Khi cuốn “Cây sa kê ra đi” xuất bản năm ngoái, tôi nhận được rất nhiều thư và điện tín của độc giả gửi đến. Họ rất muốn biết Lâm Phương Văn rốt cuộc còn sống hay đã chết.
Tôi không nghĩ sự sống chết của Lâm Phương Văn lại nhận được nhiều hồi đáp tới như vậy. Kỳ thực, lúc đó tôi còn chưa quyết định có muốn để anh ta chết hay không. Một năm qua, trong đầu có vài suy nghĩ cứ luẩn quẩn: Lâm Phương Văn có thể chết, cũng có thể chưa chết.
Cuối cùng, tôi quyết định không cho anh ta chết.
Tôi muốn viết, là sự trưởng thành của Lâm Phương Văn và Trình Vận. Để Lâm Phương Văn chết, vậy có phần quá dễ dàng. Không cho anh ta chết, khó khăn càng cao, cũng càng hiện thực hơn đôi chút.
Lâm Phương Văn không chết, anh ta lựa chọn một cuộc sống khác.
Trình Vận tưởng rằng Lâm Phương Văn đã chết. “Cái chết” của Lâm Phương Văn thành toàn cho một cuộc sống mới của cô, một cuộc sống mà cô chưa từng mơ tưởng đến. Giống như Trình Vận đã nói, trong thời kỳ chuyển giao giữa hai cuộc sống gặp trăm điều khó khăn, đến một ngày quay đầu lại nhìn, hóa ra bản thân đã bay cao ngàn dặm.
Khi Trình Vận phát hiện hóa ra Lâm Phương Văn còn sống, cô ấy trách anh ta ích kỷ. Nhưng Cát Mễ Nhi bỗng nói: “Thế nhưng, cuối cùng chị có tổn thất gì sao?” Trình Vận bỗng nhiên tỉnh ngộ. Nếu Lâm Phương Văn không có “chết”, cô ấy cũng đã không trưởng thành.
“Cô gái trên cây sa kê” là giai đoạn mà Trình Vận cho rằng tình yêu là tất cả trong cuộc sống. Đến phần “Cây sa kê ra đi” thì Lâm Phương Văn là tất cả của Trình Vận. Cuối cùng “Cây sa kê lưu lạc”, Trình Vận đã có ước mơ và cuộc sống của riêng mình. Trưởng thành, mới là kết quả cuối cùng của phụ nữ. Tình yêu sau khi trưởng thành, mới là tình yêu thành thục hơn.
Lâm Phương Văn cũng đã thay đổi. Trong cuốn một, anh ta là một người chỉ biết bản thân, không quá quan tâm đến người khác, thậm chí không hiểu người yêu. Tới cuốn hai, anh hình như đã trưởng thành hơn, nhưng thật ra lại không có cách nào giải quyết mâu thuẫn trong nội tâm, không thể nào chung thủy với một mối tình. Trong “Cây sa kê lưu lạc”, Lâm Phương Văn đã tìm được đường sống trong gang tấc, mới nhận ra tình yêu trong lòng mình. Nhưng anh ta cũng hiểu ra, anh ta và Trình Vận mãi mãi không thể nào sống hòa hợp với nhau. Anh cũng không biết, “cái chết” của anh đã thay đổi cô ấy.
Các bạn đừng hỏi tôi, người Trình Vận yêu là Lâm Phương Văn hay là Đỗ Vệ Bình. Đây là chuyện giữa hai người khác nhau và hai cuộc đời khác nhau. Tình yêu chỉ là một thứ tương đối, không thể nào không có chút tiếc nuối được.
Khó khăn nhất đối với tôi chính là cái chết của Cát Mễ Nhi. Khi viết đến đoạn cô ấy đến tiệm sách gặp Trình Vận, và nói với Trình Vận rằng: “Em sẽ đi gặp Lâm Phương Văn sớm thôi.” Sau cảnh này, tôi rất đau lòng. Đã từng có độc giả nói, các tiểu thuyết của tôi hình như đều có chết chóc. Đúng vậy, tôi luôn luôn có một suy nghĩ mãnh liệt đối với cái chết. Cái chết là sự từ biệt mãi mãi, mà điều tôi sợ nhất chính là từ biệt cô quạnh.
Sợ, nhưng không có cách nào trốn tránh.
Tôi vào lúc này tin tưởng sâu sắc rằng tình yêu đẹp nhất là thành toàn. Chỉ là, sau khi thành toàn, vượt mọi chông gai, không biết có một ngày có thể bay cao ngàn dặm hay không.
Sau “Cây sa kê lưu lạc”, câu chuyện về cây sa kê cũng nên tạm thời cáo biệt với mọi người một thời gian. Có lẽ, đợi mấy năm sau, chúng ta lại quay lại xem hai người Lâm Phương Văn và Trình Vận, đã trải qua cuộc sống thế nào.
Trong cuốn trước, mọi người đã oán giận tôi quá tàn nhẫn khi “giết chết” Lâm Phương Văn. Hôm nay anh ta đã “sống lại”, mặc dù không thể cùng Trình Vận bay cao, nhưng cuối cùng cũng là từ biệt hạnh phúc. Đừng nói tôi tàn nhẫn nữa.
7/7/2001
Trương Tiểu Nhàn