Câu Chuyện Phù Sinh

Quyển 4 - Chương 3




Trong danh sách những người không được hoan nghênh nhất của trường trung học Phụ Minh, chỉ có hai người được có mặt trong bảng. Một là chủ nhiệm Mã của phòng giáo vụ, chuyên quản lý kỷ luật và tác phong của nhà trường, vốn có mỹ danh là Quỷ Vương mặt sắt. Người thứ hai chính là nữ sinh lớp 11 số 6, Đường Tiểu Hoa.

Đường Tiểu Hoa, mười bảy tuổi, cao 1,59 mét, trắng, gầy, đeo kính cận 5 đi ốp, thành tích bình bình, không có nhiều sở thích, chả hiểu gì về ăn mặc trang điểm, là cái thể loại quẳng vào đám đông sẽ nhạt nhòa mất tích. Nói chung đó là một con nhóc quê mùa, chỉ cần đứng ghé vào bên cạnh tôi sẽ bị vầng hòa quang bảnh bao hào nhoáng của tôi nhấn chìm ngỉm. Với con nhóc quê kệch này, mọi người phần nhiều cảm thấy sợ hãi, cũng giống như tình cảm mà số đông người ta giành cho các loài gián chuột, vừa ghét vừa sợ.

Bởi vì Đường Tiểu Hoa nổi tiếng là độc miệng, hễ kẻ nào bị cô ả mở miệng vàng phán ra những lời đại loại như “cẩn thận kẻo cảm đấy nhé”, “ra đường nhớ chú ý xe cộ”, “cuộc thi này cậu nhớ chú ý cẩn thận, dễ trượt vỏ chuối lắm đấy”, thì mười lần cả mười đều thành sự thực, chẳng trượt lần nào. Ban đầu, mọi người cho là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng sau vô số lần trùng hợp, mọi người dần dần chuyển từ nghi ngờ tới thừa nhận năng lực quái dị của nó, từ chẳng buồn bận tâm đến kiêng kỵ đủ bề. Những nhà có người già cả còn cảnh cáo con cháu không được bén mảng đến gần loại người này, cô ả quá xui xẻo.

Là một nhân chứng sống, tôi từng tận mắt chứng kiến vô số thảm án như vậy. Ngay từ khi cô ả vẫn còn là một đứa bé đang bập bẹ tập nói, một hôm, bà mẹ bế con bé tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe, con bé liền chỉ vào chiếc nhẫn kim cương lấp lánh trên tay cô y tá, lắp bắp một chữ: “Mất…mất…”. Hai giờ đồng hồ sau, khi cô y tá đang rửa tay, chiếc nhẫn kim cương tuột luôn xuống đường ống nước, mò mãi không thấy.

Cuộc đời trắc trở của Đường Tiểu Hoa đã mở màn từ thời điểm đó. Từ nhỏ, tôi đã vô số lần phải giúp nó đón đỡ đủ các loại gạch đá, rau thối ném vào người. Đám nhãi ranh chưa biết sự đời thường nhổ nước bọt vào nó, mắng chửi nó là đồ quái vật. Hàng xóm láng giềng vừa nhìn thấy người nhà nó, lập tức quành sang đường khác. Ngay cả ánh mắt của bố mẹ nó, trong vẻ lo lắng còn hé lộ một niềm nghi hoặc mỗi ngày càng thêm nặng nề.

– Tiểu Thấu! – Đường Tiểu Hoa lúc mười tuổi ủ rủ trên chiếc cầu trượt trong trường, buồn bã nhìn vào tôi đang lơ lửng giữa không trung – Chẳng nhẽ làm một đứa trẻ thật thà là không đúng? Thấy giáo đã dạy, đứa trẻ ngoan phải nói thật, không được nói dối, đúng không?

Chao ôi, tôi cực ghét nó gọi tôi là “Tiểu Thấu”! Cái tên không những khó nghe, lại còn ẻo lả kinh người. Dù gì thì tôi cũng là một gã điển trai cao hơn mét tám. Cũng chỉ vì lúc đầu nó hỏi tôi tên gì, tôi không trả lời được, thế là nó liền tự ý gọi tôi là Tiểu Thấu. Nó nói chữ “Thấu” rất thân thiện, giống như cảm giác mà tôi mang lại cho cô.

Được thôi, tôi thừa nhận sau khi ra khỏi động hồ ly, ngay cả tên mình là gì tôi cũng quên tiệt. Nhưng tên tuổi thì có gì quan trọng, chỉ là một ký hiệu mà thôi. Tiểu Thấu thì Tiểu Thấu vậy. Tiểu Thấu bảo vệ Tiểu Hoa, đúng là sự kết hợp hoàn hảo.

Tôi biết, khi một cô bé mười tuổi hỏi câu này, là hoàn toàn nghiêm túc.

Tôi hạ xuống cạnh nó, trịnh trọng như một học giả uyên bác. Đường Tiểu Hoa, đôi khi, lời nói thật sẽ khiến con người ta không vui. Khi lời nói dối có lợi cho loài người, bọn họ sẵn sàng bị lừa gạt. Nguyên lý này, lớn lên chút nữa có lẽ cậu sẽ hiểu!

– Không hiểu, vẫn không hiểu! Cho dù tớ không nói, thì những việc không hay này cũng vẫn sẽ xảy ra. Lừa gạt người khác là rất không tốt. Trước câu hỏi này, Đường Tiểu Hoa mười tuổi đã dùng ánh mắt hoang mang tột cùng để kết thúc.

Đúng là đồ cứng đầu! Tôi bay trở lại không trung, nhìn xuống con người bé nhỏ bên dưới, đang ôm gối ngồi thẫn thờ trên chiếc cầu trượt màu da cam. Vệt nắng chiều di chuyển chậm chạp qua những sợi tóc đen nhánh của nó. Quỹ đạo của ánh sáng giống như vẽ ra một đóa hoa không dễ phát giác.

Tuy rằng đối với tôi, cô nhóc chỉ là một “nhiệm vụ”, nhưng nhìn khuôn mặt nhỏ bé mỗi lúc một thêm rầu rĩ dưới nắng chiều kia, lại khiến tôi không thể đành lòng, đặc biệt là đối với vết thương mới xuất hiện trên đầu gối con bé. Ngày hôm qua, tôi lẻn sang thành phố bên cạnh mua gà quay, cũng chỉ đi có mấy tiếng đồng hồ, mấy đứa trẻ ranh xấu bụng trong trường đã nhân lúc nó đang ngủ trưa, buộc chặt đầu dây trên hai chiếc giày của nó lại với nhau, khiến nó ngã một cú dập mặt. Tôi vẫn cảm thấy áy náy về việc này, dù sao tôi vẫn là một con hồ ly tốt bụng. Hơn nữa, Đường Tiểu Hoa ngoài cái tật hơi quê kệch hơi ngốc nghếch ra, cũng chẳng có khuyết điểm gì khác.

Điều quan trọng hơn là, con bé quê kệch này đối với tôi rất tốt. Nhà trẻ phát cho món quà vặt nào ngon miệng, những đứa trẻ khác đều chén gọn, còn con bé luôn chia một nửa cho tôi. Tuy tôi không thích đồ ngọt lắm, nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh mắt và bàn tay nhỏ xíu lấm lem nhưng đầy nhiệt tình của con bé chìa ra, tôi lại không thể chối từ. Có một ngày mùa đông, con bé còn vận dụng tài khéo học được trong tiết thủ công ở trường, đan được một cái khăn len lỗ chỗ nham nhở, tặng cho tôi trong ngày Giáng sinh.

– Xấu hoắc! – Một người chăm chút hình thức như tôi, cầm cái khăn len màu trắng ấy lên, ánh mắt xuyên qua một cái lỗ thủng toang hoác do rớt mũi, phía sau là nụ cười ngây ngô của Đường Tiểu Hoa.

– Cậu lúc nào cũng ăn mặc phong phanh, quàng thêm chiếc khăn sẽ ấm hơn đấy! – Con bé nói rất nghiên túc.

– Tôi là hồ ly, không sợ lạnh. – Tôi dí ngón tay vào cái đầu bé nhỏ của nó – Tốn thời gian công sức, mà đan lại xấu mù thế này!

Đường Tiểu Hoa thở dài như một bà cụ non, lụng bụng:

– Ngoài thứ này ra, tớ chẳng có món quà nào khác tặng cậu cả.

– Sao phải tặng quà cho tôi? – Tôi cảm thấy lạ lùng, con nhóc quê mùa này đầu óc thật không bình thường.

– Bởi vì Tiểu Thấu luôn luôn bảo vệ tớ mà! – Con bé nghiêng nghiêng cái đầu – Cậu rất tốt với tớ, nên tớ muốn tặng quà cho cậu. Như vậy cậu cũng sẽ biết rằng tớ cũng rất tốt với cậu.

Mẹ ơi, con nhóc quê kệch này đúng là thật thà một cách ngô nghê.

– Nghe rõ đây, bảo vệ cậu là công việc của tôi. – Tôi nghiêm nghị nói – Tôi không nhận bất cứ món hối lộ nào, đặc biệt là cái thứ xấu xí như thế này!

– Nhưng tớ đã đan mất cả tuần… – Con bé có phần thất vọng.

Tôi nhìn những tia đỏ li ti trong mắt nó, lại còn hai vết đỏ tấy vì cóng trên hai ngón tay phải. Tôi thừa biết con ngốc ấy mấy hôm nay đang đan khăn len, nhưng không biết rằng nó đan tặng cho tôi.

– Được rồi được rồi! – Tôi vắt cái khăn lên cổ – Lần sau không được thế nữa!

Tôi ngẩng đầu lên, hình ảnh phản chiếu lên tấm kính của khung cửa số sát nền hiện lên rõ mồn một. Mái tóc đen dài quá thắt lưng buộc gọn gàng sau gáy, bộ đồ da đen rất ngầu toát lên vẻ thời thượng cực kỳ bắt mắt, kết hợp với cặp kính râm Armani cá tính, hoàn hảo đến phát khóc lên được! Nhưng, bây giờ lại có thêm một mảnh khăn quàng quê kệch… Tôi muốn khóc thật rồi!

Đường Tiểu Hoa thấy tôi đã quàng món quà của nó, thì nhảy tưng tưng lao tới, ôm chầm quanh lưng tôi cười khanh khách:

– Tiểu Thấu thật tuyệt vời!

Trên tấm kính trong vắt phản chiếu một cái ôm đầy tình cảm. Tôi vô tình liếc qua, trong lòng chợt ngẩn ngơ mất một thoáng.

Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi đột nhiên cảm thấy, chiếc khăn quàng kia vắt trên người tôi lại không hề khó coi.

Hơn nữa, tôi còn hơi thinh thích cảm giác được cái thứ bé xíu mềm mại này ôm lấy.

Tôi tiếp tục suy đoán về động cơ thực sự mà lão hồ ly phái tôi tới bảo vệ Đường Tiểu Hoa, chẳng lẽ chỉ là bởi vì lời nói thật khó tìm, trong cái thế giới đầy rẫy lời gian dối này, một đứa trẻ chỉ kiên quyết nói lời chân thực trở nên trân quý biết nhường nào, nên nhất định phải bảo vệ cho nó thật bình an suôn sẻ?

Lý do này thực sự quá hoang đường!

Đường Tiểu Hoa là con người, nhưng tuyệt đối không phải là con người bình thường. Khả năng “độc miệng” của nó khiến người ta sợ hãi, và càng khiến tôi bất ngờ. Nó nói rằng những người sắp gặp phải chuyện không may, trên trán sẽ tỏa ra những làm khí màu sắc khác nhau; màu sắc càng đậm, tai họa sắp xảy ra càng nghiêm trọng.

Nó có khả năng nhìn thấy làn khí này. Không những thế, chỉ cần nó chú tâm hơn một chút, vận dụng một thứ sức mạnh ý niệm bẩm sinh, còn có thể thông qua làn khí đó mà biết được sẽ xảy ra chuyện không may gì.

Thế nhưng, khả năng thiên phú và may mắn trời cho không phải là một. Khả năng thiên phú của Đường Tiểu Hoa chỉ có thể mang lại cho nó một nỗi sợ hãi không thể xua tan, cùng với ánh mắt khác lạ và xa lánh của những người xung quanh. Tôi từng hỏi nó rằng, làn khí trên trán tôi có màu gì. Nó nói, nó không nhìn thấy. Đây lại là một chuyện quái lạ nữa, lẽ nào khả năng khác thường của người được bảo vệ lại vô hiệu đối với người bảo vệ?

Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mừng húm. Thói quen thích nghe chuyện tốt, không thích nghe chuyện xấu không chỉ có ở loài người, mà hồ ly cũng như vậy. Đặc biệt là đối với một hồ ly chỉ mong ngóng sớm hoàn thành nhiệm vụ để quay về ngủ cho đã như tôi.

Đường Tiểu Hoa dần dần lớn lên dưới dự bảo vệ của tôi. Tôi tận mắt chứng kiến nó từ một đứa trẻ bé xíu trở thành một thiều nữ cao ngang vai tôi. Nó lớn thêm được chút nào, tôi lại thấy nhẹ nhõm hơn chừng ấy. Đợi tới ngày cuối cùng của cuộc đời nó, tôi đã có thể công đức viên mãn cuốn gói về nhà. Trong thời gian này, chỉ cần con bé quê kệch đó không gây cho tôi quá nhiều phiền phức, tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Cần biết rằng, để thu xếp hậu quả cho con bé độc mồm độc miệng này, rất chi là hao tâm tốn sức. Tôi lại không phải là một con hồ ly chăm chỉ cho lắm.

Nhưng vẫn còn may Đường Tiểu Hoa cũng được coi là một con nhóc biết điều trong nhiều năm qua chưa từng gây rắc rối nào quá lớn.

Thế nhưng gần đây, nó khiến tôi đánh hơi thấy một thứ mùi nguy hiểm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.