhiều âm mưu trong đầu và cuộc gặp gỡ của anh với ông Cust đã làm lóe lên trong đầu anh một ý tưởng. Cái tên khoa trương, bệnh động kinh, dáng vẻ rúm ró và không có gì nổi trội của ông ta đã khiến anh biến ông ta thàng công cụ anh muốn. Toàn bộ kế hoạch bảng chữ cái lóe lên trong đầu anh chủ yếu dựa vào những chữ cái đầu tiên trong tên của ông Cust và tình cờ tên của anh trai của anh cũng bắt đầu bằng chữ C và ông ấy ở Churston. Ngoài ra anh còn dám nói với ông Cust tiên đoán của anh đối với cái chết của ông ấy dù anh cũng không dám mong lời nói đó của anh sẽ mang lại kết quả, thế mà có đấy!

Những sắp xếp của anh quả là hoàn hảo. Anh lấy tên ông Cust để đặt một kiện hàng bít tất lớn gửi vào địa chỉ của ông ta. Chính anh cũng gửi cho ông ta những gói nhỏ tương tự khác mà A B C nghĩ đó là hàng hóa. Anh gửi cho ông ta một bức thư mà thật ra là thư đánh máy giả mạo như được gửi từ công ty đó để giao cho ông ấy một công việc lương cao. Mọi kế hoạch của anh đều được sắp xếp trước hết sức chu đáo mà bằng chứng là anh đánh máy những bức thư để sau đó anh gửi đi và tặng luôn cho ông ấy cái máy mà anh đã dùng để đánh máy mấy bức thư đó.

Tiếp theo anh tìm hai nạn nhân có tên bắt đầu lần lượt bằng chữ A và B sống ở những nơi cũng bắt đầu bằng những chữ cái tương ứng.

Anh chọn Andover để ra tay và sau khi do thám trước anh quyết định chọn cửa hàng bà Ascher là nơi gây án đầu tiên. Tên của bà được viết rõ ràng trên cửa lớn, và qua thăm dò anh biết bà luôn ở cửa hàng một mình. Giết được bà ấy đòi hỏi sự táo tợn, liều lĩnh và cả may mắn nữa.

Đối với chữ cái B, anh phải thay đổi chiến thuật. Rõ ràng những người phụ nữ đơn thân và bán ở cửa hàng đều đã được cảnh báo hết. Tôi đoán anh thường xuyên lui tới mấy quán ăn nhỏ và quán trà để trêu đùa và cười cợt cùng với mấy cô gái ở đó nhằm tìm ra cô nào có tên đúng với chữ cái phù hợp mục đích của anh.

Ở Betty Barnard anh tìm được đúng loại con gái mà anh cần. Anh rủ cô ấy đi chơi một hai lần và giải thích rằng anh đã có vợ nên những buổi hẹn hò phải là những nơi hơi bí mật chút xíu.

Thế là mọi sự chuẩn bị đã hoàn thành, giờ thì anh bắt đầu ra tay! Anh gửi danh sách những người ở Andover cho Cust và hướng dẫn ông ta đến nơi này đúng vào ngày đó rồi anh gửi bức thư A B C đầu tiên cho tôi.

Vào đúng ngày đã định anh đến Andover và giết bà Ascher mà không bị ai ngăn trở cả.

Vụ giết người thứ nhất đã hoàn thành xuất sắc.

Đối với vụ thứ hai, anh tiến hành thận trọng hơn, thực tế anh ra tay ngay ngày trước đó. Tôi khá chắc chắn Betty Barnard bị giết ngay trước nửa đêm ngày 24 tháng 7.

Bây giờ chúng ta qua vụ thứ ba - vụ án quan trọng hay nói đúng hơn theo quan điểm của anh thì đây mới thật sự là vụ giết người anh nhắm đến.

Và ở vụ này mọi công trạng đều thuộc về Hastings vì ông ấy đã nhận xét một cách đơn giản và rõ ràng một chi tiết mà không ai để ý.

Ông ấy cho rằng người ta cố ý để thất lạc bức thư thứ ba!

Và ông ấy đã đúng!...

Chỉ trong chứng cứ đơn giản đó thôi tôi đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà bấy lâu tôi thắc mắc. Tại sao những bức thư đó ngay từ đầu đều được gửi đến cho Hercule Poirot, một thám tử tư mà không phải là gửi cho cảnh sát?

Tôi từng tưởng nhầm là vì một lý do cá nhân nào đó.

Nhưng hoàn toàn không phải thế! Những bức thư đó gửi đến cho tôi vì mấu chốt của kế hoạch của anh là anh muốn một trong những bức thư đó viết sai địa chỉ và bị thất lạc - nhưng anh không thể lên kế hoạch để một bức thư gửi cho Bộ phận Điều tra Tội phạm của Scotland Yard bị thất lạc được! Điều tiên quyết là nơi nhận phải là địa chỉ của một cá nhân. Anh chọn tôi vì tôi là người khá nổi tiếng và tôi chắc chắn sẽ đưa những bức thư đó cho cảnh sát, ngoài ra với bản tính hẹp hòi của mình, anh lấy làm vui sướng khi thắng được một người ngoại quốc.

Anh ghi địa chỉ trên bì thư rất khôn ngoan - Whitehaven - Whitehorse - những từ viết nhầm rất hay dễ mắc phải. Chỉ có Hastings là đủ tỉnh táo để không quá tập trung vào những thứ xa vời mà nhìn thẳng vào thứ rõ ràng trước mắt!

Đương nhiên bức thư đó người ta cố ý để nó bị thất lạc! Cảnh sát vào cuộc tìm kiếm chỉ khi vụ giết người đã diễn ra trót lọt. Anh trai anh có thói quen đi dạo vào buổi tối đã tạo cơ hội cho anh ra tay. Nỗi kinh hoàng về A B C hoàn toàn chiếm trọn tâm trí công chúng nên chẳng ai nghi ngờ gì anh cả.

Sau cái chết của anh trai, đương nhiên mục tiêu của anh đã hoàn thành. Anh không muốn tiến hành thêm vụ giết người nào nữa. Tuy vậy, nếu những vụ giết người đột ngột dừng lại mà không có lý do gì thì người ta sẽ nảy sinh nghi ngờ.

Thế thân của anh là ông Cust đã đóng vai người tàng hình hết sức thành công, vì ông ta chẳng có gì nổi bật nên cho đến bây giờ không ai nhận ra cùng một người đã xuất hiện ở gần hiện trường ba vụ án mạng đó! Anh rất bực mình vì ngay cả chuyện ông ta đến Combeside người ta cũng không hề đả động tới. Ngay cả cô Grey cũng chẳng nhớ gì đến chuyện đó.

Vốn có máu liều lĩnh, anh quyết định ra tay thêm một vụ nữa nhưng lần này phải để lại dấu vết.

Anh chọn Doncaster làm nơi ra tay.

Kế hoạch của anh khá đơn giản. Theo lẽ tự nhiên, đích thân anh có mặt ở hiện trường. Cust sẽ được công ty cử đến Doncaster. Kế hoạch của anh là đi theo ông ta và tìm cơ hội ra tay. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp cả. Cust vào rạp chiếu phim. Điều đó khiến cho việc ra tay càng dễ. Anh ngồi cách ông ta một vài ghế. Khi ông ta đứng lên để ra về anh cũng đi theo. Anh giả vờ ngã và rướn người về phía trước rồi đâm một người đàn ông đang ngủ gật ở hàng ghế trước sau đó đặt quyển A B C lên gối ông ta và rồi cố tình tông mạnh vào Cust ở lối ra tối om, quệt con dao vào tay áo ông ta rồi chuồi nó vào túi ông ấy.

Anh chẳng cần nhọc công chọn nạn nhân phải có tên bắt đầu bằng chữ cái D. Ai cũng được! Anh cho rằng người ta sẽ coi đó là một sự nhầm lẫn, và anh đã đúng. Chắc chắn trong đám khán giả có người tên bắt đầu bằng chữ D ngồi cách đó không xa. Người ta sẽ cho rằng ông ta mới chính là nạn nhân anh định giết.

Các anh chị ạ, bây giờ chúng ta hãy xét từ quan điểm của A B C giả, của Cust.

Vụ Andover chẳng có ý nghĩa gì đối với ông ta cả. Còn vụ Bexhill khiến ông ta ngạc nhiên và sửng sốt - vì sao, là vì chính ông ta cũng có mặt gần đó khi vụ án xảy ra! Rồi đến vụ Churston và các tiêu đề bài báo. Vụ A B C ở Andover ông ta cũng có mặt ở đó, vụ Bexhill cùng thế và giờ đây một vụ khác xảy ra... Cả ba vụ án, vụ nào ông ta cũng có mặt ở hiện trường. Những người bị mắc chứng động kinh thường hay đãng trí, họ không thể nhớ họ đã làm gì... Nên nhớ Cust rất hay căng thẳng và lo lắng quá mức và rất dễ bị ám thị.

Rồi ông ta nhận lệnh đi công tác ở Doncaster.

Doncaster! Và vụ án A B C tiếp theo sẽ diễn ra ở Doncaster. Hẳn ông ta có cảm tưởng như số phận đã an bài. Ông ta mất bình tĩnh, nghĩ rằng bà chủ nhà đang nhìn mình với vẻ nghi ngờ nên ông ấy nói với bà là ông chuẩn bị đi Cheltenham.

Ông ta đi Doncaster vì đó là nhiệm vụ. Buổi chiều ông ta đi xem phim. Chắc là ông ta ngủ thiếp đi một vài phút.

Hãy tưởng tượng cảm giác của ông ta khi quay về nhà trọ và nhận ra có vết máu trên tay áo và con dao dính máu trong túi áo của mình. Những dự đoán mơ hồ của ông ta trước đây trở nên chắc chắn hơn.

Ông ta - chính ông ta - là ké giết người! Ông ta nhớ đến những cơn đau đầu của mình - trí nhớ nhầm lẫn của ông. Ông ta tin chắc rằng - ông ta, Alexander Bonaparte Cust, chính là kẻ cuồng sát.

Sau đó, hành xử của ông ta như con thú bị săn. Ông quay lại nhà trọ ở Luân Đôn. Ở đó ông ta được an toàn - ông nghĩ thế. Họ sẽ cho rằng ông ta mới đi Cheltenham về. Ông ta mang cả con dao về - đương nhiên đó là hành động quá dại dột. Ông ta giấu nó phía sau giá treo mũ áo.

Rồi một ngày nọ ông ta được cảnh báo là cảnh sát đang đến bắt ông ta. Thế là hết! Họ biết hết rồi!

Con thú bị săn cố chạy thoát thân lần cuối...

Tôi không biết sao ông ta lại đi đến Andover - tôi nghĩ việc đó thật không sáng suốt chút nào vì đi xem nơi vụ án đã diễn ra - vụ án ông ta gây ra mà chính ông ta không hề nhớ gì về nó cả...

Ông ta không còn một xu dính túi - ông ta đã kiệt sức... chân ông tự đưa ông ta đến đồn cảnh sát.

Nhưng ngay cả con thú bị dồn vào chân tường cũng sẽ kháng cự. Cust hoàn toàn tin ông ta gây ra những vụ án mạng đó nhưng vẫn một mực cho rằng mình vô tội. Và trong cơn tuyệt vọng ấy, ông ta vin vào cái chứng cứ ngoại phạm ở vụ giết người thứ hai. Ít ra, vụ đó người ta không thể quy cho ông ta được.

Như tôi đã nói, khi tôi gặp ông ta, tôi biết ngay ông ta không phải là kẻ sát nhân và cái tên của tôi chẳng có ý nghĩa gì với ông ta cả. Tôi cũng biết ông ta nghĩ ông ta là kẻ giết người!

Sau khi ông ta thú nhận mọi tội lỗi với tôi, tôi càng chắc như đinh đóng cột rằng giả thiết của tôi hoàn toàn đúng”.

Franklin Clarke nói: “Giả thiết của ông vô lý quá!”

Poirot lắc đầu.

“Không đâu anh Clarke ạ. Anh được an toàn vì không ai nghi ngờ anh cả. Một khi anh bị nghi ngờ thì chứng cứ sẽ dễ tìm thấy lắm”.

“Chứng cứ ư?”

“Đúng thế. Tôi thấy cây gậy mà anh sử dụng ở vụ Andover và Churston nằm trong tủ ở Combeside. Một cây gậy bình thường có cán dày. Một phần gỗ bị đẽo đi và được đổ chì vào đó. Ảnh của anh được chừng sáu bảy người nhận diện, họ nói họ thấy anh rời rạp chiếu phim mà lẽ ra lúc ấy anh phải ở trường đua ngựa ở Doncaster chứ. Anh cũng bị Milly Higley và một cô gái ở Scarlet Runner Roadhouse - nơi anh đưa Betty Barnard đến ăn tối vào buổi chiều định mệnh đó nhận ra. Và chứng cứ cuối cùng cũng quan trọng nhất, đó là anh xem nhẹ một khâu đề phòng cơ bản nhất. Anh đã để lại dấu vân tay trên chiếc máy đánh chữ của Cust - cái máy đánh chữ mà nếu vô tội anh đã không sờ mó gì vào đó rồi”.

Clarke ngồi bất động trong vài giây rồi anh nói: “Chẳng qua chỉ là trò đỏ đen thôi! Ông thắng rồi đó, ông Poirot! Nhưng cũng đáng thử lắm!”

Với một động tác rất nhanh, anh ta lôi từ trong túi ra một khẩu súng lục và chĩa vào đầu mình.

Tôi la lên và vô tình chững lại chờ nghe tiếng nổ. Nhưng không có tiếng nổ nào phát ra cả, cò súng đánh tách một tiếng trống không.

Clarke nhìn khẩu súng ngỡ ngàng rồi thốt ra một tiếng chửi thề.

Poirot nói: “Không được đâu, anh Clarke ạ. Chắc anh đã để ý thấy hôm nay tôi có một người giúp việc mới - anh ấy là bạn tôi - một tay trộm chuyên nghiệp. Anh ta lấy khẩu súng lục từ túi của anh, tháo đạn ra, rồi trả lại chỗ cũ mà anh không hề hay biết gì”.

Clarke la lên, mặt anh ta tím lại vì giận: “Ông đúng là thằng ngoại quốc láo xược khốn khiếp!”

“Vâng, vâng, anh nghĩ thế mà. Không được đâu, anh Clarke, không có cái chết dễ dàng cho anh đâu. Anh kể với Cust rằng anh đã vài lần suýt chết đuối. Anh biết nó có nghĩa là gì không - nghĩa là anh sinh ra để nhận lấy một kết cục khác”.

“Ông...”

Anh ta nghẹn ngào không nói nên lời. Khuôn mặt anh ta xám ngắt. Anh ta nắm đấm tay lại vẻ đe dọa.

Hai thám tử của Scotland Yard ở phòng bên xuất hiện. Một trong hai người đó là Crome. Anh ta bước tới và trịnh trọng nói: “Tôi cảnh cáo ông rằng những gì ông sắp nói với chúng tôi sẽ dùng làm bằng chứng ở tòa”.

“Anh ta nói đủ rồi đấy”, Poirot đáp, và quay sang Clarke: “Anh đúng là con người cao ngạo hẹp hòi nhưng tôi cho rằng vụ án của anh không phải là vụ án của một người Anh chân chính - không thẳng thắn - không có tinh thần thể thao chút nào”.

Chú thích

[1] Nhưng đúng thế đấy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.