Chia Tay Thôi, Columbus (Goodbye, Columbus)

Chương 3




Sáng hôm sau tôi tìm được một chỗ đậu xe trên đường Washington ngay đối diện thư viện. Do tới sớm hai mươi phút nên tôi quyết định thả bộ vào công viên hơn là băng qua đường vào làm việc; nhất là tôi không muốn nhập bọn với lũ đồng nghiệp, những đứa tôi biết chắc đang ngồi nhâm nhi cà phê ở phòng đóng bìa sách, trên người vẫn còn bốc mùi món cam vắt mà chúng uống cuối tuần đó ở công viên Asbury. Tôi ngồi trên một băng ghế và nhìn ra đường Broad và dòng xe cộ buổi sáng. Những chuyến xe lửa từ Lackawanna đang rầm rì chạy qua cách đó vài khu phố về phía bắc và tôi có thể nghe âm thanh của chúng, tôi thầm nghĩ – những toa xe màu xanh lá cây tỏa nắng, cũ mà sạch, với những cửa sổ mở suốt tuyến đường. Nhiều buổi sáng có giờ rảnh trước khi làm việc, tôi thường đi bộ xuống tận đường tàu nhìn những khung cửa mở chạy qua, trên bậu cửa là những khủyu tay trong y phục mùa hè và mép của những cái cặp, tài sản của những doanh nhân đi vào thành phố từ Maplewood, Oranges, và những ngoại ô xa hơn nữa.

Khu công viên, giáp đường Washington ở phía tây và đường Broad ở phía đông, thì vắng người, nhiều bóng râm và còn mùi cây cối, trời đêm, và tàn tích của bọn chó; và cũng thoang thoảng mùi ẩm ướt nữa, chứng tỏ cái xe tưới nước tổ bố vừa đi qua đây, chạy vội vã và làm ướt đầm những con đường chính. Trên đường Washington, tuốt phía sau tôi, là Viện bảo tàng Newark – tôi có thể thấy nó mà không cần nhìn: hai cổ bình phương Đông ở phía trước cứ như ống nhổ cho một tiểu vương, và kế đó là khu nhà phụ nhỏ mà chúng tôi đã đi qua bằng những cỗ xe bus riêng hồi còn học tiểu học. Khu nhà phụ xây bằng gạch, cũ kỹ và đầy dây leo, và luôn gợi tôi nghĩ về mối liên quan của New Jersey với buổi đầu của quốc gia này, với George Washington, người đã huấn luyện đội quân ô hợp của mình – một tấm bảng đồng nhỏ cho lũ nhóc học sinh chúng tôi biết như thế- ngay trong cái công viên tôi đang ngồi đây. Ở đầu đàng kia công viên, xa hơn cả Viện bảo tàng, là tòa nhà ngân hàng nơi tôi đã học đại học. Mấy năm trước nó được tu sửa thành một cơ sở của Đại học Rutgers; cụ thể là, ở nơi từng là phòng đợi chủ tịch ngân hàng tôi đã học giáo trình Những Vấn Đề Đạo Đức Hiện Đại. Tuy bây giờ là mùa hè, và tôi đã rời khỏi đại học ba năm rồi, tôi vẫn thấy dễ dàng nhớ ra những sinh viên khác, những bạn bè từng làm ca đêm ở hãng Bamberger và Kresge và đã dùng hoa hồng kiếm được nhờ đi gạ bán những đôi giày nữ đã hết mốt để đóng lệ phí thí nghiệm. Rồi tôi lại nhìn ra đường Broad. Nằm chen giữa tiệm sách có mặt kính đầy bụi và một tiệm bán thức ăn trưa loàng xoàng là cổng vào một nhà hát nghệ thuật nhỏ – bao nhiêu năm đã qua rồi kể từ thời tôi còn đứng ở lối cổng ấy, nói láo về năm sinh của mình để được mua vé vào xem Hedy Lamarr bơi trần truồng trong phim Ectasy; và rồi, sau khi đã nhét cho tay soát vé thêm hăm nhăm xu nữa, đã cảm thấy thất vọng làm sao trước nét đẹp đơn sơ của dân Slave ở cô ta... Ngồi đó trong công viên, tôi cảm nhận một hiểu biết sâu xa về Newark, một sự gắn bó đã ăn sâu đến độ nó chẳng thể làm gì khác hơn là phát triển thành tình cảm.

Đột nhiên đã tới chín giờ và mọi thứ vội vàng cả lên. Các cô gái gót cao ngả nghiêng xoay theo khung cửa quay của tòa nhà công ty điện thoại bên kia đường, xe cộ bấm còi cáu kỉnh, cảnh sát quát tháo và xua xe cộ chạy hướng này hướng kia. Ở nhà thờ St. Vincent đàng kia những khung cửa to tướng sẫm màu mở ra và những đôi mắt mệt mỏi vì dậy sớm dự lễ giờ hấp háy vì ánh sáng. Rồi những tín đồ bước khỏi các bậc thềm nhà thờ và phóng theo các ngả đường để đến với những bàn giấy, tủ hồ sơ, thư ký, cấp trên, và – nếu thượng đế thấy thuận tiện có thể cất bớt một ít khó nhọc cho họ- đến với cái dễ chịu của máy điều hòa không khí gắn bên cửa sổ của họ. Tôi đứng dậy và băng qua đường sang thư viện, bụng tự hỏi không biết Brenda đã dậy chưa.

Những con sư tử xi măng đứng gác không thuyết phục lắm trên bậc thềm thư viện, chịu đựng sự phối hợp giữa chứng phù chân voi với chứng xơ cứng động mạch và tôi sẵn sàng để ý tới chúng càng ít càng tốt trong suốt tám tháng qua nếu không có một chú bé da màu đứng trước một trong những con sư tử đó. Con sư tử đã gãy hết những ngón chân vào mùa hè trước do một lũ thiếu niên phá phách, và bây giờ kẻ phá hoại mới đang đứng trước nó, khum khum đầu gối và đang gầm gừ. Nó sẽ gầm gừ, trầm và dài, ngồi phịch xuống, chờ đợi, rồi gầm gừ tiếp. Rồi nó sẽ đứng thẳng dậy, và, lắc đầu, nó sẽ nói với con sư tử, "Ôi trời, mày chết nhát..." Rồi, nó lại gầm gừ.

Một ngày bắt đầu như mọi ngày. Từ sau bàn giấy trong sảnh chính, tôi quan sát lũ con gái choai choai ngực nở bước lẹ làng lên cầu thang cẩm thạch to tướng dẫn tới phòng đọc chính. Cái cầu thang này nhái theo một đường cầu thang ở đâu đó tại Versailles, tuy rằng trong những chiếc quần bò và áo cổ lọ các cô con gái của các vị thợ da Ý, thợ nấu bia Ba Lan, và nhà buôn lông thú Do Thái khó có thể là những nữ công tước. Họ cũng không phải Brenda, và mọi ham muốn lóe lên trong tôi suốt một ngày rầu rĩ chỉ là mang tính học thuật và cho qua thời gian. Thỉnh thoảng tôi lại coi đồng hồ, nghĩ tới Brenda, và chờ đến bữa trưa, khi tôi sẽ ngồi vào Bàn hướng dẫn trên lầu còn John McKee, cái gã mới hăm mốt mà đã đeo băng thun quanh tay áo, sẽ lờ đờ đi xuống tầng trệt để hì hục với việc đóng dấu sách mượn và trả. Tên John Mc Băng-Thun này đang học năm cuối Đại học Sư phạm Newark nơi hắn nghiên cứu hệ thập phân Dewey chuẩn bị cho sự nghiệp một đời của hắn. Thư viện không phải là sự nghiệp trọn đời của tôi, tôi biết thế. Tuy vậy, đã có phong thanh – từ ông Scapello, một lão thái giám già đã học được cách giả nói giọng đàn ông bình thường – rằng sau kỳ nghỉ hè tôi sẽ được giao coi sóc Phòng tham khảo, một vị trí đã bỏ trống kể từ buổi sáng nọ khi Martha Winney trong Phòng bách khoa tự điển ngã từ cái đôn cao xuống và bị gãy hết những cái xương mỏng manh hình thành nên bộ phận mà ở một phụ nữ bằng nửa tuổi bà ta chúng tôi sẽ gọi là hông.

Tôi có những đồng nghiệp kỳ lạ ở thư viện và, nói thật, có nhiều giờ liền tôi hoàn toàn không biết làm sao tôi đến được đó và tại sao mình ở lại đó. Nhưng tôi đã ở lại và sau một thời gian đã kiên nhẫn chờ đợi một ngày tôi được vào phòng nghỉ nam ở tầng chính để hút một điếu thuốc và ngắm nghía mình trong khi thổi khói thuốc vào mặt gương, được thấy rằng vào lúc nào đó trong buổi sáng mình tái nhợt đi, và thấy dưới lớp da của tôi, cũng như của McKee với Scapello và bà Winney, đã có một lớp đệm khí mỏng tách máu ra khỏi da thịt. Có ai đó đã bơm khí vào đó khi tôi đóng dấu cho mượn sách, và thế là cuộc sống từ nay sẽ chẳng còn là chuyện bỏ đi, như đối với dì Gladys, và cũng chẳng phải chuyện giành được, như với Brenda, mà là chuyện văng từ chỗ này sang chỗ kia, một sự đờ đẫn. Tôi bắt đầu thấy sợ điều này, tuy rằng, trong sự chú ý không chút sinh lực dành cho công việc, tôi hình như nhích dần tới điều đó, một cách lặng lẽ, như bà Winney vẫn thường nhích đến bộ Britanica. Cái đôn của bà hiện bỏ trống và đang chờ tôi.

Ngay trước giờ ăn trưa, cậu nhỏ luyện sư tử đá mở to mắt bước vào thư viện. Cậu đứng yên một lát, chỉ có những ngón tay động đậy, làm như đang đếm những bậc cầu thang đá hoa trước mặt. Rồi cậu e dè bước đi loanh quanh trên nền đá hoa, cười khùng khục với tiếng đế giày lạch cạch của cậu và cái kiểu những âm thanh nho nhỏ ấy vọng lên tới trần vòm của đại sảnh. Otto, ông bảo vệ ở cửa, bảo cậu đừng để giày kêu như thế, nhưng chuyện đó coi bộ không phiền gì cậu. Cậu vẫn kêu lộp cộp khi nhón gót cao lên, một cách lặng lẽ, khoái chí với cơ hội mà Otto đã cho cậu để tập luyện tư thế này. Cậu ta rón rén tới chỗ tôi.

"Nè," cậu nói, "khu tim ở đâu?"

"Khu gì?" tôi hỏi.

"Khu tim. Đây không có khu tim à?"

Cậu nói giọng miền nam đặc sệt và âm duy nhất tôi nghe rõ là âm nghe như chữ tim.

"Đánh vần chữ đó làm sao?" tôi nói.

"Thì tờ im tim. Trời đất, hình vẽ đó. Sách có hình vẽ. Thứ đó để đâu?"

"Cậu muốn nói sách hội họa. In lại họa phẩm hả?"

Cậu ta đồng ý ngay với thuật ngữ loằng ngoằng của tôi. "Ờ, nó đó."

"Ở vài ba chỗ lận," tôi bảo cậu. "Cậu muốn xem họa sĩ nào?"

Cậu ta nheo mắt lại khiến cả khuôn mặt chỉ còn là màu đen. Cậu giật lui ra, như khi đứng trước con sư tử. "Tất cả bọn họ..." cậu làu bàu.

"Được rồi," tôi nói. "Cậu cứ đi xem bất cứ họa sĩ nào cậu muốn. Theo cầu thang kế lên trên. Đi theo mũi tên đến chỗ ghi Dãy Ba. Nhớ không? Dãy Ba. Lên lầu rồi hỏi."

Cậu ta chẳng nhúc nhích; có vẻ cậu ta đang xem sự tò mò của tôi về đề tài tìm hiểu của cậu như một kiểu điều tra thuế thân. "Đi đi," tôi nói, bày ra một nụ cười trên khuôn mặt, "ngay trên kia..."

Và như một phát đạn cậu ta len lỏi và lộp cộp đi lên khu tim.

Sau bữa trưa tôi trở lại bàn mượn và trả sách và John McKee đã chờ sẵn ở đó trong áo sơ mi đeo băng thun, quần xanh nhạt và giày đen, và một cà vạt đan lớn, màu xanh lá cây, thắt kiểu Winsor thành cái nút to tướng cứ giật tưng tưng khi hắn ta nói chuyện. Hơi thở hắn thì sặc mùi dầu chải tóc còn tóc hắn sặc mùi hơi thở và khi hắn nói, nước bọt tụ lại ở khoé miệng. Tôi không ưa hắn và có những lúc tôi có thôi thúc muốn kéo giãn sợi băng thun và bắn hắn đi như bắn bằng dàn thun bay qua chỗ Otto và những con sư tử ra tới ngoài đường.

"Có thấy một cậu bé da đen ra khỏi đây không? Có giọng nói rất khó nghe? Nó chúi đầu vào sách nghệ thuật suốt sáng nay. Ông biết những đứa như vậy thường làm gì trong đó mà."

"Tôi có thấy nó đi vào, John."

"Tôi cũng thấy. Nhưng vấn đề là nó ra chưa kìa."

"Tôi không để ý. Chắc ra rồi."

"Thứ sách đó rất đắt tiền."

"Đừng ưu tư như vậy, John. Mình biết người ta đương nhiên sẽ lục lọi sách mà."

"Thì lục lọi," John nói một cách nghiêm trọng, "lúc nào cũng lục lọi. Phải có ai coi chừng nó chứ. Tôi không dám rời khỏi bàn này. Ông biết họ cư xử thế nào với những dự án gia cư chúng ta dành cho họ mà."

"Ông dành cho họ hả?"

"Thành phố chứ. Ông thấy họ làm gì ở Seth Boyden không? Họ vất đầy những chai bia, thứ lớn đó, ra bãi cỏ. Họ chiếm cả thành phố này mất."

"Chỉ những khu da đen thôi."

"Cười thì dễ lắm. Ông đâu có sống gần họ. Tôi sẽ báo cho văn phòng ông Scapello để kiểm tra khu nghệ thuật. Ông ấy từng tìm ra chỗ nào về nghệ thuật nhỉ?"

"Ông sẽ làm ông Scapello loét bao tử mất, ngay khi ông ấy vừa ăn sandwich với trứng có rắc tiêu. Để tôi đi kiểm tra, đằng nào tôi cũng phải lên lầu mà."

"Ông biết là chúng vẫn làm gì trong đó mà." John nhắc chừng tôi.

"Đừng lo, Johnny, đó là những người có chai sần đầy tay."

"Hơ hơ. Mấy cuốn sách đó lại đắt đến..."

Vậy là ông Scapello sẽ không ghé vào chỗ cậu bé với những ngón tay đầy phấn, tôi leo ba cầu thang lên Dãy Ba, qua phòng tiếp nhận sách, nơi Jimmy Boylen mắt kèm nhèm, một ông năm mươi mốt tuổi, đang chất sách từ một xe đẩy xuống; đi qua phòng đọc, nơi dân lang thang của phố Mulberry ngủ gục trên những tờ Popular Mechanics; qua hành lang hút thuốc nơi những sinh viên trường luật trán rịn mồ hôi ngồi xả hơi, một số hút thuốc, số khác đang cố chùi thuốc màu dính trên ngón tay từ các giáo trình về tội phạm; và sau cùng, đi qua phòng tạp chí, nơi có mấy bà già được chở từ Upper Montclair xuống hiện đang co người trên ghế, rà kiếng trên những trang tin về giới thượng lưu của tờ Newark News cũ xì vàng ố. Tới Dãy Ba tôi thấy cậu bé. Cậu ngồi bệt dưới sàn giữ một cuốn sách rộng mở trên lòng, một cuốn sách, thực tình, còn bự hơn lòng cậu và cậu phải dùng hai đầu gối chõi nó lên. Với ánh sáng từ cửa sổ phía sau cậu tôi có thể thấy hằng trăm khoảng trống chen giữa hằng trăm những sợi tóc loăn xoăn lò xo của cậu. Cậu rất đen và bóng và đôi môi của cậu không có vẻ mang một màu khác mà nó trông như chưa hoàn tất và còn chờ tu sửa thêm. Đôi môi ấy hở ra, đôi mắt mở rộng, và ngay cả đôi tai coi bộ cũng có độ tiếp nhận cao. Cậu trông cực kỳ khoái chí – tức là, cho đến khi nhìn thấy tôi. Vì cậu cứ ngỡ tôi là John McKee.

"Được rồi," tôi nói trước khi cậu kịp cử động, "tôi chỉ đi ngang qua đây thôi. Cứ đọc đi."

"Có gì đâu mà đọc. Toàn là hình."

"Tốt." Tôi xem xét loanh quanh những tầng kệ thấp nhất trong một lát, giả như đang làm việc.

"Này, ông ơi," lát sau cậu ta kêu, "cái này ở đâu?"

"Cái gì ở đâu?"

"Những hình này ở đâu? Những người này, trời, coi họ lì thiệt. Họ không kêu la gì hết trơn, ông coi nè."

Cậu giơ cuốn sách cho tôi xem. Đó là một cuốn sách khổ lớn đắt tiền in lại tranh Gauguin. Trang cậu đang xem có in màu một bức tranh vẽ ba phụ nữ bản xứ đứng lộâi tới gối trong một dòng nước màu hoa hồng. Đó vốn là một bức tranh im lặng, cậu ta nói đúng.

"Đó là Tahiti. Một hòn đảo ở Thái Bình Dương."

"Không phải chỗ mình tới được, đúng không? Giống một điểm du lịch hả?"

"Tới được chứ, tôi nghĩ thế. Nó xa lắm. Người ta sống ở đó..."

"Nè, coi nè, coi cái này nè." Cậu lật ngược tới một trang có một thiếu nữ da nâu đang khom người tới trước, như đang hong tóc. "Trời," cậu ta nói, "Thật là một cuộc đời chó đẻ." Nỗi hào hứng trong lối ăn nói của cậu hẳn sẽ khiến cậu bị cấm cửa vĩnh viễn đối với Thư viện công cộng Newark và các chi nhánh của nó nếu như John hoặc ông Scapello – hoặc, xin Chúa thương, bà Winney nằm nhà thương – là người đi kiểm tra.

"Ai chụp những hình này vậy?" cậu hỏi tôi.

"Gauguin. Ông ta không có chụp, mà vẽ đấy. Paul Gauguin. Ông ta người Pháp."

"Ông ấy da trắng hay da màu?"

"Ông ấy da trắng."

"Trời trời," cậu mỉm cười, gần như khúc khích thành tiếng, "Tôi hiểu rồi. Ông ta không chụp hình như người da trắng thường làm. Ông ta chụp hình giỏi đấy... Coi cà, coi cà, coi hình này nè. Cuộc đời vầy không chó đẻ quá sao?"

Tôi đồng ý nó là thế và bỏ đi.

Lát sau tôi nhờ Jimmy Boylen phóng xuống thang để cho McKee hay rằng mọi chuyện đều ổn. Rồi hết ngày đó cũng chẳng có chuyện gì. Tôi ngồi ở Bàn hướng dẫn nghĩ về Brenda và tự nhắc mình rằng tối hôm đó tôi phải đổ xăng trước khi đi Short Hills, nơi mà bây giờ tôi thấy rõ, bằng con mắt trí nhớ, đang lúc hoàng hôn, đỏ quạch màu hoa hồng, như một dòng nước của Gauguin.

* * *

Khi tôi đậu xe trước nhà Patimkin tối hôm đó, mọi người, ngoại trừ Julie, đang đợi tôi ở hàng hiên: ông bà chủ nhà, Ron, và Brenda, mặc một cái váy dài. Trước đây tôi chưa từng thấy nàng mặc váy dài và trong thoáng chốc nàng trông không giống cô gái tôi quen nữa. Nhưng đó mới chỉ là một nửa nỗi ngạc nhiên. Có quá nhiều sinh viên nữ té ra có giò cẳng chỉ để mặc soóc. Brenda thì không. Trong chiếc váy, trông nàng cứ như cả đời chỉ ăn mặc như thế, như thể nàng chưa từng mặc soóc, hay đồ tắm, hay áo ngủ, hay bất cứ gì khác ngoài cái váy vải gai màu nhạt ấy. Tôi bước đi hơi hăng hái ngược lên vuông cỏ, qua chỗ cây liễu già rũ nhánh, về phía nhà Patimkin đang đứng chờø mà lòng cứ áy náy phải chi mình đã đem xe đi rửa. Tôi chưa đến được chỗ họ thì Ron đã bước xuống và bắt tay tôi, nồng nhiệt, cứ như anh ta không được gặp tôi kể từ thời Diaspora.(#1) Bà Patimkin mỉm cười còn ông Patimkin ậm ừ điều gì đó và cứ giật giật cổ tay, rồi giơ lên một cây gậy đánh golf tưởng tượng và quất bóng ma của một trái banh golf bay về phía dãy núi Orange, tôi tin rằng nó được gọi là Orange (màu cam) vì trong ánh sáng ngoại ô rất hay thay đổi này thì đó là màu duy nhất mà dãy núi đó không có.

"Nhà em sẽ về liền," Brenda nói với tôi. "Anh coi chừng Julie. Carlota hôm nay nghỉ."

"Được mà," tôi nói.

"Nhà em đưa Ron ra phi trường."

"Được."

"Julie không muốn đi. Nó nói chiều nay Ron đẩy nó trong hồ tắm. Nhà em đã chờ anh đến, để khỏi trễ chuyến bay của Ron. Được chứ?"

"Được." Ông bà Patimkin và Ron đã cho xe chạy ra, và tôi cho Brenda một cái nhìn tỏ ý bực bội. Nàng thò tay ra cầm lấy tay tôi một lúc.

"Em thích em cỡ nào?" nàng nói.

"Được chăm sóc em thì quá tuyệt. Anh có được dùng mọi thứ sữa và bánh tùy ý không?"

"Đừng bực, cưng. Nhà em sẽ về liền mà." Rồi nàng đợi một lát, và khi thấy tôi không xẹp được cái chu mỏ bực bội, nàng cũng cho tôi một cái nhìn tóe lửa luôn, chẳng úp mở gì cả. "Em muốn nói anh thích em cỡ nào trong cái váy này!" Rồi nàng chạy về phía chiếc Chrysler, lóc cóc trên đôi gót cao như một con ngựa non.

Sau khi bước vào nhà, tôi sập khung cửa lưới cái rầm sau lưng mình.

"Đóng cửa ngoài lại luôn," một giọng trẻ con la lên. "Có máy lạnh mà."

Tôi vâng lời đóng luôn cửa ngoài.

"Neil hả?" Julie kêu.

"Ờ."

"Chào anh. Chơi bóng rổ nghe?"

"Thôi."

"Sao vậy?"

Tôi không đáp.

"Em ở phòng tivi nè," cô bé kêu lên.

"Tốt."

"Anh được giao ở nhà với em hả?"

"Ờ."

Cô bé bất ngờ xuất hiện ở ngõ phòng ăn. "Muốn đọc bài tóm lược sách của em không?"

"Bây giờ thì không."

"Thế anh muốn làm gì?" nó hỏi.

"Chẳng gì cả, bé ạ. Sao em không coi tivi đi?"

"Được rồi," nó nói với vẻ bực bội, và dằn dỗi đi trở lại phòng tivi.

Tôi đứng một lát trong tiền sảnh, quay quắt với ý muốn lặng lẽ ra khỏi căn nhà, chui vào xe, và trở về Newark, nơi tôi có lẽ chỉ ngồi trong lối ngõ công viên và nhai kẹo một mình. Tôi cảm thấy giống Carlota; không, thậm chí cũng không được thoải mái như thế. Sau cùng tôi rời tiền sảnh và bắt đầu đi vô đi ra khắp các phòng ở tầng trệt. Cạnh phòng khách là một phòng nghiên cứu, một căn phòng lót ván thông thô đầy những ghế vuông bọc da và toàn tập bộ Information Please Almanacs. Trên tường có ba bức vẽ theo ảnh chụp; đó là loại tranh, bất kể đề tài là ai, dù họ khoẻ mạnh hay ốm yếu, già hay trẻ, thì đều có đặc trưng là má phính, môi mọng, răng trắng tinh, và mái tóc sáng bóng, như kim loại. Đề tài trong trường hợp này là Ron, Brenda và Julie vào khoảng mười bốn, mười ba và hai tuổi. Brenda có mái tóc nâu dài, cái mũi có khối kim cương, và không đeo kính; tất cả kết hợp lại để làm nàng trông cứ như một cô gái hoàng tộc mười ba tuổi vừa mới biết buồn. Ron trông mập hơn và đường chân tóc thấp hơn, nhưng lòng yêu mến các vật thể hình cầu và những sân chơi có đường biên đã nhấp nháy trong đôi mắt trẻ thơ của cậu ấy. Cô bé Julie biến mất tiu trong quan niệm quá lý tưởng về tuổi thơ của người vẽ; chút xíu chất người của cô bé bị bóp chết ngạt đâu đó đàng sau những mảng màu hồng và trắng.

Quanh đó còn có những bức ảnh khác, nhỏ hơn, chụp bằng máy Brownie Reflex trước khi trò vẽ theo ảnh chụp trở thành thời thượng. Có một bức nhỏ chụp Brenda trên lưng ngựa, một bức khác chụp Ron trong bộ đồ ngày lễ thêm sức của trẻ con Do Thái, với khăn quấn đầu và áo chùng, và hai ảnh trong cùng một khung – gồm một ảnh phụ nữ xinh đẹp, đã phai màu, mà nhìn đôi mắt tôi đoán chắc là mẹ bà Patimkin, và ảnh kia chính là bà Patimkin, mái tóc có quầng sáng, đôi mắt vui vẻ chứ không như đôi mắt hiện nay của một bà mẹ đứng tuổi chậm chạp có đứa con gái nhanh nhẹn và dễ thương.

Tôi đi qua một cửa vòm để vào phòng ăn và đứng một lát nhìn ra cái cây dụng cụ thể thao. Từ phòng tivi sát cạnh phòng ăn, tôi nghe thấy Julie đang xem chương trình This Is Your Life. Căn bếp ở mé kia phòng ăn chẳng có ai, và rõ ràng, khi Carlota vắng mặt, nhà Patimkin đã ăn tối ở câu lạc bộ. Phòng ngủ của ông bà Patimkin ở giữa toà nhà, kế tiền sảnh, cạnh phòng ngủ của Julie, và trong thoáng chốc tôi muốn biết hai ông bà bự con ấy ngủ trên cái giường cỡ nào – tôi tưởng tượng nó rộng và sâu như cái hồ bơi – nhưng tôi phải hủy cuộc tuần tra vì Julie có nhà, và thay vào đó tôi mở cánh cửa trong bếp dẫn xuống tầng hầm.

Tầng hầm có kiểu mát mẻ khác hẳn ngôi nhà, và nó có một mùi, thứ mùi gì đó bên trên không hề có. Dưới đây có vẻ như hang hốc, nhưng hang hốc một cách dễ chịu, tựa như những cái hang nhà chòi mà trẻ con dựng cho chúng trong những ngày mưa, trong phòng xép, chui trong chăn, hoặc dưới gầm bàn ăn. Tôi bật ngọn đèn dưới chân thang và không ngạc nhiên trước lớp vách ván thông, những đồ đạc bằng tre, bàn bóng bàn và một quầy rượu gắn gương chất đủ cỡ đủ loại ly, xô đá, chai chắt rượu, bình pha rượu, que quấy rượu, ly đong rượu, tô đựng bánh qui – đủ các thứ phụ tùng nhậu nhẹt, tràn ngập, ngăn nắp, và không ai đụng đến, như chỉ có thể thấy ở quầy rượu của một kẻ nhà giàu chẳng bao giờ chiêu đãi dân nhậu mà chính y cũng không uống rượu, kẻ mà trong thực tế lãnh một cái nhìn nghi ngờ của bà vợ khi vài tháng một lần y làm một ngụm rượu mùi trước bữa ăn. Tôi đi vào sau quầy trong đó có một cái bồn rửa bằng nhôm mà nó chưa từng được nhận cái ly bẩn nào, tôi chắc chắn thế, kể từ ngày làm lễ thêm sức cho Ron, và có lẽ sẽ không nhận được cái ly nào nữa cho đến ngày mấy đứa con nhà Patimkin kết hôn hoặc đính hôn. Có thể tôi đã tự rót cho mình một ly – coi như một thứ thù lao quái qủy cho việc bị buộc phải làm thân giữ nhà – nhưng tôi không khoái việc gỡ niêm trên một chai whisky. Bạn phải gỡ niêm mới có được một cốc rượu. Trên kệ sau quầy có cỡ hai tá – chính xác là hai mươi ba- chai Jack Daniels, mỗi chai có một tờ bướm cột ở cổ chai cho người làm chủ chai rượu biết họ sang trọng cỡ nào khi uống thứ rượu này. Và phía trên mớ Jack Daniels lại có mấy bức ảnh nữa: một bản photo phóng to bức hình trên báo chụp Ron đang chặn một trái bóng rổ như một trái nho; dưới bức hình có chú thích, "Trung phong, Ronald Patimkin, Trung học Millburn, 6 ft. 4 inch, 217 cân Anh." Lại có một bức khác chụp Brenda trên lưng ngựa, và kế đó có một tấm ván bọc nhung có đính nhiều băng vải và huy chương: Triển lãm ngựa Hạt Essex 1949, Triển lãm ngựa Hạt Union 1950, Hội chợ Garden State 1952, Triển lãm ngựa Morristown 1953, đại loại như thế – tất cả là cho Brenda, vì đã nhảy, chạy hoặc phóng ngựa hoặc bất cứ trò gì các cô vẫn làm để đoạt được các loại băng vải. Trong cả cái nhà này tôi chẳng thấy bức ảnh nào của ông Patimkin.

Phần còn lại của căn hầm, đàng sau căn phòng lót ván thông, là vách tường xi măng và nền trải vải bạt và chứa rất nhiều dụng cụ điện, trong đó có cả một tủ ướp lạnh to tướng đủ chứa cả một gia đình Eskimo. Cạnh cái tủ đó là một tủ lạnh cao đã cũ; sự có mặt lâu đời của nó nhắc tôi nhớ đến cội rễ của nhà Patimkin ở Newark. Chính cái tủ lạnh này đã từng đứng trong bếp của một căn hộ trong một ngôi nhà dành cho bốn gia đình nào đó, có lẽ ngay trong khu tôi đã sống cả đời mình, đầu tiên là với bố mẹ tôi và rồi, khi hai người đó biến đi Arizona, thì tôi sống với chú dì của tôi. Sau vụ Trân Châu Cảng, cái tủ lạnh đã chuyển tới Short Hills; sản phẩm Bồn Rửa và Bồn Tắm Patimkin đã tham gia chiến tranh; không dãy nhà trú quân mới nào là hoàn tất trước khi có được một tiểu đội bồn tắm Patimkin xếp ngay ngắn trong khu vệ sinh của nó.

Tôi mở cánh cửa của cái tủ lạnh cũ; nó không trống rỗng. Nó không còn chứa bơ, trứng, cá trích với sốt kem, bia, rau trộn cá hồi, một bó hoa nhỏ nhân dịp nào đó nữa, nhưng nó chất cả đống trái cây, tầng nào cũng đầy ứ, đủ màu, đủ vẻ, và giấu bên trong là đủ loại hột. Có mận lục, mận đen, mận đỏ, mơ, xuân đào, đào, những chùm nho dài, đen, vàng , đỏ và anh đào, anh đào tràn từ hộp ra và vấy bẩn mọi thứ với màu tía của nó. Lại còn có dưa nữa – dưa đỏ và dưa bở – và ở tầng trên cùng là nửa trái dưa hấu to đùng, một tờ giấy sáp mỏng dán sát vào bề mặt đỏ lự của nó như một cặp môi ướt. Ôi Patimkin! Trái cây mọc trong tủ lạnh nhà họ và dụng cụ thể thao rụng từ trên cây xuống!

Tôi bốc một nắm anh đào rồi thêm một quả xuân đào, và cắn một phát vào tới tận hột.

"Anh phải rửa trước nếu không là bị tiêu chảy đó."

Julie đang đứng sau lưng tôi trong căn phòng vách ván. Nó mặc quần bò Bermuda và áo thun trắng của nó, bộ này không giống bộ của Brenda chỉ vì trong đó nó có chút tiểu sử ăn kiêng của riêng nó.

"Cái gì?" tôi hỏi.

"Mớ này chưa rửa," Julie nói, và với một kiểu như muốn đặt cái tủ lạnh vào khu vực cấm lai vãng, có điều là chỉ với tôi thôi.

"Cũng được thôi." Tôi nói, và ăn hết trái xuân đào, bỏ hột vào túi và bước ra khỏi phòng để tủ lạnh, tất cả chỉ trong một giây. Tôi vẫn chưa biết phải làm gì với mớ anh đào. "Anh chỉ đi xem quanh quẩn thôi," tôi nói.

Julie không đáp.

"Ron đi đâu vậy?" tôi hỏi, bỏ mớ anh đào vào túi, chung với mớ chìa khóa và tiền lẻ.

"Miwaukee."

"Đi bao lâu?"

"Đi thăm Harriet. Hai người yêu nhau."

Chúng tôi nhìn nhau lâu hơn mức tôi có thể chịu đựng. "Harriet hả?" tôi hỏi.

"Ừ."

Julie nhìn tôi cứ như nó đang cố nhìn ra sau lưng tôi, và tôi nhận ra tôi đang đứng cắp tay sau đít. Tôi bèn đưa hai tay ra trước, và, tôi thề đó, nó đã dòm lom lom xem hai tay tôi có cầm gì không.

Chúng tôi lại đối mặt nhau; nó hình như có nét đe dọa trên khuôn mặt.

Rồi nó nói. "Muốn chơi bóng bàn không?"

"Ồ, muốn chứ," tôi nói và phóng hai bước dài tới bàn bóng. "Em giao banh đi."

Julie mỉm cười và chúng tôi bắt đầu chơi.

Tôi không có gì để bào chữa cho chuyện xảy ra kế đó. Tôi bắt đầu thắng và khoái tợn.

"Cho em đánh lại cú này nghe?" Julie nói. "Hôm qua em bị đau ngón tay rồi khi giao banh nó đau lại."

"Không được."

Tôi tiếp tục thắng.

"Vậy là không công bằng, Neil. Dây giày em tuột ra rồi. Cho em đánh lại..."

"Không."

Chúng tôi chơi, còn tôi chơi một cách hung hãn.

"Neil, anh tựa vào bàn. Vậy là phạm luật..."

"Anh không tựa và nó không phạm luật."

Tôi cảm thấy mớ anh đào nhảy tưng tưng bên những đồng xu đồng hào của tôi.

"Neil, anh ăn gian em một điểm. Anh mười chín còn em mười một..."

"Hai mươi - mười," tôi nói. "Giao đi!"

Nó giao banh và tôi quật banh trở lại bay quá chỗ con bé – trái banh bay khỏi bàn và vụt vào phòng tủ lạnh.

"Anh ăn gian!" nó gào vào mặt tôi. "Anh ăn gian!" Quai hàm nó run run cứ như nó đang đội một vật nặng trên cái đầu xinh xắn. "Em ghét anh!" Và nó ném vụt cái vợt đi, cây vợt đụng quầy rượu rơi xuống ngay lúc, ở bên ngoài, tôi nghe tiếng chiếc Chrysler cán sỏi lạo xạo trên lối xe chạy.

"Chưa hết ván mà," tôi nói với nó.

"Anh ăn gian! Mà anh còn ăn cắp trái cây nữa!" nó nói, và bỏ chạy đi trước khi tôi kịp thắng ván đấu.

* * *

Khuya đó, Brenda với tôi làm tình, lần đầu tiên. Chúng tôi đang ngồi trên trường kỷ trong phòng tivi và chẳng nói với nhau lời nào trong khoảng mười phút. Julie đã đi ngủ một giấc đầy nước mắt từ lâu, và tuy chẳng ai nói gì với tôi về việc nó khóc lóc, tôi cũng không biết nó có mách chuyện tôi bốc một nắm anh đào không, mà cái mớ đó hồi nãy tôi đã cho vào bồn cầu và giật nước cho trôi sạch.

Cái tivi vẫn mở và tuy âm thanh đã bị bật câm và căn nhà yên lặng, những hình ảnh xám vẫn nhảy múa ở tuốt cuối phòng. Brenda im lặng và cái váy của nàng phủ quanh cặp giò xếp kín bên dưới. Chúng tôi ngồi im re ở đó một hồi. Rồi nàng vào bếp và khi trở ra nàng bảo nghe chừng cả nhà đã ngủ hết rồi. Chúng tôi ngồi tiếp một lát nữa, xem những nhân vật vô thanh trên màn hình đang dùng một bữa tối câm lặng trong một nhà hàng câm lặng của ai đó. Khi tôi bắt đầu cởi nút chiếc váy nàng đã kháng cự, và tôi thích nghĩ rằng đó là do nàng biết mình mặc chiếc váy ấy thì trông dễ thương đến cỡ nào. Nhưng Brenda của tôi, dù gì trông cũng dễ thương như thường, và hai đứa xếp nó lại cẩn thận và ôm nhau quấn quít và rồi chúng tôi như thế, Brenda ngả xuống, chậm rãi nhưng với một nụ cười, còn tôi chồm lên.

Làm sao tôi diễn tả được việc yêu Brenda? Nó thật ngọt ngào, cứ như sau cùng tôi đã ghi được điểm thứ hăm mốt đó.

Khi về tới nhà tôi quay số Brenda, nhưng bà dì tôi đã kịp nghe thấy và ra khỏi giường.

"Giờ này mà mày kêu ai vậy? Bác sĩ hả?"

"Không."

"Vậy gọi điện gì lúc một giờ khuya vậy?"

"Shhh!" tôi nói.

"Nó shhh với tôi kìa. Gọi điện lúc một giờ khuya, hóa đơn điện thoại chưa đủ nặng chắc," rồi bà lại loẹt quẹt vào giường, ở đó với tấm lòng tử vì đạo và đôi mắt nhoè nhoẹt bà đã chống lại cơn buồn ngủ ập xuống cho đến khi nghe tiếng chìa khóa của tôi ở cửa.

Brenda trả lời điện thoại.

"Neil hả?"

"Ừ," tôi thì thào. "Em không ra khỏi giường, phải không?"

"Không," nàng nói, "điện thoại ngay cạnh giường."

"Tốt. Ngủ được không?"

"Ngon. Anh lên giường chưa?"

"Rồi," tôi nói xạo, và cố sửa chữa bằng cách cầm dây kéo điện thoại lại gần phòng ngủ của tôi đến hết mức có thể.

"Em cũng ở trên giường với anh," nàng nói.

"Đúng," tôi nói, "anh cũng ở bên em."

"Em đã kéo rèm xuống, nên tối hù và em không nhìn thấy anh."

"Anh cũng không nhìn thấy em."

"Vậy là tuyệt quá, Neil."

"Ừ. Ngủ đi, cưng, anh ở đây đây." Và chúng tôi gác máy mà không nói tạm biệt. Đến sáng, theo kế hoạch, tôi gọi lại, nhưng tôi khó mà nghe được tiếng của Brenda hay chính tôi, vì dì Gladys với chú Max định dự một buổi dã ngoại của Hội Workmen's Circle vào chiều hôm đó, và có chuyện om sòm gì đó về mớ nước nho từ một cái bình trong tủ lạnh đã chảy suốt đêm và đến sáng thì nó đã rỉ xuống tới sàn. Brenda vẫn còn trên giường và do đó có thể ít nhiều chơi được trò chơi của chúng tôi, còn tôi phải kéo rèm che kín mọi giác quan để tưởng tượng tôi đang ở bên nàng. Tôi chỉ còn nước cầu mong những tối những sáng của tụi tôi sẽ đến, và chúng đã đến ngay.

Chú thích:

(1-) Diaspora: cuộc phân tán dân Do Thái sau thời kỳ lưu đày ở Babylone, theo Cựu Ước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.