Cánh Cửa

Quyển 1 - Chương 19: Hiện hình




Trưa hôm ấy, tôi ngồi trong bệnh viên chờ bác sĩ nhãn khoa tới.

Dãy hành lang hiu hắt vắng vẻ, ngoài tôi ra thì chằng còn bệnh nhân nào khác.

Tận cùng hành lang có một cánh cửa. Bản lề cửa làm bằng thủy tinh, nhìn qua lại thấy thêm một dãy hành lang khác, ở đó có bác sĩ, có bệnh nhân đi qua đi lại, ấy vậy mà chẳng nghe thấy âm thanh gì hết.

Tôi đứng dậy, bước tới cánh cửa và phát hiện ra rằng: thì ra đó không phải thủy tinh, mà là một tấm gương.

Tôi quay mình lại, trông vào dãy hành lang trống không vô định và tóc gáy bất chợt dựng ngược lên.

… Bác sĩ nói: “Mắt của anh nay đã vô phương cứu chữa.”

Trái Đất vẫn tiếp tục vòng quay của mình, mặt trời cứ tiếp diễn chu trình mọc rồi lặn xuống.

Tang tảng sáng, đất và trời hãy còn lẫn lộn với nhau giữa một màu âm u. Gã nhà văn nhận được điện thoại của Mễ Gia:

– Tám giờ tối nay, công ty sẽ tổ chức buổi gặp mặt lần thứ hai tại trường Đại học Tây Kinh, anh hãy chuẩn bị để phát biểu.

– Cô phát biểu đi, tôi nói theo.

– Anh là nhân vật chính cơ mà.

– Tinh thần tôi đang hoảng loạn, e ăn nói không được chau chuốt.

– Lại xảy ra chuyện gì à?

– Đêm hôm qua trong nhóm QQ tôi gặp một người ăn nói rất quái đản. Sau đó, tôi mời cô ta chat bằng webcam, cô có biết đó là ai không?

– Ai?

– Cố Phán Phán!

– Lại tóc tai rũ rượi, máu me bê bết chứ gì? Người con gái xuất hiện trong tòa nhà đạo cụ lần trước từ đầu đến cuối chưa từng lộ mặt, cô ta rốt cuộc là ai thì bây giờ vẫn chưa thể xác định rõ.

– Nhưng lần này tôi thấy mặt cô ấy. Đúng! Chắc chắn là cô ta!

– Thôi được, tạm gác chuyện này lại. Tối nay anh tự lái xe tới hay là tôi cho người qua đón đây?

– Tôi bắt buộc phải đi sao?

– Bắt buộc.

– … Vậy cô cho người đến đón tôi đi!

Tối hôm đó khi gã vừa có mặt tại đại học Tây Kinh thì đã có ba sinh viên đứng sẵn ở cổng đón: một sinh viên nam dáng người cao cao cùng hai nữ sinh mặc đồng phục đón khách.

Chàng sinh viên cao lớn chạy tới nói:

– Chào thầy!

Gã nhà văn nhìn lướt cậu ta trong giây lát rồi hỏi:

– Lần trước khi tôi đến, có phải cậu đã đón tôi không?

– Không phải! – Nam sinh đáp.

– Nhưng sao tôi thấy mặt cậu quen lắm. – Gã nhà văn nói.

– Thầy quên rồi sao, chính em đã đến công ty xin chữ ký thầy đây mà. Em còn đợi thầy cả chiều ấy chứ. – Cậu ta đáp.

– Cậu xem cái trí nhớ tôi đấy! – Gã đáp.

Nam sinh cười hồn hậu và nói:

– Đây chính là điểm khác biệt giữa người nổi tiếng và người bình thường. Thầy gặp bao nhiêu người như thế, làm sao mà nhớ từng cá nhân được. Nhưng hễ ai từng gặp thầy thì đều nhớ mãi không quên.

Gã nhà văn cười và nói:

– Người nào luôn ở chỗ sáng tức là đang thường trực tại nơi nguy hiểm nhất.

Bước vào hội trường hình chữ T, các sinh viên đồng loạt đứng dậy chào đón gã nhiệt liệt bằng những tràng pháo tay. Giống như lần trước, phân nửa số ghế đã kín chỗ, tất cả đều dồn hết lên trên, những vị trí hàng dưới đều trống không.

Gã nhà văn ngồi trên bục giảng.

Ánh mắt gã lướt qua từng khuôn mặt trong hội trường rồi lại nhìn ra phía đằng sau. Trong lần gặp gỡ trước, Cố Phán Phán từng ngồi ở vị trí xa cách nhất, tách biệt nhất. Giờ đây, chiếc ghế đó đã trống.

Mễ Gia đã có mặt, cô ngồi ở ngay hàng đầu. Phục Thực ngồi ngay bên trái, nam sinh kia ngồi bên phải. Nữ đạo diễn không tới, sau phen kinh hồn bạt vía ở tòa nhà đạo cụ nọ, cô vẫn nằm nhà dưỡng bệnh.

Dẫn chương trình là một nữ sinh. Cô diện bộ váy dạ hội lông vũ trắng, tóc tết theo kiểu của vũ công ba lê, trang điểm theo phong cách ngọt ngào trông thật diễm lệ.

Cô cầm micro và dõng dạc nói:

– Trong cuộc gặp mặt lần trước, thầy giáo đã tới đây thuật lại cho chúng ta nghe những trải nghiệm đầy gian nan trong cuộc đời. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ mời thầy đến để kể lại những chuyện kinh dị do chính thầy từng trải qua, có được không các bạn?

– Được! – Tiếng đáp của toàn thể sinh viên nhất tề vang dội.

Gã nhà văn thu ánh mắt lại, khẽ mỉm cười rồi từ từ vào chuyện.

Gã thuật lại câu chuyện tòa nhà đạo cụ âm u, kể về người con gái bất thần xuất hiện, kể về khuôn mặt đẫm máu trong đoạn video…

Toàn bộ hội trường chìm trong im lặng.

Những đôi mắt đang giương căng ra như thể sợ đánh rơi mất một chữ nào đó. Họ chẳng thể nào biết được câu chuyện kia có thật hay chỉ là bịa đặt.

Kể xong, gã nhà văn tổng kết lại:

– Tuy tôi là người sáng tác truyện kinh dị, nhưng tôi luôn hy vọng mọi điều kinh dị trong cuộc sống chỉ là những câu chuyện. Nhưng cuộc sống này không phải do chúng ta tự sắp đặt, không ngoại trừ một ngày nào đó, ác mộng sẽ bất chợt thành sự thật. Vì thế, trong cuộc sống hiện thực, chúng ta phải đón nhận những bài học tâm lý chống lại nỗi sợ hãi. Giả sử như bây giờ đây, ta không thể khẳng định: tuyệt đối không có chuyện một người con gái tóc tai rũ rượi đang từ từ nhô mình lên từ đằng sau tôi.

Nữ sinh dẫn chương trình quay sang nhìn và giật thột lui xuống. Có người thấy thế đột nhiên bật cười thô lỗ ngay giữa bầu không khí yên lặng. Nhận ra sự sơ suất của mình, cô bèn chữa cháy:

– Thưa thầy, thầy cứ tiếp tục dẫn chuyện, em xin phép xuống dưới sân khấu ngồi cùng với khán giả.

Cô ngượng ngùng lè lưỡi rồi bước khỏi sân khấu, xuống ngồi ngay vào chiếc ghế ngay cạnh Mễ Gia. Chẳng hiểu tự bao giờ, hai chỗ ngồi hai bên Mễ Gia đều đã trống.

Gã nhà văn cười xòa và tiếp tục câu chuyện:

– Thật ra nỗi kinh hoàng cũng tốt. Nó khiến người khác phải tự nhìn nhận bản thân, biết kiêng kỵ, biết suy nghĩ, biết kính sợ…

Đột nhiên, gã ngừng lại.

Ai nấy đều nhìn gã với con mắt trông ngóng và đợi chờ những lời nói tiếp theo. Nhưng chẳng có lời nào hết, gã nhà văn như vừa hóa thành một pho tượng đất. Ánh mắt gã dán chặt vào chiếc ghế ngồi ở nơi xa nhất, tách biệt nhất.

Cố Phán Phán đang ngồi đó. Cô mặc chiếc áo phông đỏ, ánh mắt xa xăm dành cho gã muôn vẻ ái mộ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.