Cẩm Tú Lương Duyên (Ngoại Truyện Phượng Ẩn Thiên Hạ)

Quyển 2 - Chương 25: Đau lòng




Ta đi qua cây cầu đá chín khúc mười tám đoạn, tiến vào trong đình.

Trên trời một vầng trăng tròn, dưới nước một vầng trăng tròn. Trên mái ngói trong đình treo tám chiếc dèn, dưới nước cũng có tám chiếc đèn, phản chiếu trong ngoài đình sáng trưng.

Trong hoàng cung này, Đào Nguyên cư rõ ràng là một chốn thế ngoại đào nguyên. Còn phụ hoàng và mẫu hậu lúc này chẳng giống hoàng thượng và hoàng hậu chút nào, mà giống như những ẩn sĩ nơi thế ngoại.

Mẫu hậu đứng bên đình, một thân váy lụa thêu hoa màu đỏ theo gió múa lượn, bà đứng bên dòng nước, dường như đang thả câu. A Cẩm đứng bên cạnh mẫu hậu.

Phụ hoàng một thân thường phục màu trắng, mái tóc đen để xõa, tuấn tú tiêu sái, đang đánh cờ với Hồ Ly.

Quả là một bức tranh thư nhàn tuyệt đẹp.

Ta hậm hực giậm chân, chạy bình bịch đến.

Mẫu hậu chăm chú nhìn xuống mặt hồ, nghe thấy tiếng bước chân của ta, không hề ngẩng đầu lên, cười nói: “Suỵt... Sơ nhi, đừng làm cá của ta sợ bỏ chạy mất.”

Ta tức đến mức bốc khói trên đầu.

Đang yên đang lành sao phải bày trận chờ ta xông vào, thế đã đành, ta liều chết xông vào rừng đào, các người tốt xấu gì thì cũng lo lắng một chút đi chứ, tỏ thái độ một chút cũng có gì là quá lắm đâu? Thế mà còn ở đây tự tại, người thì câu cá người thì đánh cờ. Ừ thì thế cũng đành, ta khó khăn lắm mới cửu tử nhất sinh thoát ra được, các người ít nhiều cũng tán thưởng vài câu, nói ta võ công tiến bộ gì đó đi chứ? Ai ngờ, đến một câu cũng không nói.

Huống hồ, lâu lắm ta chưa về, cũng phải tỏ vẻ nhớ nhung ta một chút chứ?

Trái tim bé nhỏ của ta bị thương nghiêm trọng rồi. Ta đứng trong đình không động đậy.

Mẫu hậu chăm chú nhìn xuống mặt hồ, nhìn nghiêng, bà búi một búi tóc lệch, trên tóc cắm cây trâm vàng rủ xuống, những đường nét trên cổ thon gọn tuyệt đẹp.

Ta xuýt xoa kêu lên: “Đau quá, con bị thương rồi!”

Ta vừa dứt lời, trong đình bỗng trở nên yên tĩnh. Bỗng nhiên, mẫu hậu vung cần trúc trong tay, vui mừng kêu lên: “Cá to quá!”

Kế đó bà nhấc tay, một con cái chép dài chừng hai thước bay về phía ta, ta không kịp đề phòng, giơ tay ôm lấy.

Ta sững người, ôm con cá một cách ngốc nghếch.

Con cá chép to đùng và ta bốn mắt nhìn nhau, dường như đều có chút ngẩn ngơ. Ta khóc không ra nước mắt.

Mẫu hậu lại thả cần xuống nước, bắt đầu chuyên tâm câu cá.

Hiên Viên Cẩm chạy qua hỏi ta một cách quan tâm: “Sơ nhi bị thương ở đâu?” Ta cực kì cảm dộng, đang định nói chuyện với Viên Cẩm.

Hồ Ly đi một quân cờ đen, ngẩng đầu cười nói: “Nghe tiếng các thị vệ trong rừng kêu thảm thiết, đủ biết là ai bị thương rồi. Sơ nhi, lần này muội dùng thứ độc gì?”

Ta chợt nhếch môi cười, buông con cá trong tay ra, con cá chép to rất chắc khỏe, nhảy tung tăng lên bàn đá, quẫy tung bàn cờ của phụ hoàng và Hồ Ly. Kế đó con cá chép nhảy vào lòng Hồ Ly, quẫy nước bắn đầy lên mặt Hồ Ly, Hồ Ly nhảy dựng khỏi ghế, chẳng may lật tung cả chiếc ghế đẩu.

“Soạt” một tiếng, phụ hoàng xòe quạt chắn dòng nước, mới may mắn thoát nạn.

A Cẩm vừa nhảy vừa tránh con cá chép đang tung tăng dưới đất.

Trong đình được một phen náo nhiệt.

Ta ôm bụng cười ha hả, những phiền não vừa rồi lập tức mất hút.

Mẫu hậu giẫm lên con cá đang tung tăng dưới đất, quay đầu nhìn ta mỉm cười nói: “Sơ nhi vui như vậy, xem ra đã biết lần này quay về là để chọn chồng cho con rồi hả?”

Ta toát mồ hôi lạnh! Không biết rốt cuộc mẫu hậu nghĩ như thế nào.

Ta lập tức chu môi nói: “Mẫu hậu sai rồi! Sơ nhi vui mừng vì sắp được ăn món cá ngon.” Trong những tình huống thông thường, chỉ cần mẫu hậu đích thân câu cá, sau đó chắc chắn phụ hoàng sẽ xuống bếp nấu canh cá.

Phụ hoàng nghe thấy thế, ngước mắt nhìn ta cười nói: “Xem ra Sơ nhi ở bên ngoài phải chịu khổ không ít, đến cả món cá do mẫu hậu con làm cũng trở thành món ngon rồi!” Ta sững người, chẳng lẽ lát nữa mẫu hậu sẽ xuống bếp sao? Vậy thì đáng sợ quá.

Mẫu hậu quay đầu tươi cười nói: “Sơ nhi nói như thế, mẫu hậu rất vui. Sơ nhi muốn ăn cá hấp, cá kho, hay là...”

Hồ Ly còn lo lắng hơn ta, vội nói: “Mẫu hậu, người câu cá cả ngày nhất định đã mệt, để phụ hoàng làm đi. Nếu không thì để ngự trù nấu cũng được.”

Mẫu hậu nheo mắt cười nói: “Đã lâu như vậy các con mới về, bây giờ Doanh nhi lại đưa A Cẩm đến, mẫu hậu nhất định phải đích thân xuống bếp mới được.” Vừa dứt lời, bà lại câu thêm một con cá lớn.

Tối hôm đó, cả nhà ta ngồi bên chiếc bàn đá trong đình, ăn một bữa canh và cá nướng “ngon lành”.

Trong bữa cơm, mẫu hậu nói: “Sơ nhi đã trở về, qua vài ngày nữa, Bắc Đế sẽ dẫn đệ đệ của huynh ấy đến cầu thân. Nghe nói, Tiêu Lục là một nam nhi tốt, tài mạo đều xuất chúng, Sơ nhi đi gặp thử xem sao.”

Ta còn chưa kịp nói, phụ hoàng đã nheo mắt, cười nói: “Nói cũng phải, có điều nam nhi tốt đâu phải chỉ có mình Tiêu Lục, phụ hoàng cũng đã tìm cho con vài người, đến lúc đó Sơ nhi gặp cả xem.”

Mẫu hậu sững người, hiển nhiên không ngờ phụ hoàng cũng tìm người cho ta.

“Chàng định để cho Sơ nhi gặp ai?” Mẫu hậu vừa gỡ xương cá vừa hỏi.

“Nàng yên tâm, đều là những nam nhi tốt không kém gì Tiêu Lục. Bắc Triều có gì hay ho đâu, cứ đến mùa đông là rét căm căm, ta không nỡ để Sơ nhi của chúng ta đến đó chịu khổ.” Phụ hoàng uống một ngụm canh cá, từ tốn nói.

Mặt mẫu hậu sa sầm, lạnh lùng “hừ” một tiếng: “Ồ... thì ra chàng cũng biết Bắc Triều mùa đông rét căm căm kia à!”

Phụ hoàng lập tức toát mồ hôi hột. Ta cũng biết, năm xưa phụ hoàng đã từng để mẫu hậu đến Bắc Triều hòa thân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.