Chó Hoang Và Xương

Chương 4: 4: Thằng Nhóc Bố Đời





Phàm là những đứa trẻ ăn nhờ ở đậu, ở chúng sẽ hình thành một tính cách không nhất thiết là phản nghịch hay xu nịnh, nhưng chắc chắn rất biết thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt.
Cuộc sống ở Đằng Thành thoải mái hơn nhiều so với thị trấn nhỏ ngoài quê.
Trường tiểu học ở nội thành đẹp hơn trường tiểu học trong trấn, phòng học được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, thầy cô nhiệt tình dễ gần.

Sống cùng mẹ ruột, Miêu Tĩnh cũng có tinh thần hơn đôi chút.

Hơn nữa khí hậu Đằng Thành nóng bức, mùa đông không đổ tuyết, nhiệt độ giảm thì đã có hai chiếc áo len, thêm cả áo đồng phục nữa nên vẫn chịu đựng được.
Với dân nghèo mà nói, mùa hè dễ sống hơn mùa đông nhiều, chi phí dành cho quần áo và các kiểu giữ ấm sẽ ít hơn.

Chỗ ở đơn sơ, uống nhiều nước, ăn đồ mặn là đã sống qua ngày.
Miêu Tĩnh và Ngụy Minh Trân đều thích Đằng Thành.
Dường như gia đình mới cũng có thể sống chung hòa thuận.

Trần Lễ Bân ôn hòa nhã nhặn, không có sở thích xấu gì.

Tuy nhiên lại chẳng quan tâm chuyện nhà, mặc kệ con cái, hễ tan làm là an vị trước máy tính, lên mạng, đánh điện tử, đầu cơ cổ phiếu, chát chít, xem phim đĩa.

Lúc bấy giờ, trạm cung cấp điện là doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả và lợi ích nhất.

Ông ta còn là cán bộ kỹ thuật, có hy vọng thăng chức, tiền lương và đãi ngộ cao, phúc lợi cũng không tệ, củi gạo dầu muối và đồ tiêu dùng hằng ngày toàn nhận từ đơn vị.

Bốn miệng ăn trong nhà, hai đứa nhỏ ngoài ăn uống thì không có chỗ nào cần tiêu tiền.

Gia đình tầm trung không chi tiêu quá mức, nên của cải có vẻ rất đủ đầy.
Ngụy Minh Trân nghĩ bản thân số may, tìm được một tấm chồng đáng tin cậy.

Bà và Trần Lễ Bân bắt đầu thân thiết từ những lần chat trên mạng, rồi sinh ra cảm giác ngưỡng mộ về mặt tinh thần với người đàn ông này.

Năm ấy làm bà chủ gia đình, mỗi đầu tháng Trần Lễ Bân sẽ cho Ngụy Minh Trân một phần tiền vừa đủ để chi trả các loại phí trong nhà.

Ngụy Minh Trân cũng thể hiện thái độ không màng vật chất của mình, quán xuyến lo liệu nhà cửa rất tốt.
Hai đứa nhỏ, ngoài mặt Ngụy Minh Trân thiên vị Trần Dị hơn, đối xử hòa ái ân cần, săn sóc chu đáo với thằng nhóc.

Nhưng Trần Dị làm ngơ, nhắm một mắt mở một mắt, ánh nhìn lạnh lùng, mới tí tuổi đầu mà mặt mũi đã dữ dằn, Ngụy Minh Trân ghét cay ghét đắng.

Lúc riêng tư, bà đương nhiên là tốt với Miêu Tĩnh hơn Trần Dị.

Giấu giếm tài ở chỗ, một con gà có hai cái đùi, một đùi cho Trần Lễ Bân, một đùi cho Trần Dị, nhưng người đầu tiên ăn thịt lại là Miêu Tĩnh.
Ở lâu, Miêu Tĩnh học được một câu, gọi là “trong ngoài bất nhất”.
Trong nhà không ai quản Trần Dị, hàng xóm xung quanh cũng nói Trần Dị học kém, tương lai sẽ chỉ là một thằng lưu manh vô công rỗi nghề.

Tính anh cực kỳ ngang tàng, ngày nào cũng đúng giờ đấy là về nhà ăn cơm đi ngủ, thời gian khác toàn lang thang ở ngoài.

Gần tiểu khu có một bãi đổ rác và công viên nhỏ, bên đó là cứ điểm của Trần Dị.

Anh là tay lão luyện trong những trò bắn bi, sưu tập thẻ tròn hoạt hình bằng giấy cứng, chơi cưỡi ngựa đánh giặc, đánh quay, đánh nhau, gây chuyện, tên tuổi uy phong lẫm liệt, được coi là tên bá vương con giữa đám bạn đồng trang lứa.

Miêu Tĩnh và Trần Dị học chung trường, nhưng hai người chưa bao giờ cùng đi học, cũng không nói chuyện.


Nếu ở ngoài có xuất hiện gần nhau, là anh đã lạnh lùng đuổi cô tránh xa, tránh xa một chút.
Về nhà, hai người còn ngủ chung phòng ngày nào thì sẽ luôn có lúc Miêu Tĩnh bị hành.

Cô thường chẳng biết mình đã chọc gì anh, mà anh hay thình lình đấm một cú vào lưng cô, tự dưng đâm bút chì vào cánh tay cô, hoặc là mấy trò đùa dai như kéo ghế, xé bài tập, thường khiến Miêu Tĩnh vô cùng mỏi mệt.

Cô và Trần Dị đều có tính lầm lì ít nói, Miêu Tĩnh có vẻ nhát gan hơn, Trần Dị cũng sẽ hung hãn dọa dẫm cô, rằng cô mà để người lớn biết là anh đập chết cô ngay.
Phòng ngủ phụ không có điều hòa, suốt mùa hè cây quạt điện bị Trần Dị bá chiếm hoàn toàn.

Giường của Miêu Tĩnh lại kê cạnh cửa sổ, sáng nào cũng phơi dưới nắng mặt trời.

Buổi tối cô thường nóng đến độ mất ngủ, nằm trên giường lăn qua lộn lại vật vã.

Thi thoảng liếc thấy Trần Dị đang ngủ say, anh mặc áo ba may ô và quần soóc, trông thì hiền lành vô hại, chứ thực chất là một thằng nhóc ác ma.
Lý do tại sao cô chưa từng tố cáo với Ngụy Minh Trân và Trần Lễ Bân, là bởi Trần Dị cũng bị đánh, anh bị Trần Lễ Bân đánh.
Năm đó phương pháp giáo dục nhẹ nhàng chưa phổ biến, con nít nghịch ngợm thường xuyên bị ăn đòn.

Tiếng gào khóc thảm thiết truyền ra từ cửa sổ, hàng xóm đều nghe thấy, cũng không hề đồng tình, vậy nhưng chưa một lần nào nghe thấy tiếng đánh đập ở nhà họ Trần.
Trần Lễ Bân cũng chả đoái hoài Trần Dị, không giảng giải hay tận tình khuyên bảo.

Ấy là lần đầu tiên Miêu Tĩnh chứng kiến.

Tới giờ cơm, Trần Dị đi chơi về, bê bát đi tới bàn ăn cơm, chân ghế cọ sát sàn nhà kêu ken két.

Trần Lễ Bân khẽ nhíu màu, lập tức đá một cú vào bụng Trần Dị, làm người anh văng vào xó nhà phát ra âm thanh nặng trịch, như tiếng pháo nổ trong không gian hẹp kín.

Trần Dị gục đầu trong xó, môi mím chặt.

Trần Lễ Bân bình tĩnh bước sang, ánh nhìn trịch thượng, đá thêm hai cái, sau đó điềm nhiên như không ngồi xuống uống rượu ăn cơm.

Trần Dị không rên tiếng nào, đứng dậy nhặt đũa rơi dưới đất, cắm mặt lùa mạnh cơm vào miệng.
Kiểu đánh này luôn xảy ra mà chẳng hề báo trước, như một con ruồi bay ngang qua thình thình bị đập một phát, không có nguyên nhân, cũng không có giải thích.

Hoặc là có nguyên nhân, nhưng Trần Lễ Bân lười nói, ví dụ hàng xóm nào phàn nàn một câu, có người đến nhà mắng vốn, giáo viên ở trường gọi điện hỏi thăm gia đình.
Cũng không phải ngày nào cũng bị đánh, lâu lâu mười ngày nửa tháng vẫn yên lành, nhưng luôn có những trận như vậy.

Trần Lễ Bân không đánh mặt, bình thường toàn nhấc chân đạp, xem những vị trí nào “tiện đạp”.

Bụng, lưng, đùi, đó là những chỗ trên người Trần Dị mà Miêu Tĩnh thấy có vết bầm tím.
Cô rất sợ hãi kiểu đánh đập ấy, Ngụy Minh Trân an ủi cô, đánh con trai là dạy dỗ nó.

Hơn nữa tính nết Trần Dị quả thực xấu xa, thô lỗ hung hăng, ăn nói tục tĩu, đánh nhau, trộm cắp, người gặp người ghét.

Ngụy Minh Trân dặn Miêu Tĩnh hãy tránh xa anh, nếu Trần Dị dám bắt nạt cô thì đi mách ngay với Trần Lễ Bân.
Lực đá của Trần Lễ Bân xem chừng rất nặng.

Nhưng Trần Dị luôn đứng dậy mà sắc mặt chẳng khi nào thay đổi.

Thiếu niên nhỏ bé cúi thấp đầu, hai mắt như cất giấu cục đá lạnh cứng, toát lên một vẻ tàn nhẫn.

Miêu Tĩnh cứ tưởng không đau lắm, nhưng sau cô phát hiện, nửa đêm ngủ Trần Dị sẽ kêu, sẽ nói mớ.


Nhiều lúc anh xoay người qua, cô thấy mày anh chau lại, ôm bụng, rên rỉ đứt quãng.

Thế cô mới biết anh cũng khó chịu, chỉ là đang kìm nén.

Lời nói mớ của anh dồn dập mơ hồ, nhưng anh sẽ gọi mẹ.
Ở lâu trong ngôi nhà này, Miêu Tĩnh luôn thấp thỏm lo lắng.
Sau nữa có người đến nhà khiếu nại, bảo rằng xe anh ta đậu ở lề đường bị người khác quẹt xước.

Có người bắt gặp Trần Dị cầm cục đá gạch lên xe, chủ xe tới đòi bồi thường, chứng cứ rất xác thực.

Trần Lễ Bân đền một số tiền, tiễn người đó đi, mặt ôn hòa cầm thứ đồ gì đó ra.
Trần Dị bỗng nhiên vọt vào buồng ngủ, co rụt người ở góc tường.

Miêu Tĩnh nhìn thấy nỗi sợ trong mắt anh, hệt con dã thú nhỏ hoảng loạn bị nhốt trong lồng.
Đó có lẽ là một thiết bị điện do Trần Lễ Bân tự chế.

Ông ta hiểu điện, nên dễ dàng tạo ra một dụng cụ để trừng phạt.

Thứ đồ kia dán nhẹ vào người Trần Dị, anh bắt đầu run bần bật, vai nhún lên, mặt mũi trắng bệch, mắt đỏ quạch.
“Tao cũng chỉ muốn tốt cho mày thôi, mày cứ thế thì sớm muộn gì cũng có chuyện.” Trần Lễ Bân cất giọng ấm áp, “Tuổi còn nhỏ không lo học hành, đừng có bảo Trần Dị là con trai Trần Lễ Bân, tao không quản nổi mày.”
“Mày không phải con trai tao, tao cũng chả phải bố mày.”
Miêu Tĩnh thấy cơ thể Trần Dị vặn vẹo một cách kỳ lạ.
Ngụy Minh Trân cũng hơi khiếp vía, bèn lôi Miêu Tĩnh đã cứng đờ ra khỏi buồng ngủ.

Phát hiện người Miêu Tĩnh run mãi, bà lôi cô đến ban công: “Con sợ cái gì, không liên quan gì tới con.

Đấy là mẹ ruột Trần Dị, mẹ nó có lỗi với chú Trần của con.”
Sau này mỗi lần Trần Dị gây họa bị đánh, buổi tối Miêu Tĩnh sẽ gặp ác mộng.

Nửa đêm cựa quậy tỉnh giấc, bắp chân bị chuột rút, cô bấu chặt ga giường hít thở sâu.

Có đôi khi sẽ đánh thức Trần Dị, anh vén tấm rèm, đứng cạnh giường cô, nhìn mặt cô đỏ bừng, ngực phập phồng thì nhếch miệng cười nham hiểm, ánh mắt giá lạnh.
“Lần sau mày còn nhìn nữa, nửa đêm tao sẽ dậy khoét mắt mày ra.”
Miêu Tĩnh nấc lên một tiếng, đưa tay bịt hai mắt mình.
Anh thấy điệu bộ nhát như thỏ đế của cô, khinh thường bĩu môi: “Mày sợ gì chứ, ông ta có đánh mày đâu.”
“Ông ta là một tên thần kinh, tâm lý biến thái.”
Trần Dị thì thầm, bỏ lại Miêu Tĩnh, quay về giường nằm, kéo chăn trùm qua đầu, trở mình ngủ tiếp.
Sau đó Miêu Tĩnh lớn hơn một chút, có thể nghe hiểu về mẹ Trần Dị thông qua những tin đồn nhảm của hàng xóm và thái độ lập lờ của Ngụy Minh Trân.
Mẹ Trần Dị chết do đuối nước, tự dưng chạy ra bờ sông giặt ga giường.

Lúc tìm được bà ấy đã là mấy ngày sau, không nói rõ được là sự cố ngoài ý muốn hay lựa chọn của bản thân.

Trước đó, nghe đồn mẹ Trần Dị ngoại tình, cắm sừng Trần Lễ Bân, bị người ta trông thấy.

Ý muốn ly hôn không thành, ngày nào cũng ở nhà cãi cọ với chồng.


Lại nghe đồn Trần Dị vốn chẳng phải con trai Trần Lễ Bân, vì Trần Lễ Bân được chẩn đoán là t*ng trùng yếu, nên khó có con.
Ngụy Minh Trân quan sát kỹ Trần Dị, tới nỗi nhiều lần lén hỏi Miêu Tĩnh thấy Trần Dị có giống Trần Lễ bân không.

Nghe hàng xóm bảo trông Trần Dị giống mẹ y đúc, mẹ anh rất đẹp.

Nhưng anh có vẻ cũng giống Trần Lễ Bân, tướng mạo hai bố con đều sáng sủa, Trần Lễ Bân có sống mũi cao, mắt hai mí, Trần Dị cũng có.
Trong nhà cơ bản không có ảnh chụp của mẹ Trần Dị, họa chăng là có.

Có lẽ Miêu Tĩnh vô tình nhìn lướt qua, thậm chí không nhìn rõ dáng vẻ.

Ấy là tấm ảnh thẻ hai màu trắng đen kẹp trong khe cuốn sách nào đó của Trần Dị.

Trần Dị phát hiện, đẩy mạnh cô một phát.
Dần dà, Ngụy Minh Trân cũng cãi nhau với Trần Lễ Bân.

Mỗi tháng Trần Lễ Bân chỉ cho bà phần tiền sinh hoạt cố định, tuy trong nhà có một số tiền tích góp tương đối, nhưng đều do ông ta nắm giữ, không để rơi ra đồng nào.

Muốn có nhiều tiền trong tay, Ngụy Minh Trân phải tự ra ngoài tìm công việc.

Ngoài ra, Trần Lễ Bân còn suốt ngày lên mạng qua lại với phụ nữ khác, nói chuyện bằng những từ ngữ mập mờ.
Ngụy Minh Trân vẫn muốn có con, tình hình của Trần Lễ Bân và Trần Dị bây giờ, trước sau gì cũng cắt đứt quan hệ.

Nếu bà sinh được một đứa cho Trần Lễ Bân, rất nhiều chuyện sẽ trở nên dễ nói.

Miêu Tĩnh học tốt, điểm số luôn nằm top đầu, mỗi học kỳ nhận vô số giấy khen, cũng tham gia những kỳ thi riêng của các môn học và nhiều trận thi đấu.

Tính cách Miêu Tĩnh thuộc dạng khó gần, phần lớn thời gian chỉ lầm lũi, dựa cả vào thành tích học tập để thu hút sự chú ý và lòng quý mến của người xung quanh.
Ở trường học, mọi người không biết quan hệ giữa cô và Trần Dị.

Trần Dị còn nhỏ đã hoành hành ngang ngược, bướng bỉnh bất tuân, song thành tích học tập không quá tệ, nằm ở mức trung bình.

Anh lên lớp 6, khi đó đã có con gái thích, đuổi theo sau lưng lớn tiếng gọi tên anh, tranh nhau làm bài tập cho anh.
Còn tí tuổi mà đã biết khen Trần Dị đẹp trai, khen anh cười trông càng đẹp hơn, mặc dù hơi thô bạo đáng ghét nhưng rất có nghĩa khí, giống hiệp khách giang hồ.
Đôi lúc Miêu Tĩnh trông thấy Trần Dị ở sân thể dục, anh chạy thoăn thoắt từ đầu này sang đầu kia, khuôn mặt lấm tấm bụi hiện rõ nét cười bất cần, mắt đen sáng rỡ, dường như cũng không đáng sợ như thế.
Tốt nghiệp tiểu học, Trần Dị vào trường cấp 2 trong khu.

Trường học cách nhà ít xa, chỉ tốn nửa tiếng đi bộ, nhưng Trần Dị lại trọ ở trường.
Con cái trưởng thành, nam sinh cấp 2 đến tuổi dậy thì, hai người tiếp tục ở chung buồng nữa thì không ổn.

Huống chi với cái tính cáu kỉnh của Trần Dị, trọ ở trường vẫn tốt hơn.

Miêu Tĩnh có thể độc chiếm cả căn buồng ngủ, cô học hành giỏi giang, rụt rè ít nói, hẳn nên chú ý nhiều một chút.
Chiếc giường đơn của Trần Dị chuyển ra ngoài phòng khách.

Phòng khách trong nhà hình chữ nhật, có góc kia ban đầu để mấy cái thùng to, bây giờ dọn hết đi, kê giường dựa vào tường là vừa đẹp, chuyển luôn tấm rèm qua để ngăn thành một không gian nhỏ.
Dù sao Trần Dị chơi ở ngoài cả ngày, về nhà chỉ ăn cơm đi ngủ.

Từ sau khi trọ ở trường anh càng hiếm khi về nhà, một tháng về một lần lấy chút tiền sinh hoạt linh tinh.
Chiều cao của anh bắt đầu tăng vù vù, tất cả áo quần đột ngột ngắn lại một khúc.

Diện mạo thay đổi từ thằng nhóc trẻ con sang vẻ ngây ngô đầy khí khái.

Mặt mũi cũng dần có đường có nét, tính cách càng ngày càng lì lợm bá đạo, càng ngày càng bố đời, cũng dần bước vào thời kỳ nổi loạn.
Việc trọ ở trường vẫn không cách nào dẹp bỏ những mâu thuẫn của hai bố con.

Trần Dị gây lộn ẩu đả ở trường học, trốn học đi chơi net, tụ tập đánh bài, cả ngày chẳng làm nổi chuyện gì nên thân.


Trường học liên tục phản ánh, tới nhà hỏi thăm, mời phụ huynh.

Trần Lễ Bân lại bạo hành.

Trần Dị dám thẳng thừng ra tay chống đối, nghểnh cổ bạnh cằm, chỉ vào mũi Trần Lễ Bân chửi mẹ nó, hai mắt dữ tợn như thể sắp ăn thịt người, đầu tiên là đập nát cái máy điện giật kia, tay không đấu lại những cú đá đạp của Trần Lễ Bân.
Trần Lễ Bân bị con trai đánh trả, loạng choạng lùi về sau mấy bước, mặt mày xám ngoét.

Nhưng chỉ sửng sốt trong một chớp mắt ngắn ngủi rồi rất nhanh đã phản ứng lại, sử dụng thứ đồ khác như thắt lưng hoặc gậy gỗ.
Ông ta cao hơn Trần Dị, to khỏe hơn thằng nhóc trông như cái sào trúc này, sức lực cũng lớn hơn, giờ vẫn chưa tới lúc kẻ làm cha nhận thua.
Nghiêm trọng nhất là năm lớp 8, Trần Lễ Bân đến trường học một chuyến.
Hai đám thanh thiếu niên đánh nhau ngoài trường học, có đứa xách dao theo đâm một nhát vào bụng đứa kia, phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, học sinh gây chuyện bị đưa lên đồn cảnh sát.

Trần Dị cũng tham dự cuộc hỗn chiến, nhưng anh biết xuống tay có chừng mực, không đánh vào chỗ hiểm của đối phương, hơn nữa còn là người gọi xe cấp cứu, cuối cùng chuồn lẹ, phủi sạch dấu vết.
Nhà trường muốn đuổi học đám học sinh ấy, may nhờ có sự bảo hộ của luật Giáo dục bắt buộc 9 năm và Trần Dị cũng có một chủ nhiệm lớp quá nhân từ vì đề cao trí thông minh của anh, nên đã nghĩ cách giữ anh lại trường học, cho một hình phạt nặng.
Lần đó Trần Dị bị đánh cực khủng khiếp, Trần Lễ Bân quất nát nhừ một chiếc thắt lưng, ngay tại phòng khách, hai cha con đều nghiến răng không nói gì.

Ngụy Minh Trân nấu cơm trong bếp, Miêu Tĩnh ở trong buồng, nghe tiếng đánh đùm đụp bên ngoài, cô nhắm mắt, bịt chặt tai.
Trận đánh kết thúc, Trần Dị nằm trên giường ở phòng khách, rèm kéo kín mít.

Ba người ăn cơm ở nhà, hoàn toàn không cảm giác được sự tồn tại của anh.
Cơm nước xong, Trần Lễ Bân vào buồng chơi máy tính.

Ngụy Minh Trân bưng bát cơm đặt ở đầu giường Trần Dị, quay đầu thấy đôi mắt trầm lặng của Miêu Tĩnh đang nhìn chằm chằm, bèn chỉ chỉ buồng ngủ, bảo cô vào làm bài tập.
Nửa đêm Miêu Tĩnh ra ngoài đi vệ sinh, ngang qua phòng khách, bóng tối và thời gian im lìm như đã chết, cô sợ nổi da gà, cô sợ anh chết rồi biến thành cái xác.

Nhưng tới gần vài bước, lắng tai nghe, vẫn nghe thấy tiếng thở gấp suy yếu.
Miêu Tĩnh cố lấy can đảm vén rèm lên, bát cơm đặt đầu giường chẳng xê dịch, đầu Trần Dị nghiêng vào trong, tay chân dang ra, nằm thẳng đơ trên giường hệt tảng thịt rữa.

Cổ họng Miêu Tĩnh thắt lại, không dám cứ động, căng thẳng tới mức toát mồ hôi.

Anh chậm rãi quay đầu, khóe miệng có vết máu đã khô cạn, cặp mắt đen kịt có ánh lệ chợt lóe rồi biến mất dưới quầng sáng mờ mờ, nằm tê liệt nhìn cô, không nhúc nhích.
Cô vào bếp rót cốc nước, cẩn thận bưng đến trước mặt anh.

Anh nhìn chòng chọc cốc nước kia, thái dương giật giật, sau đó từ từ quay người, bờ môi khô khốc dán vào miệng cốc, chậm chạp thở ra một hơi.

Miêu Tĩnh khẽ nghiêng cốc nước, môi anh thấm đẫm làn nước mát rượi, theo bản năng nhấp từng ngụm nhỏ, cứ vậy uống cạn cốc nước.
Trong bóng tối có tiếng vang rất nhỏ, không biết là tiếng uống nước hay tiếng ở bụng anh.
Bát cơm đã lạnh ngắt, Miêu Tĩnh mò mẫm trong bếp tìm hai quả trứng gà, vặn bếp ga, nương theo tia sáng màu xanh u ám của ngọn lửa, chưng một bát canh trứng gà với tâm trạng hoảng hốt.

Đây là món bà ngoại thường nấu cho cô ăn hồi bé những lúc cô đổ bệnh khó chịu.

Canh trứng gà bốc khói nghi ngút trộn cùng một ít cơm thừa, cô dè dặt bưng bát, ngồi bên giường Trần Dị, thổi từng thìa cho nguội rồi đưa lên miệng anh.
Hai người cơ hồ nín thinh, cũng không có bất cứ cảm tình tốt đẹp nào, chỉ xuất phát từ lòng đồng cảm và đạo nghĩa của đứa trẻ con.
Trần Dị khép hờ mắt, há miệng ngậm lấy thìa cơm, từ tốn nhai nuốt.

Đợi anh nuốt xong, Miêu Tĩnh lại đút thìa thứ hai cho anh.
Đêm khuya tĩnh mịch, bát cơm này dần dần hết sạch, không có lấy một tiếng động nào.
Ăn canh trứng gà xong, Miêu Tĩnh lật đật vào bếp rửa bát rồi vội vã lẻn về buồng.
Hôm sau tan học về thì đã chẳng thấy Trần Dị đâu.
Sau này thỉnh thoảng anh có về, nhân lúc Trần Lễ Bân vắng nhà, về lấy ít đồ đạc, cũng không đi cửa chính vào toàn trèo ban công hoặc vào từ cửa sổ buồng ngủ.

Trông anh có vẻ cao thêm, dáng người khỏe khoắn hơn, lật người nhảy xuống cứ như đang chơi parkour, làm Ngụy Minh Trân và Miêu Tĩnh giật thót tim.
Mùa hè ấy, Miêu Tĩnh tốt nghiệp tiểu học, cũng vào trường cấp 2 của Trần Dị, cô học lớp 7, Trần Dị lớp 9.

Miêu Tĩnh cũng chọn trọ ở trường, rời xa căn buồng ác mộng kia.
(còn tiếp).


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.