Ngầu lòi!
Ngầu vãi chưởng!
Đây là suy nghĩ trong lòng tất cả học sinh lớp 9 lúc này.
Trước đó chẳng ai ngờ rằng thứ cổ văn nhàm chán vô vị trong cảm nhận của mình lại có cách thể hiện hoành tráng đến thế.
Đây là quốc học mà họ vứt như rác rưởi đấy ư?
Đây là thứ cổ lỗ sĩ mà họ không muốn nói tới, không muốn nhìn thấy đấy ư?
- Nếu mình mà cũng tài thế này thì không biết bao nhiêu em phải đổ rạp rồi?
Không ít nam sinh thầm nghĩ như vậy.
Cứ mường tượng tới cái tương lai tốt đẹp mà râm rục đó là ánh mắt tụi nó nhìn Phương Viêm lại tràn ngập tình yêu.
- Thầy giỏi quá đi thôi.
Tụi nó nhủ thầm:
- Trường mình ưu ái bọn mình ghê ấy.
Hai mắt Hoàng Hạo Nhiên cũng đỏ bừng. Cậu lại tháo kính xuống rồi dùng vải lau kính lau lệ hoen khóe mắt. Sau đó, cậu chàng đeo kính lên, rời chỗ ngồi, đi tới đường đi giữa lớp mà cúi đầu thật sâu với Phương Viêm, đoạn nói:
- Thầy Phương, em thua rồi, thua tâm phục khẩu phục.
Phương Viêm bật cười ha hả nhìn cậu rồi bảo:
- Bây giờ em nhận thua còn sớm quá đấy.
Nói thật, nếu Hoàng Hạo Nhiên ra đề khác hoặc bắt đọc một bài thiên cổ hùng văn nào khác, thì chưa chắc Phương Viêm đã có thể thuộc lòng.
Nhưng không ngờ cậu chàng lại khăng khăng bắt hắn đọc “Đạo Đức Kinh”.
Phương Viêm xuất thân Thái Cực thế gia, ông ba đồ cổ của hắn tập võ chẳng ra sao, lại kí thác hết thảy kì vọng chấn hưng võ đạo gia tộc lên người thằng con bảo bối. Ai dè hắn lại gặp trúng cái đồ quái thai trăm năm khó gặp của nhà họ Diệp là Diệp Ôn Nhu.
Thế là hắn chỉ có thể bách chiến bách bại, lại bách chiến bách bại.
Cô đấm gãy răng cửa hắn, giật đứt tóc hắn, đánh hắn nằm xoài ra đất mà khóc cha gọi mẹ. Hắn không biết năm nay rồi cô còn muốn nhét hành hắn đến mức nào nữa, bèn dứt khoát bỏ thư lại rồi trốn nhà đi bụi.
Cha già Phương Ý Hành không chỉ ép hắn học võ mà còn bắt hắn phải văn võ song toàn. Từ nhỏ hắn đã đọc rất nhiều sách vở, mà bộ sách được đánh giá là kinh điển hàng đầu của Đạo Gia - “Đạo Đức Kinh” chính là một trong số sách vở vỡ lòng của hắn.
Để cảm ngộ vạn vật, tăng cảnh giới Thái Cực, Phương Viêm ngày đêm suy ngẫm nó, cơ hồ mổ xẻ từng chữ một.
Cho nên khi Hoàng Hạo Nhiên ra đề là đọc “Đạo Đức Kinh” thì suýt nữa hắn đã ngẩng đầu lên giời mà cười to ba tiếng.
Muốn thì muốn thế nhưng hắn không cười, mà là mở miệng ngông cuồng đòi đọc ngược “Đạo Đức Kinh”.
Thể hiện hoàn mỹ, hiệu quả kinh người. Nhìn ánh mắt hâm mộ cuồng nhiệt của học sinh mà Phương Viêm len lén cho mình 32 cái like.
Hoàng Hạo Nhiên nhìn Phương Viêm với ánh nhìn nghi hoặc, không hiểu câu này của hắn có ý gì.
- Chúng ta đã giao hẹn là em hỏi thầy ba câu, thầy cũng thử thách em ba đề.
Phương Viêm nhắc nhở:
- Em không quên đấy chứ?
- Thầy ơi, ra đề làm gì nữa ạ? Chắc chắn Hoàng Hạo Nhiên không so được với thầy rồi.
Có nữ sinh hoạt bát la lên.
- Đúng đó, tui cứ nghĩ Hoàng Hạo Nhiên đã thần thánh lắm rồi, ai dè hóa ra thầy Phương mới là bá vương trong đám thần thánh!
Có nam sinh nghịch ngợm cho rằng Hoàng Hạo Nhiên thua đứt rồi.
- Thầy Phương ơi, thầy có bạn gái chứ?
Giờ muốn tấn công thầy nữa hay gì đây?
...
Nghe Hứa Ảnh hỏi Phương Viêm đã có bạn gái chưa, cả lớp cười vang lên.
Hứa Ảnh là một cô bé mặt tròn như trứng ngỗng, trông rất đáng yêu. Cô bé hỏi xong thì cũng ngượng, lại thấy cả lớp nhìn mình thì bực mình trợn mắt bảo:
- Tui thích thầy Phương đấy thì đã sao? Mấy người không thích, không được cướp của tui đâu đấy!
- Không cướp không cướp, tụi này không thích đàn ông mà!
Có nam sinh trêu chọc.
Thấy đám trẻ cười đùa vui vẻ, Phương Viêm cũng vui lây.
Đây chính là hương vị thanh xuân, đây chính là hơi thở tự do, đây chính là cuộc sống vô tư vô lự đó.
Làm thầy giáo tốt quá đi!
Không bị đánh, đúng là tốt đến không thể tốt hơn mà!
Cho tụi nhỏ đùa giỡn một hồi, Phương Viêm nhìn Hoàng Hạo Nhiên rồi nói:
- Làm người phải đến nơi đến chốn, em nói phải không? Chưa đến phút cuối thì sao em biết mình nhất định sẽ thua?
Hoàng Hạo Nhiên hiểu ý Phương Viêm, bèn nghiêm túc nói:
- Em đồng ý nhận thử thách của thầy.
Phương Viêm gật đầu vừa lòng rồi bảo:
- Đề thứ nhất, các em khác có thể cùng đáp. Mỗi em đáp đúng một câu thì thầy sẽ cộng một điểm vào bài thi. “Trăng sáng trước giường” là ý thơ kinh điển của Lý Bạch, “giường” ở trong câu thơ đó chỉ cái gì?
- Rào chắn trên giếng.
Trong khi các học sinh khác đều đang ngẫm nghĩ thì Hoàng Hạo Nhiên đã đưa ra đáp án, đầu óc thánh học quả không tầm thường.
- “Từ uyển thiên tái, quần phương cạnh tú, thịnh khai nhất chi nữ nhi hoa” chỉ tài nữ nào trong lịch sử?
- Lý Thanh Chiếu.
Một cô bé mập mạp đáp. Vì đáp nhanh quá nên giọng lên hơi cao. Cô bé đỏ mặt nhìn Phương Viêm mà nói:
- Em thích Lý Thanh Chiếu nhất.
- Em tên là gì?
Phương Viêm đến trước mặt cô bé, nhìn cô rồi hỏi.
- Vương Phương ạ.
- Chúc mừng Vương Phương, em đáp đúng rồi. Bài thi sau thầy sẽ cộng cho em một điểm nhé.
- Em cảm ơn thầy Phương ạ.
Vương Phương vui vẻ đáp.
Thấy Vương Phương có thể trò chuyện thoải mái với thầy như vậy, các nữ sinh trong lớp hâm mộ không thôi, ai nấy đều hạ quyết tâm phải đáp cho được đề bài cuối cùng.
Không biết là cố ý hay vô tình mà cử chỉ này của Phương Viêm đã làm không khí học tập của lớp sôi nổi hẳn lên, ai nấy đều bị cuốn theo hắn.
Đây là tố chất cần có của một người thầy vĩ đại, hay còn gọi là năng lực điều khiển bầu không khí.
- Đề thứ ba, cũng là đề cuối cùng.
Phương Viêm nhìn quanh lớp rồi hỏi:
- Ai có thể đọc được hoàn chỉnh “Đệ Tử Quy”?
Không ai trả lời.
Phương Viêm nhìn về phía hoàng Hạo Nhiên, hỏi:
- Em đọc được không?
- Được ạ.
- Sao không đáp?
- Bởi vì...
Hoàng Hạo Nhiên chần chừ một chốc rồi trả lời:
- Bởi vì em chỉ biết đọc xuôi thôi.
- ...
Phương Viêm dở khóc dở cười. Vì hắn đọc ngược “Đạo Đức Kinh” nên thằng nhóc này nghĩ nó cũng phải đọc ngược “Đệ Tử Quy” à?
- Đọc đi.
Phương Viêm nói như ra lệnh.
Hoàng Hạo Nhiên gật đầu rồi bắt đầu đọc:
- "Đệ tử quy, thánh nhân huấn. Thủ hiếu đệ, thứ cẩn tín...”
Khi Hoàng Hạo Nhiên đọc xong, Phương Viêm vỗ tay đầu tiên rồi khen:
- Được đấy, đọc tốt lắm. Chỉ có một vài chữ sai, hai câu bị lộn trình tự thôi. Tri thức không phải là ảo thuật, làm màu để mà làm gì? Với độ tuổi này của trò, đang ở giai đoạn tiếp thu giáo dục, trò làm được thế là đủ để kiêu ngạo rồi.
- Cảm ơn thầy ạ.
Hoàng Hạo Nhiên vui vẻ nói.
- Đủ chứng minh em có thể tốt nghiệp tiểu học rồi.
Phương Viêm nói.
- ...
Sắc mặt Hoàng Hạo Nhiên đỏ tía lên như sắp chết đến nơi.
Các học sinh khác nghe xong lại càng muốn chết. Trình độ của Hoàng Hạo Nhiên mà mới tốt nghiệp tiểu học thì bọn nó tốt nghiệp cái gì? Lớp mầm à?
- Mấy đứa không phục à?
Phương Viêm thu hết vẻ mặt của học trò vào đáy mắt, cười nói:
- Thực ra “Đệ Tử Quy” là sách vỡ lòng của trẻ con ngày trước. Mấy đứa không phủ nhận chứ hả?
- Thầy Phương ơi, chuyện này thì không thể trách bọn em được. Bây giờ nhà trường bắt bọn em học cái gì ấy chứ có học “Đệ Tử Quy” đâu. Với cả bài này không thi, bọn em có học cũng không để làm gì.
- Đúng vậy. Không thể trách các em được.
Phương Viêm tán thành ý kiến của học sinh này:
- Vì không thi nên các em không học. Thế nhưng không có nghĩa là “Đệ Tử Quy” vô dụng. Tổ tiên chúng ta thường nói chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Trước phải chính tâm dưỡng tính, sau đó mới có tư cách để đi bình thiên hạ. Bây giờ trẻ con toàn muốn bình thiên hạ trước, tu thân dưỡng tính thì chây lười. “Đệ Tử Quy” dùng để chúng ta tu tâm dưỡng tính, đọc đi, suy ngẫm vào, hữu dụng lắm đấy.
- Nhưng thôi, không sao cả, từ hôm nay trở đi, thầy sẽ dẫn dắt các em lĩnh hội những tinh hoa của quốc học Hoa Hạ trong suốt ngàn năm lịch sử, làm quen với những nhân vật truyền kì oai phong một cõi, uống rượu ngon, gặp anh hùng, ngắm mỹ nhân, làm bạn cùng những vĩ nhân mà chúng ta hằng khâm phục và kính ngưỡng. Dù là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Sư Sư hay là Liễu Như Thị.
- Thầy ơi, Lý Sư Sư và Liễu Như Thị đều là kĩ nữ mà.
- Ai bảo thế?
Phương Viêm tức khí quay người lại, nhìn thẳng vào nam sinh mặt mũi đầy đậu thanh xuân:
- Họ là danh linh, biểu đạt như thế nghe có nhã nhặn hơn không?
Phương Viêm đặt mông ngồi lên bàn học sinh rồi nói thấm thía:
- Thật lòng mà nói ấy, mấy đứa được làm học sinh của một người như thầy, thầy hâm mộ mấy đứa dã man. Thôi không cười nữa, đang trên lớp mà!
- Ha ha ha...
Cả lớp lại càng cười dữ.
Ông thầy này vui quá!
Rầm!
Cửa sau của phòng học bị đạp ra, ba học sinh co kéo nhau xông vào.
- Đứng lại!
Phương Viêm lớn tiếng quát bảo chúng dừng lại.
Trịnh Quốc Đống giương đôi mắt lờ đờ say rượu nhìn Phương Viêm trên bục giảng, hỏi:
- Đứa nào bảo tao đây là bạn nào cái? Tao thấy lạ hoắc à.
- Phương Viêm, Phương trong “phương phương chính chính”, Viêm là hai chữ “hỏa” chồng lên nhau.
Phương Viêm tự đáp:
- Giáo viên ngữ văn của lớp này.
- Ồ, hóa ra là thầy Phương.
Trịnh Quốc Đống nấc cụt một cái, ngoắc tay với Phương Viêm rồi bảo:
- Thầy Phương à, hôm sau mời thầy nhậu nhé.
Phương Viêm ngửi thấy mùi rượu nồng nặc cả phòng học thì cau mày nói:
- Ba cậu ra ngoài cho tôi, bao giờ tỉnh rượu thì vào lớp học.
Rắc!
Trịnh Quốc Đống liếc mắt nhìn chiếc ghế vừa bị đá bay rồi chỉ thẳng vào mặt Phương Viêm mà nói:
- Họ Phương kia, đừng có mà tinh vi. Tôi vui thì ông là thầy Phương, tôi mà cáu thì ông chỉ là đống cớt...
- Ha ha ha, đống cớt...
Hai tên đàn em Lý Dương và Trần Đào của Trịnh Quốc Đống cười hô hố phụ họa theo.
Ánh mắt Phương Viêm đanh lại, nét cười trên mặt lạnh đi.
Á à, đến phá đám à.
Dựa theo quy củ giang hồ, hai phe nên phái cao thủ ra biểu diễn tài nghệ, kẻ thắng làm vua.
Phương Viêm quyết định phái chính mình lên đài.