Chỉ Thắm Tơ Đào

Chương 11: Giận dỗi




1.

Chuyện bất ngờ là Thẩm Tề về nhà cũng không tìm tôi dò hỏi chuyện hồi trưa.

Thế thì thôi, bỏ đi.

Thời gian cứ như vậy trôi qua.

Thẩm Tề thường đòi tôi đi đưa đồ ăn cho chàng, tới ngày nghỉ thì cùng tôi đọc sách và tán gẫu. Ngoại trừ chuyện chàng càng ngày càng bạo dạn ra, những chuyện khác vẫn như bình thường.

Chẳng bao lâu sau, Thánh thượng gọi chàng về triều, còn thăng cho chàng một trật. Bây giờ chàng là Tu soạn của Hàn lâm viện, giống với Vương Dương Châu – người tôi đã gặp lần trước. Chàng lại giống như trước đây, công việc không quá bận, trước bữa tối sẽ quay về dùng bữa với chúng tôi.

Gần đây tôi thật sự cũng không rảnh để nói chuyện nhiều với chàng. Bởi vì cha mẹ tôi đã tìm được thầy dạy võ cho tôi rồi. Về chuyện tôi đi xa, mẹ tôi khuyên cha tôi mãi, tôi cũng nghiêm túc nói chuyện một lần thì ông mới chịu đồng ý.

Thầy dạy võ họ Vũ, trước kia là người áp tải hàng nổi tiếng ở kinh thành. Những chuyến hàng được thầy hộ tống chưa từng xảy ra sai sót gì. Sau này mẹ thầy bị bệnh nên thầy tìm việc dạy võ cho người ta chứ không vào nam ra bắc nữa.

Mặc dù kinh thành có nhiều cao thủ, tướng quân nhưng lại không dễ mời được họ dạy võ cho. Phần lớn là nhờ có quan hệ nhiều đời hoặc có lệnh của thiên tử thì họ mới chịu dạy. Làm gì có ai vừa ý gia đình chỉ có tiền như nhà tôi đâu. Hơn nữa, những vị tướng quân này toàn dạy mấy loại võ công tuyệt học, phải ba bốn năm mới học được. Loại nước tới chân mới nhảy như tôi thì tìm thầy dạy võ bình thường, học vài chiêu thức tự vệ là hợp nhất.

Thầy Vũ dạy học trò khá đông nên không nhận kèm riêng. Nghe nói có vị đại thần nào dùng tiền để khiến những người muốn mời thầy dạy võ thấy e mà lui. Thế là lúc dạy con trai vị đại thần này thầy Vũ thường dạy mấy chiêu tốn công mà vô ích, lúc tự luyện tập thì dễ bị thương. Mà thầy Vũ nói thân thể mỗi người một khác nên phải dạy khác nhau, hơn nữa sư phụ dắt vào cửa còn tu hành là do bản thân. Vị đại thần này sợ mất thể diện nên không làm rộn nữa, sau này cũng không ai dùng thủ đoạn như thế.

Tuy vậy sau này thầy Vũ lại mở lớp nhỏ chuyên dạy cho con em đại thần phú thương, một lớp thường có bốn người. Như vậy coi như nể mặt vị đại thần kia.

Hôm nay tôi buộc tóc, cầm quần áo tới võ đường.

Tới võ đường thì biết có hai nam một nữ cùng học với tôi nữa. Một trong hai bạn học nam lại là Chu Nguyên Tư. Cậu ta vậy mà cũng tới học mấy cái này.

Lúc thầy Vũ chưa tới, tôi hỏi cậu ta:

- Chu Nguyên Tư, sao cậu lại ở đây?

Trông thấy tôi, cậu ta cũng ngạc nhiên lắm:

- Bây giờ tôi nghĩ biết chút võ công cũng tốt. Nhà tôi bảo có thể tìm thầy Vũ để học cấp tốc.

Thấy tôi gật đầu, cậu ta hỏi:

- Cậu thì sao? Sao lại học cái này?

- Giống cậu thôi, tôi cũng muốn học chút võ công.

Sau đó bốn người chúng tôi tự giới thiệu với nhau.

Cô gái kia trên Thẩm Mặc, cậu trai kia tên Lý Giang Phong.

Mấy người đang nói chuyện thì thầy Vũ tới.

Thầy Vũ bảo tôi với làm thành một tổ với bạn học nữ. Chuyện này tôi cũng đoán được. Tuy rằng không quá nghiêm khắc đối với chuyện “nam nữ không được gần nhau” nhưng lúc học võ khó tránh được sẽ tiếp xúc thân thể. Đúng là cùng giới tính làm thành một tổ sẽ thích hợp hơn.

Mấy ngày hôm nay thầy chỉ dạy một vài kiến thức cơ bản nên chưa tách nhóm ra để học.

Vì thế mọi người cùng nhau đứng tấn.

Thẩm Mặc là người điềm tĩnh, kiệm lời. Lúc thầy Vũ tới dạy bọn tôi thì cô chỉ im lặng vung tay múa chân làm theo. Sau khi thầy Vũ đi rồi, lúc chúng tôi tự luyện tập mới thấy cô ra chiêu lưu loát và dứt khoát lắm, hẳn đã từng theo người lớn trong nhà học võ rồi.

Cô rất nhiệt tình dạy cho tôi làm thế nào để ra chiêu thật đúng, thế nhưng lại không muốn nói chuyện nhiều với hai bạn học nam kia.

Cô nói:

- Tôi thích con gái hơn.

Có điều vì Chu Nguyên Tư quen biết với tôi, Lý Giang Phong lại thích náo nhiệt, không thích ở một mình nên bốn người chúng tôi thường xuyên luyện tập, dùng cơm chung với nhau.

Nhưng quan hệ giữa chúng tôi chỉ giới hạn trong lớp học. Ngoại trừ trao đổi mấy chuyện luyện tập ra thì rất ít khi đề cập tới những chuyện khác. Vì thế tôi chỉ biết sơ sơ như bọn họ ở đâu, là con cái nhà ai thôi. Vừa tan học chúng tôi sẽ vội vàng về nhà nghỉ ngơi.

Mỗi ngày về nhà tôi đều thấy lưng đau eo mỏi, ngay cả ăn cơm cũng chỉ muốn có người bón cho. Thẩm Tề lại rất muốn bón cho tôi, có điều nghe cha mẹ tôi rầy là “không ra thể thống gì” nên đành thôi.

Mấy ngày gần đây tôi càng lười nói chuyện với Thẩm Tề. Bởi vì tôi thật sự rất mệt. Mỗi lần tắm rửa xong leo lên giường là tôi ngủ luôn. Thẩm Tề cũng rất hiểu chuyện, không làm phiền tôi.

2.

Một ngày nọ sau khi tan học, tôi với ba người bạn học khác cùng đi ra khỏi võ đường. Nào ngờ tới bên cạnh xe ngựa lại trông thấy Thẩm Tề.

Thấy tôi đi tới, chàng ngẩng đầu mỉm cười với tôi.

Thấy Chu Nguyên Tư đứng cạnh tôi, chàng có vẻ hơi kinh ngạc nhưng sau đó nhanh chóng bình thường trở lại.

Sau khi tạm biệt ba bạn học, tôi với Thẩm Tề cùng lên xe ngựa.

Chàng đưa khăn và nước cho tôi, nhận bình nước tôi uống xong lại nhón điểm tâm bón cho tôi.

Mấy ngày rồi chẳng nói gì với chàng nên tôi tán gẫu với chàng mấy chuyện gần đây.

Thẩm Tề hỏi:

- Chu Nguyên Tư cũng học võ với em hả?

- Vâng, chẳng biết sao lại nghĩ vậy. Trước kia cậu ta cứ lải nhải học văn mới là cao quý nhất. Bây giờ chẳng hiểu sao lại đổi ý.

Thẩm Tề lại im lặng, thoạt nhìn nét mặt chẳng ấm áp như vừa rồi.

  

Có điều chỉ chốc lát sau, thấy vẻ mặt chàng bình thường như mọi khi tôi mới tiếp tục nói chuyện với chàng.

Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã về đến nhà.

Cũng như mọi ngày, cơm nước xong, tôi ngồi trong sân đọc truyện, Thẩm Tề ngồi bên cạnh tôi đọc sách.

Bây giờ đã là giữa hè, ban đêm trời càng lúc càng oi, cơm nước xong ra ngoài sân hóng gió thấy thoải mái hẳn.

Thấy đã đến giờ, Tuyết Yên nhắc tôi đi tắm.

Tôi đứng dậy thì Thẩm Tề cũng về phòng luôn.

Sau khi tôi tắm gội xong thấy Thẩm Tề đang ngồi trên giường chờ tôi.

Sao thế nhỉ, tôi bỗng dưng thấy hơi căng thẳng.

Tôi vừa bước đến trước mặt thì chàng lập tức kéo tôi tới ngồi trên chân chàng.

Chàng chăm chú nhìn tôi, tay ghì chặt lấy eo tôi.

  

Tôi cảm giác hơi nóng từ dưới dần dần kéo lên mặt.

- Sao thế?

- Không có gì, chỉ là cảm thấy lâu rồi tôi không ngắm em.

Hoá ra là vì thế, cảm thấy bị hắt hủi hả, cũng dễ hiểu.

- Xin lỗi chàng, gần đây ta luyện võ mệt quá, lơ là với chàng rồi.

Thẩm Tề không đáp lời.

Tôi ngẫm nghĩ, lại nói:

- Hay như vầy, sau này chàng làm việc nghiêm túc hơn, tan làm sớm rồi tới đón ta, được không?

- Thật chứ?

Cuối cùng cũng chịu nói chuyện rồi.

- Thật mà. Ngày nào cũng đến đón ta, được không?

Chàng nhếch môi cười lên, đồng ý.

- Được rồi, đã hẹn là…

Tôi vừa nói vừa định đứng lên khỏi chân chàng.

Chàng không chịu thả, còn kéo tôi trở lại. Tôi mất đà, ngồi phịch xuống.

Chàng rên lên một tiếng.



Hình như vừa rồi ngồi trúng chỗ gì kỳ kỳ lắm.

Tôi giãy giụa toan đứng lên lại bị chàng giữ chặt.

- Đừng cử động.

Ánh mắt chàng càng lúc càng nguy hiểm.

Tôi vòng tay ôm người mình lại, nói:

- Không được… hôm nay ta mệt lắm.

- Tôi biết, em yên tâm.

Đoạn, chàng bắt đầu tấn công dồn dập.

Chàng hôn tôi, nụ hôn hơi mạnh bạo chứ chẳng dịu dàng như trước.

Dần dần, chàng không thỏa mãn dừng lại ở đây mà bắt đầu tấn công khắp nơi.

Mắt.

Mũi.

Tai.

Cổ.

Rồi xuống nữa…

Tôi thấy những đám mây xa xa cuối trời, mưa dồn dập trút xuống.

Trong lúc mơ màng, tôi bỗng thấy hiếu kỳ.

Chàng biết đánh đàn ư?

3.

Mấy ngày sau, cuộc sống bình lặng hơn nhiều. Mỗi ngày Thẩm Tề đều ở trước cửa võ đường chờ tôi tan học.

Tôi có thể cảm giác được chàng có vẻ để ý Chu Nguyên Tư.

Có điều chàng không biết chuyện ngày xưa của tôi và Chu Nguyên Tư. Nếu tôi chỉ lớn lên cùng Chu Nguyên Tư thì mọi chuyện đơn giản hơn rồi.

Bởi vậy gần đây tôi suy nghĩ xem có nên nói với chàng chuyện này không.

Đột nhiên nói chuyện này thì hơi kỳ, mà không nói… lòng nảy sinh nghi ngờ thì sau này dễ xa cách.

4.

Thẩm Tề thật sự không biết quan hệ ngày xưa của hai người. Chỉ là chàng không biết trong lòng Vạn Y thì ai quan trọng hơn. Suy cho cùng, chàng quen biết Vạn Y quá muộn, chung sống với nhau cũng chẳng bao lâu, không thể so được với tình nghĩa cùng nhau lớn lên, Vạn Y coi trọng Chu Nguyên Tư hơn thì cũng bình thường.

Có điều, chàng mới là chồng của Vạn Y, mới người bầu bạn bên nàng cả đời còn gì? Huống hồ chàng đã trao trái tim cho nàng rồi, xém chút cũng trao thân cho nàng luôn.

Nhưng chàng cũng nghĩ rõ ràng, thời gian chàng với Vạn Y bên nhau còn rất dài, sẽ có ngày chàng thay thế được Chu Nguyên Tư. Vạn Y là người nghiêm túc, Chu Nguyên Tư cũng là người biết giữ phép tắc, chỉ cần chàng nỗ lực nhiều hơn, chiếm được nhiều tình cảm của Vạn Y hơn thì nhất định sẽ có ngày chàng làm cho nàng yêu mình.

Bởi thế hôm nay chàng định không kêu xe ngựa về liền mà cùng Vạn Y ăn ở ngoài rồi về nhà sau. Vậy thì hai người có thể bên nhau nhiều hơn.

Thấy còn một lúc mới tới giờ tan học, chàng bèn tới quán trà đối diện vừa uống trà vừa chờ nàng.

Chẳng bao lâu sau, có hai gã đàn ông trung niên mặc áo quần bình thường tới ngồi xuống bàn bên cạnh chàng, hẳn là họ mới làm việc xong nên đi dạo phố.

- Nghe nói gần đây Lê viên mới ra một vở kịch mới đấy.

- Hả? Là về chuyện gì thế?

- Là chuyện thanh mai trúc mã ấy.

Nghe được chữ “thanh mai trúc mã này, Thẩm Tề chú ý tới cuộc trò chuyện của hai người này.

- Chuyện là đôi thanh mai trúc mã phải lòng nhau thì chẳng bao lâu hai nhà lại là kẻ thù không đội trời chung, không lấy nhau được. Cha cô gái kén cho nàng một tấm chồng. Tuy cô gái đã lấy người khác nhưng lòng cứ rầu rĩ không vui, đau đáu nhớ vị tình lang trước kia. Chàng trúc mã biết chuyện thì đau khổ vô cùng, xin đi lính rồi được chức tướng quân. Nhưng trong một lần chiến đấu, tướng quân này bị trúng kế rồi bỏ mạng.

- Hy sinh rồi hả? Thế thì chắc cô gái kia tuyệt vọng chẳng thiết gì luôn nhỉ?

- Cũng không hẳn, cô gái hay tin dữ thì chết giấc. Sau khi tỉnh lại, nàng như buông bỏ tình xưa mà chung sống với chồng.

- Thế… thôi hả?

- Tôi đã kể xong đâu. Cô gái này có thai, sinh con xong rồi biến mất tăm!

- Bộ có chuyện gì sao?

- Cô gái này để lại một lá thư, nói là mình muốn đi theo vị tướng quân kia.

- Tiếc thật! Cứ ra đi như vậy không đáng.

- Không phải, thực ra sau khi vị tướng quân kia mất thì cô gái kia cũng hết hy vọng rồi, nàng bỏ đi là vì không muốn ở bên cạnh người mình không yêu cả đời thôi. Vì thế nàng tới một trấn nhỏ ở vùng biên ải sống một mình đấy.

- Đây đâu phải là chuyện tình yêu gì, là chuyện về cô gái này ấy chứ.

- Cũng không phải, lúc cô gái này qua đời thì bia mộ khắc là vợ của tướng quân kia cơ đấy!

- Ra vậy! Muốn được cô gái nào đó nhớ thương cả đời như vị tướng quân kia ghê… Tướng quân kia tráng niên mất sớm chứ cô gái kia là mất tình yêu. Nàng còn tưởng nhớ tướng quân cả đời. Tướng quân này cũng uổng phí sống một kiếp!

Nội dung sau đó thế nào Thẩm Tề nghe không rõ nữa.

Chàng hơi rầu, sao quan hệ của mấy nhân vật này giống chàng và Vạn Y thế…

Còn Chu Nguyên Tư lại càng giống nam chính hơn…

Chàng đang nghĩ ngợi thì võ đường tan học.

Vạn Y vừa ra, Thẩm Tề lập tức bước ra cửa.

Đứng bên cạnh nàng còn có Chu Nguyên Tư vô duyên, sao lại là hắn chứ.

Vạn Y đi tới, nghiêm túc nhìn chàng.

- Sao thế?

- Ta muốn nói với chàng một chuyện.

- Thật ra, trước kia ta với Chu Nguyên Tư đã từng đính ước với nhau. Nhưng chàng yên tâm, ta với cậu ta cũng đã chia tay từ lâu rồi, tuyệt đối không có chuyện gì hết.

Thẩm Tề chẳng nói gì.

Vạn Y nói tiếp:

- Ta chủ động nhắc tới vì muốn nói cho chàng rằng ta không có gì với cậu ta hết. Chàng không cần lo lắng ta lại có tình cảm gì với cậu ta.

Đính ước… đính ước, nàng với Chu Nguyên Tư đã từng đính ước với nhau… Trong đầu Thẩm Tề chỉ toàn hai chữ này.

Chẳng nghe được điều gì khác nữa.

Chàng chợt nhớ tới lần đầu tiên gặp mặt, Vạn Y đã hỏi mình có người trong lòng không? Mà không hỏi chàng đã từng phải lòng ai chưa?

Hoá ra… hoá ra là vì nàng đã có người trong lòng.

5.

Cuối cùng tôi với Thẩm Tề gọi xe ngựa về nhà. Chàng vẫn cứ im lặng không nói gì.

Chuyện này đả kích chàng mạnh dữ vậy hả? Tôi kể hết cho chàng nghe rồi, chắc không ảnh hưởng cuộc sống vợ chồng của tôi với chàng đâu nhỉ.

Tôi cứ tưởng chàng nghĩ rõ ràng thì sẽ ổn thôi. Ai ngờ màn giận dỗi nho nhỏ này kéo dài suốt mấy ngày liền.

Tôi thấy hơi phiền, rốt cuộc chàng khó chịu chuyện gì chứ?

Mỗi ngày tôi luyện võ đã mệt mỏi, về nhà còn phải dỗ dành chàng, sao chàng chẳng biết thông cảm chút nào hết vậy?

Vì không nhịn được nên hôm nay sau bữa tối tôi trực tiếp hỏi chàng:

- Rốt cuộc là chàng bị làm sao? Ta đã nói lui nói tới với chàng rồi mà, chuyện kia đã là quá khứ rồi, sau này cũng chẳng có ảnh hưởng gì nữa cả, chàng không cần phải lo lắng. Ta kể cho chàng để chàng chớ hiểu lầm rồi suy nghĩ nhiều thôi.

Tôi cảm giác giọng điệu của mình chẳng khác bình thường là bao.

Chàng vẫn im lặng, dùng ánh mắt nhìn người phụ tình mà nhìn tôi.

Tôi thật sự thấy phiền lắm, có chuyện gì không thể nói thẳng ra hả? Vì sao cứ phải quanh co lòng vòng, chờ người ta hỏi, chờ người ta dỗ vậy hả?

Vì thế tôi nói, giọng có vẻ mất kiên nhẫn:

- Hôm ấy thành hôn, chàng mãi lâu không quay về phòng tân hôn hẳn là vì bàn bạc chuyện triều chính với người ta nhỉ? Lúc ở chùa Pháp Hoa, chàng hoàn toàn không cầu xin gì cả, chỉ là đi cùng ta một chuyến cho ta an tâm thôi, đúng không? Mới ngày tân hôn thứ ba chàng đã đi làm rồi nhỉ? Lúc ấy cũng chẳng có chuyện quan trọng gì, chẳng qua chàng cảm thấy thành hôn là một cơ hội tốt để kết giao với nhiều người thì sao không tận dụng. Chàng cảm thấy ở bên ta hai ngày tân hôn là đủ rồi, có nghỉ thêm mấy ngày cũng chẳng có ý nghĩa, đi làm sớm thì còn được cái danh cần cù chăm chỉ nữa, đúng không?

Thấy tôi nói tới mấy chuyện này, Thẩm Tề tức khắc quay đầu nhìn tôi.

Cuối cùng chàng cũng chịu nghe tôi nói.

- Mấy cái này ta đều biết hết, nhưng ta không muốn kiếm chuyện với chàng. Bởi vì ta biết những chuyện ấy cũng không đáng trách. Hai chúng ta có tình cảm gì với nhau đâu, đương nhiên ta cũng không thể yêu cầu chàng toàn tâm toàn ý đối xử với ta được. Bây giờ cũng vậy, tuy ta dỗ dành chàng, nhưng chàng nên nhớ, ta dỗ dành chàng không phải vì ta đã làm chuyện gì đuối lý cả. Ta chưa bao giờ làm chuyện gì có lỗi với chàng. Chàng tự mình suy nghĩ lại đi.

Đoạn, tôi bỏ đi để cho chàng tự mình suy nghĩ, đừng làm mấy chuyện bực dọc, hờn dỗi nhàm chán ấy nữa.

6.

Thẩm Tề hơi hốt hoảng.

Hoá ra nàng biết hết.

Những chuyện nàng nói càng không thể nào phản bác. Bởi vì lúc ấy đúng thật là như thế. Chàng vốn tưởng rằng Vạn Y sẽ không để ý tới mấy chuyện này.

Thật ra chàng cũng không phải người giận hờn vô lý.

Lúc đầu đúng là chàng giận thật. Cứ nghĩ tới chuyện nàng từng có người trong lòng thì chàng thấy sôi máu. Chàng biết Vạn Y cũng có tình cảm với mình nhưng đó vẫn chưa phải là tình yêu.

Chàng vốn đã hơi kiêng dè Chu Nguyên Tư. Hôm ấy nghe được nội dung vở diễn thì còn thầm may mắn nàng với Chu Nguyên Tư chỉ là bạn bình thường. Nhưng khi nàng bảo hai người đã từng đính ước với nhau thì chàng không thể nào thôi suy nghĩ về nội dung vở diễn kia. Vì thế chàng mới chăm chăm để ý những chuyện vụn vặt.

Nhưng sau khi ngẫm lại cẩn thận, thấy nàng chủ động kể cho mình nghe hẳn là nàng chẳng thẹn với lương tâm, hết thảy mọi chuyện đã kết thúc rồi, chàng cũng không tức giận nữa.

Có điều được nàng nhẫn nại dỗ dành, chàng thấy vui lắm, nghĩ bụng qua chuyện này hẳn tình cảm của mình với nàng sẽ tiến thêm một bước nữa.

Nào ngờ lần này chàng đùa quá trớn rồi.

Chỉ đành dỗ dành nàng lại thôi.

Thế nhưng, chàng chưa kịp dỗ dành nàng thì đã có chuyện xảy ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.