Chặng Đường Áp Giải

Chương 33




Tết âm lịch đã gần kề rồi.

Dĩ Thành nói: “Việt Việt, Tết này, anh phải về quê thăm nhà. Em về với anh nhé, chịu không?”

Thiên Việt đang nằm trên giường lim dim ngủ, nghe thấy vậy thì tỉnh như sáo sậu luôn. Nhưng cậu vẫn trùm chăn kín mít chẳng chịu ừ hử chi.

Dĩ Thành khõ nhẹ lên nửa cái đầu đang lú ra của cậu, gọi: “Này, Việt Việt.”

Thiên Việt núp trong chăn trả lời: “Em ngủ rồi.”

Dĩ Thành ôm trọn cả người lẫn chăn vào lòng, dựng cậu dậy, thân thể Thiên Việt mềm oặt ra như không có xương sống, nằm ngã trở lại giường, Dĩ Thành lần thứ hai ôm cậu dậy, cậu lại nằm bẹp xuống. Lại ôm cậu ngồi dậy, lần này thì không còn dặt dẹo nữa, cậu lấy chăn quấn cả người mình lại thật kín kẽ, ngồi thu lu một đống. Thẫn thờ.

Dĩ Thành vén lọn tóc mái dài lượt thượt của cậu lên, để lộ ra vầng trán mịn màng: “Việt Việt, về quê với anh đi.”

Thiên Việt rúc người vào trong chăn.

Dĩ Thành biết Thiên Việt vẫn chẳng khác gì thời thơ bé, cứ thích hao tâm tổn trí vào những chuyện tủn mủn lặt vặt, như là tối nay ăn món gì, hay có cần mua thêm đĩa DVD nào không, nhìn sắc trời có vẻ âm u, vậy thì đồ trong máy giặt nên phơi trong nhà, hay cứ mang ra ngoài phơi quách cho rồi. Cậu thường hay chống cằm, chau mày, vắt óc ra mà ngẫm nghĩ, làm như những chuyện đó can hệ rất lớn đến bản chất của cuộc sống, hoặc là, can hệ đến hạnh phúc của chính cậu vậy.

Ấy thế mà, đến khi gặp phải chuyện thật sự cần cân nhắc kỹ lưỡng, thì cậu lại quanh co cố lảng sang đề tài khác, giống như một chú cá nhỏ, đụng phải tảng đá lớn dưới đáy nước, liền vòng qua bên hông tảng đá đó mà bơi đi tiếp.

Dĩ Thành kéo gần hết cái chăn ra khỏi người Thiên Việt, nói với cậu: “Việt Việt, hôm nay em đừng hòng làm đà điểu rụt đầu nữa nha. Em nghe cho rõ đây, tết-này-phải-theo-anh-về-quê.”

Thiên Việt giãy ra, đáp: “Anh Dĩ Thành, anh để cái gì ở đây thế, cấn người em rồi.” – Nói đoạn, moi từ dưới người ra một cái đĩa CD, tâng trên tay – “Chê em bừa bộn, trong khi đồ đạc của anh cũng vứt lung tung, nghĩ sao mà bỏ CD ở đây vậy.”

Dĩ Thành gọi: “Việt Việt…”

Thiên Việt làm lơ: “Ủa, cái đĩa này cũ rích rồi còn gì, hê, anh chưa có già, mà đã bắt đầu hoài cổ rồi sao.”

Dĩ Thành sốt ruột, xoay mặt Thiên Việt qua mà hôn lên.

Lâu thật lâu sau Thiên Việt mới hít thở lại bình thường được: “Khụ khụ khụ, Thị Dĩ Thành, chiêu mõm sói này anh xài miết không thấy nhàm à, có giỏi thì xuất ra chiêu mới thử xem, mà cho dù có, thì bổn công tử võ nghệ cao cường, há lại sợ anh sao!”

Thiên Việt quấn chăn lên người đứng bật dậy tạo dáng như một đại hiệp thực thụ, giậm đùng đùng trên giường nệm.

Dĩ Thành kéo cậu ngồi trở xuống, “Việt Việt,” Ngữ điệu ngập tràn sự dịu dàng cùng yêu chiều của anh khiến Thiên Việt có cảm giác mình không cách nào lẩn tránh được nữa.

“Việt Việt, anh không định dối gạt người nhà cả đời đâu. Bất kể mai sau có ra sao, thì cửa ải này rồi cũng phải bước qua thôi. Anh không thể cứ giấu giấu giếm giếm, không cho em thấy ánh mặt trời như vậy được.”

Thiên Việt chắc chơi mệt rồi, nên cậu dựa hẳn người lên vai anh, lắng nghe giọng nói ôn tồn của anh, cái anh chàng Thị Dĩ Thành này, mới nhìn thì tưởng hiền khô, vậy mà một khi đã chấp nhất chuyện gì, là bướng như trâu ấy, biết rõ là ngõ cụt mà vẫn cứ ngoan cố đâm đầu vào.

Dĩ Thành lại nói tiếp: “Đừng sợ, Việt Việt. Lần này đi chưa phải là ngả bài luôn đâu. Chẳng qua là, anh muốn cho em từ từ làm quen với nhà anh thôi. Nè, đừng có sợ mà, ha?”

Thiên Việt nói: “Tới tết người ta thường hay chưng hoa thủy tiên trong nhà đúng không? Hồi trước nhà em cũng có mua hoa, chẳng hiểu làm ăn kiểu gì, mà nó mọc cao lêu nghêu như cây tỏi ấy, có điều lại nở rất nhiều bông nha, nặng trĩu cành, tới nỗi đứng thẳng không nổi, cứ cúp đầu xuống ấy.”

Dĩ Thành trấn an: “Việt Việt, em đừng lo mà.”

Thiên Việt nói: “Ngày mai tụi mình quét dọn nhà cửa đi. Sàn nhà giao cho anh đấy, em lo phần cửa sổ. Anh làm giúp em cái đai bảo hiểm với, em đu ra ngoài cửa sổ lau cho nó sạch.”

Dĩ Thành nói: “Em đừng sợ mà.”

Thiên Việt nói: “Phải rồi, em tính đi mua một cái máy hút bụi mới, cái đang xài tự nhiên hôm qua chạy được một hồi thì bốc khói đen ngòm hà. Xong nghe ‘phụp’ một tiếng chết máy luôn rồi.”

Dĩ Thành an ủi: “Có anh đây. Không việc gì phải sợ cả.”

Thiên Việt nói: “Anh nói hết cả buổi trời rồi vẫn chưa thấy đói à? Làm cho em một tô mì đi.”

Dĩ Thành nói: “Câu đó nói sao ta, ‘Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn’, văn vẻ màu mè thiệt, nội việc nhớ ra thôi cũng mệt óc, nhưng mà được cái nói rất đúng.”

Thiên Việt nói: “Em không ăn mì gói đâu à nha, toàn mùi bột ngọt không, chủ quán ơi, cho một phần mì cà chua trứng gà đê.”

Dĩ Thành nói: “Đừng sợ, em nhé?”

Thiên Việt lúc này mới gục mặt xuống, “Dạ.”

Ăn xong bữa khuya, rốt cục hai người cũng được ngả lưng xuống giường mà nghỉ ngơi, Dĩ Thành kéo Thiên Việt vào lòng, tâm sự: “Thiên Việt, coi như em hứa với anh rồi, không được nuốt lời à nghen.”

Thiên Việt trêu: “Mới có bây lớn, mà sao cứ thích dông dài y như Đường Tăng vậy.”

Dĩ Thành nghẹn ngào mỉm cười, siết chặt vòng tay, “Với lại…”

Thiên Việt vặn mình muốn giằng ra, nói: “Gì nữa?”

Dĩ Thành đáp: “Hoa thủy tiên, anh sẽ mua. Anh sẽ giúp em chăm bón thật tốt, bảo đảm sẽ không mọc thành nhánh tỏi nữa đâu.”

Dĩ Thành vừa nằm một lát đã ngủ say, Thiên Việt lại không như thế.

Hạnh phúc xa cách tự thuở nào, phải băng qua muôn nẻo quanh co mới tìm lại được, luôn khiến người ta cảm thấy lo âu sợ sệt.

Thiên Việt nhìn đăm đăm vào màn đêm thăm thẳm, trên thực tế cậu cũng chẳng thấy rõ được gì, thế nhưng, lại tựa hồ như có muôn vàn hình ảnh hiện ra trong hư không, có dĩ vãng, có hiện thực. Lần lượt lóe lên, trong chớp mắt đã phủ trùm bóng tối đen kịt.

Bất thần, cậu quay đầu lại, chồm người tới trước mặt Dĩ Thành. Gương mặt hai người cách nhau thật gần, chỉ độ chừng một ngón tay mà thôi.

Cảm nhận được hơi thở của Dĩ Thành phả lên mặt mình. Thật an tường, nhồn nhột nữa.

Sức khỏe Dĩ Thành rất tốt, gần như bách độc bất xâm ấy, đúng vào thời kì sung mãn, tráng kiện nhất của một người đàn ông, khi anh đã ngủ say thì nhịp thở kéo dài miên man, tim đập chậm rãi. Cứ tới nửa đêm là Thiên Việt lại thò tay đến để dưới mũi anh thăm dò, rồi lại áp lên lồng ngực anh để kiểm tra, ngốc ghê, bản thân cậu cũng biết vậy, nhưng lại vẫn không cách nào ngăn được chính mình, hết lần này đến lần khác thức dậy trong đêm, rồi lặp đi lặp lại hành vi ngớ ngẩn ấy.

Đến hôm giao thừa, Dĩ Thành và Thiên Việt xách theo mấy món quà Tết cho người nhà, chuẩn bị ra khỏi cửa.

Thiên Việt khoác chiếc áo bông dáng dài màu nâu sòng, trên cổ choàng chiếc khăn màu xanh mà Dĩ Thành đan cho, chốc chốc lại thừ người ra.

Dĩ Thành cố tìm cách chọc cười cậu: “Vợ khờ vợ xấu gì thì cũng phải đưa về ra mắt bố mẹ mà. Huống chi Việt Việt nhà mình chẳng những không xấu mà còn rất thông minh nữa chứ.”

Thiên Việt không chút lưu tình giơ giò đạp thẳng lên chiếc giày da bóng lưỡng của Dĩ Thành, in lên đó một dấu giày dơ hầy, lại còn làm bộ ra vẻ phùng mang trợn má với anh.

Dĩ Thành ngó thấy cái dấu giày xám xịt nọ, mới nói, “Ha ha ha, ở góc đường mới mở một hàng đánh giày, bữa nào rảnh cùng nhau đến đó thử xem?” – Anh thấy buồn cười không thôi, nghĩ bụng, “Thiên Việt bé bỏng ơi, đừng tưởng chỉ có mình em mới biết đánh trống lảng, anh cũng biết đấy nhé.”

Bố mẹ Dĩ Thành sống chung với con trai trưởng, Dĩ Thành là em út trong nhà, trên anh còn có một anh một chị, họ đều lớn hơn anh nhiều. Bố mẹ anh cũng chẳng còn trẻ trung gì, sắp sửa lên hàng thất thập cổ lai hy rồi. Chỗ họ sống cách nhà Dĩ Thành rất xa, hai người phải ngồi trên ô tô lái hết nửa ngày trời mới tới nơi.

Hai ông bà già trông thấy con trai út về thăm thì mừng rơn. Đứa lớn đã qua nhà vợ ăn Tết rồi, con gái thế mà chịu dẫn theo chồng con về đây với ông bà, nay lại có thêm cậu con út nữa, xem như gia đình cũng được họp mặt sum vầy.

Nhìn thấy con trai dẫn theo bạn về, cặp vợ chồng già cũng rất nhiệt tình chào đón, cậu thiếu niên với vẻ điển trai thư sinh ấy, dòm sao thấy quen quá chừng. Dĩ Thành nói: “Bố mẹ, hai người vẫn chưa nhớ ra em ấy à?”

Bố anh mắt kém, nên nhìn mãi chẳng ra, nhưng ngược lại, mẹ anh vỗ tay cái đét rồi ‘à’ lên một tiếng: “Chẳng phải là con trai của giáo sư Thẩm năm nào đó sao. Tên Thiên Việt đúng không? Đã lớn thế này rồi cơ à? Lúc trước toàn lẽo đẽo theo Dĩ Thành như cái đuôi ấy.”

Chị anh cũng bước tới nói: “Nó chứ còn ai, con cũng nhớ ra rồi. Hồi nhỏ nhóc này khoái nhất là ăn cháo nấu bằng cái lò đất nhà mình nè. Bố, bố quên rồi sao? Mới không gặp có mấy năm thôi mà, vả lại, nhìn em ấy vẫn chẳng thay đổi gì hết, có chăng là đẹp trai hơn xưa thôi.”

Chị với Dĩ Thành ít có nét giống nhau, nhưng dễ thấy là chị được kế thừa vẻ đẹp ngọt ngào từ mẹ mình, đã qua khỏi cái tuổi ba mươi rồi, mà vẫn khả ái như một thiếu nữ xuân xanh, bề ngoài còn có đôi phần sáng sủa hoạt bát.

Thiên Việt ngượng ngùng, áo khoác và khăn choàng cởi ra rồi cứ cầm khư khư mãi, chẳng biết nên cất đâu.

Chị nhìn lom lom cái khăn choàng trong tay cùng chiếc áo len cậu mặc trên người. Chợt nhớ tới lần Dĩ Thành ghé tiệm của mình, lôi một đống len sợi màu xanh dương trải ra khắp bàn, tỉ mỉ lựa màu, rồi lại điều chỉnh máy dệt về chế độ có mũi khâu nhuyễn nhất, còn tưởng là tặng cô bé nào, ấy thế mà lại đan một kiểu áo nam, té ra là tặng cho nhóc này đây, cơ mà trông cũng hợp phết đấy chứ, mặc vào trông trẻ trung ưa nhìn hẳn lên.

Chị có một đứa con trai, mới lên năm, chính là cái độ tuổi ương ngạnh khó bảo nhất, quậy như giặc ấy, vừa thấy nhà có khách, là cứ đeo theo Thiên Việt suốt, chốc chốc lại ré lên ầm ĩ. Thiên Việt lục trong đống đồ chơi của thằng bé ra được một hộp đất sét, những ngón tay mảnh dẻ nặn một hồi ra đủ thứ hình thù, nào là con thỏ con chó, nào là cái bàn cái ghế, bé bé xinh xinh, nói thật thì chẳng giống lắm, đường nét cũng thô kệch, nhưng chỉ nhiêu đó thôi vẫn đủ để thằng nhỏ răm rắp nghe lời rồi. Tới chừng vào bàn ăn cơm tất niên, nhóc ta còn nhất quyết phải ngồi cạnh chú Tiểu Thẩm mới chịu. Nó giơ muỗng ra, loay hoay mãi vẫn không xúc được món muốn ăn, Thiên Việt bèn gắp vào chén cho nó. Đến khi ngước mắt lên, liền bắt gặp ánh nhìn khích lệ của Dĩ Thành, chỉ biết cười trừ.

Cơm nước xong xuôi, Dĩ Thành giành rửa hết cả đống chén đũa cao ngất, Thiên Việt thì phụ giúp mẹ và chị chuẩn bị trà nước, trái cây, quà bánh, kẹo mứt, hạt dưa các loại, xếp ra đĩa nhỏ thành những phần như nhau, rồi bày lên, ở nhà Thiên Việt cho dù có là năm mới cũng bày biện rất đơn sơ, chẳng có được không khí Tết đầm ấm như vầy, nên đây là lần đầu tiên cậu được hưởng một cái Tết đúng nghĩa, lòng vui phơi phới, gánh nặng trong tim cũng buông bỏ, bắt đầu để lộ cái tính lí lắc.

Mẹ với chị hỏi han về công việc của cậu, Dĩ Thành liền đáp thay: “Việt Việt làm dịch thuật. Rành cả hai ngoại ngữ nhé, nói năng lưu loát như tiếng mẹ đẻ ấy.”

Mẹ anh nghe vậy mới cười bảo rằng: “Gia đình cháu toàn người có học thức nhỉ, dì còn nhớ có năm giáo sư Thẩm tiếp đón một đoàn chuyên gia đến từ nước ngoài, lúc dì vào phòng họp châm nước, sợ quíu giò quíu cẳng luôn, khi đó dì còn nghĩ, đầu óc người này cấu tạo kiểu gì không biết, mấy thứ tiếng nghe chẳng hiểu gì ráo mà cũng có thể học được.

Mọi người cười ồ cả lên, Dĩ Thành bật ngón cái với Thiên Việt đang ngồi xa xa. Rồi mới nói: “Mẹ, hiện tại Việt Việt đang ở chung với con, bố mẹ em ấy xuất ngoại hết rồi, trong nhà chỉ còn một mình em ấy, quạnh quẽ lắm.”

Mẹ nói: “Tốt tốt tốt, con nhớ phải đối xử tử tế với con người ta như hồi bé nghe chưa, đừng có mà ức hiếp em nó đấy.”

Chị cười nói: “Mẹ yên tâm đi, Dĩ Thành nhà mình hồi nào giờ có biết bắt nạt ai đâu.”

Mẹ hùa theo: “Nói cũng phải.”

Đến khi rời khỏi nhà mẹ thì cũng đã quá nửa đêm rồi, mấy thanh niên trẻ tuổi đốt pháo đầy đường, nổ đì đùng khắp nơi, tưng bừng náo nhiệt. Trên mặt đất còn đọng lại một lớp tuyết mỏng rơi từ hôm trước, mỗi bước chân đạp lên lại nghe lẹp xẹp, trơn lùi. Lợi dụng lúc tối trời, Dĩ Thành nắm lấy tay Thiên Việt, nhỏ giọng thủ thỉ: “Mẹ với chị anh đều quý em lắm đấy.”

Thiên Việt thở phào nhẹ nhõm, cười toe tháo găng tay ra, đưa sát lại gần nhìn, rồi lại giơ qua cho Dĩ Thành xem, nói: “Sợ chết đi được, lòng bàn tay túa đầy mồ hôi nè.”

Dĩ Thành nắm lấy bàn tay đang chìa tới của cậu, đáp: “Việt Việt, chẳng phải đã nói không cần phải sợ sao, sẽ ổn cả mà.”

Thiên Việt lại thở dài, nắm ngược lại tay Dĩ Thành, thì thầm: “Nếu thật sự ổn thì hay quá.”

Dĩ Thành nói: “Đương nhiên là sẽ được mà. Nhất định là vậy.”

- Hết chương 33-

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.